Các đề văn về Nhớ rừng của Thế Lữ thường gặp trong các đề thi

0
62
Rate this post

Với các đề văn về Nhớ rừng của Thế Lữ mà sưu tầm và tổng hợp dưới đây, hy vọng các em sẽ có thêm một nguồn tư liệu hữu ích phục vụ việc học tập, ôn tập để kiểm tra, thi học kỳ hay thi HSG.

Đề 1

Giới thiệu về tác giả Thế Lữ và tác phẩm “Nhớ rừng”.

Bạn đang xem: Các đề văn về Nhớ rừng của Thế Lữ thường gặp trong các đề thi

Hướng dẫn làm bài

– Thế Lữ (1907 -1989) là người hai lần tiên phong trong văn học Việt Nam: người mở đầu cho sự toàn thắng của phong trào Thơ mới và người xây dựng nền móng cho nền kịch nói nước nhà.

– Vai trò của Thế Lữ với thơ mới được Hoài Thanh xác nhận: “Độ ấy thơ mới vừa ra đời. Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Dẫu sau này danh vọng Thế Lữ có mờ đi ít nhiều, nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền Thơ mới ở xứ này. Thế Lữ không bàn về Thơ mới, không bênh vực Thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết. Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước vững vàng mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ”.

– Nhớ rừng được coi là thi phẩm tiêu biểu nhất của Thế Lữ . Mượn lời con hổ bị nhốt ở vườn bách thú, nhà thơ đã diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại giả dối, đọc bằng cảm xúc lãng mạn tràn đầy, bằng sự hoà điều giữa thơ – nhạc – hoạ. Thông qua tâm sự của chúa sơn lâm, tác giả đã khơi gợi lòng yêu nước thầm kín của người dân mất nước lúc bấy giờ. Là một trong những bài thơ hay nhất của Thơ mới chặng đầu (1932 – 1935) góp phần đem lại chiến thắng cho Thơ mới. “Nhớ Rừng” là một bài thơ 8 chữ …..vần liền, vần bằng, trắc hoán vị đều đặn.

>> Ôn lại kiến thức về tác phẩm thông qua bài soạn Soạn bài Nhớ rừng

Đề 2

Có ý kiến cho rằng: “Bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ (Ngữ văn 8, tập 2 )tràn đầy cảm xúc lãng mạn”. Em hãy cho biết cảm xúc lãng mạn được thể hiện trong bài thơ như thế nào ?

Hướng dẫn làm bài

Cảm xúc lãng mạn trong bài thơ Nhớ rừng

– Bài thơ “Nhớ rừng” là bài thơ hay của Thế Lữ, nhưng cũng là bài thơ hay của phong trào Thơ Mới. Điểm nổi bật của tâm hồn lãng mạn là giàu mộng tưởng, khát vọng và cảm xúc. Người nghệ sỹ lãng mạn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám-1945 cảm thấy cô đơn, tù túng trong xã hội bấy giờ nhưng bất lực, họ chỉ còn biết tìm cách thoát li thực tại ấy bằng chìm đắm vào trong đời sống nội tâm tràn đầy cảm xúc. Tâm hồn lãng mạn ưa thích sự độc đáo, phi thường, ghét khuôn khổ, gò bó và sự tầm thường. Nó có hứng thú giãi bầy những cảm xúc thiết tha mãnh liệt, nhất là nỗi buồn đau.

– Cảm xúc lãng mạn trong bài thơ nhớ rừng được thể hiện khá rõ ở những khía cạnh sau:

+ Hướng về thế giới mộng tưởng lớn lao, phi thường tráng lệ bằng một cảm giác trào dâng mãnh liệt. Thế giới ấy hoàn toàn đối lập với thực tại tầm thường, giả dối. Trong baì thơ, thế giới mộng tưởng chính là cảnh đại ngàn hùng vĩ và kèm theo đó là cảnh oai hùng của chúa sơn lâm.

+ Diễn tả thấm thía nỗi đau trong tinh thần bi tráng, tức là nỗi uất ức xót xa của hòm thiêng khi sa cơ lỡ vận.

>> Tuyển tập những bài Phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ hay nhất

Đề 3

Nhận xét về đoạn tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng, có ý kiến cho rằng:

“Đây là đoạn tuyệt bút. Cả bốn bức tứ bình đều là những chân dung tự họa khác nhau của con hổ nhưng đã khái quát trọn vẹn về cái “thời oanh liệt” của chúa sơn lâm” 

Phân tích đoạn thơ tứ bình trong bài Nhớ rừng để làm rõ điều đó.

Hướng dẫn làm bài

Phân tích đoạn thơ tứ bình trong bài Nhớ rừng

+ Khái quát:

– Đoạn thơ hay, cấu trúc tứ bình: bốn cảnh, cảnh nào cũng có núi rừng hùng vĩ làm nền để hình ảnh hổ được nổi bật. Bức chân dung tự họa khác nhau: chân dung hổ trong bốn cảnh ở bốn thời điểm được vẽ lại bằng kỉ niệm, bằng hồi ức của chính nó. Thời oanh liệt: thời tự do, tung hoành, thống trị đại ngàn của chúa tể rừng xanh.

– Đoạn thơ thứ ba, nằm trong chuỗi hồi ức về quá khứ oai hùng, mỗi cảnh gồm hai câu thơ, câu trước tả cảnh rừng, câu sau là chân dung của hổ trên nền thiên nhiên kì vĩ.

+ Phân tích, chứng minh: 

– Cảnh đêm trăng đẹp, thơ mộng, huyền ảo. Hổ như một thi sĩ lãng mạn thưởng thức cái đẹp bên dòng suối.

– Cảnh ngày mưa ào ạt, dữ dội. Hổ vừa như bậc quân vương uy nghi, bình tĩnh, ung dung trước mọi sự biến động, vừa giống một nhà hiền triết thâm trầm lặng ngắm đất trời thay đổi sau mưa bão.

– Cảnh bình minh tươi đẹp, rực rỡ. Hổ như một đế vương hưởng lạc thú, say giấc nồng giữa khúc ca của muôn loài.

– Cảnh hoàng hôn đỏ rực màu máu. Hổ như một bạo chúa rừng già, tàn bạo đang giành lấy quyền lực làm chủ bóng tối, làm chủ vũ trụ.

=> Bộ tranh tứ bình đẹp tái hiện quá khứ huy hoàng, tự do với cảnh núi rừng hoang sơ, thơ mộng, kì vĩ, hổ hiện lên với tư thế lẫm liệt kiêu hùng, đầy uy lực.

+ , đánh giá: 

– Khẳng định ý kiến ở đề bài là chính xác. Đoạn tứ bình là đoạn truyệt bút, hay nhất của bài thơ, là bức chân dung tự họa của nhân vật trữ tình trong bốn thời điểm đã khái quát được một thời quá khứ oanh liệt, tự do, huy hoàng của chúa tể rừng xanh.

– Đoạn thơ mượn lời tâm sự của con hổ để diễn tả kín đáo tâm trạng và khát vọng của con người: Tâm trạng của nhà thơ lãng mạn, thân tù hãm nhưng tâm hồn vẫn nhớ thời hoàng kim của tự do, do đó bất hoà sâu sắc với thực tại tầm thường. Đó cũng là tâm trạng của người dân Việt Nam mất nước, nhớ tiếc khôn nguôi một “thời oanh liệt” của lịch sử dân tộc.

– Đoạn thơ góp phần khơi sâu cảm hứng chủ đạo của toàn bài: mượn lời con hổ bị nhốt ở vườn bách thú để diễn tả niềm khao khát tự do mãnh liệt và tâm sự yêu nước của con người trong những ngày mất nước.

Tham khảo: Phân tích bức tranh tứ bình trong bài Nhớ rừng của Thế Lữ

Đề 4

Nhận xét về hai bài thơ “Nhớ rừng” (Thế Lữ) và “Khi con tu hú” (Tố Hữu),có ý kiến cho rằng:

Cả hai bài thơ đều thể hiện lòng yêu nước và niềm khao khát tự do cháy bỏng của tầng lớp thanh niên trí thức. Tuy nhiên thái độ đấu tranh cho tự do ở mỗi bài lại hoàn toàn khác nhau”.

Bằng hiểu biết của mình về hai bài thơ, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Hướng dẫn làm bài

Thái độ đấu tranh cho tự do trong bài Nhớ rừng và bài Khi con tu hú

I. Mở bài: 

– Giới thiệu khái quát bối cảnh Việt Nam trước CMT8: Dân tộc ta chìm trong ách nô lệ của TD Pháp, nhiều thanh niên trí thức có tâm huyết với non sông đất nước đều khao khát tự do.

– Bài thơ “Nhớ rừng” (Thế Lữ) , “Khi con tu hú” (Tố Hữu) đều nói lên điều đó.

– Trích ý kiến…

II. Thân bài

Lần lượt làm rõ 2 luận điểm sau

Luận điểm 1: Cả hai bài thơ đều thể hiện lòng yêu nước và niềm khao khát tự do cháy bỏng: 

– Vì yêu nước nên mới thấy hết nỗi tủi cực của cuộc sống nô lệ (d/c: Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt…) , mới uất ức khi bị giam cầm (d/c: Ngột làm sao, chết uất thôi…)

– Không chấp nhận cuộc sống nô lệ , luôn hướng tới cuộc sống tự do:

+ Con hổ nhớ về cuộc sống tự do vùng vẫy ở núi rừng đại ngàn: Những đêm trăng đẹp , những ngày mưa, những bình minh rộn rã tưng bừng…Con hổ lúc mơ màng như một thi sĩ, lúc lại như một bậc đế vương đầy quyền uy… (d/c…)

+ Người thanh niên yêu nước tuy thân bị tù đày nhưng tâm hồn vẫn hướng ra ngoài song sắt để cảm nhận bức tranh mùa hè rữc rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh, đầy hương vị ngọt ngào…( d/c…)

Luận điểm 2: Thái độ đấu tranh cho tự do khác nhau 

– “Nhớ rừng” là tiếng nói của một tầng lớp thanh niên có tâm sự yêu nước, đau đớn về thân phận nô lệ nhưng chưa tìm được con đường giải thoát, đành buông xuôi, bất lực. Họ đã tuyệt vọng, đã hết ước mơ chiến thắng, đã thôi nghĩ đến hành động… Đây là thái độ đấu tranh tiêu cực…(d/c…)

– Khi con tu hú là tiếng nói của một chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, đại diện cho những thanh niên đã đi theo con đường cứu nước mà cách mạng chỉ ra, biết rõ con đường cứu nước là gian khổ nhưng vẫn kiên quyết theo đuổi. Họ tin ở tương lai chiến thắng của cách mạng, đất nước sẽ độc lập, dân tộc sẽ tự do. Họ không ngừng đấu tranh để giải phóng dân tộc . Đây là thái độ đấu tranh rất tích cực.( d/c…)

3. Kết bài:

Khẳng định lại giá trị của hai bài thơ

– Trân trọng nỗi niềm yêu nước sâu kín. Đó là nỗi đau nhức nhối vì thân phận nô lệ, khơi dậy niềm khao khát tự do và nhớ tiếc thời oanh liệt của dân tộc.

– Tiếng nói khao khát tự do ,ý thức đấu tranh giành tự do mạnh mẽ trong “Khi con tu hú” có tác dụng tích cực đối với thanh niên đương thời.

Đề 5

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

“ Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan ?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lắng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu ?”

Hướng dẫn làm bài

* Nội dung cần đạt

– Giới thiệu được cảnh khu rừng được hiện lên gợi nhớ đến dĩ vãng ở đoạn 3 của bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ. (Trích dẫn).

– Chỉ ra được biện phép tu từ được dùng trong đoạn thơ là phép tu từ điệp ngữ: từ “đâu những” và “ta” đều được lặp lại 5 lần; bút pháp lãng mạn, ngôn ngữ thơ giàu hình tượng; câu hỏi tu từ.

– Phân tích tác dụng:

+ Từ “đâu những” được lặp lại ở đầu câu thơ biểu lộ nỗi lòng tiếc nuối, ngẩn ngơ về một thời quá khứ.

Điệp từ ta: thể hiện niềm tự hào về những kỉ niệm đẹp thưở “vùng vẫy kỉ niệm xưa”.

+ Câu hỏi tu từ xuất hiện nối tiếp trong năm câu tạo nên nhạc điệu du dương, triền miên, da diết, thể hiện sâu sắc tình thương nỗi nhớ của hùm thiêng sa cơ, nhớ rừng, tiếc nuối một thời oanh liệt.

– Bút pháp lãng mạn, ngôn ngữ thơ giàu hình tượng tạo nên một bộ tranh tứ bình tuyệt đẹp. Có thời gian nghệ thuật: đêm trăn, ngày mưa, bình minh, chiều tà. Có không gian nghệ thuật: suối và trăng, giang san và bốn phương ngàn, cây xanh nắng gội và tiếng chim ca, lênh láng máu sau rừng và mảnh mặt trời gay gắt. Có tâm trạng nghệ thuật, bao trùm là nỗi nhớ tiếc nuối một thời oanh liệt xa xưa với dáng điệu của nó được khắc hoạ hết sức phong phú, kì vĩ và thơ mộng. Khi thì được hiện lên như một chàng thi sĩ lãng mạn, hào hoa đứng uống ánh trăng tan bên bờ suối; khi thì giống một nhà hiền triết thâm trầm lặng ngắm trời đất thay đổi sau mưa bão; khi lại như một bậc đế vương hiền lành có chim ca hầu quanh giấc ngủ; và cuối cùng, nó chính là nó, vị chúa tể rừng già tàn bạo, dữ dội, làm chủ bóng tối, làm chủ vũ trụ

– Mảnh mặt trời là một hình ảnh mới lạ trong thơ Thế Lữ

+ Mặt trời ở đây không phải là một khối cầu lửa vô tri vô giác mà là một sinh thể. Trong cả vũ trụ bao la rộng lớn, chỉ có một kẻ duy nhất được chúa sơn lâm coi là đối thủ, đó là mặt trời.

– Nhưng cả đối thủ đáng gờm đó cũng bị chúa sơn lâm nhìn bằng con mắt khinh bỉ, ngạo mạn: mặt trời tuy gay gắt nhưng cũng chỉ là một mảnh…

– Câu thơ “Ta đợi chết…gay gắt”, “bàn chân ngạo nghễ của con thú dữ như đã giẫm đạp lên bầu trời và cái bóng của nó đã trùm kín cả vũ trụ. Tầm vóc của chúa tể rừng già đã được nâng lên ở mức phi thường và kì vĩ đền tột đỉnh.

– Nhưng đó chỉ là dĩ vãng huy hoàng, chỉ hiện ra trong nỗi nhớ ra diết tới đau đớn của con hổ. Giấc mơ huy hoàng của con hổ đã khép lại trong tiếng than u uất: Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu ? Đó cũng chính là tiếng thở dài của người dân mất nước lúc bấy giờ.

>> Tham khảo thêm: Khát vọng tự do và lòng yêu nước trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ

Đề 6

Nêu những nét chính về nghệ thuật của bài thơ.

Hướng dẫn làm bài

Nghệ thuật của bài Nhớ rừng

Sức hấp dẫn của bài thơ còn ở những giá trị nghệ thuật đặc sắc của nó, những giá trị tiêu biểu cho Thơ mới ở giai đoạn đầu.

+ Cả bài thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn với mạch cảm xúc sôi nổi, mãnh liệt và trí tưởng tượng phong phú, bay bổng. Chính cảm hưng lãng mạn này đã sản sinh ra những hình ảnh thơ giàu chất tạo hình, đầy ấn tượng, đặc biệt là những chi tiết miêu tả vẽ đẹp hùng vĩ mà thơ mộng của núi rừng.

+ Bài thơ có những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng làm nên nội dung sâu sắc của tác phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại chọn hình thức “mượn lời con hổ ở vườn bách thú”. Hình tượng con hổ – chúa sơn lâm – bị giam cầm trong cũi sắt là biểu tượng của người anh hùng bị thất thế sa cơ mang tâm sự u uất đầy bi tráng. Cảnh rừng già hoang vu – giang sơn của chúa sơn lâm – là biểu tượng của thế giới rộng lớn, khoáng đạt, thế giới của tự do, tương phản với hình ảnh chiếc cũi sắt nơi vườn bách thú là biểu tượng của cuộc sống tù hãm, chật hẹp. Với những hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng đó, nhà thơ nói lên tâm sự của mình một cách kín đáo và sâu sắc.

+ Ngôn ngữ và nhạc điệu phong phú, giàu sức biểu cảm. Sức mạnh chi phối ngôn ngữ và nhạc điệu của bài thơ xét cho cùng vẫn là sức mạnh của mạch cảm xúc sôi nổi, mảnh liệt. Bài thơ đầy nhạc tính, âm điệu dồi dào, cách ngắt nhịp linh hoạt (có câu ngắt nhịp rất ngắn, có câu lại trải dài). Giọng thơ khi thì u uất, dằn vặt, khi thì say sưa, tha thiết, hùng tráng, song tất cả vẫn nhất quán, liền mạch và tràn đầy cảm xúc.

Bằng những vần thơ tràn đầy cảm xúc lãng mạn, bằng việc mượn lời con hổ bị nhốt ở vườn bách thú, bài Nhớ rừng đã diến tả sâu sắc nỗi chán ghét cảnh sống tù túng, tầm thường, giả dối và niềm khát khao tự do mãnh liệt, từ đó gợi lên lòng yêu nước thầm kíncủa người dân mất nước thủơ ấy.

Đề 7

Chứng minh rằng: “Đoạn 3 của bài thơ có thể coi là một bộ tranh Tứ bình lộng lẫy”.

Hướng dẫn làm bài

Đoạn 3 của bài thơ có thể coi như một bộ tranh tứ bình đẹp lộng lẫy. Bốn cảnh, cảnh nào cũng có núi rừng hùng vĩ, tráng lệ với con hổ uy nghi làm chúa tể. Đó là cảnh “những đêm vàng bên bờ suối” hết sức diễm ảo với hình ảnh con hổ “say mồi đứng uống ánh trăng tan” đầy lãng mạn. Đó là cảnh “ngày mưa chuyển bốn phương ngàn” với hình ảnh con hổ mang dáng dấp đế vương: “Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới”. Đó là cảnh “bình minh cây xanh nắng gội” chan hoà ánh sáng, rộn rã tiếng chim đang ca hát cho giấc ngủ của chúa sơn lâm. Và đó là cảnh “Chiều lênh láng máu sau rừng” thật dữ dội với con hổ đang chờ đợi mặt trời “chết” để “chiếm lấy riêng phần bí mật” trong vũ trụ. ở cảnh nào núi rừng cũng mang vẻ đẹp hùng vĩ vừa thơ mộng, và con hổ nổi bật lên với tư thế lẫm liệt, kiêu hùng, đúng là một chúa sơn lâm đầy uy lực.

Nhưng đó chỉ là dĩ vãng huy hoàng, chỉ hiện ra trong nỗi nhớ da diết tới đau đớn của con hổ. Một loạt điệp ngữ :nào đâu, đâu những…. cứ lặp đi lặp lại, diễn tả thấm thía nỗi nhớ tiếc khuôn nguôi của con hổ đối với những cảnh không bao giờ còn thấy nữa. Và giấc mơ huy hoàng đó đã khép lại trong tiếng than u uất: “- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”.

>> Xem thêmCảm nhận về khổ thơ thứ 3 bài Nhớ rừng của Thế Lữ

Đề 8

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh có nhận xét về thơ của Thế Lữ: “Đọc đôi bài, nhất là “Nhớ rừng”, ta tưởng chừng như thấy những chữ bị xô đẩy, vị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một thế tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được”.

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Theo em, “Đội quân Việt ngữ” mà Hoài Thanh nói đến có thể gồm những yếu tố gì?

Hướng dẫn làm bài

– Cần hiểu cách diễn đạt hình ảnh của Hoài Thanh:

– Khi nói “tưởng chừng thấy chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường” là Hoài Thanh muốn khẳng định mạch cảm xúc sôi trào, mãnh liệt chi phối câu chữ trong bài thơ của Thế Lữ. Đây chính là một trong những đặc điểm tiêu biểu của bút pháp thơ lãng mạn và cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự lôi cuốn mãnh mẽ của bài Nhớ rừng.

– Khi nói “Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được” tức là nhà phê bình khẳng định tài năng của tác giả trong việc sử dụng một cách chủ động, linh hoạt, phong phú, chính xác và đặc biệt hiệu quả ngôn ngữ (tiếng việt) để có thể biểu đạt tốt nhất nội dung của bài thơ.

– “Đội quân Việt ngữ” có thể bao gồm nhiều yếu tố như những từ ngữ, hình ảnh thơ (đặc biệt phải kể đến những hình ảnh giàu chất tạo hình tả cảnh sơn lâm hùng vĩ gây cho người đọc ấn tượng đậm nét về vẻ đẹp vừa phi thường tráng lệ, vừa thơ mộng),các cấu trúc ngữ pháp, thể loại thơ, ngữ điệu và nhạc điệu phong phú, giàu sức biểu cảm (ấm điệu dồi dào, cách ngắt nhịp linh hoạt – có câu nhịp rất ngắn, có câu lại trải dài). Điều này có thể nhận thấy rõ nhất qua đoạn 2 và 3 của bài thơ miêu tả cảnh núi rừng hùng vĩ và hình ảnh con hổ trong giang sơn mà nó ngự trị.

******

Với các đề văn về Nhớ rừng của Thế Lữ kèm hướng dẫn làm bài chi tiết, hy vọng đã có thể đem đến cho các em một nguồn tài liệu hữu ích qua đó giúp em rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức Ngữ văn. Chúc các em luôn học tốt nhé!

Tổng hợp các đề văn về Nhớ rừng của Thế Lữ do thcs-thptlongphu sưu tầm và chọn lọc, những đề văn hay về bài thơ Nhớ rừng thường gặp trong các bài thi và bài kiểm tra.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cac-de-van-ve-nho-rung-cua-the-lu-thuong-gap-trong-cac-de-thi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp