Đề bài: Phân tích truyện ngắn Vi hành của Nguyễn Ái Quốc
Bài văn mẫu Phân tích truyện ngắn Vi hành của Nguyễn Ái Quốc hay, chọn lọc
Bạn đang xem: Phân tích truyện ngắn Vi hành của Nguyễn Ái Quốc
Bài làm
Nguyễn Aí Quốc là một tên khác của Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người đã khai sáng nền cách mạng của dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngoài sự nghiệp cách mạng vĩ đại của mình thì Hồ Chí Minh còn là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam, với số lượng tác phẩm lớn có giá trị. Vi hành là một truyện ngắn tiêu biểu cho bút pháp văn xuôi hiện đại và nghệ thuật châm biếm của Nguyễn Aí Quốc vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, khi Người còn hoạt động ở Pháp.
Vi hành là truyện ngắn đả kích chuyến “vi hành”nhục nhã của vị vua bù nhìn Khải Định khi y sang Pháp xem đấu xảo, dưới sự dẫn dắt của “mẫu quốc”, mà Khải Định thì lấy làm thích chí và huênh hoang, cứ tưởng đâu là chuyến đi vẻ vang và vinh dự lắm trong khi người Pháp còn chẳng một ai nhớ nổi khuôn mặt của ông ta. Nhan đề Vi hành được đặt khi xuất bản ở Việt Nam, còn nguyên mẫu nhan đề được Nguyễn Aí Quốc đặt trong tiếng Pháp có nghĩa là “bí mật, không ai biết” chính là sự châm biếm đầy sâu cay của Người dành cho tên vua bù nhìn, lố bịch.
Năm 1923, khi mà chuyến “vi hành” của Khải Định trở thành nỗi uy hiếp cho các nhà hoạt động ở Pháp, Bác đã nhanh chóng hoàn thành tác phẩm Vi hành để dằn mặt tên bán nước cầu vinh Khải Định và lũ người man rợ tự xem là những bậc “khai hóa”, tác phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, như một đòn chí mạngđối với bè lũ Khải Định và bọn thực dân đang lăm le tìm cách biến nước ta thành thuộc địa của chúng hoàn toàn.
Câu chuyện bắt đầu bằng cuộc buôn chuyện đầy tinh quái của hai vị khách Pháp trong tàu điện ngầm, chẳng biết có phải khuôn mặt của vua Khải Định quá phổ biến hay sao mà hai vi khách này lại toan nhầm lẫm thành một người khác (nhân vật “tôi”). Có lẽ trong mắt người da trắng người da vàng nào cũng giống như nhau chăng và họ chẳng thể phân biệt nổi đâu là vua đâu là dân. Mặc dù thầm đoán đây là vị vua của xứ An Nam nhưng hai vị khách này chẳng kiêng dè gì mà dùng tiếng Anh để đưa ra những phán xét một cách tự nhiên mà không thèm nể mặt nhân vật chính, chắc mẩm họ khinh thường Khải Định chẳng hiểu nổi lấy một câu tiếng Anh. Qủa thực nếu là Khải Định có lẽ ông ta cũng chẳng biết mình đang bị đem ra bàn tán như một con khỉ trong sở thú, nhưng thật không may vị khách “tôi” lại biết rất rõ tiếng anh, anh ngồi và cứ thế nghe nhừng gì họ nhận xét về Khải Định, đồng thời anh cũng hiểu ra được rất nhiều điều. Trong cái nhìn “ngấu nghiến” của hai cặp mắt ma mãnh tò mò ấy, Khải Định hiện lên với một vẻ ngoài chẳng ra làm sao: Da vàng bủng như chanh, mũi tẹt, mắt xếch, đầu như đội cái đèn chụp, tay đeo đầy những nhẫn trông chẳng khác kiểu nhà giàu mới nổi đang cố khoe của, đã thế lại còn nhút nhát, lén la lén lút cứ như phường trộm cướp. Và thật sự nếu cứ như những gì cặp đôi này nhận xét thì Khải Định nào có ra dáng một ông vua đang vi hành, trông chỉ thấy hình ảnh một kẻ yếu đuối bạc nhược lại thích ăn chơi, phè phỡn chẳng ra làm sao. Từ những lời phán xét có vẻ xấu tính nhưng đầy khách quan của cặp đôi người Pháp, bản chất của một vị vua như Khải Định hiện lên thật chân thực đó là sự lố lăng, lòe loẹt, và hài hước, trên thực tế ông ta chỉ là thứ bù nhìn mua vui cho thực dân Pháp, là một con rối không có giá trị gì mấy, thân là vua nhưng chẳng có lấy một chút tôn nghiêm, thậm chí còn bị coi rẻ, nhưng dĩ nhiên Khải Định chẳng đủ tỉnh táo để nhận ra điều ấy. Thử hỏi làm sao vị vua này có thể quản lý cả một đất nước với cái khí chất yếu hèn này đây.
Từ cảnh “vi hành” đầy lố bịch của vua Khải Định, tác giả đã có sự so sánh rất hay về sự vi hành của một số vị vua nổi tiếng trong lịch sử nước ngoài. Đó là vua Thuấn của Trung Quốc cải trang làm dân cày đi dò la ý kiến của dân, vua Pi-e nước Nga đi làm thợ ở công trường nước Anh để hiểu thêm về cuộc sống của nhân dân mình. Thế nhưng ở Khải Định thì sao, ta thấy điều gì đây? Một ông vua lấy cái cớ “vi hành” để thỏa mãn thú vui chơi, đã vi hành thì buộc phải kín đáo và bình thường nhất có thể, nhưng không Khải Định đã hoàn toàn làm ngược lại, phô trương và hợm hĩnh. Đặc biệt cái sự “vi hành” của Khải Định chẳng đem lại một lợi ích cao cả nào cho nhân dân xứ An Nam mà cốt chỉ là để thỏa mãn cái lòng ham chơi của mình. Vậy thử hỏi Khải Định có xứng với vai trò của bậc cửu ngũ chí tôn hay không?
Thậm chí hài hước nhất là cảnh người dân nước Pháp đón tiếp Khải Định (thực ra là nhân vật “tôi” vốn bị nhận nhầm), ông ta chẳng nhận được một tí tôn trọng nào từ nơi mà ông ta xem là “mẫu quốc”, cái ông nhận được chỉ là những câu nói đầy xăm soi và sự chỉ trỏ “Hắn đấy”, “Xem hắn kìa”. Có thể tưởng tượng ra hàng ngàn cặp mắt đang nhìn Khải Định như nhìn một con khỉ hoặc một thằng hề đang làm trò trên đất Pháp. Và càng vui hơn ( theo lời nhân vật “tôi”), khi ngay cả chính phủ Pháp cũng chẳng thể nhận ra nổi đâu là khách “quý” của họ, nhân vật “tôi” lại tiếp tục được làm vua Khải Định thêm ít lâu nữa. Họ phái một đoàn tùy tùng đi phía sau phục vụ, mà theo lời nhân vật “tôi” thì chẳng khác nào bà mẹ hiền đang trông giữ đứa con thơ dại của mình. Nhưng chẳng phải thế đâu, thực tế thực dân Pháp đang coi Khải Định như một tên tù nhân giam lỏng mà thôi, cứ ngỡ mình vẻ vang oai hùng và được xem trọng lắm, nhưng thật ra hắn chỉ như một trò cười lố bịch, bị “mẫu quốc” xoay như chong chóng mà không hề ý thức được.
Bằng giọng văn châm biếm đầy sâu cay, nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh, Nguyễn Aí Quốc đã khơi gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ thú vị về vị vua bù nhìn Khải Định. Cách sáng tạo tình huống hư cấu đầy dễ thương và bất ngờ, cùng với lối ngôn ngữ tự nhiên đôi khi ngờ nghệch của nhân vật “tôi” đã đem đến cho tác phẩm những nét đặc sắc riêng. Tác phẩm là sự đả kích nặng nề đối với vua Khải Định, đồng thời cũng vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của bè lũ thực dân Pháp và âm mưu xâm lược đầy bỉ ổi của chúng.
————– HẾT ————–
Như vậy chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu bài mẫu phân tích bài Vi hành của Nguyễn Ái Quốc. Tiếp theo, để hiểu hơn về nội dung, nét đặc sắc nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm, các em có thể tham khảo bài Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn ái Quốc thể hiện ở truyện ngắn Vi hành, hay cả những phần Soạn bài Vi hành, Nguyễn Ái Quốc để ứng dụng cho quá trình học văn, làm văn trên lớp của mình.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp