Bức tranh thiên nhiên và con người trong bài thơ Chiều tối

0
76
Rate this post

Đề bài: Phân tích bức tranh thiên nhiên và con người trong bài thơ Chiều tối

các bài: Phân tích bức tranh thiên nhiên và con người trong bài thơ Chiều tối trong tuyển tập Văn mẫu 11 đầy đủ các nội dung từ bao quát tới chi tiết, tài liệu tham khảo là những bài văn cảm nhận mẫu giúp các em học sinh có thể hình dung ra các hình ảnh thiên nhiên và con người đẹp lạ trong bức tranh mà Bác vẽ bằng thơ.

Tham khảo: soạn bài Chiều tối – Hồ Chí Minh

Bạn đang xem: Bức tranh thiên nhiên và con người trong bài thơ Chiều tối

Dàn ý chi tiết phân tích Bức tranh thiên nhiên và con người trong bài thơ Chiều tối

1. Hai câu đầu – Bức tranh thiên nhiên

Phiên âm: Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ/ Cô vân mạn mạn độ thiên không
Dịch thơ: Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Bức tranh thiên nhiên và con người trong bài thơ Chiều tối
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

a. Hình ảnh cánh chim – “quyện điểu”: Được vận dụng bút pháp chấm phá – thủ pháp nghệ thuật quen thuộc trong Đường thi, bức tranh thiên nhiên của Hồ Chí Minh hiện lên qua hình ảnh cánh chim tuy giản đơn nhưng giàu sức gợi.
* Gợi thời gian: Dựa vào sắc thái của cánh chim “quyện” (mệt), ta hình dung ra một bầy chim tan tác, đang cố gắng vẫy đôi cánh mỏi mệt sau một ngày kiếm ăn cực nhọc, chúng bỏ lại phía sau bóng chiều tàn, bỏ lại những vất vả để sinh tồn mà tìm về chốn nghỉ. Hoàng hôn trùm lên đất trời cũng là lúc đôi cánh “quy lâm” của chúng thêm nặng với thanh trắc của từ “quyện” đè nặng lên từng chuyển động.

* Gợi không gian: Không chỉ gọi xuống bóng xế tà, cánh chim mỏi ấy trở thành điểm nhấn, lột tả một không gian bao la, rộng lớn của núi rừng. Giữa khoảng trời mênh mông vùng sơn cước, xa xa phía bìa rừng là bầy chim nhỏ cất cánh bay, theo từng lần vỗ cánh, khi bóng của chúng càng thu nhỏ, bầu trời chiều càng trở nên im vắng, trống trải, mênh mông hơn. Đây chính là nghệ thuật lấy động tả tĩnh thường được bắt gặp trong thơ xưa.

* Gợi tâm trạng: Không phải người đi đường nào cũng có thể nhìn ra được vẻ mệt mỏi ẩn sau cánh chim chiều, Hồ Chí Minh phải là người có tình yêu thiên nhiên sâu sắc lắm, gắn kết với thiên nhiên vô cùng, mang cái hồn thi sĩ sâu lắng lãng mạn khôn tả mới dùng được chữ “quyện” để miêu tả bầy chim đang tất tả bay về rừng kia. Nhưng như vậy chưa đủ, Người không chỉ yêu, mà còn thấu hiểu cảnh. Bởi bản thân Hồ Chí Minh cũng như cánh chim kia, mệt mỏi, ủ rũ, chán chường và cực nhọc. Bầy chim về tổ sau một ngày kiếm mồi, tuy vất vả, nhưng vẫn còn tự do. Còn Bác, là tù nhân bị áp giải từ nhà lao này sang nhà ngục kia, hành trình “năm mươi ba cây số một ngày”, từ lúc “gà gáy một lần đêm chửa tan”. Qua bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc trưng của Đường thi, nỗi khổ của người tù xa xứ đã được bộc lộ trọn vẹn trước người đọc như vậy.

+ Nét cổ điển: Đây không phải lần đầu người đọc thấy nhà thơ gửi tâm trạng mình vào cánh chim chiều. Ta đã nghe Nguyễn Du buồn than trong “Truyện Kiều”: “Chim hôm thoi thóp về rừng”, cũng đã nghe tiếng lòng của Bà Huyện Thanh Quan trong hai câu thơ trích bài “Chiều hôm nhớ nhà”: “Ngàn mai lác đác chim về tổ/ Rặng liễu bâng khuâng khách nhớ nhà.” Tuy mỗi người một nỗi song ẩn dưới bóng chim, nỗi buồn nào cũng da diết.

+ Nét hiện đại: Trong thơ Đường, người đọc dễ dàng bắt gặp những cánh chim lọt thỏm giữa bầu không như trong thơ Liễu Tống Nguyên: “Thiên sơn điểu phi tuyệt/ Vạn kính nhân trung diệt” (“Nghìn non chim bay mất hút/ Muôn nẻo dấu người vắng không”). Bên cạnh đó, những thi nhân xưa miêu tả cánh chim nhưng hầu như không vẽ cho chúng một lối về, cánh chim cứ bay trong mông lung vô tận; nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc, Vương Bột từng viết “Lạc hà dữ cô lộ tề phi” (“Ráng chiều với cò lẻ cùng bay“) và cả Đỗ Phủ cũng “vẽ”: “Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên” (Một hàng cò trắng bay vút lên trời xanh). Tuy nhiên, là một tác gia có phong cách nghệ thuật đa dạng, độc đáo, Hồ Chí Minh không chịu gò bó những vần thơ của mình trong khuôn khổ nét đẹp cổ điển mà thổi vào thơ linh hồn hiện đại. Cánh chim của Bác ủ rũ, nhưng vẫn đập cánh bay về rừng “tìm chốn ngủ” để lấy sức cho một ngày dài tiếp theo. Bác cho thấy sức sống và ý chí của bầy chim nhỏ, điều mà thơ xưa ít đề cập tới.b. Hình ảnh chòm mây – “cô vân”: Cũng giống như “quyện điểu”, “cô vân” là hình ảnh ước lệ tượng trưng, là thi liệu quen thuộc trong thơ Đường, là một trong những nét chấm phá đặc sắc giữa khung cảnh “Chiều tối”.

>>> Tham khảo: Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối

* Gợi không gian: Lại một bút pháp cổ điển nữa được Hồ Chí Minh sử dụng: lấy hữu hạn nói vô hạn. Chòm mây nhỏ bé có sức gợi lớn lao, khơi dậy cả một không gian khoáng đạt, rộng lớn không thấy được đường chân trời của miền sơn cước. Không phải “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”, một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những tầng mây đồ sộ chất cao kín nền trời, mây của Bác là điểm nhấn đứng riêng lẻ, cô độc giữa trời chiều quạnh hiu, im vắng. Một từ “cô” vẽ nên hình ảnh đám mây bé nhỏ co mình lại trong làn gió se se lạnh khi mặt trời đã khuất dần sau núi, khiến phông nền đằng sau nó càng tỏa rộng, lan ra ngút ngàn.

* Gợi tâm trạng: Bút pháp tả cảnh ngụ tình không chỉ thổi hồn người vào cánh chim mà đặt tâm trạng trĩu nặng lên chòm mây trôi hờ hững. Phải chăng những ưu tú trong Hồ Chí Minh đè nặng lên chòm mây, khiến chúng không thể trôi nhanh, cuốn vào gió mà bay mất hút, thay vì vậy lại “mạn mạn độ thiên không”, một chút lững lờ, một chút quẩn quanh cả một chút bế tắc – điều đã bị đánh mất trong bản dịch thơ của Nam Trân. Hình ảnh chòm mây cô độc trên nền trời vô tận chính là biểu tượng cho người tù nơi đất khách, cô đơn, trơ chọi, lạ lẫm và buồn chán.

+ Nét cổ điển: Đọc “Hoàng Hạc Lâu” – tuyệt tác Đường thi của Thôi Hiệu, người đọc cảm nhận được nỗi buồn của chòm mây chết lặng cả ngàn năm “Bạch vân thiên tải không du du” (“Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay”). Giữa vô số những hình mây trong thơ xưa cũng nổi bật lên một ví dụ điển hình, đặc sắc khác của Lí Bạch: “Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ nhàn.” (“Bầy chim một loạt bay cao/ Lưng trời thơ thẩn đám mây một mình”). Qua những ví dụ này, ta thấy hình ảnh mây trong thơ Bác không phải là thi liệu mới.

+ Nét hiện đại: Cái mới trong thờ Người không phải hình ảnh, mà là hồn thơ. Khác với mây hai trong hai tuyệt phâm trên, mây của Hồ Chí Minh cũng thoát tục, cũng buồn, cũng lẻ loi đơn chiếc nhưng không chết lặng, cũng không thẩn thơ không chịu bay đi. “Cô vân” của Người mang linh hồn người tù xa xứ, tuy gần mất phương hướng, không nhìn ra hi vọng, ánh sáng phía trước nhưng chưa vội bỏ cuộc, linh hồn ấy vẫn thôi thúc đám mây trôi, dù không nhanh, những vẫn chứa đựng sức sống dai dẳng.

c. Tiểu kết: Hai hình ảnh cánh chim và chòm mây không chỉ vẽ nên bức tranh thiên nhiên đẹp mà buồn, chúng còn bộc lộ con người Hồ Chí Minh, một tâm hồn yêu, gắn kết, cùng nhịp điệu với thiên nhiên, một trái tim lãng mạn với thơ ca, mọt người chiến sĩ đứng trước gian lao không chịu chùn bước khuất phục: người đọc thấy được cái buồn, cái mệt của Người, nhưng không mảy may tìm được dấu hiệu bỏ cuộc. Có thể nói, điều khiến cho bức tranh miền sơn cước đẹp lanh động lòng người còn là ý chí, tinh thần hiện đại của Hồ Chí Minh.

2. Hai câu cuối – Bức tranh con người

Phiên âm: Thôn sơn thiếu nữ ma bao túc/ Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Dịch thơ: Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết lò than đã rực hồng.

a. Hình ảnh cô gái xóm núi – “thôn sơn thiếu nữ”: Trên đường chuyển lao của Hồ Chí Minh, Người không chỉ chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên mà còn ngắm nhìn cả cuộc sống con người vùng sơn dã. Lọt vào tầm mắt Người là hình ảnh cô gái miền núi đang lao động, một hình ảnh bé nhỏ gợi nên biết bao điều.

* Gợi sức sống: Hình ảnh “thôn sơn thiếu nữ” được đặt ở trung tâm bài thơ, làm điểm sáng nghệ thuật, điểm nhấn thu hút người đọc. Mọi ánh nhìn như đổ dồn vào người con gái khỏe khoắn, đầy sức sống, đang hăng say lao động. Từng vòng xoay của cối xay ngô qua phép điệp vòng “ma bao túc/ bao túc ma hoàn” gợi lên chuyển động nhịp nhàng, dẻo dai của người lao động đang vui vẻ chuẩn bị bữa tối. Đây là cảnh tượng dễ dàng được bắt gặp ở bất kỳ miên thôn sơn nào: con người đơn giản mộc mạc làm công việc bình dị quen thuộc. Bản dịch của Nam Trân với hai chữ “cô em” tuy đánh mất phần trang trọng song lại bù đắp sự thân thuộc, gần gũi trong tiếng gọi.

+ Nét cổ điển: Trong thơ xưa hình ảnh con người điểm xuyết trên nền bức tranh thiên nhiên cũng đã xuất hiện nhiều, như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan: “Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà”. Ngư, tiều, canh, mục hiện lên bé nhỏ, mờ nhạt trong những bức cổ họa Đường thi.

+ Nét hiện đại: Một trong số ít những thi nhân sáng tạo thơ Đường, thể hiện sức sống nhộn nhịp, vui vẻ của con người trên bức tranh thiên nhiên có Nguyễn Trãi đã viết: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ“. Nếu như tác giả “Cảnh ngày hè” lấy âm thanh sống động để miêu tả cuộc sống, sinh hoạt của người lao động thì Hồ Chí Minh lại lấy những âm điệu nhịp nhàng từ chiếc cối xay ngô và dáng hình uyển chuyển của người thiếu nữ để họa con người. Người thiếu nữ không những không bị hòa lẫn vào cảnh vật im lìm lặng lẽ mà còn trở thành tâm điểm bức tranh.

* Gợi tâm trạng: Hình ảnh người con gái xay ngô đánh thức trong tâm trí người chiến sĩ lưu lạc nơi đất khách về người dân lao động hiền lành, chất phác, như những con dân Việt Nam đang chịu cảnh lầm than cần người tài cứu giúp. Hình ảnh ấy thôi thúc tác giả cố gắng phấn đấu, bước tiếp trên con đường cứu nước gian khổ. Vì vậy, hình tượng “thôn sơn thiếu nữ” mang đậm tính tích cực không những là nguồn động lực, mà còn là lời nhắc nhở đến trái tim yêu nước nồng nàn của Hồ Chí Minh.

b. Hình ảnh “lò than đã rực hồng” – “lô dĩ hồng”: Được đặt ở trung tâm bài thơ, cảnh tượng người con gái miền núi xay ngô chính là điểm sáng của tác phẩm. Tuy nhiên, đó không phải hình ảnh đắt giá duy nhất. Nhãn tự của “Chiều tối” lại nằm ở cuối bài, là ánh sáng tỏa ra từ lo than – “hồng” – ấm áp và rực rỡ.

* Gợi thời gian: Để đảm bảo không đánh mất cái hay và tinh tế của từ ngữ, người đọc nên nhìn nhận thời gian trong bài “Mộ” qua phần phiên âm. Vì trong phần phiên âm không hề có chữ “tối” nên chữ “hồng” ở câu kết càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Ánh lửa chỉ có thể rực hồng khi nền trời đã ngả sang màu xanh thẫm. Người ta chỉ có thể nhìn ra ánh sáng bừng lên từ chiếc lò than bé nhỏ khi vạn vật xung quanh đã chìm trong bóng tối. Đây chính là ví dụ điển hình cho một đặc trưng của Đường thi – “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời) hay “họa vân hiển nguyệt” (vẽ mây hiện trăng).

* Gợi sức sống: Nếu như ở trên, độc giả cảm nhận sự hiu quạnh, man mác buồn, cái se lạnh buổi chiều tàn thì ở đây, người đọc lại thấy ấm lòng khi nhìn ra ánh lửa bập bùng từ căn nhà nhỏ dưới chân núi. Lại một lần nữa Hồ Chí Minh khẳng định sức sống dẻo dai, khỏe khoắn của con người. Hơi ấm từ chữ “hồng” khiến ta nghĩ đến những con người lao động chân chất châm nên ngọn lửa ấy. Ngọn lửa ấy giúp họ nấu cơm nóng hổi, tạo hơi ấm trong những ngày lạnh giá, chiếu sáng khi màn đêm buông xuống, giúp tận hưởng cuộc sống dù vẫn còn nhiều thiếu thốn về vật chất song có hạnh phúc mộc mạc, có niềm vui bình dị.

* Gợi tâm trạng: Sau một ngày chuyển lao mệt mỏi, cực nhọc, Hồ Chí Minh không nhìn về điểm cuối chân trời xa xăm không thấy tận cùng, cũng không nhìn về phía rừng sâu tối không thấy lối ra, cũng không thả hồn lên những đám mây lững lờ bay vô định. Người đặt trọn tầm nhìn của mình về phía “lò than đã rực hồng”. Ngọn lửa “hồng” tùy nhỏ nhưng cháy mãnh liệt ấy thu hút cả đôi mắt và trái tim của chủ thể trữ tình. Nhìn về phía đó, Bác thấy niềm tin về hạnh phúc luôn tồn tại ở đâu đó trong cuộc đời, phụ thuộc vào con người ta có chịu tìm kiếm, hay tạo ra hay không mà thôi. Cũng như ngọn lửa, nó không thể tỏa ánh hồng chiếu sáng cả vùng sơn cước bao la rộng lớn nếu không có bàn tay con người thắp nên. Cũng như đồng bào Việt Nam không thể thoát khỏi lầm than, khổ cực nếu không có những chiến sĩ dũng cảm dám đứng lên, ra đi tìm đường cứu nước. Từ đó, trái tim của Hồ Chí Minh được tiếp thêm sức mạnh, ý chí và nghị lực. Những mệt mỏi đã gửi vào cánh chim, chòm mây không còn, trong cặp mắt Người mới đây còn chứa nặng lo lắng, ưu tư nay chỉ thấy hi vọng, khát khao tìm ra chân trời mới.

* Tiểu kết: Chữ “hồng” tạo nên sự vận chuyển của hình tượng thơ: từ quạnh vắng đến tươi vui, từ bóng tối ra ánh sáng, từ mệt mỏi tới hân hoan, từ bế tắc về hi vọng. Trái với mường tượng của người đọc, “Chiều tối” không kết thúc bằng một khung cảnh u buồn với lời thở than của người tù, mà khép lại trong niềm hạnh phúc êm đềm, thanh bình. Qua đó, người đọc cảm nhận được tình yêu cuộc sống, tinh thần “thép” và tâm hồn đẹp của Hồ Chí Minh. Chính những nét đẹp đó, kết hợp với nghệ thuật tài tình đã tạo nên tứ thơ cô đọng, giàu ý nghĩa.

Với dàn ý vô cùng chi tiết cho đề bài Phân tích bức tranh thiên nhiên và cuộc sống trong bài thơ Chiều tối, các em học sinh nên kết hợp với những nội dung kiến thức của:

  • Bài văn phân tích bài thơ Chiều tối – Hồ Chí Minh
  • Dàn ý cảm nhận bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

từ đó xây dựng nên một bài văn phân tích bức tranh trong bài thơ này thật hấp dẫn và ấn tượng.

Văn mẫu Bức tranh thiên nhiên và con người trong bài thơ Chiều tối

Một buổi chiều tối, vào cuối mùa thu năm 1942, trên con đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo, dù đã trải qua một ngày dài gian lao, vất vả nhưng bác vẫn còn tiếp tục bị bọn lính áp giải trên đường và trước mắt là một đêm trong nhà giam chặt hẹp, bẩn thỉu, lại “Được cùm chân mới yên bề ngủ/ Không được cùm chân biết ngủ đâu”. Những đày đọa ban ngày chưa qua, những đày đoạ ban đêm đã sắp đến. Vậy mà trong hoàn cảnh ấy, người vẫn vượt lên trên tất cả để ghi lại một bức tranh thiên nhiên và cuộc sống thật đẹp:

“Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Sơn thôn thiểu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”.

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngụ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò thân đã rực hồng).

Cả bài thơ là bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người gần gũi, sinh động trong cảm nhận của một người tù cách mạng.

“Chiều tối” mở đầu bằng hai câu thơ miêu tả thiên nhiên vừa gần gũi lại vừa khác lạ. Cũng giống như trong thơ ca cổ điển phương Đông, khung cảnh thiên nhiên trong hai câu thơ đầu đã được phác hoạ bằng những nét châm phá. Nhà thơ không nghiêng về tả mà chỉ gợi ra một vài nét để bắt lấy cái hồn của tạo vật. Toàn bộ khung cảnh miền thiên nhiên sơn cước hiện ra đơn sơ qua cánh chim chiều mệt mỏi đang vỗ cánh bay về nơi trú ngụ, và trong áng mầy lẻ loi, lững lờ trôi giữa tầng không. Nghệ thuật lấy điểm vẽ diện, lấy động tả tĩnh được vận dụng sáng tạo, Nhìn cánh chim bay, mây trôi mà cảm thấy bầu trời bao la hơn, cảnh chiều tối êm ả, tĩnh lặng hơn. Thiên nhiên ở khắc họa ở hai nét rất cơ bản nhưng hiện lên đầy ấn tượng về cảnh sắc và xúc cảm. Nó gợi ta nhớ đến những câu thơ râ’t hay cũng viết về cảnh chiều tà như vậy. Ca dao từng có câu: “Chim bay về núi tối rồi”. Và đó cũng là cánh chim của buổi chiều tà trong thơ Nguyễn Dủ: “Chim hôm thoi thót về rừng”. Câu thơ của Người vì thế mà cũng vừa gợi ý niệm về không gian vừa gợi ý niệm về thời gian. Mặc dù vậy, hình tượng cánh chim trong thơ Bác không chỉ được quan sát ở trạng thái vận động bên ngoài như trong thơ xưa (cánh chim bay) mà còn được cảm nhận rất sâu ở tâm trạng (cánh chim mỏi mệt). Có thể thấy một sự tương đồng gần gũi giữa hình ảnh cánh chim ấy với người tù trên đường chuyển lao mệt mỏi. Nhưng hành trình của cánh chim có thế’ coi như đến đấy là đã tạm ngừng để nghỉ ngơi thì người tù cách mạng vẫn phải tiếp tục những đày đọa. Nhưng ý thơ không vì vậy mà mất đi sự hoà hợp đồng điệu, giữa tâm hồn nhà thơ với cảnh vật. Bởi cội nguồn của nó chính là tình yêu thương mênh mông Bác giành cho mọi sự sống trên đời.

Hình ảnh chòm mây gợi ta nhớ đến câu thơ của Thôi Hiệu trong bài “Hoàng Hạc lâu”: “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” và câu thơ của Nguyền Khuyến: “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” (Thu điếu), vẫn là một thi liệu quen thuộc nhưng “mây” trong thơ Bác không gợi sự vĩnh viễn hay cái khắc khoải mơ hồ của con người trước hư không mà là một chòm mây cô đơn đang chậm chạp trôi giữa bầu trời bao la. Chòm mây như có hồn người. Nó như mang cái tâm trạng lẻ loi, đơn độc, băn khoăn, trăn trở, cha biết tương lai sẽ đi đến đâu của người tù nơi đất khách. Khi Lí Bạch, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc đời Đường “Độc tọa Kính Đình sơn” (Một mình ngồi trên núi Kính Đình) nhìn thấy cảnh:

“Chúng điểu cao phi tận

Cô vân độc khứ nhàn”.

(Bầy chim một loạt bay cao

Lưng trời thơ thẩn, đám mây một mình).

Sơn thôn thiểu nữ ma bao túc

Để cánh chim bay mất hút vào cõi vô tận thì trong thơ Bác, cánh chim là của đời sống hiện thực, nó bay theo cái nhịp điệu bất tận của cuộc sống: Sáng đi ăn, tối về rừng ngủ. Áng mây của Lí Bạch bay nhàn tản gợi cảm giác thoát tục, còn áng mây trong bức tranh “chiều tối” của Bác toát lên vẻ yên ả, thanh bình của cuộc sống thường ngày, ở trong cảnh đày đọa “Năm mươi ba cây số một ngày/ Mũ áo dẩm mưa rách hết giày” vậy mà hồn thơ ấy vẫn vượt lên trên tất cả đê cảm nhận và đón nhận vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, tạo vật. Tình yêu thiên nhiên và “chất thép” trong tâm hồn người tù cách mạng ấy đã làm nên sức mạnh để chiến thắng hoàn cảnh. Từ bức tranh thiên nhiên, ta bắt gặp một cái nhìn trìu mến dõi theo từng biểu hiện của tạo vật. Không có chân dung người tù khổ ải mà chỉ hiện lên dáng vẻ phong độ của bậc tao nhân mặc khách đang ung dung thư thái thưởng ngoạn cảnh về chiều ở rừng núi.

Nếu như trong hai câu thơ đầu, cảnh vật hiện ra trong những nét vẽ chấm phá phần nào mang tính chất ước lệ cổ điển thì hình ảnh cô thôn nữ trong hai câu thơ còn lại lại được gợi tả một cách chân thực, sinh động và cụ thể như một bức tranh hiện thực. Bức tranh di chuyển điểm nhìn vào cuộc sống con người. Chính nét vẽ đời thường ây đã làm cho bài thơ tãng thêm dáng vẻ hiện đại. Hình ảnh người con gái nổi bật lên, trở thành trung tâm của bài thơ. Thời khắc đầu đêm nơi xóm núi đã làm người tù quên đi cảnh ngộ khổ đau của mình để cảm nhận cuộc sống của nhân dân. Bác đã vợt qua những khoảng cách về không gian, đẳng cấp, dân tộc để đón nhận vẻ đẹp con người ở ngay nơi mà mình bị đày đọa. Đó là điều không phải ai cũng có thể làm được. Hai câu thơ nói lên sự quan tâm và tình cảm yêu thương của Bác đối với ngửời lao động nghèo mà sự làm việc mệt nhọc thể hiện qua âm điệu khắc khổ của bài thơ. Đến đây bài thơ có sự vận động từ bức tranh thiên nhiên sang bức tranh đời sống. Cũng là sự xuất hiện của con người nhưng không phải là cảnh “Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sống chợ mây nhà” chỉ làm tăng thêm nỗi buồn và sự cô đơn của nhân vật trữ tình trong thơ Bà huyện Thanh Quan, con người trong thơ Bác xuất hiện chỉ một mình nhưng lại mang theo sức ấm nóng của sự sống Hành động xay ngô gợi đến những bữa ăn gia đình đông đúc và vui vẻ, gợi cuộc sống lao động b)nh dị. Hơn thế nữa, nó lại đi liền với “lô dĩ hồng”, cái â’m nóng của bếp lửa. Trong một đêm mùa thu giá rét phương Bắc, một bếp lửa rực hồng thật có ý nghĩa. Nó trở nên ấm áp và có sức lan toả hơn bao giờ hết. Cô thôn nữ được miêu tả trong sự lao động cần mẫn. “Ma bao túc” rồi “ma túc ba hoàn” vòng quay của cốì xay ngô cứ đều đặn không ngừng nghi trong thái độ lao động hăng say của con người. Trong sự vận động của câu thơ có sự vận động của thời gian. “Nguyên văn không nói đến tốì mà tự nhiên nói đến: thời gian cứ trôi dần theo cánh chim và làn mây, theo những vòng quay của cối ngô, quay quay mãi, “ma bao túc… bao túc ma hoàn” và đến khi côi xay dừng lại thì “lô dĩ hồng”, lò đã rực hồng, tức là trời tôi, trời tôi thì lò rực lên” (Lê Trí Viễn). Như vậy, bếp lửa của cô gái xay ngô đã hồng lên, nghĩa là buổi chiều êm ả đã kết thúc để bước vào đém tối, nhưng lại không phải đêm tối lạnh lẽo, âm u mà là đêm tối ấm áp, bừng sáng bởi ngọn lửa hồng. Nếu hình dung cả bài thơ là một bức tranh thì chính cái châm lửa đỏ mà người nghệ sĩ tài hoa đã châm lên đó đã mang lại thần sắc cho toàn cảnh, dường như nó làm tăng thêm niềm vui và sức mạnh cho người đang cất bước trên đường xa. Giũa cái hoang sơ hùng vĩ của thiên nhiên đất trời, hình ảnh cô gái xay ngô và bếp lửa rực hồng của cô toát lên vẻ trẻ trung, khoẻ mạnh, sống động, đáng quí và đáng trân trọng biết bao.

Bài thơ là sự kết hợp của hai mảng màu chính: mảng màu của thiên nhiên và mảng màu của cuộc sống con người. Cái làm nên sự hài hoà giữa hai mảng màu ấy là tâm lòng thiết tha yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của người tù cách mạng. Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ buồn đến vui. Sự vận động này cho thây cái nhìn tràn đầy niềm lạc quan yêu đời, thể hiện tâm hồn luôn vận động hướng ra ánh sáng, hướng ra sự sống, một “chất thép” đáng khâm phục trong tâm hồn thi sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh.

Xem thêm: Sơ đồ tư duy Chiều tối

—–

Với các Bức tranh thiên nhiên và con người trong bài thơ Chiều tối được tổng hợp ở trên, các em hoàn toàn có thể từ đó hình thành nên cho mình một bài văn riêng với các cách triển khai nội dung bài viết theo góc nhìn của mình và tham khảo thêm những đánh giá của các thầy cô và các bạn khác.

Phân tích bức tranh thiên nhiên và con người trong bài thơ Chiều tối, được thcs-thptlongphu tổng hợp các ý chính trong bài và những bài văn mẫu để các em học sinh tham khảo.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/buc-tranh-thien-nhien-va-con-nguoi-trong-bai-tho-chieu-toi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp