Đề cương ôn tập học kì 1 môn văn lớp 9 bài Đoàn thuyền đánh cá

0
61
Rate this post

Đoàn thuyền đánh cá là bài thơ rất có thể sẽ được ra trong đề thi học kì 1 sắp tới, để có thể nắm chắc được những kiến thức trọng tâm của bài, các em hãy cùng tham khảo qua đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn lớp 9 2019 dưới đây nhé

Đề cương HK1 môn Văn lớp 9 bài Đoàn thuyền đánh cá

I – Tìm hiểu chung:

1. Tác giả:

Bạn đang xem: Đề cương ôn tập học kì 1 môn văn lớp 9 bài Đoàn thuyền đánh cá

– Huy Cận (1919-2005), tên đầy đủ là Cù Huy Cận,quê: tỉnh Hà Tĩnh.

– Là nhà thơ nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập thơ Lửa thiêng(1940).

– Là nhà thơ tiêu biểu cho nền thơ hiện đại Việt Nam từ sau năm 1945:

2. Tác phẩm:

– Bài thơ được viết vào giữa năm 1958, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Niềm vui dạt dào tin yêu trước cuộc sống mới đang hình thành, đang thay da đổi thịt đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của thơ ca lúc bấy giờ. Nhiều nhà thơ đã đi tới các miền đất xa xôi của Tổ quốc để sống và để viết: miền núi, hải đảo, nhà máy, nông trường…Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi ấy, hồn thơ của ông mới thực sự  nảy nở trở lại và dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.

– Bài “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958).

3. Bố cục: 3 phần:

– Bài thơ có 7 khổ, được kết cấu theo sự vận động của thời gian và hành trình của một chuyến ra khơi đánh cá:

  • Hai khổ đầu: Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi lúc hoàng hôn buông xuống.
  • Bốn khổ tiếp: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong một đêm trăng rất đẹp.
  • Khổi cuối: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về khi bình minh đã rạng ngời trên biển.

4. Cảm hứng chủ đạo:

– Bài thơ có hai nguồn cảm hứng lớn, song hành, hài hòa và trộn lẫn vào nhau. Đó là cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ và cảm hứng về con người lao động trong cuộc sống mới. Sự thống nhất của hai nguồn cảm hứng ấy được thể hiện qua kết cấu và hệ thống thi ảnh trong bài. Về kết cấu, thời gian của bài thơ là nhịp tuần hoàn của vũ trụ ( từ lúc hoàng hôn đến lúc bình minh) cũng là thời gian hoạt động của đoàn thuyền đánh cá ( từ lúc ra khơi đến khi trở về). Không gian của bài thơ là một không gian lớn lao, kỳ vĩ với trời,biển, trăng, sao, sóng, gió; cũng là không gian của cảnh lao động.

5. Chủ đề tư tưởng: Thông qua việc miêu tả cảnh lao động đánh cá của người ngư dân vùng biển Hạ Long, bài thơ ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, sự giàu có của biển khơi; ngợi ca khí thế lao động hăng say, yêu đời của người lao động mới đã được giải phóng, đang làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời và đất nước.

Xem thêm: Soạn bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

II. Đọc – hiểu bài thơ

1. Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi lúc hoàng hôn buông xuống (Khúc hát ra khơi)

– Bốn câu thơ có kết cấu gọn gàng, cân đối như một bài tứ tuyệt: hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau nói về con người. Cảnh và người tưởng như đối lập song lại hòa hợp, cảnh làm nền để cho hình ảnh con người nổi bật lên như tâm điểm của một bức tranh – bức tranh lao động khỏe khoắn, vui tươi tràn ngập âm thanh và rực rỡ sắc màu.

– Phép nhân hóa, ẩn dụ “Sóng đã cài then đêm sập cửa”  -> người đọc cảm nhận thiên nhiên, vũ trụ,biển cả như đi vào trạng thái tĩnh lặng, nghỉ ngơi, thư giãn. Vũ trụ giờ đây như một ngôi nhà khổng lồ. Những lượn sóng dài như chiếc then cài, còn màn đêm đang buông xuống là cánh cửa.-> Hình ảnh thơ cho thấy thiên nhiên vũ trụ bao la mà gần gũi với con người – biển cả hay đó cũng chính là ngôi nhà thân thuộc của mỗi ngư dân. Có thể nói, hai câu thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên và lòng yêu mến cuộc đời của nhà thơ Huy Cận.

– Hình ảnh, nhạc điệu trong câu thơ diễn tả khí thế khỏe khoắn, phấn chấn của những người lao động: khẩn trương làm việc bất kể ngày đêm.

– Đoàn thuyền lại ra khơi, tuần tự, nhịp nhàng như cái nhịp sống không bao giờ ngừng nghỉ. Chữ “lại” trong câu thơ đã diễn tả điều đó, cho ta hiểu đây là công việc, là hoạt động hàng ngày, thường xuyên, trở thành một nếp sống quen thuộc của những người ngư dân vùng biển.

– “Câu hát căng buồm cùng gió khơi” là hình ảnh ẩn dụ mang tính chất khoa trương. Tiếng hát khỏe khoắn tiếp sức cho gió làm căng cánh buồm. Tiếng hát ấy, làm nổi bật khí thế hồ hởi của người lao động trong buổi xuất quân chinh phục biển cả…

2. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong một đêm trăng rất đẹp

– Cảm hứng lãng mạn giúp nhà thơ phát hiện vẻ đẹp của cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong đêm trăng với niềm vui phơi phới, khỏe khoắn khi con người làm chủ cuộc đời, làm chủ biển trời quê hương.

– Cảnh đoàn thuyền lướt sóng ra khơi, từng luồng cá bủa lưới vây giăng mang vẻ đẹp vừa hoành tráng, vừa thơ mộng

-> Đoàn thuyền đánh cá băng băng lướt sóng, bủa vây điệp trùng. Công việc lao động trên biển như là một cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên. Người lao động làm việc với tất cả lòng dũng cảm, sự hăng say, trí tuệ nghề nghiệp, tâm hồn phơi phới.

– Bức tranh lao động được điểm tô bằng vẻ đẹp của thiên nhiên. Cái nhìn của nhà thơ đối với biển và cá cũng có những sáng tạo bất ngờ,độc đáo

Có thể nói, cảnh lao động đánh cá trên biển như bức tranh sơn mài rực rỡ. Người kéo lưới là trung tâm của cảnh được khắc họa rất độc đáo với thân hình gân guốc, chắc khỏe cùng thành quả thu về “vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông”. Màu hồng của bình minh làm ấm sáng bức tranh lao động. Thiên nhiên và con người cùng nhịp nhàng trong sự vận hành của vũ trụ.

3. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về khi bình minh đã rạng ngời trên biển. ( Khúc hát trở về).

– Đoàn thuyền đánh cá thắng lợi trở về trong bình minh rực rỡ, tráng lệ.

– Câu đầu của khổ thơ lặp lại gần như nguyên vẹn câu cuối của khổ thứ nhất, chỉ thay có một từ ( từ “với”) đem đến kết cấu đầu – cuối tương ứng, tạo sự hài hòa cân đối. Cấu trúc lặp lại ấy trở thành điệp khúc ngân nga, nhấn mạnh niềm vui lao động làm giàu đẹp quê hương và khắc họa đậm nét vẻ đẹp khỏe khoắn cùng niềm vui phấn khởi của người ngư dân.

– Phép tu từ nhân hóa: “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”cho thấy tư thế chủ động chinh phục biển trời, vũ trụ của người ngư dân. Đúng như lời bình của chính tác giả: “Bài thơ là cuộc chạy đua giữa con người với thiên nhiên và con người đã chiến thắng”.

– Nếu khổ thơ đầu, mặt trời xuống biển báo hiệu hoàng hôn thì ở khổ cuối lại là mặt trời đội biển – là ngày mới bắt đầu – ngày mới với thành quả lao động bội thu và niềm tin yêu phấn chấn.

– Câu thơ kết bài vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa khiến người đọc liên tưởng tới một tương lai tươi sáng, huy hoàng: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”. Ngày mới bắt đầu – thành quả lao động trải dài muôn dặm phơi – một cuộc đời mới đang sinh sôi, phát triển…

III – Tổng kết:

1. Nội dung:

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.

2. Nghệ thuật:

Bài thơ có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo; có âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng,lạc quan.

———-

Các em vừa tham khảo qua đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn lớp 9 2019/2020 mà biên soạn. Cùng chúng tôi ôn tập để có được kết quả tốt nhất cho kì thi sắp tới nhé.

Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 9 bài Đoàn thuyền đánh cá chi tiết với những kiến thức cơ bản cần ghi nhớ được tổng hợp dưới đây

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/de-cuong-on-tap-hoc-ki-1-mon-van-lop-9-bai-doan-thuyen-danh-ca/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp