Hãy phân tích đoạn thơ từ câu “Dù em nên vợ nên chồng” đến hết đoạn Trao duyên

0
85
Rate this post

Đề bài: Hãy phân tích đoạn thơ từ câu “Dù em nên vợ nên chồng” đến hết đoạn Trao duyên

hay phan tich doan tho tu cau du em nen vo nen chong den het doan trao duyen

Phân tích đoạn thơ từ câu “Dù em nên vợ nên chồng” đến hết đoạn Trao duyên

Bạn đang xem: Hãy phân tích đoạn thơ từ câu “Dù em nên vợ nên chồng” đến hết đoạn Trao duyên

1. Phân tích đoạn thơ từ câu “Dù em nên vợ nên chồng” đến hết đoạn Trao duyên, mẫu 1:

Trao duyên là một đoạn trích trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã để lại nhiều cảm xúc nhất trong lòng người đọc. Đoạn trích đã thể hiện tâm trạng xót xa của Kiều khi nhờ em trả duyên cho chàng Kim. Còn nỗi đau nào đau hơn khi phải trao đi tình yêu của mình và nhờ em gái của mình trả mối duyên đẹp đẽ ấy. Sau những lời bộc bạch nhờ cậy em, khi nàng hiểu rằng em phải lấy người không yêu mình đã là một sự hi sinh rất lớn nên nàng đã nghĩ rằng nếu em làm vậy, nàng cũng mãn nguyện nơi chín suối. Kiều trao từng kỉ vật cho em và nghĩ đến chuyện tương lai của Vân và Kim Trọng:

” Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”

Kiều đã nhờ cậy trao duyên cho em, trao những kỉ vật tình yêu cho em nhưng nàng vẫn không thể nào dứt được mối tình đó. Kiều đã tưởng tượng ra sau chuyện sau này Thúy Vân và Kim Trọng sẽ thành vợ thành chồng. Nàng đã cố gắng an bài hết tất cả mọi chuyện trước khi bán mình chuộc cha vậy mà nàng vẫn nghĩ đến chuyện chẳng lành “Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên”. Kiều tự coi mình là “người mệnh bạc” và thấy mình thật đáng thương, duyên phận hẩm hiu khi không thể giữ trọn vẹn tình yêu với chàng Kim. Số phận của Kiều để người ta phải xót thương vô cùng. Nhưng khi nàng trao đi kỉ vật cho Vân thì kỉ vật vẫn còn đó dù cho ” mất người” nàng đã ra đi. “Phím đàn” với ” mảnh hương” vẫn còn đó, đó chính là những kỉ niệm chung giữa Kim – Kiều đốt hương và gảy đàn bên nhau. Đọc những câu thơ, ta thấy Kiều có yếu đuối không? Không, thực chất nàng không hề yếu đuối. Nàng đã từng “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để có thể gặp Kim Trọng. Nàng can đảm để bán mình chuộc cha giữ chữ hiếu, đạo làm con. Ta chỉ thấy rằng, Kiều rất trân trọng mối tình với chàng Kim, tình yêu sâu đậm gắn chặt vào tâm can nàng.

phan tich doan tho trong trao duyen

Bài văn phân tích đoạn thơ từ câu “Dù em nên vợ nên chồng” đến hết đoạn Trao duyên

Tám câu thơ tiếp theo gợi đến tương lai và Kiều lại nghĩ đến cái chết:

“Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy soi tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan.”

Câu thơ “Mai sau dù có bao giờ” gợi đến tương lai thê thảm, u tối của Kiều. Kiều nhớ đến đêm thề nguyền khi nàng cũng Kim Trọng đã có tình yêu rất đẹp, nàng gảy đàn cho chàng Kim nghe. Lời nói của Kiều vọng về để nghĩ về cảnh âm dương cách biệt giữa nàng với em gái và chàng Kim. Nàng chỉ mong rằng khi đó em hãy nhớ đến mình, hồn oan của Kiều trở về làm lay động cả ngọn cỏ lá cây. Nàng mong em hãy xót thương cho nàng. Hồn của Kiều vẫn còn “mang nặng lời thề” với Kim Trọng nên nàng vẫn còn vương vấn. Ở dưới “dạ đài” tăm tối, nàng vẫn sẽ nhìn thấy hai người mong em gái hãy rưới xin giọt nước để rửa oan cho nàng.

Cuối cùng, nàng gửi đến lời với chàng Kim:

” Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muon vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngửi có ngần ấy thôi”

Từ đầu đoạn trích giờ, ta chỉ thấy những lời của Kiều gửi đến em gái để mong em trả duyên hộ mình cho chàng Kim. Thì đến đây, Kiều chuyển lời hướng đến Kim Trọng. Nàng than đến mối tình tan vỡ ” trâm gãy gương tan”. Hai người đã có tình cảm rất đẹp và trong sáng vượt qua cả lễ nghi phong kiến để đến với nhau. Vậy mà “sự đâu sóng gió bất kì” đã khiến hai người không đến được với nhau. Để giờ đây, chia cắt, nàng buộc phải phụ tình chàng Kim để cứu cha. Nàng tiếc nuối “muôn vàn ái ân” giữa nàng với Kim Trọng. Thúy Kiều cảm thấy mình đã có tội rất lớn với chàng nên đã ” Trăm nghìn gửi lạy tình quân”. Đầu đoạn trích ta thấy Kiều đã “Cậy em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa” thì giờ đây nàng “lạy tình quân” lạy người yêu mình. Trăm nghìn lạy tình quân để ta thấy Kiều cảm thấy có lỗi như thế nào với người yêu của mình. Nàng gửi đến lời với Kim Trọng rằng tơ duyên giữa nàng với chàng thật ngắn ngủi, bây giờ đã kết thúc. Nàng thấm thía sự bạc bẽo của số phận “Phận sao phận bạc như vôi”. Nàng thương xót cho chính bản thân mình. Sau đó, Kiều cất lên tiếng gọi với người mình yêu:

” Ôi Kim Lang ! Hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Tiếng gọi của Kiều thật da diết, đầy tuyệt vọng. Tiếng vọng ấy Kim Trọng không hề nghe được, nàng đã dứt lời khẳng định “thiếp đã phụ chàng từ đây!”. Phụ tình yêu với chàng Kim là điều Kiều không hề mong muốn, Kiều tiếc nuối điều đó. Nhưng nàng đành chấp nhận vì duyên phận giữa nàng với chàng Kim đã kết thúc từ đây.

Đoạn thơ vừa rồi đã diễn tả tâm trạng ân hận, day dứt của Kiều khi phụ tình chàng Kim và trao duyên lại cho em gái. “Trao duyên” chính là bi kịch của tình yêu trong sáng nhưng lại tan vỡ. Nguyễn Du bằng ngòi bút đầy kinh nghiệm và mang giá trị nhân đạo của mình đã cho người đời một kiệt tác thật xuất sắc.

2. Phân tích đoạn thơ từ câu “Dù em nên vợ nên chồng” đến hết đoạn Trao duyên, mẫu 2:

Nếu mười bốn câu thơ đầu của đoạn trích “Trao duyên” là lời giãi bày và thuyết phục Thúy Vân “chắp mối tơ thừa” của Thúy Kiều thì hai mươi câu thơ còn lại trong đoạn trích diễn tả việc Thúy Kiều trao lại những kỉ vật của tình yêu cho em gái và nhắn gửi nỗi lòng mình đến Kim Trọng. Đoạn thơ đã khắc họa những nỗi đau đớn, dằn vặt của Thúy Kiều khi mối tình với chàng Kim tan vỡ.

Nàng đã mường tượng đến lúc Thúy Vân và Kim Trọng trở thành vợ chồng bằng một tâm trạng đầy đau khổ:

“Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này”.

Những hạnh phúc Thúy Kiều có với Kim Trọng nay đã trở thành quá khứ – một quá khứ tươi đẹp nhưng cũng không khỏi xót xa.Nàng tự nhận mình là người có số phận bạc bẽo. Từ xưa đến nay, có mấy hồng nhan tránh được “cái điều bạc mệnh”:

“Rằng: hồng nhan tựa ngàn xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”

Và người con gái “sắc đành đòi một, tài đành họa hai”, người con gái có vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” ấy không nằm ngoài sự sắp đặt của định mệnh. Sự đối lập giữa khung cảnh hạnh phúc của Thúy Vân và Kim Trọng với sự bất hạnh của bản thân đã khiến nàng đau đớn gấp bội phần. Kiều đã trông thấy một tương lai mù mịt, tăm tối của bản thân và số phận hẩm hiu của mình khiến người khác phải xót thương. Nàng nhớ đến khoảng thời gian ở bên cạnh Kim Trọng nhất là đêm thề nguyền. Chàng Kim đã “đài sen nối sáp lò đào thêm hương” và sau khi thề nguyền xong nàng Kiều đã đánh đàn cho Kim Trọng nghe. Tiếng đàn như thêm phần gắn kết đôi trai tài gái sắc lại với nhau khiến tình yêu ấy ngày càng thêm thắm thiết. Tuy “mất người”, mất đi hạnh phúc của tình yêu đôi lứa nhưng Thúy Kiều vẫn giữ cho mình “chút của tin” là phím đàn và mảnh hương nguyền để tưởng nhớ về mối tình ấy.

phan tich doan tho du em nen vo nen chong trong trao duyen

Phân tích đoạn thơ “Dù em nên vợ nên chồng” trong Trao duyên để thấy tâm trạng đau khổ của nàng Kiều

Tình yêu càng sâu đậm bao nhiêu thì lại càng khiến Thúy Kiều đau đớn bấy nhiêu. Nàng đã dự cảm được điều gì đó không lành sẽ xảy đến với mình nên cẩn thận căn dặn Thúy Vân:

“Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan”

Oan hồn của Thúy Kiều sẽ trở về mỗi khi “hiu hiu gió”.Thúy Kiều mong em gái mình sẽ nhận biết được điều ấy để “rưới xin giọt nước” cho linh hồn oan khuất của nàng. Nếu khi còn sống nàng không thể giữ được lời thề nguyền với Kim Trọng thì khi chết đi hồn nàng cũng không thôi nhớ về lời thề nguyền ấy. Nàng ví mình giống như thân liễu, thân mai tuy mỏng manh nhưng cốt cách thanh cao. Dù cho “nát thân”, “đền nghì” thì nàng vẫn khắc ghi lời thề và tình yêu sâu đậm với Kim Trọng. Các hình ảnh “lò hương”, “hiu hiu gió”, “hồn”, “thân bồ liễu”, “đền nghì trúc mai”, “dạ đài”, “giọt nước”, “thác oan” là những hình ảnh giàu sức biểu cảm gợi ra cho bạn đọc về cuộc sống ở thế giới cõi âm đầy tối tăm, ma mị. Từ “thác oan” đã phần nào cho thấy sự oan khuất của Thúy Kiều, vì nỗi oan khuất chưa được giải nên linh hồn của nàng không thể siêu thoát.Đồng thời, từ “thác oan” cũng thể hiện tiếng nói đòi quyền sống và quyền được hạnh phúc cho những người phụ nữ trong xã hội đương thời. Nhịp điệu các câu thơ chậm rãi diễn tả những cảm xúc nghẹn ngào mà tức tưởi của nhân vật Thúy Kiều. Dường như nàng đang cố kìm nén những đau lòng để không bật ra thành tiếng khóc.

Hành động Thúy Kiều trao lại những kỉ vật cho Thúy Vân cũng là hành động nàng từ biệt Kim Trọng. Phải xa cách người mình yêu là điều mà nàng không hề mong muốn:

“Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”.

Thúy Kiều luôn có ý thức về thực tại và ý thức về thân phận mình. Các thành ngữ “trâm gãy gương tan”, “phận bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi” là những thành ngữ quen thuộc trong dân gian thể hiện sự tan vỡ của tình yêu và sự trôi nổi vô định của số phận con người. Trăm nghìn cái lạy tạ lỗi gửi đến người tình quân nhưng bấy nhiêu liệu có đủ thay cho lời từ biệt của Thúy Kiều? Bấy nhiêu liệu có bù đắp được cho chàng Kim những tổn thương khi “muôn vàn ái ân” giữa hai người nay chỉ còn đọng lại trong kí ức? Mọi lỗi lầm và trách nhiệm nàng đều nhận hết về mình.Tơ duyên của nàng và Kim Trọng chỉ “ngắn ngủi có ngần ấy thôi” nên thêm một lần nữa nàng thấy số phận của mình “bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi lỡ làng”.

Điệp từ “Kim lang” lặp lại hai lần đã cho thấy mức độ tăng dần trong tình cảm của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng:

“Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”.

Từ người yêu, Thúy Kiều đã coi Kim Trọng như người chồng của mình với tiếng gọi “tình quân”, “Kim lang” tha thiết. Nhưng ngay sau đó là lời từ biệt: “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây” đầy đau xót. Kiều tự nhận mình là người phụ lòng Kim Trọng, Kiều tự cảm thấy mình không còn xứng đáng với chàng Kim nữa. Nàng hi sinh bản thân mình và mong muốn Kim Trọng được hạnh phúc. Điều ấy cũng thể hiện sự cao thượng của nhân vật Thúy Kiều.

Đoạn thơ đã thể hiện những diễn biến trong nội tâm của nhân vật Thúy Kiều trong cuộc trao duyên với Thúy Vân. Qua đó chúng ta cũng thấy được tài năng trong cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du. Những tiếng thơ của ông là những tiếng thơ chất chứa sự trăn trở về số phận con người nhất là số phận những người phụ nữ trong xã hội đương thời.

—————–HẾT——————

Để hỗ trợ các em trong việc đọc hiểu và phân tích bài Trao duyên, chúng tôi đã đăng tải nhiều tài liệu bài học hữu ích như: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên, Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa qua Cung oán ngâm và Trao duyên, Phân tích đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều từ đầu đến Vật này của chung, Phân tích diễn biến tâm trạng của Kiều qua các lời thoại trong đoạn trích Trao duyên.

 

 

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/hay-phan-tich-doan-tho-tu-cau-du-em-nen-vo-nen-chong-den-het-doan-trao-duyen/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp