Dàn ý cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác – Viễn Phương

0
94
Rate this post

Dàn ý tham khảo

I. Mở bài:

– Viễn Phương quê ở An Giang. Có mặt sớm nhất trong đội ngũ văn nghệ sĩ kháng chiến chống Mĩ.

– “Viếng lăng Bác” sáng tác năm 1976 khi nhà thơ cùng đoàn đại biểu nhân dân ra thăm miền Bắc và đến viếng Bác.

Bạn đang xem: Dàn ý cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác – Viễn Phương

– Cảm xúc bao trùm: niềm xúc động thiêng liêng thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau khi nhà thơ ra viếng Bác.

II. Thân bài:

– Cảm nhận của nhà thơ trước khung cảnh bên ngoài lăng.

+ “Con”, một đại từ nhân xưng dùng trong quan hệ gia đình. Tác giả xưng “con” với Bác – một vị lãnh tụ giúp chúng ta cảm nhận được quan hệ lãnh tụ và nhân dân thật gần gũi thân thiết. Con ở miền Nam nơi Bác hằng mong nhớ nên tác giả dùng từ “thăm” chứ không phải là “viếng” – người con về thăm nơi ở chỗ nằm của cha. Tình cảm tha thiết, sự xúc động thiêng liêng, thành kính.

+ Hình ảnh gây ấn tượng cho nhà thơ là hàng tre – một loại cây quen thuộc với làng quê Việt Nam, một loại cây tương trưng cho dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất. Tre như những người vệ binh hàng ngày canh giữ cho giấc ngủ của Bác.

+ Hình ảnh thực và ẩn dụ sóng đôi: Mặt trời (câu 1) nguồn sáng lớn nhất và vĩnh hằng của vũ trụ, giúp duy trì sự sống cho muôn loài trên trái đất. Mặt trời (câu 2) là ẩn dụ về Bác Hồ – người đã đưa Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bác là mặt trời của Cách mạng, bài thơ là sáng tạo đặc sắc, giàu ý nghĩa tượng trưng, ca ngợi sự cao cả vĩ đại của Bác cùng sự ngưỡng mộ của toàn dân đối với Người.

–  Cảm xúc của nhà thơ khi vào trong lăng:

+ Nhà thơ miêu tả 2 câu thơ giản dị và xúc động Bác nằm trong…dịu hiền (trích)

+ Hình ảnh ánh trăng gợi cho ta liên tưởng đến đời sống tinh thần thanh cao, trong sáng và những câu thơ, bài thơ tràn ngập ánh trăng của Bác. Trăng vào tận trong lăng làm bạn với Người.

+ Tác giả tạo ra hệ thống hình ảnh: mặt trời, vầng trăng, bầu trời xanh – những vật thể vĩnh hằng vừa thể hiện sự cao cả, vĩ đại của Bác, vừa khẳng định Bác sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Dù biết như thế nhưng lòng nhà thơ vẫn đau nhói trước sự thật Bác không còn nữa.

– Ứơc nguyện tha thiết, chân thành của nhà thơ: Điệp ngữ “muốn làm” thể hiện tâm trạng bâng khuâng, lưu luyến cùng sự xúc động dâng trào. Nhà thơ không muốn rời lăng Bác mà ông ao ước biến thành đóa hoa, con chim, cây tre trung hiếu mãi mãi ở chốn này.

III. Kết bài:

– “Viếng lăng Bác” được coi là bài thơ hay viết về đề tài lãnh tụ.

– Bài thơ thành công vì Viễn Phương chọn được hình thức giọng điệu phù hợp với nội dung trữ tình vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa thiết tha, tự hào… phản ánh tâm trạng của những người con khao khát gặp Bác nhưng nay mới có điều kiện đến viếng Người.

Tham khảo: Văn mẫu cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác

Bài văn phân tích, cảm nhận bài thơ Viếng lăng Bác hay nhất tuyển chọn

Thơ là tiếng lòng, là điệu hồn cảm xúc mà mỗi tác giả chắt lọc, chưng cất, gửi gắm trong từng con chữ, từng dòng thơ. Có những câu thơ đầy nhiệt huyết, khí thế, nhưng cũng có những câu đầy ngọt ngào da diết. Mang trong mình một tiếng thơ riêng, Viễn Phương đã đem đến cho người đọc bài thơ Viếng lăng Bác đầy xúc động, chân thành. Đọc từng câu thơ ta như thấm được lòng thành kính, sự xót thương của tác giả đối với người cha già vĩ đại của dân tộc.

Có lẽ điều người đọc ấn nhất chính là ngôn ngữ, giọng điệu thơ đầy chân thành, tình cảm. Và Viễn Phương cũng vận dụng hết sức linh hoạt các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ khiến cho câu thơ giàu cảm xúc, tăng tính biểu tượng. Mở đầu bài thơ là tiếng lòng đầy thân thương, ấm áp:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Tác giả không dùng bất từ một từ ngữ nào khác, mà là “con” – tiếng nói ấm áp, thân thương để gọi người cha yêu dấu của mình. Hơn nữa, cách dùng chữ thăm – nói giảm nói tránh để làm vơi bớt đi nỗi đau buồn. Người con sau bao năm xa cách, nay trở về quê hương, trở về bên người cha của mình. Ngôn ngữ của ông tỏ ra hết sức tinh tế mà cũng ăm ắp tình cảm.

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa vẫn đứng thẳng hàng

Trước lăng Bác là khung cảnh thấm đẫm chất đồng quê, với những rặng tre rì rào trước gió, đang ngày đêm canh gác giấc ngủ bình yên cho Người. Khung cảnh vừa thực, vừa hư khi được bao phủ một lớp sương mờ. Nhưng không chỉ có vậy, hàng tre còn là biểu tượng cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Sau bao khó khăn, thử thách, chiến đấu với những kẻ thù mạnh nhất, dân tộc ta vẫn vững vàng, kiên cường trước sóng gió thời đại.

Mặt trời của thiên nhiên là nguồn ánh sáng nuôi sống tất cả các sinh vật trên trái đất, còn đối với dân tộc Việt Nam, nguồn ánh sáng cứu giúp họ thoát khỏi khổ đau, đến được với cuộc sống tự do, hạnh phúc chính là Bác:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Từ trường liên tưởng rất sâu sắc và chính xác Viễn Phương đã cho chúng ta thấy vai trò to lớn của Bác đối với dân tộc Việt Nam. Ánh mặt trời của thiên nhiên, cũng phải nghiêng mình, ngắm nhìn ánh sáng tỏa rạng của mặt trời trong lăng. Ánh sáng mặt trời của Bác là ánh sáng của tự do, công lí, là ánh sáng của hạnh phúc. Bởi vậy nó càng nó ý nghĩa và giá trị to lớn hơn nữa. Ẩn sau hình ảnh ẩn dụ đó là niềm cảm phục, biết ơn của Viễn Phương đối với Người.

Ngày ngày dòng như đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

Điệp từ “ngày ngày” lặp lại hai lần kết hợp với nhịp thơ chậm rãi, cho thấy dòng người vô tận, mang trong mình tấm lòng thành kính dâng lên công lao của Bác. Đặc biệt nỗi nhớ vốn vô hình, nhưng bằng tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy, Viễn Phương đã biến nỗi nhớ ấy trở thành hữu hình. Có lẽ dòng người tiến vào lăng Bác với lòng tiếc thương và kính trọng đã biến cả không gian thành không gian tâm trạng. Và tấm lòng thành kính của người dân Việt Nam đã được kết tinh thành tràng hoa dâng lên Người. Hình ảnh “tràng hoa” là một ẩn dụ đẹp về dòng người vào lăng viếng Bác. Mỗi con người là một bông hoa đẹp, cuộc đời họ đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác. Và giờ đây họ dâng lên tất cả những gì đẹp đẽ nhất với tấm lòng thành kính, biết ơn và sự tiếc thương vô hạn. “Bảy mươi chín mùa xuân” tiếp tục là một hình ảnh hoán dụ đặc sắc. Viễn Phương tỏ ra vô cùng tinh tế trong việc điều khiển đội quân ngôn ngữ. “Xuân” vốn để nói về tuổi trẻ, bởi vậy khi dùng với Bác, tác giả đã khẳng định, Bác đã sống cuộc đời tươi đẹp như mùa xuân và cống hiên, hi sinh hết mình cho đất nước.

Nỗi xúc động nghẹn ngào càng được biểu lộ rõ hơn nữa khi tác giả đã tiến vào nơi Bác nằm an nghỉ: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Không gian trong lăng vô cùng trang nghiêm, thành kính, trong không gian đó dường như thời gian cũng ngưng đọng lại. Để tránh đi cảm giác thương tâm, mất mát, ông đã dùng từ “giấc ngủ bình yên” để nói về Bác. Cùng với đó là ánh sáng dìu dịu của ngọn đèn khiến tác giả liên tưởng đến người bạn tri kỉ của Người: trăng. Trăng là bạn của Bác khi ở ngục tù: “Nguyệt tòng song khích khán thi gia”, cho đến những ngày kháng chiến cam go: “Khuya về bát ngát, trăng ngân đầy thuyền”, và đến cả khi Bác mất đi, người bạn ấy vẫn hàng ngày lặng lẽ bên Bác trò chuyện, tâm tình. Hai câu thơ tiếp theo, giọng điệu như lắng xuống, nhường chỗ cho nỗi đau bật thành lời. Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” tác giả đã khẳng định: tuy Bác đã ra đi nhưng Người đã hóa thân vào thiên nhiên trời đất, Bác vẫn sống mãi với non sông đất nước, sống mãi trong tâm tư người dân như trời xanh kia. Nhưng dù Bác đã hóa thân vào quê hương, xứ sở cùng không thể làm vơi bớt nỗi đau trong lòng tác giả, nó được biểu lộ trực tiếp “Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Nỗi đau quặn thắt trong tâm hồn. Đó là biểu hiện tình cảm rất chân thành Viễn Phương dành cho Người.

Đến khổ thơ tiếp theo, nỗi đau đã được nâng lên một bậc nữa, nỗi đau đã hóa thành những dòng nước mắt trào dâng. Và từ đó đi đến nguyện ước chân thành, mãnh liệt của tác giả:

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này

Khổ thơ lặp lại ba lần từ “muốn làm” kết hợp với biện pháp liệt kê và giọng điệu dồn dập, cho thấy dòng cảm xúc cuộn trào, thể hiện khát vọng cống hiến chân thành, mãnh liệt. Viễn Phương muốn làm con chim, cất tiếng hát vang cho đời, muốn làm đóa hoa tỏa hương thơm ngát và hơn hết muốn làm cây tre để ngày ngày được bên Bác, canh gác giấc ngủ cho Người. Hình ảnh ẩn dụ này không chỉ khẳng định vẻ đẹp phẩm chất của con người Việt Nam mà còn như một lời hứa sâu sắc của nhà thơ “trung với nước, hiếu với dân”, nguyện đi theo lý tưởng của Người. Ước nguyện chân thành của Viễn Phương cũng là nguyện ước chung của người dân Việt Nam.

Bằng lớp ngôn ngữ chân thành, giàu cảm xúc, giọng điệu đa dạng kết hợp với các biện pháp nghệ thuật một cách nhuần nhuyễn, Viễn Phương đã tạo nên thành công cho tác phẩm. Những dòng thơ cuối cùng khiến ai cũng trào dâng một niềm xót thương mà hơn hết là nguyện ước cao đẹp, cống hiến, làm đẹp cho quê hương đất nước. Thơ Viễn Phương không chỉ hay chỉ đẹp trong câu chữ mà nó còn gợi cho ta một lối sống đẹp, tích cực, cống hiến cho đời.

——————————————————————–

» Xem thêm:

  • Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
  • Tham khảo tuyển tập Văn mẫu lớp 9 hay nhất tại thcs-thptlongphu

Dàn ý cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác - Viễn Phương

 

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn nêu cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/dan-y-cam-nhan-ve-bai-tho-vieng-lang-bac-vien-phuong-hay-nhat/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp