Đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình lớp 8 hay nhất (7 Mẫu)

0
108
Rate this post

Đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình bao gồm dàn ý chi tiết cùng 7 bài văn mẫu hay nhất do biên soạn sẽ là tài liệu giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới để hoàn thiện tốt bài tập làm văn của mình. Đồng thời, sẽ giúp các em trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng viết và biết cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất thêm sinh động nhất.

Đề bài: Em hãy đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình trong chuyện Chiếc lá cuối cùng

Em hãy đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình trong chuyện Chiếc lá cuối cùng
Em hãy đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình trong chuyện Chiếc lá cuối cùng

Dàn ý đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình

1. Mở bài

Giới thiệu câu chuyện Chiếc lá cuối cùng bằng lời của Giôn-xi.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh sống

  • Tôi sống trong một căn hộ thuê cùng với một người bạn hơn tuổi, cũng là một họa sĩ trẻ, đó là Xiu.
  • Ở tầng bên dưới là phòng của cụ Bơ-men, một họa sĩ nghèo và cả đời cụ mơ ước sẽ vẽ được một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được.

b. Căn bệnh của Giôn-xi

  • Mùa đông năm ấy, tôi mắc căn bệnh sưng phổi, tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và ốm yếu. Đã nhiều lần, tôi nghĩ đến cái chết.
  • Nhìn ra bức tường gạch đối diện cửa sổ, tôi đếm từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuân, tôi đã nghĩ rằng khi nào chiếc lá cuối cùng rụng hết thì cũng là lúc tôi lìa đời.
  • Khi tôi ngủ, chị Xiu đã nhẹ nhàng kéo tầm mành xuống để tôi ngủ được ngon giấc. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi mở to cặp mắt nhưng trước mắt chỉ là tấm mành và tôi đã bảo chị Xiu kéo tấm mành lên giúp mình.

c. Chiếc lá cuối cùng

  • Ngày hôm đó trôi qua, tôi và chị Xiu vẫn nhìn trông ra chiếc lá thường xuân đơn độc níu vào cái cuống của nó trên tường đơn độc.
  • Đêm hôm đó, gió bấc lại ào ào, trời đã mưa rất to và đập mạnh vào cửa sổ, tôi nghe tiếng mưa rơi lộp độp xuống mặt đất.

d. Điều kì diệu đã xảy ra

  • Khi trời vừa sáng, tôi lại bảo chị kéo mành lên và nhìn ra cửa sổ trông chờ. Tôi vô cùng vui mừng khi chiếc lá thường xuân vẫn nằm ở đó.
  • Buổi chiều bác sĩ đến khám và thông báo bệnh tình của tôi đã khỏi được năm phần, rằng tôi đã qua cơn nguy hiểm. Tôi vui mừng khôn xiết.
  • Nhưng chỉ ít lâu sau, chị Xiu ôm lấy tôi và kể cho em bí mật về chiếc lá cuối cùng, về sự ra đi của cụ Bơ-men… Hai chị em tôi khóc nức lên.
  • Giờ đây, cụ Bơ-men đã yên nghỉ ở một thế giới khác. Sự hi sinh của cụ vì sự sống của tôi và vì nghệ thuật đã tiếp thêm sức mạnh và tình yêu nghề cho hai chị em tôi.

3. Kết bài

  • Nêu cảm nghĩ của bản thân qua câu chuyện.

Đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình – Mẫu 1

Tôi là Giôn-xi, hiện tại tôi đã thực hiện được ước mơ của mình đó là trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng. Trời đã vào đông, tôi thẫn thờ nhìn ra con phố phủ đầy tuyết trắng, mùa đông đã từng là nỗi sợ lớn nhất của tôi bởi hồi đó, chính cái giá rét và lạnh lẽo này đã khiến tôi bị viêm phổi nặng rồi trở nên bi quan và nó đã cướp đi mạng sống của cụ Bơ-men- một hoạ sĩ nghèo ước mơ vẽ được một kiệt tác. Rồi những kí ức ấy lại dâng lên trong lòng tôi tựa như một thước phim quay chậm.

Tôi, chị Xiu và cụ Bơ-men đều là những hoạ sĩ nghèo luôn mang trong mình những ước mơ và khát vọng. Chúng tôi sống cùng một căn hộ nhỏ ở gần công viên Oa-sinh-tơn. Nhưng rồi mùa đông năm ấy, vì không có đủ điều kiện để mua áo ấm và lò sưởi nên tôi đã bị viêm phổi nặng, đó là cơn ác mộng của những người nghèo như tôi. Bởi biết mình không có khả năng chạy chữa nên tôi luôn bi quan và chán nản, gần như tôi không còn muốn sống nữa. Bức tường đối diện phòng tôi có một cây thường xuân, thấy từng chiếc lá trên cây rụng dần, tôi lại vô thức gán sinh mạng của mình cho sự tồn tại của chiếc lá, trong đầu tôi tràn ngập suy nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì tôi cũng sẽ lìa xa cõi đời.

Những lá chiếc lá thường xuân rụng dần, rụng dần và chỉ còn lại một chiếc. Ý nghĩ về cái chết luôn thường trực trong tôi. Vào một buổi tối nọ, ngoài trời mưa to và gió rít từng cơn, trong lòng tôi thầm nghĩ có lẽ chiếc lá ấy sẽ không thể trụ được qua hết cái đêm mưa gió bão bùng này. Sáng hôm sau, tôi yêu cầu chị Xiu kéo tấm mành lên nhưng thật bất ngờ, chiếc lá vẫn còn đó, nó vẫn còn cố gắng bám víu lấy sự sống mong manh của mình. Nhưng tôi vẫn không thể gạt bỏ suy nghĩ rằng nó sẽ rụng và tôi sẽ chết, nếu có thêm một cơn bão ghé qua thì chắc chắn rằng chiếc lá cuối cùng này cũng sẽ rụng bởi nó không còn một chút sức sống nào nữa rồi và tôi cũng vậy thôi, cũng sắp không thể chống chọi được với căn bệnh hiểm nghèo này nữa.

Rồi một cơn mưa bão nữa lại đến. Rồi màn đêm dần buông xuống, dường như ông Trời biết được suy nghĩ của tôi, một cơn bão lại kéo đến nhưng lần này nó lại mạnh hơn hẳn so với cơn bão đêm hôm trước. Đêm hôm ấy, gió bấc ào ào, mưa đập mạnh vào cửa sổ, tôi nằm trên giường thầm nghĩ có lẽ chiếc lá mỏng manh ấy cũng đã rụng, làm sao nó có thể bám víu trên cành cây qua đêm mưa bão này và có lẽ, ngày mai tôi cũng ra đi mãi mãi, kết thúc thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo này. Tôi mệt mỏi nhắm mắt. Sáng hôm sau, trời vừa hừng sáng thì tôi lại lạnh lùng ra lệnh cho chị Xiu kéo tấm mành lên, sự lo sợ và buồn bã hiện rõ lên gương mặt xanh xao của chị. Nhưng khi tấm màn được kéo lên, cả tôi và chị đều bất ngờ vì chiếc lá thường xuân vẫn còn đấy, cuống là vẫn còn giữ màu xanh thẫm nhưng rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa. Tôi tự hỏi không biết điều kì diệu nào đã khiến chiếc lá vẫn còn đó, vẫn kiên cường bám trên cành cây thường xuân khẳng khiu ấy. Lòng tôi lại cảm thấy dằn vặt vì thời gian qua, tôi đã quá tàn nhẫn và vô tâm với bản thân mình. Một chiếc lá mong manh, vô tri vô giác mà còn cố gắng bám víu lấy sự sống của nó thì tại sao tôi là một con người lại luôn mang suy nghĩ rằng mình sẽ chết, sẽ không sống được nữa, luôn bi quan và không có một chút hi vọng nào. Tôi tự hỏi rằng sao bản thân tôi lại ngu ngốc đến thế, chị Xiu và cụ Bơ-men đã cố gắng chăm sóc cho tôi thật tốt, luôn mong tôi khoẻ lại mà tôi chỉ luôn nghĩ đến cái chết, tôi có lỗi với họ quá. Tôi nằm nhìn chiếc lá hồi lâu rồi cất tiếng nói:

– Chị Xiu thân yêu ơi, bây giờ em mới nhận ra rằng muốn chết là một cái tội.

Chị Xiu mỉm cười, sự vui mừng được thể hiện rõ qua ánh mắt của chị. Trong tôi lại dâng trào một sức sống mãnh liệt mà bấy lâu nay tôi đã đánh mất. Trước đây, mỗi lần chị Xiu nấu cháo cho tôi, tôi chỉ muốn ăn vài muỗng để có cái bỏ bụng nhưng hôm nay, tôi lại muốn ăn, muốn tìm lại những ước mơ ngày còn khoẻ. Tôi xin chị tí cháo pha ít rượu vang đỏ và tôi đã nhờ chị xếp mấy cái gối lại quanh tôi để tôi có thể ngồi dậy bởi tôi muốn quan sát cách chị Xiu các bữa ăn chứa đầy yêu thương cho tôi. Thấy cách chị chăm chú nấu ăn, tôi càng thương chị hơn, mặc dù chị chỉ là người bạn cùng phòng với tôi nhưng chị Xiu luôn ở bên tôi, chăm sóc tận tình cho tôi trong lúc tôi bệnh tật, bi quan như một người chị ruột trong gia đình. Nấu xong, chị nhẹ nhàng bưng đến bên giường rồi đút cháo cho tôi, ăn xong tôi nằm nghỉ ngơi để chị Xiu có thể chợp mắt vì tôi biết đêm qua chị đã thức trắng để canh cho tôi ngủ. Một tiếng sau, thấy chị Xiu dậy, tôi liền nói:

– Chị Xiu thân yêu ơi, em hi vọng một ngày nào đó em sẽ được vẽ vịnh Na – plơ.

Chị vui vẻ gật đầu đáp:

– Em thân yêu, đợi em khoẻ lại thì chúng ta sẽ cùng đi nhé.

Ôi, cảm giác thật hạnh phúc, bây giờ tôi chỉ mong mình mau chóng khoẻ lại để được vẽ vịnh Na – plơ xinh đẹp cùng chị Xiu.

Chiều hôm ấy, bác sĩ đã đến khám cho tôi, trước giờ ông ấy chưa từng nói về bệnh tình của tôi cho tôi nghe bởi mỗi lần ông ra về, chị Xiu đều tìm cớ để ra ngoài hành lang để nói chuyện với ông ấy. Tôi tò mò nên cố gắng bước xuống giường, ghé tai vào cửa để nghe. Tôi nghe thấy bác sĩ bảo:

– Cô ấy khỏi nguy hiểm rồi, được năm phần mười, giờ chỉ cần chị chăm sóc chu đáo – chị sẽ thắng.

Nghe những lời nói của bác sĩ, tôi mừng lắm. Vậy là tôi sẽ không phải chết, sẽ được thực hiện ước mơ của mình. Tôi quay về giường bệnh và giấu sự sung sướng ấy trong lòng.

Vào một buổi sáng, khi chị Xiu đi ra ngoài thì tôi đã lấy cuộn len màu xanh thẫm để đan một chiếc khăn choàng với ý định sẽ tặng chị. Lát sau, chị Xiu trở lại phòng, tôi thấy gương mặt chị thật xúc động, chị nghẹn ngào nói:

– Em thân yêu của chị, cụ Bơ-men đã qua đời chỉ sau hai ngày cụ bị mắc chứng sưng phổi nặng. Vào cái đêm mưa gió ấy, khi bác gác cổng thấy cụ thì cụ đã ốm nặng, toàn thân ướt sũng. Người ta không biết cụ đã đi đâu trong đêm mưa bão dữ dội ấy cho tới khi họ thấy những cây bút lông và bảng pha màu rơi vung vãi dưới chân tường cửa sổ phòng chúng ta.

Nói đến đấy, chị Xiu hướng mắt đến chiếc lá thường xuân ngoài cửa sổ, rồi chị nói tiếp:

– Em có thắc mắc tại sao chiếc lá kia cứ mãi đứng yên mà không hề lung lay không? Đó là bởi vì chiếc là chính là kiệt tác của cụ Bơ-men, cụ đã vẽ nó trong cái đêm mưa gió ấy, cái đêm mà những chiếc lá khác trên cành đều đã rụng.

Nói đến đây, chị ấy đã không kìm được nước mắt, chị đã bật khóc nức nở. Tôi sững sờ nhìn chiếc lá. Ồ, quả thật từ trước đến nay nó chưa hề rung động, nó luôn bất động như vậy. Chiếc lá quả thật là một kiệt tác của cụ Bơ-men, ngay cả tôi và chị Xiu cũng không thể nhận ra, chính chiếc lá đã cứu sống một con bé ngu ngốc như tôi khỏi lưỡi hái của tử thần nhưng cũng chính nó đã đem lại hi vọng sống, đem lại niềm tin cho tôi trong lúc bệnh tật nhưng lại cướp đi sinh mạng của người vẽ ra nó. Tôi thấy tim mình quặn thắt, sự sống của tôi lúc này được đổi bằng sự ra đi của cụ Bơ-men, tôi nhìn chị Xiu, hai tay tôi bám vào đôi vai của chị mà nói:

– Chị Xiu ơi, cụ Bơ-men đã chết để cho em được sống . Sự hi sinh của cụ thật cao cả, lớn lao. Em biết làm gì để đền đáp công ơn của cụ bây giờ? Em thấy mình thật đáng trách.

Tôi ôm chị Xiu, khóc nức nở. Chị Xiu nhẹ nhàng vuốt mái tóc tôi và nói:

– Em thân yêu à, em chỉ cần sống thật tốt, khỏe mạnh và lạc quan. Như vậy là em đã sống xứng đáng với sự hi sinh của cụ Bơ-men rồi!

Tôi thổn thức vâng lời chị, thấy trong mình như mạnh mẽ và nghị lực hơn.

Tôi đã từng thử vẽ lại kiệt tác chiếc lá cuối cùng của cụ Bơ-men nhưng trong mắt tôi, những bức tranh tôi vẽ đều không thể sánh bằng cụ bởi có lẽ, chiếc lá cuối cùng mà cụ đã vẽ chứa đầy tình yêu thương cụ dành cho tôi và sự hi sinh cao cả của cụ để cứu lấy tôi. Tôi luôn tự hứa với lòng mình rằng tôi sẽ trở thành một hoạ sĩ tài năng, một hoạ sĩ có thể vẽ nên những bức tranh ý nghĩa và có giá trị để phục vụ cho mọi người và góp phần xây dựng đất nước.

Đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình – Mẫu 2

Tôi là Giôn-xi, một cô hoạ sĩ nghèo của nước Mĩ xa xôi. Là một người nghệ sĩ, tôi phải đi nhiều nơi để tìm cảm hứng sáng tác. Vì vậy, tôi đã gặp nhiều chuyện bất ngờ, có thể kể cho các bạn nghe hàng giờ. Nhưng trong tất cả những điều ấy, câu chuyện bất ngờ nhất lại là câu chuyện về chính bản thân tôi. Câu chuyện “Chiếc lá cuối cùng”.

Ngày ấy, tôi và Xiu-đi – một chị bạn vô cùng thân thiết, tốt bụng – sống trong một khu nhà trọ rẻ tiền. Hàng xóm của chúng tôi hầu hết đều là những người lao động nghèo, trong đó có một người hoạ sĩ già tên là Bơ- men. Cụ Bơ-men cũng có một niềm đam mê rất lớn tới nghệ thuật nhưng có lẽ cụ chưa tìm được nguồn cảm hứng sáng tác. Trong phòng cụ có một tấm vải vẽ căng ra đã từ lâu lắm và ông cụ suốt ngày có vẻ say khướt.

Mùa đông năm ấy, trời rét dữ dội. Trong xóm trọ của chúng tôi lan tràn một căn bệnh quái ác, căn bệnh viêm phổi. Cuộc sống nhiều thiếu thốn, đói và rét, cộng với thể lực vốn yếu ớt, tôi cũng bị gã khổng lồ độc ác ấy hỏi thăm. Người mệt rã rời, những cơn ho dữ dội tưởng chừng không dứt khiến người tôi như tan ra thành bụi. Tôi đã hoàn toàn bị căn bệnh đánh gục. Chị Xiu hoảng hốt chăm lo chạy chữa cho tôi. Với số tiền ít ỏi, dường như Xiu đã phải nhịn ăn nhiều bữa để lo bác sĩ. Chị ít ngủ và hay khóc thầm. Ngoài Xiu và vị bác sĩ già đáng mến, cụ Bơ-men cũng thường hay lên thăm tôi. Mỗi khi thấy tôi thều thào ho khan cụ đều lắc đầu ngao ngán. Và nhất là khi thấy tôi từ chối những thìa cháo của Xiu, cụ thường không tiếc lời mắng mỏ tôi là con bé ngu ngốc.

Dần dần, tôi thấy người mình yếu đi. Những cơn ho dai dẳng hơn, tôi không đủ sức để mà ho lớn. Tôi nằm bẹp xuống giường, không thể tự dậy được. Tôi thấy sự sống đang từ bỏ mình từng ngày từng phút. Căn phòng quanh tôi trống vắng, lạnh lẽo vô cùng. Tôi thẫn thờ nhìn qua cửa sổ: ngoài kia, những chiếc lá thường xuân đang lặng lẽ rời cành. Chao ôi! Cuộc đời tôi cũng đang lặng lẽ rời bỏ sự sống như thế. Từng phút, từng phút một… và tôi biết, khi chiếc lá cuối cùng lìa cành thì cuộc đời tôi cũng lìa bỏ nhân gian. Tôi nói ý nghĩ ấy với Xiu, chị ôm lấy tôi vào lòng an ủi:

– Con mèo con của chị… Em đừng nghĩ vớ vẩn như thế. Bác sĩ nói em sắp bình phục rồi.

Tôi biết đó chỉ là lời nói dối. Xiu đi lấy thuốc cho tôi, chị gặp cụ Bơ- men, nói gì đó với cụ. Tôi lại thấy cụ mắng tôi rất lớn:

– Ngu ngốc! Thật là con bé ngu ngốc! Ai lại đi gắn đời mình vào những chiếc lá ngớ ngẩn!

Đêm hôm ấy, mưa gió dữ dội. Tôi nghe ngoài trời từng đợt lá rào rạt rơi. Tôi biết, ngoài kia, chiếc lá thường xuân cuối cùng sắp rụng. Tôi chỉ chờ đến ngày mai nhìn thân cây trơ trụi để trút hơi thở cuối cùng.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy thấy chị Xiu vẫn ngủ gục trên bàn: tối qua có lẽ chị đã thức khuya lắm để chăm tôi. Tôi chăm chú nhìn gương mặt hốc hác, xanh xao của chị mà thấy thương chị vô cùng. Bất giác, tôi xót xa mong chờ giây phút chiếc lá cuối cùng rời cành để khỏi làm phiền những người xung quanh. Chị Xiu thức dậy, lại gần hỏi xem tôi có cần gì không. Tôi không nhìn Xiu, lạnh lùng bảo chị kéo tấm rèm lên. Xiu uể oải, chán chường và lo lắng căng thẳng miễn cưỡng kéo tấm rèm lên. Ô kìa! Ngoài kia một chiếc lá thường xuân vẫn còn đó! Chiếc lá kiên trung bám vào thân cây bò trên tường. Chiếc lá còn xanh, chỉ rìa lá thì đã ngả vàng. Trận mưa giông dữ dội đêm qua không làm chiếc lá mất đi thì tại sao tôi lại vội rời bỏ cuộc sống tươi đẹp? Rời bỏ ước mơ trở thành họa sĩ? Rời bỏ Xiu yêu quý của tôi? Tôi nhìn sang Xiu, chị cũng đang kinh ngạc trân trân nhìn chiếc lá. Tôi vui vẻ bảo chị lấy tôi chút chút rượu nhẹ. Xiu sung sướng rời khỏi phòng.

Dần dần, tôi thấy tinh thần phấn chấn hơn. Người thấy mạnh mẽ dần lên. Bác sĩ vào thăm bệnh cho tôi cũng thấy vui vẻ hẳn. Một buổi sáng, trong lúc chờ Xiu đi lấy thuốc, tôi khẽ lấy cuộn len và chiếc que đan để thử làm chút gì sau thời gian dài nằm giường bệnh. Lát sau, Xiu vào phòng, tôi thấy gương mặt Xiu vô cùng xúc động. Chị bước tới giường, nhìn sâu vào mắt tôi:

– Con mèo con của chị…! Cụ Bơ-men đã mất rồi. Mất vì bệnh viêm phổi. Vào cái đêm mưa gió hãi hùng hôm trước, người ta tìm thấy cụ khi người cụ đã ướt mềm. Sau đêm ấy, cụ nằm liệt giường và vừa mất sáng nay. Dưới chân tường trước cửa sổ phòng chị em mình – Xiu hướng ánh mắt đến chiếc lá thường xuân bất động – người ta thấy rơi vãi những chiếc bút vẽ, những bảng màu Giôn-xi! Có bao giờ em thắc mắc tại sao không bao giờ em thấy chiếc lá cuối cùng rung động.? Cụ Bơ-men đã vẽ nó vào cái đêm tất cả những chiếc lá khác rời cành.

Nói rồi Xiu khóc nức nở. Tôi trân trân nhìn chiếc lá cuối cùng.. Lòng trào lên niềm một xúc động vô cùng

Giờ đây, tôi đã là một hoạ sĩ có tên tuổi. Dưới mỗi bức vẽ của mình tôi đều ký tên Bơ-men. Hàng năm, vào ngày giỗ của cụ, tôi vẫn trở về khu nhà trọ xưa viếng mộ cụ. Kỉ niệm về cụ và chiếc lá cuối cùng tôi vẫn còn lưu giữ trọn vẹn trong tim. Tôi đã nhiều lần thử vẽ lại chiếc lá ấy nhưng lần nào cũng đành bất lực ngồi trước mảnh vải trắng trơn. Tôi biết, chỉ có lao động nghệ thuật hết mình tôi mới có thể đền đáp sự hi sinh vĩ đại của người hoạ sĩ già đáng kính ấy.

Đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình – Mẫu 3

Giờ tôi Giôn-xi đã trở thành một họa sĩ được nhiều người biết đến và có một phòng tranh nhỏ, ấm cúng. Tôi cũng đã thực hiện được mơ ước của mình là được vẽ vịnh Na – plơ, đã thỏa mãn niềm đam mê với nghệ thuật. Song mỗi lần tôi đặt bút vẽ lên trang giấy trắng, tôi và chị Xiu lại nhớ đến người đó, người mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên, đó… là cụ Bơ – men.

Ba năm về trước, tôi là một cô gái quá đỗi bất hạnh khi mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo ấy chính là bệnh sưng phổi. Lúc ấy là vào mùa đông, tôi cùng chị hai Xiu và cụ Bơ – men cùng sống trong một căn hộ thuê ở gần công viên Oa- sinh- tơn. Bệnh tật và nghèo túng đã khiến tôi tuyệt vọng không còn muốn sống nữa, tôi đành phải nằm liệt giường và đếm từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuân xuyên qua cửa sổ, ví mình như cái cây ấy, khi chiếc lá cuối cùng rụng cũng là lúc tôi lìa đời. Tôi đã và từng nghĩ thế đấy!

Sáng hôm ấy, một cơn gió lạnh lẽo mang đầy hơi sương vì trận mưa tối qua lướt nhẹ qua cổ chạy dọc xuống sống lưng làm tôi bừng tỉnh dậy, lúc đó chị Xiu vẫn còn đang say ngủ. Tôi đưa cặp mắt mở to thẫn thờ nhìn tấm mành màu xanh đã kéo xuống. Tôi thều thào gọi Xiu ra lệnh:- Kéo nó lên, em muốn nhìn. Chị ấy làm theo một cách chán nản. Nhưng, thật ngạc nhiên! Vẫn còn một chiếc lá treo vất vưởng trên cành cây dũng cảm níu chặt không buông sau một đêm mưa bão tuyết gào thét, ầm ầm tưởng chừng như không bao giờ dứt! Song chiếc lá đã nhuộm màu vàng úa, chỉ còn giữ lại một chút màu xanh ở cuống lá. Rồi thể nào mình cũng chết thôi, tôi nghĩ vậy.- Đó là chiếc lá cuối cùng! Em cứ tưởng là nhất định trong đêm vừa qua nó đã rụng! Em nghe thấy gió thổi! Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết! Chị Xiu cúi khuôn mặt hốc hác xuống gần gối, nức nở:- Em thân yêu, thân yêu! Em hãy nghĩ đến chị, nếu em không còn muốn nghĩ đến mình nữa! Chị sẽ làm gì đây? Nhưng tôi đã không trả lời. Có vẻ như sợi dây liên kết tôi với thế giới ngày càng lơi lỏng dần từng sợi một, nó khiến tôi tuyệt vọng, đau khổ, chỉ biết cười thầm trong bụng trách vấn chính bản thân tôi vì sao tôi lại phải sinh ra để rồi phải sống một cuộc sống chan chứa mối nguy hiểm cận kề với căn bệnh tỉ lệ sống sót rất thấp. Ngày cũng như đêm, tôi chỉ biết nằm đó mà ngắm nhìn từng ngày trôi qua một cách bình lặng. Đúng vậy, Tôi đã mất đi ý chí muốn sống, cặp mắt vô hồn như người đã chết, tôi – đã không còn tha thiết cuộc đời ngắn ngủi này nữa rồi! Tôi chỉ muốn chết quách đi cho xong chuyện…! Suốt ngày hôm đó và ngay cả lúc ông Mặt Trời đi ngủ, giao phó việc lại cho Bác Mặt Trăng, chiếc lá vẫn còn đó, đơn độc níu vào cái cuống của nó trên tường. Ban đêm lại buông xuống, cơn bão lại rầm rộ kéo đến ào ạt như muốn gây hấn với cây thường xuân, mưa rơi lộp độp xuống đất từ mái hiên thấp kiểu Hà Lan.

Khi trời vừa hửng sáng thì tôi lại ra lệnh kéo tấm mành lên, chiếc lá thường xuân vẫn còn đó. Tôi nằm nhìn chiếc lá hồi lâu, bồi hồi xúc động. Rồi tôi gọi Xiu đang quấy món cháo gà trên lò hơi đốt:- Em thật là một con bé hư, chị Xiu thân yêu ơi! Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội. Giờ thì chị có thể cho em xin tí cháo và chút sữa pha ít rượu vang đỏ và – khoan – đưa cho em chiếc gương tay trước đã, rồi xếp mấy chiếc gối lại quanh em, để em ngồi dậy xem chị nấu nướng. Một tiếng đồng hồ sau, tôi vui vẻ chia sẻ ước mơ của mình:- Chị Xiu thân yêu ơi, một ngày nào đó em hi vọng sẽ được vẽ vịnh Na – plơ. Buổi chiều, bác sĩ tới và khi ông ra về, chị Xiu dặn tôi nằm nghỉ cho khỏe để chị ấy ra trả tiền khám cho ông ấy.

Chiều hôm sau, khi tôi đang vui vẻ đan một chiếc khăn choàng len màu xanh thẫm rất vô dụng thì chị Xiu chậm rãi tiến lại gần và bất ngờ nhào vào ôm lấy tôi lẫn những chiếc gối.- Chị có chuyện này muốn nói với em, con chuột bạch của chị. Cụ Bơ – men đã chết vì sưng phổi hôm nay ở bệnh viện rồi. Cụ ốm chỉ có hai ngày. Buổi sáng ngày thứ nhất, bác gác cổng thấy cụ ốm nặng trong căn phòng của cụ ở tầng dưới. Giày và áo quần của cụ ướt sũng và lạnh buốt. Chẳng ai hình dung nổi cụ đã ở đâu trong một đêm khủng khiếp như thế. Nhưng rồi người ta tìm thấy một chiếc đèn bão vẫn còn thắp sáng và một chiếc thang đã bị lôi ra khỏi chỗ để của nó, và vài chiếc bút lông rơi vung vãi, và một bảng pha màu có màu xanh và màu vàng trộn lẫn với nhau, và – em thân yêu ơi, em hãy nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn chiếc lá thường xuân cuối cùng ở trên tường. Em có lấy làm lạ tại sao chẳng bao giờ nó rung rinh hoặc lay động khi gió thổi không? Ổ, em thân yêu, đó chính là kiệt tác của cụ Bơ – men, – cụ vẽ nó ở đấy vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng.

Tôi đã hết sức bàng hoàng, sửng sốt. Không ngờ mọi chuyện lại thành ra thế này. Hai giọt lệ lăn dài trên bờ mi ướt đẫm nước chậm rãi, đều đặn rồi nhỏ một tiếng tách xuống mặt đất.KB: Đã ba năm trôi qua nhưng tôi vẫn luôn trách mình, cảm thấy ân hận và luôn đặt câu hỏi vì sao. Vì tôi mà cụ Bơ – men đã phải hi sinh tính mạng để cứu tôi ư? Tại sao cụ lại làm như thế hỡi cụ ơi? Con cảm ơn cụ nhiều lắm, nhờ cụ tiếp sức mạnh nên con mới dám sống tiếp, vững vàng bước đi trên con đường mà con đã định, khám phá ra biết bao điều mới lạ, gặp gỡ được nhiều người! Con xin hứa sẽ sống thật hạnh phúc để xứng với cái giá mà cụ đã trả, để cụ yên lòng mà nhắm mắt ! Con cảm ơn cụ rất nhiều – thiếu cụ, con cảm thấy lạc lõng lắm cụ ơi!

Đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình
Đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình

Đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình – Mẫu 4

Tôi sắp chết rồi!

Sinh mạng tôi bây giờ gắn liền với chiếc lá thường xuân nhỏ bé ngoài kia. Than ôi, căn bệnh viêm phổi nan y cùng tình cảnh túng quẫn của tôi hiện giờ có khác gì những chiếc lá thường xuân yếu đuối, bám vào bờ tường với cái cuống mỏng manh trước cơn gió táp? Tự tôi cũng biết mình chẳng còn chút hi vọng nào.

Xiu đến rồi, lại có cả cụ Bơ-men. Ôi hai con người mà tôi hằng yêu quý! Tôi nào muốn phải rời xa họ, nhưng mệnh tôi đã tận. Tôi ngồi lắng nghe lời khuyên của hai người họ một cách vô hồn, vì dù ngôn ngữ có thuyết phục đến đâu, thì vẻ lo lắng đan xen chút tuyệt vọng nơi đáy mắt họ đã nói lên tất cả.

Tôi yêu cầu chị Xiu mở cửa sổ ra. Đúng như dự đoán, những dây thường xuân mơn mởn ngày nào giờ đây chỉ còn lại vài chiếc lá trơ trụi, tưởng như chỉ một cơn gió nữa thôi, tất cả đều sẽ rơi xuống. Trong ánh mắt ngán ngẩm đầy chua xót của hai con người đáng mến, tôi lạnh lùng tuyên bố: “Chỉ đêm nay nữa thôi. Sáng mai chắc hẳn chiếc lá cuối cùng đã lìa cành và cùng lúc đó, em cũng sẽ nhắm mắt buông xuôi lìa đời.”

Chị Xiu và cụ Bơ-men dắt nhau sang bên phòng khách để tôi nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và ngừng nghĩ quẩn. Tôi không biết hai người họ đang làm gì. Có thể là tự an ủi nhau, có thể là nghĩ cách giúp tôi khỏi bệnh, cũng có thể làm mẫu, vẽ tranh như lúc bình thường, nhưng dù làm gì cũng vô ích, sẽ không bao giờ có chuyện chiếc lá cuối cùng còn đủ khả năng bám trụ qua đêm mưa bão như thế này. Ngủ đi Giôn-xi, hãy ngủ yên giấc vì ngày mai mày sẽ lìa đời.

Ấy thế mà chuyện không tưởng đã thực sự xảy ra! Sáng hôm nay, tôi yêu cầu Xiu mở cửa sổ. Vẻ mặt chị ấy từ đau buồn bỗng chuyển sang ngạc nhiên tột độ, khiến tôi tò mò nhìn ra cửa sổ. Cuối cùng tôi cũng thấy được điều gì khiến chị Xiu và giờ là cả tôi ngạc nhiên đến thế. Chiếc lá thường xuân vẫn ở nguyên trên cành!

Thật bất ngờ! Thật kì diệu! Tại sao chuyện như vậy lại có thể xảy ra? Suốt buổi chiều hôm đó, tôi ngồi ngắm chiếc lá cuối cùng. Nó đã ngã vàng và trông rất tàn tạ. Ấy thế nhưng dù bao nhiêu cơn gió thổi qua, chiếc lá mỏng manh và xơ xác ấy vẫn kiên cường chống chọi, không hề lung lay suy chuyển. Tôi bỗng nghe thấy trong tâm trí mình một giọng nói mơ hồ. Này Giôn-xi, hỡi Giôn-xi! Sao mày lại có thể ngu ngốc đến thế? Nhìn xem, nhìn chiếc lá cuối cùng kia xem! Một chiếc lá thường xuân nhỏ nhoi tàn tạ lại có thể chống chọi lại với mưa giông gió táp. Vậy mà mày-một cô gái trẻ- lại đầu hàng trước một cơn bão nhỏ của cuộc đời? Chỉ cần tĩnh dưỡng là mày sẽ khỏe lại và có thể hoàn thành giấc mơ của mày mà! Thức tỉnh đi! Bao nhiêu người yêu thương mày!

Vào giây phút đó, tôi nhận ra bản thân yếu đuối đến đáng trách như thế nào. Phải rồi, tội gì lại nằm chờ chết trong khi người thân của tôi và thậm chí cả bác sĩ đều nói tôi còn hi vọng? Tôi ngồi dậy và thổ lộ những ước muốn với Xiu, bảo mình đã vui vẻ trở lại. Chị ấy vui mừng đến bật khóc.

Ngày hôm sau, Xiu kể cho tôi nghe sự thật đằng sau chiếc lá cuối cùng. Cụ Bơ-men đã hi sinh cả tính mạng của mình để vẽ chiếc lá đó vào đêm giông bão! Tôi cảm động đến mức không thể nói nên lời, lòng thầm coi cụ Bơ-men là người cha thứ hai của mình. Tôi sẽ dùng cả cuộc đời rộng mở này để nối tiếp giấc mơ của cụ- Vẽ một kiệt tác.

Tôi sống lại rồi.

Đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình – Mẫu 5

Mùa đông! Gã viêm phổi lang thang thọc bàn tay lạnh buốt vào các khu nhà tồi tàn và tôi – Giôn-xi, một họa sĩ nghèo đã trở thành một trong số nạn nhân đầu tiên của gã. Nghèo túng, bệnh nạn khiến tôi tuyệt vọng tâm thế dành hết cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình.

Tôi cùng Xiu – một đồng nghiệp, thuê trọ trên một căn gác gần công viên Oa-sinh-tơn, tầng dưới cụ Bơ-men đã già 60 tuổi hay ngồi làm mẫu cho chúng tôi vẽ tranh ở tầng dưới. Giờ đây thời tiết mùa đông rất khắc nghiệt. Mưa phũ phàng và gió vùi dập kéo dài triền miên không dứt. Gió bấc ào ào động vào cửa sổ mưa bồm bộp quất nước. Cây thường xuân bám trên bức tường gạch nhà bên đối diện với cửa sổ căn phòng của tôi đang trút lá. Tôi đợi khi nào chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì tôi cũng là đời.

Chị Xiu thường xuyên động viên an ủi chăm sóc tôi. Nhưng tôi chẳng để ý. Lúc này tôi thấy tâm hồn mình thật cô đơn, mọi sợi dây ràng buộc với bạn bè với cuộc sống cứ nới rộng dần từng sợi một. Trời vừa hửng sáng tôi đã thều thào nhờ chị Xiu kéo tấm mành mành lên. Ôi kìa! Vẫn còn một chiếc lá duy nhất đơn độc dũng cảm treo bám vào tường cuống lá xanh sẫm nhưng hình như rìa răng cưa đã úa vàng chắc chắn nó sẽ rụng nhanh.

Vậy mà cả ngày hôm ấy tôi vẫn nhìn thấy nó. Cả đêm mưa gió vẫn tiếp tục ào ào. Trời vừa sáng tôi lại yêu cầu Xiu kéo tấm mành mành lên. Lạ chưa, chiếc lá vẫn còn ở đó. Tại sao nó không rụng nhỉ? Sức mạnh nào đã giúp nó vượt lên trên sự khắc nghiệt của thời tiết, phải chăng đó là sự gan góc dũng cảm bền bỉ? Còn tôi thì sao? Tôi đã buông xuôi chán nản tuyệt vọng đầu hàng số phận. Tại sao chiếc lá có thể còn tôi không thể tồn tại? Tôi thấy mình thật yếu đuối vô dụng, phải lấy lại niềm tin nghị lực sống! Nhất định phải thế!

Tôi bèn nhờ chị Xiu lấy cho chút rượu chút sữa kê lại chiếc gối để ngồi lên lắp gương coi gương mặt của mình. Tôi tâm sự với chị: “Muốn chết là một tội! Một ngày nào đó em sẽ về vịnh Na-Plơ”. Sự sống dần hồi sinh trong tôi. Nhờ thuốc men của bác sĩ, sự tận tình chăm sóc của Xiu và nghị lực lòng ham sống của tôi, cuộc sống lại mỉm cười với tôi.

Buổi chiều chị Xiu ôm lấy tôi và cả chiếc gối kể cho tôi nghe “Cụ Bơ-men đã chết rồi em ạ, em có thấy chiếc lá chẳng bao giờ rung rinh bởi đó là kiệt tác của cụ bơ-men cụ đã vẽ nó vào các đêm chiếc lá cuối cùng rụng xuống”. Trời ơi! Cụ Bơ-men đã chết rồi sao. Chết vì sự ngốc nghếch ý nghĩa kì quặc của tôi ư. Tôi choáng váng ân hận day dứt. Một người sống cô độc như cụ Bơ men khao khát vẽ kiệt tác mà chưa bao giờ thực hiện được. Giờ đây chỉ vì muốn cứu tôi mà cụ đã hi sinh tính mạng của mình phải rồi đó chính là kiệt tác của cụ bởi nó được vẽ trong hoàn cảnh đặc biệt đêm tối mưa phũ phàng gió vùi dập nó giống thật đến mức tôi và chị Xiu không nhận ra đó là một bức vẽ. Nó cứu sống tính mạng của tôi nhưng lại cướp đi tính mạng người tạo ra nó. Nó là sản phẩm kết tinh của tài năng trái tim yêu thương vô hạn đức hi sinh và lòng vị tha. Nó còn khẳng định sức mạnh của nghệ thuật chân chính hướng tới phục vụ cuộc sống của con người.

Cảm ơn cụ! Giờ đây tôi phải làm gì để xứng đáng với sự ra đi của cụ? Tôi phải sống tốt hơn khỏe mạnh vẽ kiệt tác Vịnh Na-Plơ, đi khắp trái đất đem nghệ thuật chân chính phục vụ cuộc sống con người. Ca ngợi những tấm lòng cao cả biết hi sinh vì người khác.

Đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình – Mẫu 6

Tôi là Giôn-xi, một cô họa sĩ nghèo giữa phố thị phồn hoa, tấp nập của nước Mĩ. Cuộc đời tôi giống như một bức tranh đầy màu sắc, có những mảng tối u uất, buồn thương, cũng có cả những sắc thái tươi tắn, rạng ngời của niềm tin và hi vọng. Đã có những lúc tôi tuyệt vọng đến mức muốn từ giã cõi đời, nhưng rồi may mắn thay, đã có những người tốt xuất hiện để truyền cho tôi thêm động lực, thêm khát khao sống. Một trong số những người tôi luôn biết ơn và kính trọng nhất là ông cụ Bơ – men, người đã cho tôi cơ hội tiếp tục sống, tiếp tục đặt niềm tin vào những ngày tháng tăm tối nhất của cuộc đời.

Ngày đó, tôi sống trong một khu nhà trọ rẻ tiền cùng với chị Xiu. Chị cũng là một họa sĩ nghèo. Xiu là người rất tốt bụng và ấm áp. Gần phòng chúng tôi có một người họa sĩ già, tên cụ là Bơ – men. Cụ đã dành cả đời cho sự nghiệp nhưng đến tận bây giờ, cụ vẫn chưa tìm được nguồn cảm hứng để có thể vẽ nên một bức họa kiệt xuất. Trông cụ như thể lúc nào cũng đang ngà ngà say vậy.

Mùa đông năm ấy vô cùng khắc nghiệt. Bệnh viêm phổi hoành hành khắp nơi và lây bệnh cho hàng vạn người. Tôi không may bị mắc bệnh, cuộc sống vốn đã thiếu thốn, đói rét lại thêm căn bệnh quái ác khiến tôi chỉ có thể nằm bẹp trên giường, ho từng đợt dữ dội như muốn vỡ tung lá phổi. Ngày ngày, tôi nằm trên chiếc giường sắt, xuyên qua khung cửa sổ và nhìn sang bức tường trần trụi của căn nhà gạch kế bên. Chị Xiu vì chăm sóc cho tôi mà ít nhiều suy sụp. Tôi biết đã nhiều lần chị bỏ bữa chỉ để có tiền mời bác sĩ đến khám bệnh cho tôi.

Một buổi sáng nọ, sau khi bác sĩ đến thăm hỏi, tôi thấy mắt chị Xiu sưng húp tuy miệng vẫn rộn ràng huýt sáo một điệu dân ca. Tôi quá mệt nên chẳng thể cử động hay nói chuyện. Hình như chị tưởng tôi ngủ nên khẽ khàng sắp xếp cái giá vẽ và bắt đầu vẽ hình minh họa truyện. Nằm ngắm chị làm việc chán chê, tôi hướng mắt về phía bức tường gạch của nhà hàng xóm, nơi có một dây thường xuân leo mình bám vào những viên gạch đỏ, một khoảng sân trống, một bức tường trơ trụi, cây thường xuân già cỗi, gốc vặn vẹo mục nát, leo đến giữa bức tường. Ngọn gió lạnh lẽo đã làm rơi rụng đám lá, phơi bày các nhánh gần như trơ trụi bám vào mấy mảng gạch vụn vỡ. Tôi khẽ nhẩm đếm trong miệng:

– Mười hai, mười một, mười, chín, tám,….

Lá cây rơi thật nhanh. Ba ngày trước còn gần cả trăm lá, đếm nhức cả đầu, giờ thì dễ rồi. Năm…

Chị Xiu ngẩng đầu nhìn, khẽ đến bên tôi và hỏi:

– Em đang đếm cái gì vậy Giôn-xi

Tôi chỉ cho chị xem những chiếc lá bên ngoài. Cuộc đời tôi rồi cũng giống những chiếc lá kia, mỏng manh, dễ rụng. Chúng dường như không có khả năng chống cự trước từng cơn gió rét. Khi chiếc lá cuối cùng lìa cành thì cũng là lúc tôi từ bỏ cõi đời này.

Xiu mắng tôi là đồ trẻ con, chỉ nghĩ linh tinh. Chị cố gắng cho tôi ăn một ít cháo rồi kéo rèm cho tôi ngủ.

Đêm hôm đó, trời mưa rất lớn. Từng đợt gió gào rít qua khe cửa. Chắc hẳn bên ngoài kia, cây thường xuân đã trụi lá. Sáng ngày mai khi tỉnh dậy, tôi biết mình sẽ trút hơi thở cuối cùng, sẽ như cây thường xuân để gió cuốn đi.

Vừa tỉnh giấc, tôi đã thấy chị Xiu ngủ gục trên bàn. Gương mặt chị hốc hác, xanh xao đến tội nghiệp. Tôi khẽ cất tiếng gọi chị, lạnh lùng bảo chị kéo tấm rèm lên. Tôi muốn xem cây thường xuân. Xiu uể oải, chán chường miễn cưỡng làm theo lời tôi. Tôi thấy trong mắt chị có chút căng thẳng.

Bên ngoài kia, một chiếc lá thường xuân vẫn treo mình trên cây. Chiếc lá còn xanh, rìa lá đã ngả vàng, kiên cường và độc lập trơ mình giữa giá rét. Trận mưa khủng khiếp đêm qua đã kéo tất cả bạn bè của nó đi, chỉ một mình chiếc lá bé nhỏ ấy vẫn bám trụ vào thân cây khẳng khiu, kiên quyết níu giữ vòng đời của nó.

Tôi bần thần cả người. Một chiếc lá bé nhỏ từng ấy nhưng sức sống bên trong thực sự mãnh liệt. Trận bão đêm qua cũng không thể đánh bại được nó. Vậy mà tôi, một con người còn trẻ, còn sức nhưng lại phó mặc cuộc đời mình, chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi bật khóc, tự hỏi bản thân mình đã làm gì trong suốt thời gian qua. Nhìn sang Xiu, chị cũng bàng hoàng như tôi, nhìn chằm chằm vào chiếc lá cuối cùng.

Tôi khẽ lay tay chị, đòi uống một chút rượu nhẹ cho ấm người. Đã từ rất lâu rồi, cơn thèm ăn của tôi mới quay trở lại. Tôi bắt đầu chịu nạp dưỡng chất vào cơ thể, tìm ra những thú vui cho mình và giữ tinh thần phấn chấn, lạc quan. Bác sĩ đến thăm và nói rằng bệnh tình của tôi đang tiến triển rất tốt. Tôi mỉm cười, khe khẽ hát và tay đang mày mò cuộn len vứt chỏng chơ trong phòng bấy lâu.

Xiu bước vào phòng sau khi nói chuyện với bác sĩ, gương mặt chị tỏ rõ vẻ xúc động. Chị bước tới giường, ôm lấy tôi:

– Con mèo con của chị…! Cụ Bơ – men đã mất rồi. Do căn bệnh viêm phổi. Người ta đã tìm thấy cụ sau cái đêm mưa gió khủng khiếp ấy đấy. Cụ mới chỉ nhiễm bệnh có hai ngày thôi. Em biết sao không? Cả người cụ ướt nhẹp, đôi giày và quần áo sũng nước, lạnh như nước đá. Họ không thể hiểu nổi cụ đã đi đâu trong một đêm kinh hoàng như thế. Rồi họ tìm thấy cái đèn bão và một cái thang. Dưới sàn nhà cụ còn vương vãi những bút vẽ, bảng màu. Và em nhìn xem, chiếc lá ngoài kia không bao giờ rung động. Bởi đó chính là cụ Bơ – men đã vẽ nó, vào cái đêm tất cả những chiếc lá đều lìa cành. Đó chính là kiệt tác của cuộc đời cụ đấy!

Tôi nghe chị nói, bật khóc nức nở. Cụ Bơ – men già cả đáng kính đã hi sinh thân mình cho một con bé mà lúc nào cụ cũng mắng là ngốc nghếch như tôi. Tấm lòng của cụ đã đổi lấy mạng sống cho tôi. Tôi không biết phải làm sao để đền đáp hết ân huệ này. Cụ ơi, cháu sẽ sống thật tốt, sống thay phần của cụ và trở thành một họa sĩ có tên tuổi. Để rồi khi đó, mọi bức tranh cháu vẽ sẽ đều kí tên cụ, cho mọi người biết đến cụ, một tấm lòng cao cả, một họa sĩ chân chính.

Đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình – Mẫu 7

Một mùa đông lạnh giá đã đến trên công viên Oa-sinh-tơn và căn hộ nghèo gần đó, nơi tôi đang sống cùng một người bạn là Xiu. Mấy ngày nay tôi đang phải chống chọi với căn bệnh quái ác – ung thư phổi. Cùng với căn bệnh nan y này, tôi cũng phải sống chung với sự nghèo khổ.

Tiết trời sang đông, những chiếc lá ngoài đường từ từ rụng xuống. Cùng lúc đó, cây thường xuân trước cửa sổ nhà tôi cũng đang trút lá. Chúng chao đảo trên không trung rồi rơi hẳn xuống đất mà không vương vấn, luyến tiếc gì cành cây. Ngày ngày tôi nằm thẫn thờ nhìn từng chiếc lá rơi. Những chiếc lá thường xuân cứ rơi ngày một nhiều, cứ mỗi lần một chiếc lá lìa khỏi cành là tôi lại thấy bệnh tình một nặng thêm. Tôi không thể nhấc mình lên được: “Sự sống của mình thật mỏng manh, cứ mỗi chiếc lá rụng thì cuộc sống của mình như ngắn lại. Cho đến khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì có lẽ mình sẽ không còn tồn tại trên thế gian này nữa”, tôi đã có những suy nghĩ và quan niệm như vậy.

Một hôm, khi tôi đang mơ màng ngủ thì nghe thấy tiếng bước chân lên gác, đó là Xiu và cụ Bơ-men – người họa sĩ già sống ở căn hộ dưới. Chị Xiu đến bên cửa sổ kéo tấm mành xuống rồi cùng cụ Bơ-men sang phòng bên cạnh. Xiu là người sống cùng với tôi trong suốt thời gian ở đây. Chúng tôi đều chung số phận với nhau, cụ Bơ-men đã có tuổi nhưng cả đời việc vẽ tranh cũng không làm cụ giàu có hơn để chuyển đến một nơi tốt hơn nơi này. Cụ rất chuyên tâm trong nghề, cụ mong muốn vẽ được một bức tranh mang giá trị và để đời mà chưa thực hiện được. Tôi cũng thương cụ và những người tại xóm nghèo này lắm. Họ đều tốt và nhân hậu nhưng vì nghèo quá nên khổ. Tôi định mở mắt, gọi cụ và chị Xiu nhưng cảm thấy mình không còn đủ sức nữa. Họ đang nói đến một điều gì đó, tôi có nghe thấy thoảng bên tai về cây thường xuân bên cửa sổ. Nhưng rồi tôi lại thiếp đi vì quá mệt. Sáng hôm sau, khi Xiu thức giấc, tôi liền lệnh cho chị kéo tấm mành lên. Tôi đoán chắc rằng ngoài kia chẳng còn chiếc lá nào đâu, và hôm nay tôi sẽ đón nhận cái chết. Lúc này tôi nghĩ cái chết thật dễ dàng, tôi sẽ chấp nhận nó như uống một cốc nước lọc. Nhưng, ô kìa! Sau cơn mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng, vẫn còn một chiếc lá sót lại nằm yên trên cành cao. Tôi quay sang nói với chị Xiu: “Đó là chiếc lá cuối cùng, nó sẽ rụng trong nay mai và khi đó em sẽ chết, chị Xiu ạ!”. Chị Xiu khuyên tôi nhưng tôi không quan tâm đến lời nói của chị. Tôi biết rằng chỉ một trận gió đêm nay thôi thì chiếc lá không còn và tôi cũng sẽ lìa đời. Tôi vẫn chờ và chắc chắn điều đó sẽ đến.

Sáng nay tôi tỉnh giấc, đêm qua thật dài, tôi biết là mưa rất to, gió rất mạnh. Điều tôi mong chờ, giờ tôi sẽ phải làm, tôi bảo chị Xiu kéo tấm mành lên. Thật lạ kì! Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó. Tôi sửng sốt cả người và nằm suy nghĩ hồi lâu: “Có một cái gì đó đã làm cho chiếc lá không rụng và còn đấy. Chiếc lá đã chống chọi với gió bão, mưa dông để giành lại sự sống cho mình” – tôi thầm nghĩ. Chợt tôi hiểu ra rằng nếu mình có quyết tâm, có niềm tin vào sự sống thì sẽ vượt qua được bệnh tật và khó khăn trong cuộc đời. Tự nhiên tôi thấy mình là một người bị mất hết nghị lực từ bao giờ, mình không bằng một chiếc lá mong manh kia.

Sau đó tôi xin chị Xiu ít cháo và chút sữa pha với vang đỏ. Chị quay lại nhìn tôi một cách ngạc nhiên rồi nhanh chóng nở một nụ cười. Có lẽ chị hiểu suy nghĩ của tôi lúc này. Chị lấy thức ăn cho tôi, nhìn tôi với niềm vui sâu kín. Tôi nói với chị: “Chị Xiu thân yêu ơi, một ngày nào đó em hi vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ”. Trong tôi lúc đó tràn ngập niềm tin và hi vọng. Chị Xiu gật đầu và mỉm cười với tôi như sự đồng tình. Buổi chiều hôm đó, bác sĩ đến khám cho tôi. Vẫn như mọi lần, ông đều gọi chị Xiu ra ngoài và nói về bệnh tình của tôi. Hôm nay tôi nghe được lời bác sĩ nói với chị ngoài cửa. Tôi như không thể tin vào đôi tai của mình nữa. Bác sĩ nói bệnh của tôi đã chữa được năm phần mười rồi. Niềm tin vào cuộc sống đã trở lại trong tôi. Sau đó, bác sĩ xuống nhà cụ Bơ-men ở tầng dưới để khám chữa bệnh vì cụ bị chứng sưng phổi.

Hôm sau, bác sĩ đến khám lần nữa cho tôi và tôi gần như đã khỏi bệnh, tôi đã vượt qua cơn nguy hiểm. Đến chiều, khi tôi đang vui vẻ đan chiếc khăn len thì tiếng chân chạy vội vã trên cầu thang làm tôi ngừng tay. Đó là chị Xiu, chị ào vào phòng ôm lấy tôi. Chị kể cho tôi nghe: “Cụ Bơ-men đã chết vì sưng phổi hôm nay ở bệnh viện rồi. Cụ ốm chỉ có hai ngày. […] Nhưng rồi người ta tìm thấy một chiếc đèn bão vẫn còn thắp sáng và một chiếc thang đã bị lởi ra khỏi chỗ để của nó, và vài chiếc bút lông rơi vung vãi và một bảng pha màu có màu xanh và màu vàng trộn lẫn với nhau..Chị Xiu đưa bàn tay nhỏ nhắn của mình ra phía cửa sổ và nói: “Em có thấy làm lạ tại sao chẳng bao giờ nó rung rinh hay lay động khi gió thổi không? Ô, em thân yêu, đó chính là kiệt tác của cụ Bơ-men – cụ vẽ nó ở đấy vào cái đêm chiếc lá cuối cùng đã rụng”. Nghe Xiu nói, tôi đã xúc động rơi nước mắt. Tôi chẳng thể nói gì hơn với chị Xiu được nữa. Và tôi cũng chẳng thể diễn tả nổi cảm xúc của mình lúc này, tất cả cứ đang rối tung lên trong tôi. Cụ Bơ-men đã vì sự sống của tôi mà phải hi sinh cả tính mạng của bản thân. Ôi! Cụ là người đã dùng cây bút để đuổi Thần Chết đi.

Thời gian trôi đi nhanh thật, thấm thoắt đã năm năm kể từ ngày cụ Bơ-men qua đời. Giờ đây tôi đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Nhưng dù tác phẩm của tôi có đoạt giải gì đi nữa thì tôi vẫn chỉ coi tác phẩm của cụ Bơ-men là đáng để đời nhất. Trong tôi, cụ vẫn là một họa sĩ đầy tài năng và nhân cách. Cảm ơn cụ và cuộc sống đã cho tôi một bài học về niềm tin, sự nỗ lực.

***************

Trên đây là 7 bài văn mẫu đóng vai Giôn-xi kể lại quá trình hồi sinh của mình lớp 8 hay nhất. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có nhiều gợi ý mới lạ để hoàn thiện tốt bài tập làm văn của mình thêm sinh động, phong phú nhất.

 

 Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/dong-vai-gion-xi-ke-lai-qua-trinh-hoi-sinh-cua-minh-lop-8/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp