Bình giảng bài thơ Muốn làm thằng cuội của nhà thơ Tản Đàn để làm sáng rõ lên khát vọng được sống tự do theo nhu cầu cá nhân của chính mình, đồng thời hiểu thấu được tâm sự của tác giả với nỗi buồn chán thực tại.
Đề bài:
Bình giảng bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà
Dàn ý bình giảng Muốn làm thằng cuội
I. Mở bài: Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm
Bạn đang xem: Bình giảng bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà
- Tản Đà (1889 – 1939) tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Ông là thi sĩ tài danh, lãng mạn,…
- Bài thơ “Muốn làm thằng Cuội” là tác phẩm đặc sắc của ông.
II. Thân bài
- Mở đầu bài thơ “Muốn làm thằng Cuội” là một tiếng than, một lời tâm sự.
- Nỗi buồn đến mức “buồn lắm” và chỉ còn biết gọi “chị Hằng ơi” để tâm sự. Thật thú vị và độc đáo!
- Giấc mộng thoát ly. Mộng vì chán đời, ngán đời. Mộng có tính phủ định
- Có lên được cung quế mới đỡ “tủi”, mới thỏa thích “thế mới vui”. Có chị Hằng làm bầu bạn, có gió, có mây cùng chơi.
- Thấm đẫm vần thơ là chất phong tình lãng mạn, đọc lên nghe rất thú vị
- Cử chỉ “tựa nhau” và nụ cười của Tản Đà là một giấc mộng đẹp. Thoáng một chút mỉa mai (cho trần thế) nhưng đầy thú vị vì được thoát li, được thỏa thích nơi cung quế
- “Muốn làm thằng Cuội” là một bài thơ có thi đề độc đáo, thú vị. Giọng thơ nhẹ nhàng, chơi vơi, thanh thoát. Trí tưởng tượng phong phú, kì diệu.
III. Kết bài
- “Muốn làm thằng Cuội” tiêu biểu nhất cho hồn thơ tài hoa lãng mạn và phong cách thơ của Tản Đà thi sĩ.
Trên đây là dàn ý bình giảng bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đàn mà đã biên soạn. Với dàn ý này các em đã có thể triển khai ý để viết một bài văn hoàn chỉnh. Muốn bổ sung thêm cho mình vốn từ ngữ để viết bài thêm phong phú, các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu dưới đây của nhé
Có thể bạn quan tâm: Soạn bài Muốn làm thằng Cuội ngắn gọn và hay nhất
——–
Bài văn bình giảng bài thơ Muốn làm thằng cuội được điểm cao
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 – 1939) là gương mặt đặc biệt trên thi đàn Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, người đã mang đến một làn gió lạ cho thơ ca Việt Nam, với cái ngông nghênh khinh bạc của nhà Nho cuối cùng và người tiên phong cho thi ca vào con đường chuyên nghiệp. Tình say, ý lạ, tứ mới chưa làm nên một Tản Đà, mà điều chủ yếu là sự thành thực tự nhiên trong cảm xúc, ngay cả khi thi nhân chìm đắm vào cõi mộng. Những “khối tình”, những “giấc mộng” làm nên một phần văn nghiệp Tản Đà. Muốn làm thằng Cuội là một sự kết hợp của mộng và tình, để ta nhận ra chân dung của con người dám lấy cái ngông như một sự thách thức với cuộc đời ô trọc.
Tản Đà đã có vinh dự là người “dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kỳ đang sắp sửa” (Hoài Thanh, Hoài Chân – Thi nhân Việt Nam). Cung bậc của tiếng đàn ấy là của một tâm hồn phóng túng không bị câu thúc trong lối văn trường ốc, có cái bay bổng của vị “trích tiên” tự coi mình là người lạc bước chốn trần gian. Thơ Tản Đà có một không gian riêng với Tây Thi, Dương Quý Phi, Chức Nữ, Hằng Nga, những giai nhân “hồng nhan tri kỷ” với khách tài tử phong lưu. Người đời đã cho Tản Đà là “ngông”, nhưng cần phải hiểu đó cũng chính là thái độ của ông phản ứng lại xã hội thực dân phong kiến vốn có quá nhiều điều khiến ông chán ngán buồn bực. Muốn làm thằng Cuội chính là một phản ứng như vậy.
Dường như đối với Tản Đà, mùa thu cũng tạo nên nhiều duyên nợ. Từ khoảnh khắc “Vèo trông lá rụng đầy sân” để nhận ra công danh như một thoáng chốc, đến đêm thu chìm đắm trong mối sầu, thi nhân đã để cho những tâm tình bộc bạch cùng trời đất :
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Lại một đêm thu, lần này nhà thơ tìm đến với “chị Hằng”. Mà lạ, không phải với cái cuồng vọng đòi cưới Hằng Nga mà lại là một chút khép mình xưng “em” rất ngọt! Cậu ấm Hiếu đã mỏi mệt với những muộn phiền trần thế, nên thở ra một giọng chán đời chăng? Cái buồn cố hữu của mùa thu khiến nhà thơ buồn, hay ánh trăng đối diện với con người gợi ra cảm giác lẻ loi đến mênh mông ? Tản Đà đã đến với trăng không phải bằng tư thế “đối diện đàm tâm” – nhìn nhau chuyện trò trong im lặng bằng sự cảm thông của đôi lòng, ông đã thốt lên lời tha thiết nhắn nhủ “chị Hằng ơi!”. Nỗi buồn trần thế tràn ngập đêm thu, từ trong toả ra chứ không phải do “gió thu lạnh – sương thu bạch – khói thu xây thành” như câu thơ trong “Cảm thu, tiễn thu” mà thi sĩ chạnh lòng. Điều khiến người đọc lưu tâm ở câu thơ thứ hai là kiểu “chán nửa rồi” với “trần thế” chứ không phải là “chán hết rồi”. Chán nửa có nghĩa là chưa chán hẳn, còn thiết tha với cõi đời. Vậy là thi nhân mâu thuẫn với chính mình, giữa ước muốn thoát ly hẳn đời như các thi nhân xưa muốn về với cõi tiên “lánh đục tìm trong” và tâm nguyện ở lại với đời để làm tròn “thiên lương” giúp ích cho nhân quần, nhân loại. Đã có lần nhà thơ băn khoăn với câu hỏi “Đời đáng chán hay là không đáng chán?” với bạn tri âm. Nhưng phút này đây, tri âm vắng bóng để nhà thơ vọng về trăng tâm sự với chị Hằng.
Trí tưởng tượng phong phú và mãnh liệt của nhà thơ đã làm nên một ước vọng cao vời:
Cung quế có ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Hai câu thực làm rõ cho ước muốn của Tản Đà: muốn làm thằng Cuội. Cung quế, cành đa để gợi nhắc câu chuyện cổ tích nhưng dường như có sự so sánh ngầm trong ý thơ: ở cõi trần gian, “trích tiên” Tản Đà đang cô đơn trong nỗi buồn của chính mình, còn nơi cung Quảng, Hằng Nga cũng đang cô đơn như khách trần gian. Hành trình tưởng tượng của nhà thơ đã ngược về với thời gian cổ tích, để nhà thơ hoá thân vào chú Cuội. Duy chỉ có khác một chi tiết nhỏ: ngày xưa Cuội bám cành đa thần để bay lên trăng, còn hiện tại thì cành đa ấy lại là chiếc thang đón hồn thi nhân lên cung quế. Nghĩa là Tản Đà đến với Hằng Nga để thay thế vai trò chú Cuội. Câu thơ có một chút hóm hỉnh trong ý tứ, nhưng đó là cách cắt nghĩa cho tính chất cuộc gặp gỡ đặc biệt này: giữa Hằng Nga và Tản Đà là mối quan hệ của hai tâm hồn cô đơn đang cần tìm đến nhau. Tản Đà “xin” mà không cầu lụy, bởi lẽ khi hướng về “cung quế”, có lẽ thi nhân cũng hiểu thấu nỗi niềm Hằng Nga chăng?
Bởi thế, hai câu luận là sự sẻ chia của đôi hồn cô đơn:
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Bản chất đa tình của thi sĩ đã hé lộ. Câu thơ không phải chỉ diễn tả tâm trạng từ một phía, vì nếu như vậy chẳng hoá ra thi sĩ lên trăng chỉ là giải thoát cho nỗi buồn bực của riêng mình? Cái nồng nàn trong tình ý câu thơ chính là ở chỗ nhà thơ cùng lúc diễn tả hai tâm trạng: một là của Hằng Nga – người cung Quảng Hàn, một là của Tản Đà – trích tiên nơi trần thế. Nét phóng khoáng tâm hồn thi nhân đâu chỉ là cái ước vọng lên trăng để vượt thoát cảnh trần đầy chán ngán, mà chính là khi được làm chú Cuội nghĩa là được làm bạn cùng san sớt nỗi buồn với giai nhân cung quế. Có như vậy mới thật sự là tri âm tri kỷ! Cái độc đáo Tản Đà chính là ở chỗ cảm nhận được nỗi u buồn của Hằng Nga trong không gian quạnh quẽ chốn Quảng Hàn. Cũng như đã có lần nhà thơ phát hiện giữa cõi tiên tấm lòng trần gian của tiên nữ:
Lá đào rơi rắc chốn Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa luống ngậm ngùi
(Tống biệt)
Cảnh tiên cũng buồn, nên thi nhân lên với cõi tiên là để chia sẻ cùng người tiên chút tình nồng dương gian của người-cõi –tục. Đồng thời, khi được “cùng gió cùng mây” không vướng bận những lo toan trần thế, con người cũng được giải thoát khỏi nỗi sầu vô hình đè nặng. Tìm về cõi mộng là cách để phá tan thành sầu ỡ cõi thực, nỗi sầu như thi nhân đã từng cảm nhận: “Từ độ sầu đến nay, ngày nào cũng có lúc sầu , đêm cũng có lúc sầu. Mưa dầm lá rụng mà sầu, trăng trong gió mát mà càng sầu; nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu. Sầu không có mối, chém làm sao cho đứt; sầu không có khối, đập sao cho tan…” (Giải sầu). Trong nỗi sầu của nhà thơ, ta nhận ra những ám ảnh thời thế, nhân thế và nhân thế. Bầu bạn cùng chị Hằng, phải chăng là lúc nhà thơ thật sự thoát khỏi những ám ảnh ấy khi được cận kề hồng nhan tri kỷ:
Rồi đến mỗi năm rằm tháng Tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười
Bài thơ được mở đầu bằng lời than “buồn lắm”, kết lại bằng nụ cười đêm rằm tháng Tám. Niềm vui thay thế nỗi buồn khi những tấm lòng tri kỷ đã gặp gỡ được nhau. Cảm hứng của bài thơ trọn vẹn với hình ảnh trăng thu tuyệt đẹp lay thức giấc mơ của bao kẻ muốn lánh đời thoát tục. Nhưng nếu chỉ có vậy thì cảm hứng bài thơ chưa vượt thoát khỏi khuôn sáo cũ mòn của thơ xưa. Cái tình tứ “tựa nhau” đã làm hiện rõ chất lãng mạn độc đáo của tâm hồn nhà thơ. Có lẽ chưa ai trước Tản Đà lại có sự liên tưởng táo bạo đến thế! Câu chữ khéo léo, ý tình dào dạt của Tản Đà đã làm nên nét nghĩa mới của hình tượng: chú Cuội – Hằng Nga trong cổ tích đã hoá thân thành đôi lứa khắng khít Tản Đà tài tử và Hằng Nga giai nhân. Nhưng cõi trần “chán nửa” vẫn hiện diện cùng khoảnh khắc “trông xuống thế gian” của đôi lứa tâm đầu ý hợp, làm nên nụ cười “rất Tản Đà”. Cười cho trò đời bon chen, cười trước tình đời nhạt nhẽo, và trên hết là nụ cười của kẻ vẫn còn nặng lòng trần thế, canh cánh trong hồn thiên chức nhà văn: “Hai chữ thiên lương thằng Hiếu nhớ”. Phải chăng nụ cười ấy ẩn chứa một thông điệp hướng về tương lai rạng rỡ niềm vui? Và cũng vì thế mà trăng phải là “rằm tháng Tám”, vằng vặc, tròn đầy, trong trẻo. Tắm mình trong ánh sáng dịu dàng giữa nơi cung quế là cả một tâm hồn thi nhân bay bổng tuyệt vời, thăng hoa cùng vẻ đẹp tuyệt đối của “nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi”.
Bài thơ cho ta nhận ra một chân dung tâm hồn Tản Đà : phóng khoáng, đa tình, nhiều mộng tưởng mà vẫn vướng víu những ưu tư trần thế. Con người ấy muốn giữ trọn “thiên lương” giữa cuộc đời ô trọc nên phải đắm chìm trong những “giấc mộng con” để sống thành thực với chính mình và với cuộc đời. Ta chợt nhận ra một nhân cách cao quý không bị vẩn đục bởi những toan tính vụ lợi tầm thường, một con người “đi qua cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20” mà vẫn giữ trọn “linh hồn cao khiết” (ý của Hoài Thanh, Hoài Chân – Cung chiêu anh hồn Tản Đà)
Muốn làm thằng Cuội cũng như bao bài thơ bộc bạch tâm tư của Tản Đà giúp ta hiểu thêm về một con người đã dám phô bày cái tôi đầy cá tính của mình với người đời không cần giấu giếm, như là một cách để đối lập với cả một xã hội thực dân – phong kiến. Tác phẩm góp thêm luồng sinh khí cho cảm hứng lãng mạn, với trí tưởng tượng bay bổng và cảm xúc mãnh liệt, sẽ phát triển mạnh mẽ trong phong trào Thơ Mới 1932 – 1945.
Văn mẫu 8 bình giảng bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà
Tản Đà là một nhà thơ hết sức đặc biệt của thi đàn Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX với một hồn thơ đậm chất “ngông”. Những “khối tình” và những “giấc mộng” làm nên một phần sự nghiệp văn chương của tác giả. “Muốn làm thằng Cuội” là sự kết hợp giữa mộng và tình, qua đó bạn đọc có thể cảm nhận được cái ngông dám thách thức với với cuộc đời của tác giả.
Đối với Tản Đà, mùa thu tạo nên nhiều duyên nợ. Từ cái khoảnh khắc “Vèo trông lá rụng đầy sân” để nhận ra công danh chỉ như thoáng chốc, đến đêm thu chìm đắm trong mối sầu, người thi nhân để cho những tâm tình bộc bạch cùng trời đất:
“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi”
Thi nhân tìm đến với chị Hằng , một chút khép mình xưng “em” rất ngọt! Dường như đã quá mỏi mệt với những muộn phiền của trần thế nên giọng điệu trở nên đầy buồn chán. Cái buồn cố hữu của mùa thu khiến nhà thơ buồn hay khi đối diện với trăng sáng con người cảm thấy cô đơn, lẻ loi? Ông thốt lên lời tha thiết nhắn nhủ “chị Hằng ơi!”. Nhưng câu thơ thứ hai lại có sự mâu thuẫn, khi kiểu “chán nửa vời” với “trần thế” chứ không phải “chán hết rồi”. Vẫn có một sự thiết tha với cõi đời.
Trí tưởng tượng phong phú và mãnh liệt của nhà thơ đã làm nên một ước vọng cao vời:
“Cung quế có ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi”
Nhà thơ ước muốn làm thằng Cuội. Cung quê, cành đa gợi nhắc đến câu chuyện cổ tích nhưng dường như có sự so sánh ngầm trong ý thơ: nơi trần gian, Tản Đà cô đơn trong nỗi buồn của chính mình, còn trên cung trăng, chị Hằng cũng đang lẻ loi. Câu thơ pha chút hóm hỉnh đùa vui nhưng sâu sắc trong ý tứ: giữa Hằng Nga và Tản Đà là mối quan hệ của hai tâm hồn cô đơn cần bầu bạn, tâm sự. Thi nhân “xin” nhưng không hề cầu lụy, bởi lẽ khi hướng về “cung quế”, thi nhân dường như đã thấu hiểu nỗi niềm Hằng Nga.
Chính vì vậy, hai câu luận là sự sẻ chia của hai tâm hồn cô đơn:
“Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui”
Câu thơ không chỉ diễn tả tâm trạng từ một phía của thi nhân mà còn có cả tâm trạng cô đơn của Hằng Nga. Nét phóng khoáng trong tâm hồn thi nhân đâu chỉ là ước vọng lên cung trăng để thoát khỏi cảnh trần đầy chán ngán, mà chính là khi làm chú Cuội thì sẽ được làm bạn để san sẻ nỗi buồn với giai nhân cung quế. Đó mới thật sự là tri âm tri kỉ! Cái độc đáo của tác giả là ở chỗ đã cảm nhận được nỗi u buồn của hằng Nga trong không gian quạnh vắng chốn Quảng Hàn.
Bầu bạn cùng Hằng Nga, phải chăng đó là lúc nhà thơ thật sự thoát khỏi những ám ảnh thời thế, được cận kề với hồng nhan tri kỉ:
“Rồi mỗi năm đến rằm tháng Tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười”
Ta nhận ra có một sự chuyển biến trong tâm trạng thi nhân. Nếu như mở đầu bài thơ là lời than “buồn lắm” thì đến kết thúc bài thơ là một nụ cười. Niềm vui thay thế nỗi buồn khi mà những tâm hồn tri kỉ đã gặp được nhau. Hình ảnh trăng thu tuyệt đẹp đã tạo nên cảm hứng trọn vẹn của bài thơ làm lay thức giấc mơ của bao kẻ muốn lánh đời thoát tục. Cái tình tứ “tựa nhau” làm bộc lộ chất lãng mạn trong tâm hồn thi nhân. Một sự liên tưởng đầy táo bạo! “Cùng nhau trông xuống thế gian cười”, một nụ cười đầy ẩn ý, một nụ cười “rất Tản Đà”. Cười cho trò đời bon chen, cười ch tình đời bạc bẽo, và trên hết là nụ cười của kẻ vẫn còn nặng lòng với trần thế. Phải chăng nụ cười ấy là dự báo về một tương lai rạng rỡ niềm vui? Tâm hồn thi nhân bay bổng, thăng hoa tuyệt đối cùng bóng trăng.
“Muốn làm thằng Cuội” là một tác phẩm xuất sắc của Tản Đà, giúp ta hiểu hơn về một con người dám phơi bày cái tôi trước người đời mà chẳng cần giấu giếm. Ta nhận ra một nhân cách cao quý không bị vụ lợi bởi những toan tính, vụ lợi tầm thường để giữa “linh hồn cao khiết”.
——–
vừa gửi đến các bạn dàn ý cùng một số bài văn mẫu với nội dung bình giảng bài thơ Muốn làm thằng Cuội của nhà thơ Tản Đà. Hy vọng đã giúp ích các em trong quá trình làm bài và theo học tác phẩm. Chúc các em học tốt môn văn mẫu lớp 8
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp