Khí cacbonic CO2 và khí sunfurơ SO2 như các em đã biết đều là các oxit axit chúng ta thường gặp cả trong thực tế đời sống lẫn trong các dạng bài tập hóa học.
Khí CO2 và SO2 có rất nhiều ứng dụng trong đời sống: chẳng hạn như khí cacbonic CO2 được dùng để bảo quản thực phẩm, có trong đồ uống có gas như coca, pepsi,… làm bình chữa cháy,… còn khí sunfurơ SO2 dùng trong sản xuất hợp chất Axit Sunfuric, làm chất tẩy trắng bột giấy và dung dịch đường, làm chất bảo quản cho các loại hoa quả sấy khô như vải, mơ, nho,…
Bài viết này chúng ta sẽ so sánh tính chất hóa học, tính chất vật lý của CO2 và SO2 qua đó giúp các em hệ thống lại các kiến thức cần nắm vững về hai oxit axit quan trọng này.
Bạn đang xem: So sánh tính chất hóa học, tính chất vật lý của CO2 và SO2 – Hóa lớp 11
I. So sánh tính chất vật lý của SO2 và CO2
• Tính chất vật lý của cacbonic CO2
– Là khí không màu, vị hơi chua, nặng hơn không khí (dCO2/KK = 44/29)
– Tan ít trong nước, không duy trì sự sống và sự cháy.
– Khí CO2 khi bị làm lạnh đột ngột là thành phần chính của nước đá khô. Nước đá khô không nóng chảy mà thăng hoa nên được dùng để làm môi trường lạnh và khô, rất tiện lợi để bảo quản thực phẩm.
• Tính chất vật lý của sunfurơ SO2
– Là chất khí không màu, mùi hắc, và nặng hơn không khí (dSO2/KK = 64/29)
– Tan nhiều trong nước, hóa lỏng (điểm sôi) ở -10oC (263oK)
– Là khí độc gây viêm đường hô hấp khi hít phải.
II. So sánh tính chất hóa học của CO2 và SO2
* Giống nhau: CO2 và SO2 đều là các oxit axit nên tác dụng với nước, bazơ và oxit bazơ.
• Khí CO2 và SO2 tác dụng với H2O tạo thành axit (yếu)
CO2 + H2O ↔ H2CO3
SO2 + H2O ↔ H2SO3
• Khí CO2 và SO2 tác dụng với Oxit Bazơ tạo thành muối
CaO + CO2 CaCO3
SO2 + CaO CaSO3
• Khí CO2 và SO2 tác dụng với Bazơ tạo thành muối và nước
SO2 + NaOH → NaHSO3
SO2 + 2NaOH → Na2SO3 + H2O
NaOH + CO2 → NaHCO3
2NaOH + CO2 → Na2CO3 + H2O
Ca(OH)2 + CO2 → CaCO3 + H2O
CaCO3 + H2O + CO2 → Ca(HCO3)2
* Lưu ý: Khi giải bài tập phần này, tùy theo tỉ lệ phản ứng có thể tạo thành các muối khác nhau. Đặt T = nOH–/ nCO2 thì:
– Nếu T ≤ 1 → chỉ tạo muối HCO3–
– Nếu T ≥ 2 → chỉ tạo muối CO32-
– Nếu 1 < T < 2 → tạo ra 2 muối: HCO3– và CO32-
Với SO2 cũng tương tự.
* Khác nhau:
• Khí SO2 vừa là chất oxi hóa, vừa là chất khử
+ Khí SO2 thể hiện tính khử (chất khử):
– Khí SO2 phản ứng với chất oxy hóa mạnh
2SO2 + O2 2SO3
Cl2 + SO2 + 2H2O → H2SO4 + 2HCl
– Khí SO2 Làm mất màu dung dịch nước Brom
SO2 + Br2 + 2H2O → 2HBr + H2SO4
– Khí SO2 làm mất màu dung dịch thuốc tím
5SO2 + 2KMnO4 + 2H2O → K2SO4 + 2MnSO4 + 2H2SO4
+ Khí SO2 thể hiện tính oxy hoá mạnh:
– SO2 tác dụng với chất khử mạnh
SO2 + 2H2S → 3S + 2H2O
SO2 + 2Mg → S + 2MgO
• Khí CO2 vừa là chất oxi hóa
– Khí CO2 bền, ở nhiệt độ cao thể hiện tính oxi hóa khi tác dụng với các chất khử mạnh.
CO2 + 2Mg → 2MgO + C
CO2 + C → 2CO
Ngoài ra, CO2 còn được dùng để sản xuất ure
CO2 + 2NH3 → NH4O-CO-NH2 (amoni cacbamat)
NH4O – CO – NH2 (NH2)2CO + H2O
(từ tính chất này cho thấy CO2 dùng để chữa cháy nhưng KHÔNG DÙNG để dập tắt các đám cháy kim loại).
Như vậy, khi đọc tới đây thì các em đã hiểu rõ sự khác nhau và giống nhau giữa CO2 và SO2. Từ các điểm khác nhau sẽ giúp các em dễ dàng phân biệt được SO2 và CO2 để trả lời các câu hỏi như: Nêu phương pháp hóa học để nhận biết SO2 và CO2? hay Cho các chất khí SO2 CO2 dùng chất nào để nhận biết hai chất khí này?
Câu trả lời là: Để nhận biết hay phân biệt SO2 và CO2 thì thuốc thử nên sử dụng là chất có tính Oxi hóa mạnh như thuốc tím KMnO4 hoặc Br2. Vì trong 2 khí CO2 và SO2 thì chỉ có khí SO2 là có tính khử nên sử dụng chất oxi hóa sẽ nhận biết được khí này, SO2 sẽ làm mất màu dung dịch Brom hoặc thuốc tím.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp