6 Đề đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu có đáp án chi tiết

0
5891
3.6/5 - (5 bình chọn)

6 Đề đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu có đáp án chi tiết được tổng hợp từ các bài thi kiểm tra học kì sẽ là tài liệu giúp các em ôn luyện tại nhà trước khi bước vào kì thi sắp tới. Hy vọng với 6 bộ đề Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu đọc hiểu dưới đây, các em sẽ trả lời đúng các câu hỏi trong bài thi nhé.

Đề đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Đề số 01

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Đối với tôi, nguyên tắc thành công đến từ một điều cơ bản: sống trong thế chủ động. Cần gì thì lên tiếng. Muốn thì đấu tranh. Kiến thức do học tập. Thành tựu nhờ lao động. Chẳng có cái gì trên đời này tự nhiên mà có. Chủ động lèo lái thì mới có cơ may đưa con thuyền cuộc đời cập bến bờ mơ ước. Dù sóng gió, dông bão xảy ra trên hải trình vạn dặm, có giữ vững bánh lái, cầm chắc tay chèo thì mới đến được đất liền. Sống mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài vì dông bão cuộc đời. (1)

Cách sống thụ động có nhiều biểu hiện. Như một trường hợp mà tôi từng hỗ trợ cũng là một kiểu. Khuyến khích đọc sách thì lúc đọc lúc không. Hướng dẫn xong cũng không biết nói lời cảm ơn. Biết tôi có nhiều sách mà không mở lời mượn. Không bao giờ chủ động trò chuyện cập nhật tình hình. Đợi khi nào tôi hỏi thăm mới lên tiếng. Nếu tôi không hỏi cũng không biết em ấy đang gặp khó khăn để tìm cách giúp đỡ. (2)

Nguồn lực trong đời không thiếu. Người tốt ở đời rất nhiều. Không lên tiếng chẳng ai biết mà giúp. Chẳng xuống nước thì không thể biết bơi. Sống thụ động thì chẳng khác gì đời cây cỏ. Như thế khác nào tự đào hố chôn mình. Sống ở thế chủ động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình, chủ động cứu giúp mình. Chứ em không cứu mình thì ai cứu được em. (3)

(Trích Rosie Nguyễn, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, NXB Hội nhà văn 2017, tr120- 121)

Câu 1. (0.5 điểm) Xác định thao tác lập luận chính và thao tác kết hợp được sử dụng trong đoạn văn (1)

Câu 2. (0.5 điểm) Theo tác giả, cách sống thụ động có những biểu hiện nào?

Câu 3. (1.0 điểm) Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Sống mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài vì dông bão cuộc đời.

Câu 4. (1.0 điểm) Anh/chị có đồng tình với quan điểm: Sống thụ động thì chẳng khác gì đời cây cỏ. Như thế khác nào tự đào hố chôn mình. Vì sao?

Gợi ý trả lời:

Câu 1: Thao tác lập luận chính: Bình luận; thao tác kết hợp: So sánh

Câu 2: Theo tác giả, cách sống thụ động có nhiều biểu hiện như: Khuyến khích đọc sách thì lúc đọc lúc không. Hướng dẫn xong cũng không biết nói lời cảm ơn. Biết tôi có nhiều sách mà không mở lời mượn. Không bao giờ chủ động trò chuyện cập nhật tình hình. Đợi khi nào tôi hỏi thăm mới lên tiếng….

Câu 3:

– Mượn các hình ảnh so sánh con bè trên dòng nước lớn, sóng gió xô, dông bão cuộc đời để diễn đạt một cách cụ thể, sinh động, biểu cảm về lối sống thụ động và tác hại của việc sống thụ động;

– Sống thụ động là phó mặc, chịu sự chi phối, đưa đẩy từ yếu tố bên ngoài, thiếu chủ động sáng tạo, vì thế sẽ khó đạt được bất cứ mục tiêu nào, không đủ bản lĩnh để vượt qua những thử thách, khó khăn.

Câu 4:

– Học sinh trình bày theo quan điểm của mình, và có lí giải thuyết phục. Sau đây là định hướng:

+ Sống thụ động sẽ không thể hiện được năng lực, thế mạnh, sở trường, khả năng sáng tạo của mình nên không xác lập được giá trị bản thân; sống thụ động mất dần tiếng nói riêng, trở thành vô nghĩa, không ai biết đến, không có đóng góp gì cho xã hội.

+ Sống thụ động sẽ không thể hiện được năng lực, thế mạnh, sở trường, khả năng sáng tạo của mình nên không xác lập được giá trị bản thân; sống thụ động mất dần tiếng nói riêng, trở thành vô nghĩa, không ai biết đến, không có đóng góp gì cho xã hội.

+ Học sinh có thể không đồng tình hoặc có ý kiến riêng nhưng nếu lí giải thuyết phục vẫn chấp nhận.

….

Đề đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Đề số 02

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Tuổi trẻ không chỉ có nghĩa là trẻ tuổi, mà còn có nghĩa là năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời. Ở cái tuổi ấy, trong ba thứ: sức khỏe, thời gian và tiền bạc, chúng ta chỉ thiếu tiền thôi, còn thời gian và sức khỏe thì luôn đong đầy. Năm tháng qua đi khi về già ta sẽ nhận thấy tiền bạc hóa ra là thứ ít quan trọng nhất trong ba thứ trên. Nghĩa là tuổi trẻ là giai đoạn quý giá nhất đời người vì sở hữu trọn vẹn hai món quà lớn nhất của cuộc sống là sức khỏe và thời gian. Ta vốn được nghe nhiều người nói đến điều này rồi, nhưng hỡi ôi, sao chúng ta vẫn đang để cho tuổi trẻ của mình trôi qua một cách hời hợt và vô nghĩa đến thế? Với trí óc hạn hẹp được định hướng, phần lớn tuổi trẻ hiện tại cho rằng tiền bạc là hơn hết, là thứ quan trọng nhất, cần thiết nhất, là đáng lưu tâm nhất. Và rồi ta vô tình lãng quên hai món quà quý giá nhất đời kia. Hãy tận dụng tốt nhất hai món quà lớn đó mà cuộc sống dành riêng cho tuổi trẻ. Hãy dùng nó để nhào vào đời, để quyện vào cuộc sống, để trải nghiệm mọi thứ khi còn có thể. Trải nghiệm, đó chính là điều quan trọng nhất.

Cuộc sống, thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn, mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó ghép nên cuộc đời mình. Ai rồi cũng đến lúc phải giã từ cuộc sống, nhưng người may mắn hơn, là người sống được nhiều hơn những người khác. “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất, sống nhiều hơn người khác.” (Jean Jacques Rousseau).

Trải nghiệm sẽ là thầy dạy tốt nhất cho bạn trong cuộc đời mà không bất cứ người thầy nào khác có thể dạy tốt hơn. Kinh nghiệm từ đâu ra nếu không từ trải nghiệm? Người ta thực sự chỉ học được từ chính trải nghiệm bản thân mình!

(Theo facebook.com/… không có trải nghiệm tuổi trẻ không đáng một xu, 7/01/2015)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2. Chỉ ra và cho biết tên phép tu từ trong cụm từ: “Tuổi trẻ không chỉ có nghĩa là trẻ tuổi”. Nêu tác dụng của phép tu từ đó? (1,0 điểm)

Câu 3. Theo tác giả, món quà nào là quý giá nhất mà cuộc sống ban tặng cho con người? Và điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người là gì? (0,5 điểm)

Câu 4. Anh/chị hiểu thế nào là trải nghiệm? Anh/chị hãy cho một ví dụ về trải nghiệm của bản thân. (1,0 điểm)

Gợi ý trả lời:

Câu 1:

* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã được học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.

* Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2:

* Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp tu từ đã được học.

* Cách giải:

Chỉ ra được 1 trong 2:

1. Tuổi trẻ – trẻ tuổi: phép đảo ngữ, tác dụng: tạo nghĩa khác biệt, làm câu văn hấp dẫn, thú vị…

2. Tuổi trẻ – trẻ tuổi: phép chơi chữ, tác dụng: tăng sắc thái ý nghĩa biểu đạt, làm câu văn hấp dẫn, thú vị…

Câu 3:

* Phương pháp: Đọc, tìm ý

* Cách giải:

– Theo tác giả, món quà quý giá nhất mà cuộc sống ban tặng cho con người: sức khỏe và thời gian.

– Điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người là trải nghiệm.

Câu 4:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

– Trải nghiệm: “trải” là trải qua thực tế, “nghiệm” là thu nhận, đúc kết thành kinh nghiệm. “Trải nghiệm” là qua hoạt động thực tế, con người tự có được tri thức, đúc kết kinh nghiệm sống,… cho mình.

Anh/chị có thể chia sẻ những trải nghiệm của cá nhân về các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống mà mình đã trải qua.

Đề đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Đề số 03

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Bạn hối tiếc vì không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, chẳng có ai phải mất ngủ.

Bạn trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, người ta chẳng hề bận lòng.

Bạn có chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở, đó không phải là việc của họ.

Suy cho cùng, quyết định là ở bạn. Muốn có điều gì hay không là tùy bạn.

Nên hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống.

Vì sau tất cả, chẳng ai quan tâm.

(Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Rosie Nguyễn, NXB Hội Nhà văn – 2016)

Bạn đang xem: 6 Đề đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu có đáp án chi tiết

Câu 1. Hãy nêu phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ của đoạn văn bản trên?

Câu 2. Biện pháp tu từ chính được sử dụng trong đoạn văn trên? Tác dụng?

Câu 3. Theo anh/ chị, thế nào là không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở?

Câu 4. Đoạn trích trên đem lại lời khuyên nào cho tuổi trẻ?

Câu 5. “Hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói của trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống.” (Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Rosie Nguyễn, NXB Hội Nhà văn – 2016).

Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) nêu ý kiến của mình về thông điệp trên.

Gợi ý trả lời:

Câu 1:

– Phương thức biểu đạt: nghị luận

– Phong cách ngôn ngữ: chính luận

Câu 2:

– Biện pháp tu từ chính: Phép điệp từ ngữ/ điệp cấu trúc.

– Tác dụng: nhấn mạnh ý nhà văn muốn thể hiện, đó là vai trò của mỗi cá nhân trong việc quyết định cuộc sống của mỗi cá nhân.

Câu 3:

“Không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở: Chỉ lối sống thiếu ý chí, lười biếng, bỏ qua những cơ hội học tập, thay đổi bản thân theo hướng tích cực, không chịu phấn đấu để thực hiện ước mơ, sống theo lối mòn nhạt nhẽo.

Câu 4:

– Lời khuyên: Tuổi trẻ phải biết sống tự lập, mạnh mẽ thực hiện ước mơ của mình, tự xây dựng cuộc đời theo những cách sống đúng đắn mà mình lựa chọn.

Câu 5:

* Giới thiệu vấn đề

* Giải thích

– “Làm những điều bạn thích” tức là biết sống với những đam mê lành mạnh.

– “Đi theo tiếng nói trái tim” tức là cách sống chân thật với chính bản thân mình, yêu ghét rõ ràng

– “Sống theo cách bạn cho là mình nên sống”: hàm chứa ý nghĩa về việc chọn lựa cuộc sống đúng đắn, sống để tuổi trẻ trở nên có ý nghĩa và giá trị.

* Bàn luận

– Chọn cách sống đúng đắn không chỉ đáp ứng cái tôi vị kỉ mà cần phải biết sống vì những lẽ sống cao đẹp, sống đúng trong nhân cách làm người và quan niệm về hạnh phúc chân chính.

* Liên hệ bản thân

Đề đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Đề số 04

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Điều mà tôi luôn đau đáu là: hầu hết mọi người đều sống dưới khả năng của mình. Tại sao như vậy? Mỗi người đều có tiềm năng khác nhau. Mỗi người đều có những thế mạnh khác nhau. Nhưng hầu hết tại sao mọi người đều không sống đúng với tiềm năng của mình?

Có thể là vì đa phần chúng ta đều lười, không sử dụng hiệu quả quỹ thời gian của mình.

Có thể là vì nhiều người trong chúng ta chưa nhận thức được sức mạnh của thói quen, chúng ta muốn thay đổi nhưng chưa đủ động lực để vượt qua được sức ì, sự trì níu của những thói quen xấu.

Hoặc cũng có thể là vì, sau những lần thất bại trong cuộc sống, sau những va vấp của tuổi trẻ, từ bao giờ chúng ta đã tự thuyết phục bản thân rằng mình là một người bình thường, mình không có gì đặc biệt, rằng hãy thôi mơ mộng viển vông, hãy chấp nhận một cuộc sống bình thường, có những công việc bình thường. Và rồi chúng ta chết đi, trên tấm bia mộ ghi: “Đây là nơi yên nghỉ của một người hoàn toàn bình thường”.

Bạn thân mến, nếu bạn có lúc nào đó nghĩ rằng mình là người đặc biệt, rằng mình khác thường thì đừng dập tắt ý nghĩ đó. Hãy tin vào lời thì thầm bên trong của mình, hãy trân trọng sự khác biệt, nuôi dưỡng niềm tin vào bản thân mình. Âm thầm rèn luyện, tìm kiếm đam mê và theo đuổi con đường riêng của mình. Rồi một lúc nào đó, bạn sẽ thấy mình đang sống đúng như cách mà bạn từng mơ ước.

Hãy luôn tin rằng: bạn là một ngôi sao chờ ngày tỏa sáng.

(Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Rosie Nguyễn, NXB Hội Nhà văn, trang 245-246)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Trong đoạn trích tác giả đã chỉ ra những nguyên nhân nào khiến “hầu hết mọi người không sống đúng tiềm năng của mình”?

Câu 3: Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Bạn là một ngôi sao chờ ngày tỏa sáng”.

Câu 4: Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao? (Trình bày bằng một đoạn văn từ 5-7 câu).

Gợi ý trả lời:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, những nguyên nhân khiến “hầu hết mọi người đều không sống đúng với tiềm năng của mình” là:

– Có thể chúng ta đều lười, đều không sử dụng hiệu quả quỹ thời gian của mình.

– Có thể chúng ta chưa nhận thức được sức mạnh của thói quen, sự trì níu của những thói quen xấu.

– Có thể là sự nản chí sau những lần thất bại, sau những va vấp của tuổi trẻ…

Câu 3. Học sinh chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Bạn là một ngôi sao chờ ngày tỏa sáng”.

– Biện pháp: So sánh:

– Tác dụng: khẳng định mỗi người đều tiềm ẩn giá trị và vẻ đẹp riêng, đem đến niềm tin và sự cố gắng cho mỗi người trong cuộc sống; cách nói giàu hình ảnh, cụ thể, sinh động.

Câu 4. Yêu cầu:

– Hình thức: đoạn văn 5-7 câu.

– Nội dung: Học sinh có thể lựa chọn những thông điệp khác nhau, có ý nghĩa đối với nhận thức và hành động của bản thân. Lý giải được sự lựa chọn (ý nghĩa của thông điệp)

Đề đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Đề số 05

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Có một câu nói là: “Con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay”. Ý tưởng nhiều vô kể. Nhiều người có được ý tưởng rất tốt. Nhưng có rất ít người biến được ý tưởng thành hiện thực. Một người bạn của tôi từng nói: “Khi ai đó tâm sự với tôi về ý tưởng này khác, tôi chỉ bảo: Nghe tuyệt lắm, hãy làm đi. Tôi không bảo khó, bảo sẽ thất bại hay bàn lùi. Cứ để họ thực hiện. Hành động chứng minh tất cả.”

Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn có câu: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Nếu không đi thì đường ở đâu mà có.

Cho nên, câu khẩu hiệu của Nike là: “Just do it”. Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì. Vì tuổi trẻ chỉ có một lần. Thời gian trôi qua là không quay trở lại. Thay vì chần chừ, đắn đo, sợ hãi, tại sao không bước ra ngoài và làm điều có ích. Còn nói theo cha ông ta ngày trước thì học đi đôi với hành. Đi học, đọc sách, tiếp thu kiến thức là một chuyện, phải hành động, phải thực hành mới khiến kỹ năng của ta khá lên.

Việc thiếu sót năng lực hành động có thể hạn chế người trẻ hòa nhập vào thế giới. Mà để phát triển khả năng hành động không cần phải làm gì lớn lao, mở nhà trọ hay mở công ty.

Chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ một.

Hãy làm gì đó. Đừng ngồi yên”.

(Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, Rosie Nguyễn, NXB Hội nhà văn, 2018)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Tác giả khuyên người trẻ “Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì” vì những lý do nào?

Câu 3. Anh chị có đồng tình với quan điểm của tác giả về cách phát triển khả năng hành động ở người trẻ tuổi: “…để phát triển khả năng hành động, không phải làm điều gì lớn lao (…). Chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ một”? Vì sao?

Gợi ý trả lời:

Câu 1:

– Phương thức biểu đạt: nghị luận

Câu 2:

Tác giả khuyên người trẻ “Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì” vì:

– Tuổi trẻ chỉ có một lần, thời gian qua là không trở lại.

– Học phải đi đôi với hành; phải hành động, phải thực hành thì kiến thức của ta mới khá lên.

Câu 3:

Học sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc nửa đồng tình, nửa phản đối, miễn là lý giải thuyết phục, hợp lý.

– Đồng tình vì:

  • Làm những điều lớn lao có thể dễ thất bại, dễ mất niềm tin vào khả năng hành động của mình và bị thui chột ý chí hành động.
  • Không phải ai cũng có đủ điều kiện và năng lực để làm những điều lớn lao.
  • Ngược lại, khi đi từng bước nhỏ, làm những việc vừa sức, ta có thể thực hiện được mục tiêu, có những bước đệm vững chắc để rèn luyện khả năng hành động của mình.

– Không đồng tình vì:

  • Những bước đi nhỏ, việc làm nhỏ không đủ tạo ra môi trường, hoàn cảnh chứa đựng những thử thách lớn, những thử thách có thể giúp ta rèn luyện năng lực hành động; thậm chí những bước đi nhỏ, việc làm nhỏ còn có thể làm hạn chế năng lực hành động của ta.
  • Những việc làm, bước đi nhỏ khó dẫn ta tới điều gì lớn lao, đột phá, khó khẳng định được bản thân.

– Nửa đồng tình, nửa phản đối: kết hợp hai cách trả lời trên.

Đề đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Đề số 06

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

…Đối với tôi, nguyên tắc thành công đến từ một điều cơ bản: sống trong thế chủ động. Cần gì thì lên tiếng. Muốn gì thì đấu tranh. Kiến thức do học tập. Thành tựu nhờ lao động. Chẳng có cái gì ở trên đời này tự nhiên mà có. Chủ động lèo lái thì mới có cơ may đưa con thuyền cuộc đời cập bến bờ mơ ước. Dù sóng gió, giông bão xảy ra trên hải trình vạn dặm, có giữ vững bánh lái, cầm chắc tay chèo thì mới đến được đất liền. Sống mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài vì giông bão cuộc đời.

…Chẳng xuống nước thì không thể biết bơi. Sống thụ động thì chẳng khác gì đời cây cỏ. Như thế khác nào tự đào hố chôn mình. Sống ở thế chủ động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình. Chứ em không cứu mình thì ai cứu được em.

(Trích Em không tự cứu mình thì ai cứu em của Rosie Nguyễn – Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, NXB Hội nhà văn, 2017, trang 120-121)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

Câu 2. Theo tác giả, sống trong thế chủ động có những biểu hiện nào?

Câu 3. Chỉ ra một biện pháp tu từ và nêu tác dụng: “Sống mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài vì giông bão cuộc đời”.

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm “Em không cứu mình thì ai cứu được em” không? Vì sao?

Câu 5. Anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa cách “sống ở thế chủ động” của tuổi trẻ hôm nay.

Gợi ý trả lời:

Câu 1:

* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính công vụ

* Cách giải:

Phương thức biểu đạt: nghị luận

Câu 2:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Biểu hiện của “sống ở thế chủ động”: “Sống ở thế chủ động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình”.

Câu 3:

* Phương pháp: Phân tích

* Cách giải:

Phép tu từ được sử dụng trong câu: So sánh (sống thụ động cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn…) và ẩn dụ (Con bè trên dòng nước lớn, sóng gió, giông bão).

Câu 4:

* Phương pháp: Phân tích, lý giải

* Cách giải:

Thí sinh được đưa ra quan điểm cá nhân đồng tình hoặc không đồng tình, từ đó đưa ra những lập luận bảo vệ ý kiến.

Ví dụ:

– Đồng ý. Vì chính bản thân ta mới quyết định được cách suy nghĩ, cách làm của mình. Chính mình mới tạo nên số phận của mình, thành tựu của mình.

– Không đồng ý. Vì cuộc đời mình không chỉ do mình quyết định mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như điều kiện, hoàn cảnh sống, sự may mắn…

– Vừa đồng ý vừa không đồng ý. Vì trong cuộc sống thành công một phần do sự nỗ lực của bản thân, một phần còn do sự “trợ giúp” của các yếu tố khác.

Câu 5:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

* Cách giải:

– Giải thích:

“Chủ động” là tự mình hành động, không bị chi phối bởi người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài.

“Sống ở thế chủ động” là hành động độc lập, làm chủ được tình thế, dám nghĩ, dám hành động trên tất cả mọi lĩnh vực, chủ động tìm tòi, chủ động đề nghị, chủ động dấn thân…

– Bàn luận:

Cuộc sống luôn đặt tuổi trẻ vào những tình huống, thử thách phải chủ động tìm cách giải quyết;

Sống chủ động khiến con người tự tin, bản lĩnh, linh hoạt ứng xử trong mọi tình huống để vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu, khát vọng, ước mơ;

Tuổi trẻ chủ động sẽ không ngừng tạo được cơ hội mới khẳng định bản thân, đạt được thành công;

Xã hội có nhiều cá nhân sống chủ động sẽ tạo ra một bầu không khí dám nghĩ, dám làm, nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống. (Dẫn chứng minh họa)

– Cần phê phán những bạn trẻ sống dựa dẫm, thiếu tự tin, thụ động: Sống ở thế chủ động cần thiết trong môi trường xã hội hôm nay, là một thái độ tích cực của tuổi trẻ trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt không thể thiếu đối với công dân toàn cầu.

– Liên hệ bản thân

……………………………………

Trên đây là 6 Đề đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu có đáp án chi tiết thường gặp trong các bài thi học kì. Các em hãy ôn luyện thật kỹ để trả lời đúng các câu hỏi trong bài thi sắp tới nhé. Chúc các em thi thật tốt và đạt điểm cao.

 

 Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/de-doc-hieu-tuoi-tre-dang-gia-bao-nhieu/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp