Chủ nghĩa xã hội là gì? Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội

0
147
Rate this post

Chủ nghĩa xã hội là một hệ chính trị quá quen thuộc đối với tất cả người dân Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những hiểu biết về vấn đề này. Hãy cùng tìm hiểu xem Xã hội chủ nghĩa là gì? nhé!

Chủ nghĩa xã hội là gì?

Xã hội Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - mô hình mới của chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa xã hội (tiếng Đức: Sozialismus; tiếng Anh: Socialism; tiếng Nga: Социализм) là một trong ba ý thức hệ chính trị lớn hình thành trong thế kỷ 19 bên cạnh chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo thủ. Không có định nghĩa rõ ràng về chủ nghĩa xã hội mà nó bao gồm một loạt các khuynh hướng chính trị từ các phong trào đấu tranh chính trị và các đảng công nhân có tinh thần cách mạng, những người muốn lật đổ chủ nghĩa tư bản nhanh chóng và bằng bạo lực cho tới các dòng cải cách chấp nhận Thể chế Đại nghị và dân chủ như chủ nghĩa xã hội dân chủ. Theo đó, có sự phân biệt giữa những khuynh hướng chủ nghĩa cộng sản, dân chủ xã hội và vô chính phủ. Những người theo chủ nghĩa xã hội thường nhấn mạnh giá trị cơ bản như bình đẳng, công bằng và đoàn kết và đề cao mối quan hệ chặt chẽ giữa những phong trào xã hội và lý thuyết phê phán xã hội. Họ theo đuổi mục tiêu tạo ra một trật tự xã hội hòa hợp và hướng đến công bằng xã hội.

Trong lịch sử, tại nhiều quốc gia đã và đang tồn tại những hệ thống chủ nghĩa xã hội nhà nước thường được gọi là nhà nước cộng sản như Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Đông Đức và Cuba…

Chủ nghĩa Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa Mác-Lênin không thể lỗi thời! | Tạp chí Tuyên giáo

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội là giai đoạn thấp của hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa. những luận điểm này mang tính dự báo của C.Mác, Ph.Ăngghen về xã hội xã hội chủ nghĩa và quan điểm của V.I.Lênin từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết có thể thấy được những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội bao gồm:

  • Về mục tiêu, xã hội xã hội chủ nghĩa là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện.

Tính nhân đạo, nhân văn của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản thể hiện bản chất ưu việt, quan tâm hàng đầu đến con người. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản đã phản ánh tính nhân văn cao cả của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Đây cũng chính là giá trị khoa học – thực tiễn bền vững của học thuyết Mác.

V.I.Lênin, từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết đã nêu rõ mục tiêu lâu dài mà những người cộng sản phải hướng tới: “thiết lập một xã hội cộng sản, đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người lao động”. Ông cũng chỉ rõ: “Khi bắt đầu những cải tạo xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải đặt rõ cái mục đích mà những cải tạo xã hội chủ nghĩa đó rút cục nhằm tới, cụ thể là thiết lập một xã hội cộng sản chủ nghĩa, một xã hội không chỉ hạn chế ở việc tước đoạt các công xưởng, nhà máy, ruộng đất và tư liệu sản xuất, không chỉ hạn chế ở việc kiểm kê, kiểm soát một cách chặt chẽ việc sản xuất và phân phối sản phẩm, mà còn đi xa hơn nữa, đi tới việc thực hiện nguyên tắc: làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Vì thế cái tên gọi ““Đảng Cộng sản” là duy nhất chính xác về mặt khoa học”.

  • Về kinh tế, xã hội xã hội chủ nghĩa phải dựa trên lực lượng sản xuất phát triển cao; chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu từng bước được xác lập; tổ chức quản lý có hiệu quả, năng suất lao động cao; phân phối theo lao động là chủ yếu.

Khi phân tích mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra: sự tồn tại của chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa là lực cản lớn nhất, kìm hãm sự phát triển của tiến bộ xã hội. Chính vì vậy, cuộc cách mạng cộng sản phải xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Hai ông đã khẳng định: “Đặc trưng của chủ nghĩa xã hội không phải là xoá bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xoá bỏ chế độ sở hữu tư sản”.

Chế độ tư hữu tư sản hiện thời, lại là biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột của những người kia. Theo ý nghĩa đó, những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất là: xoá bỏ chế độ tư hữu. Xóa bỏ chế độ tư hữu, xác lập từng bước chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu là bản chất ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa. Đó là cơ sở kinh tế để xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, tiến bộ, quan hệ tốt đẹp giữa người và người. Tuy nhiên, đây là quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài, không thể thực hiện chóng vánh, ngay lập tức được.

Theo Hồ Chí Minh, “Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi những điều kiện ấy chưa có đủ”.

  • Về chính trị – xã hội, xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội dân chủ, Nhà nước xã hội chủ nghĩa vừa mang bản chất của giai cấp công nhân vừa mang tính nhân dân rộng rãi. Xã hội xã hội chủ nghĩa là một chế độ dân chủ, quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân. Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước thể hiện trước hết nó là một công cụ để bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân. Song lợi ích của giai cấp công nhân về cơ bản là thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động, do vậy, Nhà nước xã hội chủ nghĩa còn mang tính nhân dân rộng rãi.
  • Về văn hóa – tư tưởng, trong xã hội xã hội chủ nghĩa phải có nền văn hoá phát triển cao; kế thừa và phát huy những giá trị của văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá của nhân loại. Trong các chế độ dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân sẽ dẫn đến tình trạng tha hóa con người, tha hoá của người lao động. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, con người có đầy đủ điều kiện tiến từ “vương quốc tất yếu” sang “vương quốc tự do”. Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho người lao động trở thành một nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa đột phá để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
  • Về quan hệ dân tộc, xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội bảo đảm công bằng, bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu luận điểm giá trị: xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ. V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển những quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về quan hệ giữa các dân tộc trong điều kiện mới, đồng thời đi sâu giải quyết những vấn đề về “dân tộc thuộc địa”, các “dân tộc bị áp bức” trên thế giới, khuyến khích các phong trào giành độc lập, chủ quyền gắn với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Về quan hệ quốc tế, quan hệ giữa dân tộc và quốc tế được giải quyết trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đều thống nhất trong luận điểm: chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội là có tính chất quốc tế. Chủ nghĩa yêu nước phải kết hợp với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân trong các phong trào cách mạng, hướng đến chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin khẳng định: “Không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa, của toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới, thì không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được”.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa xã hội là gì và vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ  nghĩa? | VIETNAM GLOBAL NETWORK

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là những biện pháp, tiến trình, lực lượng, động lực… để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Về tiến trình, thực hiện 2 bước của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bước thứ nhất, giai cấp công nhân giành lấy chính quyền bằng nhiều biện pháp: bạo lực cách mạng là quy luật phổ biến; biện pháp hòa bình là “hiếm và quý”. Bước thứ hai , xây dựng chủ nghĩa xã hội, bao gồm: cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội (về kinh tế, chính trị, xã hội, con người…).

Chủ nghĩa Mác – Lênin cũng đã phác thảo những nét căn bản như sau:

  • Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm tạo ra cơ sở vật chất – kỹ thuật và đời sống tinh thần của chủ nghĩa xã hội.
  • Hai là, xác định rõ thực chất, nội dung, nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Khi luận giải về qui luật phát triển lịch sử – tự nhiên của xã hội loài người trải qua các hình thái kinh tế – xã hội, C.Mác dự báo về sự ra đời của hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa và xác định tính tất yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, thực chất là “thời kỳ quá độ chính trị“, nhà nước là nhà nước chuyên chính vô sản.
  • Ba là, không ngừng mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa, dựa trên nền tảng là liên minh công – nông và các tầng lớp lao động khác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính vô sản là liên minh công – nông. Mặt khác từ thực tiễn, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, V.I.Lênin còn đề cao vai trò của tầng lớp trí thức, mở rộng liên minh công – nông thành liên minh công – nông với các tầng lớp lao động khác, nhất là với trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
  • Bốn là, đi lên chủ nghĩa xã hội cần kế thừa những giá trị quý báu trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa và của nhân loại. Lênin khẳng định: “phải tiếp thu toàn bộ khoa học, kỹ thuật, tất cả những kiến thức, tất cả nghệ thuật” và kế thừa “mọi thành tựu của khoa học kỹ thuật của loài người”, coi đó là những “viên gạch”, những “vật liệu” quí báu mà những người cộng sản phải biết sử dụng nó vào quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
  • Năm là, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vừa có tính phổ biến vừa mang nét đặc thù, các dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội không hoàn toàn giống nhau mà mang theo đặc điểm của mình. Mặc dù khẳng định tính phổ biến trong tiến trình phát triển chung của xã hội loài người và tính thống nhất trong mục tiêu chung là chủ nghĩa xã hội, nhưng chủ nghĩa Mác – Lênin cũng khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là rất đa dạng và mang tính đặc thù của mỗi nước. Không nhận thức rõ vấn đề này thì việc rập khuôn máy móc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước là khó tránh khỏi.
  • Sáu là, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản – nhân tố quyết định thành công của con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ vai trò lãnh đạo của những người cộng sản đối với cuộc cách mạng công nhân – cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin khẳng định Đảng cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ có Đảng Cộng sản, nếu nó thực sự là đội tiên phong của giai cấp cách mạng, nếu nó bao gồm những đại biểu ưu tú nhất của giai cấp đó, nếu nó gồm tất cả những chiến sĩ cộng sản hoàn toàn có ý thức và trung thành, có học vấn và được tôi luyện bằng kinh nghiệm đấu tranh cách mạng bền bỉ, nếu nó biết gắn liền với toàn bộ cuộc sống của giai cấp mình và thông qua giai cấp đó, gắn với tất cả quần chúng bị bóc lột, và biết làm cho giai cấp và quần chúng đó tin tưởng hoàn toàn vào mình – chỉ có một đảng như vậy mới có thể lãnh đạo được giai cấp vô sản, trong cuộc đấu tranh cuối cùng, kiên quyết nhất, thẳng tay chống lại tất cả mọi thế lực của chủ nghĩa tư bản.

Về bối cảnh, động lực, lực lượng của cách mạng xã hội chủ nghĩa:

  • Bối cảnh là thời kỳ quá độ với đặc điểm “đan xen”, phức tạp, khó khăn, lâu dài…
  • Động lực: lợi ích giai cấp, lợi ích  dân tộc, lợi ích cá nhân hài hòa lợi ích tập thể; khoa học và kỹ thuật…
  • Lực lượng: giai cấp công nhân và các giai tầng lao động
  • Biện pháp kinh tế: “Cùng với việc xã hội chiếm giữ các phương tiện xã hội, nền sản xuất hàng hóa bị loại bỏ, và do đó, cả sự thống trị của sản phẩm đối với người sản xuất.” (Ph.Angghen)

Video về Chủ nghĩa xã hội

******************

Như vậy, Chủ nghĩa xã hội là gì? Đã được chúng tôi trả lời chi tiết trong mục đầu tiên của bài viết. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã phân tích một số điểm quan trọng trong con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thực tiễn. Chúng tôi mong rằng với những nội dung đã trình bày sẽ giúp ích được quý bạn đọc.

 

 Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/chu-nghia-xa-hoi-la-gi-quan-diem-cua-chu-nghia-mac-lenin-ve-chu-nghia-xa-hoi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp