Trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên

0
69
Rate this post

Đề bài: Anh/chị hãy Trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên

trinh bay cam nhan ve ve dep cua ngon ngu nghe thuat qua doan trao duyen

Bài văn mẫu Trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên

Bạn đang xem: Trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên

 

Bài mẫu: Trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên

Nhắc tới Nguyễn Du là nhắc tới Truyện Kiều, tác phẩm làm nên tên tuổi của Nguyễn Du nói riêng và nền văn học nước nhà nói chung. Được coi là chuẩn mực ngôn từ, Truyện Kiều đã để lại dấu ấn trong lòng người đọc về nhân vật Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng số phận bất hạnh, long đong. Đoạn trích “Trao duyên” được coi là một minh chứng nổi bật cho nghệ thuật sử dụng ngôn từ khéo léo, sắc sảo của tác giả, mang đến góc nhìn đa chiều cho người đọc về tính thông tin, tính gợi tả và tính cả thể hóa trong việc sử dụng ngôn từ.

Ngôn ngữ được sử dụng trong một tác phẩm văn học luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu, quyết định chỗ đứng của tác phẩm ấy trong bản đồ văn học. Ngay từ khi chắp bút, người nghệ sĩ cần cẩn trọng lựa chọn phong cách ngôn ngữ, đảm bảo cả về mặt nội dung và hình thức, vừa tuân theo những chuẩn mực nghệ thuật, vừa cần có cái tôi cá nhân. Một tác phẩm thơ cần vận dụng nhiều yếu tố nghệ thuật ngôn từ, đòi hỏi khả năng chọn lựa từ ngữ chính xác, ngắn gọn, hàm súc nhưng ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa, khơi gợi cho độc giả những luồng suy nghĩ hàn lâm. Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ văn chương, ngôn từ văn học đòi hỏi phải có tính gợi, được sắp xếp và lựa chọn cẩn thận nhằm truyền tải nội dung, tư tưởng của người viết.

Trong đoạn trích Trao duyên, ngôn ngữ nghệ thuật được thể hiện ở ba khía cạnh: tính thông tin, đảm bảo nội dung, diễn biến sự kiện, tính hình tượng gợi tả, gợi cảm chân thực và tính cá thể hóa, bộc lộ được tâm tư, tình cảm cụ thể của nhân vật. Với tài năng thiên bẩm cùng vốn hiểu biết sâu rộng, Nguyễn Du đã kết hợp hài hòa những yếu tố trên, tạo nên một tổng thể vừa chuẩn mực, ngắn gọn, vừa độc đáo, gợi tả, gợi cảm.

Vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong “Trao duyên” trước hết được bộc lộ qua chức năng thông tin. Bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng cần có nội dung truyền đạt tới độc giả qua phương tiện ngôn ngữ. Cuộc đời Thúy Kiều được mở ra với nhiều bi kịch đau khổ, gia đình gặp biến cố, những ngày tháng êm đềm bỗng tan thành mây khói, nàng buộc phải bán mình chuộc cha, xa rời mối tình đầu mặn nồng với Kim Trọng. Trong hoàn cảnh bất đắc dĩ ấy, nàng chấp nhận trao lại mối duyên hồng cho em gái Thúy Vân, những mong em sẽ thay thế nàng giữ trọn lời hẹn thề với Kim Trọng. Cái hấp dẫn nằm ở chỗ, tác giả không hề kể lại những diễn biến sự kiện ấy bằng giọng văn người kể chuyện đơn thuần, mà qua lời nhân vật Kiều, tính thông báo của ngôn từ đưa người đọc tiếp cận đến nội dung câu chuyện một cách tinh tế, uyển chuyển. Nỗi khổ đau dày vò tâm trạng Thúy Kiều, tiếng kêu thương tâm cho một số phận nghiệt ngã và bi kịch tình yêu tan vỡ, tưởng như tác giả đã đặt chính bản thân mình vào nhân vật, mượn lời nhân vật để nói lên cái bất hạnh của nhân vật. Chức năng thông tin của nghệ thuật ngôn từ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa người đọc từng bước qua tình huống của câu chuyện mà không hề chủ quan, khô khan, trái lại, người đọc có thể tự hình dung ra những nút thắt tâm trạng, tình huống truyện qua lời bộc bạch của nhân vật Kiều.

Vẻ đẹp ngôn từ trong đoạn trích được thể hiện qua tính hình tượng, gợi lên những hình ảnh khiến nhân vật và sự kiện như hiện hữu ngoài đời thực. Tính Hình tượng mang đến sức thuyết phục, đồng thời khơi gợi sự đồng cảm, tri âm từ phía độc giả đối với người nghệ sĩ cũng như những nhân vật trong tác phẩm. Hai câu thơ:

Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Thúy Kiều xét theo vai vế là bậc chị lớn trong nhà, nhưng khi nhờ đến em lại phải “cậy”, hỏi ý kiến em qua “chịu lời”. Vì nàng biết, điều mà nàng khẩn khoản nhờ em tới đây thật khó chấp nhận, nhưng Thúy Vân sẽ chẳng có cách nào từ chối. “Lạy” rồi “thưa”, Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều tự kể lại câu chuyện tình yêu bi kịch của chính mình trong tâm thế một kẻ bề dưới, nhọc lòng mong mỏi người khác giúp đỡ nàng. Những từ ngữ đắt giá không chỉ thể hiện hoàn cảnh khốn cùng của Thúy Kiều mà còn bộc lộ sự mong chờ, tha thiết của nàng, những mong em gái chấp nhận lời cầu xin.

Đi vào thẳng vấn đề, Thúy Kiều bày tỏ, tâm sự với Thúy Vân về mối tình mặn nồng của mình và Kim Trọng. “Quạt ước”, “chén thề”, những vật làm tin bí mật giữa Kim và Kiều. Vào đêm hôm ấy, có đất, có trời, có trăng, có sao và có tấm lòng son sắt, hai người đã trao cho nhau chiếc quạt đính ước, ly rượu phu thê thề nguyền. Rồi còn có cả “chiếc vành với bức tờ mây”, “phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”, những kỉ vật tình yêu được Thúy Kiều trang trọng cất giữ, giờ đây nàng trao lại cho em gái với hi vọng em sẽ thay vị trí của mình, nối tiếp mối duyên hồng với người yêu. Tuy vậy, nàng Kiều trong phút giây khổ đau đoạn tuyệt vẫn muốn níu kéo chút tình cảm lứa đôi:

Duyên này thì giữ, vật này của chung

Cái luyến tiếc những kí ức dấu yêu khiến Kiều bị dày vò tinh thần, không còn đủ tỉnh táo. Rõ ràng là duyên đã trao, lại mang thân phận cậy nhờ, nhưng nàng vẫn muốn “vật này của chung”, vẫn muốn lưu giữ lại những kỉ niệm đáng nhớ giữa nàng và người yêu. Dễ hiểu thôi cho một người con gái, người con gái mới biết yêu lần đầu, chẳng thể nào cam tâm cắt bỏ hoàn toàn mối duyên tình, chỉ mong muốn được gìn giữ lại cho bản thân chút hình bóng nhỏ bé. Cảm xúc chân thật của Thúy Kiều gợi trong lòng người đọc nỗi đồng cảm, thấu hiểu cho những day dứt của nàng, thấu hiểu vì sao nàng lại muốn giữ làm của chung như vậy. Tình yêu còn nồng cháy như vậy, chẳng thể nào đành lòng ra tay chấm dứt.

Một chi tiết đắt giá thể hiện tính hình tượng của vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật là khi Kiều nghĩ đến cái chết. Người con gái tuổi mới trăng tròn còn mơn mởn sức sống như vậy, nhưng đứng trước hoàn cảnh chia li, trong đầu chỉ quanh quẩn đến kết thúc bi kịch, cái chết.

Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu đền nghi trúc mai

“Bồ liễu”, “trúc mai” vốn là những hình ảnh tượng trưng quen thuộc trong văn thơ, mang tính biểu tượng hàm súc, gợi tả dáng vẻ mong manh, liễu yếu đào tơ của người con gái. Với Thúy Kiều, không chỉ là thân phận long đông, không sức chống cự, mà “bồ liễu”, “trúc mai” còn là tiếng than cho duyên phận lỡ làng, phúc phần mỏng manh mà nàng phải gánh chịu. Ra đi không mong ngày trở về, trước mắt nàng là tương lai đen tối, mịt mù, là cái chết vĩnh hằng, bị chà đạp, rẻ rúng đến chết. Xót xa thay cho một kiếp người, còn trẻ, còn biết yêu, biết rung động mà đã tự đặt ra cho mình cái chết cận kề. Tác giả không nói về sự đau khổ, không đề cập trực tiếp đến tình yêu thiết tha của Thúy Kiều và Kim Trọng, nhưng câu thơ cuối bài, tiếng kêu của Kiều đã thể hiện rất rõ những bi kịch mà nàng gặp phải:

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây

Kiều gọi Kim Trọng là “lang”, là cách gọi của người phụ nữ xưa đối với chồng. Đối với Kiều, chàng Kim không còn đơn thuần chỉ là người yêu, mà đó là chồng, là đức lang quân mà nàng trao gửi số phận. Vị trí của Kim Trọng trong tim nàng quả thực to lớn. Nhưng giờ đây, nàng đành chấp nhận xa rời, chấp nhận từ bỏ mối tình còn đang nồng cháy với chàng, vì chữ hiếu, vì phải bán mình để đổi lấy hạnh phúc cho người thân. Nàng phụ lòng chàng Kim, chỉ biết thốt lên một câu đầy ai oán. Bi kịch tình yêu tan vỡ, những trái tim còn thổn thức yêu nhau bị chia rẽ. Ngôn ngữ nghệ thuật đã bao hàm toàn vẹn cảm xúc của nhân vật Kiều, người đọc dường như có thể thấu cảm được những diễn biến tâm trạng của nàng, từ cam chịu đến luyến tiếc rồi đau khổ tột cùng nhưng vẫn phải đối mặt với sự thật phũ phàng. Tác giả đã chạm đến trái tim và lòng trắc ẩn của bạn đọc để cùng tri âm, sẻ chia sự đau xót đối với nhân vật.

Vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật trong “Trao duyên” còn được thể hiện ở tính cá thể hóa, qua đó, Thúy Kiều bộc lộ được cá tính riêng biệt, không hòa lẫn của mình. Từng câu chữ trong tác phẩm đều tập trung gợi tả thân phận tội nghiệp của nàng Kiều hồng nhan bạc mệnh, từng trang thơ là từng trang nước mắt khóc thương cho người phụ nữ kém may mắn. Thúy Kiều hiện lên qua trang viết của Nguyễn Du là người con gái biết điều, biết nghĩ, hiếu thảo với cha mẹ, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của bản thân nhưng cũng vô cùng sắc sảo, chủ động trao duyên cho em gái vì muốn giữ trọn lời thề. Đặc biệt, cá tính của Kiều thể hiện ở chỗ, trao duyên cho Thúy Vân nhưng nàng vẫn đề cập đến việc được giữ lại chút ít kỉ vật giữa nàng và Kim Trọng, bộc lộ tính cách của một cô gái mạnh mẽ, thông minh. “Trao duyên” thực chất là lời bộc bạch của Thúy Kiều trên những cung bậc cảm xúc lẫn lộn, giằng xé. TUy đau là thế, tiếc là thế, đứng giữa những hồi ức hạnh phúc và tương lai bi kịch, nhưng cái tinh tế, sắc sảo mà ý nhị của người con gái ấy vẫn được thể hiện khéo léo. Qua đoạn trích, ta cũng thấy được phong cách nghệ thuật mang tính nhân văn cao cả Nguyễn Du, yêu thương con người, trân trọng và cảm thông cho những số phận cơ cực, bất hạnh.

Vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật qua “Trao duyên” đã làm nên kiệt tác Truyện Kiều, tạo nên tên tuổi của Nguyễn Du không chỉ trong nước mà còn có sức ảnh hưởng tầm cỡ thế giới. Ngôn từ trong sáng, chọn lọc, mang nhiều tầng nghĩa, gợi tả, gợi cảm cùng đảm bao ba chức năng chính: thông tin, hình tượng và cá thể hóa đã đưa Truyện Kiều trở thành chuẩn mực ngôn từ trong làng văn học thơ Nôm. Với tác phẩm này, thơ chữ Nôm đã tạo nên thành công vang dội, đưa chữ quốc ngữ của Việt Nam thời bấy giờ lên tầm văn hóa, bản sắc đặc trưng riêng biệt của dân tộc.

——————HẾT———————

Trao duyên là đoạn trích trong tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Du, bên cạnh bài làm văn Trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên, học sinh và thầy cô cùng tham khảo chi tiết những bài làm văn khác như Cảm nhận của em về 12 câu thơ đầu trong đoạn trích Trao duyên, Vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên, Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn thơ Trao duyên, Bình giảng đoạn Trao duyên trích trong Truyện Kiều, hay cả các phần Soạn văn lớp 10 – Trao duyên trích Truyện Kiều.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/trinh-bay-cam-nhan-ve-ve-dep-cua-ngon-ngu-nghe-thuat-qua-doan-trao-duyen/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp