Vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng sống của con người trong Vợ nhặt

0
104
Rate this post

Tài liệu hướng dẫn phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng sống của con người trong Vợ nhặt (Kim Lân) do biên soạn gồm gợi ý cách làm bài, mẫu dàn ý chi tiết cùng bài văn hay tham khảo giúp em mở rộng vốn từ ngữ.

Cùng tham khảo ngay…

Hướng dẫn phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng sống của con người trong Vợ nhặt

Đề bài: Trong một lần phát biểu, Kim Lân đã từng nói:

Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới cuộc sống, vẫn hi vọng, vẫn tin tưởng vào tương lại. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.

Qua văn bản Vợ nhặt của Kim Lân, anh/ chị có suy nghĩ gì về ý kiến trên?

1. Phân tích đề

– Yêu cầu: nêu suy nghĩ về ý kiến của Kim Lân.

– Dạng đề: Nghị luận bàn về ý kiến văn học

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : từ ngữ, chi tiết tiêu biểu trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.

– Phương pháp lập luận chính: phân tích, cảm nhận.

2. Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Sự túng đói quay quắt, hoàn cảnh khốn khổ không làm những người dân ngụ cư từ bỏ lòng nhân ái

Luận điểm 2: Sự túng đói quay quắt, hoàn cảnh khốn khổ không ngăn cản được những người dân xóm ngụ cư hy vọng vào cuộc sống.

3. Lập dàn ý chi tiết

a) Mở bài

– Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm:

+ Kim Lân là một cây bút đặc sắc của văn học Việt Nam hiện đại với đề tài đời sống làng quê, có sự am hiểu sâu sắc về nỗi thống khổ của người nông dân và sự đổi đời của họ.

+ “Vợ nhặt” được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, nằm trong tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” (1946) nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau ngày hòa bình 1954, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ và viết tiếp truyện ngắn này.

– Nêu vấn đề nghị luận: Thông qua tình huống nhặt vợ trớ trêu của Tràng, truyện đã thể hiện sâu sắc vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng của cuộc sống của những người nông dân xóm ngự cư, cụ thể là ở các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ.

b) Thân bài: Phân tích

Các em có thể phân tích từng nhân vật để làm rõ vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống của những người dân ngụ cư ngay trong hoàn cảnh khốn cùng. Hoặc phân tích theo hai luận điểm của đề, trong đó lần lượt chứng minh qua các nhân vật.

* Sự túng đói quay quắt, hoàn cảnh khốn khổ không làm những người dân ngụ cư từ bỏ lòng nhân ái. Họ vẫn vượt lên trên cái chết, cái thảm đạm để sống với nhau bằng tình người đẹp đẽ.

– Vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn Tràng.

+ Hào hiệp, thương người khi chia sẻ miếng ăn với người đàn bà xa lạ đang đói khát; khi cưu mang thị dù mình cũng đang khốn khổ.

+ Chu đáo, ân cần khi mua cho chị ta cái thúng con, cùng thị đánh một bữa no nê, mua 2 hào dầu để đánh dấu ngày “nhặt vợ”.

+ Thái độ tình nghĩa và trách nhiệm: xót xa thương cảm khi nhìn vẻ buồn bã của vợ; trân trọng thương yêu mà không hề rẻ rúng; mong muốn “dự phần tu sửa lại căn nhà” – nơi Tràng sẽ sống với những người mà anh yêu thương…

– Vẻ đẹp trong tâm hồn người “vợ nhặt”:

+ Lúc đầu đi theo Tràng chỉ vì miếng ăn mong chạy trốn cái đói, thị đã thất vọng khi chứng kiến hoàn cảnh khốn khổ của Tràng nhưng thị vẫn ở lại ngôi nhà ấy vì thị hiểu mình đã tìm thấy những điều còn quý giá hơn cả miếng ăn, đó là tình người cao đẹp, đó là tấm lòng nhân hậu của những con người sẵn sàng cưu mang, yêu thương thị khi chính họ đang đói khát.

+ Thị đã biến đổi sâu sắc sau khi theo Tràng về nhà: vẻ chao chát, chỏng lỏn đã thay bằng sự hiền hậu đúng mực, may mắn trong việc làm, ý tứ trong cư xử.

– Vẻ đẹp trong tâm hồn bà cụ Tứ:

+ Việc con “nhặt vợ” giữa lúc túng đói quay quắt đã khiến bà bất ngờ, ngạc nhiên, nhưng khi đã “hiểu ra bao nhiêu là cơ sự”, trong lòng bà chỉ tràn ngập tình thương: thương con, thông cảm với nàng dâu, trăn trở xót xa về bổn phận làm mẹ.

+ Cố tạo niềm vui cho các con ngay trong bữa cơm ngày đói thê thảm khiến cho món ăn của loài vật lại thắm đẫm tình người…

* Sự túng đói quay quắt, hoàn cảnh khốn khổ không ngăn cản được những người dân xóm ngụ cư hy vọng vào cuộc sống – niềm hy vọng đã tạo nên vẻ đẹp rạng rỡ trong tâm hồn họ.

– Nhân vật Tràng:

+ Sau cảm giác “chợn”, “sờ sợ”, khi “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chưa biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”, Tràng tặc lưỡi, liều lĩnh và từ lúc đó, Tràng cảm nhận hạnh phúc đang và sẽ đến với cuộc đời mình.

+ Việc mua hai hào dầu thắp, cảm giác êm ái lửng lơ như trong giấc mơ đi ra, dự liệu về một tương lai khi hắn sẽ cùng vợ mình sinh con đẻ cái ở đây”…

+ Đặc biệt hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trong đầu Tràng đều là biểu hiện của niềm hy vọng mong manh mà vững chắc về tương lai.

+ Người “vợ nhặt”: sự biến đổi trong thái độ, trong cách cư xử khi cùng mẹ chồng quét tước cửa nhà cũng phần nào cho thấy niềm hy vọng và sự đổi đời đang âm thầm diễn ra trong lòng thị.

+ Bà cụ Tứ: là người thể hiện rõ nhất niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn: bà cắt đặt lo toan công việc, bàn về việc đan phên ngăn phòng, việc nuôi gà, động viên các con bằng cả triết lý dân gian “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, cùng con thu dọn cửa nhà cho quang quẻ.

c) Kết bài: Đánh giá chung

– Tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống đã làm nên vẻ đẹp vừa “thấm thía cảm động”, vừa rạng rỡ trong tâm hồn những người dân xóm ngụ cư.

– Phát hiện và miêu tả vẻ đẹp ấy trong tâm hồn người dân xóm ngụ cư, Kim Lân đã đem đến cho tác phẩm tình cảm nhân đạo sâu sắc, mới mẻ.

Để mở rộng vốn từ ngữ và cải thiện kĩ năng trình bày bài văn của mình trước khi viết, mời các em tham khảo một số bài văn mẫu phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng sống của con người trong Vợ nhặt dưới đây:

Bài văn đạt điểm 10 phân tích niềm hi vọng về cuộc sống và tương lai của con người trong Vợ nhặt

Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân – một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với “thuần hậu phong thuỷ” ấy. Ngay sau Cách mạng, ông đã bắt tay ngay vào viết tác phẩm Xóm ngụ cư khi hoà bình lập lại (1954), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy. Và cuối cùng, truyện ngắn “Vợ nhặt” ra đời.

Lần này, Kim Lân đã thật sự đem vào thiên truyện của mình một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo tiêu biểu như Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng truyện, dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã có công khám phá ra diễn biến tâm lý thật bất ngờ.

Trong một lần phát biểu, Kim Lân đã từng nói: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới cuộc sống, vẫn hi vọng, vẫn tin tưởng vào tương lại. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. Đó chính là tình người và niềm hi vọng về cuộc sống về tương lai của những con người đang kề cận với cái chết.

Bằng cách dẫn truyện, xây dựng lên tình huống “nhặt vợ” tài tình kết hợp với khả năng phân tích diễn biến tâm lý nhân vật thật tinh tế và sử dụng thành công ngôn ngữ nông dân, ngôn ngữ dung dị, đời thường nhưng có sự chọn lọc kĩ lưỡng, nhà văn đã tái hiện lại trước mắt chúng ta một không gian đói thật thảm hại, thê lương.

Trong đó ngổn ngang những kẻ sống người chết, những bóng ma vật vờ, lặng lẽ giữa tiếng khóc hờ và tiếng gào thét gửi gắm trong không gian tối đen như mực ấy những mầm sống đang cố vươn đến tương lai, những tình cảm chân thành, yêu thương bình dị nhưng rất đỗi cao quý ấy và nhà văn đã để những số phận như anh Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ được thăng hoa trước ngọn cờ đỏ phấp phới cùng đám người đói phá kho thóc của Nhật ở cuối thiên truyện.

Có thể nói rằng Kim Lân đã thực sự xuất sắc khi dựng lên tình huống “nhặt vợ” của anh cu Tràng. Tình huống ấy là cánh của khép mở để nhân vật bộc lộ nét đẹp trong tâm hồn mình. Dường như trong đói khổ người ta dễ đối xử tàn nhẫn với nhau khi miếng ăn của một người chưa đủ thì làm sao có thể đèo bòng thêm người này người kia. Trong tình huống ấy, người dễ cấu xé nhau, dễ ích kỉ hơn là vị tha và người ta rất dễ đối xử tàn nhẫn, làm cho nhau đau khổ. Nhưng nhà văn Kim Lân lại khám phá ra một điều ngược lại ở các nhân vật anh cu Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ.

Chúng ta từng kinh hãi trước “xác người chết đói ngập đầy đường”, “người lớn xanh xám như những bóng ma”, trước “không khí vẩn lên mùi hôi của rác rưởi và mùi gây của xác người”, từng ớn lạnh trước “tiếng quạ kêu gào thảm thiết” ấy nhưng lạ thay chúng ta thật không thể cầm lòng xúc động trước nghĩa cử cao đẹp mà bình thường, dung dị ấy của Tràng, bà cụ Tứ và của người vợ Tràng nữa. Một thanh niên của cái xóm ngụ cư ấy như Tràng, một con người – thân xác vạm vỡ, lực lưỡng ấy dường như ngờ nghệch thô kệch và xấu xí ấy lại chứa đựng biết bao nghĩa tình cao đẹp.

“Cái đói đã tràn vào xóm tự lúc nào”, vậy mà Tràng vẫn đèo bòng thêm một cô vợ trong khi anh không biết cuộc đời phía trước mình ra sao. Tràng đã thật liều lĩnh. Và ngay cô vợ Tràng cũng thế. Hai cái liều ấy gặp nhau kết tụ lại thành một gia đình. Điều ấy thật éo le và xót thương vô cùng. Và dường như lúc ấy trong con người của Tràng kia đã bật lên niềm sống, một khát vọng yêu thương chân thành. Và dường như hắn đang ngầm chứa một ao ước thiết thực về sự đầm ấm của tình cảm vợ chồng, của hạnh phúc lứa đôi. Hành động của Tràng dù vô tình, không có chủ đích, chỉ tầm phơ tầm phào cho vui nhưng điều ấy mở cho ta thấy tình cảm của một con người biết yêu thương, cưu mang, đùm bọc những người đồng cảnh ngộ.

Như một lẽ đương nhiên, Tràng đã rất ngỡ ngàng, hắn đã “sờ sợ”, “ngờ ngợ”, “ngỡ ngàng” như không phải nhưng chính tình cảm vợ chồng ấy lại củng cố và nhen nhóm ngọn lửa yêu thương và sống có trách nhiệm với gia đình trong hắn. Tình nghĩa vợ chồng ấm áp ấy dường như làm cho Tràng thay đổi hẳn tâm tình. Từ một anh chàng ngờ nghệch, thô lỗ, cọc cằn, Tràng đã sớm thay đổi trở thành một người chồng thật sự khi đón nhận hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc ấy dường như một cái gì đó “ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ như có một bàn tay vuốt nhẹ sống lưng”. Tình yêu, hạnh phúc ấy khiến “trong một lúc Tràng dường như quên hết tất cả, quên cả đói rét đang đeo đuổi, quên cả những tháng ngày qua”. Và Tràng đã trở dậy. Hắn có những thay đổi rất bất ngờ nhưng rất hợp logíc. Những thay đổi ấy không có gì khác ngoài tâm hồn đôn hậu, chất phác và giàu tình yêu thương hay sao?

Trong con người của Tràng khi trở dậy sau khi chào đón hạnh phúc ấy thật khác lạ. Tràng không là anh Tràng ngày trước nữa mà giờ đây đã là một người con có hiếu, một người chồng đầy trách nhiệm dù chỉ trong ý nghĩ. Thấy mẹ chồng nàng dâu quét tước nhà cửa, hắn đã bừng bừng thèm muốn một cảnh gia đình hạnh phúc. “Hắn thấy yêu thương căn nhà của hắn đến lạ lùng”, “hắn thấy mình có trách nhiệm hơn với vợ con sau này”. Hắn cũng xăm xắn ra sân dọn dẹp nhà cửa. Hành động cử chỉ ấy của Tràng đâu chỉ là câu chuyện bình thường mà đó là sự chuyển biến lớn. Chính tình yêu của người vợ, tình mẹ con hoà thuận ấy đã nhen nhóm trong hắn ước vọng về hạnh phúc, niềm tin vào cuộc sống sẽ thay đổi khi hắn nghĩ đến đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới. Rồi số phận, cuộc đời hắn, của vợ hắn và cả người mẹ của hắn nữa sẽ thay đổi. Hắn tin thế.

Nạn đói ấy không thể ngăn cản được ánh sáng của tình người. Đêm tối ấy rồi sẽ qua đi để đón chờ ánh sáng của cuộc sống tự do đang ở phía trước trước sức mạnh của cách mạng. Một lần nữa, Kim Lân không ngần ngại gieo rắc hạnh phúc, niềm tin ấy trong các nhân vật của mình. Người vợ nhặt không phải ngẫu nhiên xuất hiện trong thiên truyện. Thị xuất hiện đã làm thay đổi cuộc sống của xóm ngụ cư nghèo nàn, tăm tối ấy, đã làm cho những khuôn mặt hốc hác, u tối của mọi người rạng rỡ hẳn lên. Từ con người chao chát chỏng lỏn đến cô vợ hiền thục, đảm đang là một quá trình biến đổi. Điều gì làm thị biến đổi như thế?

Đó chính là tình người, là tình thương yêu. Thị tuy theo không Tràng về chỉ qua bốn bát bánh đúc và hai câu nói tầm phơ tầm phào của Tràng nhưng chúng ta không khinh miệt thị. Nếu có trách thì chỉ có thể hướng vào xã hội thực dân phong kiến đã bóp nghẹt quyền sống của con người. Thị xuất hiện không tên tuổi, không quê quán, trong tư thế “vân vê tà áo rách bợt bạt”, điệu bộ trông thật thảm hại nhưng chính con người ấy lại gieo mầm sống cho Tràng, làm biến đổi tất cả, từ không khí xóm ngụ cư đến không khí gia đình. Thị đã đem đến một luồng sinh khí mới, sinh khí ấy chỉ có được trong con người thị dung chứa một niềm tin, một ước vọng cao cả vào sự sống vào tương lai.

Thị được miêu tả khá ít song đó lại là nhân vật không thể thiếu cho tác phẩm. Thiếu thị, Tràng vẫn chỉ là anh cu Tràng ngày xưa, bà cụ Tứ vẫn lặng thầm trong đau khổ, cùng cực. Kim Lân cũng thật thành công khi xây dựng nhân vật này để góp thêm tiếng lòng ca ngợi sức sống của vẻ đẹp tình người, niềm tin vào cuộc đời phía trước trong những ngày con người đói khổ ấy. Và thật ngạc nhiên, khi nói về ước vọng ở tương lại, niềm tin vào hạnh phúc, vào cuộc đời người ta dễ nghĩ đến tuổi trẻ như Tràng và người vợ nhưng Kim Lân lại khám phá ra một nét đẹp độc đáo vô cùng: tình cảm, ước vọng ở cuộc đời lại được tập trung miêu tả khá kĩ ở nhân vật bà cụ Tứ.

Đến nhân vật này, Kim Lân tỏ rõ bút pháp miêu tả tâm lý nhân vật. Bà cụ Tứ đến giữa câu chuyện mới xuất hiện nhưng nếu thiếu đi nhân vật này, tác phẩm sẽ không có chiều sâu nhân bản. Đặt nhân vật bà cụ Tứ vào trong tác phẩm, Kim Lân đã cho chúng ta thấy rõ hơn ánh sáng của tình người trong nạn đói. Bao giờ cũng thế, các nhà văn muốn nhân vật nổi bật cá tính của mình thường đặt nhân vật ấy vào tình thế căng thẳng. Ở đó dĩ nhiên phải có sự đấu tranh không ngừng không những giữa các nhân vật mà độc đáo hơn là ngay trong chính nội tâm của mỗi nhân vật ấy. Bà cụ Tứ là một điển hình.

Việc Tràng lấy vợ đã gây một chấn động lớn trong tâm thức người mẹ nghèo vốn thương con ấy. Bà ngạc nhiên ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của một người đàn bà trong nhà mình mà lâu nay và có lẽ chưa bao giờ bà nghĩ đến. Hết ngỡ ngàng, ngạc nhiên bà cụ đã “cúi đầu nín lặng”. Cử chỉ, hành động ấy chất chứa bao tâm trạng. Đó là sự đan xen lẫn lộn giữa nỗi tủi cực, nỗi lo và niềm vui nỗi buồn cứ hoà lẫn vào nhau khiến bà thật căng thẳng. Sau khi thấu hiểu mọi điều bà nhìn cô con dâu đang “vân vê tà áo rách bợt bạt” mà lòng đầy xót thương. Bà thiết nghĩ “người ta có gặp bước khó khăn này, người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới có vợ”. Và thật xúc động, bà cụ đã nói, chỉ một câu thôi nhưng sâu xa và có ý nghĩa vô cùng “Thôi, chúng máy đã phải duyên phải kiếp với nhau thì u cũng mừng lòng”.

Đói khổ đang vây lấy gia đình bà, cuộc sống của bà sẽ ra sao khi mình đang ngấp nghé trước vực thẳm của cái chết. Nhưng trong tâm thức người mẹ nghèo ấy, đói khổ không phải là một vật cản lớn. Đói rét thật nhưng trong lòng bà cụ vẫn sáng lên tấm lòng yêu thương chân thành. Bà thương con, thương dâu và thương cho chính bản thân mình. Bà cụ Tứ từ những nỗi lo, nỗi tủi cực về gia cảnh vẫn không ngừng bùng cháy lên ngọn lửa của tình người. Bà đang giang tay đón nhận đứa con dâu lòng đầy thương xót, trong tủi cực nhưng vẫn ngầm chứa một sức sống thật mãnh liệt. Chính ở người mẹ nghèo khổ ấy, ngọn lửa của tình người, tình thương yêu nhân loại bùng cháy mạnh mẽ nhất. Trong bóng tối của đói nghèo đang hùng hổ vây quanh, bà lão vẫn gieo vào lòng những con mình niềm tin về cuộc sống. Bà nhắc đến việc Tràng nên chuẩn bị một cái phên nuôi gà, rồi vịêc sinh con đẻ cái, bà lão nói toàn chuyện vui trong bữa cơm ngày đói thật thảm hại. Bà đã đón nhận hạnh phúc của các con để tự sưởi ấm lòng mình.

Đặc biệt chi tiết nồi cám ở cuối thiên truyện thể hiện khá rõ ánh sáng của tình người. Nồi chè cám nghẹn cổ và đắng chát ấy lại là món quà của một tấm lòng đôn hậu chất chứa yêu thương. Bà lão “lễ mễ” bưng nồi chề và vui vẻ giới thiệu “Chè khoán đấy. Ngon đáo để cơ”. Ở đây nụ cười đan xen lẫn ngước mắt. Bữa cơm gia đình ngày đói ở cúôi thiên truyện không khỏi làm chạnh lòng chúng ta, một nỗi xót thương cay đắng cho số phận của họ song cũng dung chứa một sự cảm phục lớn lao ở những con người bình thường mà đáng quý.

Kim Lân bằng nghệ thuật viết văn già dặn, vững vàng đã đem đến một chủ đề mới trong đề tài về nạn đói. Nhà văn đã khẳng định ánh sáng của tình người thật thành công ở ba nhân vật. Điều làm chúng ta trân trọng nhất chính là vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống một cách mạnh mẽ nhất ở nhưng thân phận đói nghèo, thảm hại kia. Ba nhân vật: Tràng, vợ Tràng và bà cụ Tứ cùng những tình cảm, lẽ sống cao đẹp của họ chính là những điếm sáng mà Kim Lân từng trăn trở trong thời gian dài để thể hiện sao cho độc đáo một đề tài tâm lý nhân vật, khả năng dựng truyện và dẫn truyện của Kim Lân – một nhà văn được đánh giá là viết ít nhưng tác phẩm nào cũng có giá trị là vì lẽ đó.

Cái đẹp cứu vớt con người” (Đô-xtôi-ep-ki). Vâng Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân thể hiện rõ sức mạnh kì diệu ấy. Ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống là con nguồn mạch giúp Kim Lân hoàn thành tác phẩm. Ông đã có đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung, về đề tài nạn đói nói riêng một quan niệm mới về lòng người và tình người. Đọc xong thiên truyện, dấu nhấn mạnh mẽ nhất trong tâm hồn người đọc chính là điểm sáng tuyệt vời nhất.

» Tham khảo: Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện Vợ nhặt

Một số bài văn hay về vẻ đẹp tình người và niềm hy vọng sống của các nhân vật

Bài số 1:

Kim Lân là nhà văn có sở trường về đề tài nông thôn, người nông dân, những tác phẩm của ông không chỉ hướng đến thể hiện những hiện tượng nổi bật của xã hội đương thời mà còn thể hiện được tinh thần nhân đạo sâu sắc. Ông sáng tác không nhiều nhưng những sáng tác đều mang giá trị cao. Vợ nhặt là tác phẩm đặc sắc của Kim Lân khi viết đề đề tài nạn đói năm 1945. Viết về nạn đói nhưng Vợ nhặt không nhằm mục đích phơi bày cái chết chóc, đau thương của nạn đói mà từ cảnh ngộ của mỗi nhân vật, tác giả đã thể hiện được hơi ấm của tình người cũng như niềm hi vọng vào cuộc sống, điều này được thể hiện rõ nét qua các nhân vật: anh Tràng, chị vợ nhặt, bà cụ Tứ.

Vợ nhặt viết về nạn đói khủng khiếp năm 1945, nạn đói hoành hành khiến cho không gian xã hội trở nên ngột ngạt, tù túng với ám ảnh khủng khiếp về cái chết. Từ đầu phố đến cuối ngõ là cảnh người chết như ngả rạ, người sống thì lay lắt, vật vờ như những bóng ma, đó là những con người đáng thương đang đứng trên bờ vực của sự sống và cái chết. Tuy nhiên, cũng trên cái nền đen tối, ám ảnh khủng khiếp bởi nạn đói, sự chết chóc ấy vẫn nổi bật lên ánh sáng của tình người, của niềm hi vọng vào sự sống. Trong những hoàn cảnh khốn cùng nhất, những con người khốn khổ vẫn không đánh mất đi những nét đẹp vốn có của mình mà vẫn ánh lên vẻ đẹp của tình thương, của niềm hi vọng.

Tràng là người đàn ông xấu xí, nghèo khổ sống ở xóm Ngụ cư, tuy nhiên trái với vẻ ngoài xấu xí, gia cảnh nghèo hèn bên ngoài, Tràng hiện lên là một con người ấm áp, giàu tình thương. Tràng chấp nhận cưu mang người đàn bà xa lạ, đói rách mà bỏ mặc những gánh nặng khủng khiếp của thời kì đói khát. Không những thế, sau khi vô tình “nhặt” được vợ, Tràng đã không tỏ thái độ coi thường mà ngược lại rất trân trọng đối với người vợ nhặt này.

Trong đêm đầu tiên vợ về nhà, Tràng đã bỏ 2 hào mua dầu, đây được coi là hành động hào phóng, bởi trong nạn đói nhu cầu cấp thiết là miếng ăn nhưng anh Tràng đã bỏ tiền mua dầu để làm cho đêm đầu tiên vợ về nhà trở nên đặc biệt hơn. Sau khi có vợ, Tràng ý thức được việc mình đã có vợ, đã có một gia đình nhỏ đúng nghĩa, từ đó thấy mình có trách nhiệm lo cho vợ, cho gia đình.

Người vợ nhặt là người đàn bà khốn khổ bị nạn đói vắt kiệt sự sống, thể hiện ở thân hình tiều tụy, vẻ ngoài rách rưới, ban đầu chị ta tạo ấn tượng với người đọc với vẻ chao chát, chỏng lỏn không kém phần vô duyên khi vô tư đòi anh Tràng trả công đẩy xe bò. Tuy nhiên, từ khi theo anh Tràng về làm vợ thì người đàn bà ấy đã thay đổi hẳn, không còn sự chao chát, chỏng lỏn mà đã trở thành người vợ hiền hậu đúng mực. Khi chứng kiến gia cảnh nghèo khó của anh Tràng, dù thất vọng nhưng chị ta vẫn cố giấu sự thất vọng trong ánh mắt tối lại, trong tiếng thở dài cố nén.

Dù có chút buồn, thất vọng khi chứng kiến hoàn cảnh nghèo khó của anh Tràng nhưng khát khao hạnh phúc vẫn nhen nhóm để người đàn bà ấy chủ động nắm giữ, chủ động vun ven hạnh phúc gia đình: cùng mẹ chồng dọn dẹp nhà cửa, trong phần cuối tác phẩm chị vợ nhặt cũng đã thoáng nghĩ đến sự thay đổi, hi vọng vào một tương lai tươi sáng của cuộc sống thể hiện qua chi tiết nhắc đến chuyện ở Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế, phá kho thóc Nhật chia cho người nghèo.

Nhân vật bà cụ Tứ đã thể hiện rõ nét nhất vẻ đẹp của tình người. Trước tình thế bất ngờ khi anh con trai dẫn về người đàn bà lạ mặt, bà cụ Tứ không tỏ ra rẻ rúng, coi thường đối với người phụ nữ theo không con mình về làm vợ “Ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”, sau giây phút ngạc nhiên bà đã chấp nhận người đàn bà như dâu con trong nhà.

Trước hạnh phúc bất ngờ của con trai, bà vừa mừng cho con, vừa tủi cho mình vì thân là mẹ mà chẳng thể lo cho con, để con phải “nhặt” vợ trong cảnh túng đói. Bao cảm xúc phức tạp từ vui mừng, lo lắng, buồn tủi, hi vọng của bà cụ Tứ đều xuất phát từ tấm lòng thương con của bà.

Không chỉ thương con mà bà cụ Tứ còn có niềm tin mãnh liệt vào tương lai, bà không ngừng động viên các con chịu khó làm ăn với triết lí dân gian “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, hướng các con đến ánh sáng của tương lai. Để tạo ra sự đổi thay của cuộc sống, bà cụ Tứ đã cùng con dâu dọn dẹp nhà cửa, nói những câu chuyện về tương lai.

Thông qua ba nhân vật Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ, nhà văn Kim Lân đã thể hiện nỗi đồng cảm với số phận của con người, đồng thời thể hiện sự trân trọng đối với sức mạnh của tình thương, của niềm hi vọng có thể vượt lên mọi ám ảnh đói khát để tỏa rạng.

Bài số 2:

Nạn đói năm 1945 mà thực dân Pháp gây ra cho chúng ta thật sự rất nặng nề, nạn đói năm ấy không chỉ là vấn đề được nhắc đến trong lịch sử, trong các vấn đề xã hội lúc bấy giờ mà nó còn được nhắc đến trong văn học. Tác phẩm tiêu biểu nói về nạn đói năm ấy chính là truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân – một nhà văn của làng quê. Kim Lân không chỉ thành công trong việc xây dựng thành công nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng mà ông còn thành công với việc miêu tả nạn đói năm 1945 trong truyện ngắn Vợ nhặt. Đặc biệt tác giả không chỉ nói lên nạn đói ấy mà còn khắc họa những tác động của nạn đói lên nhân vât của mình mà cụ thể ở đây là Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Trong nạn đói ấy con người Việt Nam vẫn lấp lánh vẻ đẹp của tình người và niềm tin vào cuộc sống.

Nạn đói năm 1945 được nhà văn Kim Lân miêu tả thật đau thương, nhưng chính cái hoàn cảnh đau thương ấy mới thấy được những vẻ đẹp của người dân Việt Nam ta. Cái đói đã tìm đến xóm ngụ cư của mẹ con Tràng. Buổi sáng ra đường đã thấy mấy cái xác bốc mùi hôi thối, có những người đói nằm dài trên đường trưa về thì họ đã chết. Hôm nào chẳng vậy phải đến ba bốn cái thây nằm trên đường, trên cao những tiếng quạ kêu thật thảm thiết. Có thể nói tử thần đang bủa vây nơi đây.

Trước hết là vẻ đẹp tình người trong các nhân vật trong truyện, người đầu tiên cần nhắc đến là anh Tràng. Anh cùng với mẹ già ở một xóm ngụ cư mà người dân ngụ cư thì thường bị người ta khinh ghét. Tràng có một ngoại hình vô xùng xấu xí anh có đôi mắt gà gà, lưng to như lưng gấu. Anh làm nghề kéo xe thuê, anh thường kéo xe gạo lên tỉnh, có đợt anh đang kéo thấy mấy cô ả ngồi chơi với nhau nhặt nhạnh những hạt lúa hạt thóc vãi trên đường. Anh ngẫu hứng hò lên một câu:

“Có ăn cơm trắng với giò này

Bạn đang xem: Vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng sống của con người trong Vợ nhặt

Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”

Không ngờ những cô gái kia đã đáp lại Tràng, họ đẩy một cô gái ra chỗ anh và cười tít. Chuyện cũng bắt đầu từ đấy, Tràng hứa thế nhưng anh cũng có hơn cô gái đó là bao. Sau chuyện ấy có lần anh đang ngồi uống nước thì thị chạy đến trông thị khác lắm, cái mặt gầy sọp lại nhìn như cái lưỡi cày. Thị như hiện thân của cái đói. Thế rồi thị đòi ăn kêu Tràng hôm trước nói dối, thị ăn liền bốn bát bánh đúc. Anh Tràng tưởng thế mà hào phóng quá. Nhưng thật sự mà nói trông thị như thế Tràng cũng không nỡ từ chối, đó chính là cái tình thương của anh Tràng dành cho Thị. Thị ăn xong theo anh về nhà Tràng, Tràng nghĩ bây giờ đến thân mình còn chưa lo xong lại còn đèo bòng nhưng anh vẫn tặc lưỡi mà đưa Thị về nhà mình. Người trong xóm ngụ cư ai nhìn thấy cũng lo cho anh Tràng nhưng biết làm sao được dẫu nạn đói hoành hành nhưng tình thương người của Tràng đã không thể bỏ mặc người phụ nữ kia được, thế là anh đã có vợ rồi, một người vợ nhặt ngoài đường. Thế đấy trong nạn đói con người bị coi như cỏ rác có thể nhặt mà mang về được.

Vẻ đẹp tình người còn thể hiện rõ trong người vợ nhặt kia, Thị xuất hiện thật xấu và ghê gớm. Kim Lân cho Thị với một vẻ như hiện thân của cái đói, gầy gò “mặt như lưỡi cày”. Cái đói kia chính là nguyên nhân làm cho Thị trở nên chỏng lỏn và mất đi vẻ duyên dáng ấy. Nghe anh Tràng tán gẫu thì tin ngay chạy ton ton ra đẩy xe bò với anh này. Gặp lại Tràng, Thị chẳng ngại gì nữa mặc cho anh không nhận ra mình Thị nhận lại để quen, rồi sà xuống ăn một chập bốn bát bánh đúc, ăn xong còn lấy đũa quẹt ngang miệng. Có lẽ Thị đói quá nên không còn để ý được sự tế nhị dịu dàng của một cô gái nữa. Thị chẳng biết đi đâu nữa Thị theo Tràng về nhà, Thị nghĩ mình sẽ được sung sướng. Nhưng khi về nhà Tràng thì mới vỡ lẽ ra, những điều Thị mơ tưởng thực sự không giống thực tại trước mắt. Mặt Thị sầm lại nhưng Thị lại chấp nhận và quyết định ở lại cùng Tràng. Đó cũng là một tình người đáng quý không thấy người sang bắt quàng làm họ không thấy nghèo khó mà nỡ bỏ người ta ra đi.

Về phần bà cụ Tứ, bà là một người mẹ cao cả và giàu đức hi sinh. Đã ở cái tuổi xế bóng chiều nhưng bà vẫn phải đi làm kiếm ít tiền để đối mặt với nạn đói. Khi trở về bà thấy hành động của anh Tràng thấy bà linh cảm có điều gì đó. Khi vào trong sân nhìn vào nhà thấy người đàn bà nọ, cụ Tứ giật mình rồi ngạc nhiên tự hỏi chính mình không biết phải con cái Đục không. Nhưng không khi hiểu rõ sự tình cụ chỉ biết quay mặt đi dấu những hàng nước mắt của mình. Cụ nghĩ tới cảnh đói mà nhà lại thêm một miệng ăn nhưng dù sao như thế thì con cụ cũng có vợ. Tình thương người trong cụ dâng lên, cụ thương con trai, cụ thương cả con dâu nữa. Cụ nhìn người đàn bà mân mê vạt áo đã rách bươm mà lấy làm thương xót. Cụ chỉ biết nói “thôi chúng mày đã phải duyên phải kiếp với nhau thì u cũng mừng”. Tình thương của cụ thể hiện rất rõ khi cụ chấp nhận Thị và khuyên răn họ rằng không ai nghèo ba họ khôn ai khó ba đời, chỉ cần qua cái đợt này thì chúng mày cũng yên bề gia thất. Cụ không những thương con, nhân hậu, có hậu mà còn khuyên nhủ con hướng các con mình đến một tương lại sáng lạng hơn.

Và như thế ba con người ấy trong nạn đói thương lấy nhau, thông cảm cho nhau và cùng nhau vượt qua nạn đói. Đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ thật sự không có rượu nồng ấm, ngày cưới không có nồi đồng chén ngọc, mâm xôi con lớn béo, vò rượu tâm. Tất cả chỉ là những tiếng khóc của những nhà có người chết và tiếng quạ kêu.

Không chỉ đẹp về tình thương người họ còn lấp lánh một niềm tin vào tương lai tươi sáng. Niềm tin ấy được thể hiện ở buổi sáng hôm sau. Khi mọi người thức dậy buổi sáng hôm ấy khác với những buổi sáng thường ngày. Thức dậy chẳng ai bảo ai mỗi người một tay làm việc nhà, Tràng dậy sau cùng thấy nhà của hôm nay tươm tất sạch sẽ quá. Cái áng khô cong đã được kéo nước đầy ắp, người vợ của anh đang phụ mẹ chồng quét dọn nhà cửa xong lại nhổ những búi cỏ trong vườn. Tràng cảm thấy anh phải có trách nhiệm và gia đình nhỏ của mình rồi. bữa sáng được dọn ra đó là niêu cháo lõng bõng nước nhưng họ vẫn ăn rất vui vẻ. Trong lúc ăn cụ Tứ còn nói chuyện tương lại với hai con. Cụ tính chỗ vườn kia sẽ nuôi một đàn gà, họ nói chuyện về tương lai với một niềm tin đổi đời. Đang vui thì cháo hết, bà cụ Tứ mang lên một nồi chè khoản, hai vợ chồng Tràng háo hức nhưng khi ăn miếng “chè” thì Thị phải nuốt cố vì nó quá chát. Khổ đến mức phải ăn cả cám nhưng có những nhà cám không có mà ăn. Thế rồi tiếng trống giục thuế kêu lên, Thị kể về những người cướp xe thóc của giặc đầy đê và mang theo lá cờ đỏ sao vàng. Từ lúc đó trong đầu Tràng cứ phấp phới lá cờ đỏ sao vàng ấy. Có lẽ đó là con đường mà Tràng đang dần dần giác ngộ đi tới. Nhà văn Kim Lân đã mở một con đường tương lai mới cho nhân vật của mình.

Qua đây có thể khẳng định ngay cả trong nạn đói nhân dân ta vẫn cứ yêu thương đùm bọc lấy nhau, lá lành đùm lá rách. Trước thực tại đau khổ và chết chóc họ không thôi nhìn về tương lai với một niềm tin đổi đời và thật sự ở cuối tác phẩm đã lóe sáng một con đường đổi đời mới làm tác giả muốn nhắc đến, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng như thể hiện quy luật đến với cách mạng của những người dân Việt Nam.

» Xem thêm: Sức mạnh của tình thương yêu con người trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt

Bài số 3:

Kim Lân là một nhà văn của làng quê. Văn của ông không chỉ thành công trong việc xây dựng nhân vật mà còn miêu tả một cách chân thực nhất về nạn đói 1945 trong truyện ngắn Vợ nhặt. Và đặc biệt, còn khắc họa về những tác động của nạn đói lên nhân vật của mình, cụ thể ở đây là Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Trong nạn đói ấy con người Việt Nam vẫn lấp lánh vẻ đẹp của tình người và cả niềm tin vào cuộc sống.

Nạn đói 1945 được Kim Lân miêu tả chân thực đến đau thương “cái đói đã tìm đến xóm ngụ cư của mẹ con Tràng. Buổi sáng ra đường đã thấy mấy cái xác bốc mùi hôi thối, có những người đói nằm dài trên đường trưa về thì họ đã chết. Hôm nào chẳng vậy phải đến ba bốn cái thây nằm trên đường, trên cao những tiếng quạ kêu thật thảm thiết”. Có thể nói tử thần đang bủa vây nơi đây.

Trước hết, Tràng được thể hiện trong truyện đó là một anh Tràng có ngoại hình xấu xí, có đôi mắt gà gà, cùng tấm lưng to như lưng gấu. Anh làm nghề kéo xe thuê, anh thường kéo xe gạo lên tỉnh, có hôm anh đang kéo thì thấy mấy cô đang chơi với nhau nhặt nhạnh những hạt thóc vương vãi trên đường thì anh liền ngẫu hứng hò một câu:

“Có ăn cơm trắng với giò này

Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”

Không ngờ trong số đó có một cô gái ra đẩy xe với anh và cười tít. Chuyện cũng được bắt đầu từ đây, Sau chuyện đó, có lần anh đang ngồi uống nước thì thị chạy tới, trông thị khác lắm, “cái mặt gầy sọp lại nhìn như cái lưỡi cày. Thị như hiện thân của cái đói. Thế rồi thị đòi ăn kêu Tràng hôm trước nói dối, thị ăn liền bốn bát bánh đúc”. Anh Tràng tuy thế nhưng cũng rất hào phóng, thị ăn xong thì liền theo Tràng về nhà.

Vẻ đẹp tình người được thể hiện rõ nhất trong vợ nhặt, thị xuất hiện thật xấu và ghê gớm. Kim Lân đã cho thị một sáng vẻ chẳng khác nào hiện thân của cái đói, gầy gò “mặt như lưỡi cày”. Cái đói chính là nguyên nhân làm cho Thị trở nên mất đi vẻ duyên dáng, trở nên chỏng lỏn. Nghe anh Tràng tán gẫu thì tin ngay, chạy ra đẩy xe bò với anh. Gặp lại thì chẳng ngại gì rồi sà xuống đòi ăn một lúc bốn bát bánh đúc, ăn xong còn lấy đũa quẹt ngang miệng, có lẽ do thị đói quá cho nên cũng chẳng thể giữ được ý tứ, sự dịu dàng của một cô gái. Thị cũng chẳng biết đi đâu nữa, Thị theo Tràng về nhà, thị nghĩ mình sẽ được sung sướng nhưng khi về đến lại vỡ lẽ ra, mặt sầm lại nhưng vẫn chấp nhận ở lại. Đó chính là tình người đáng quý, thấy người ta nghèo đói nhưng vẫn không bỏ đi mà nương tựa vào nhau để sống.

Còn về phần bà cụ Tứ, bà là một người mẹ giàu đức hi sinh cao cả. Cho dù ở cái tuổi xế bóng chiều nhưng bà vẫn đi làm kiếm chút tiền để đối mặt với nạn đói. Khi trở về, bà thấy Tràng dắt theo một người đàn bà lạ thì bà cụ giật mình ngạc nhiên hỏi không biết phải con cái Đục không. Nhưng khi đã hiểu rõ được sự tình rồi thì cụ chỉ biết quay mặt giấu hàng nước mắt bởi cụ nghĩ tới cảnh đói mà lại thêm miệng ăn nhưng rồi cụ cũng an ủi bằng việc dù sao con mình cũng có vợ. Tình thương người trong cụ dâng trào, thương con trai rồi cả con dâu. Cụ chỉ biết nói “thôi chúng mày đã phải duyên phải kiếp với nhau thì u cũng mừng”.

Tình thương đó được thể hiện rõ nhất khi cụ chấp nhận thị và khuyên răn hai vợ chồng không ai nghèo ba họ không ai khó ba đời… để động viên an ủi con mình và vẫn hy vọng có tương lai sáng rạng hơn.

Qua đây, chúng ta có thể khẳng định ngay cả trong nạn đói thì nhân dân ta vẫn cứ yêu thương đùm bọc lấy nhau, lá lành đùm lá rách. Trước thực tại đau khổ và chết chóc, họ không thôi nhìn về tương lai với niềm tin đổi đời và sự thật ở cuối tác phẩm đã lóe lên một con đường đổi mới làm tác giả muốn nhắc tới. Hình ảnh về lá cờ đỏ sao vàng như thể hiện được quy luật tới với cách mạng của những người dân Việt.

>>> Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Vợ nhặt

Vậy là đã vừa cung cấp cho các em những gợi ý cơ bản, mẫu dàn ý chi tiết và bài văn mẫu phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng sống của con người trong Vợ nhặt để các em tham khảo.

Đừng quên tuyển tập những bài văn hay lớp 12 do sưu tầm và tuyển chọn để tự nâng cao kỹ năng làm và trình bày bài văn.

 

[Văn mẫu 12] Phân tích vẻ đẹp của tình người, niềm hi vọng sống của con người trong truyện ngắn Vợ nhặt để làm rõ ý kiến phát biểu của Kim Lân: Khi viết về nạn đói người ta …

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/ve-dep-tinh-nguoi-va-niem-hi-vong-song-cua-con-nguoi-trong-vo-nhat-hay-nhat/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp