Tiểu sử danh nhân Nguyễn Trung Ngạn

0
129
Rate this post

Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn

xin giới thiệu tới các bạn học sinh cùng các bạn bài viết về sự nghiệp và cuộc đời của danh nhân Nguyễn Trung Ngạn được trích dẫn qua tác phẩm “Hứng trở về” nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 11 để tìm hiểu và tham khảo giúp chúng ta hiểu rõ và cuộc đời ông và các tác phẩm nổi tiếng để học tốt môn Ngữ văn.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Trung Ngạn sinh năm 1289 và mất năm 1370. Ông có tên chữ là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người xã Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, nay là thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông là một nhà chính trị, một đại thần có tài, được xếp vào hàng “Người phò tá có công lao tài đức đời Trần”. Cùng với Nguyễn Trung Ngạn là Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyên Đán.

Thuở nhỏ, ông tên là Cốt. Ông xuất thân trong gia đình bình dân. Tài năng của ông phát lộ từ rất trẻ, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, người đương thời tôn xưng là “thần đồng” 16 tuổi đỗ hoàng giáp, khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304) đời vua Trần Anh Tông. Năm 24 tuổi, ông làm Giám quan. Vua Trần Minh Tông lên ngôi năm 1314, ông được cử đi sứ nhà Nguyên lúc 26 tuổi. Năm Đại Khánh thứ 8 (1321), ông làm Thị ngự sử ở đài Ngự sử, sau đổi ra làm Thông phán ở châu Anh Lãng. Ở đó, ông nổi tiếng giỏi về chính sự, được cất nhắc làm Thiên tri coi việc ở cung Thánh từ.

Bạn đang xem: Tiểu sử danh nhân Nguyễn Trung Ngạn

Năm Khai Thái thứ 3 (1326), ông được cử làm An Phủ sứ Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa). Năm Khai Thái thứ 6 (1329), ông hộ giá vua Trần Minh Tông đi đánh Đà Giang và vâng lệnh vua viết quyển Thục lực về cuộc hành quân này. Năm Khai Hựu thứ 4 (1332), ông coi việc ở viện Thẩm hình, kiêm An Phủ sứ Nghệ An, coi việc chép quốc sử, rồi làm Tào Vận sứ ở lộ Khoái Châu. Ông đặt Tào Thương kho, chuẩn cấp cho dân đói. Năm Khai Hựu thứ 12 (1341), ông cùng với Trương Hán Siêu biên định bộ “Hoàng Triều đại điển” và khảo soạn bộ “Hình thư thi hành”. Năm Triệu Phong thứ 2 (1342), ông được thăng chức Hành khiển coi viện Khu mật. Năm 1355, ông được thăng Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Nhập nội Đại hành khiển, Thượng thư hữu bật, kiêm viện Khu mật, Đại học sĩ hầu ở tòa Kinh diên, Trụ quốc, Khai Huyện bá. Về sau, ông làm quan đến chức Nhập nội Đại Hành khiển (tức Tể tướng), tước Thân Quốc công, đứng đầu hàng ngũ quan lại trong triều đình.

Trong cuộc đời mình, Nguyễn Trung Ngạn trải qua nhiều chức vụ từ chức Thông giám đến Tể tướng, ở đâu ông cũng là người thanh liêm, hết lòng tận tụy với công việc làm lợi cho nước, cho dân. Ông là nhà chính trị, nhà ngoại giao có tài. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hai lần đi sứ nhà Nguyên, có ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chủ quyền và độc lập dân tộc trong cuộc bang giao Nam – Bắc. Trong cuộc đời làm quan của mình, với tính cương trực, hai lần Nguyễn Trung Ngạn bị giáng chức, trong đó có lần do ông can vua không được. Nhưng cả hai lần nhờ tài năng và đức độ trong điều hành chính sự, giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, ông lại được vua thăng chức.

Nguyễn Trung Ngạn còn là nhà văn, nhà thơ có tài. Thơ ông kết hợp yêu nước, thương dân, trung quân là một, nghệ thuật thơ giàu âm thanh, nhạc điệu, lời lẽ thanh tao điêu luyện. Phan Huy Chú trong cuốn sách Lịch triều hiến chương loại chí nhận xét thơ Nguyễn Trung Ngạn như sau: “Lời thơ hài mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Lăng (tức Đỗ Phủ). Những câu thơ hay nhiều không kể xiết. Thơ tứ tuyệt lại càng hay, không kém gì thơ thời thịnh Đường”.

Với những đóng góp lớn lao cho quê hương đất nước, danh tiếng của Nguyễn Trung Ngạn còn lưu mãi tới ngày nay. Để tưởng nhớ công ơn của ông, không những ở quê hương Hưng Yên mà ở các tỉnh, thành khác trên cả nước, tên ông đã được đặt cho nhiều trường học, đường phố, công trình văn hóa. Đồng thời giáo dục tình yêu quê hương đất nước, cũng như noi gương ông trong con đường học hành cho thế hệ trẻ. Tại Hà Nội – nơi ông gắn bó phần lớn cuộc đời có tới 7 ngôi đền thờ ông.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/tieu-su-danh-nhan-nguyen-trung-ngan/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp