Tìm thêm những bài ca dao nói về nỗi nhớ người yêu, về cái khăn…

0
73
Rate this post

Đề bài: Tìm thêm những bài ca dao nói về nỗi nhớ người yêu, về cái khăn để thấy bài Khăn thương nhớ ai vừa nằm trong hệ thống các bài ca dao đó lại vừa có vị trí đặc biệt, độc đáo riêng. Từ đó, lí giải ý nghĩa câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm – Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm (trích trường ca Mặt đường khát vọng).

tim them nhung bai ca dao noi ve noi nho nguoi yeu ve cai khan

Bài mẫu Tìm thêm những bài ca dao nói về nỗi nhớ người yêu, về cái khăn để thấy bài Khăn thương nhớ ai vừa nằm trong hệ thống các bài ca dao đó lại vừa có vị trí đặc biệt, độc đáo riêng. Từ đó, lí giải ý nghĩa câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm – Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm (trích trường ca Mặt đường khát vọng).

Bạn đang xem: Tìm thêm những bài ca dao nói về nỗi nhớ người yêu, về cái khăn…

Bài làm

1. Ai về đường ấy hôm mai,
Gửi dăm cái nhớ, gửi vài cái thương.
Gửi cho đến chiếu đến giường,
Gửi cho đến tận quê hương chàng nằm.

2. Anh đi đường ấy xa xa,
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.
Nước non một gánh chung tình,
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng ?

3. Tơ tằm đã vấn thì vương,
Đã trót dan díu thì thương nhau cùng.

4. Nhớ ai hết đứng lại ngồi,
Ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân.
Nhớ ai em những khóc thầm,
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa.

5. Cơm ăn mỗi bữa một lưng,
Uống nước cầm chừng, để dạ thương em.
Thương em chẳng biết để đâu,
Để trong tay áo, lâu lâu lại dòm.

7. Em ôm bó mạ xuống đồng,
Miệng ca tay cấy mà lòng nhớ ai!

8. Gió sao gió mát sau lưng,
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?

9. Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.
Nhớ ai cơm chẳng buồn ăn,
Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm.

10. Ngày ngày em đứng em trông,
Trông non non ngất, trông sông sông dài.
Trông mây mây kéo ngang trời,
Trông trăng trăng khuyết, trông người người xa.

11. Núi cao chi lắm núi ơi!
Núi che mặt trời, chẳng thấy người thương.

12. Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai?

13. Thuyền ai có nhớ bến chăng ?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

14. Một thương, hai nhớ, ba sầu,
Ăn cơm chẳng được, ăn trầu ngậm hơi.
Nhớ chàng lắm lắm chàng ơi!
Nhớ nơi chàng ở, nhớ nơi chàng nằm.

15. Áo xông hương của chàng vắt mắc
Đêm em nằm, em đắp lấy hơi.
Nhớ chàng lắm lắm chàng ơi!

16. Qua đồng ghé nón thăm đồng,
Đồng bao nhiêu lúa thương chồng bấy nhiêu.
Tay nâng khăn gói sang sông,
Mồ hôi ướt đẫm, thương chồng phải theo.

17. Tay mang khăn gói sang sông,
Mẹ gọi mặc mẹ theo chồng cứ theo.
Thuyền đồng trở lại về đông,
Con đi theo chồng để mẹ cho ai?
Mẹ già đã có con trai,
Con là phận gái dám sai chữ tòng.

18. Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề…

Trong kho tàng ca dao – dân ca có hàng trăm bài nói về nỗi nhớ niềm thương thiết tha, khắc khoải của những đôi lứa đang yêu. Mỗi bài mang một vẻ đẹp riêng, mặc dù đều nói đến một nội dung giống nhau. Khăn thương nhớ ai là bài ca dao độc đáo, thể hiện tâm trạng tương tự cao độ bằng một hình thức nghệ thuật đặc sắc. Vì thế mà nó nổi bật giữa những câu, những bài ca dao có chung một chủ đề.

Nhân vật trữ tình ở đây là một cô gái đang phải xa cách người yêu. Nỗi nhớ thương như ngọn lửa cháy lòng, cháy dạ mà không thể bày tỏ cùng ai nên lại càng nung nấu. Chuyện riêng tư đâu dễ tâm sự, sẻ chia, vì thế tốt nhất là thử hỏi chính lòng mình – thông qua những sự vật quen thuộc gắn bó với mình: cái khăn, cái đèn, đôi mắt.

Cái khăn đội đầu không chỉ đơn thuần để che nắng, che mưa, mà nó còn là vật trang sức để làm tăng thêm nét duyên thầm của các thiếu nữ nông thôn và nó còn được dùng làm kỉ vật trong tình yêu nam nữ. Bởi vậy mà cái khăn được hỏi đến trước nhất:

Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.

Ba lần hỏi, mỗi lần một khác, nhưng dù rơi xuống đất, vắt lên vai hay chùi nước mắt thì cũng vẫn là tâm trạng thương nhớ ai mỗi lúc một tăng. Nghệ thuật nhân hoá tài tình đã mang lại sự sống, tâm hồn cho vật vô tri. Chủ thế trữ tình là chiếc khăn đứng đầu sáu dòng thơ. Câu hỏi : Khăn thương nhớ ai được nhắc đi nhắc lại ba lần như nỗi khắc khoải, day dứt khôn nguôi. Ai là đại từ phiếm chỉ đa nghĩa thường thấy trong ca dao, giờ đây đã dần dần hiện rõ là chàng trai mà cô gái thầm thương trộm nhớ. Còn chiếc khăn, phải chăng đó chính là sự hoá thân của tấm lòng, của tâm trạng cô gái đáng yêu. Cô hỏi khăn mà cũng chính là tự hỏi lòng mình tại sao lại nhớ “người dưng”, thương “người dưng” đến mức “đứng ngồi không yên” như vậy ?! Nỗi nhớ ấy bao trùm không gian, thời gian và ám ảnh tâm hồn cô gái. Có một chút gì đó như ngậm ngùi, tủi thân tủi phận ở hình ảnh: Khăn thương nhớ ai, Khăn chùi nước mắt. Nhớ thương đau đáu mà không gặp được người yêu thì nỗi nhớ thương ấy càng tăng lên gấp bội, nung nấu mà thành bệnh tương tự. Đúng như câu ca dao đặc tả : Nhớ ai em những khóc thầm, Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa.

Ngày nhớ, đêm mong. Ngày làm lụng vất vả mà nỗi nhớ cứ quẩn quanh, ám ảnh. Đêm, nỗi nhớ hiện ra cùng hình ảnh người yêu lại càng khiến cho cô gái bồn chồn, thao thức. Trằn trọc mãi không sao ngủ được, nhìn ngọn đèn leo lét canh khuya, cô bất chợt thốt lên câu hỏi:

Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.

Vẫn là điệp khúc chứa chất tâm trạng chủ đạo là thương nhớ ai. Cô gái cảm thấy giữa ngọn đèn và mình có nét giống nhau. Ngọn đèn kia và ngọn lửa nhớ thương đang cháy trong lòng phải chăng là một ?! Cô gái gửi gắm nỗi nhớ thương mãnh liệt vào hình ảnh ngọn đèn không tắt giữa đêm trường.

Ở trên, cô gái mượn những vật vô tri là cái khăn, ngọn đèn để gián tiếp bày tỏ tình cảm. Nghệ thuật nhân hoá và hình tượng hoá mà các tác giả dân gian sử dụng trong tám câu có khả năng gợi cảm rất lớn, nhưng dường như vẫn chưa đủ để phản ánh mức độ của nỗi nhớ thương đang trào dâng trong lòng. Đến đây thì đành thôi bóng gió, ẩn giấu, không hỏi ngoại vật nữa mà hỏi chính mình:

Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.

Rõ ràng, cô gái trong bài ca dao này cũng như trăm ngàn cô gái khác đang yêu, đang nhớ, cùng ở trong tâm trạng: Nhớ ai bổi hổi bồi hồi, Như đứng đống lửa, như ngồi đống than… Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ, Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai? Hoặc: Nhớ ai hết đứng lại ngồi, Ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân.

Có người đã nói: Con mắt là cửa sổ tâm hồn. Đúng như vậy! Ca dao cũng có câu: Trời sinh con mắt là gương, Càng yêu mến lắm càng thương nhớ nhiều. Niềm vui, nỗi buồn, nhu cầu trao đổi tình cảm… hiện cả ra đôi mắt. Ngày xưa, hôn nhân là việc trọng đại, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Vì vậy mà những đôi lứa yêu nhau luôn phải kín đáo giữ gìn trước miệng tiếng thế gian: Yêu nhau con mắt liếc qua, Kẻo chúng bạn biết, kẻo cha mẹ ngờ.

Như vậy là nỗi nhớ thương của cô gái vẫn trĩu nặng trong tâm hồn bởi không thể san sẻ cùng ai. Mắt ngủ không yên bởi nỗi nhớ cứ giày vò, trăn trở. Không chỉ nhớ thương mà còn là nỗi lo phiền cho duyên phận:

Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề…

Câu ca dao hé lộ sự bất ổn của mối tình. Hai người yêu nhau bằng tình yêu thiết tha, đằm thắm và cùng hướng tới mục đích hôn nhân thì nỗi nhớ mới cháy lòng, cháy dạ đến thế. Nhưng có lẽ tình yêu ấy đã gặp phải những trắc trở khó vượt qua. Đây cũng là chuyện thường tình trong xã hội phong kiến xưa kia và nó đã được hình tượng hoá bằng tam tứ núi, ngũ lục sông… Đương nhiên là cô gái trong bài ca dao này cũng ước ao: Anh còn son, em cũng còn son, Ước gì ta được làm con một nhà. Tình yêu dẫn đến hôn nhân, nghe qua tưởng chừng hợp lí, đúng quy luật, nhưng thực ra chẳng đơn giản, dễ dàng chút nào bởi trăm ngàn định kiến như phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, tôn giáo… Ngăn trở hữu hình và vô hình nhiều đến thế nên cô gái lo phiền là phải. Tâm trạng ấy là tâm trạng chủ đạo, chi phối tất cả mọi suy nghĩ, cảm xúc của cô gái và dường như cô không thể tìm ra cách để yên một bề nên rất cần sự đồng cảm và chia sẻ. Cách xưng hô là em đã làm sáng tỏ đối tượng phiếm chỉ ai nhắc đi nhắc lại ở mấy câu thơ trên chính là anh – người xứng đáng để em gửi niềm thương nhớ khôn nguôi. Cái nỗi lo phiền rất thực được trình bày ở câu ca dao cuối cho thấy cô gái là người chủ động và nghiêm túc trong tình yêu. Chân thành, tha thiết đến mức đắm say mà vẫn tỉnh táo, sáng suốt lạ lùng!

Hơi hướng trữ tình của ca dao truyền thống kết hợp với hình thức rất gần Với dáng dấp của thơ ca hiện đại đã tạo nên giá trị đặc biệt của bài ca dao Khăn thương nhớ ai. Rất nhiều nhà thơ yêu thích hình tượng chiếc khăn, ngọn đèn và đã đưa những hình tượng đẹp đẽ ấy vào thơ của mình. Trong trường ca Mặt đường khát vọng sáng tác vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có những câu thơ thật hay, thật xúc động khi viết về Đất Nước – với tư tưởng Đất Nước là của nhân dân:

Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất Nước là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Đất Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”…
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở.

Trong đoạn thơ này, Nguyễn Khoa Điềm thể hiện cảm xúc và suy tưởng qua hình thức trò chuyện tâm tình về đất nước Việt Nam đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử bốn ngàn năm. Nhà thơ lấy chất liệu từ nguồn văn hoá dân gian, từ ca dao, tục ngữ, từ đời sống quen thuộc hằng ngày của người dân trên quê hương, xứ sở. Bởi vậy nên không gian nghệ thuật được mở rộng ra nhiều chiều và hình tượng thơ trở nên trữ tình, bay bổng.

Đất nước không còn là khái niệm trừu tượng, lớn lao mà rất hữu hình, cụ thể. Đất nước là núi cao, biển rộng, sông dài… nhưng cũng là cây đa, bến nước, sân đình, là tình yêu con người, tình yêu nam nữ, là phong tục tập quán của mỗi vùng miền khác nhau nhưng cùng chung nền tảng vững bền là truyền thống văn hiến đáng tự hào của dân tộc. Thậm chí nơi hò hẹn của gái trai, chiếc khăn trao nhau làm kỉ vật của tình yêu cũng góp phần làm nên Đất Nước: Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm. Đọc câu thơ này, cả bài ca dao Khăn thương nhớ ai lại hiện lên rõ ràng trong tâm tưởng của chúng ta và sức lay động tâm hồn mạnh mẽ của nó vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Giá trị đích thực của bài ca dao đã vượt qua thử thách nghiệt ngã của thời gian để trở thành bất tử

Bên cạnh Tìm thêm những bài ca dao nói về nỗi nhớ người yêu, về cái khăn… các em cần tìm hiểu thêm những bài soạn khác trong Ngữ Văn lớp 10 như Soạn bài Viết bài làm số 2: Văn tự sự hay phần Soạn bài Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa nhằm củng cố kiến thức Ngữ Văn lớp 10 của mình.

Trong chương trình học Ngữ Văn 10 phần Soạn bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX là một nội dung quan trọng các em cần chú ý chuẩn bị trước.

Ngoài nội dung ở trên, các em có thể tìm hiểu thêm phần Soạn bài Cảnh ngày hè nhằm chuẩn bị cho bài học này.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/tim-them-nhung-bai-ca-dao-noi-ve-noi-nho-nguoi-yeu-ve-cai-khan/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp