Đề bài: Bình giảng khổ cuối bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi
Bài văn mẫu Bình giảng khổ cuối bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi
Bạn đang xem: Bình giảng khổ cuối bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi
I. Dàn ý Bình giảng khổ cuối bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi
1. Mở bài
– Giới thiệu Nguyễn Đình Thi với đề tài đất nước.
– Tượng đài Tổ quốc sáng ngời sức mạnh và niềm tin bất diệt, bước ra từ trong máu và lửa với những vần thơ cuối bài Đất nước, như một lời tổng kết huy hoàng.
2. Thân bài
a. Hoàn cảnh sáng tác:
– Viết từ những năm 1948 đến năm 1955, khi cách mạng tháng tám thành công mới độ vài năm trời, đất nước vừa được độc lập không bao lâu, nhân dân ta vừa bước qua một cánh cửa mới đầy hy vọng, nhưng lại đã phải bước vào cuộc chiến ác liệt khác.
b. Tiền đề cảm hứng
– Bốn câu thơ cuối bài lại chính là đỉnh cao của cảm hứng về đất nước, xuất phát từ cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, và chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
c. Phân tích 4 câu thơ cuối:
* Câu 1: “Súng nổ rung trời giận dữ”: Khái quát hóa trận chiến ác liệt, khí thế anh hùng của đất nước.
– “rung” như rung chuyển cả trời đất, chất chứa oán hận, căm thù biết bao năm, quân dân ta đã phản đáp lại bằng những tiếng súng cuồng nộ “giận dữ”.
– Không khí của chiến trường không chỉ được bao trùm bởi sự ác liệt, mà còn nằm ở khí thế của người chiến đấu, đem sự căm thù hóa thành tiếng súng giận dữ, hào hùng.
* Câu 2: “Người lên như nước vỡ bờ”:
– Hình ảnh lớp lớp quân dân ta tiến vào chiến trường một cách rầm rộ.
– Mang ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh, khí thế của quân đội ta chỉ chực chờ đến giờ phút này mà tuôn trào mạnh mẽ, không cho phép bất kỳ kẻ nào chống lại sức mạnh ghê gớm sánh ngang với tầm vóc của thiên nhiên kỳ vĩ này.
* Câu 3 và 4: Cảm hứng lãng mạn luôn bao quanh chủ nghĩa hiện thực.
– Từ hình tượng người lính chiến bước ra từ trong khói lửa chói lòa, lấm lem bùn đất đã khái quát hóa thành biểu tượng chung cho đất nước Việt Nam.
– Mang khuynh hướng sử thi và chất anh hùng ca, tượng đài Việt Nam sừng sững, uy nghi hiện ra từ trong máu lửa chiến tranh, kinh qua biết bao nhiêu cuộc chiến nhưng vẫn hùng dũng đứng thẳng, mạnh mẽ vươn mình, rũ sạch bùn đất của kiếp nô lệ lầm than suốt mấy mươi năm
– Thể hiện sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân dân Việt Nam.
3. Kết bài
– Khái quát nội dung và nghệ thuật.
II. Bài văn mẫu Bình giảng khổ cuối bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi
Viết về đề tài đất nước, không chỉ có riêng một mình Nguyễn Đình Thi, thế nhưng viết về đất nước với hình tượng đau thương nhưng anh hùng, với giọng thơ sâu sắc và thiết tha đậm đà, với những hình ảnh ẩn dụ chân thực giàu ý nghĩa thì chắc chỉ có Nguyễn Đình Thi là người xuất sắc nhất. Trong Đất nước tác giả đi từ những cảm xúc hân hoan hạnh phúc giữa mùa thu của thủ đô, trong hương cốm mới, đại diện cho nền hòa bình mới được thành lập không lâu, nhưng ông vẫn không quên lắng lòng lại để nghe những tiếng vọng về từ quá khứ. Đó là một thời không thể quên, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu mồ hôi xương máu của dân tộc, bao nhiêu năm tháng kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ, ta mới có được một đất nước của ngày hôm nay, một đất nước có quyền tự quyết, của dân do dân và vì dân. Trong suốt 2/3 bài thơ người ta thấy một dân tộc Việt Nam kiêu hùng, một đất nước đau thương và anh dũng, kết lại tác giả đã dựng lên một tượng đài Tổ quốc sáng ngời sức mạnh và niềm tin bất diệt, bước ra từ trong máu và lửa với những vần thơ cuối bài, như một lời tổng kết huy hoàng.
“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ trong máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà”
Sơ lược về hoàn cảnh sáng tác, Đất nước được viết từ những năm 1948 đến năm 1955, đó là cả một khoảng thời gian khá dài để tác giả chiêm nghiệm và suy tư thật chân thành về hình tượng đất nước. Đặc biệt là khi cách mạng tháng tám thành công mới độ vài năm trời, đất nước vừa được độc lập không bao lâu, nhân dân ta vừa bước qua một cánh cửa mới đầy hy vọng, nhưng lại đã phải bước vào cuộc chiến ác liệt khác. Với vai trò là một chiến sĩ cách mạng, Nguyễn Đình Thi đã dành những cảm xúc thiết tha, nồng đượm, để hoài niệm về những trang lịch sử còn mới, nhớ về một đất nước đau thương mà anh hùng, những vần thơ của ông chính là sự cổ vũ mạnh mẽ cho nhân dân ta, tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói nếu như nguồn cảm hứng về đất nước trong những vần thơ đầu là sự trầm lắng, suy tư, đôi chỗ là sự đau thương, căm hờn, thì bốn câu thơ cuối bài lại chính là đỉnh cao của cảm hứng về đất nước. Sau tất cả những cảm xúc vui, buồn, đau thương Nguyễn Đình Thi hướng tới một không khí , hào hùng, sôi động, lớp lớp những người lính chiến xông qua ra chiến trường, tiếng súng đạn nổ vang trời. Điều ấy khiến chúng ta liên tưởng đến cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945, khắp mọi miền đất nước nhân dân ta đứng lên tiến công phá tan đồn giặc, Nhật Pháp đầu hàng, ngày 2/9/1945, tại quảng trình Ba Đình Hà Nội Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Gần hơn nữa và có lẽ là sát nhất so với ý thơ của Nguyễn Đình Thi chính là cuộc tổng tiến công của quân đội ta vào sào huyệt của quân thù trên chiến trường Điện Biên Phủ tháng 7/1954.
Trong không khí sôi động ấy hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ xung phong, hết lớp này đến lớp khác cùng tiến lên, mặc kệ mưa bom bão đạn, mặc kệ lấm lem bùn đất, ta ôm súng ta quyết tiến về đồn giặc, dưới ánh lửa đạn chói lòa, hình tượng người lính chiến thật kiêu hùng và bi tráng. Khí thế ấy chỉ có người từng hòa mình trong cuộc chiến mới có thể tái hiện lại được và không ai khác chính là Nguyễn Đình Thi, từ những trải nghiệm trên chiến trường, ông đã khái quát hóa trận chiến ác liệt, khí thế anh hùng của đất nước bằng câu thơ “Súng nổ rung trời giận dữ”. Tiếng “rung” ấy tưởng như rung chuyển cả trời đất, hỏi rằng phải chất chứa oán hận, căm thù biết bao năm, đất nước ta, nhân dân ta mới phản đáp lại bằng một tiếng súng cuồng nộ “giận dữ” như thế. Có thể thấy rằng không khí của chiến trường không chỉ được bao trùm bởi sự ác liệt, mà còn nằm ở khí thế của người chiến đấu, trước kẻ cướp nước quân đội ta chẳng một phút nhân nhượng, bởi càng nhân nhượng chúng càng lấn tới, chúng ta phải đem sự căm thù hóa thành tiếng súng giận dữ, hào hùng, để cho chúng biết rằng đất nước ta tuy nhỏ bé thế thôi, nhưng tấm lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của nhân dân ta là vô cùng, vô tận.
Có lẽ rằng hình ảnh lớp lớp quân dân ta tiến vào chiến trường một cách rầm rộ chẳng còn có hình tượng tượng nào ngoài hình ảnh “nước vỡ bờ” để hình dung cho chuẩn xác cả. Như đã nói trong câu thơ trên, người lính chiến đi vào chiến trường với lòng căm thù và quyết tâm chiến thắng, thì đến câu thơ này ngoài mang nghĩa tả thực hình ảnh tổng tiến công, nó còn mang ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh, khí thế của quân đội ta chỉ chực chờ đến giờ phút này mà tuôn trào mạnh mẽ, không cho phép bất kỳ kẻ nào chống lại sức mạnh ghê gớm sánh ngang với tầm vóc của thiên nhiên kỳ vĩ này.
Một đặc trưng trong thơ của Nguyễn Đình Thi đó chính là cảm hứng lãng mạn luôn bao quanh chủ nghĩa hiện thực, trước cuộc chiến ác liệt, có hi sinh mất mát, mới đạt được thắng lợi vẻ vang, Nguyễn Đình Thi từ hình tượng người lính chiến bước ra từ trong khói lửa chói lòa, lấm lem bùn đất đã khái quát hóa thành biểu tượng chung cho đất nước Việt Nam. Đó là một biểu tượng đẹp mang khuynh hướng sử thi và chất anh hùng ca, tượng đài Việt Nam sừng sững, uy nghi hiện ra từ trong máu lửa chiến tranh, kinh qua biết bao nhiêu cuộc chiến nhưng vẫn hùng dũng đứng thẳng, mạnh mẽ vươn mình, rũ sạch bùn đất của kiếp nô lệ lầm than suốt mấy mươi năm. Hình tượng đất nước trong cảm hứng lãng mạn, anh hùng ca, còn lồng thêm một ý nghĩa biểu tượng khác đó chính là sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân dân Việt Nam. Trải qua biết bao thăng trầm bể dâu, lớp lớp người đã ra đi vì Tổ quốc, trong trái tim chỉ mang một niềm tin bất diệt, ngày mai chính là tự do, hạnh phúc, niềm tin ấy tựa như đóa hoa sen, ngâm mình trong bùn đất, chỉ đợi ngày xé tan mặt nước để trổ bông, mang đến cho cuộc đời vẻ đẹp thanh khiết, cao quý không gì sánh bằng.
Với những trải nghiệm thực tế cùng cảm hứng lãng mạn đậm chất sử thi, anh hùng ca, hình tượng đất nước trong bài thơ đã được Nguyễn Đình Thi khái quát hóa bằng những hình ảnh giàu tính biểu tượng, đa nghĩa, rất sâu sắc và thấm đượm tình quê hương. Như vậy sau tất cả những đau thương, mất mát, đất nước đã đứng lên từ trong máu lửa, bùn đất mang vầng hào quang sáng chói của vẻ đẹp kiêu hùng, bất tử.
Trên đây là bài Bình giảng khổ cuối bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, để tìm hiểu thêm về giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ Đất nước, các em có thể tham khảo thêm: Vẻ đẹp của hình tượng đất nước trong bài thơ đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, Phân tích phần 2 đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, Phân tích phong cách triết luận trữ tình của Nguyễn Khoa Điềm trong Đất nước, Cảm hứng về đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm qua phần một đoạn Đất Nước.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp