Triết học cổ điển Đức là gì? Nội dung của triết học cổ điển Đức

0
154
Rate this post

Triết học cổ điển Đức là gì?

Trước tiên, phải nói về hoàn cảnh ra đời của triết học cổ điển Đức. Vào cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỷ XIX khi chủ nghĩa tư bản hình thành tại một số nước Tây Âu, nền kinh tế công nghiệp trong thời kỳ này phát triển cực thịnh tạo ra những thành tựu đáng nể về kinh tế. Trong khi các nước Tây Âu như Anh, Pháp, Ý chứng kiến thời kỳ văn minh công nghiệp bùng nổ thì Liên bang Đức thời bấy giờ lại tỏ ra tụt hậu hơn hẳn khi vẫn chỉ là một quốc gia phong kiến lạc hậu.

Nội bộ nước Đức cũng chia năm xẻ bảy dẫn đến cả đất nước chia thành nhiều tiểu vương quốc nhỏ, không có sự thống nhất trong lãnh đạo, càng không có chỗ dựa cho sự phát triển kinh tế. Nông nghiệp thì bị đình đốn, triều đình vẫn ngoan cố duy trì chế độ phong kiến lạc hậu dẫn đến nước Đức ngày càng bị bỏ lại phía sau trong thời kỳ cách mạng công nghiệp.

Tuy nhiên, mặc dù kinh tế chính trị đang lâm vào bế tắc với đầy rẫy những khó khăn không thể giải quyết thì thời kỳ này lại chứng kiến sự phát triển nở rộ về văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt là triết học. Đây cũng chính là thời kỳ sản sinh ra những nhà văn, nhà thơ, nhà triết học vĩ đại trong lịch sử nhân loại như Hécđơ, Gớt, Sinlơ, Cantơ… Chính họ là những người đã kế thừa những tư tưởng văn hóa truyền thống, tiếp thu và phát huy những thành tựu văn hóa mới.

Kể từ đây, triết học cổ điển Đức ra đời để đáp ứng nhu cầu cần có một cách nhìn mới về các hiện tượng tự nhiên cũng như tiến trình lịch sử của nhân loại. Triết học cổ điển Đức là giai đoạn phát triển mới về chất trong lịch sử tư tưởng Tây Âu và thế giới cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Đây là đỉnh cao của thời kỳ triết học cổ điển phương Tây, đồng thời có ảnh hưởng to lớn tới triết học hiện đại.

Triết học cổ điển Đức là gì?
Triết học cổ điển Đức là gì?

Điều kiện ra đời và phát triển

Triết học cổ điển Đức ra đời cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX trong một liên bang phong kiến cát cứ có 360 quốc gia, lạc hậu về kinh tế và chính trị với sự phản kháng của giai cấp tư sản Đức và muốn làm cách mạng tư sản như Hà Lan, Anh, Pháp. Nhưng do nhỏ bé về số lượng, yếu kém về kinh tế và chính trị nên giai cấp tư sản Đức vừa muốn làm cách mạng vừa muốn thoả hiệp với tầng lớp phong kiến nên có lập trường cải lương.

Đặc điểm triết học cổ điển Đức

– Triết học cổ điển Đức mặc dù có nội dung khá rõ ràng, mục đích chủ yếu là dẫn đường cho các cuộc cách mạng chính trị tuy nhiên hình thức vẫn còn rất rối rắm và khó hiểu, đồng thời chứa đựng những tư tưởng vần còn bảo thủ.

– Triết học cổ điển Đức đề cao vai trò tích cực của hoạt động con người. Ở đó, con người là một thực thể trong vũ trụ, thực thể ấy chính là cơ sở, là nền tảng cho mọi vấn đề của triết học. Có nghĩa là, mọi khái niệm triết học đều được có thể được giải nghĩa nhờ vào thực thể con người.

– Trong triết học Đức, con người là chủ thể và cũng là kết quả của quá trình hoạt động. Tư duy và ý thức của của con người chỉ có thể phát triển trong quá trình con người nhận thức và cải tạo thế giới.

– Tiếp thu tư tưởng biện chứng của triết học cổ đại: Các nhà triết học cổ điển của nước Đức đã xây dựng phép biện chứng độc lập với tư duy siêu hình trong lĩnh vực nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên và xã hội.

Với cách nhìn bao quát, biện chứng, nhiều nhà triết học Đức có tham vọng xây dựng một hệ thống triết học vạn năng không những làm nền tảng cho thế giới quan của con người mà còn trở thành một thứ khoa học của các khoa học. Do vậy, trong học thuyết triết học của Kant, Duyrinh, Hêghen thường bàn đến nhiều vấn đề như: khoa học tự nhiên, pháp quyền, lịch sử, luân lý, mỹ học.

Nội dung cơ bản của triết học cổ điển Đức

Triết học Kant

Immanuel Kant (1724-1804) là một trong những triết học quan trọng nhất của triết học cổ điển Đức, của thời kỳ Khai sáng và của lịch sử thế giới. Ông là người đã có định nghĩa đầy đủ về vật tự thể, một trong những khái niệm triết học nổi tiếng nhất. Ông là một trong những người đi đầu về chủ nghĩa duy tâm, bản chất của triết học cổ điển Đức.

Triết học Hegel

Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831) cũng là một trong những nhà triết học lớn nhất của Đức. Ông là người đã phát triển phương pháp luận biện chứng, một trong những yếu tố quan trọng của chủ nghĩa Marx-Lenin sau này. Tuy nhiên, ông lại sử dụng thế giới quan duy tâm để giải quyết câu hỏi: Khởi thủy của vũ trụ là gì?

Triết học Feuerbach

Ludwig Andreas Feuerbach (1804-1872) là nhà triết học lớn cuối cùng của triết học cổ điển Đức. Ông đã vượt qua cái bóng của những người đàn anh, những khổng lồ của triết học Đức như Kant và Hegel để đến với thế giới quan duy vật, một trong các yếu tố quan trọng nhất của chủ nghĩa Marx-Lenin sau này.

Tuy nhiên, ông lại cho rằng lịch sử loài người không hề phát triển mà chỉ là bức tranh đầy màu sắc được tạo ra bởi sự khác nhau về tôn giáo. Rõ ràng trong quan điểm này, Feuerbach đã nhìn nhận bằng phương pháp luận siêu hình.

Phân tích tư tưởng biện chứng

Ra đời vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, khởi đầu từ Cantơ qua Phíctơ, Sêlinh và phát triển đến đỉnh cao ở Hêghen, đây là hình thức thứ hai của phép biện chứng, hình thức quen thuộc nhất với các nhà khoa học tự nhiên Đức, là triết học cổ điển Đức.

– Trái lại, phép biện chứng duy tâm của Hêghen thể hiện trong quan điểm của ông về mâu thuẫn; về quy luật lượng – chất; về các phạm trù riêng – chung, bản chất – hiện tượng, nguyên nhân – kết quả v.v. Đặc biệt là quan niệm về sự phát triển, theo đó phát triển được coi là sự tự phát triển của ý niệm tuyệt đối, từ tồn tại đến bản chất, từ bản chất đến khái niệm, trong đó khái niệm vừa là chủ thể, vừa là khách thể, đồng thời là ý niệm tuyệt đối. Hêghen coi phát triển là nguyên lý cơ bản nhất của phép biện chứng với phạm trù trung tâm là tha hoá và khẳng định tha hoá diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc trong cả tự nhiên, xã hội và tinh thần.

Các nội dung của triết học cổ điển Đức
Các nội dung của triết học cổ điển Đức

Phân tích tư tưởng về con người

Trong triết học cổ điển Đức, con người vừa là chủ thể, vừa là kết quả của quá trình hoạt động của mình và có bản chất xã hội.

– Tư tưởng về con người trong triết học Cantơ bắt đầu tư tưởng về sự thống nhất của loài người. Sự phát triển của loài người được ông phân chia thành bốn bước 1) chuyển từ trạng thái động vật sang trạng thái có tính người; từ lệ thuộc vào bản năng sang sự chỉ đạo của lý trí. 2) khi lý trí đã đóng vai trò chủ yếu- mối quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội đã do lý trí chỉ đạo; ở con người đã xuất hiện nhu cầu giáo dục. 3) hãy sống cho thế hệ mai sau, tức là sự phát triển hướng tới tương lai. 4) bước phát triển được thực hiện bằng lý trí và từ đây, con người vượt lên con vật. Bản chất hoạt động của con người được thể hiện trong triết học thực tiễn, theo đó con người trong triết học thực tiễn chính là con người đã được bàn tới trong triết học lý luận, bây giờ được nghiên cứu trong trong hoạt động thực tiễn (nghĩa hẹp là hoạt động đạo đức, nghĩa rộng là hoạt động chính trị, lịch sử, pháp luật, văn hoá v.v).

– Hêghen lại coi thế giới vật chất là con người vô cơ, ở giai đoạn chưa hình thành; còn con người bằng xương, bằng thịt là con người đã phát triển đầy đủ, là con người đã trở về với bản thân mình với tất cả những đặc tính vốn có. Con người vừa là chủ thể, vừa là kết quả của quá trình hoạt động của chính mình; tư duy, trí tuệ con người được hình thành và phát triển khi con người nhận thức và cải biến thế giới đối lập với mình thành thế giới của mình; hoạt động càng phát triển thì ý thức càng mang bản chất xã hội.

– Tư tưởng về con người trong triết học nhân bản của Phoiơbắc được bắt đầu từ quan điểm coi con người là sản phẩm cao nhất của giới tự nhiên và nhận thức con người là nền tảng để nhận thức thế giới và giải quyết vấn đề cơ bản của triết học. Con người là sự thống nhất giữa vật chất và tinh thần; con người sáng tạo ra Thượng Đế; thần thánh là bản chất con người được tinh chế, khách quan hoá, tách rời con người hiện thực, tôn giáo là bản chất con người đã bị tha hoá. Phoiơbắc cho rằng bản chất tự nhiên của con người là hướng tới cái chân, cái thiện, hướng tới cái gì đẹp nhất trong một hình tượng đẹp nhất về con người; những điều kiện , môi trường và hoàn cảnh sốngcó tác động to lớn đối với tư duy và ý thức con người. ở trong cung điện người ta suy nghĩ khác trong túp lều tranh; các thời đại khác nhau là do sự khác nhau của các tôn giáo, muốn thay đổi xã hội cũ bằng một xã hội mới chỉ cần thay đổi tôn giáo cũ bằng tôn giáo mới.

Phân tích tư tưởng về đạo đức

Bước phát triển mới của đạo đức học được thể hiện trong học thuyết đạo đức của các nhà triết học cổ điển Đức.

– Cantơ coi lý tính là nguồn gốc duy nhất sinh ra các nguyên lý, chuẩn mực đạo đức; còn các khát vọng cảm tính đưa con người đến hưởng thụ cá nhân, ích kỷ, phi đạo đức. Nguyên tắc cơ bản của đạo đức là tuân theo mệnh lệnh tuyệt đối và chỉ khi hành động phù hợp với mệnh lệnh tuyệt đối thì mới được coi là có đạo đức; theo đó mệnh lệnh tuyệt đối là quy định đạo đức chung mà mọi người đều phải thực hiện để tôn trọng mình, tôn trọng người, tôn trọng lẽ phải, tôn trọng sự thật và tiêu chuẩn đánh giá giá trị đạo đức là có lợi cho công dân và xã hội. Phạm trù trung tâm của đạo đức Cantơ là tự do với quan niệm ý chí tự do và ý chí tuân theo các quy luật đạo đức là như nhau.

– Tư tưởng về đạo đức của Hêghen gắn liền với tư tưởng về pháp quyền, đạo đức, gia đình, xã hội công dân và nhà nước trong sự tha hoá của tinh thần đạo đức khách quan. Trong đạo đức học của Hêghen, phạm trù cái thiện và cái ác tồn tại trong những mâu thuẫn nội tại và sự chuyển hoá lẫn nhau giữa chúng trong những điều kiện cụ thể của quá trình lịch sử. Hai phạm trù ấy thể hiện trọn vẹn ý chí của con người đối với cái toàn năng, thể hiện sự thống nhất giữa đạo đức cá nhân với các quyền lợi chung; nghĩa vụ của đạo đức cao cả là yêu nước, phục tùng nhà nước.

Triết học Đức - Tìm hiểu chi tiết về triết học cổ điển Đức
Triết học Đức – Tìm hiểu chi tiết về triết học cổ điển Đức

Đóng góp và hạn chế trong nội dung của triết học cổ điển Đức

Đóng góp

Triết học cổ điển Đức mang lại cách nhìn mới về thực tiễn xã hội và tiến trình lịch sử nhân loại. Triết học thời kì này đặc biệt đề cao vai trò hoạt động tích cực của con người, thực hiện bước ngoặt trong lịch sử tư tưởng triết học phương Tây từ chỗ chủ yếu bàn về những vấn đề bản thể luận, nhận thức luận… đến chỗ coi con người như một chủ thể hoạt động, là nền tảng và là điểm xuất phát của mọi vấn đề triết học.

Thứ nhất, nó khẳng định rằng tư duy và ý thức chỉ có thể phát triển trong chừng mực con người nhận thức và cải tạo thế giới. Con người là chủ thể, đồng thời là kết quả của toàn bộ nền văn minh do chính mình tạo ra.

Thứ hai, nó nghiên cứu tiến trình lịch sử của nhân loại cũng như toàn bộ mối quan hệ con người – tự nhiên như một quá trình phát triển biện chứng.

Hạn chế

Hạn chế chung nhất trong thế giới quan của các nhà triết học cổ điển Đức là thể hiện rõ mâu thuẫn giữa tính cách mạng – khoa học về tư tưởng với tính bảo thủ, cải lương về lập trường chính trị – xã hội.

Hạn chế thứ hai và cũng là hạn chế lớn nhất của triết học cổ điển Đức chính là chủ nghĩa duy tâm thần bí. Phía trước và bên cạnh các nhà triết học cổ điển Đức là một dòng triết học duy vật, đặc biệt là tư tưởng duy vật của các nhà triết học Khai sáng. Song các nhà triết học cổ điển Đức thấy rằng: từ quan điểm duy vật, người ta không thể giải thích được thế giới.

Hạn chế thứ ba của triết học cổ điển Đức là: Triết học trừu tượng tách rời hiện thực. Triết học cổ điển Đức đưa ra được những tư tưởng tiến bộ, chống chế độ xã hội cũ nhưng đó chỉ là những tư tưởng, nó không đi vào chính trị xã hội và hoạt động cách mạng mà chỉ là những hệ thống triết lý trừu tượng ở bên trên.

Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất về triết học cổ điển Đức được khá nhiều sinh viên chọn làm tiểu luận triết học. Có thể thấy, những tư tưởng và giá trị mà triết học Đức cổ điển để lại là vô cùng có ý nghĩa, nó là tiền đề quan trọng cho triết học hiện đại sau này.

Những gương mặt tiêu biểu của nền triết học cổ điển Đức

Immanuel Kant (1724 – 1804)

Là nhà triết học người Đức đi đầu về chủ nghĩa duy tâm và có tầm ảnh hưởng lớn đến Triết học cổ đại đức. Ông được mọi người kính trọng như những nhà triết học vĩ đại nhất từ trước tới nay. Tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến “Phê phán lý tính thuần túy”.

Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831)

Với đóng góp to lớn trong các chủ đề như logic phân tích, biện chứng, chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối, tinh thần, …, ông xứng đáng là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của Đức. Cùng với một số nhà triết học khác, ông được coi là người đã tạo nên chủ nghĩa duy tâm

Ludwig Andreas Feuerbach (1804-1872)

Tiếp bước, học hỏi và rút ra bài học từ những nhà tư tưởng đi trước cũng như từ người thầy Hegel, Feuerbach đã tiếp cận, vận dụng, phát triển thuyết duy vật biện chứng và bày tỏ quan điểm về thế giới quan theo cái nhìn của phương pháp luận siêu hình. Ông còn là nhà triết học lớn cuối cùng của triết học cổ đại Đức.

********************

 

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/triet-hoc-co-dien-duc-la-gi-noi-dung-cua-triet-hoc-co-dien-duc/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp