Đề bài: Phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
Phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
Bạn đang xem: Phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
I. Dàn ý Phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật A Phủ.
2. Thân bài
a. Số phận bất hạnh và những vẻ đẹp của A Phủ:
– Mồ côi cha mẹ sau một trận dịch đậu mùa, bị bán cho người Thái, nhưng với bản lĩnh và tính gan bướng anh bỏ trốn lên Hồng Ngài, đi làm thuê cho người ta tự nuôi sống bản thân.
– Là một chàng trai chịu khó, lại lăn lộn từ sớm thành thử A Phủ trở nên rất giỏi và thạo nhiều việc “biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo”.
– Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lại chăm chỉ, “Đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà. Chẳng mấy lúc mà giàu”, là người tình trong mộng của nhiều cô gái ở Hồng Ngài.
– Vì nghèo, vì mồ côi, vì những tục lệ cưới xin rườm rà mà A Phủ vẫn không thể có lấy một tấm vợ tử tế.
– Trái tim vẫn khao khát những cuộc vui, dù bản thân chẳng có gì ngoài “chiếc vòng bằng sợi dây đồng vía lằn trên cổ”, nhưng A Phủ vẫn tự tin đem khèn, sáo, quả pao, con quay, quả yến đi tìm người yêu khắp Hồng Ngài.
b. Bi kịch xảy đến:
– Đánh nhau với A Sử, khiến tên này bị thương, dưới sức ép của cường quyền, thần quyền, anh phải chịu đền tội, đền tiền cho nhà A Sử.
– Làm mất một con bò khi đi chăn, phải chịu trói đứng ở cái cột giữa sân với mệnh lệnh tàn nhẫn.
=> Định sẵn số phận sẽ phải chết, điều đó khiến anh đau đớn và tuyệt vọng.
– “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen” của A Phủ bộc lộ sự cay đắng, đớn đau đến tột cùng.
→ A Phủ đang tự xót thương cho số phận quá đỗi hẩm hiu và đắng cay của cuộc đời mình, bất hạnh từ khi nhỏ cho đến khi trưởng thành, rồi cuối cùng phải đền mạng vì làm mất một con bò.
– Nghe được hai tiếng “Đi đi…” của Mị, thì bản năng, khao khát được sống được tự do mãnh liệt của A Phủ lập tức bùng cháy, hâm nóng thân thể đang chực sụp xuống vì đói vì rét, trở thành động lực khiến anh dùng hết sức bình sinh chạy xuống sườn đồi, thoát khỏi gông cùm của cường quyền độc ác.
– Khi nhìn thấy Mị đuổi theo, xin đi cùng, A Phủ đã không ngần ngại, giúp đỡ người đàn bà đã cứu mình cùng nhau chạy trốn mà không hề hỏi cớ sự. Rồi từ ấy hai người trở thành vợ chồng.
=> A Phủ đã có sự thấu hiểu cảm thông và chia sẻ với cuộc đời của Mị.
– Chi tiết hai vợ chồng cùng nhau làm cách mạng, đã chứng tỏ ý chí và bản lĩnh của A Phủ, con người có nghị lực phi thường, khao khát tự do mãnh liệt, tự giải thoát cho bản thân bằng những con đường riêng biệt.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
Cùng với Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố,… Tô Hoài cùng là một trong những ngòi bút xuất sắc và nổi bật khi viết về đời sống của nhân dân Việt Nam trong những năm trước và sau cách mạng tháng tám thành công. Trong đó nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài ở mảng văn học hiện thực ấy là các tác phẩm viết về số phận con người ở miền núi phía Bắc, mà đại diện là tác phẩm Vợ chồng A Phủ với nhân vật chính là Mị và A Phủ, những con người bị cường quyền và thần quyền phong kiến nửa thực dân chèn ép, tước đoạt quyền được hạnh phúc, tự do thậm chí là đe dọa cả sinh mạng. Trong truyện ngắn ngoài nhân vật Mị, thì A Phủ cũng là một nhân vật đáng chú ý, với cuộc đời và những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý, đáng trân trọng.
A Phủ là một chàng trai có số phận đáng thương, vốn anh không phải là người ở Hồng Ngài mà là người làng Hắng Bia, cũng có một gia đình đàng hoàng. Nhưng thật không may một năm cả làng dính phải trận dịch đậu mùa, cả nhà còn sót lại mỗi mình A Phủ. Rồi người làng vì đói quá đã bán A Phủ cho người Thái, năm đó A Phủ mới 11 tuổi, thế nhưng với bản lĩnh và tính gan bướng anh không chịu sống như vậy, thế là anh bỏ trốn lên Hồng Ngài, đi làm thuê cho người ta tự nuôi sống bản thân. Vốn là một chàng trai chịu khó, lại lăn lộn từ sớm thành thử A Phủ trở nên rất giỏi và thạo nhiều việc “biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo”. Không chỉ vậy anh còn là một chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lại chăm chỉ, mà người ta không tiếc lời tấm tắc “Đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà. Chẳng mấy lúc mà giàu”. Chính vì vậy A Phủ là người tình trong mộng của nhiều cô gái ở Hồng Ngài, thế nhưng tội thay cho chàng trai, vì nghèo, vì mồ côi, vì những tục lệ cưới xin rườm rà mà A Phủ vẫn không thể có lấy một tấm vợ tử tế. Đang ở tuổi trẻ sung sức, trái tim vẫn khao khát những cuộc vui, dù bản thân chẳng có gì ngoài “chiếc vòng bằng sợi dây đồng vía lằn trên cổ”, nhưng A Phủ vẫn tự tin đem khèn, sáo, quả pao, con quay, quả yến đi tìm người yêu khắp Hồng Ngài, rồi cuối cùng đụng phải đám A Sử, đâm sự đánh nhau. A Phủ đánh thắng, nhưng dưới sức ép của cường quyền, thần quyền, anh phải chịu đền tội, đền tiền cho nhà A Sử, rồi vì không có tiền, nên đành chịu làm kiếp nô lệ, người ở để trừ nợ, một cái nợ mà “Bao giờ có tiền trả thì tao cho mày về, chưa có tiền trả thì tao bắt mày làm con trâu cho nhà tao. Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Vì một trận đánh tuổi trẻ phải đền bằng tự do cả cuộc đời, thậm chí là đời con đời cháu, từ một kiếp người thành kiếp con trâu, con bò cho nhà thống lý Pá Tra. Nhưng cái khổ của A Phủ chưa dừng lại ở đó, anh làm nhiệm vụ mang cả đàn ngựa, bò của nhà thống lý đi chăn ở rừng, hàng mấy chục con một, vào mùa rừng đói, phải đem chăn xa A Phủ còn phải ở lại rừng để chăn dắt. Ấy thế rồi trong một lần sơ sẩy, mải bẫy nhím, bò ngựa lại nhiều quá A Phủ không kịp đếm, hổ đã vồ mất một con bò. Không hề sợ hãi, A Phủ xông xáo lần theo vết chân hổ, mò được đến chỗ con bò bị hổ ăn thịt, thì chỉ còn lại một mảnh. A Phủ nhặt mấy miếng thịt rơi quanh đấy rồi vác nốt nửa con bò về. Nghĩ bụng: “Con hổ này to lắm. Hãy còn ngửi thấy mùi hôi quanh đây. Ta về lấy súng đi tìm, thế nào cũng bắn được”. Chàng trai gan dạ và dũng cảm đã sẵn sàng cho một cuộc đi săn đầy hung hiểm, thế nhưng bao đời nay kẻ cầm quyền độc ác thường chẳng suy nghĩ đơn giản giống như A Phủ vẫn nghĩ. Bọn chúng vì A Phủ làm mất một con bò mà trói đứng anh ở cái cột giữa sân với mệnh lệnh tàn nhẫn “Mày ra ngoài kia, lấy vào đây một cái cọc, một cuộn dây mây. Tao trói mày đứng chỗ kia. Bao giờ chúng nó bắn được con hổ về thì mày khỏi phải chết. Nếu không được con hổ thì tao cho mày đứng chết ở đấy”. Mấy ngày trôi qua, thế nhưng đám tôi tớ nhà thống lý Pá Tra vẫn chưa bắt được hổ về, phe này có lẽ A Phủ phải chịu chết đứng ở cái cột ấy mất thôi. Có thể chết đói, chết rét, chết vì bị đánh, dù gì cũng phải chết, cuộc đời khổ cực, truân chuyên đã khiến A Phủ cảm thấy tuyệt vọng và bất lực. Ngay lúc gần như đã kiệt quệ thì có một “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen” của A Phủ. Đàn ông hiếm khi rơi nước mắt, mà một khi đã rơi tức là phải thấy cay đắng, đớn đau đến tột cùng. Có lẽ A Phủ đang tự xót thương cho số phận quá đỗi hẩm hiu và đắng cay của cuộc đời mình, bất hạnh từ khi nhỏ cho đến khi trưởng thành, rồi cuối cùng phải đền mạng vì làm mất một con bò. Cuộc đời anh thế mà lại không đáng giá bằng một con bò bị hổ ăn thịt. Cũng chính giọt nước mắt ấy đã cứu cuộc đời A Phủ, nó đã đánh động trái tim và bản năng của Mị, cô đã liều lĩnh cắt dây trói để thả người đàn ông khốn khổ sắp chết, mặc kệ những nguy hiểm của bản thân. Ngay lúc nghe được hai tiếng thì thào “Đi đi…” của Mị, thì bản năng, khao khát được sống được tự do mãnh liệt của A Phủ lập tức bùng cháy, hâm nóng thân thể đang chực sụp xuống vì đói vì rét, trở thành động lực khiến anh dùng hết sức bình sinh chạy xuống sườn đồi, thoát khỏi gông cùm của cường quyền độc ác. Khi nhìn thấy Mị đuổi theo, xin đi cùng, A Phủ đã không ngần ngại, giúp đỡ người đàn bà đã cứu mình cùng nhau chạy trốn mà không hề hỏi cớ sự. Rồi từ ấy hai người trở thành vợ chồng, điều đó chứng tỏ rằng A Phủ đã có sự thấu hiểu cảm thông và chia sẻ với cuộc đời của Mị. Chi tiết hai vợ chồng cùng nhau làm cách mạng, đã chứng tỏ ý chí và bản lĩnh của A Phủ, con người có nghị lực phi thường, khao khát tự do mãnh liệt, tự giải thoát cho bản thân bằng những con đường riêng biệt. Mà tính cho đến kết truyện A Phủ đã có đến ba lần tự giải phóng bản thân, một lần lúc bị bán đi, một lần trốn khỏi nhà thống lý và lần nữa là khi tham gia vào cách mạng, trở thành cán bộ, trở thành con người mới.
Ngoài nhân vật chính của tác phẩm là Mị, đại diện tiêu biểu cho số phận những người phụ nữ ở Hồng Ngài, vùng núi phía Bắc nước ta những năm tháng đất nước còn nhiều đau thương. Thì A Phủ cũng là một nhân vật góp phần quan trọng trong việc xây dựng cuộc đời Mị, cũng như nhấn mạnh thêm những bất công, tàn ác của chế độ phong kiến thần quyền và cường quyền, đồng thời khắc sâu và làm sáng thêm những vẻ đẹp của con người lao động, vượt lên những bất hạnh, đớn đau bằng niềm khao khát sự sống, sự tự do mãnh liệt, cũng như niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
————HẾT————–
Bài viết Phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ đã phân tích những nét chính về nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ với số phận cuộc đời bất hạnh và những vẻ đẹp con người đáng quý. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm này mời các em tham khảo thêm danh sách các bài văn hay lớp 12 khác như Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua Vợ chồng A Phủ, Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ, Diễn biến tâm trạng của Mị trong “đêm tình mùa xuân” trong Vợ chồng A Phủ.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp