Cảm nhận về nhân vật Rô bin xơn trong Rô bin xơn ngoài đảo hoang – chàng trai thích hoạt động, ưa phiêu lưu, say sưa đến những miền đất lạ, bất chấp sóng to, gió lớn và bao nỗi gian nan, nguy hiểm khác, cũng là chàng trai có ý chí và nghị lực phi thường cùng tình yêu đời mãnh liệt ngay cả trong khó khăn thử thách.
Đề bài
Cảm nhận về nhân vật Rô bin xơn trong Rô bin xơn ngoài đảo hoang
Bạn đang xem: Cảm nhận về nhân vật Rô bin xơn trong Rô bin xơn ngoài đảo hoang
Những bài văn mẫu hay nhất cảm nhận về nhân vật Rô bin xơn
Bài văn mẫu 1
Đ. Đi-phô (1660 – 1731) là đại văn hào của Vương quốc Anh, sống ở cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỉ XVIII. Những độc giả yêu văn khắp nơi trên thế giới đều biết đến tên tuổi của Đ.Đi-phô qua kiệt tác Rô-bin-xơn Cru-xô. Đặc biệt, hình ảnh của nhân vật Rô-bin-xơn trong trích đoạn Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang của tiểu thuyết này đã đọng lại trong tâm hồn người đọc nhiều suy nghĩ và cảm xúc.
Rô-bin-xơn là một chàng trai thích hoạt động, ưa phiêu lưu, say sưa đến những miền đất lạ, bất chấp sóng to, gió lớn và bao nỗi gian nan, nguy hiểm khác. Rô-bin-xơn xuống tàu ở Hơn, theo bạn đi Luân Đôn bằng đường biển. Cuộc hành trình không gặp may mắn, con tàu bị đắm chìm ở Y-ac-mao. Thế nhưng, tai họa ấy không làm chàng nản lòng. Cha mẹ khóc lóc, bạn bò can ngăn vẫn không lay chuyển được quyết tâm của chàng – chàng làm quen với một viên thuyền trưởng tàu buôn; lần này rời bến ở Ghi-nê. Chuyến đầu tiên thuận buồm xuôi gió. Chuyến thứ hai gặp cướp biển, Rô-bin-xơn bị bắt làm nô lệ ở Xa-lê, hai năm sau trốn thoát sang Bra-xin lập trang trại trồng trọt. Chàng vẫn không hề nao núng; vài nằm sau nghe lời các bạn rủ rê, chàng xuống tàu đi Ghi-nê dự định thực hiện một chuyên buôn bán, trao đổi lớn. Nào ngờ, tàu gặp bão lớn, mất phương hướng rồi bị đánh đắm. Các thủy thủ trên tàu đều mạng vong. Ngoại trừ Rô-bin-xơn một mình sống sót trôi giạt vào một đảo hoang không có dấu chân người.
Trong trích đoạn Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang, nhà văn kể chuyện Rô-bin-xơn ở trên đảo hoang vào khoảng từ năm thứ 9 đến năm thứ 15 (tính từ ngày bị đắm tàu).
Trước tiên, chúng ta thấy Rô-bin-xơn là một chàng trai có ý chí và nghị lực phi thường. Sớm gặp hoàn cảnh bất hạnh nhưng anh không nản chí, tuyệt vọng. Mặc dù sống cô đơn, không bạn bè, không người thân, nhưng anh “không ngồi rỗi, bằng lòng với những thứ mình đã có”. Anh say sưa làm việc đến quên cả mệt mỏi, nhọc nhằn. Anh luôn luôn được hưởng “cái thú hoàn thành một kết quả lao động mà trước kia mình phải bó tay”, nhờ phương pháp và tư tưởng tích cực: “Không còn nghĩ ngợi vẩn vơ”. Tính siêng năng, tháo vát đã giúp anh ngày càng “lành nghề trong nhiều ngành thủ công”. Anh trở thành thợ nặn rất khéo; ngoài bát đĩa, chum vại, bình vò thường dùng để cất trữ mọi thứ lương ăn, anh còn nặn được một cái tẩu hút thuốc, một công trình tuyệt mĩ đối với anh và anh lấy làm thích thú.
Anh cũng trở thành một tay đan giỏi. Anh dùng miên liễu – một loại cây nhỏ, cành mềm rủ xuống, đan nhiều đồ dùng như: thúng (để mỗi lần săn bắn được hoặc kiếm được thức ăn thì bỏ vào thúng quẩy về nhà); bồ đựng thóc,… Ngoài ra, anh còn nảy thêm sáng kiến khác: chăn nuôi. Anh cảm thấy cần phải nuôi dê để cải tạo bừa ăn vì nguồn thực phẩm ngày càng cạn kiệt. Anh tâm sự: “Trong khoảng một năm rưỡi, tôi đã có một đàn mười hai con dê vừa lớn vừa nhỏ. Hai năm sau, số dê lên tới bốn mươi ba con và tôi bắt đầu giết thịt để ăn. Tôi làm thêm tất cả năm chuồng nữa nhỏ hơn, mỗi chuồng có nhiều ngăn để lúc cần thì bắt dê cho tiện”.
Dường như chưa bằng lòng với năng lực sáng tạo của chính mình, anh ngẫm nghĩ đến chuyện vắt sữa dê – dù anh “nghĩ đến hơi muộn”. Nghĩ là làm; anh bắt tay ngay vào công việc. Có ngày anh vắt được bảy tám chai sữa! Do đó, việc thừa sữa uống là rất bình thường. Nhưng chưa dừng lại ở đây, anh cố công “thử làm bơ và pho mát”. Thất bại là mẹ của thành công. Sau vài lần bị hỏng, anh đã được như ý. Giờ đây, bữa ăn của anh vừa dồi dào nguồn thực phẩm, vừa ngon, vừa có nguồn giá trị dinh dưỡng cao. Thế nên, anh thốt lên bằng niềm tự hào mãnh liệt: “Các bạn thử nghĩ, một mình trên một hòn đảo hoang vắng mà bữa sáng có sữa tươi, bxa ăn thường ngày có bánh mì, bánh bột gạo tẻ, thịt dê, trứng rùa, bơ và pho mát, tráng miệng thì có các thứ hoa quả, nhất là nho tươi, nho khô, thiết tưởng cũng thịnh soạn, không kém ở những khách sạn bình thường tại các thành phố lớn”.
Mặt khác, chúng ta thấy Rô-bin-xơn là một chàng trai có lòng yêu đời tha thiết. Phải là một con người ham sống mới tồn tại được ở một nơi cách biệt hoàn toàn với thế giới con người như thế. Một thân, một mình giữa nơi hoang đáo, anh vẫn muốn sống đàng hoàng, sống cho ra sống, sống một cách mạnh mẽ, đẹp đẽ, dũng cảm, sáng tạo, vượt lên trên mọi hiểm nguy, thiếu thốn. Như vậy, quan niệm “sống” của anh không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh học mà còn có ý nghĩa sâu xa về mặt triết học (phần nhiều nghiêng về mặt triết học).
Ngày lại ngày, anh lạc quan “chu du trong địa hạt của mình giống như một người đi dạo phố ở thời hiện đại”. Dù không có ai nhìn ngắm (ngoại trừ anh) nhưng anh vẫn cứ “diện” theo sở thích của mình. Anh mặc một bộ quần áo bằng da rất kì lạ, kì lạ đến nỗi giá có người nào trông thây “nếu không kinh sợ thì cũng bò ra mà cười!”. Cái áo chẽn bằng da dê, “tà áo chấm ngang đầu gối”. Quần thì ngắn nhưng “rộng thùng thình, may bằng tấm da lông một con dê xồm, lông dê dài lê thê, buông thõng xuống đên gần mắt cá, thành ra quần đùi mà cũng không khác quần dài”. Còn cái mũ cũng được làm bằng da dê “cao lêu đêu trông thật không ra cái hình thù gì”. Đã vậy, thắt lưng cũng làm bằng da lông. Riêng cái tư thế của anh chẳng khác nào một nhân vật trong truyện xưa đang phòng thủ: “Một cái cưa và một cái búa ở hai bên hông. Một sợi dây da vòng qua cổ sang phía tay trái, đeo lủng lẳng hai cái túi hình dáng lạ lùng, một cái túi đựng thuốc súng, một túi đựng đạn ghém. Sau lưng cõng một cái gùi, vai mang súng và trên đầu là cái dù xoè ra, bao che tất cả thân mình”. Bởi trang phục như vậy nên khuôn mặt của anh “rám nắng, đen sạm lại”, râu “đâm ra như cái chổi xể”, trên mép lại để một cặp ria theo kiểu người Thổ Nhĩ Kì “vừa dài vừa rậm khác thường”.
Rõ ràng, cách trang phục càng “tô đậm thêm nét cổ quái” vào diện mạo của anh – đúng như anh tự nhận xét là lệ bộ kì dị ấy đã khiến con chó người bạn thân của anh tỏ vẻ “kinh ngạc và khiếp sợ. Nó nghi nghi hoặc hoặc, chạy nép vào một góc nhà đứng nhìn ra, có ý dò xem cái con vật quái dị kia là bạn hay là thù”. Ấy vậy mà anh không hề cảm thấy đau khổ, tủi thân. Trái lại, anh kế cho chúng ta nghe bức chân dung tự họa của mình bằng giọng điệu vui tươi, pha lẫn những tiếng cười. Chẳng những thế, anh còn tự nhận mình là một vị “chúa đảo”. Có thể khẳng định rằng, giữa nơi hoang vu, vắng bóng dáng thân thương của con người, chất hoang dã đã nổi dậy lấn chiếm con người, hoang dã hóa con người nhưng chàng trai bất hạnh Rô-bin-xơn đã giành được chiến thắng, chiến thắng một cách vinh quang, vĩ đại, một chiến thắng mà đến 300 năm sau, trên hành tinh này chưa có người thứ hai đạt được.
Tóm lại, Rô-bin-xơn là một chàng trai có ý chí, nghị lực phi thường và lòng yêu đời mãnh liệt, mãnh liệt ngay cả trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chính những phẩm chất tốt đẹp của chàng đã khơi dậy trong tâm hồn thơ ngây, trong sáng của em một tình yêu, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống hiện tại; một ý chí sắt đá, một nghị lực thép trong học tập và rèn luyện đạo đức để mai này em không chỉ giúp ích được cho bản thân mình mà còn cho xã hội yêu thương.
Tham khảo: Phân tích Rô bin xơn ngoài đảo hoang của Đi-phô
Bài văn mẫu 2
Con người, mi là ai? Câu hỏi ấy giúp cho nhân loại tự ngắm mình trong những trường hợp biến dạng đến dường như không phải là con người. Rô-bin-xơn rơi vào một trong những nghịch cảnh không bình thường như thế. Hơn mười năm ròng rã sống trên hoang đảo, bị cắt đứt mọi liên lạc với con người, anh có còn là chàng thanh niên hai mươi bảy tuổi quê ở miền Y-oóc-sai nữa hay không? Thử thách vượt qua sức tưởng tượng này là một phép thử có hồi âm, một thông điệp không bi quan mà ngược lại.
Bản năng sống không cho phép con người bất lực khoanh tay. Dù thế nào, bằng cách nào cũng phải sống. Quyết tâm ấy, ý chí ấy có khả năng diệu kì biến không thành có. Nếu nghị lực là phẩm chất số một ở con người thì tại nơi đảo hoang này, ở Rô-bin-xơn nó luôn luôn toả sáng. Để định cư nơi đầu sóng ngọn gió, nơi góc bể chân trời xa lạ, những điều đầu tiên không thể không nghĩ đến: căn lều che nắng che mưa, cái ăn cái mặc hằng ngày. Căn lều chắc được dựng lên từ cây cối trong rừng bằng chiếc cưa nhỏ và chiếc rìu con mà lúc nào Rô-bin-xơn cũng đeo lủng lẳng bên người. Còn cái ăn chắc nhờ vào săn bắn và hái lượm, hình thái tự cung tự cấp sơ khai của người nguyên thuỷ cách đây hằng mấy chục ngàn năm nhờ khẩu súng trên vai cùng hai túi đựng thuốc súng và đạn ghém.
Nhưng, những điều đó không phải “kì cục”. Cái dị hình, dị tướng làm cho người ta “hoảng sợ”, hoặc “phá lên cười sằng sặc” là ở hình ảnh của một thứ “người rừng” hay con gấu cô đơn Bắc Cực. Cách ăn mặc của Rô-bin-xơn quả thật là như thế. Thông thường quần áo được may bằng vải vóc hay len dạ tuỳ thuộc vào thời tiết ấm lạnh mỗi mùa, nhưng căn cứ vào cách ăn mặc của anh, ta cứ ngỡ thời gian ở đây không luân chuyển. Trái đất hình như đã ngừng quay để chỉ còn có một mùa đông lạnh giá quanh năm. Thôi thì mũ, giày, quần áo từ đầu đến chân chỉ có một thứ vật liệu đặc sản: da dê.
Sự dung hoà giữa cái có ích và cái đẹp không còn. Cái mũ chỉ là một thứ để đội đầu với hình thù vượt khỏi khái niệm quy ước “to tướng cao lêu đêu chẳng ra hình thù gì”, dính liền với nó rất lôi thôi là một mảnh da rủ xuống phía sau “vừa để che nắng, vừa để chắn không cho mưa hắt vào cổ”. Cả hai chức năng cần đến hai loại trang phục, nhưng Rô-bin-xơn chỉ cần đến một chiếc mũ đa năng. Cố tình làm chiếc mũ như thế, anh có một dụng ý riêng “ở miền khí hậu này, chẳng gì tai hại bằng nước mưa luồn trong áo thấm vào da thịt”. Áo và quần cũng thế, nghĩa là không cần kiểu mốt. Chúng lại không ăn khớp với nhau. Hình như cái áo thì quá dài (khoảng lưng chừng hai bắp đùi) còn quần lại quá ngắn, quần là dạng “quần loe” nhưng chỉ đến đầu gối mà thôi.
Lại nữa, vì quần được may bằng da một con dê đực già trông nó khó mà phân biệt được quần dài hay quần ngắn vì “lông dê thõng xuống mỗi bên đến giữa bắp chân”. Đôi giày dưới chân thì cũng như chiếc mũ trên đầu, không biết gọi là gì cho đúng vì giày đi không có tất, gọi nó là đôi ủng thì có lẽ đúng hơn vì dây của cái gọi là giày ấy không xỏ lỗ nơi mu bàn chân mà lên tới bắp chân.
Sự luộm thuộm không chỉ thế. Nó còn là đặc điểm trong cách trang bị trên người, lỉnh kỉnh như một cái nhà kho di động. Không đeo kiếm và dao găm như những nhà quý tộc thời Đôn Ki-hô-tê, về góc độ này mà quan sát, người ta có thể nhầm anh với người thợ sơn tràng với “lủng lẳng bên này một chiếc cưa nhỏ, bên kia một chiếc rìu con”. Nhưng có lẽ anh là thợ săn với đầy đủ súng khoác trên vai và hai túi đựng thuốc súng và đạn ghém lúc nào cũng sẵn sàng nhả đạn. Cũng có thể nghĩ anh là một thổ dân da đỏ vào rừng trèo cây, đào củ với chiếc gùi đeo ở sau lưng.
Biết vượt lên mọi thử thách, khó khăn, Rô-bin-xơn đã tồn tại, dù hình thức của sự tồn tại hoang dã, thô sơ gần như một con người ở vào thời tiển sử.
Nhưng, tất cả chỉ là cái dáng dấp bên ngoài, đậng sau những nét “hết sức kì cục” trên đây vẫn là một con người đang sống. Danh hiệu con người cao quý, con người viết hoa được anh trân trọng giữ gìn. Vì sao Rồ-bin-xơn rất chú ý đến bộ ria, một bộ râu ria nếu để nó thả sức mọc dài phải đến “hơn một gang tay” ? Ý thức về con người, mà ở đây là một người đàn ông cường tráng và đầy nam tính đã nhắc nhở Rô-bin-xơn, không cho phép anh tuỳ tiện, buông thả rất dễ bị coi thường cho dù anh không có nhu cầu giao tiếp với ai. Và trên thực tế là ngoài anh ra, ở đây trên chốn đảo hoang không một bóng người.
Thậm chí cái cách “xén tỉa” thật cẩn thận, kĩ càng như một người khó tính, vì bộ ria mà anh muốn có là “một cặp ria mép to tướng kiểu Hồi giáo như ria vài gã Thổ Nhĩ Kì tôi gặp ở Xa-lê”. Với gương mặt đầy hãnh diện ấy, Rô-bin-xơn có thể tự hào cũng như nước da sạm màu nắng gió của vùng đất “khoảng chín hoặc mười độ vĩ tuyến miền xích đạo” vẫn trông được, nghĩa là “nó không đến nỗi đen cháy như các bạn có thể nghĩ”. Đó là niểm vui duy nhất lúc này mà Rô-bin-xơn tự cảm nhận được. Ý nghĩ ấy khoẻ khoắn, trong ,trẻo biết bao. Đó mới là chân dung con người đích thực.
Về nghệ thuật, đây là một bức chân dung tự hoạ, nó đảm bảo tính chân thực, khách quan. Đọc một đoạn văn không dài, ta vẫn có thể hình dung được một con người cụ thể đến từng chi tiết. Bức vẽ chân dung ấy gắn với hoàn cảnh sống đầy rẫy gian truân khi một mình sống trên hoang đảo. Nhưng, một mặt khác, do sự đồng cảm và tài năng của người kể chuyên, bức tranh chân dung ấy rất sinh động, như có linh hồn. Ấn tượng mà chúng ta có thể cảm nhận được là nhờ ở giọng văn, một giọng văn không đơn điệu, một chiều mà vô cùng đa dạng. Chẳng hạn như miếu tả cách ăn mặc và trang bị của Rô-bin-xơn có ý vị hài hước, cường điệu, bông phèng, nhưng đoạn văn miêu tả diện mạo, gương mặt lại rất nghiêm trang, trân trọng.
Chính sự đa dạng về giọng điệu của trích đoạn trên góp phần tạo nên một tính cách nhân vật không hời hợt mà có chiều sâu, vừa sôi nổi vừa trầm tư, vừa có những nét trần tục vừa có những nét thiêng liêng như một vị thánh. Những hàm nghĩa đa tầng ấy, trong nhiều trường hợp được thể hiện bằng cách so sánh. Khi thì nhà văn so sánh bộ ria theo kiểu Hồi giáo của mình trước cái nhìn của người Ma-rốc và người Anh (người Ma-rốc không để ria theo kiểu người Thổ, còn bộ ria ấy sẽ làm cho mọi người khiếp sợ nếu ở nước Anh). Cũng là cái cười, nhưng có nhiều cung bậc. Người nhìn tranh (bức chân dung tự hoạ) rất có thể vì ngạc nhiên hay hoảng sợ mà “phá lên cười sằng sặc”, còn người được vẽ trong tranh Rô-bin-xơn, thì chỉ “mỉm cười” khi đứng lặng mà ngắm nghía bản thân. Một đoạn văn ngắn nhưng thật là đặc sắc.
Xem thêm: Tóm tắt Rô bin xơn ngoài đảo hoang của Đi-phô
Bài văn mẫu 3
“Rô- bin- xơn ngoài đảo hoang” là một trích đoạn trong tiểu thuyết nổi tiếng “Rô- bin- xơn Cru- xô” của nhà văn nổi tiếng người Anh là Dê- ni- ơn Đi- phô. Trích đoạn này đã tái hiện, xây dựng thành công bức chân dung của Rô- bin- xơn, một con người thích những phưu lưu, mạo hiểm nhưng sau một sự cố anh ta đã lưu lạc trên một hòn đảo hoang. Sống một mình ở nơi hoang vu, rộng lớn không có sự sống của con người nhưng Rô bin- xơn vẫn vô cùng lạc quan, yêu đời, điều mà không phải ai cũng có thể làm được, không phải ai cũng có thể mạnh mẽ vượt qua được như vậy.
Dê- ni- ơn Đi- phô bắt đầu sự nghiệp sáng tác văn chương của mình từ rất sớm nhưng không để lại được những dấu ấn rõ rệt, phải đến năm sáu mươi tuổi thì sự nghiệp văn chương của ông mới có những khởi sắc nhất định, ông cho ra đời những tác phẩm không chỉ có giá trị về nội dung mà nghệ thuật cũng vô cùng đặc sắc. Đó là những tiểu thuyết có giá trị, trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng lẫy lừng, đó chính là “Rô- bin-xơn Cru-xô”. Trích đoạn “Rô- bin- xơn ngoài đảo hoang” chỉ là một trích đoạn rất ngắn trong cuoobs tiểu thuyết này. Đó là trích đoạn phác họa rõ nét bức chân dung của nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết này, đó chính là Rô- bin- xơn.
Mở đầu trích đoạn này, nhà văn đã đi khắc họa chân dung đầy kì quái của Rô- bin- xơn khi một mình sống trên đảo hoang. Thông thường, các nhà văn khác khi đi miêu tả chân dung cho nhân vật của mình thường bắt đầu miêu tả từ khuôn mặt đến vóc dáng, sau đó với đến những tiểu tiết của ngoại hình, nhưng ở đây, nhà văn Đi- phô đã đi miêu tả những chi tiết phụ trước sau đó mới đi sâu miêu tả khuôn mặt của anh ta. Đó chính là một người đàn ông với cách ăn mặc kì quái và mang theo bên người những đồ đạc lỉnh kỉnh. Ngoài ra bộ ria mép của anh ta cũng làm cho tổng thể hình dáng của anh ta trở nên kì quặc, khác thường.
Rô- bin- xơn vốn là một người ưa thích những chuyến đi mạo hiểm, những cuộc phưu lưu kì thú. Nhưng trong một lần đi biển cùng những người đồng đội, đó là chuyến đi xuất phát từ biển Bra-xin thì anh bị đắm thuyền, trôi dạt trên biển rồi cuối cùng bị dạt vào vùng đảo hoang. Đây là một hòn đảo hoang sơ, không có người sinh sống. Ngay qua bộ trang phục kì quặc, diện mạo kì lạ của Rô- bin- xơn ta có thể phần nào tưởng tượng được hoàn cảnh sống vô cùng khắc nghiệt nơi đây. Đó là bộ quần áo làm bằng da dê, không được may vá cẩn thận mà chỉ buộc lại với nhau một cách rúm ró, và đôi ủng của anh ta cũng làm bằng da dê. Chiếc mũ trên đầu Rô- bin- xơn cũng rất khác người, đó là “chiếc mũ to tướng, cao lêu đêu chẳng ra hình thù gì”, làm bằng da của một con dê, với mảnh vải rủ xuống phía sau gáy nhìn thật kì quặc.
Với những điều kiện thiếu thốn, khắc nghiệt nơi đảo hoang thì những trang phục như vậy cũng được xem là khá tươm tất, hơn nữa chúng còn là những trang phục rất tiện lợi cho việc đi lại cũng như kiếm sống trên đảo hoang, vì nước cũng không thể thấm vào những miếng da dê, hơn nữa khi trời trở lạnh cũng có thể giữ ấm cho cơ thể. Trong trích đoạn này, Rô- bin- xơn đã tự thuật lại theo ngôi kể thứ nhất, giọng nói của anh ta khi kể về mình đầy hóm hỉnh, hài hước. Khác hẳn với con người đang bị cô lập nơi đảo hoang, một mình sống trong điều kiện khắc nghiệt nơi đây.
Trang phục của Rô- bin- xơn cũng rất kì quặc, đó là một chiếc áo làm bằng da dê, vạt áo dài đến lưng bắp đùi và chiếc quần rúm ró bằng da dê dài đến đầu gối. Trang bị mang trên người của Rô- bin- xơn cũng là những vật dụng kiếm được khi sóng biển cuốn chúng trôi vào bờ, đó là một chiếc cưa nhỏ và một chiếc rìu nhỏ. Qua những vật dụng này ta có thể thấy cuộc sống trên đảo hoang của Rô- bin- xơn không có những kẻ thù hay những nguy hiểm rình rập. Cưa và rìu tuy là những vật dụng đơn giản, thô sơ nhưng cũng rất hữu ích đối với Rô- bin –xơn vì chúng có thể dùng để cho việc mưu sinh của anh ta trên đảo hoang, có thể dùng để chặt cây, cưa gỗ dựng lều, lấy chỗ che mưa, che nắng, phòng trừ có thú dữ, ngoài ra còn có một khoảng đất trống dùng để nuôi dê sau này. Ta có thể thấy Rô- bin-xơn vô cùng lạc quan, vì ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất thì vẫn tin tưởng vào cuộc sống phía trước, lên kế hoạch cho tương lai. Đây là điều không phải ai cũng làm được, thể hiện một con người mạnh mẽ, đầy bản lĩnh.
Tuy là mảnh đất bị bỏ hoang, nằm giữa mênh mông sóng biển nhưng cũng thật may ở đây còn có những chú dê, vì vậy mà cuộc sống của Rô- bin- sơn có thể được duy trì. Ngoài ra anh ta còn mang theo bên mình một chiếc súng, thuốc súng và đạn gém. Nhờ vậy mà cuộc sống của anh ta ở trên đảo hoang này bớt khắc nghiệt đi rất nhiều, anh ta có thể săn dê để lấy thịt ăn, da dê thì làm trang phục, giày, bốt đi lại. Vì sự lạc quan, cùng với sức mạnh trai tráng, Rô- bin- xơn đã vượt qua mọi khó khăn, một mình vẫn có thể sống tốt nơi hoang đảo, không những thế mà về sau Rô- bin- xơn còn có thể tự trồng lúa mì nhờ những hạy lúa mì còn sót lại khi anh ta đi vớt những vật dụng còn lại khi con tàu đắm.
Như vậy, “Rô- bin- xơn ngoài đảo hoang” là đoạn trích thể hiện thật đẹp bức chân dung của Rô- bin- xơn một con người luôn yêu đời, sống lạc quan, những khó khăn nơi đảo hoang không là những trở ngại, không làm cho anh gục ngã mà dường như làm cho anh trở nên mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn. Qua chân dung của Ro- bin- xơn, người đọc cũng có thêm những niềm tin vào cuộc sống, thêm yêu đời cũng như sống có ích hơn. Đó là những giá trị cao đẹp mà tác phẩm này mang lại cho người đọc.
***********
Trên đây là một số bài cảm nhận về nhân vật Rô bin xơn trong Rô bin xơn ngoài đảo hoang hay nhất mà sưu tầm và tổng hợp làm tư liệu học tập cho các em. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 9 khác được cập nhật thường xuyên tại . Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao nhé!
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp