7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2021 – 2022

0
57
Rate this post

Ngày 24/8/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị 800/CT-BGDĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.

Nhiệm vụ năm học

Do diễn biến dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp nên ngay từ đầu năm học 2021 – 2022 rất nhiều địa phương phải tiến hành khai giảng online, dạy học trực tuyến. Vì vậy, toàn ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực phòng chống Covid-19 vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Bạn đang xem: 7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2021 – 2022

7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2021 – 2022

Thứ nhất, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương.

  • Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.
  • Tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, sinh viên, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.
  • Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.
  • Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non, tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.
  • Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa; xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh, sinh viên.
  • Rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020- 2021; có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.

Thứ hai, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Căn cứ hướng dẫn nhiệm vụ năm học của các cấp học, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết, cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

  • Trong đó, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1; khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.
  • Từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non; tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục.
  • Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 – 2022; chuẩn bị các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022 – 2023; tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 3, lớp 7, lớp 10 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình quy định.
  • Bảo đảm cung cấp kịp thời sách giáo khoa cho học sinh, kể cả học sinh khuyết tật thực hiện giáo dục hòa nhập, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học.
  • Xây dựng kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu của thị trường lao động; thực hiện kết hợp dạy văn hóa phổ thông với dạy nghề hiệu quả, đúng quy định.

Thứ ba, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

  • Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 17/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  • Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện và áp dụng các quy định của pháp luật về tự chủ đại học, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường; kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ, phát huy dân chủ và nâng cao năng lực quản trị nhà trường.
  • Tổ thức thực hiện có hiệu quả các quy định về tuyển sinh và đào tạo, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các nhóm ngành, các lĩnh vực đào tạo thuộc các trình độ của giáo dục đại học.
  • Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng chuyển giao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, gắn với đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm và đào tạo sau đại học.
  • Tăng cường kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế, ưu tiên phát triển các chương trình đào tạo chất lượng quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh.

Thứ tư, triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; xây dựng văn hóa học đường; cung cấp, trau dồi các kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho học sinh, sinh viên.

  • Xây dựng các chỉ số để đánh giá chuẩn đầu ra cho học sinh, sinh viên về đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và phát triển thể chất đối với từng cấp học. Đặc biệt quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh, sinh viên bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài; tăng cường phối hợp giữa nhà trường – gia đình trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh tiểu học, trong việc học trực tuyến tại nhà.
  • Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.

Thứ năm, triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

  • Triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên, bảo đảm “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.
  • Có giải pháp phù hợp để hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là giáo viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Thứ sáu, ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

  • Huy động các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục và thực hiện hỗ trợ học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tự do, không để học sinh, sinh viên nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường.

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp, chồng chéo.

  • Tăng cường phân cấp cho cơ sở, đi đôi với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
  • Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, gắn với đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành.
  • Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, giải pháp, mô hình sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn có thể kéo dài.

Hướng dẫn giáo viên

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/7-nhiem-vu-trong-tam-trong-nam-hoc-2021-2022/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp