Đề bài. Em hãy phân tích đoạn thơ sau:
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.
Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao-Lạng nhớ sang Nhị Hà…
Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về
Vui từ Ðồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
(“Trích Việt Bắc của Tố Hữu”).
Dàn ý phân tích đoạn thơ Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Mở bài
*Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
+ Là nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam
+ Là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc
+ Phong cách sáng tác: lãng mạn, đậm chất trữ tình chính trị
– Bài thơ Việt Bắc: là một trong những bài thơ được xếp vào hạng những bài thơ “tống biệt” của Tố Hữu, ra đời trong cuộc chia tay đặc biệt giữa nhân dân Việt Bắc và cán bộ kháng chiến vào tháng 10/1954.
– Dẫn dắt tới đoạn trích thơ: “Nhớ khi giặc đến giặc lùng …. Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng” là khúc ca ân nghĩa qua khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến dưới hồi tưởng đầy xúc động và ân tình của Tố Hữu.
Thân bài
* Bức tranh rộng lớn hào hùng của những ngày kháng chiến.
1, Tái hiện một cách cụ thể hoàn cảnh căng thẳng đầy khó khăn
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
– Cảm xúc bao trùm của đoạn thơ là nỗi nhớ. Nhưng khác với đoạn trước, nỗi nhớ trong đoạn thơ này như mang cả âm điệu sục sôi của ngày kháng chiến. Đó là nhớ khi “giặc đến giặc lùng”. Ý thơ như đã mở ra một không khí đầy cam go, căng thẳng, khi giặc tìm mọi cách để truy sát, để hòng dập tắt phong trào cách mạng, phong trào kháng chiến của đồng bào Việt Bắc.
2, Cụ thể hóa vai trò của thiên nhiên và con người Việt Bắc trong những ngày kháng chiến
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
– Trong bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu đã nhiều lần nhắc đến đại từ “ta”. Nhưng so với đoạn thơ trước, đại từ “ta” thường xuất hiện cùng đại từ “mình” để tạo nên một âm điệu trữ tình ngọt ngào. Ở câu thơ này, đại từ “ta” xuất hiện nhưng mang nghĩa bao hàm là chúng ta, là dân tộc, là đất nước. Vì thế nó mang âm điệu sử thi hào hùng. Không chỉ dừng lại ở đó, nhà thơ còn sử dụng biện pháp nhân hóa đã khiến cho thiên nhiên núi rừng như hòa cùng với lòng người để tạo nên một khối sức mạnh đánh đuổi quân xâm lược. Nhờ thế mà rừng cây không còn là hình tượng thiên nhiên vô tri mà nó hiện lên vô cùng sống động, nó thể hiện tình cảm gắn bó, sự đoàn kết đồng lòng của những con người Việt Bắc với thiên nhiên.
– Sang câu thơ thứ hai “Núi giăng thành lũy sắt dày”. Cũng giống như rừng cây ở câu thơ trên, núi non không chỉ là biểu tượng cho sự hùng vĩ đại ngàn mà còn mang sức mạnh để bảo vệ đất nước. Núi đã trở thành một tấm lá chắn vững chắc tựa như sắt như đồng để không có kẻ thù nào có thể vượt qua. Đọng lại trong lòng người đọc là câu thơ “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Một lần nữa, Tố Hữu lại sử dụng hình ảnh nhân hóa kết hợp với cách ngắt nhịp 4/4 làm cho câu thơ chia làm hai vế cân xứng đã tái hiện hai nhiệm vụ rất rõ ràng của rừng cây, núi đá. Rừng có khi hiểm trở, có khi dịu dàng để che chở bao bọc cho những người kháng chiến. Có khi rừng lại mạnh mẽ như một thứ vũ khí sắc nhọn để tiêu diệt kẻ thù bảo vệ đất nước.
=> Tố Hữu thực sự đã thổi hồn vào thiên nhiên Việt Bắc khiến cho mỗi cánh rừng, ngọn núi trở thành người đồng hành với người kháng chiến trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Sức mạnh thiên nhiên hòa quyện với sức mạnh con người đã tạo thành sức mạnh của cả dân tộc, cả thời đại.
3, Chiến khu Việt Bắc với thiên nhiên khắc nghiệt, vừa hùng tráng vừa thơ mộng ở cặp lục bát tiếp theo là hình ảnh thiên nhiên, đất trời Việt Bắc trong giai đoạn kháng chiến.
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng
– Trời đất bị chìm lấp trong cả màn sương giăng khắp nơi, khiên cho khung cảnh chiến đấu trở nên uy linh và không kém phần lãng mạn. Những dù giữa một biển sương mù khó khăn, con người vẫn không mất đi vẻ đẹp lãng mạn của lòng mình.
+ Với hình ảnh chọn lọc “mênh mông bốn mặt sương mù”, chiến khu mang nét đặc trưng rộng lớn, đồng thời thể hiện sự phát triển của kháng chiến, chiến khu giải phóng được mở rộng hơn.
+ Cùng với cụm từ “Đất trời ta cả” khẳng định quyền làm chủ vùng giải phóng, và sự tương phản “Mênh mông bốn mặt” và “chiến khu một lòng”: Cả vũ trụ, núi rừng Việt Bắc giờ đây đang cùng nhìn về một hướng, đang hướng về cuộc chiến đấu, hướng về sứ mệnh bảo vệ quê hương đất nước yêu dấu của mình thầm thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
4, Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đã làm nên những chiến công vang dội, hàng loạt những địa danh vang lên, mỗi nơi đều gắn với một thắng lợi vinh quang.
Ai về ai có nhớ không ?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ Phố Ràng
Nhớ từ Cao – Lạng, nhớ sang Nhị Hà.
– Bằng câu hỏi tu từ, hỏi nhưng không cần trả lời, thể hiện niềm vui to lớn trước chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Sau đó là câu trả lời: “Ta về ta nhớ” vừa là câu trả lời, đồng thời cũng là câu nói khẳng định ẩn chứa biết bao niềm tự hào không nhỏ.
– Bằng phép liệt kê các địa danh ở Việt Bắc gắn liền với những sự kiện quan trọng như Phủ Thông, đèo Giàng, là nơi đã diễn ra các trận hồi đầu cuộc kháng chiến chống pháp. Sông Lô phố Ràng: Trận sông Lô đánh tàu chiếm Pháp trong chiến dịch Việt Bắc và trận đánh đồn phố Ràng. Cao – Lạng : Cao Bằng và Lạng Sơn, năm 1950 ta mở chiến dịch giải phóng biên giới Việt – Trung.
+ Đó là những chiến công tiêu biểu góp phần quan trọng, mang tính quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Những bước đầu quan trọng ấy đã làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực cho cuộc kháng chiến, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.
– Cùng với điệp từ “nhớ” nhớ đến những trận đánh, những chiến công oanh tạc như thế là niềm tự hào của cá nhân những người tham gia kháng chiến. Chiến thắng nào mà chẳng phải trả giá. Có lẽ họ không những nhớ đến những chiến công oanh liệt như thế mà còn nhớ về những kỉ niệm buồn bên đồng đội của mình, họ đã phải chia tay ra đi vĩnh viễn trong nước mắt và sự xót thương của cả dân tộc.
=> Qua đó nhà thơ như cũng muốn thắp lên nén tâm hương để tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì nghĩa lớn vì sự nghiệp của dân tộc, của đất nước. Với điệp từ “nhớ”cùng với thể thơ lục bát âm điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào, sâu lắng, diễn tả nỗi nhớ vơi đầy dào dạt trong kí ức của nhà thơ. Giọng thơ thay đổi linh hoạt, lúc trầm lắng, lúc mạnh mẽ mãnh liệt trong niềm vui, khiến đọc giả như đang hòa mình vào niềm vui lớn của dân tộc, niềm vui trọn vẹn khi đất nước hoàn toàn tự do.
=> Tóm lại, bằng nhiều biện pháp nghệ thuật, qua nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi đã mang lại cho đọc giả không khí nóng hổi từ những cuộc kháng chiến đỉnh điểm của dân tộc ta trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Đoạn thơ cũng khắc họa được hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc trù phú, giữ dội nhưng cũng rất lãng mạn và “bao la” khắc họa được hình ảnh người cán bộ về xuôi có tình cảm sâu nặng gắn bó với thiên nhiên, với cách mạng. Đồng thời thể hiện niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của quân và dân ta và khẳng định một điều: Việt Bắc chính là cái nôi, nuôi dưỡng cách mạng.
5. Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam
– 2 câu đầu: Mở ra một cảnh tượng sôi động của Việt Bắc trong những đêm hành quân vào chiến dịch:
Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
+ “Những đường Việt Bắc”: không gian vô cùng rộng lớn.
+ Điệp từ “đêm đêm”: thời gian liên tục tiếp nối.
+ So sánh “như là đất nung” + từ láy “rầm rập”: Khí thế hào hùng làm rung đất chuyển trời.
+ Sự lớn mạnh của quân đội ta về lực lượng, khí thế.
– 6 câu tiếp: Sự phối hợp các lực lượng chiến đấu:
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
+ Đoàn quân:
- Từ láy “điệp điệp trùng trùng”: những đoàn quân tiếp nhau bước đi như những đợt sóng trào kéo dài vô tận.
- Hình ảnh “ánh sao đầu súng” là một tứ thơ đẹp gợi nhiều liên tưởng:
- Nghệ thuật nhân hóa: ánh sao theo chân đoàn quân, treo lơ lửng trên đầu súng, soi sáng khắp các ngả đường hành quân – thiên nhiên đã thành người bạn đồng hành cùng chiến sĩ.
- Ẩn dụ: ánh sao – lí tưởng cách mạng luôn soi sáng dẫn đường, đến tương lai tươi sáng – niềm tin tưởng lạc quan đầy khí thế.
+ Đoàn dân công:
- Những bó đuốc đỏ rực soi đường, làm sáng bừng lên hình ảnh những đoàn quân dân công tiếp lương, tải đạn với đủ cả: già, trẻ, gái, trai… họ đến từ những miền quê với đủ mọi phương tiện chuyên chở: xe đạp thồ, gùi, cáng… quyết tâm kiên cường vượt qua khó khăn nguy hiểm để bảo đảm vũ khí, thuốc men, lương thực… cho tiến tuyến.
- Cách nói cường điệu “bước… bay”: vừa diễn tả lực lượng đông đảo vừa diễn tả một sức mạnh hùng hậu phục vụ chiến trường. Cuộc chiến đấu của ta là đấu tranh nhân dân, đã phát huy sức mạnh toàn dân.
- Hình ảnh thơ thật đẹp “muôn tàn lửa bay”, “đỏ đuốc”: xua tan những lạnh lẽo, tăm tối nơi rừng núi.
- Từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng” + từ “nát đá” : góp phần tạo nên âm điệu hùng tráng mạnh mẽ.
+ Đoàn ô tô quân sự:
- Xe kéo pháo, chở súng đạn, thuốc men, lương thực, chở quân rùng rùng ra trận:
- Hình ảnh “đèn pha bật sáng”, “ánh sáng rực rỡ xuyên thủng đêm dài tăm tối”.
- Hình ảnh ẩn dụ “nghìn đêm” – quá khứ nô lệ; “sương dày” : những khó khăn vất vả, thiếu thốn trong hiện tại.
- So sánh “Như ngày mai lên”, “niềm tin tưởng, lạc quan : hình ảnh thơ mang ý nghĩa biểu trưng cho tương lai tươi sáng của đất nước.
- Nhịp điệu dồn dập, mạnh mẽ, gấp gáp. m hưởng hào hùng, sôi nổi náo nức; hình ảnh thơ hoành tráng, mỹ lệ.
- Đoạn thơ tràn ngập ánh sáng: ánh sao, ánh đuốc, ánh đèn pha…, ánh sáng của niềm tin tưởng, niềm vui tràn ngập. Tất cả tạo thành khúc hùng ca chiến thắng. Việt Bắc không còn là của mình hay là của riêng ta mà là của ta – của chúng ta, của tất cả mọi người Việt Nam kháng chiến.
6. Niềm vui khi tin chiến thắng của mọi miền đất nước tiếp nối báo về:
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về
Vui từ Ðồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
- Điệp từ ”vui” như tiếng reo mừng chiến thắng, cảm xúc náo nức, vui sướng, tự hào khi tin vui chiến thắng dồn dập đổ về từ khắp mọi miền đất nước.
- Liệt kê những địa danh kết hợp từ “trăm miền” mở ra không gian rộng lớn của chiến thắng từ miền núi đến đồng bằng, từ bắc tới nam.
- Nhịp điệu thơ dồn dập, tươi vui, náo nức cho thấy tốc độ thần kỳ, nhanh chóng của những chiến thắng.
- Những từ: “vui về”, “vui lên”, ‘vui từ” đã đặt Việt Bắc làm tâm điểm của mọi niềm vui.
- Giọng thơ say mê, náo nức tràn ngập niềm vui sướng trong lòng hàng triệu con người từ bắc chí nam.
Kết bài
– Nhận xét về chất trữ tình chính trị:
+ Đoạn thơ đã nói lên nỗi nhớ của tác giả Tố Hữu. Đằng sau nỗi nhớ ấy chính là những tâm tư, tình cảm của Tố Hữu.
+ Chất trữ tình chính trị đã được biểu hiện rõ nét trong nỗi nhớ của người ra đi ấy. Hơn thế nữa, nó còn được thể hiện qua sự vận động từ nội dung đến nghệ thuật của đoạn thơ.
+ Chất trữ tình chính trị chính là phong cách tiêu biểu của hồn thơ Tố Hữu.
– Khẳng định giá trị đoạn trích thơ đem lại: là khúc ca ân nghĩa qua khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến dưới hồi tưởng đầy xúc động và ân tình của Tố Hữu về chặng đường mười lăm năm đã qua của đất nước, từ đó mà hướng về tương lai tươi sáng, nhắc nhớ tâm nguyện thuỷ chung. Hay Việt Bắc là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến mà cội nguồn sâu xa của nó là tình yêu quê hương đất nước, là niềm tự hào về sức mạnh của nhân dân, là truyền thống ân nghĩa, đạo lí thuỷ chung của dân tộc Việt Nam.
Văn mẫu tham khảo phân tích đoạn thơ Nhớ khi giặc đến giặc lùng
(Nguồn: sưu tầm)
Trong gian khổ, khó khăn, ý chí quật cường và tính thần đoàn kết của dân tộc ta càng được nhân lên gấp bội. Cũng chính nhờ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, nhân dân ta đã đánh tan những thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất. Cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp của cả dân tộc đã khép lại song lớp lớp thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau vẫn luôn được nhắc nhớ về quá khứ hào hùng của cha ông. Theo dòng hồi tưởng của nhà thơ Tố Hữu trong bài Việt Bắc, bạn đọc lại một lần nữa cảm nhận về cuộc kháng chiến của dân tộc ta với sức mạnh vô song của khối đại đoàn kết của tình quân dân để tạo nên những chiến công lẫy lừng. Tình đoàn kết và sức mạnh của nhân dân ta được thể hiện rất đậm nét trong đoạn thơ:
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
…..
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
Trong mạch hồi tưởng của tác giả, những kỉ niệm thời kháng chiến cứ dần dần hiện lên trong tâm trí nhà thơ trong đó có nỗi nhớ về những ngày tháng cách mạng còn trong trứng nước, về con người Việt Bắc ân tình, thủy chung và cả những nỗi nhớ về những trận đánh:
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Làm sao quên được cái cảnh càn quét, săn lùng của kẻ thù như một bầy chó săn khát máu. Đã bao lần chúng tắm nhân dân ta trong những bể máu, trong tiếng kêu khóc đau thương dậy cả đất trời. Quân giặc tìm mọi cách đàn áp, khủng bố hòng làm nhụt chí vùng lên tự giải phóng của nhân dân ta. Không chỉ trong thơ Tố Hữu mà trong tác phẩm của những nhà thơ khác, bao tiếng thơ ai oán, căm hờn đã nêu bật tội ác quân xâm lược:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang.
(Hoàng Cầm – Bên kia sông Đuống)
Những âm mưu nham hiểm và dã tâm của kẻ thù không thể cản trở tấm lòng yêu quê hương đất nước của nhân dân ta. Trong giờ khắc quyết định số phận của mình, quân dân ta đã vùng lên. Không chỉ con người mà cả rừng núi cũng chung sức đánh Tây. Thiên nhiên đất trời Việt Bắc đã trở thành những người đồng đội, những chiến sĩ anh hùng trong cuộc chiến:
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.
Những dãy núi trùng điệp dàn trải như thành lũy kiên cố bất khả xâm phạm che chở bộ đội, dân quân, du kích,… Núi rừng vừa bao vây quân thù, vừa chở che bộ đội. Núi rừng vốn là những vật vô tri, song dưới con mắt của nhà thơ, trong cuộc kháng chiến trường kì toàn dân, toàn diện, núi rừng thiên nhiên cũng trở nên có ý chí, có tình người. Chúng cùng quân dân ta tham gia chiến đấu. Tư thế hiên ngang kiêu hùng của những vách núi làm cho kẻ thù bất lực. Cái dáng ngay thẳng của tre nứa đầy dũng khí đâm thẳng lên trời xanh như thách thức kẻ thù. Với nghệ thuật nhân hóa, Tố Hữu đã biên núi rừng, thiên nhiên thành những người lính anh dũng kiên cường:
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.
Khung cảnh chiến đấu vừa hào hùng vừa thơ mộng, đất trời bao la chìm trong sương mù dày đặc. Màn sương ấy như che chở cho quân ta và cản bước quân thù. Cả núi rừng Việt Bắc giờ đây đang cùng chung một nhịp đập trái tim. Tất cả đang hướng về cuộc chiến đấu , hướng về sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương yêu dấu. Cụm từ “cả chiến khu một lòng” đã nhấn mạnh tình đoàn kết quân dân, sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên. Tất cả bừng lên ngọn lửa căm hờn, ngọn lửa hừng hực tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Qua câu thơ này, Tố Hữu thể hiện lòng tự hào trước sức mạnh của dân tộc ta. Khi Tổ quốc, quê hương cần, tất cả thiên nhiên và con người đều sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh. Sáu câu thơ đã phần nào thể hiện lòng yêu mến, tự hào và cảm phục của nhà thơ trước mảnh đất và con người Việt Bắc nói riêng cũng nhân dân Việt Nam nói chung.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân cùng ý chí quyết chiến quyết thắng đã tạo nên sức mạnh của nhân dân ta, làm nên những chiến công anh hùng. Hàng loạt những địa danh được nhắc tới. Mỗi nơi đều gắn với một thắng lợi vinh quang. Đây Phủ Thông, kia đèo Giàng, rồi những trận thủy chiến trên sông Lô… Cuộc kháng chiến đã nổ ra khắp mọi nơi. Những chiến thắng đó không những trải dài theo chiều rộng không gian mà còn trải cả trong chiều dài nỗi nhớ. Nhà thơ đặt câu hỏi, nói đúng hơn là người ở lại hỏi người ra đi: “Ai về ai có nhớ không?”. Người ra đi làm sao mà quên được những trận đánh, những chiến công ấy bởi trong những vinh quang đó có máu của đồng đội, bạn bè. Nhớ về những chiến công cũng là tường nhớ về những người anh hùng đã ngã xuống để hôm nay, đồng đội, bạn bè và con cháu được sống và được tự hào về thắng lợi, về sức mạnh anh hùng của dân tộc. Bằng biện pháp liệt kê, nhà thơ đã nhắc lại những chiến công hào hùng của quân và dân ta. Thật tự hào và đáng trân trọng xiết bao.
Từ những chiến công, trong nỗi nhớ của người ra đi và người ở lại, những đêm hành quân thật hùng dũng đã hiện về:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Cả núi rừng, đất trời vang dậy bước hành quân. Thiên nhiên chuyên mình cũng chính là lúc nhân dân ta chuyển sang giai đoạn phản công của cuộc kháng chiến. Từng đoàn quân nối nhau ra tiền tuyến. Trong trái tim họ, những lời thề vang vọng, mãi thúc giục họ đi lên, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Tất cả những lo toan bề bộn của cuộc sống hằng ngày đều được dẹp lại sau lưng. Từng dòng chữ trong câu thơ như cũng đang run lên theo nhịp bước quân hành của những đoàn quân ra trận. Những người chiến sĩ anh hùng cứ tiến lên phía trước, tiến đến một ngày mai tươi sáng, vẻ đẹp hùng dũng của đoàn quân được tái hiện rất cụ thể qua phép so sánh:
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Hình tượng người lính trong đêm hành quân gợi nhớ tới câu thơ của Quang Dũng
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
(Tây Tiến)
Trong bài Tây Tiến, hình ảnh người lính hiện lên hào hùng trong gian khổ. thơ Tố Hữu, những khó khăn gian khổ đã phẩn nào được làm mò để nêu bật chân dung của một đoàn quân dũng mãnh:
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Từng đoàn binh “điệp điệp, trùng trùng” tiên đi. Trong họ là cả một bầu dũng khí Cảnh tượng đoàn quân đông đảo, trùng điệp như những dãy núi kế tiếp nhau. Miêu tả cảnh hành quân, nhà thơ sử dụng cụm từ “điệp điệp, trùng trùng”. Có lẽ chẳng còn từ ngữ nào có thể diễn tả được sức mạnh của đoàn binh hơn thế. Trong đoàn quân đó có những con người không chi biết cầm súng chiến đấu mà còn có tâm hồn lãng mạn. Họ làm bạn với trăng sao. Trong đêm tối, ánh sao soi đường cho các chiến sĩ, chia sẻ với họ những tâm tư tình cảm. Cảnh thật đẹp và mơ mộng quả, không gian đang sục sôi bỗng như lặng đi trước một cảnh tượng đậm chất lãng mạn. m điệu câu thơ trở nên trầm lắng. Hình ảnh “ánh sao đầu súng” không mới. Chính Hữu đã từng viết:
Đầu súng trăng treo
Song sự chuyển đổi nhịp nhàng giữa hai câu thơ: “Quân đi điệp điệp trùng trùng / Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan” khiến hình ảnh người lính bỗng đẹp thêm lên. Ở họ có cốt cách của người chiến sĩ và tâm hồn của người thi sĩ. Họ thật đáng cảm phục biết bao. Trong đêm tối hình ảnh đoàn binh hiện lên càng rõ nét. Họ làm chủ đất trời, vũ trụ bao la. Đó là những con người anh hùng của mảnh đất anh hùng. Cùng với bộ đội chủ lực, những đoàn dân công cũng xung phong ra tiền tuyến:
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Anh đuốc bập bùng sáng lên trong đêm tối. Đoàn dân công trên con đường ra trận được miêu tả thật hùng dũng, hiên ngang. Họ muốn đem tiếng hát của mình, sức lực của mình góp chung vào sự nghiệp chung của dân tộc. Khắc họa hình tượng những đoàn dân công, tác giả sử dụng hình ảnh “Bước chân nát đá” cho thấy sức mạnh của họ thật phi thường. Muôn tàn lửa bay sau lưng họ như những khó khăn đã bị dẹp lại phía sau. Đoàn binh và những người dân công là hình ảnh tượng trưng cho quân dân Việt Nam. Với sức mạnh phi thường, dân tộc ta đã vượt qua:
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
để đón chào tương lai tươi sáng:
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Khó khăn gian khổ như bóng đêm đã khép lại. Trước mắt đoàn quân, ánh đèn pha bật sáng như niềm tín tưởng vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến và tương lai tươi sáng của dân tộc. Đoàn quân cứ bước đi trong niềm tin và hi vọng. Toàn bộ tâm trí và dũng khí của họ đều hướng về tương lai. Có thể nói, câu thơ thể hiện niềm lạc quan của nhà thơ và cũng là dự cảm về ngày chiến thắng.
Chỉ với một đoạn thơ ngắn, Tố Hữu đã tái hiện được vẻ đẹp anh hùng của nhân dân, núi rừng Việt Bắc nói riêng và sức mạnh anh hùng của dân tộc Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc chính là sức mạnh làm nên chiến thắng. Vì thế, đoạn thơ nói riêng, cả bài Việt Bắc nói chung mang âm hưởng sử thi khá đậm nét. Và đây cũng chính là một nét tiêu biểu của phong cách thơ Tố Hữu: vừa giàu chất lí tưởng vừa ngọt ngào tha thiết và thấm đẫm chất dân tộc.
(Phạm Thúy Hồng) Dẫn theo :Trần Liên Quang, Đỗ Thị Yên
Trên đây là dàn ý và văn mẫu phân tích đoạn thơ Nhớ khi giặc đến giặc lùng …. Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng mà các em có thể tham khảo.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp