Lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc qua 2 khổ thơ cuối Viếng lăng Bác

0
84
Rate this post

Đề bài: Cảm nhận về lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ đối với Bác Hồ qua đoạn thơ sau:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Bạn đang xem: Lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc qua 2 khổ thơ cuối Viếng lăng Bác

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

(Trích Viếng lăng Bác, Viễn Phương,

Ngữ văn 9, tập 2, NXB GD, 2011)

(Câu 3 đề văn thi vào 10 năm 2017 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu)

***

Bài văn mẫu đạt điểm cao phân tích hai khổ thơ 3 và 4 bài thơ Viếng lăng Bác

Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một bài văn xuất sắc được sáng tác vào năm 1976, bài thơ mang đậm chất trữ tình ghi lại tình cảm thành kính, sâu lắng của nhà thơ khi hòa vào dòng người đang vào viếng lăng Bác. Qua đó bài thơ được xem là tiếng nói nỗi niềm tâm sự của nhân dân dành cho Bác. Đặc biệt, những tình cảm ấy lại chan chứa và dạt dào ở hai khổ thơ 3 và 4.

Hai khổ 3 và 4 cuối bài thơ như những nốt nhạc du dương, trầm bổng, réo rắt như tấm lòng tha thiết yêu mến của nhà thơ với Hồ Chủ tịch. Bằng những ngôn từ ẩn dụ đặc sắc, từ ngữ bình dị mà giàu sức gợi, câu thơ đã khơi gợi trong lòng người đọc những rung động sâu sắc và đáng quý…

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên 

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền” 

Khung cảnh bên trong lăng thật êm dịu, thanh bình. Lúc này, trước mặt mọi người chỉ có hình ảnh Bác. Bác nằm đó trong giấc ngủ vĩnh hằng. Bác mất thật rồi sao? Không đâu. Bác chỉ nằm đó ngủ thôi, Bác chỉ ngủ thôi mà! Suốt bảy mươi chín năm cống hiến cho đất nước, bây giờ đất nước đã bình yên, Bác phải được nghỉ ngơi chứ. Bao quanh giấc ngủ của Bác là một “vầng trăng sáng dịu hiền”. Đó là hình ảnh ẩn dụ cho những năm tháng làm việc của Bác, lúc nào cũng có vầng trăng bên cạnh bầu bạn. Từ giữa chốn tù đày, đến “cảnh khuya” núi rừng Việt Bắc, rồi “nguyên tiêu”…Tuy vậy, Bác chưa bao giờ thảnh thơi để ngắm trăng đúng nghĩa. Khi thì “trong tù không rựơu cũng không hoa”, khi thì “việc quân đang bận”. Chỉ có bây giờ, trong giấc ngủ yên, vầng trăng ấy mới thật sự là vầng trăng yên bình, để Bác nghỉ ngơi và ngắm. Trăng dịu hiền, soi sáng hình ảnh Bác. Nhìn Bác ngủ ở đấy thật bình yên, nhưng có một sự thật dù đau lòng cách mấy ta vẫn phải chấp nhận: Bác đã thật sự ra đi mãi mãi.

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi 

Mà sao nghe nhói ở trong tim!” 

Trời xanh bao la kia kéo dài đến vô tận, không bao giờ chấm dứt. Dù lí trí vẫn luôn trấn an lòng mình rằng Bác vẫn sống đấy, vẫn còn dõi theo Tổ quốc mãi mãi như màu xanh thanh bình trên nền trời Tổ quốc độc lập nhưng con tim ta vẫn nhói đau vì một sự thật đau lòng. Một từ “nhói” của nhà thơ nói hộ ta nỗi đau đớn, nỗi đau vượt lên mọi lí lẽ, mọi lập luận lí trí. Bác như trời xanh, Bác là mãi mãi, Bác vẫn sống trong tâm tưởng mỗi chúng ta, Bác mãi hiện diện trên mỗi phần đất, mỗi thành quả, mỗi phần tử tạo nên đất nước này. Nhưng mà Bác mất thật rồi, ta không còn có Bác trong cuộc đời thường này. Mất Bác, cái thiếu vắng ấy liệu có thể nào bù đắp được? Tổ quốc ta đã thật sự không còn Bác dõi theo từng bước chân, không còn được Bác nâng đỡ mỗi khi vấp ngã. Bác ra đi, nỗi đau ấy liệu có từ ngữ nào diễn tả hết? Cả đàn con Việt Nam luôn tiếc thương Bác, luôn nhớ về Bác như một cái gì đó thật vĩ đại, không thể xoá nhoà. Dù Bác ra đi thật sự rồi nhưng những điều Bác đã làm vẫn sẽ đọng lại trong tâm hồn, hình ảnh Bác vẫn tồn tại trường kì trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Cuối cùng dẫu thương tiếc Bác đến mấy, cũng đến lúc phải rời lăng Bác để ra về. Khổ thơ cuối như một lời từ biệt đầy xúc động:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt” 

Ngày mai phải rời xa Bác rồi. Một tiếng “thương của miền Nam” lại vang lên, gợi về miền đất xa xôi của Tổ quốc, một nơi từng có vị trí sâu sắc trong trái tim người. Một tiếng “thương” ấy là yêu, là biết ơn, là kính trọng cuộc đời cao thượng, vĩ đại của Người. Đó là tiếng thương của nỗi đau xót khi mất Bác. Thương Bác lắm, nước mắt trào ra, thật đúng là tình thương của người Việt Nam, vô bờ bến và rất thật.

“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác 

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây 

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này” 

Cùng với nỗi niềm yêu thương vô hạn, tác giả nói lên muôn vàn lời tự nguyện. Điệp ngữ “muốn làm” khẳng định mạnh mẽ những ước nguyện ấy. Ước chi ta có thể biến hình thành những gì thân yêu quanh nơi Bác ngủ để mãi mãi được chiêm ngưỡng Bác, cuộc đời và tâm hồn của Bác, để bày tỏ lòng ta với Bác. Một con chim nhỏ góp tiếng hót làm vui những bình minh của Bác, một đóa hoa góp mùi hương làm thơm không gian quanh Bác hay một cây tre trong hàng tre xanh xanh Việt Nam tỏa bóng mát dịu dàng quê hương của Bác, tất cả đều làm Bác vui và ngủ an giấc hơn. Đây cũng chính là nguyện ước chân thành, sâu sắc của hàng triệu con tim người Việt sau một lần ra thăm lăng Bác. Bác ơi! Bác hãy ngủ lại bình yên nhé, chúng cháu về miền Nam tiếp tục xây dựng Tổ quốc từ nền móng Bác đã tạo ra đây! Câu thơ trầm xuống để kết thùc, ngừng lặng hòan toàn…

Về nghệ thuật, bài thơ Viếng lăng Bác có nhiều điểm nghệ thuật rất đặc sắc, giúp biểu hiện thành công thêm về những giá trị nội dung. Bài thơ viết theo thể tám chữ, trong có có xen một vài câu bảy và chín chữ. Nhiều hình ảnh trong bài thơ lấy từ ngoài đời thực đã được ẩn dụ, trở thành một cách thể hiện cảm xúc thành kính của tác giả. Nhịp thơ của bài linh hoạt, lúc nhanh là biểu hiện cho ước nguyện đền đáp công ơn Bác, lúc chậm là lúc thể hiện lòng thành kính với Bác. Giọng điêu của bài trang trọng, tha thiết, ngôn ngữ thơ bình dị mà cô đúc.

Bằng những từ ngữ, lời lẽ chân thành, giàu cảm xúc, nhà thơ Viễn Phương đã bày tỏ được niềm xúc động cùng lòng biết ơn sâu sắc đến Bác trong một dịp ra miền Bắc viếng lăng Bác. Bài thơ như một tiếng nói chung của toàn thể nhân dân Việt Nam, biểu lộ niềm đau xót khi thấy Bác kính yêu ra đi. Qua bài thơ, tôi cảm thấy rằng đất nước ta có hoà bình như ngày hôm nay một phần lớn là nhờ công lao của Bác, như vậy chúng ta cần phải biết xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ đối với Bác Hồ qua hai khổ thơ cuối bài Viếng Lăng Bác

Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam thời chống Mỹ cứu nước. Thơ Viễn Phương bình dị, đằm thắm mang đậm tính cahs Nam Bộ. Đến sau trong đề tài thơ về Bác do điều kiện, hoàn cảnh: là người con miền Nam, cầm súng ở ngoài tiền tuyến… nhà thơ Viễn Phương đã để lại bài thơ “Viếng lăng Bác” độc đáo, có sức cảm hóa sâu sắc bởi tình ý đẹp, bởi lời hay. Đặc biệt ở hai thơ cuối thể hiện sâu sắc và cảm động tinh thần kính yêu lãnh tụ và ý nguyện muốn được dâng hiến đời mình bồi đắp thêm cho vẻ đẹp của đất nước:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.

Đã từ rất lâu, cũng như các chiến sĩ và đồng bào miền Nam xa xôi, Viễn Phương luôn khao khát được viếng thăm lăng Bác, được trở về với người cha già vĩ đại. Nhưng cuộc chiến kéo dài, kẻ thù còn ngoan cố nên đến sau ngày đất nước giải phóng, ông mới có dịp thực hiện ước nguyện ấy.

Tác giả đến với lăng Bác trong tâm trạng bùi ngùi, vừa cảm thương, tiếc nuối vì người đã ra đi mãi mãi vừa cảm thấy tự hào, thỏa nguyện vì đã được trở về với tinh thần vĩ đại của dân tộc, trở về với nguồn sức mạnh thiêng liêng. Bước vào trong lăng, khung cảnh và không khí như ngưng kết cả thời gian, không gian. Hình ảnh thơ đã diễn tả thật chính xác, tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm cùng ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo của không gian trong lăng Bác:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!”.

Khổ thơ được bắt đầu với việc tả thực hình ảnh của Bác. Đứng trước Bác, nhà thơ cảm nhận như Người đang ngủ giấc ngủ bình yên, thanh thản giữa vầng trăng sáng dịu hiền. Tất cả gợi nên một khung cảnh thiêng liêng, vô cùng thành kính. Sự tĩnh mịch đến phi thường, không âm thanh, chỉ có ánh sáng, đủ sức đưa con người đi vào tâm tưởng.

Cái ranh giới mỏng manh giữa sự hiện hữu và hư vô càng khiến cho không gian trở nên huyền ảo. Vầng trăng tỏa sáng lung linh quanh linh cữu của Người, cùng đồng hành với người trong thế giới siêu nhiên. Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền” gợi cho chúng ta nghĩ đến tâm hồn, cách sống cao đẹp, thanh cao, sáng trong của Bác

Trăng đối với Bác thân thiết như người bạn, người đồng chí trên mọi nẻo đường. Trong thơ Bác, ngoài tình yêu nước sâu nặng, tình thương người tha thiết, người chiến sĩ yêu nước Hồ Chí Minh đã hướng tâm hồn mình vào thiên nhiên tạo hóa với bao tình yêu thương nồng hậu. Hình ảnh vầng trăng, biểu tượng của thiên nhiên rộng lớn và tươi đẹp luôn ăm ắp trong thơ Người lúc nhàn hạ, thảnh thơi:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”.

(Cảnh khuya – Hồ Chí Minh)

Hay những lúc trên chiến trường, việc quân khẩn cấp, trăng cũng tìm đến với Người mời gọi, rủ rê:

“Trăng vào cửa sổ đòi thơ

Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”.

(Tin thắng trận – Hồ Chí Minh)

Ngay những lúc ngồi trong tù, trăng trở thành người bạn tâm tình, thấu hiểu và sẻ chia nỗi lòng của Bác:

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

(Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh)

Rõ ràng dù trong bất kì hoàn cảnh nào, tình cảm Bác đối với vầng trăng vẫn luôn tha thiết. Và cũng chính ánh trăng đẹp cũng tăng thêm niềm tin, niềm lạc quan của Bác đối với nhiệm vụ cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đầy cam go. Cho nên nghĩ về Bác, Viễn Phương hình dung những chiếc bóng đang tỏa sáng Bác như vầng trăng dịu hiền phủ chiếu, ấp ủ Bác chắc hẳn xuất phát tự hiện thực ấy.

Với niềm cảm xúc chất ngất, Viễn Phương lại liên tưởng Bác là: “trời xanh”. Trong toàn bài thơ “Viếng Lăng Bác”, đây lần thứ hai Viễn Phương đã vận dụng hình ảnh ẩn dụ ấy mới tài tình, mới chính xác. Bởi vì, trong thế giới tự nhiên bao la vô tận, “trời xanh” có khả năng bao trù vạn vật như muốn chở che, bảo vệ cho muôn vật, muôn loài. “Trời xanh” còn có công đem lại cho muôn loài ánh sáng và sức sống. Bác Hồ của chúng ta cũng vĩ đại như thế.

Cả cuộc đời Người, từ lúc còn là thanh niên trẻ cho đến khi da mồi tóc bạc, Bác hi sinh cả vì nền độc lập dân tộc Việt Nam thân yêu này. Biết bao năm bôn ba hải ngoại, biết bao lần gối tuyết nằm sương, bao phen bị giam cầm xiềng xích, Bác vẫn quyết định chịu đựng, vượt qua để ánh sáng cách mạng rọi soi khắp nhân dân, để đạp tan mọi gông cùm khổ ải cho non song Việt nam thống nhất mọi nhà. Cho nên việc nhà thơ ví Bác như “trời xanh” là thật đúng và mãi mãi đúng với dân tộc ta.

Tuy nhiên, khi đọc kĩ lại câu thơ: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi”, ta nghe như có cái gì đó vừa chùng xuống, có gì làm nghèn ghẹn trong lòng ta. Cảm xúc ấy đã được chứng thực khi đọc đến  câu thơ:

“Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Như vậy mặc dù dòng cảm xúc, sự liên tưởng của Viễn Phương đang thật dạt dào, phong phú, đang say sưa ngất với niềm sung sướng, từ hào niềm tôn kính dâng trào khi được ở bên Bác, thỏa tấm lòng “Miền nam mong Bác nỗi mong cha”

Thì giờ đây nhà thơ không thể trách khỏi một sự thật đau lòng, một sự thật mà nhân dân cả nước Việt nam phải chịu đựng trong ngày 2/9/1969:

“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trơi tuôn mưa”

(Bác ơi! – Tố Hữu)

Cảm giác ấy bất chợt ập đến khiến nhà thơ nghe “nhói ở trong tim”. Động từ “nhói” mang đậm phong cách Nam Bộ. Đặt trong giọng thơ đầy sót xa, thương nhớ nghe gần gũi, chân thật đã miêu tả thật rõ nét cảm xúc đau đớn tột cùng của tác giả khi đứng trước hiện thực đau lòng: Bác đã ra đi mãi mãi. Và ý thơ ấy của Viễn Phương đã giúp ta hình dung hình ảnh nhà thơ đang đứng thật trang nghiêm, cúi đầu kính cẩn tưởng niệm Bác đã giành cho dân tộc thân yêu này bằng tấm lòng yêu thương, kính phục, tri ân thiết tha, sau thẳm.

Thương yêu Bác thật nhiều mà gần gũi chẳng được bao nhiêu nên phút giây chia tay thật bùi ngùi lưu luyến. Nghĩ đến ngày mai về miền Nam xa Bác, xa Hà Nội, tình cảm của nhà thơ không kìm nén, ẩn giấu trong lòng mà được bộc lộ thể hiện ra ngoài:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre chung hiếu chốn này”.

Vẫn với cách diễn đạt đậm chất Nam Bộ “thương trào nước mắt” cùng điệp ngữ: “muốn làm” vận dụng như một điệp khúc, lại được dồn đặt lên đầu ba câu thơ liên tiếp, các câu thơ đã trở thành đỉnh cao của mạch cảm xúc, giúp ông giúp chọn mọi tâm tư tình cảm yêu thương, kính phục dành cho Bác. Đó là không chỉ là tâm trạng của tác giả mà còn là của muôn triệu trái tim khác. Được gần Bác dù chỉ trong giây phút nhưng không bao giờ ta muốn xa Bác bởi Người ấm áp quá, rộng lớn quá.

Chính vì yêu thương, kính phục, thấy xót xa, bịn rịn không nỡ rời đi, nhà thơ đã ước nguyện làm “con chim” yêu thương “hót quanh lăng”, muốn làm “đóa hoa tỏa hương” tỏa hương quanh lăng, muốn “làm cây tre” trung hiếu trọn đời yêu thương tôn kính vị cha già của nhân dân.

Đặc biệt là ước nguyện “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này” để nhập vào hàng tre bát ngát, canh giữ giấc ngủ thiên thu của Người. Hình ảnh cây tre có tính chất tượng trưng một lần nữa nhắc lại khiến bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng.

Nếu ở khổ thơ đầu là một hàng tre như những tầng lớp nhân dân đang vây quần bên Bác, cùng Bác sống, cùng Bác đấu tranh để gìn giữ cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc thì khổ thơ cuối chỉ là “cây tre” biểu trưng cho nhà thơ, cho nhân cách nhà thơ, cho ý chí kiên trung, bất khuất của đân tộc.

Hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác được lặp ở câu thơ cuối như mang thêm nghĩa mới, tạo ấn tượng sâu sắc, làm dòng cảm xúc được trọn vẹn. “Cây tre trung hiếu” là hình ảnh ẩn dụ thể hiện lòng kính yêu, sự trung thành vô hạn với Bác, nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Người đã đưa đường chỉ lối. Đó là lời hứa thủy chung của riêng nhà thơ và cũng là ý nguyện của đồng miền Nam, của mỗi chúng ta đối với Bác.

Ngày nay, yêu kính, nhớ ơn Bác, toàn dân, toàn Đảng ra sức bồi đắp, xây dựng, phát triển đất nước. Riêng học sinh chúng em luôn tâm niệm lời nhắn nhủ của Bác “Non song Việt Nam có tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước đến đài vinh quang sánh vai với cường quốc năm châu được hay không chính nhờ phần lớn công học tập của các cháu” mà cố gắng chăm ngoan ra sức học tập, rèn luyện tốt nhân cách đạo đức, mai sau góp công sức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, đền đáp phần nào công lao vĩ đại của Bác.

Bằng những cảm xúc trào dâng, cách diễn đạt thật chân thật, tha thiết, với tư cái nhìn hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ, bài thơ “Viếng lăng Bác” nói chung các khổ thơ trên nói riêng và tình ác yêu thương, kính trọng của nhà thơ, cũng là của đồng bào cả nước đối với Bác.

Giọng điệu thơ phù hợp với nội dung tình cảm, cảm xúc: vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, đau xót, tự hào. Hình ảnh thơ có nhiều sáng tạo, kết hợp hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng. Những hình ảnh ẩn dụ – biểu tượng vừa quen thuộc, vừa gần gũi với hình ảnh thực, vừa sâu sắc, có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm.

——————————————————————–

Trên đây là một số bài văn mẫu phân tích hai khổ cuối bài Viếng lăng Bác để cảm nhận được lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của Viễn Phương đối với Bác Hồ. Các em có thể tham khảo để chọn lọc những luận điểm chính bổ sung cho bài phân tích của mình thêm hấp dẫn.

Tham khảo thêm những bài văn hay lớp 9 khác tại mục lục Văn mẫu 9 do sưu tầm và chọn lọc. Chúc các em học tốt !

Bài văn mẫu phân tích cảm nhận về lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của tác giả trong hai khổ thơ cuối bài thơ Viếng lăng Bác (Viễn Phương).

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/long-thanh-kinh-va-niem-xuc-dong-sau-sac-qua-2-kho-tho-cuoi-vieng-lang-bac/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp