Pa-xtơ là ai? Louis Pasteur là ai?
Louis Pasteur (1822 – 1895) tên phiên âm tiếng Việt là lu-i pa-xtơ, là nhà hóa học, vật lý học, sinh học, vi sinh vật học người Pháp. Ông đã khám phá vắc xin phòng bệnh dại, vắc xin bệnh than, vắc xin bệnh tả.
Louis Pasteur là một vĩ nhân của nhân loại, nhà bác học với 4 phát minh ảnh hưởng đến lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, cuộc đời của ông ẩn chứa nhiều thăng trầm
Với những thí nghiệm của mình, ông đã công bố thuyết tạo sinh, bác bỏ thuyết tự sinh. Ông cho rằng nguồn gốc của sự sống phải bắt nguồn từ sự sống và con cái phải có bố mẹ sinh ra. Điều này trái ngược hoàn toàn với thuyết tự sinh vốn cho rằng sự sống bắt nguồn tự sự kết hợp của các nguyên tố hóa học vô cơ.
Trên cơ sở của thuyết tạo sinh, Louis Pasteur đã công bố lý thuyết mầm bệnh khẳng định nguồn gốc của mầm bệnh không tự nhiên sinh ra, chúng tồn tại trong vô số các vi sinh vật nhỏ tồn tại trong không khí, cơ thể,…Mặc dù, lu-i pa-xtơ không phải là người đầu tiên tìm ra lý thuyết mầm bệnh nhưng ông đã khẳng định chúng bằng những thí nghiệm khoa học chính xác. Ông đã đặt nền móng cho ngành vi sinh vật học, được xem như một trong số “cha đẻ của ngành vi sinh vật học” cùng với Ferdinand Cohn và Robert Koch.
Ngoài ra, Louis Pasteur đã thực hiện vô số thí nghiệm để chứng minh quá trình lên men do vi khuẩn tạo nên. Không chỉ nghiên cứu về sinh vật học, ông còn đạt được nhiều thành tựu khi nghiên cứu về tinh thế và tính bất đối xứng của chúng.
Dù thành công đến thế, ông lại rất đau đớn khi các con của ông có đến 3 người phải mất sớm vì bệnh tật. Mặc dù ông chưa bao giờ học y nhưng ông đã dành cuộc đời mình để cống hiến cho y học. Louis Pasteur đã đặt ra quy trình thanh trùng giúp giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân. Bác sĩ Joseph Lister đã dựa trên những lý thuyết vi sinh vật của ông và tìm ra chất sát trùng.
Đặc biệt, Louis Pasteur đã thành lập viện Pasteur – tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về sinh vật học, các loại vắc xin, dịch bệnh. Ngày nay, tổ chức này hiện có mặt tại 29 quốc gia, 32 viện nghiên cứu.
Ngày 28 tháng 9 năm 1895, sau nhiều lần đột quỵ, Louis Pasteur qua đời tại xã Marnes-la-Coquette, hưởng thọ 72 tuổi. Ông được nhân dân nước Pháp vinh danh như một anh hùng và tổ chức tang lễ tại nhà thờ Đức Bà Paris. Sau đó, di hài của ông đã được chuyển đến hầm mộ thuộc viện Pasteur, Pari
Gia đình và tuổi thơ
Louis Pasteur sinh ngày 27 tháng 12 năm 1822, trong một gia đình làm nghề thuộc da, ở thị trấn Dole, tỉnh Jura, nước Pháp. Ông là con trai thứ ba trong gia đình có 5 người con của ông Jean Joseph Pasteur và bà Jeanne Etiennette Roqui. Gia đình ông vốn có truyền thống làm nghề thuộc da từ nhiều đời. Ông nội của Louis Pasteur đã từng mở một doanh nghiệp kinh doanh thuộc da.
Từ nhỏ, ông đã được gia đình giáo dục trân quý sự lao động, lòng yêu nước. Cha của ông từng tham gia cuộc chiến tranh Napoleon và nhận được Huy chương danh dự.
Năm 1849, ông gặp gỡ và đem lòng yêu mến Marie Laurent con gái hiệu trưởng trường đại học Strasbourg. Ngày 18 tháng 9 năm 1849, Louis Pasteur và Marie Laurent kết hôn tại Strasbourg. Họ có với nhau tất cả 5 người con. Vợ Louis Pasteur đồng thời là trợ lý của ông trong các thí nghiệm khoa học.
Tuy nhiên, cuộc sống gia đình của ông không được viên mãn. 3 người con của ông đã chết vì căn bệnh thương hàn khiến ông vô cùng đau khổ. Cái chết của các con là động lực to lớn để Louis Pasteur đào sâu nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và vi sinh vật.
Giáo dục
Năm 1827, gia đình ông chuyển đến vùng Arbois. Năm 1831, Louis Pasteur đã theo học tại trường tiểu học tại Arbois.
Mẹ của ông vốn ít học. Vì vậy, bà mong muốn con trai được học tập tử tế và trở thành một giáo viên. Tuy nhiên, ông lại thể hiện năng khiếu trong lĩnh vực vẽ và khả năng học tập chỉ ở mức trung bình. Năm 15 tuổi, ông đã vẽ một bức tranh cả gia đình bằng phấn màu. Bức tranh này được bảo quản trong viện bảo tàng viện Pasteur.
Sau khi hoàn tất chương trình tiểu học, ông theo học tại trường trung học Collège d’Arbois. Tháng 10 năm 1838, ông đến Paris với mong muốn thi vào trường sư phạm Paris. Sau khi đến Paris, Louis Pasteur đã từ bỏ mong muốn thi vào ngôi trường này.
Đến năm 1839, ông thi đậu vào trường Collège Royal chuyên ngành nghiên cứu triết học. Vào năm 1840, ông nhận bằng cử nhân văn thư (Bachelor of Letters). Trong thời gian này, ông được bổ nhiệm làm trợ giảng của trường đại học Collège Royal và tham gia khóa học về khoa học.
Đến năm 1842, Louis Pasteur xuất sắc nhận được bằng cử nhân khoa học của trường Collège Royal. Sau đó, ông quay trở lại Paris, thi vào trường đại học Sư phạm Paris (École normale supérieure). Tuy nhiên, bài kiểm tra đầu tiên của Louis Pasteur có thứ hạng khá thấp. Vì vậy, ông quyết định tạm dừng và thi lại vào năm sau.
Vào năm 1843, Louis Pasteur chính thức thi đậu vào trường đại học Sư phạm Paris. Trong thời gian này, ông tham dự các bài giảng của Jean-Baptiste-André Dumas và vinh dự trở thành trợ giảng. Đến năm 1845, ông xuất sắc nhận được tấm bằng cử nhân sinh học của trường đại học Sư phạm Paris. Sau đó, ông tiếp tục lấy thêm tấm bằng khoa học vật lý.
Sự nghiệp
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1846, Louis Pasteur được trường Collège de Tournon mời đảm nhiệm chức vụ giáo sư vật lý. Tuy nhiên, nhà hóa học Antoine Jérôme Balard mời ông đảm nhiệm chức vụ trợ lý phòng thí nghiệm sau đại học ở trường đại học Sư phạm Paris.
Vốn đam mê nghiên cứu, Louis Pasteur đã đến làm việc dưới sự chỉ đạo của Balard. Trong thời gian này, ông đã thực hiện nhiều thí nghiệm về tinh thể học. Đến năm 1847, ông hoàn thành hai bản luận án về vật lý và hóa học.
Đến năm 1848, Louis Pasteur giáo sư hóa học tại trường đại học Strasbourg. Vào năm 1852, ông được giữ chức chủ nhiệm bộ môn hóa học trường đại học Strasbourg. Hai năm sau, ông được chỉ định làm trưởng khoa bộ môn khoa học mới ở trường đại học Lille. Cũng trong khoảng thời gian này, Louis Pasteur đã bắt đầu những thí nghiệm đầu tiên về sự lên men.
Vào năm 1857, ông quay về trường đại học Sư phạm Paris và đảm nhiệm chức giám đốc nghiên cứu khoa học. Từ năm 1858 đến năm 1867, ông nắm quyền điều hành ngôi trường này và đưa hàng loạt cải cách. Một số cải cách của ông được sinh viên đánh giá là khắt khe và dẫn đến 2 cuộc biểu tình của sinh viên.
Từ năm 1863 đến năm 1867, Louis Pasteur đảm nhiệm chức giáo sư hóa học, vật lý, địa chất ở trường École nationale supérieure des Beaux-Art. Đến năm 1867, ông đảm nhiệm chức chủ nhiệm bộ môn hóa hữu cơ ở Sorbonne trong một khoảng thời gian ngắn. Cũng trong năm 1867, Louis Pasteur đã đề xuất xây dựng phòng thí nghiệm École Normale. Giai đoạn từ năm 1867 đến năm 1888, ông đảm nhiệm chức vụ giám đốc của phòng thí nghiệm này. Trong giai đoạn này, Louis Pasteur đã thực hiện nhiều thí nghiệm quan trọng tại phòng thí nghiệm École Normale.
Đến năm 1887, Louis Pasteur chính thức thành lập viện Pasteur tại Paris, với nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu về vi sinh vật, bệnh truyền nhiễm, vắc xin. Từ năm 1887 đến cuối đời, ông giữ chức vụ giám đốc viện Pasteur.
Đóng góp khoa học
Tinh thể học
Louis Pasteur bảo vệ hai luận án về hóa học và vật lý vào năm 1847. Trong ngành tinh thể học, ông đã có những phát minh đầu tiên liên quan đến sự phân cực của ánh sáng. Năm 1848, Pasteur trình bày trước Viện Hàn lâm Khoa học Pháp về những công trình nghiên cứu của ông trong lĩnh vực tinh thể học. Pasteur phát hiện rằng cấu trúc phân tử của tinh thể có ảnh hưởng đến sự khúc xạ ánh sáng khi nghiên cứu các dạng tinh thể của tartrate và paratartrate. Sau đó Pasteur nhanh chóng đi đến kết luận rằng các sản phẩm của vật chất sống là không đối xứng và có hoạt tính trên ánh sáng phân cực. Pasteur phát biểu rằng “Sự sống là một hàm của tính mất đối xứng của vũ trụ”.
Quá trình lên men
Sau khi đi dạy ở Dijon và rồi Strasbourg (tại đây năm 1849, ông đã cưới Marie Laurent, con gái của hiệu trưởng, và hai người có với nhau 5 người con), vào năm 1854 Louis Pasteur được phong giáo sư tại Khoa Khoa học của Lille và cũng là trưởng khoa của khoa này. Ông đã thiết lập mối quan hệ rất chặt chẽ giữa công việc nghiên cứu khoa học của mình với nền công nghiệp lúc bấy giờ và đã có nhưng phát hiện vô cùng quan trọng. Ông đã phát hiện rằng chính nấm men là tác nhân gây nên quá trình lên men.
Năm 1857 (có tài liệu cho là 1856), Louis Pasteur trở thành giám đốc nghiên cứu khoa học của Trường Sư phạm. Ông yêu cầu có được một nhà kho của trường để thành lập một phòng thí nghiệm của riêng mình. Tại đây ông tiếp tục công cuộc nghiên cứu về quá trình lên men trong ba năm nữa và viết một khảo luận khoa học về nguyên nhân của quá trình lên men rượu butyric. Nhưng cũng ngay từ năm 1858 ông đã là người chống đối thuyết tự sinh đặc biệt của Félix Archimède Pouchet. Pouchet đã báo cáo với Viện Hàn lâm Khoa học vào tháng 12 năm 1858 rằng các tiền sinh vật được sinh ra tự nhiên trong không khí. Ngay lúc đó Louis Pasteur đã cho rằng nhà khoa học này đã sai lầm. Trong sáu năm trời ròng rã, hai nhà khoa học liên tiếp cho ra những bài báo cũng như các bài báo cáo tại các hội nghị nhằm chứng minh đối phương là sai lầm. Đến ngày 7 tháng 4 năm 1864, Pasteur đã tổ chức một hội nghị tại Sorbonne. Tại đây các kết quả thí nghiệm của Pasteur đã chinh phục được cử tọa, hội đồng chuyên gia cũng như giới truyền thông. Pouchet phải chấp nhận rằng mình đã lầm và từ đó thuyết tự sinh cũng không còn tồn tại trong đời sống khoa học nữa.
Từ những quan sát dưới kính hiển vi, Pasteur phân chia thế giới vi sinh thành hai nhóm lớn: các vi sinh vật ái khí (không thể sống thiếu oxy) và nhóm vi sinh vật kị khí (có thể sống trong môi trường không có oxy).
Các công trình nghiên cứu về bia và rượu vang
Theo yêu cầu của Hoàng đế Napoléon III, Louis Pasteur tiến hành các nghiên cứu về sự biến đổi của rượu vang trong quá trình lên men nước ép của nho. Ông phát hiện rằng tất cả các biến đổi này đều do các sinh vật “ký sinh” vì chúng phát triển nhiều hơn các vi sinh cần thiết cho quá trình lên men rượu bình thường. Ông đã hướng dẫn những người làm rượu chỉ nên sử dụng nguồn vi sinh vật sạch, không lẫn các sinh vật ký sinh để tránh các trường hợp sản phẩm bị hư hỏng.
Trong khi cố gắng “tìm ra một phương thuốc hữu hiệu để điều trị chứng bệnh mà ông đã tìm ra nguyên nhân”, Pasteur lại phát minh ra một kỹ thuật nhằm giảm thiểu sự tạp nhiễm môi trường nuôi cấy bằng cách đun nóng môi trường này lên đến khoảng 55-60 °C trong điều kiện không có không khí. Kỹ thuật này sau đó được đặt tên là phương pháp khử khuẩn Pasteur (pasteurisation), một phương pháp được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp chế tạo và bảo quản rượu vang.
Đối với công nghiệp sản xuất bia, ông khuyên nên tiệt khuẩn dung dịch nước ép bằng cách đun nóng với điều kiện không để bị tạp nhiễm và sau đó làm lạnh trước khi cho lên men bằng nguồn nấm men tinh khiết. Tính acid hợp lý của bia cũng có tác dụng hạn chế sự phát triển của các mầm ký sinh sau này cũng như giúp bảo quản tốt bia sau khi đã vào chai.
Bệnh ở nhộng tằm
Mặc dù đạt được thành công rực rỡ về mặt khoa học nhưng vai trò quản lý của ông tại Trường Sư phạm thì không như vậy. Tại đây do tính cách của mình, ông đã vấp phải rất nhiều sự chống đối đến độ cuối cùng ông mất chức. Nhờ đó ông có thời gian hơn để chuyên tâm vào công việc nghiên cứu khoa học. Từ tháng 6 năm 1865, Pasteur chuyển đến Alès và trải qua bốn năm ở đây nhằm nghiên cứu một loại bệnh ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi tằm. Tại đây ông đã cùng các học trò của mình miệt mài nghiên cứu. Do áp lực công việc và, quan trọng hơn cả, chuyện buồn gia đình (nhiều người trong gia đình chết do bệnh tật), Pasteur đã bị tai biến mạch máu não vào đêm 19 tháng 10 năm 1868. Nhiều người tưởng ông không thể qua khỏi, thế nhưng chỉ ba tháng sau ông đã trở lại với công việc nghiên cứu mặc dù cơ thể vẫn còn những di chứng nặng của bệnh. Nhờ sự quan sát tỉ mỉ của mình, ông đã nhận diện được các con tằm bị bệnh và tiêu diệt trứng của chúng trước khi bệnh lây lan cho các cá thể khác. Tại đây ông cũng lần đầu tiên nêu lên khái niệm “cơ địa” dễ mắc bệnh: các cá thể có “cơ địa” suy yếu thường là những cơ địa thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật và như vậy có khuynh hướng dễ mắc bệnh hơn các cá thể khác.
Những nghiên cứu bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật
Pasteur khẳng định rằng các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật là do các vi sinh vật gây nên.
Từ năm 1878 đến 1880, ông đã khám phá ra ba chủng vi khuẩn: liên cầu khuẩn (streptococcus), tụ cầu khuẩn (staphylococcus) và phế cầu khuẩn (pneumococcus). Xuất phát từ quan niệm rằng một loại bệnh được gây nên do một loại vi sinh vật nhất định do nhiễm từ môi trường bên ngoài, Pasteur đã thiết lập nên những nguyên tắc quan trọng trong vô khuẩn. Tỉ lệ tử vong hậu phẫu cũng như hậu sản giảm xuống một cách ngoạn mục nhờ áp dụng những nguyên tắc này.
Pasteur cũng tìm hiểu liệu người và động vật có thể được miễn dịch chống lại các bệnh truyền nhiễm nặng thường gặp như Jenner đã từng thực hiện với bệnh đậu mùa hay không. Năm 1880, Pasteur thành công trong việc tạo miễn dịch cho gà chống lại bệnh tả bằng cách cho chúng tiếp xúc với môi trường nuôi cấy vi khuẩn tả “già” (vi khuẩn này giảm độc lực). Những con gà này sau đó có khả năng chống lại bệnh tả khi được tiêm vi khuẩn độc lực mạnh. Pasteur nhanh chóng áp dụng nguyên lý chủng ngừa này cho các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh than ở lợn.
Điều trị dự phòng bệnh dại
Trong những năm 1880, phần lớn dân số châu Âu sống ở các vùng nông thôn, nơi tiếp xúc với động vật có thể mang mầm bệnh dại, bao gồm chó, mèo, chồn, dơi và chuột. Người dân thành phố cũng không an toàn trước căn bệnh này. Chó mèo và chuột đi lạc có thể mang bệnh dại. Nếu bị chó, mèo dại cắn thì căn bệnh là vô phương cứu chữa, người nhiễm bệnh chắc chắn sẽ chết.
Các phác đồ chủng ngừa một số bệnh truyền nhiễm đến thời điểm đó đã được chuẩn hóa. Nguyên tắc chung thì luôn luôn giống nhau: đầu tiên phải phân lập cho được tác nhân gây bệnh, nuôi cấy chúng để làm giảm độc lực trước khi tiêm cho người.
Trong trường hợp bệnh dại, tác nhân gây bệnh là virus, nhưng loại vi sinh vật này quá nhỏ nên không thể thấy được dưới kính hiển vi quang học thời bấy giờ. Pasteur đã dành 5 năm, từ 1880 đến 1885, để nghiên cứu bệnh này. Xuất phát từ thực tế là bệnh dại tác động đến hệ thần kinh, Pasteur dự đoán rằng tác nhân gây bệnh phải nằm trong não và tủy sống của những người mắc bệnh. Khi lấy bệnh phẩm thần kinh của những động vật mắc bệnh dại (chó, thỏ…) tiêm vào những cá thể khỏe mạnh, ông đã gây được biểu hiện bệnh dại ở các động vật này. Pasteur dùng tủy sống của thỏ mắc bệnh dại để lấy mầm bệnh dại và nuôi mầm bệnh này qua nhiều thể hệ khác nhau (thời đó người ta chưa khám phá ra virus nên Pasteur chỉ gọi chung chung là “mầm bệnh”). Sau quá trình này, mầm bệnh thu được đã giảm độc lực rất nhiều so với chủng virus dại ban đầu. Virus này có thể không gây bệnh do đã giảm độc lực nhưng vẫn có thể còn giữ được tính kháng nguyên có thể kích thích hệ miễn dịch sản xuất kháng thể chống lại bệnh.
Vaccine ngừa bệnh dại đầu tiên trên cơ sở virus giảm độc lực này đã được Pasteur, sau nhiều đắn đo suy tính, sử dụng vào ngày 6 tháng 7 năm 1885 ở một bé trai tên là Joseph Meister, người bị chó dại cắn trước đó. Thử nghiệm đã thành công, đây là một thành quả vang dội của Pasteur cũng như của nền y khoa thế giới.
Việc điều trị cho Meister là trường hợp đầu tiên được Pasteur công bố đã tiêm vắc xin phòng bệnh dại – ông đã thử vắc xin này nhưng vô ích trong một trường hợp khác được tuyên bố là mắc bệnh dại, đó là cô bé Pougho. Trong năm sau đó, Louis Pasteur và nhóm của ông đã thực hiện hơn 350 lần tiêm, nhưng không phải tất cả đều hiệu quả. Sau này, người ra mới khám phá ra rằng vắc xin phòng bệnh dại cần phải tiêm kịp thời càng sớm càng tốt, vì kháng thể chỉ xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin khoảng 10 ngày, còn nếu người bệnh đã xuất hiện triệu chứng thì họ sẽ chỉ còn sống được khoảng 2 – 10 ngày nữa, lúc đó thì việc tiêm vắc-xin sẽ không còn tác dụng nữa (vì người bệnh đã chết trước khi vắc-xin kịp tạo ra tác dụng).
Kết quả công trình nghiên cứu về bệnh dại được Pasteur trình bày trước Viện Hàn lâm Khoa học Pháp vào ngày 1 tháng 3 năm 1886. Nhân dịp này ông cũng đề nghị thành lập một cơ sở nhằm sản xuất vaccine chống bệnh dại. Năm 1887 lời kêu gọi này được công bố rộng rãi và nhận được 2 triệu Franc Pháp quyên góp. Nhờ đó vào năm 1888, Tổng thống Sadi Carnot cho tiến hành xây dựng Viện Pasteur đầu tiên tại Pháp. Các Viện Pasteur khác sau đó cũng được thành lập ở những nơi khác trên thế giới nhờ ảnh hưởng của các nhà vi sinh vật học như Albert Calmette và Alexandre Yersin. Tôn chỉ của Viện Pasteur từ đó đến nay không thay đổi: tiến hành các nghiên cứu chế tạo vaccine và các chiến dịch tiêm phòng chống lại các bệnh truyền nhiễm.
Tranh cãi
Vắc-xin bệnh than
Vào 1995, sau 100 năm ngày mất của Louis Pasteur, tờ New York Times chạy dòng tít “Pasteur’s Deception”. Sau khi đã đọc kỹ ghi chú của phòng thí nghiệm Pasteur, nhà lịch sử khoa học Gerald L. Geison đã tuyên bố rằng Pasteur đã đưa ra cách tính sai lệch về việc điều chế vắc-xin bệnh than được sử dụng trong thử nghiệm ở Pouilly-le-Fort.Max Perutz đã xuất bản nhiều bài bảo vệ Pasteur trên New York Review of Books.Thực tế là Pasteur tuyên bố công khai thành công của ông trong việc phát triển vắc-xin bệnh than năm 1881.Tuy nhiên, một bác sĩ thú y Toussaint là người đã phát triển vắc-xin này đầu tiên. Toussaint đã cô lập vi khuẩn Gram-âm cholera des poules (sau này được đặt tên có thêm chữ irony Pasteurella để vinh danh Pasteur) năm 1879 và đã đưa ra các mẫu để Pasteur sử dụng trong các công trình của ông (Pasteur). Năm 1880 với công bố của ông vào 12 tháng 7 tại Viện hàm lâm khoa học Pháp, Toussaint đã trình bày kết quả thành công của mình với một loại vắc-xin chống lại bệnh than trên chó và cừu. Pasteur hoàn toàn tự hào về những tranh luận ganh tị trong những khám phá bằng cách xuất bản những phương pháp vắc-xin của ông trên Pouilly-le-Fort vào ngày 5 tháng 5 năm 1881. Thí nghiệm xúc tiến thành công và đã giúp Pasteur bán sản phẩm của ông, và nhận được tất cả lợi nhuận và vinh quang.
Đạo đức trong thí nghiệm
Các thí nghiệm của Pasteur thường bị chỉ trích là trái với tiêu chuẩn y đức, đặc biệt đối với vắc-xin của ông về Meister. Khi đó, ông không có bất kỳ kinh nghiệm nào về thực hành y học, và quan trọng hơn là giấy phép hành nghề y. Điều này thường được trích dẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với uy tín nghề nghiệp và cá nhân ông. Thậm chí cộng sự thân cận nhất của ông là Dr. Emile Roux đã từ chối hợp tác trong thử nghiệm lâm sàng bất công. Nhưng Pasteur đã tiến hành thử nghiệm vắc-xin trên một cậu bé dưới sự giám sát của bác sĩ Jacques-Joseph Grancher, Trưởng phòng khám nhi khoa của bệnh viện Nhi Paris. Ông thậm chí còn không được phép giữ ống tiêm, mặc dù việc tiêm chủng đã hoàn toàn dưới sự giám sát của mình.Người chịu trách nhiệm về tiêm là Grancher và ông đã bảo vệ Pasteur trước Viện hàm lâm Y quốc gia Pháp về vấn đề này.
Trong thử nghiệm vắc-xin bệnh dại, có những cáo buộc rằng việc Pasteur đem một ai đó làm thử nghiệm lâm sàng mà không cần chẩn đoán là phản y đức (Meister đã không xuất hiện triệu chứng của bệnh dại tại thời điểm đó). Thứ hai, ông giữ bí mật về thủ tục của mình và không đưa ra các thử nghiệm tiền lâm sàng thích hợp.
Nhưng những cáo buộc trên là không chính xác. Pasteur đã tiết lộ phương pháp của ông cho một nhóm nhỏ các nhà khoa học. Ông cũng đã thử nghiệm tiêm chủng trong 40 con chó và đã thành công tốt đẹp trước khi sử dụng vắc-xin của mình trong con người. Trước khi tiêm cho Meister, Pasteur đã tham khảo ý kiến của các nhà khoa học Alfred Vulpian và Jacques-Joseph Grancher, và cùng với Roux, 4 người đã thảo luận về trường hợp của Meister và tranh luận về vấn đề y đức của việc thử nghiệm vắc-xin trong trường hợp này. Sự lựa chọn là hiển nhiên: nếu họ không làm gì cho đến khi cậu bé xuất hiện triệu chứng bệnh dại, thì cậu bé chắc chắn sẽ chết (con chó cắn cậu bé rất có thể đã bị bệnh dại, và vắc-xin không có tác dụng với những bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng bệnh), việc thử nghiệm vắc-xin tuy rủi ro nhưng ít ra cũng tạo nên cơ hội cứu sống Meister.
Tôn vinh
Pasteur được tôn vinh là “cha đẻ của ngành vi sinh vật học”. Ông chưa bao giờ chính thức học y khoa nhưng vẫn được xem như người thầy thuốc vĩ đại và là Ân nhân của Nhân loại (Benefactor of Humanity).
Ông cũng là thành viên của rất nhiều Viện Hàn lâm tại Pháp cũng như ở nước ngoài. Nhiều ngôi làng và đường phố trên thế giới mang tên ông. Có thể nói tài năng và cống hiến của ông đã vượt qua biên giới địa lý và chính trị. Tại Việt Nam, những con đường mang tên ông từ thời kỳ thuộc địa đã không hề thay đổi cho đến hôm nay mặc dù các con đường khác mang tên danh nhân Việt Nam lại bị thay đổi qua nhiều biến thiên thời cuộc.
Louis Pasteur mất ngày 28 tháng 9 năm 1895 tại Marnes la Coquette, Paris. Nhưng từ đó đến nay, thi hài ông vẫn luôn được giữ gìn trong giáo đường trong khuôn viên Viện Pasteur ở Paris chứ không phải ở Điện Panthéon như dự định trước đó. Rất nhiều tượng đài đã được xây dựng để tưởng nhớ đến ông.
********************
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp