Cần làm gì và phấn đấu như thế nào để trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

0
199
Rate this post
Tải về Bản in

Các mục tiêu phấn đấu vào Đảng

Cần làm gì để trở thành Đảng viên luôn là câu hỏi được mỗi người nên đặt ra khi có mục tiêu phấn đấu trở thành Đảng viên. Dưới đây là những mục tiêu cần phấn đấu khi bạn muốn trở thành Đảng viên, mời các bạn cùng tham khảo.

Để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, người vào Đảng phải có đủ các điều kiện: Động cơ vào Đảng đúng đắn, có giác ngộ chính trị, thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nhiệm vụ của Đảng viên; hoạt động trong một tổ chức cơ sở Đảng và phải là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm; mỗi Đảng viên phải gắn mình với tổ chức Đảng, coi tổ chức Đảng là chỗ dựa vững chắc cho mình thực hiện nhiệm vụ Đảng viên.

Cần làm gì và phấn đấu như thế nào để trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

Bạn đang xem: Cần làm gì và phấn đấu như thế nào để trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

1. Xác định động cơ vào Đảng đúng đắn:

Bước đi theo con đường của Đảng là bước đi trong không gian lý tưởng của toàn dân tộc. Tôi không đến với Đảng vì những gì quá cao siêu, vì dù ở đâu, vị trí nào, tôi nghĩ mình vẫn làm việc và cố gắng làm việc tốt. Nhưng được đứng vào hàng ngũ của Đảng, không chỉ là mục tiêu phấn đấu, mà hơn thế, trong quá trình phấn đấu, tôi trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn.

Phấn đấu vào Đảng phải xuất phát từ động cơ trong sáng, với thanh niên lại càng mang ý nghĩa cống hiến, chứ không phải lợi dụng vào Đảng để làm “bình phong”, làm “chỗ dựa” để tiến thân. Vào Đảng không phải là để tranh giành quyền lợi, thỏa mãn tham vọng cá nhân. Tuy nhiên, vào Đảng không phải ai cũng toàn diện, không có khiếm khuyết mà quan trọng là xác định rõ vai trò, trách nhiệm của một người đảng viên để rèn luyện và trưởng thành hơn. Không được vào Đảng không có nghĩa là thôi phấn đấu, thôi rèn luyện, thôi cống hiến. Do đó tôi nghĩ rằng muốn trở thành Đảng viên phải thực sự có quyết tâm phấn đấu, có tinh thần giác ngộ cách mạng cao.

Phấn đấu vào Đảng như là một nghĩa vụ, một trách nhiệm để được đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho tập thể, cho nhân dân và rộng hơn là cho quốc gia, dân tộc. Khi nhận thức đúng đắn ta sẽ có động cơ đúng, có sức mạnh bên trong là động lực hướng dẫn hành động, thôi thúc ta sống, hoạt động có lý tưởng cao đẹp cho Đảng và cho chính mình. Giữ vững phẩm chất của một đảng viên, khó khăn sẽ không làm ta lùi bước, vững vàng trước những thử thách của mặt trái cơ chế thị trường, trước cám dỗ của tiền bạc, chức quyền.

Phấn đấu vào Đảng là để được đứng trong một tổ chức của những người cùng chung chí hướng đấu tranh xây dựng một xã hội tốt đẹp, dân giầu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Vào Đảng là phải dấn thân theo lý tưởng cách mạng, chấp nhận hy sinh, phấn đấu đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn. Cái được lớn nhất khi vào Đảng là được phục vụ cách mạng, được phục vụ nhân dân, được Đảng và nhân dân tin cậy, yêu mến.

Xây dựng động cơ vào Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền và lãnh đạo theo cơ chế thị trường, mỗi đảng viên đều phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách. Nếu người vào Đảng không xác định cho mình động cơ đúng đắn sẽ không vượt qua được những thử thách, khó khăn đó.

Trở thành đảng viên là vinh dự, tự hào nhưng trên hết là trách nhiệm; trách nhiệm tiếp tục cống hiến, cống hiến không phải là cái gì đó quá cao siêu, mà trước hết đơn giản là phải hết sức cố gắng trong học tập và công tác, là phấn đấu hết mình để chiếm lĩnh tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn.

2. Rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng:

Bản lĩnh chính trị thể hiện ở nhận thức đúng đắn, kiên định với mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn, thể hiện khí tiết của người cách mạng đó là “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể lay chuyển, uy vũ không thể khuất phục”.

Để thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, người phấn đấu vào Đảng cần đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, trước khó khăn thử thách không nao núng tinh thần, không mờ nhạt phương hướng chính trị, có thái độ, chính kiến rõ ràng, kiên định.

Bản lĩnh chính trị được hình thành chủ yếu bằng sự nỗ lực của bản thân trong quá trình học tập, nắm vững lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đạo đức cách mạng là kết quả của quá trình tu dưỡng, rèn luyện suốt đời; như Bác Hồ đã dạy: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời xa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là phủ định vai trò, lợi ích cá nhân. Lợi ích cá nhân được tôn trọng khi nó không trái với lợi ích chung của cộng đồng. Đường lối của Đảng là kết hợp hài hòa giữa 3 lợi ích: lợi ích xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân. Đảng luôn luôn tôn trọng và quan tâm đến lợi ích cá nhân, đồng thời kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, đặt lợi ích cá nhân mình lên trên, lên trước lợi ích tập thể và toàn xã hội. Việc gì có lợi cho cách mạng, cho nhân dân thì khó mấy, kể cả hy sinh cũng làm. Việc gì có hại cho cách mạng, cho nhân dân thì nhỏ mấy cũng hết sức tránh.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đội ngũ đảng viên. Ngay từ năm 1925, bài giảng đầu tiên của Người cho những cán bộ cách mạng trẻ tuổi của Việt Nam là vấn đề “tư cách một người cách mệnh”; mối quan tâm hàng đầu của Người là xây dựng một đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Sự giác ngộ lý tưởng cộng sản, lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là phẩm chất hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cho mỗi đảng viên cộng sản.

Người căn dặn mỗi đảng viên “không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”; phải biết đặt lợi ích của giai cấp, của dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết; nếu khi “lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân thì phải quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng”.

Mỗi đảng viên phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nếu để cho chủ nghĩa cá nhân ám ảnh, chi phối, người đảng viên sẽ mất dần tư cách, đi tới tự tước bỏ danh hiệu cao quý của mình. Vì vậy, muốn giữ được tư cách, đảng viên nhất thiết “phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu… sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải”.

3. Nâng cao năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao:

Đảng viên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phấn đấu trở thành người sản xuất, công tác, chiến đấu và học tập giỏi.

Để trở thành đảng viên, người đang phấn đấu vào Đảng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác của mình và nhiệm vụ của tổ chức đảng, đoàn thể giao cho.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”. Muốn vừa thạo về chính trị, vừa giỏi về chuyên môn, mỗi đảng viên phải ra sức “học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hoá, kỹ thuật và nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình”.

4. Gắn bó với tập thể, với nhân dân, tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, công tác xã hội:

Đảng viên phải giữ vững và phát huy truyền thống của Đảng, là gắn bó mật thiết máu thịt với nhân dân, trước hết thể hiện sự gắn bó với quần chúng ở nơi làm việc và nơi cư trú của mình.

Muốn trở thành đảng viên, người phấn đấu vào Đảng phải gắn bó với tập thể, với nhân dân, với đồng nghiệp, bạn bè trong đơn vị công tác, với bà con làng xóm, khối phố; tôn trọng, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau.

Phấn đấu vào Đảng phải nhiệt tình tham gia sinh hoạt đoàn thể mà bản thân là thành viên, phải thể hiện rõ vai trò, khả năng lãnh đạo, tập hợp quần chúng, phải phát huy tính tiền phong, gương mẫu và những phẩm chất cần thiết để trở thành đảng viên của Đảng, nếu là đoàn viên TNCSHCM thì phải là đoàn viên ưu tú.

Người muốn vào Đảng phải chú trọng mở rộng quan hệ xã hội, tích cực tham gia công tác xã hội, gương mẫu và vận động gia đình, người thân tham gia các phong trào ở địa phương.

Muốn làm cho quần chúng phấn khởi, tin tưởng, người đảng viên “phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân, phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân.

Phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và của Nhà nước. Phải thật thà, ngay thẳng, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo…Phải luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công, vô tư” và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật. Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”. Người yêu cầu mọi đảng viên phải ra sức góp phần xây dựng và giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Bởi lẽ, đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, tất cả cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng đều phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ, “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

5. Tích cực tham gia xây dựng Đảng ở cơ sở:

Tham gia xây dựng tổ chức Đảng ở cơ sở trong sạch, vững mạnh là trách nhiệm của người phấn đấu vào Đảng.

Tích cực hưởng ứng các phong trào, các hoạt động triển khai thực hiện chủ trương, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ đề ra với tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực, phấn đấu cao nhất. Góp phần tích cực đưa những chủ trương, nhiệm vụ đó vào cuộc sống, tạo ra bước phát triển mới của cơ sở, đơn vị, nhất là về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người lao động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực.

Chủ động nắm bắt tình hình thực tế, nắm bắt tình hình tư tưởng của quần chúng nhân dân, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, kịp thời phản ánh, đề xuất với tổ chức Đảng.

Tích cực và mạnh dạn tham gia góp ý kiến đối với sự lãnh đạo của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Tham gia ý kiến khi được hỏi về việc giới thiệu những đảng viên ưu tú, đủ tiêu chuẩn để tổ chức đảng xem xét, bầu vào cấp ủy; giới thiệu những quần chúng ưu tú có đủ điều kiện để tổ chức đảng xét kết nạp.

Tham gia góp ý kiến đối với hoạt động chính quyền và đoàn thể, góp phần xây dựng cơ sở chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tích cực và kiên quyết đấu tranh bảo vệ Đảng, giữ vững ổn định chính trị – xã hội ở cơ sở, đơn vị. Góp phần làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn phá hoại của các phần tử xấu, các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ để cuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, vu cáo, bôi nhọ những cán bộ, đảng viên tích cực, trung thực; kích động, chia rẽ đoàn kết, gây rối nội bộ.

6. Liên hệ bản thân Đảng viên

Tôi luôn xác định mục tiêu rằng: Kiên định lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, trung thành với lý tưởng cộng sản, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ chế độ XHCN, vững vàng, không dao động trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Ra sức phấn đấu lập thân, lập nghiệp, đi đầu trong việc thực hiện Đường lối đổi mới đất nước của Đảng, không ngại gian khổ, không sợ khó khắn, dám nghĩ, dám làm, quyết không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu; cống hiến hết mình vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội dâu chủ, công bằng, văn minh.

Tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, chống các tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội, phê phán những biểu hiện mơ hồ, cực đoạn hay tư tưởng sai lệch.

Học tập, nắm vững lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Sự giác ngộ lý tưởng cộng sản, lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

⇒ Phiếu đánh giá và phân loại viên chức, người lao động năm 2021

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/can-lam-gi-va-phan-dau-nhu-the-nao-de-tro-thanh-dang-vien-dang-cong-san-viet-nam/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp