Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

0
114
Rate this post

Cùng tìm hiểu các bài văn mẫu Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng.

Nội dung chính

Dàn ý Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

Mẫu dàn ý 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Nhân vật Từ Hải trong đoạn trích “Chí khí anh hùng”.

2. Thân bài

– Từ Hải- Người anh hùng có lý tưởng và khát vọng cao đẹp:
+ Hoàn cảnh ra đi: “hương lửa đương nồng”: tình cảm vợ chồng hạnh phúc, song vẫn nuôi chí lập nghiệp lớn.
+ Hành động, ý nghĩ: “thoắt” , “động lòng bốn phương” “trông vời” : dứt khoát, nhanh lẹ,  quyết tâm lập công danh lừng lẫy.
+ Tư thế: “lên đường thẳng rong”: thong dong, dứt khoát, không vướng bận, quyến luyến.

– Từ Hải- người trượng phu trọng tình nghĩa:
+ Từ chối mong muốn đi theo của Thuý Kiều.
+ Động viên, mong nàng hãy vượt lên những tình cảm thông thường vốn có của nữ nhi để sánh cùng chí lớn của chàng.
+ Thấu hiểu tâm tư Thuý Kiều và trân trọng tình cảm của Kiều.
+  Bậc trượng phu không muốn Kiều phải chịu nhiều bận tâm, khổ cực vì mình.
+ Lời hứa hẹn “rước nàng nghi gia” ngày chiến thắng trở về.

– Từ Hải- Người anh hùng có bản lĩnh, dũng cảm, tự tin:
+ Ra đi bằng quyết tâm, trở về bằng chiến thắng: “mười vạn tinh binh”. “tiếng chiêng dậy đất”, “bóng tinh rợp đường”,…
+ Lời hẹn “một năm sau”: tự tin vào tài năng, chiến thắng trong thời gian ngắn của bản thân.
+ Hành động lên đường: “quyết lời” , “dứt áo”, “ra đi”:  mạnh mẽ, dứt khoát, không chút buồn vương, vướng bận.
+ Hình ảnh cánh chim bằng: cưỡi gió, vượt mây- biểu tượng cho ước mơ chinh phục khát vọng, lập nên vinh quang trong sự nghiệp của Từ Hải.

3. Kết bài

Khẳng định lại vẻ đẹp của Từ Hải và tài năng của Nguyễn Du.

Mẫu dàn ý 2

1. Mở bài: 

Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Du, đoạn trích Chí khí anh hùng và dẫn dắt vào nhân vật Từ Hải.

2. Thân bài: 

a. Lý tưởng cao đẹp, khát vọng tung hoành
– “Hương lửa đương nồng”: Cuộc sống đang yên vui hạnh phúc nhưng Từ Hải quyết tâm ra đi vì chí lớn.
– “Động lòng bốn phương”: Người anh hùng mang trong mình chí nguyện lập nên công danh, sự nghiệp vẻ vang.
– “Thanh gươm”, “yên ngựa”- “lên đường thẳng dong”: Khí phách hiên ngang, hành động quyết đoán đầy bản lĩnh.
=> Khát vọng được lên đường, tung hoành ngang dọc để thỏa đáng lý tưởng của đấng trượng phu.

b. Từ Hải là người có bản lĩnh, khí phách anh hùng
– Khi Thúy Kiều tỏ ý muốn đi cùng, Từ Hải từ chối khéo léo và khuyên nhủ nàng cố gắng vượt qua tâm tình của nữ nhi, xứng đáng là nữ nhi của anh hùng xuất chúng.
– Chí khí của Từ Hải có thể vượt lên trên tình cảm cá nhân, không bị vướng bận, đắn đo mà dứt khoát mạnh mẽ.
– Bản lĩnh và sự tự tin vào tài năng của mình sẽ mang về tiếng tăm, sự nghiệp lẫy lừng khiến cho cuộc sống cùng nàng Kiều tốt đẹp hơn. “Mười vạn tinh binh”, “rước nàng nghi gia”…

c. Con người Từ Hải dứt khoát, quyết ra đi không vì tình yêu mà quên đi lý tưởng
– Quyết tâm dứt áo ra đi mặc dù biết con đường lập nghiệp đầy gian nan, vất vả
– Lời hứa “một năm” là thời gian ước định cho khát vọng công danh, sự nghiệp, người anh hùng Từ Hải tự tin vào bản thân sẽ chỉ cần một năm để làm nên chuyện lớn
– Gác lại tình yêu thương mặn nồng, người anh hùng ra đi với lý tưởng cao đẹp mang tầm vóc vũ trụ.

3. Kết bài: 

Khẳng định giá trị ý nghĩa hình ảnh nhân vật Từ Hải, nêu cảm nhận của em về nhân vật này.

Mẫu dàn ý 3

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về truyện Kiều.
– Dẫn dắt vào nhân vật Từ Hải.

2. Thân bài

a. Vẻ đẹp lý tưởng của Từ Hải
– Hoàn cảnh: Tình cảm Từ- Kiều đang hạnh phúc, sum vầy “hương lửa đương nồng”.
– Khát vọng của đấng trượng phu: “động lòng bốn phương”: nuôi chí lớn lập công danh trong thiên hạ.
– Tư thế: ngạo nghễ, tự tin.
– Hành động: mạnh mẽ, dứt khoát “thoắt”.

b. Vẻ đẹp khí phách, bản lĩnh, tài năng của Từ Hải
– Khéo léo từ chối lời đề nghị của Kiều. Mong muốn nàng vượt qua những thói nữ nhi thường tình.
– Tin tưởng vào chiến thắng, lập nên nghiệp lớn: “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất”, …
– Lời hẹn ước đầy chắc chắn, tự tin “rước nàng nghi gia”.

c. Vẻ đẹp trong hành động ra đi của Từ Hải
– Tư thế, hành động: “quyết lời”, “dứt áo”,”ra đi”: mau lẹ, dứt khoát, không bịn rịn, lưu luyến.
– Hình ảnh ẩn dụ: “bằng đã đến kì dặm khơi”: tầm vóc lớn lao, kì vĩ của khát vọng người anh hùng.

3. Kết bài

Khẳng định lại vẻ đẹp nhân vật.

Mẫu dàn ý 4

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả và tác phẩm
– Giới thiệu nhân vật Từ Hải

2. Thân bài:

a. Lí tưởng cao đẹp, khát vọng tung hoành bốn phương:
– Hoàn cảnh: Cuộc sống của Từ Hải và Thuý Kiều đang hạnh phúc, yên vui “nửa năm hương lửa đương nồng”.
– Từ Hải quyết tâm ra đi vì chí lớn:
+ “Thoắt”: Hành động dứt khoát, sự mau lẹ.
+ “Động lòng bốn phương”: Chí nguyện lập công danh sự nghiệp trên thiên hạ.
+”Trông vời …mang”: Từ Hải nhìn ra phía xa xôi, mong muốn được lên đường.
+”thanh gươm”, “yên ngựa”, “lên đường thẳng rong”: Tư thế hiên ngang, hành động ra đi dứt khoát, không do dự.

b. Người anh hùng có bản lĩnh phi thường, tài năng và sự quyết tâm cao độ:
– Thuý Kiều bày tỏ muốn đi cùng Từ Hải, chàng từ chối khéo léo:
+ “Tâm phùng tương tri”: Hai người đã rất hiểu nhau, là tri kỉ của nhau
+ Từ Hải mong nàng vượt lên tâm tình của nữ nhi thường tình, xứng đáng là tri kỉ của người anh hùng.

– Sự từ chối khéo lẽo của Từ hải cho thấy chí khí của chàng vượt lên trên tình cảm cá nhân.
– Chàng còn tự tin vào khát vọng và tài năng của mình “Bao giờ …nghi gia”.
+ “Mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất”, “bóng tinh rợp đường”: Khát vọng lớn lao của Từ Hải, có sự nghiệp lững lầy, mang tầm vóc vũ trụ.
+ “Làm cho rõ mặt phi thường”: Cho thiên hạ thấy được tài năng xuất chúng của chàng.
+ “Rước nàng nghi gia”: Lời hứa cho Thúy Kiều danh phận và cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.

– Lời hứa của Từ Hải khi ra đi, cho thấy sự tự tin của chàng:
+ “Bốn bể là nhà”: Sự vất vả gian nan của chàng buổi đầu lập nghiệp.
+ “Một năm”: Thời gian ước định cho lời hứa của Từ Hải với Kiều, ước định cho khát vọng của chàng =>niềm tin vào tài năng của mình.

– Hình ảnh Từ Hải dứt khoát ra đi đầy bản lĩnh:
+ Sử dụng các động từ mạnh “dứt”, “quyết”, “ra đi”: thái độ dứt khoát mau lẹ, bản lĩnh của Từ Hải.
+ “gió mây … khỏi”: Hình ảnh ẩn dụ khát vọng của người anh hùng như chim bằng bay lên cùng gió mây => mang tầm vóc vũ trụ.

3. Kết bài:

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Cảm nghĩ về nhân vật

Mẫu dàn ý 5

1. Mở bài

– Giới thiệu những nét khái quát về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm “Truyện Kiều”.
– Giới thiệu những nét khái quát về đoạn trích “Chí khí anh hùng” (Khái quát vị trí đoạn trích, những nét đặc sắc về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích,…)
– Giới thiệu khái quát về vấn đề nghị luận: Nhân vật Từ Hải trong đoạn trích “Chí khí anh hùng”.

2. Thân bài

a. Từ Hải với khát vọng lên đường và khao khát được tung hoành, vùng vẫy khắp bốn phương
– Hoàn cảnh: Thời điểm “hương lửa đương nồng” – tình yêu, cuộc sống của Thúy Kiều và Từ Hải đang độ mặn nồng, êm ấm và hạnh phúc.
– Cách sử dụng từ ngữ và hình ảnh gợi lên tư thế, khát vọng tung hoành khắp đó đây của anh hùng Từ Hải:
+ “Thoắt”: Sự dứt khoát, mau lẹ của Từ Hải.
+ “Bốn phương”: một không gian vũ trụ bao la, rộng lớn, gợi lên khát vọng lập công danh, sự nghiệp, tung hoành khắp năm châu bốn bể.
+ “Thanh gươm”, “yên ngựa” và “lên đường thẳng rong”: Gợi lên hình ảnh người anh hùng Từ Hải một mình, một ngựa, một gươm lên đường không chút do dự để thực hiện khát vọng của bản thân.

b. Từ Hải là người anh hùng có chí khí, có tài năng, luôn tự tin vào tài năng của bản thân và có khao khát hạnh phúc phi thường.
– Nghe Thúy Kiều bày tỏ nỗi niềm muốn được đi cùng, Từ Hải đã nhẹ nhàng trách móc và khéo léo từ chối:
+ “Tâm phúc tương tri”, là người tri kỉ có thể thấu hiểu mọi nỗi niềm tâm sự, mọi quyết định của chàng.
+ Mong muốn Thúy Kiều sẽ vượt lên trên những nỗi niềm mong muốn đời thường của người con gái để xứng đáng làm người tri âm, tri kỉ của bậc anh hùng.
→ Sự từ chối ấy cho thấy Từ Hải đã vượt lên trên tình cảm cá nhân, không chút bịn rịn, lưu luyến mà quên đi lí tưởng, khát vọng lớn lao của mình.

– Tự tin vào tài năng của chính mình và luôn có một khao khát hạnh phúc phi thường.
+ “Mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng”, “bóng tinh rợp đường”: Gợi lên khát vọng lớn lao, mang tầm vóc vũ trụ của người anh hùng Từ Hải.
+ “Làm cho rõ mặt phi thường”: Khát vọng tạo lập được một công danh, sự nghiệp lẫy lừng khắp đó đây, xuất chúng trong thiên hạ.
→ Niềm tin sắt đá vào tài năng của chính mình
+ “Rước nàng nghi gia”: Đón Thúy Kiều về nhà và cho nàng một danh phận để vợ chồng có cuộc sống sum vầy, hạnh phúc lứa đôi.
→ Từ Hải ra đi không phải chỉ để thực hiện lí tưởng, hoài bão, khát khao của bản thân mình mà còn hướng tới hạnh phúc phi thường trong cuộc sống.

– Lời hứa ngắn gọn với Kiều càng thể hiện rõ sự tự tin của Từ Hải:
+ “Bốn bể không nhà”: gơi ra những gian nan, thử thách, khó khăn trong buổi đầu lập nghiệp mà người anh hùng phải đương đầu vượt qua để thực hiện lí tưởng của bản thân mình.
+ “Một năm”: Cho thấy sự tự tin của chàng trên con đường chinh phục, thực hiện lí tưởng, khát vọng lớn lao của bản thân.

c. Từ Hải – con người đầy bản lĩnh và dứt khoát khi ra đi
– Sử dụng hàng loạt các từ ngữ “quyết”, “dứt”, “ra đi” trong cùng một câu thơ tác giả đã cho thấy sự dứt khoát, không do dự của người anh hùng Từ Hải.
– Hình ảnh ẩn dụ “chim bằng” trong câu thơ cuối cùng để thể hiện hình tượng người anh hùng có lí tưởng cao đẹp, hoài bão lớn lao, mang tầm vóc của vũ trụ.

3. Kết bài

Khái quát những đặc điểm cơ bản của nhân vật Từ Hải, nghệ thuật xây dựng nhân vật và nêu cảm nhận của bản thân.

Các bài văn mẫu Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 1

Người anh hùng Từ Hải là một sáng tạo đặc sắc của Nguyễn Du về phương diện cảm hứng sáng tạo và nghệ thuật miêu tả. Qua đoạn trích Chí khí anh hùng trích từ Truyện Kiều, có thể nhận thấy nhiều nét mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng như ý nghĩa của hình tượng nhân vật này.

Chí khí anh hùng là đoạn do Nguyễn Du sáng tạo ra trong văn bản Truyện Kiều, không có trong Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân). Trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Từ Hải được tả rất trần trụi, có nét tướng cướp, lại từng thi hỏng, đi buôn… Những chi tiết này đều được Nguyễn Du lược bỏ, thay vào đó, nhà thơ xây dựng một hình tượng anh hùng tuyệt đẹp.

Người anh hùng là nhân vật lí tưởng truyền thống của văn học trung đại. Nhưng đó không phải là hình tượng thường xuyên xuất hiện trong các sáng tác của Nguyễn Du. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ xây dựng duy nhất một hình tượng anh hùng, đó là Từ Hải. Từ Hải là nhân vật yêu thích của Nguyễn Du.

Nguyễn Du xây dựng hình tượng người anh hùng theo quan niệm của mình và bằng quan niệm của mình. Từ Hải là sự hợp nhất của hai hình tượng: hình tượng có tính ước lệ và hình tượng con người vũ trụ. Đó là nét mới mẻ trong cách xây dựng hình tượng người anh hùng của Nguyễn Du so với các văn sĩ trước đó.

Trước Nguyễn Du, văn học Lý Trần đã xây dựng khá nhiều hình tượng người anh hùng. Đó là những ai? Là hai vị Thánh quân trong Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, là nhân vật trữ tình trong Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải, là hình tượng nhân vật trữ tình trong Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão… Thời Lê, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng đã xây dựng hình tượng người anh hùng Lê Lợi. Hầu hết các hình tượng anh hùng này đều có sự đan xen giữa hình tượng chân thực và hình tượng con người vũ trụ.

Họ hiện lên vừa có nét chân thực:

Đoạt sóc Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
(Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù)

Vừa có nét phi thường:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
(Múa giáo non sông trải mấy thâu).

Xây dựng hình tượng nhân vật Từ Hải trong Chí khí anh hùng, Nguyễn Du kết hợp miêu tả vừa ước lệ, vừa tạo ấn tượng về tầm vóc vũ trụ. Hai phương diện ước lệ và cảm hứng vũ trụ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau:

Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Lòng bốn phương là khái niệm có nội hàm diễn tả con người vũ trụ. Bốn phương ở đây chỉ nam, bắc, đông, tây, có nghĩa là thiên hạ, thế giới. Nhưng theo Kinh Lễ, xưa sinh con trai, người ta làm cái cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng, bắn tên ra bốn phương, tượng trưng cho mong muốn sau này người con trai làm nên sự nghiệp lớn. Như vậy, lòng bốn phương không chỉ có nội hàm diễn tả con người vũ trụ mà còn là hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho chí nguyện lạp công danh, sự nghiệp.

Các hình tượng trông vời trời bể mênh mang, bốn bể, chim bằng, gió mây cũng tương tự như vậy. Chúng vừa là ước lệ, lại vừa tạo nên ấn tượng về tầm vóc vũ trụ của Từ Hải. Sự đan kết hai nội hàm ý nghĩa trước- hết khắc hoạ hình tượng nhân vật lớn lao, kì vĩ, phi thường.

Chính sự kết hợp đó khiến hình tượng người anh hùng trong sáng tác của Nguyễn Du trở thành lý tưởng. Và vì lý tưởng nên không thể sử dụng bút pháp tả thực để miêu tả được. Cũng vì lý tưởng nên hình tượng nhân vật người anh hùng Tả Hải mãi mãi chỉ là mơ ước của nhà thơ. Nguyễn Du mơ ước có được một người anh hùng như thế, để thực thi khát vọng công lí cho những thân phận bất hạnh như Thúy Kiều.

Nét mới mẻ thứ hai trong xây dựng hình tượng người anh hùng Từ Hải trong Chí khí anh hùng là nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ nhân vật. Nguyễn Du để hai nhân vật đối thoại với nhau và người mở lời là Thuý Kiều:

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Mặc dù rất yêu và trân trọng nàng nhưng Từ Hải đã đáp lại bằng những lời lẽ dứt khoát mà hợp tình hợp lý:

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?…

Từ Hải không quyến luyến, bịn rịn tình yêu mà quên lí tưởng cao cả. Trong lời nói của Từ, hình ảnh mười vạn tinh binh và bóng cờ, tiếng chiêng gợi nên ‘khát vọng lớn lao, tầm vóc vũ trụ của người anh hùng xưa. Chàng còn khẳng định quyết tâm và sự tất yếu thành công qua cách ước lượng thời gian: Chầy chăng là một năm sau vội gì! Nguyễn Du không cần miêu tả dài dòng, chỉ bằng mấy câu nói, nhân vật của ông đã hiện lên trọn vẹn với khí phách anh hùng.

Đọc Chí khí anh hùng, có thể thấy khi miêu tả những suy nghĩ, hành động của nhân vật, tác giả luôn lựa chọn những động từ gợi tả sự nhanh gọn, dứt khoát, kiên quyết: thoắt, thẳng rong, dứt áo ra đi. Những từ ngữ này đã góp phần khắc họa tính cách anh hùng của nhân vật Từ Hải.

Như vậy, có thể thấy, trong Chí khí anh hùng, khi xây dựng nhân vật người anh hùng của mình, Nguyễn Du đã có nhiều sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật miêu tả. Nhờ đó, hình tượng nhân vật Từ Hải đã đi vào lòng mỗi người đọc với những ấn tượng đặc biệt, không thể lẫn với các hình tượng người anh hùng khác. Chính lòng yêu mến và tài năng nghệ thuật đã giúp Nguyễn Du có được thành công lớn khi xây dựng hình tượng nhân vật Từ Hải trong đoạn trích này.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 2

Tham khảo bài văn mẫu phân tích nhân vật Từ Hải hay nhất được chọn lọc và chia sẻ dưới đây dành cho các em học sinh.

Nguyễn Du là một trong số những tên tuổi, những cây bút tiêu biểu và xuất sắc của nền văn học trung đại Việt Nam nói riêng, nền văn học Việt Nam nói chung. Ông đã góp vào kho tàng văn học nước nhà nhiều tác phẩm xuất sắc được biết bằng cả chữ Nôm và chữ Hán, trong đó tác phẩm “Truyện Kiều” được xem là kiệt tác của nền văn học dân tộc.

Trong tác phẩm, người đọc đã nhiều lần chứng kiến nhân vật Thúy Kiều chia tay với những người yêu thương nhưng có lẽ cuộc chia tay để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc chính là cuộc chia tay giữa Kiều và Từ Hải. Và đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã tái hiện một cách chân thực và rõ nét cuộc chia tay ấy. Đặc biệt, qua đoạn trích, người đọc thấy được chí khí, vẻ đẹp của người anh hùng Từ Hải.

Trước hết, trong đoạn trích “Chí khí anh hùng”, Từ Hải hiện lên là một con người với khát vọng lên đường mãnh liệt và khao khát được tung hoành, vùng vẫy khắp bốn phương.

Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm, yên ngựa, lên đường thẳng rong.

Câu thơ mở đầu đoạn trích đã mở ra hoàn cảnh cuộc chia tay lên đường của Từ Hải. Đó chính là thời điểm “hương lửa đương nồng”, tình yêu, cuộc sống của Thúy Kiều và Từ Hải đang độ mặn nồng, êm ấm và hạnh phúc. Để rồi, trong chính hoàn cảnh ấy, khát vọng lên đường, được vẫy vùng khắp đó đây của Từ Hải càng hiện rõ lên bao giờ hết. Từ “thoắt” được tác giả sử dụng thật độc đáo, qua đó cho thấy dứt khoát, mau lẹ của Từ Hải.

Cùng với đó, cái mà Từ Hải hướng đến, khiến cho Từ Hải phải động lòng đó chính là “bốn phương” – một không gian vũ trụ bao la, rộng lớn, gợi lên khát vọng lập công danh, sự nghiệp, tung hoành khắp năm châu bốn bể. Đặc biệt, tư thế lên đường của nhân vật Từ Hải còn được Nguyễn Du khắc họa rõ nét qua hàng loạt các hình ảnh “thanh gươm”, “yên ngựa” và “lên đường thẳng rong”.

Tất cả những từ ngữ ấy đã gợi lên hình ảnh người anh hùng Từ Hải một mình, một ngựa, một gươm lên đường không chút do dự để thực hiện khát vọng của bản thân. Đó là một tư thế rất đẹp, hiên ngang, không chút vướng bận của người quân tử. Tư thế ấy sánh ngang với vũ trụ bao la, rộng lớn. Và như vậy, qua bốn câu thơ mở đầu đoạn trích, tác giả đã cho người đọc cảm nhận rõ nét hình tượng người anh hùng Từ Hải với khát vọng lên đường, khát vọng vẫy vùng trong trời đất năm châu bốn bể mạnh mẽ, không gì có thể cản nổi.

Không chỉ dừng lại ở khát vọng được vẫy vùng khắp năm châu bốn bể, nhân vật Từ Hải còn hiện lên là một người có anh hùng có chí khí, có sự thống nhất cao độ giữa lí tưởng phi thường của bản thân với tình cảm nghĩa tình sâu đậm với người tri kỉ. Vẻ đẹp ấy của nhân vật Từ Hải được thể hiện rõ nét qua lời đối đáp của chàng khi Thúy Kiều quyết một lòng đi theo cùng chàng.

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Nghe Thúy Kiều bày tỏ nỗi niềm muốn được đi cùng Từ Hải để chăm sóc cho chàng, Từ Hải đã nhẹ nhàng trách móc Kiều chưa thoát khỏi được những khao khát, ước muốn của nữ nhi. Đồng thời, Từ Hải cũng đã lấy đã khéo léo từ chối lời đề nghị của Kiều, bằng cách đưa ra đạo lí về tri kỉ để khuyên Kiều ở lại.

Từ Hải xem Thúy Kiều là “tâm phúc tương tri”, là người tri kỉ có thể thấu hiểu mọi nỗi niềm tâm sự, mọi quyết định của chàng và vì vậy, chàng mong muốn Thúy Kiều sẽ vượt lên trên những nỗi niềm mong muốn đời thường của người con gái để xứng đáng làm người tri âm, tri kỉ của bậc anh hùng. Sự từ chối ấy cho thấy Từ Hải đã vượt lên trên tình cảm cá nhân, không chút bịn rịn, lưu luyến mà quên đi lí tưởng, khát vọng lớn lao của mình.

Thêm vào đó, Từ Hải còn là người tự tin vào tài năng của bản thân khi chàng đã cất lời hứa với Thúy Kiều.

Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Câu thơ là lời khẳng định, lời hứa của Từ Hải dành cho Thúy Kiều và với cả chính bản thân mình. “Mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng”, “bóng tinh rợp đường” là những từ ngữ, hình ảnh thuộc phạm trù không gian rộng lớn, từ đó gợi lên trong tâm trí người đọc khát vọng lớn lao, mang tầm vóc vũ trụ của người anh hùng Từ Hải.

Khát vọng “làm cho rõ mặt phi thường” chính là khát vọng tạo lập được một công danh, sự nghiệp lẫy lừng khắp đó đây, xuất chúng trong thiên hạ. Đó chính là niềm tin sắt đá vào tài năng của chính mình của người anh hùng Từ Hải. Đồng thời, chàng cũng hứa hẹn với Thúy Kiều khi đã có công danh lẫy lừng sẽ đón nàng “nghi gia” để vợ chồng có cuộc sống sum vầy, hạnh phúc lứa đôi. Điều đó vừa cho thấy tấm lòng, sự lo lắng cho Thúy Kiều của người anh hùng Từ Hải đồng thời cũng cho thấy niềm tin vào chính mình của chàng.

Như vậy, Từ Hải ra đi không phải chỉ để thực hiện lí tưởng, hoài bão, khát khao của bản thân mình mà còn hướng tới hạnh phúc phi thường trong cuộc sống, đó chính là “trai anh hùng với gái thuyền quyên”. Thêm vào đó, lời hứa ngắn gọn với Kiều càng thể hiện rõ sự tự tin của Từ Hải.

Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!

Với hình ảnh “bốn bể không nhà” nhà thơ đã khéo léo gợi ra những gian nan, thử thách, khó khăn trong buổi đầu lập nghiệp mà người anh hùng phải đương đầu vượt qua để thực hiện lí tưởng của bản thân mình. Để rồi, từ đó, chàng cũng đã đưa ra lời hứa với Thúy Kiều về thời gian trở về. “Một năm” trong lời hứa của Từ Hải với Thúy Kiều đã cho thấy một cách rõ nét sự tự tin của chàng trên con đường chinh phục, thực hiện lí tưởng, khát vọng lớn lao của bản thân.

Cùng với đó, hình tượng người anh hùng Từ Hải hiện lên trong tác phẩm còn là con người đầy bản lĩnh và ra đi với một thái độ dứt khoát, không vướng bận, quyến luyến.

Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

Chỉ với hai câu thơ nhưng tác giả Nguyễn Du đã khéo léo vẽ ra trước mắt người đọc tư thế ra đi của người anh hùng Từ Hải. Bằng việc sử dụng hàng loạt các từ ngữ “quyết”, “dứt”, “ra đi” trong cùng một câu thơ tác giả đã cho thấy sự dứt khoát, không hề do dự, không để tình cảm bịn rịn làm lung lạc và cản bước ý chí người anh hùng của nhân vật Từ Hải. Thêm vào đó, tác giả còn sử dụng hình ảnh ẩn dụ “chim bằng” trong câu thơ cuối cùng để thể hiện hình tượng người anh hùng có lí tưởng cao đẹp, hoài bão lớn lao, mang tầm vóc của vũ trụ.

Tóm lại, với bút pháp lí tưởng hóa nhân vật cùng những hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng, đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng Từ Hải. Đồng thời, qua hình tượng nhân vật Từ Hải đã thể hiện quan niệm về người anh hùng lí tưởng và ước mơ công lí của tác giả Nguyễn Du.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 3

Đón đọc bài văn phân tích nhân vật Từ Hải ngắn gọn dưới đây với những ý văn súc tích và đầy đủ nội dung trọng tâm.

Nguyễn Du là tác giả tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. Ông đã để lại cho nền văn học nước nhà một khối lượng tác phẩm vô cùng lớn cả văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến Truyện Kiều.

Đọc Truyện Kiều nói chung và trích đoạn Chí khí anh hùng nói riêng, người đọc hẳn sẽ không thể nào quên được chàng trai “đầu đội trời, chân đạp đất” Từ Hải- người anh hùng với chí khí bốn phương và khát khao lập nên nghiệp lớn. Có thể nói, Từ Hải đã trở thành một nhân vật mà ở đó tác giả gửi gắm ước mơ về công lý, công bằng trong xã hội lúc bấy giờ.

” Nửa năm hương lửa động lòng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”

Sau nửa năm kể từ ngày cứu Thúy Kiều ra khỏi chốn lầu xanh, Kiều và Từ Hải chung sống với nhau, tình cảm rất mực gắn bó thắm thiết “hương lửa đương nồng”. Những tưởng hạnh phúc gia đình ấm êm có thể níu giữ đôi chân Từ Hải. Nhưng không, trái tim và chí hướng của người anh hùng đã “động lòng bốn phương”, Từ Hải ước mơ lập nên nghiệp lớn, nuôi chí vùng vẫy bốn phương. Tính từ “thoắt” kết hợp với cụm động từ “động lòng bốn phương” cho thấy sự mau lẹ, dứt khoát trong hành động và ý nghĩ của nhân vật.

Chí anh hùng đã thôi thúc Từ Hải ra đi:

“Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm, yên ngựa lên đường thẳng rong”

Không gian rộng lớn “trời bể mênh mang” của vũ trụ càng làm nổi bật khát vọng, ý chí lên đường lập công danh của bậc “trượng phu”. Hình ảnh người anh hùng cùng ngựa và gươm lên đường thật đẹp, đó là những bước đi trong một tâm thế đấy quyết tâm, trong một tư thế đầy ngạo nghễ, thong dong, không chút vướng bận, do dự.

“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Thấu hiểu hoài bão cũng như khát vọng lên đường của Từ Hải nên Thúy Kiều không chỉ ủng hộ quyết định của chàng mà còn bày tỏ mong muốn được đi theo để được đỡ đần, san sẻ những khó khăn với chàng. Để được Từ Hải chấp thuận, Kiều rằng “phận gái chữ tòng”- đã là vợ thì phải theo chồng, hẳn là rất thuận tình thuận lý. Hai chữ “một lòng” được Kiều nhắc đến như khẳng định cho sự ủng hộ mà Kiều dành cho Từ trên con đường lập công danh, sự nghiệp cũng là lời quyết tâm được song hành cùng Từ trên con đường lập nghiệp.

Hẳn phải là một người vợ thấu hiểu lắm Kiều mới cảm thông, ủng hộ một lòng khát vọng của người đầu ấp tay kề với mình như vậy. Trước lời đề nghị thấu tình đạt lý của Kiều, Từ Hải đã vội vàng từ chối:

Từ rằng tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”

Thoạt nghe, ngỡ đó là một lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng đằng sau đó là một lời động viên dành cho người tri kỉ. Từ Hải biết là Kiều vốn rất hiểu chí nguyện và khát vọng của chàng: “tâm phúc tương tri”, vì vậy mong nàng hãy vượt lên những tình cảm thông thường vốn có của nữ nhi để xứng đáng trở thành tri kỉ của người trượng phu. Nói rồi Từ Hải lại quyết lời:

Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất, bóng cây rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Đó là những lời hứa đầy quả quyết chất chứa một niềm tin mãnh liệt của Từ Hải vào một chiến thắng lừng danh ngày trở về. Ra đi bằng quyết tâm, trở về bằng chiến thắng với cờ hoa rợp đường, tiếng chiêng reo vui trong niềm vui hội ngộ. Đó cũng là lúc Từ Hải trở thành một bậc quân tử “phi thường” trong thiên hạ với những chiến công hiển hách, khi ấy sẽ đường đường “rước nàng nghi gia”, cùng nàng trọn niềm vui chiến thắng.

Lời Từ thật mạnh mẽ, trong lời nói là cả một niềm tin mãnh liệt ở một tương lai huy hoàng, lừng lẫy, trong từng câu nói, ta thấy được sự tự tin, bản lĩnh can trường của bậc trượng phu, quân tử.

Bằng nay bốn bể không nhà.
Theo càng thêm bận, biết là đi đâu
Đành rằng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì”

Để thuyết phục Kiều hơn nữa, Từ Hải đã khéo léo tâm sự cùng nàng những khó khăn trên chặng đường phía trước “bốn bể không nhà”. Bậc trượng phu sợ rằng nếu Kiều theo sẽ thêm lo toan, gánh nặng, chàng cũng không muốn Kiều phải chịu nhiều bận tâm, khổ cực nữa. Hải khuyên Kiều hãy “đành lòng” chờ đợi, đợi “một năm sau” chàng sẽ trở về, cùng nàng vui hạnh phúc sum vầy. Hẳn rằng khi nghe được lời hứa trở về trong chiến thắng cùng mốc thời gian cụ thể “một năm” của Từ Hải, Kiều cũng sẽ phần nào an tâm mà thuận lòng để chàng ra đi.

Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”

Khát vọng lớn lao thôi thúc Từ Hải lên đường. Hành động “quyết lời”, “dứt áo”ra đi vô cùng mạnh mẽ, dứt khoát, không chút buồn vương, vướng bận của Từ Hải đã cho thấy một ý chí và quyết tâm mãnh liệt của chàng. Giữa không gian rộng lớn của vũ trụ, Từ Hải một mình một ngựa lên đường, nhắm thẳng mục tiêu mà tới. Hình ảnh lên đường của chàng tựa như cánh chim bằng cất cánh, cưỡi gió, vượt mây chinh phục khát vọng, lập nên vinh quang trong sự nghiệp.

Đoạn trích tuy ngắn gọn mà để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai về vẻ đẹp tâm hồn và khát vọng của Từ Hải. Ở Từ, chàng không chỉ là một phu tử hết lòng với người tri âm, một chàng trai thấu hiểu lẽ đời mà con là một bậc trượng phu có lý tưởng anh hùng, hành động phi thường trong thiên hạ. Vẻ đẹp của Từ Hải cũng là vẻ đẹp của một con người đại diện cho ước mơ, khát vọng của nhân dân, của một thời đại trong lịch sử.

Bằng thể thơ lục bát quen thuộc kết hợp cùng bút pháp lý tưởng hóa, sử dụng các điển tích, điển cố cùng ngôn từ được chọn lọc, trau chuốt, Nguyễn Du đã khắc họa nên hình ảnh một Từ Hải đầy phi thường và đáng ngưỡng mộ. Đó là một nhân vật với lý tưởng vì nhân dân tuyệt đẹp, thật xứng đáng với những lời mà Nguyễn Công Trứ từng viết:

 Chí làm trai Nam, Bắc, Đông Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 4

Với bài văn mẫu phân tích nhân vật Từ Hải ngắn nhất dưới đây, các em học sinh có thể nhanh chóng ôn tập cho bài viết trên lớp.

Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du là một tuyệt tác thể hiện tên tuổi của Nguyễn Du. Trong đó, tác giả đã vô cùng thành công khi phác họa nhiều nhân vật có sức sống vô cùng mãnh liệt trong lòng người đọc như: Thúy Kiều, Hoạn Thư, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Từ Hải..

Đoạn trích Kiều gặp Từ Hải được viết sau khi Thúy Kiều trốn khỏi tay Hoạn Thư, nhưng không may lại rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh lần này là lần thứ hai Thúy Kiều bị bán vào lầu xanh khiến cho cô vô cùng đau đớn buồn khổ. Nhưng số phận đã mỉm cười khi run rủi cho Thúy Kiều gặp gỡ nhân vật Từ Hải. Trước một người anh hùng như người Từ Hải Thúy Kiều đã thật sự rung động.

“Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng”. Khi gặp Thúy Kiều, Từ Hải thật sự rung động trước nhan sắc kiêu sa của nàng, trước tài năng và tính tình, nhân cách của nàng nên Từ Hải không ngần ngại chuộc thân cho Thúy Kiều và cưới nàng làm vợ. Thúy Kiều lúc này từ một cô gái lầu xanh trở thành mệnh phụ phu nhân. Đoạn trích này ghi lại cuộc tri ngộ, gặp gỡ tình duyên giữa Thúy Kiều và Từ Hải được tác giả Nguyễn Du đầy màu sắc lãng mạn, trữ tình một anh hùng có ngoại hình phi thường và tính cách hào hiệp trượng nghĩa.

Nhân vật Từ Hải là một anh hùng đích thực một anh hùng đầu đội đầu, chân đạp đạp đất, khi Từ Hải gặp Thúy Kiều giữa mùa thu trăng thanh, một không gian vô cùng nên thơ, lãng mạn. Nhân vật Từ Hải có tướng mạo vô cùng phi thường, thể hiện sự oai phong của một vị anh hùng với những khắc họa ấn tượng thông qua từng câu thơ, ngôn ngữ của Nguyễn Du đã khắc họa nhân vật Từ Hải vô cùng anh dũng khí khái phi phàm:

Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

Lúc đầu chỉ giới thiệu “khách biên đình”, giới thiệu tướng mạo, tài thao lược, côn quyền, câu thứ 7 trở đi mới nói đến họ, tên, lai lịch. Lối viết vừa “kín” vừa kích thích trí tò mò người đọc, hơn nữa là để nêu bật tính chất bí ẩn phi thường, xuất chúng của anh hùng Từ Hải: ngang tàng, bất khuất, tung hoành, khát vọng tự do, coi thường công danh vào luồn cúi:

Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

Nhân vật Từ Hải toát lên vẻ anh hùng của một người nam nhi chí ở bốn phương, đầu thì đội trời, thể hiện sự hiên ngang oai vệ không sợ trời, không sợ đất của một người con trai ngay thẳng, sống hiên ngang không khuất tất. Chân đạp đất thể hiện sự vững vàng trong dáng đi, trong tư thế của nhân vật này. Thông qua cách miêu tả của tác giả Nguyễn Du ta thấy được sự tài sự trân trọng của tác giả với vị anh hùng Từ Hải.

Trong mỗi vần thơ của mình Nguyễn Du luôn thể hiện sự kính trọng, yêu mến của tác giả với nhân vật của mình. Nhân vật Từ Hải là người anh hùng vô cùng lý tưởng đại diện cho khát vọng hướng tới sự tự do, phóng khoáng, luôn hướng tới sự hoàn mỹ trong cuộc sống. Từ Hải chính là một nhân vật đẹp trong tác phẩm Truyện Kiều.

Từ Hải cũng là nhân vật sống ngay thẳng trượng nghĩa, chính vì vậy, anh không hề chê Thúy Kiều xuất thân là gái lầu xanh, mà chỉ cần cảm nhận được tấm lòng trong trắng, sự hiểu biết cũng như đức hạnh của cô gái gian truân này liền lập tức chuộc thân cho nàng và cưới làm vợ.

Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.

Trong giây phút đầu tiên gặp mặt, cả hai cùng có những sắc thái, biểu cảm ra bên ngoài vô cùng khác nhau. Khi Thúy Kiều gặp gỡ Kim Trọng thì nàng tỏ vẻ ngại ngần e thẹn của một cô gái mới lớn lần đầu biết yêu thương “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Còn khi Thúy Kiều gặp gỡ Từ Hải: “Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng đưa”.

Trong mỗi câu thơ của Nguyễn Du đều thể hiện tình cảm của hai con người đồng lòng tìm thấy tiếng nói chung trong tình cảm của mình, nên cùng đưa đi liếc lại. Mặc dù lúc đầu Từ Hải đến lầu xanh gặp nàng Thúy Kiều không phải là gặp gỡ ong bướm trăng gió mà chính là gặp gỡ người tâm giao, tri kỷ, tâm phúc tương cờ.

Thể hiện đôi Kiều – Hải là một đôi nam thanh nữ tú tìm thấy sự tương đồng trong tâm hồn của mình. Thúy Kiều sau khi trải qua nhiều gian nan, trải qua nhiều bến đỗ éo le trong tình cảm, hơn lúc nào hết cô cảm thấy cần một bờ vai vững chãi, một người anh hùng hiểu thấu nỗi lòng của mình cùng nhau gắn bó, tạo nên một mái ấm hạnh phúc.

Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.

Hành động Từ Hải tới lầu xanh và quyết định chuộc thân nàng Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh thể hiện sự đàng hoàng của người quân tử, Từ Hải không ngần ngại cưới Thúy Kiều làm vợ, coi nàng là một người bạn tri kỷ tâm giao của mình. Người anh hùng Từ Hải cũng có sự đa tình riêng của mình, cũng như những chàng trai khác anh không thể nào không động lòng trước vẻ đẹp của Thúy Kiều. Từ khi Thúy Kiều làm vợ Từ Hải nàng trở lại đúng thân phận một cô gái ngoan hiền có xuất thân từ con nhà học thức.

Nàng thật sự là một người vợ hiền thục đảm đang thường xuyên lo lắng cho Từ Hải giữ trọn vẹn đạo nghĩa vợ chồng, thủy chung son sắc. Cuộc hôn nhân của Từ Hải và Thúy Kiều mang màu sắc lãng mạn, trữ tình, đôi trai tài gái sắc thật xứng đôi vừa lứa:

Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.

Trong đoạn trích này từ giọng điệu của bài thơ đến ngôn ngữ đều trang trọng, thể hiện sự yêu mến của tác giả Nguyễn Du với đôi trai tài gái sắc Hải – Kiều. Khi hai ta về một nhà Thúy Kiều trở thành một cô gái thuyền quyên còn Từ Hải thì trở thành một chàng trai đa tình, ngoài vẻ anh hùng đội trời đạp đất, Từ Hải cũng tỏ ra chân thành, yêu mến Thúy Kiều vô hạn.

Với Thúy Kiều đây thật sự là một khúc rẽ lớn, đưa cô từ một cô gái lầu xanh trở thành người có quyền chức địa vị trở thành một mệnh phụ phu nhân, giúp Thúy Kiều có cơ hội được báo ân, báo oán với những người đã giúp đỡ hoặc hãm hại nàng.

Tác giả Nguyễn Du vô cùng trân trọng, cuộc tình của hai người Thúy Kiều và Kim Trọng, trai anh hùng gái thuyền quyên, tác giả Nguyễn Du cũng dùng những lời lẽ vô cùng tốt đẹp để viết về Từ Hải khắc họa thành công một nhân vật anh hùng, hào hiệp, trượng nghĩa luôn hướng mình tới khát vọng tự do.

Thông qua đoạn trích ta thấy được tinh thần nhân đạo của nhà thơ Nguyễn Du với nhân vật Thúy Kiều của mình. Ông luôn dành một sự ưu ái vô bờ bến cho Thúy Kiều trong mỗi câu chữ của mình ông đều viết lên bằng cả tấm lòng bao dung nhân hậu cho người con gái tài sắc nhưng chịu cảnh gian nan vất vả.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 5

Bài văn mẫu phân tích nhân vật Từ Hải nâng cao dưới đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em học sinh trong quá trình làm bài.

Bạn đang xem: Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng

Nguyễn Du – đại thi hào của dân tộc – luôn sử dụng ngòi bút sắc bén của mình để miêu tả từng chi tiết, nhân vật, giúp câu chuyện trở nên đặc sắc, ám ảnh. Trong Truyện Kiều, tác giả đã thành công trong việc khắc họa nhân vật Từ Hải sống động, có nét riêng biệt về cả ngoại hình lẫn tính cách. Phân tích nhân vật Từ Hải sẽ giúp ta hiểu rõ hơn tài năng và mong muốn lớn lao của tác giả về hình tượng người anh hùng lí tưởng.

Từ Hải không phải là nhân vật trung tâm của Truyện Kiều mà chỉ xuất hiện ở một đoạn trong tác phẩm. Nhân vật xuất hiện trong đoạn đường truân chuyên của Thúy Kiều, trở thành người bạn, tri âm tri kỉ của Kiều, giúp nàng báo ân, báo oán. Mặc dù xuất hiện không nhiều, Từ Hải vẫn được khắc họa chi tiết thông qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du. Đây là nhân vật mang tầm ảnh hưởng lớn đến mạch truyện, đại diện cho không chỉ tiếng nói của tác giả mà còn thể hiện được một kiểu người trong xã hội trước.

Ngay từ đầu, Từ Hải đã hiện lên với vẻ đẹp mạnh mẽ, oai hùng của đấng trượng phu:

“Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”

Đây là những nét đẹp chỉ có ở người nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất. Vai rộng, người cao, Từ Hải như gánh cả giang sơn lên đôi vai của mình, hứa hẹn đây là nhân vật sẽ làm nên điều phi thường ở phía trước.

Nguyễn Du là một nhà thơ không chỉ có tài năng mà còn có trái tim ấm nóng, yêu thương và trân trọng từng kiếp người. Chính vì vậy, tác giả không chỉ dành tình yêu cho Thúy Kiều mà nhân vật Từ Hải cũng hiện lên rất đẹp, chí khí trong tác phẩm. Nhân vật Từ Hải hiện lên là hiện thân cho những lý tưởng và ước mơ, hoài bão của cuộc sống:

“Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Đông
Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”

Dưới ngòi bút tài tình của Nguyễn Du, Từ Hải hiện lên là người anh hùng với tầm vóc lớn lao mang cảm hứng vũ trụ. Đây dường như cũng chính là hình tượng lý tưởng tác giả muốn đạt được lúc bấy giờ, là một người hảo hán với hoài bão lớn, khát vọng lớn.

Tại đoạn trích “Chí khí anh hùng”, chí hướng ấy của nhân vật càng được nhấn mạnh hơn nữa:

“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”.

Từ “trượng phu” vốn là cách gọi thể hiện sự trân trọng, nể phục với những bậc anh hùng. Từ Hải lúc đó có khát khao, mong muốn tung hoành “bốn phương” để thỏa ước mơ của mình. Chính vì vậy, dù có đang mặn nồng ân ái, hạnh phúc lứa đôi “đương nồng”, Từ Hải cũng quyết định từ bỏ để tìm lấy hoài bão cho riêng mình.

Đây chính là chí khí mà chỉ có bậc trượng phu mới có được. Như Hoài Thanh đã nói, Từ Hải “”không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng, mà là người của trời đất, của bốn phương”. Chàng, phải đặt trong tâm thế đối diện với đất trời, vũ trụ thì mới xứng tầm.

Và khi đã ra đi, Từ Hải cũng mang quyết tâm vô cùng lớn:

Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường

Hình ảnh “mười vạn tinh binh”, “dậy đất”, “bóng tinh rợp đường” thể hiện hoài bão phi thường của Từ Hải. Chàng khát khao có thể xây dựng được cơ đồ riêng, trở thành bậc đế vương lừng lẫy, hô mưa gọi gió. Dù cho có ra đi một mình, dù có cô đơn, nhưng đó cũng chính là nguồn động lực thúc đẩy Từ Hải hơn. Hứa hẹn khoảng thời gian “một năm” cũng cho thấy sự tự tin, quyết tâm của nhân vật. Hình ảnh ước lệ cùng các động từ, tính từ mạnh đã khẳng định ý chí và khát vọng phi thường của Từ Hải ngay lúc này.

Không chỉ mong muốn xây dựng cơ đồ riêng, được triệu triệu người kính nể, Từ Hải cũng có những khát khao hạnh phúc rất bình thường. Chàng cũng là con người, cũng biết yêu thương. Tuy nhiên, tình yêu ấy vượt qua những chuẩn mực bình thường mà nâng tầm hơn, cho thấy con người và tấm lòng cao cả của nhân vật. Khi Thúy Kiều ngỏ lời:

“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Từ Hải đã trách mắng nhẹ nhàng, rằng hai người đã “tâm phúc tương tri”, đã là tri âm tri kỉ, hiểu rõ lòng nhau, sao không hiểu được tâm ý của mình. Với chàng, Thúy Kiều không phải người vợ, người tình, mà là tri kỉ một đời, trân quý và là tình cảm thiêng liêng. Chính vì thế, việc Thúy Kiều đi theo Từ Hải là không cần thiết. Chàng còn hứa hẹn với nàng:

“Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Khi đã có được danh tiếng, khi xây dựng được cơ đồ riêng, cũng là lúc Từ Hải dành cho Thúy Kiều những gì tốt đẹp nhất. Chàng không muốn Thúy Kiều chỉ là nữ nhi “thường tình” mà còn muốn cho nàng một danh phận. Chàng ra đi, không chỉ vì hoài bão của một đấng nam nhi, mà còn vì khát khao hạnh phúc và tình yêu như bao nhiêu người khác, chỉ khác, đây là tình yêu của “trai anh hùng” – “gái thuyền quyên” mà thôi.

Mặc dù đã thể hiện ý chí lớn lao của Từ Hải ở đoạn đầu nhưng tác giả Nguyễn Du vẫn muốn khắc họa sâu tính cách của nhân vật thêm nữa. Vì vậy, ông miêu tả Từ Hải với sự dứt khoát, đầy bản lĩnh:

Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”.

Các động từ “quyết lời”, “dứt áo” thể hiện thái độ mạnh mẽ, quyết tâm của Từ Hải với hoài bão của mình. Đây là cái quay người quyết đoán, hứa hẹn tương lai tươi sáng, chứ không phải là cái ra đi đượm buồn “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Chính vì thế, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp lí tưởng hóa với hình ảnh “gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”.

Hình ảnh Từ Hải hiện lên như cánh chim trời, bay thẳng vào muôn trùng dặm khơi với chí khí ngút trời và hoài bão lớn lao. Phân tích nhân vật Từ Hải, chúng ta không khỏi cảm phục tác giả bởi các thủ pháp nghệ thuật độc đáo của mình.

Nguyễn Du, với ngòi bút tài hoa của mình đã khắc họa thành công hình ảnh người anh hùng Từ Hải với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp nhất: chí khí, hoài bão phi thường nhưng cũng rất trọng tình, trọng nghĩa. Đây chính là ước mơ về người anh hùng lí tưởng của tác giả thời bấy giờ. Giữa xã hội rối ren, đời sống lầm than, cần biết bao nhiêu những người anh hùng dám đứng lên tạo dựng cơ đồ của mình, có chí khí và khát vọng vững vàng. Từ Hải hiện lên như một biểu tượng về ước mơ, khát vọng tự do, lẽ công bằng ở đời.

Trong đoạn trích “Kiều báo ân, báo oán”, Từ Hải còn hiện lên đẹp đẽ hơn nữa khi thay cho lẽ phải trả ân oán cuộc đời. Chính vì thế có thể thấy, Nguyễn Du đã gửi gắm rất nhiều tâm ý vào nhân vật Từ Hải. Giá như có những vị anh hùng như Từ Hải, những số phận như Thúy Kiều sẽ không phải tha hương cầu thực, sống cuộc đời tủi nhục, ba chìm bảy nổi. Và đời sống lầm than của nhân dân, dưới trái tim ấm nóng của các bậc trượng phu, cũng sẽ được an ủi phần nào.

Với bút pháp miêu tả độc đáo, sử dụng ngôn ngữ đối thoại trực tiếp cùng các thủ pháp ước lệ, lí tưởng hóa, Nguyễn Du đã khắc họa hình tượng nhân vật Từ Hải với những vẻ đẹp rất đáng ngưỡng mộ. Qua đó, tác giả đã gửi gắm những mong ước về tự do, hạnh phúc, công lý cuộc đời. Hình tượng Từ Hải, dù đã cách chúng ta hàng trăm năm, nhưng vẫn luôn là hình tượng người anh hùng lí tưởng, dám nghĩ, dám làm và dám đấu tranh cho hạnh phúc của chính mình.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 6

Tham khảo bài văn phân tích nhân vật Từ Hải học sinh giỏi dưới đây với những nội dung nghị luận văn học chuyên sâu:

Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, người đọc thường tập trung vào những đề tài xoay quanh cuộc đời gian truân của nàng Kiều. Nhưng bên cạnh Kiều, Nguyễn Du còn có sự sáng tạo vô cùng độc đáo trong việc xây dựng những nhân vật khác, cả chính diện lẫn phản diện như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh hay Kim Trọng, Từ Hải.

Trong cuộc đời Kiều ngoài Kim Trọng ra thì cần phải nhắc đến Từ Hải – một người anh hùng chí lớn ở bốn phương và là người đã giúp Kiều trả ân báo oán, cho Kiều một khoảng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng lại tràn đầy hạnh phúc. Đặc biệt, qua đoạn trích “Chí khí anh hùng”, vẻ đẹp của Từ càng được tác giả khắc họa rõ nét hơn.

Vẻ đẹp ngoại hình với những phẩm chất anh hùng cùng chí khí kiên cường đã tạo nên một hình tượng Từ Hải rất đẹp. Phân tích nhân vật Từ Hải sẽ cho người đọc cảm nhận rất rõ điều đó. Từ Hải xuất hiện trong tác phẩm, là một người anh hùng được Nguyễn Du khắc họa công phu từ ngoại hình đến tính cách. Trước hết về vẻ đẹp ngoại hình của người anh hùng, Từ Hải được Nguyễn Du xây dựng như một người anh hùng trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

“Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.”

Phân tích nhân vật Từ Hải ta thấy ngay từ ngoại hình ta có thể cảm nhận Từ là một đấng anh hào “đầu đội trời chân đạp đất ở đời”. Có thể nói qua sự miêu tả của Nguyễn Du, ta thấy được một hình ảnh người anh hùng đội trời đạp đất thực sự. Vẻ đẹp của Từ là vẻ đẹp của người anh hùng trượng nghĩa.

Tác giả đã sử dụng hình ảnh vũ trụ, lấy chiều kích ấy để đo tầm vóc người anh hùng. “Vai năm tấc rộng” hay “thân mười thước cao” – đều là những hình ảnh ước lệ, những con số ước lệ để khắc họa sự to lớn về sắc vóc của người anh hùng. Nguyễn Du cũng sử dụng bút pháp ước lệ để miêu tả Từ Hải. Phân tích nhân vật Từ Hải sẽ thấy chính ở ngoại hình ấy đã báo hiệu đây là con người sẽ làm nên những điều phi thường.

Quả thật vậy, Từ chính là vì sao soi sáng cả cuộc đời của Kiều. Tuy chỉ như ánh sao chổi xẹt qua bầu trời đêm nhưng ánh sáng của nó vẫn khiến người ta ấm lòng. Ngay từ phút đầu gặp gỡ Kiều, Từ đã có những suy nghĩ quan điểm “lạ thường”. Lầu xanh nơi kỹ viện mua phấn bán hương người ta thường tìm đến để thỏa nhục dục nhưng Từ lại đến nơi đây để tìm người tri âm tri kỷ cuộc đời mình. Từ thật sự đồng cảm cho Kiều, cho thân phận những “khách má hồng”. Chính từ sự đồng cảm ấy đã nối kết hai trái tim lại với nhau.

“Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”

Khi phân tích nhân vật Từ Hải, người đọc nhận thấy họ đến với nhau không phải vì thân xác cũng không phải là phút bồng bột yếu lòng mà họ thật sự thấu hiểu cho nhau. Từ cũng rất tôn trọng nàng, không vì thân phận kỹ nữ mà chê bai hay thành kiến.

“Ngỏ lời nói với băng nhân
Tiền trăm lại cứ nguyên ngăn phát hoàn”

Chính sự tôn trọng, cảm thông ấy, Từ sẵn sàng chuộc thân cho Kiều bằng mọi giá. Hành động ấy diễn ra nhanh, dứt khoát không như cuộc ngã giá đầy tính con buôn như Mã Giám Sinh.

“Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”

Phân tích nhân vật Từ Hải, ta nhận thấy đối với Từ, Kiều không phải là một món hàng để mua bán đổi chác. Từ muốn giải thoát Kiều khỏi chốn bùn nhơ này. Tấm lòng ấy mới đáng quý biết bao…

Việc làm của Từ cũng không thể đánh đồng với việc chuộc Kiều của Thúc Sinh được. Bởi xuất phát điểm của Từ khi cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, là vì cái nghĩa đối với một người tri kỷ. Đối với mối tình Kim, Kiều “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, Nguyễn Du đã gọi đôi giai nhân ấy là “Người quốc sắc, kẻ thiên tài”. Còn khi Kiều đối diện với Từ Hải thì “hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa”, đó là sự gặp gỡ giữa “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”. Do vậy mà đẹp đôi, xứng đôi vì “Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”.

Dù sống cùng Kiều trong những tháng ngày hạnh phúc ấm êm nhưng Từ Hải không thể quên đi những ước mơ hoài bão “vẫy vùng” bốn bể. Trong xã hội phong kiến, như Nguyễn Công Trứ đã khẳng định.

“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”

Phân tích nhân vật Từ Hải, ta thấy ở Từ không thể bị trói buộc bởi chuyện chốn phòng khuê, gác tình riêng để làm việc lớn. Từ Hải cũng thế

Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”

Những hạnh phúc ngọt ngào thường ru ngủ con người, làm họ quên đi những ước muốn lớn lao, không muốn thoát khỏi vùng an toàn của bản thân. Nhưng Từ thì không như vậy. Dù mối tình với Kiều vẫn đang trong giai đoạn nồng nàn hạnh phúc, thì chàng chợt “động lòng bốn phương” – những hoài bão khát khao trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Từ ý niệm “trời bể mênh mang”, Từ đã hiện thực hóa bằng hành động “thanh gươm yên ngựa” lên đường “thẳng rong”.

Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”

Nửa năm quãng thời gian không quá dài cũng không quá ngắn tính từ lúc Kiều và Từ ở bên nhau, cùng nhau trải qua những tháng ngày “hương lửa đương nồng”. Trượng phu là cách gọi thể hiện sự tôn trọng dành cho những bậc anh hùng cái thế. Và trong xuyên suốt truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ dùng từ tượng phu để chỉ duy nhất Từ Hải mà thôi. Bấy nhiêu đó cũng có thể thấy được Nguyễn Du đã dành biết bao tình cảm cho người anh hùng của mình.

“Thoắt” cho thấy mọi việc diễn ra thật nhanh, bất ngờ và dứt khoát. Nhưng xét ra cái chí hướng ấy vốn đã có sẵn trong lòng Từ nhưng vì Kiều mà chí hướng ấy tạm thời lắng xuống. Nhưng giờ đây tiếng gọi của hoài bão tung hoành đang vẫy gọi người anh hùng. Khi phân tích nhân vật Từ Hải, ta thấy lòng bốn phương cũng chính là cái chí hướng mà Từ khao khát bấy lâu.

Chia tay thường gợi ra cảm giác đau buồn quyến luyến nhưng cuộc chia tay giữa Từ Hải và Thúy Kiều lại không gợi ra cảm giác đau buồn ấy. Kiều đã từng chia tay Kim Trọng, chia tay Thúc Sinh. Và sau mỗi lần chia tay cuộc đời Kiều lại gặp những biến cố.

Như sau khi chia tay Kim Trọng nhà nàng gặp gia biến và Kiều phải bán mình chuộc cha, sau khi chia tay Thúc Sinh nàng lại phải làm người hầu kẻ hạ cho Hoạn Thư. Nên có thể nói chia tay với Kiều như một sự ám ảnh. Có lẽ vì thế mà trong cuộc chia tay này, Kiều đã làm một việc mà trước đó nàng chưa từng làm – mong muốn được đi cùng Từ Hải.

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Nhưng Từ đã trả lời lại Thúy Kiều với những lí lẽ hợp tình hợp lí

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”.

Lời hồi đáp ấy chứa được một sự tin tưởng, Từ tin và hy vọng Kiều sẽ hiểu cho mình. Bởi Kiều không chỉ là người yêu, là vợ mà còn là “tâm phúc tương tri” của Kiều. Và cái tình cái lý ấy không sao có thể chối từ. Hơn nữa, khi phân tích nhân vật Từ Hải, ta thấy việc Từ ra đi không chỉ nghĩ đến bản thân mình mà còn là vì Thúy Kiều. Từ muốn Kiều được hạnh phúc, được đón về với những nghi thức rầm rộ nhất linh đình nhất để có thể xứng đáng với nàng

“Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”

Đó là chia tay của bậc anh hùng, ra đi vì nghĩa lớn nên ta không bắt gặp quá nhiều cảm xúc ủy mị, luyến lưu như cuộc chia tay của Kiều với Thúc Sinh.

Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.”

Nói như vậy không có nghĩa là Kiều không quan trọng, Kiều cũng chính là một trong những động lực thúc đẩy Từ Hải lên đường hoàn thành nghiệp lớn để có thể mang lại cho Kiều một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và một lý do nữa được Từ Hải đưa ra là.

Bằng nay bốn bể không nhà
Theo là thêm bận biết là đi đâu”

Từ không muốn nàng phải cùng mình chịu cực khổ. Vì khi chưa đoán trước tương lai, cuộc sống còn mù mịt thì việc Kiều theo chàng chỉ làm cuộc sống nàng thêm khổ cực và Từ sẽ không thể dành trọn tâm trí cho việc lớn. Nhưng không muốn Kiều lo lắng, Từ đã đặt ra một mốc thời gian cho sự ra đi của mình.

“Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

Sự tự tin mạnh mẽ của Từ không chỉ thể hiện ở quyết tâm ra đi thực hiện nghĩa lớn mà còn thể hiện ở lời giao hẹn của Từ. “Một năm” là quãng thời gian xa cách đủ lớn trong tình yêu nhưng với việc thực hiện hoài bão thì đó lại là một thời gian quá ngắn. Dù chẳng biết tương lai thế nào nhưng Từ Hải tin vào bản thân mình, tin vào sự nghiệp mình đang theo đuổi. Đó chính là tâm thế của một người anh hùng

Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”

Hay:

“Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam”
Từ tâm thế đó đã dẫn đến hành động

Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi”

lại bài thơ là một hình ảnh thật đẹp. Cách ngắt nhịp 2/4 – Quyết lời/ dứt áo ra đi đã khẳng định cho sự dứt khoát mạnh mẽ của người anh hùng. Không bịn rịn luyến lưu không có nước mắt như.

Ngại ngùng một bước một xa
Một lời trân trọng châu sa mấy hàng”

Vì đây là cuộc chia tay để lên đường làm việc lớn. Mọi lời nói, hành động của Từ đều toát lên vẻ đẹp của một bậc trượng phu biết gác tình riêng để làm việc lớn, bỏ “chuyện nữ nhi thường tình” để đi theo sự nghiệp của một người anh hùng. Đây chính là lúc Từ thực hiện ước mơ, cơ hội ấy đã đến. Từ ra đi như cưỡi ngàn con sóng, đạp chim bằng mà tiến lên. Đây là một hình ảnh đẹp, đầy thi vị.

Để khắc họa nhân vật Từ Hải, Nguyễn Du đã sử dụng nhiều hình ảnh mang tính ước lệ, điển cố điển tích cùng nhiều từ Hán Việt. Những kết hợp độc đáo ấy đã khiến hình ảnh nhân vật Từ Hải hiện lên sống động, là một trang hảo hán oai phong lẫm liệt không chịu khuất phục luồn cúi. Tuy được miêu tả bằng bút pháp lý tưởng hóa nhưng đó cũng là hình ảnh người anh hùng lý tưởng của Nguyễn Du.

Người anh hùng ấy được nhìn nhận trong đôi mắt của nhà nho vừa có những nét quen thuộc lại có những nét độc đáo riêng với thời đại phong kiến. Nét chung đó chính là khí thế là tâm thế của người anh hùng hiên ngang ở đời. Nhưng nét riêng là ở người anh hùng này có sự hài hòa giữa con người anh hùng và con người trần thế.

Và con người anh hùng không được đặt trong mối quan hệ đất nước – con người, vua tôi. Mà người anh hùng ở đây hành động để thỏa khát vọng chí hướng bình sinh. Vì vậy nên ở Từ Hải, Nguyễn Du rất kiệm lời cho nhân vật này. Từ Hải hầu như không có sự giằng xé nội tâm đau đớn như Kim Trọng hay Thúc Sinh. Từ nói ít nhưng hành động nhiều. Chính vì những hành động đó mà người đọc càng thêm ngưỡng mộ tài năng, cốt cách của đấng anh hào.

Như vậy qua đoạn trích, người đọc đã nhận thấy được những vẻ đẹp của người anh hùng Từ Hải. Từ Hải không chỉ đơn thuần là nhân vật trong truyện mà qua nhân vật Từ Hải, Nguyễn Du đã gửi gắm bao nỗi niềm. Do đó, nhiều nhà phê bình văn học đã nhận xét Từ Hải kết tinh giấc mộng lớn của Nguyễn Du – giấc mộng anh hùng. Đây cũng chính là thành công của Nguyễn Du khi xây dựng hình tượng nhân vật Từ Hải cùng làm giàu thêm sức hấp dẫn của “Truyện Kiều”.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 7

Bài văn mẫu phân tích hình tượng nhân vật Từ Hải đặc sắc dưới đây sẽ giúp các em học sinh trau dồi cho mình những ý văn hay.

Truyện Kiều một trong những kiệt tác của Nguyễn Du nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Tác phẩm không chỉ cho người đọc thấy số phận bi thương, gặp nhiều oan trái của nàng Kiều. Trong hành trình mười lăm năm lưu lạc Kiều đã gặp biết bao nhiêu chuyện, bao nhiêu người, nhưng người duy nhất yêu thương và bảo vệ được nàng chính là Từ Hải. Vẻ đẹp của nhân vật Từ Hải đã được kết tinh trong đoạn trích “Chí khí anh hùng”.

Trải qua nhiều sóng gió, Thúy Kiều đã gặp được Từ hải – người anh hùng cái thế “đầu đội trời, chân đạp đất” lúc bấy giờ. Gặp được Thúy Kiều, Từ Hải vô cùng quý trọng nàng, và đã ngỏ ý với Kiều: “Một lời đã biết đến ta/ Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau/ Ngỏ lời nói với văn nhân/ Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn”. Thúy Kiều trở về chung sống cùng Từ Hải, cuộc sống gia đình vô cùng hạnh phúc, yên ấm. Nhưng chỉ được nửa năm, Từ Hải động lòng bốn phương quyết tâm lên đường lập sự nghiệp phi thường.

Bài thơ mở ra bằng câu thơ:

Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

Cuộc sống hôn nhân của họ mới bắt đầu hình thành, đây đồng thời cũng là giai đoạn vợ chồng yêu thương nồng nàn và thắm thiết nhất trong cuộc sống hôn nhân. Nếu như những người bình thường chắc chắn sẽ thỏa nguyện, bằng lòng trong hoàn cảnh hạnh phúc ngập đầy như vậy.

Nhưng Từ Hải lại là một người hoàn toàn khác, chàng là một người phi thường ngay từ vẻ bề ngoài: “Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Và khác thường trong cả tài trí: “Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”. Từ Hải hơn hẳn người khác cả về sức mạnh và trí tuệ, bởi vậy, chàng không bằng lòng với cuộc sống êm đềm hiện tại, Từ Hải quyết tâm ra đi.

Lòng bốn phương ở đây có thể hiểu là ý chí lập công danh, sự nghiệp của kẻ làm trai trong xã hội phong kiến. Trong xã hội phong kiến, làm trai phải lập nên sự nghiệp lớn và để lại tiếng thơm muôn đời. Bốn phương là nam bắc đông tây, còn có nghĩa là thiên hạ, thế giới.

Đồng thời bốn phương cũng thể hiện ý chí tung hoành ngang dọc của kẻ làm trai: “Chí làm trai Nam Bắc Tây Đông/ Cho phỉ sức vấy vùng trong bốn biển”. Nguyễn Du đã sử dụng rất tài tình từ “thoắt” nó cho thấy ý chí, lòng quyết tâm thức dậy nhanh chóng và khi lòng quyết tâm đó đã được xác lập thì ngay lập tức phải thực hiện. Đó là hành động mạnh mẽ, dứt khoát của người kẻ có hùng tâm tráng chí ôm trùm thiên hạ.

Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong

Hành động của Từ Hải hết sức dứt khoát, không chút lưu luyến, bịn rịn: thẳng rong – đi liền một mạch. Chàng ra đi trong tâm thế ung dung, tự tại, đó là khí phách của một người trượng phu. Sự ra đi dứt khoát còn được thể hiện trong đoạn đối thoại với Thúy Kiều: Nàng rằng phận gái chữ tòng/ Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.

Trước quyết tâm ra đi của Từ Hải, nàng bày tỏ ước nguyện để được đi theo Từ Hải, đó cùng là thực hiện trọn đạo tam tòng “xuất giá tòng phu”. Đây là nguyện ước hoàn toàn chính đáng, đi cùng để đỡ đần cho chồng, để cùng chung vai gánh vác, chia sẻ những khó khăn.

Nhưng ngược lại Từ Hải trách Thúy Kiều: “Từ rằng: tâm phúc tương tri/ Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”. Từ Hải trách Kiều vẫn chưa thoát khỏi những thói thường của nữ nhi, nhưng trách ấy cũng là lời động viên nàng hãy vượt lên những tình cảm ấy để xứng đáng là tâm phúc tương tri của Từ Hải. Đằng sau câu thơ cho thấy sự tự tin của Từ Hải khi đặt mình lên trên thiên hạ nên yêu cầu người đầu gối tay ấp với mình cũng phải hơn những người phụ nữ bình thường khác.

Trước khi đi, Từ Hải còn đưa ra lời hẹn ước với Thúy Kiều: “Bao giờ mười vạn tinh binh/ Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường/ Làm ra rõ mặt phi thường/ Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”. Câu thơ được Từ Hải sử dụng số từ chỉ số lượng nhiều: mười vạn, động từ mạnh: dậy đất, rợp đường. Cho thấy tương lai huy hoàng chỉ cần sau một năm có thể làm nên sự nghiệp lớn để rước Thúy Kiều về với cuộc sống vinh hiển hạnh phúc.

Lời nói vừa là lời động viên Kiều, vừa cho thấy sự bản lĩnh, tự tin của Từ Hải, chàng ý thức sâu sắc tài năng, năng lực của bản thân. Ngoài ra, Từ Hải còn an ủi vợ: “Bằng nay bốn biển không nhà/ Theo càng thêm bận biết là đi đâu”. Trong sự an ủi có sự lo lắng, giải thích để Thúy Kiều an lòng ở lại.

Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

Không gian mở ra vô cùng rộng rãi, khoáng đạt xứng với tầm vóc vĩ đại, với tráng trí bốn phương của Từ Hải. Câu thơ đã thể hiện hiện chí lớn của người anh hùng: khao khát được vẫy vùng, tung hoành giữa trời đất cao rộng giống như lời giới thiệu của Nguyễn Du “Đội trời đạp đất ở đời”. Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi: tái hiện hình ảnh người anh hùng Từ Hải: chim bằng tượng trưng cho khát vọng của người anh hùng tạo nên sự nghiệp lớn. Chim bằng bay lên cùng gió mây chính là hình ảnh người anh hùng Từ Hải trong giây phút lên đường.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc là yếu tố tạo nên thành công của tác phẩm. Từ Hải là hình tượng mang tính ước lệ được thể hiện qua hình ảnh, qua các hành động cử chỉ. Từ Hải là con người sánh ngang tầm vũ trụ, mang trong mình hùng tâm tráng trí lớn lao. Đoạn trích Chí khí anh hùng đã khắc họa thành công hình tượng Từ Hải với phẩm chất và chí khí lớn lao của người anh hùng. Từ Hải mang trong mình khát vọng lớn làm nên sự nghiệp vĩ đại. Qua nhân vật này, Nguyễn Du cũng gửi gắm mơ ước về tự do, công lí trong xã hội cũ.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 8

Đón đọc bài văn phân tích hình ảnh nhân vật Từ Hải chi tiết dưới đây để nắm vững giá trị nội dung và nghệ thuật khi phân tích nhân vật.

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du Thúy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn, nhưng lại phải chịu kiếp bạc mệnh, suốt quãng đường 15 năm sóng gió của mình nàng đã phải trải qua rất nhiều cuộc chia tay cả về tình thân lẫn tình yêu. Thế nhưng khác với các cuộc chia tay đầy đớn đau, ly biệt như cuộc chia tay Kim Trọng đầy xót xa, day dứt khi mối tình đầu vừa chớm nở, hay cuộc chia tay Thúc Sinh, tiễn chàng về nhà thăm vợ cả sau một năm chung sống hạnh phúc với đầy những dự cảm không lành.

Thì cuộc chia tay với Từ Hải, lại là cuộc chia tay tiễn người anh hùng đi gây dựng sự nghiệp lớn lao, để người thỏa chí làm trai trong xã hội phong kiến. Sở dĩ người biên soạn đặt tên đoạn trích là Chí khí anh hùng là để khắc họa dáng vẻ cái thế, uy phong của người anh hùng Từ Hải thông qua cuộc chia tay giữa Thúy Kiều và nhân vật này.

Sau khi trốn thoát khỏi nhà Hoạn Thư, Thúy Kiều gặp và được sư Giác Duyên giúp đỡ, cho nương nhờ tại nhà Bạc Bà, ở đây Bạc Bà vì thấy Thúy Kiều có nhan sắc nên đã khuyên nàng gả cho cháu mình là Bạc Hạnh. Rồi Bạc Hạnh lại bán Kiều vào lầu xanh, từ đây nàng lại tiếp tục với thân phận người kỹ nữ, sống những ngày tháng tủi nhục buôn phấn bán hương. Rồi Từ Hải xuất hiện, trai anh hùng gái thuyền quyên hai người nhanh chóng phải lòng nhau, Từ Hải đã chuộc nàng mang về lầu riêng chung sống.

Tại đây Thúy Kiều đã có những ngày tháng vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng mới chỉ được nửa năm thì Từ Hải đã “động lòng bốn phương”, không cam chịu cuộc sống an nhàn bên cạnh nàng Kiều tài sắc mà muốn từ biệt Thúy Kiều để lên đường đi chinh chiến, gây dựng sự nghiệp lớn lao, thỏa chí nam nhi. Chí khí anh hùng nằm từ câu 2213-2230 của Truyện Kiều, là đoạn trích tái hiện lại cảnh chia tay của Từ Hải – Thúy Kiều từ đó làm nổi bật lên chí khí, vẻ đẹp tâm hồn với lý tưởng về món nợ công danh của người anh hùng Từ Hải.

Chí khí anh hùng của Từ Hải được thể hiện trước hết là ở thời điểm Từ Hải quyết tâm dứt áo ra đi để lập nên sự nghiệp “Nửa năm hương lửa đương nồng”. Đây là giai đoạn mà cuộc sống hôn nhân đang độ ngọt ngào, thắm thiết nhất, đặc biệt là đối với đôi trai tài gái sắc, sớm đã phải lòng nhau từ cái nhìn đầu tiên thì đó lại càng là khoảng thời gian gắn bó và tươi đẹp vô cùng.

Một cuộc sống như vậy nếu đối với những người bình thường ắt hẳn họ sẽ cảm thấy bằng lòng, thế nhưng Từ Hải lại khác, “côn quyền hơn sức”, “lược thao gồm tài” thế nên chàng không thể bằng lòng với hạnh phúc giản đơn, tầm thường. Cho nên chàng đã quyết tâm dứt áo ra đi, gạt bỏ tình riêng để, lập nên chí lớn của người làm trai. Thứ hai nữa chí khí của Từ Hải còn thể hiện ở hành động ra đi rất dứt khoát và mạnh mẽ “Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”.

“Lòng bốn phương” có thể được hiểu là chí lớn lập công danh sự nghiệp của kẻ làm trai trong xã hội phong kiến. Hai từ “động lòng” thể hiện rằng vốn dĩ cái chí lập nghiệp đã ấp ủ trong lòng Từ Hải từ rất lâu rồi, cho đến hôm nay sau hơn nửa năm chung sống êm đềm, hưởng thụ hạnh phúc với Thúy Kiều thì cái chí lớn ấy đã được đánh thức, được khơi dậy mạnh mẽ, khiến người gạt bỏ tình riêng để thực hiện hoài bão.

Bên cạnh đó từ “thoắt” còn diễn tả sự nhanh chóng khi quyết tâm ra đi tìm lập công danh, sự nghiệp còn dang dở, đồng thời còn thể hiện sự thay đổi một cách mau chóng vị thế của Từ Hải từ chỗ là người chồng trong gia đình, thành người anh hùng mang tráng chí bốn phương.

Hai từ “trượng phu” cho thấy sự trân trọng hết mực của Nguyễn Du đối với Từ Hải, đồng thời cũng thể hiện mơ ước của tác giả về một nhân vật hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp phi thường, có thể đứng lên thực hiện công lý trong xã hội, giành lại công bằng cho những con người khốn khổ, ví như Từ Hải giúp Kiều báo ân báo oán.

Nếu như hai câu thơ đầu tiên thể hiện quyết lên ra đi thực hiện tráng chí bốn phương thì hành động ra đi mạnh mẽ, quyết liệt của Từ Hải lại được thể hiện rất rõ ở những câu thơ “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” và “Quyết lời dứt áo ra đi”. Tác giả lựa chọn sử dụng một loạt những từ ngữ “thẳng rong” tức là đi liền một mạch, “quyết lời”, “dứt áo” thể hiện hành động nhanh chóng, mạnh mẽ, dứt khoát, không chút lưu luyến, bịn rịn. Từ đó thấy được khí phách mạnh mẽ của bậc đại trượng phu.

Tiếp theo, chí khí anh hùng của Từ Hải không chỉ thể hiện ở quyết tâm, ở hành động ra đi dứt khoát mà còn thể hiện rất rõ qua đoạn đối thoại với Thúy Kiều. Kiều vốn là một người phụ nữ thông minh, là tri kỷ nên rất thấu hiểu Từ Hải, vì vậy khi thấy trượng phu của mình nhanh chóng quyết định lên đường làm nghiệp lớn, bản thân nàng không hề có ý ngăn cản, mà chỉ muốn được làm tròn bổn phận của một người vợ “phận gái chữ tòng”, muốn xin đi theo Từ Hải cho tiện bề chăm sóc. Thế nhưng Từ Hải đã đáp lại lời nàng rằng:

Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình
Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng rợp đất bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia
Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận biết là đi đâu
Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì”

Ở hai câu thơ đầu “Từ rằng: Tâm phúc tương tri/Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình” vốn là lời trách, nhưng đồng thời cũng là lời động viên Thúy Kiều rằng hãy cố gắng vượt ra khỏi cái suy nghĩ của bậc nữ nhi thường tình để trở thành phu nhân của một bậc anh hùng cái thế, có công danh sự nghiệp hiển hách, để xứng đáng là “tâm phúc tương tri của Từ Hải”. Từ đó thể hiện ý thức của Từ Hải về sự hơn đời, hơn người của bản thân mình.

Sau lời trách, lời động viên ngầm của Từ Hải là lời ước hẹn của Từ Hải với Thúy Kiều. Cách dùng số từ số nhiều “mười vạn”, động từ “dậy đất”, “rợp đường” để vẽ ra một viễn cảnh rất huy hoàng, cùng với khoảng thời gian “chầy chăng là một năm sau”, thể hiện sự thành công nhanh chóng, lẫy lừng của Từ Hải, trống dong cờ mở trở về rước Thúy Kiều nghi gia, nghi thất , sum họp vợ chồng trong vinh hiển.

Lời ước hẹn này vừa thể hiện sự động viên của Từ Hải dành cho Từ Hải về việc chắc chắn sẽ có một thành quả tốt đẹp ở phía trước, đồng thời cũng cho thấy sự tự tin của Từ Hải và ý thức về tài năng xuất chúng, hơn người của bản thân mình. Bên cạnh đó Từ Hải cũng có những lời an ủi, lo lắng, giải thích cho Thúy Kiều “Bằng nay bốn bể không nhà/Theo càng thêm bận biết là đi đâu” để Thúy Kiều an lòng ở lại.

Đồng thời ở hai câu thơ này ta còn lờ mờ nhận ra đằng sau nó là sự cô đơn, lạc lõng của Từ Hải trong giây phút bắt đầu gây dựng công danh sự nghiệp, khi có biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ trước mắt đang chờ, mà theo như Lỗ Tấn nói là “Người anh hùng múa kích trên sa mạc”.

Cuối cùng chí khí anh hùng của Từ Hải còn được thể hiện ở không gian lớn rộng được thể hiện trong các hình ảnh “bốn phương”, “trời bể mênh mang”, “bốn bể”, “gió mây” , “dặm khơi”, hình ảnh cánh chim “bằng”. Đây đều là những hình ảnh gợi ra bối cảnh không gian khoáng đạt rộng lớn, góp phần nâng tầm vóc của người anh hùng mang hùng tâm tráng chí Từ Hải lên sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ. Bên cạnh đó còn thể hiện chí lớn của người anh hùng khao khát được vẫy vùng, tùng hoành trong bốn bể.

Câu thơ “gió mây bằng đã đến kì dặm khơi” tập trung, tổng hợp khái quát lại hình ảnh của người anh hùng Từ Hải trong giây phút lên đường để thực hiện chí lớn.

Đoạn trích Chí khí anh hùng tập trung khắc họa hình tượng nhân vật Từ Hải, với hai điểm chính là phẩm chất, chí khí phi thường và khát vọng làm nên sự nghiệp lớn của nhân vật, đồng thời gửi gắm ước mơ về tự do và công lý trong bối cảnh từ túng của xã hội cũ.

Về nghệ thuật, tác giả đã xây dựng Từ Hải thành một hình tượng có tính ước lệ qua việc sử dụng các từ ngữ hình ảnh, qua các hành động cử chỉ vốn đã trở thành kinh điển khi nói về hình tượng người anh hùng. Không chỉ vậy, Từ Hải còn mang hình tượng con người của vũ trụ gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 9

Dưới đây chia sẻ bài văn mẫu phân tích nhân vật Từ Hải đầy đủ để các em học sinh cùng tham khảo và hoàn thành tốt bài kiểm tra viết trên lớp.

Nếu nhắc đến những con người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam thì ắt không thể thiếu Nguyễn Du – đại thi hào đã mang tên tuổi nước ta lên tầm quốc tế. Xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Du đã để lại nhiều tuyệt tác văn học được viết bằng cả chữ Hán và đặc biệt là chữ Nôm, với ví dụ tiêu biểu là “Truyện Kiều”.

“Truyện Kiều” không chỉ thành công trong việc khắc họa số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đồng thời nêu cao khát vọng vươn tới những điều tươi đẹp hơn của nhân dân Việt Nam qua nhân vật Thúy Kiều và cuộc hành trình đầy gian truân của nàng; mà còn thể hiện rõ thái độ khẳng định, ngợi ca đối với người anh hùng của Nguyễn Du.

Chúng ta có thể thấy rõ được hình ảnh người anh hùng đẹp đẽ này qua nhân vật Từ hải, tiêu biểu là ở đoạn trích “Chí khí anh hùng”. Bên canh đoạn miêu tả về ngoại hình của Từ thì “Chí khí anh hùng” chính là những dòng thơ hay nhất mà Nguyễn Du dành cho nhân vật này.

Nguyễn Du (1765-1820) sinh ra và lớn lên trong một thời kì đầy biến động – giang sơn nhiều lần đổi chủ, chế độ phong kiến dần suy tàn, dẫn tới nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân. Điều này đã giúp Nguyễn Du hình thành những suy nghĩ về cuộc đời và thế thái nhân sinh và dần ảnh hưởng tới phong thái văn chương của ông. Bên cạnh đó, xuất thân từ gia đình với nhiều truyền thống văn hóa và truyền thống hiếu học, ông đã có điều kiện dùi mài kinh sử và mở rộng vốn hiểu biết về văn hóa lẫn văn học của bản thân.

Tất cả cùng với những biến cố lớn ông phải trải qua trong cuộc đời mình đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các sáng tác văn học của ông, điều đó được đặc biệt thể hiện ở “Truyện Kiều”. Bên cạnh hình ảnh những kiếp người nhỏ bé, khổ đau mà Nguyễn Du đã hết sức nâng vực trong tác phẩm này, chúng ta còn bắt gặp cả hình ảnh người anh hùng chứa đầy ước mơ của ông. Ở đoạn trích “Chí khí anh hùng”, nhân vật người anh hùng tái thế Từ Hải đã được Nguyễn Du đã xây dựng và ngợi ca với bao phẩm chất cao đẹp

Đoạn trích “Chí khí anh hùng” được đặt ở hoàn cảnh: sau khi Từ Hải cứu Kiều khỏi lầu xanh, hai người sống hạnh phúc được nửa năm thì Từ Hải đã từ biệt Thúy Kiều để ra đi lập sự nghiệp lớn. Đoạn trích bao gồm 18 câu (từ câu 2213 đến câu 2230) và có thể được phân thành ba phần – giới thiệu khái quát về Từ Hải, cuộc đối thoại giữa Từ Hải và Thúy Kiều, hình ảnh Từ Hải ra đi.

Qua “Chí khí anh hùng” , tác giả đã không chỉ gửi gắm lí tưởng của mình mà cả ước mơ lãng mạn của ông lẫn những con người bị áp bức trong xã hội xưa vào hình tượng người anh hùng Từ Hải.

Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du đã viết:

Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.”

Cụm từ “hương lửa đương nồng” ám chỉ cuộc sống vợ chồng Từ Hải – Thúy Kiều đang nồng ấm, tuy nhiên Từ Hải lại không thấy mãn nguyện với cuộc sống bấy giờ mà thầm khao khát một thứ gì đó lớn lao hơn ở “bốn phương” – khao khát được tung hoành nơi bốn bể, được ra đi để gây dựng sự nghiệp lớn của người trượng phu.

Trong xã hội phong kiến, đã là nam nhi thì phải có chí vùng vẫy giữa trời cao đất rộng. “Trượng phụ” là cách gọi để thể hiện sự tôn trọng dành cho bậc anh hùng tái thế. Và xuyên suốt “Truyện Kiều”, Nguyễn Du chỉ dùng từ duy nhất với nhân vật Từ hải. Qua đó, ta đủ thấu hiểu tấm lòng của Nguyễn Du được đặt ở người anh hùng này là như thế nào.

Từ Hải là một giấc mơ của Nguyễn Du, giấc mơ anh hùng, giấc mơ tự do và công lý. Cho nên Từ Hải là một người chí khí, một người siêu phàm. Con người ấy đến từ một giấc mơ và ở lại như một huyền thoại. Hiện diện trong “Truyện Kiều” như một nhân cách sử thi, Từ Hải đã làm nên những trang sôi động nhất, hào sảng nhất trong cái thế giới buồn đau dằng dặc của “Đoạn Trường Tân Thanh”.

Sự quyết tâm ra đi vì nghĩa lớn của Từ Hải được thể hiện ở những từ ngữ đầu tiên như “thoắt”. Đó là cách xử sự bất thường, dứt khoát của Từ Hải. Nếu là người không có chí khí, không có bản lĩnh thì trong lúc hạnh phúc vợ chồng đang nồng nàn người ta dễ quên những việc khác. Nhưng Từ Hải thì khác, ngay khi đang hạnh phúc, chàng “thoắt” nhờ đến mục đích, chí hướng của đời mình.

Tất nhiên chí khí đó phù hợp với bản chất của Từ Hải, hơn nữa, Từ Hải nghĩ thực hiện được chí lớn thì mới xứng đáng với niềm tin yêu và trân trọng mà Thúy Kiều dành cho mình. Cụm từ “động lòng bốn phương” theo Tản Đà là “động bụng nghĩ đến bốn phương” cho Từ Hải “không phải người một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương” (Hoài Thanh). Chính vì thế, chàng hướng về “trời bể mênh mang”, với “thanh gươm yên ngựa” lên đường đi thẳng:

“Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong”.

Không gian trời bể mênh mang, con đường thẳng đã thể hiện rõ chí khí anh hùng của Từ Hải. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng cụm từ “lên đường thẳng rong” nhằm gợi lên dáng vẻ hiên ngang, sẵn sàng lên đường của Từ Hải. Bằng việc sử dụng cảm hứng vũ trụ, các cụm từ mang tính gợi hình, gợi cảm cao, Nguyễn Du đã khắc họa thành công người anh hùng Từ Hải – con người mang trong mình những hoài bão lớn lao, từ đó thể hiên rõ tính cách của nhân vật này.

Mười hai câu thơ tiếp theo là cuộc đối thoại giữa Thúy Kiều và Từ Hải:

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng”
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.”

Khi biết về ý định ra đi lập nghiệp của Từ Hải, Kiều đã không ngần ngại mà bày tỏ mong muốn được đi theo chồng mình, bởi nàng vẫn theo lẽ “phận gái chữ tòng” – bổn phận người vợ phải theo chồng. Dù là một con người với những tư tưởng tiến bộ, Kiều vẫn viện vào lễ giáo phong kiến để thuyết phục Từ Hải cho nàng được làm tròn chữ “tòng” – “xuất giá tòng phu”, thuyết phục Từ Hải đưa mình theo cùng để cùng chồng gánh vác công việc.

Tại đây, ta đã biết thêm một đức tính cao đẹp khác của Kiều – tình yêu chồng và sự khâm phục, kính trọng của mình với Từ Hải – biểu tượng đẹp cho người quân tử với biết bao hoài bão lớn lao. Trước mong muốn của nàng, Từ Hải đáp:

“Từ rằng: “Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Từ Hải nhẹ nhàng trách móc Kiều, cho rằng nếu cả hai đã hiểu rõ nhau, đã biết rõ tâm tư tình cảm dành cho nhau, vậy cớ sao nàng vẫn chưa thể thoát khỏi sự ủy mị của một người phụ nữ tầm thường, sao nàng vẫn còn tin vào những lễ giáo phong kiến lạc hậu, cũ kĩ mà không hiểu mình hơn. Lời nói của chàng không chỉ là những lời trách móc nhẹ nhàng mà còn là lời động viên, an ủi Thúy Kiều, nhắc nhở nàng nên thấy tự hào về bản thân khi được đánh giá cao hơn những người phụ nữ khác.

Tiếp đó, Từ Hải nêu lên một loạt lí do để khuyên Kiều không theo mình:

Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia
Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

Từ Hải khẳng định chỉ khi nào ước mơ của mình được toại nguyện – có một cơ đồ vững chắc để tỏ rõ mặt phi thường thì chàng mới rước Kiều nghi gia theo cách đường hoàng nhất, long trọng nhất. Điều này không chỉ nêu cao chí khí anh hùng mà cả sự chu đáo, quan tâm sâu sắc của Từ Hải dành cho Kiều.

Chàng không muốn vợ mình phải chịu khổ với mình trong những tháng ngày “màn trời chiếu đất”, “bốn bể không nhà” nên càng không muốn đưa Kiều theo cùng. Tóm lại, Từ Hải đã khéo léo sử dụng nhiều lí lẽ nhằm tạo cho Kiều niềm tin, hi vọng để nàng tin tưởng, an tâm chờ đợi ngày mình trở về (“chờ đó ít lâu”), từ đó thống nhất khát vọng phi thường và tình cảm sâu nặng với người mình yêu thương.

Kết thúc đoạn trích là những câu thơ gợi tả về hình ảnh Từ Hải ra đi lập nghiệp:

“Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.”

Dứt lời chia tay nàng Kiều, Từ Hải đã một mạch lên đường, dứt khoát, không chút do dự, không để tình cảm bịn rịn làm lung lạc hay cản bước tiến của người anh hùng. Bởi bây giờ chính là thời điểm chim bằng bay lên cùng gió mây – thời điểm người anh hùng của chúng ta tỏa sáng khí chất giữa muôn trùng sông núi.

Một lần nữa, Nguyễn Du đã sử dụng một loạt điển tích, điển cố nhằm khẳng định quyết tâm và tự tin vào thành công của Từ Hải, đồng thời thể hiện lí tưởng của một người anh hùng khao khát gây dựng nên một sự nghiệp với tầm vóc lớn lao và mang nhiều ý nghĩa.

Xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam, chúng ta không chỉ thấy hình tượng người anh hùng với quyết tâm đấu tranh chống cái ác, cái gian tà để bảo vệ công lí, đem lại hạnh phúc cho nhân dân ở mình Từ Hải mà còn ở nhiều nhân vật khác, tiêu biểu là Ngô Tử Văn trong “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”.

Cả hai đều đại diện cho chính nghĩa, cho cái thiện và luôn hết mình chống lại cái xấu, cái ác, thậm chí đặt cả tính mạng bản thân vào nguy hiểm. Họ không để những cám dỗ tầm thường hay tình cảm cá nhân làm lòng họ lung lay trên con đường đầy gian truân này. Qua những hình tượng này, ta hiểu thêm rằng đây không chỉ là sự tạo dựng nhân vật đơn thuần cho mạch truyện, mà còn là sự kết tinh của những ước muốn, khát khao của tác giả lẫn người dân nước Việt – khát khao về ngày họ được sống trong sự tự do, trong hạnh phúc và hòa bình.

Tóm lại, bằng việc kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật, các hình ảnh ước lệ với cảm hứng vũ trụ và tài năng miêu tả tính cách nhân vật của mình, Nguyễn Du đã thể hiện rõ thái độ khẳng định, ngợi ca đối với người anh hùng Từ Hải. Từ Hải không phải là người anh hùng hiện thực mà là hình tượng người anh hùng lãng mạn mang dấu ấn quan niệm của tác giả.

Nói cách khác, Nguyễn Du đã gửi gắm những lí tưởng anh hùng của mình vào nhân vật Từ Hải để thầm bộc lộ ước mơ của ông, cũng là của những con người bị áp bức trong xã hội phong kiến xưa. Bên cạnh đó, nhà thơ cũng muốn để lại nhiều bài học đáng quý cho người đời sau thông qua hình tượng nhân vật này – luôn luôn đấu tranh bảo vệ công lí, bảo vệ lẽ phải vì tương lai của bản thân mỗi người, của gia đình và toàn xã hội.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 10

Bài văn phân tích nhân vật Từ Hải chọn lọc dưới đây sẽ là nội dung tham khảo cần thiết hỗ trợ các em học sinh trong quá trình làm bài.

Chí khí anh hùng được trích từ phần thứ hai Gia biến và lưu lạc trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đây là phần do Nguyễn Du sáng tạo ra không có trong nguyên tác chữ Hán. Đoạn trích đã vẽ lên chân dung người anh hùng Từ Hải vô cùng đẹp đẽ, đồng thời gửi gắm những thông điệp ý nghĩa qua nhân vật này.

Văn bản nói về cuộc chia tay giữa Thúy Kiều và Từ Hải sau nửa năm chung sống mặn nồng. Từ Hải lên đường thể hiện quyết tâm mưu đồ việc lớn của người anh hùng có hùng tâm tráng trí cao cả, lớn lao. Trước đoạn trích này, ngay từ khi Từ Hải xuất hiện, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy hình ảnh người anh hùng ngay từ vẻ đẹp ngoại hình:

Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm thước rộng thân mười thước cao
Hay vẻ đẹp ở phương diện tài năng:
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.

Để làm bật vẻ đẹp đó, bốn câu thơ đầu đã vẽ lên hình ảnh người anh hùng với khát khao, hoài bão lớn lao, cao đẹp:

Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”.

Giữa lúc cuộc sống của Từ Hải và Thúy Kiều đang ở độ đằm thắm, mặn nồng nhất thì Từ Hải quyết định dứt áo lên đường thực hiện nguyện vọng lớn lao. Theo lẽ thường, những người đàn ông sẽ khó có đủ quyết tâm để rời bỏ hạnh phúc riêng tư.

Còn Từ Hải lại là một người hoàn toàn khác, mặc dù đang trong giai đoạn hạnh phúc nhất, nhưng sâu thẳm trong trái tim Từ Hải khát khao, hoài bão, nguyện vọng đó vẫn luôn âm ỉ cháy bỏng, chỉ chờ thời cơ thích hợp để thực hiện. Thái độ lên đường của Từ Hải hết sức dứt khoát, hành động “thoắt” cho thấy sự thay đổi nhanh chóng trong con người Từ Hải.

Chỉ cần nghĩ đến những khát khao, hoài bão lớn của đời người là chàng đã muốn lên đường ngay lập tức. Tư thế lên đường “trông vời” đó là cái nhìn thẳng về phía trước, thể hiện một thái độ tự tin, mạnh mẽ của con người có bản lĩnh kiên định, vững vàng. Các từ ngữ Nguyễn Du miêu tả quyết tâm của Từ Hải hết sức đắt giá: “trượng phu”, “động lòng bốn phương”, “trời bể mênh mông” cho thấy một không gian hoạt động rộng lớn, đó là không gian thiên nhiên, vũ trụ để Từ Hải thỏa sức vẫy vùng, thể hiện hùng tâm, tráng trí của mình.

Qua bốn câu thơ đầu Nguyễn Du đã khắc họa hình ảnh của một người anh hùng lí tưởng, phi thường, có ước mơ, có hoài bão cao cả, có chí lớn ôm trọn của trời đất. Nguyễn Du đã rất khéo léo khi xây dựng hình ảnh người anh hùng Từ Hải qua không gian rộng lớn, qua tư thế, hành động mạnh mẽ, dứt khoát.

Qua cuộc đối thoại với Thúy Kiều vẻ đẹp của người anh hùng Từ Hải càng được thể hiện rõ nét hơn. Trước hết những lời đối thoại của Từ Hải đã cho thấy tình cảm chàng dành cho Thúy Kiều, chàng ý thức được sự lo lắng, băn khoăn, hiểu được ý định xin được đi theo của nàng Kiều nên đã nói chuyện với nàng để giải tỏa nỗi băn khoăn ấy. Chàng còn khẳng định tình cảm tri ân tri kỷ giữa hai người, rồi trách móc nàng Kiều vẫn chưa thoát khỏi chuyện nữ nhi thường tình:

Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình.

Từ Hải một người có ý chí, quyết tâm, ôm mộng lớn bao trùm thiên hạ bởi vậy vợ chàng, tri âm tri kỷ của chàng cũng phải là người phụ nữ mạnh mẽ, hiểu chuyện, không nên có những thái độ giống như những người phụ nữ bình thường khác. Ngoài ra, để làm Thúy Kiều yên tâm, chàng còn khẳng định, đưa ra lời hứa hẹn:

Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp trời
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Câu thơ là lời khẳng định tình cảm sâu sắc Từ Hải dành cho Thúy Kiều, đó làm tấm lòng trân trọng, luôn lo lắng cho Thúy Kiều của Từ Hải. Đồng thời Từ Hải cũng phân tích để Thúy Kiều hiểu được việc nàng muốn đi theo là không phù hợp: Bằng nay bốn bể không nhà/ Theo càng thêm bận biết là đi đâu. Để rồi một lần nữa Từ hứa hẹn chắc chắn một năm sau sẽ trở về đón nàng trong vinh quang.

Đằng sau những lời nói của Từ Hải ta còn thấy được khát vọng lớn lao của người anh hùng: muốn có một đội quân tinh nhuệ, hùng hậu, đủ sức làm rung chuyển thiên hạ. Bày tỏ mục đích ra đi vì sự nghiệp lớn của mình là để khẳng định bản lĩnh nam nhi. Khát vọng lớn lao của người anh hùng Từ Hải thể hiện qua thái độ dứt khoát, kiên quyết dẹp bỏ tình riêng hết lòng vì sự nghiệp lớn.

Khát vọng lớn lao của Từ Hải còn được thể hiện ở lời khẳng định chỉ trong vòng một năm ngắn ngủi sẽ hoàn thành sự nghiệp lớn để trở về. Đối với một người nam nhi làm sự nghiệp lớn, gây dựng cơ đồ chỉ trong một năm quả là quá ngắn ngủi. Qua lớn khẳng định đó cho thấy sự bản lĩnh, tự tin của Từ Hải vào tài năng của mình. Thông qua lời đối thoại với Thúy Kiều đã khắc họa rõ nét, chân thực những khát vọng lớn lao, cao cả, mạnh mẽ và cả tình yêu tha thiết Từ Hải dành cho Thúy Kiều.

Hai câu thơ cuối thể hiện quyết tâm của Từ Hải: Quyết lời dứt áo ra đi/ Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi. Các từ quyết, dứt, ra đi cho thấy hành động mạnh mẽ, dứt khoát, kiên quyết của Từ Hải. Hình ảnh cánh chim bằng cưỡi gió bay cao, bay xa ngoài biển lớn được Nguyễn Du sử dụng để nói lên lý tưởng, khát vọng, hoài bão cao đẹp của người anh hùng.

Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, Nguyễn Du đã khắc họa thành công người anh hùng Từ Hải mang trong mình khát khao lớn lao, được vùng vẫy trong bốn biển. Đồng thời hình ảnh Từ Hải cũng gửi gắm niềm tin về công lý, về sự nghiệp của Nguyễn Du.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 11

Chia sẻ dưới đây gợi ý phân tích nhân vật Từ Hải ngắn hay để các em học sinh linh hoạt vận dụng cho bài viết của mình.

Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du không chỉ gửi gắm niềm thương cảm về số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ với số phận nổi trôi bấp bênh giữa sóng gió cuộc đời. Mà ông còn gửi gắm cả niềm khát khao về một xã hội công bằng, gửi gắm niềm hi vọng vào những người anh hùng xuất chúng “đầu đội trời chân đạp đất” . Điều đó được thể hiện thông qua hình ảnh người anh hùng Từ Hải – một con người phi thường với khát vọng phi thường trong đoạn trích Chí khí anh hùng.

Có thể nói sự xuất hiện của Từ Hải chính là ngọn đèn rọi sáng tâm hồn cô độc, số phận khổ đau, bất hạnh của Thúy Kiều. Từ Hải không chỉ dành sự yêu thương, cảm mến chân thành cho Thúy Kiều mà còn cứu nàng khỏi cuộc sống “ong bướm” chán chường chốn lầu xanh, giúp nàng báo ân báo oán. Tuy nhiên, cuộc sống đôi lứa của Từ Hải và Thúy Kiều chưa được bao lâu thì Từ Hải đã quyết chí ra đi để lập nghiệp.

Từ Hải và Thuý Kiều có nửa năm mặn nồng, hạnh phúc bên nhau “hương lửa đương nồng”. Thuý Kiều muốn giữ gìn cuộc sống bình yên như vậy, muốn được cùng người anh hùng của mình gắn bó không rời, bởi trong quá khứ, nàng đã phải chịu biết bao đau đớn, khổ cực. Thế nhưng, Từ Hải là một người anh hùng với chí lớn, trong hoàn cảnh ấy, chàng càng muốn được tung hoành, muốn làm nên nghiệp lớn, vậy nên chàng quyết tâm ra đi.

“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”

Một loạt những từ ngữ và hình ảnh được Nguyễn Du sắp xếp khéo léo, gợi lên khát vọng của Từ Hải. Động từ “thoắt” diễn tả sự mau lẹ, sự dứt khoát của chàng khi ra đi. Thứ làm chàng “động lòng” là hoài chí tung hoành bốn phương, là sự nghiệp lớn còn dang dở. Câu thơ “Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương” gợi lên khát vọng to lớn của Từ Hải, chí nguyện lập nên công danh, tạo nên sự nghiệp. Đó là ý chí, là chí khí của đấng nam nhi anh hùng. Như Nguyễn Công Trứ đã từng viết rằng:

“Chí làm trai nam bắc tây đông
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

Chàng trông về nơi xa, khát khao được ra đi, khát khao chinh phục được bốn bể “trông vời trời bể mênh mang”. Các hình ảnh “thanh gươm”, “yên ngựa”, “lên đường thẳng rong” là những hình ảnh góp phần khắc họa rõ tư thế hiên ngang và tinh thần sẵn sàng ra đi của Từ Hải. Chàng lên đường chỉ với một gươm một ngựa cùng với một khí thế hừng hực đầy quyết tâm làm cho hành động ra đi càng trở nên đẹp đẽ, hùng tráng. Từ Hải hiện lên là một người anh hùng có khát vọng, lí tưởng cao đẹp.

Từ Hải là người anh hùng có lý tưởng và tình cảm thống nhất cao độ. Thuý Kiều xin đi cùng, chàng nhẹ nhàng trách móc:

Từ rằng: tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”

Kiều là vợ của chàng, là tri kỉ của cả đời chàng, tại sao chưa thể thoát ra khỏi những nghi kị của nữ nhi thường tình mà hiểu thấu lòng chàng. Chàng và nàng đã “tâm phúc tương tri”, đã hiểu hết được nỗi lòng của đối phương, thì nàng chắc chắn phải hiểu được chí lớn khát khao trong con người chàng rồi. Chàng mong nàng sẽ thấu hiểu và cảm thông cho chàng, để xứng đáng trở thành người tri kỷ của chàng, của một bậc anh hùng.

Lời từ chối của Từ Hải cho thấy chí khí của chàng đã vượt lên trên tình cảm cá nhân, chàng không vì tình cảm mà quên đi chí lớn của mình.

Thêm vào đó, trong lời hứa với Thuý Kiều, Từ Hải đã bộc lộ niềm tin vào khát vọng của mình, tài năng của mình:

“Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất, bóng cây rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia””

Lời hứa ấy của chàng với nàng, cũng là lời khẳng định với bản thân mình. Những hình ảnh “mười vạn tinh binh”, hay “tiếng chiêng rợp đất”, “bóng tinh rợp trời” là những hình ảnh lớn lao, vượt lên tầm vóc thông thường, thể hiện một không gian với phạm trù to lớn.

Điều này gợi lên khát vọng to lớn của Từ Hải, đó là khát vọng mang tầm vóc vũ trụ, rộng lớn khắp thế gian. Khát vọng của chàng là “làm cho rõ mặt phi thường”, tức là làm cho người đời thấy được tài năng xuất chúng của chàng, tạo nên sự nghiệp lừng lẫy, chứng tỏ chí khí của mình. Đây là niềm tin sắt đã của chàng vào khát vọng, vào tài năng của chính mình.

Đồng thời, chàng cũng hứa với Thuý Kiều rằng, khi đó, chàng sẽ “rước nàng nghi gia”, tức là chàng sẽ đón nàng về nhà, cho nàng một danh phận lớn hơn, và cùng chung sống hạnh phúc với nàng. Từ Hải ra đi không chỉ vì hướng tới chí lớn sự nghiệp của chàng mà còn muốn hướng tới Thuý Kiều, chàng muốn cho nàng một cuộc sống hạnh phúc, một danh phận hơn người.

Trước khi ra đi, chàng cũng hứa với Kiều rằng:

“Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì?”

Đây là lời hứa, lời khẳng định chắc chắn đầy tự tin của Từ Hải khi chàng ra đi vì khát vọng, lí tưởng của mình. Hình ảnh “bốn bể không nhà” gợi lên sự vất vả gian lao mà người anh hùng sẽ phải chịu trong những buổi đầu lập nghiệp mà Từ Hải sẽ phải đối đầu. Nhưng chàng không hề sợ hãi mà còn có phần phấn khích, mong chờ. Chàng hứa với Kiều “một năm” nữa sẽ trở về với nàng. Một năm là thời hạn ước định cho khát vọng của chàng, khẳng định sự tự tin của chàng vào tài năng của mình khi thực hiện lý tưởng.

Và cuối cùng, hình ảnh người anh hùng Từ Hải hiện lên với tư thế dứt khoát ra đi đầy bản lĩnh:

Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”

Hai câu thơ, hình ảnh người anh hùng hiện lên thật rõ. Nguyễn Du đã khéo lẽo sử dụng những động từ mạnh như “quyết”, “dứt”, “ra đi” để gợi lên thái độ ra đi đầy dứt khoát và bản lĩnh của Từ Hải.

Hình ảnh “gió mây bằng đã đến kì dặm khơi” là hình ảnh ẩn dụ cho khát vọng của người anh hình với bản lĩnh phi thường, khao khát làm nên nghiệp lớn. Từ Hải cũng như cánh chim bằng vút bay lên cùng gió mây, tầm vóc của chàng sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ. Không chỉ khát vọng được vùng vẫy, Từ Hải còn là người anh hùng với chí khí, có sức mạnh, có tài năng, có niềm tin vào bản thân mình.

Nhân vật Từ Hải dưới ngòi bút của Nguyễn Du hiện lên là người anh hùng với chí lớn, khát vọng vùng vẫy bốn phương. Bút pháp ước lệ và lí tưởng hoá nhân vật được Nguyễn Du sử dụng triệt để khi miêu tả người anh hùng Từ Hải. Qua đó, ta cũng hiểu được quan niệm anh hùng và lí tưởng công lý mà tác giả muốn gửi gắm.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 12

Tham khảo bài phân tích nv Từ Hải đơn giản dưới đây với những ý văn ngắn gọn và luận điểm cơ bản nhất.

Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Nó thể hiện rõ tấm lòng của Nguyễn Du với số phận con người trong xã hội phong kiến. Đồng thời, nó cũng thể hiện ước vọng của Nguyễn Du về một xã hội công bằng với người anh hùng xứng đáng là bậc trượng phu. Và ước vọng ấy được ông đã thể hiện qua hình tượng nhân vật Từ Hải – một người anh hùng “đội trời đạp đất”

Khi lần đầu xuất hiện trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã để cho Từ Hải sánh vai cùng Kiều. Người anh hùng Từ Hải đã giải thoát Kiều khi nàng đang rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh, khi mà:

Thoắt mua về, thoắt bán đi
Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi”

Và chính lúc đau khổ ấy của Kiều, Từ Hải đã xuất hiện như vị cứu tinh của đời Kiều. Kiều đã được Từ cứu vớt khỏi chốn ô nhục và mang cho nàng một cuộc sống mới.

Hình ảnh Từ Hải hiện lên thật bất ngờ, thật đột ngột, bất ngờ với chúng ta và cả chính Kiều nữa:

” Lầu thâu gió mát, trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đinh sang chơi”

Không chỉ hiện lên như bậc cứu nhân, Từ Hải còn hiện lên là một người anh hùng mang cốt cách phi thường, sánh ngang với tầm vóc của thiên nhiên và vũ trụ. Nguyễn Du đã dựng lên hình ảnh về một người anh hùng vĩ đại, với ngoại hình tướng mạo phi phàm:

Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”

Ở đây ta thấy, Nguyễn Du đã sử dụng thủ pháp ước lệ tượng trưng của thi pháp cổ, ông đã vẽ lên người anh hùng lý tưởng của mình với tướng mạo không thể phi thường hơn. Toàn là những hình ảnh so sánh với thiên nhiên, với những gì mạnh mẽ, đẹp đẽ nhất! Nào là râu như “hùm”, hàm như “én”, đôi lông mày như “ngài”. Không chỉ vậy, Nguyễn Du còn sử dụng nhịp ngắt câu 2/2/2 và 4/4, nhịp ngắt nhanh, mạnh này càng gây cho người đọc ấn tượng hơn về người anh hùng họ Từ.

Chẳng những có tướng mạo phi phàm hơn người, Từ Hải còn hiện lên với tài năng và chí khí của bậc trượng phu chí lớn.

Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Đông
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.”

Nguyễn Du đã tả Từ không chỉ với tướng mạo xuất chúng, mà còn là tài năng hơn người “lược thao gồm tài”. Người anh hùng ấy quả đã khiến người khác phải ngưỡng mộ, trầm trồ về dung mạo và cả tài năng, nhân phẩm của mình nữa. Quả là một người anh hùng trong mơ ước của bao người, xứng với lòng mong mỏi của tác giả!

Không như Thúc Sinh chỉ là một kẻ nhu nhược, hèn kém, chịu khuất phục trước quyền cao chức trọng, Từ Hải lại mang một phong thái khác vô cùng. Chàng là người trọng nghĩa khí, trọng sự công bằng, luôn luôn giúp đỡ, bênh vực những kẻ yếu thế và không bao giờ e sợ trước cường quyền.

Nguyễn Du đã vô cùng trân trọng Từ Hải khi miêu tả về chàng toàn là những lời khen rằng: ” đấng anh hào”, “côn quyền”, “lược thao”, “đội trời đạp đất” … Những từ ngữ Hán Việt ấy đã khắc họa, tô đậm rõ nét tài năng anh hùng của chàng. Tài năng, nhân phẩm của chàng tới tận sau khi chàng chết, Thúc Sinh vẫn nhắc lại với lòng kính trọng, muôn phần bội phục:

Đại vương tên Hải họ Từ,
Đánh quen trăm trận, sức dư muôn người.
Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên,
Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng,
Đại quân dồn đóng cõi đông…”

Thật là một người anh hùng tướng mạo và tài năng đều vô cùng xứng đôi với nàng Kiều xinh đẹp vẹn toàn “trai anh hùng, gái thuyền quyên”.

Nguyễn Du đã miêu tả Từ Hải với lòng ngưỡng mộ sâu sắc, với tài năng của chàng, với nhân phẩm của chàng và cả với lý tưởng cao đẹp của chàng nữa. Lý tưởng ấy đồng thời cũng là khát vọng to lớn của Nguyễn Du về một xã hội công bằng, ác giả ác báo thiện giả thiện lai. Lý tưởng ấy của Từ Hải đã hiện lên thật rõ ràng trong lần trò chuyện của Kiều trước khi ra đi.

Sau khi cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, cho Kiều một thân phận, nửa năm sau, Từ Hải quyết định từ biệt Kiều để ra đi thực hiện chí lớn của mình.

Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông về trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”.

Từ Hải và Kiều đã dựng xây lên một hạnh phúc viên mãn, mặn nồng. Hạnh phúc ấy đang vô cùng êm đềm, tốt đẹp. Thế nhưng thân là nam nhi, trong xã hội phong kiến đương thời, Từ Hải phải ra biển lớn vẫy vùng cho thỏa chí lớn. Vậy nên, dù viên mãn trong hạnh phúc với Kiều, nhưng chàng vẫn quyết chí ra đi một cách đầy mạnh mẽ và dứt khoát.

“Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”

Một gươm một ngựa nhưng chàng vẫn quyết chí ra đi để thực hiện chí lớn của mình. Thế nhưng, dứt áo ra đi là vậy, chàng cũng không quên gửi tới Kiều lời an ủi, lời hứa hẹn, mong Kiều có thể hiểu và vượt qua những suy nghĩ “nữ nhi thường tình”.

Nguyễn Du đã để Từ Hải bộc bạch chí lớn, khát vọng của mình thế này:

“Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Đó là lời bộc bạch rất chân thật, rất mạnh mẽ. Chàng Từ đã xác định cho mình một mục tiêu thật rõ ràng để quyết tâm ra đi mà thực hiện điều đó.

Lời chia tay của chàng Từ chẳng bịn rịn như Thúc Sinh mà là một lời dứt khoát đầy mạnh mẽ, bởi chàng ra đi là vì việc lớn, vì xây dựng sự nghiệp cao cả của mình. Thật đúng là ý chí của bậc trượng phu! Không chỉ quyết chí ra đi vì chí lớn, chàng còn rất tự tin vào cuộc sống, tự tin vào chính bản thân, ý chí và lý tưởng của mình, bởi chàng biết, chàng nhất định sẽ mang vinh quang trở về:

Đành rằng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì”

Lời nói ấy như một lời hứa, một lời quyết tâm, quyết chí thực hiện lý tưởng để trở về. Và hình ảnh cuối của Từ Hải khi ra đi, được Nguyễn Du so sánh với cánh chim bằng tung mình trong biển gió cát mịt mù càng tôn vinh tầm vóc của chàng. Nguyễn Du đã ví chàng sánh ngang với thiên nhiên, vũ trụ, sánh ngang cùng vạn vật.

Từ Hải là một nhân vật xuất hiện ngang cuộc đời của Kiều, thế nhưng chàng lại hiện lên với tầm vóc không thể đẹp đẽ và tài năng hơn. Với tấm lòng của mình, Nguyễn Du đã đặt người anh hùng của mình sánh ngang tầm với trời đất vũ trụ. Người anh hùng ấy không chỉ có tướng mạo phi phàm “râu hùm, hàm én, mày ngài” mà còn là một người có tài năng xuất chúng, chí lớn hơn người. Bằng các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, ước lệ, Nguyễn Du đã vẽ lên người anh hùng đẹp tuyệt vòi trong lòng mỗi người đọc chúng ta.

Qua hình ảnh Từ Hải, qua lý tưởng của chàng, ta thấy ẩn chứa trong đó là niềm tin của Nguyễn Du, cũng như niềm khát vọng của ông về một xã hội công bằng, được lãnh đạo bởi người anh hùng xứng đáng như Từ Hải.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 13

Tài liệu văn phân tích nhân vật Từ Hải lớp 10 dưới đây sẽ mang đến cho các em học sinh những ý tưởng hay để thực hiện bài viết.

Các tác phẩm giai đoạn văn học trung đại là những tác phẩm thể hiện “đạo” và “chí” của con người lúc bấy giờ. Thông qua đó, các nhà văn, nhà thơ đã gửi gắm giấc mơ của mình qua việc khắc họa hình tượng những nhân vật mang cốt cách và bản lĩnh của thời đại. Nguyễn Du đã thể hiện khát vọng và lý tưởng của người anh hùng qua nhân vật Từ Hải- người anh hùng “đầu đội trời, chân đạp đất” trong đoạn trích Chí khí anh hùng trích từ tuyệt tác Truyện Kiều.

Đoạn trích Chí khí anh hùng trích từ câu 2213 đến câu 2230 trong Truyện Kiều. Đoạn trích khắc họa rõ nét nhân vật Từ Hải, không phải qua ngoại hình “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” mà hình tượng Từ Hải hiện lên từ khát vọng và lý tưởng phi thường.

Cuộc đời Kiều tưởng như bế tắc khi bước vào chốn lầu xanh lần thứ hai thì Từ Hải xuất hiện. Giữa chốn nhơ nhớp, Từ Hải nhận ra vẻ đẹp thanh cao và khí chất của Kiều. “Trai anh hùng- gái thuyền quyên”, giữa họ đã tìm được nhờ sự đồng điệu, trở thành những người tri âm, tri kỉ. Sau nửa năm chung sống, Từ Hải muốn có sự nghiệp lớn nên từ biệt Kiều ra đi sau nửa năm chung sống:

Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Nguyễn Du đã miêu tả hình tượng Từ Hải với khát vọng lên đường mãnh liệt, gác lại những ngọt ngào của tình yêu đang độ mặn nồng nhất, người nam nhi ấy không bị tình yêu giữ chân, quyết lên đường để lập công danh, sự nghiệp. Khát khao lập công, lập danh là điều tất yếu mà mỗi bậc trượng phu lúc bấy giờ phải tạo dựng.

Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.

( Đi thi tự vịnh- Nguyễn Công Trứ)

Trong bộn bề của sự rối ren, Từ Hải hiện lên với quyết tâm mãnh liệt thể hiện qua việc miêu tả không gian rộng lớn “bốn phương”, “trời bể mênh mang”, không gian rộng lớn, hoành tráng ấy mới phù hợp với tầm vóc và lý tưởng xoay trời chuyển đất của Từ Hải. Hình tượng Từ Hải được miêu tả qua những hành động hết sức nhanh và quyết đoán, “thoắt”, “động lòng bốn phương”, “thẳng rong” thể hiện khát khao thực hiện hoài bão lớn của người trượng phu.

Trong truyện Kiều của Nguyễn Du, chỉ Từ Hải mới được ông chọn làm đấng trượng phu, bởi ở người đàn ông này mang những phẩm chất cao đẹp, mang lý tưởng lớn và khao khát cháy bỏng để thực hiện lý tưởng đó. Từ Hải nghĩ nhanh, hành động mau lẹ, thực hiện mục tiêu của cuộc đời. Với hành trang chỉ là “thanh gươm yên ngựa” nhưng với bản lĩnh và tầm nhìn xa trông rộng, Từ Hải tin tưởng sẽ lập nên sự nghiệp hiển hách.

Ở đây, ta thấy, Từ Hải nói lời từ biệt Kiều khi đã trong tư thế sẵn sàng, khí thế lên đường ngút trời, ở đó là sự dứt khoát và bản lĩnh của đấng nam nhi muốn vùng vẫy bốn phương không gì ngăn cản nổi. Cảnh chia biệt này thể hiện vẻ đẹp trong tính cách Từ Hải, nó khác với cảnh chia tay đầy nước mắt của Kiều với Kim Trọng hay Thúc Sinh :

Dùng dằng chưa nỡ rời tay
Vừng đông trông đã đứng ngay nóc nhà.

( Kiều- Kim Trọng)

Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
.
(Kiều – Thúc Sinh)

Qua cảnh tiễn biệt đó, ta thấy được khí phách và sự quyết tâm lập công danh, sự nghiệp hiển hách của Từ Hải. Trước sự quyết tâm ấy, Kiều mong ước được đi cùng Từ Hải, để vẹn chữ “tòng phu”, mong được nâng khăn sửa túi cho Từ Hải, giúp đỡ chàng vơi bớt khó khăn, đồng cam cộng khổ. Mong ước này của Kiều là chính đáng, bởi nàng nhận thức được cuộc sống của nàng đã thay đổi, mang một tương lai mới nhờ Từ Hải.

Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.
Khi tình rượu, lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.

(Trích Nỗi thương mình- Truyện Kiều)

Cuộc sống chạm đến đáy của cuộc đời, Kiều gặp được Từ Hải, chàng như chiếc phao cứu cánh Kiều thoát khỏi bế tắc, nhơ nhớp. Việc Kiều mong ước đi cùng Từ Hải là mong ước hết sức chính đáng của bất cứ người con gái nào rơi vào hoàn cảnh như Kiều. Thế nhưng, Từ Hải đã lựa chọn từ chối lời xin đi đó. Với chàng, đó có chăng cũng chỉ là nữ nhi thường tình?

Từ rằng: tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Đó là lời trách cứ nhẹ nhàng, còn là lời từ chối khéo léo trước mong ước của Kiều, từ đó, ta thấy được quyết tâm cao độ của Từ Hải với khát vọng công danh. Vừa từ chối, lời Từ Hải còn trách cứ nhẹ nhàng nhưng là để động viên Kiều, đã là “tâm phúc tương tri”, đã hiểu nhau sâu sắc rồi thì hà cớ gì phải quyến luyến, bịn rịn như nữ nhi thường tình.

Ở đây, Nguyễn Du sử dụng “nữ nhi thường tình” để muốn nói Kiều không nên tầm thường với những tính cách thông thường của người phụ nữ, mà phải mạnh mẽ và chấp nhận để xứng đáng với Từ Hải- bậc anh hùng.

Qua đó thấy được phong thái tự tin, quyết tâm và sẵn sàng vì mục tiêu cao đẹp. Bên cạnh đó, dường như Từ Hải muốn để Kiểu yên tâm hơn, chàng đã hứa hẹn với Kiều. Đó là lời hứa “rước nàng nghi gia”. Lời hứa này có ý nghĩa với bất cứ ai, nhất là Kiều. Cuộc đời nàng những tưởng sẽ không nhận được lời hứa hẹn nào đáng giá như thế, bởi kiếp “làm vợ khắp người ta” như nàng thì e rằng “xuống đến âm phủ làm ma không chồng”. Lời hứa của Từ Hải khiến Kiều thật sự yên tâm:

Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường,
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Đây được xem là lời hứa đáng giá ngàn vàng. Nó mang ý nghĩa khi Từ Hải trao lời hứa hẹn ấy với mong ước sẽ cưới Kiều khi công danh, sự nghiệp đã rạng danh. Bao giờ có một đội quân tinh nhuệ, với tiếng tăm lẫy lừng, xuất chúng hơn người sẽ rước Kiều về làm vợ, sẽ cùng nàng vinh quy bái tổ, có danh phận rõ ràng. Từ Hải tự tin mình sẽ tạo nên thanh thế, tiếng tăm để mang lại hạnh phúc cho Kiều.

Khẩu khí của Từ Hải là lời hứa chắc chắn của bậc chính nhân quân tử đầy bản lĩnh và tin vào bản thân, đó cũng là động lực giúp Kiều tin tưởng và chờ đợi. Thực hiện sự nghiệp còn là điều giúp Từ Hải khẳng định khao khát và bản lĩnh giữa đất trời. Điều kiện là chàng phải chấp nhận tạm rời xa cuộc vui để dấn thân lập công, lập danh. Lời hứa hẹn của Từ Hải còn mang ý nghĩa giúp Kiều an tâm và lựa chọn tin tưởng đến cùng.

Bằng nay bốn bể không nhà,
Đi càng thêm bận biết là đi đâu.
Đành rằng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì.

Ước hẹn một năm, khi công thành danh toại của Từ Hải thể hiện bản lĩnh của bậc trượng phu. Chàng không thể để Kiều đi theo bởi chưa biết sẽ đi đâu, mang theo Kiều sẽ thêm vướng bận và không được tự do tung hoành. Qua đó, ta thấy Từ Hải là con người dám nghĩ dám làm, nhìn xa trông rộng. Lời từ chối nhưng hơn hết khiến Kiều thật yên tâm bởi sự chu đáo và đáng tin cậy. Sau mọi ước hẹn, sau những lời tiễn biệt, Từ Hải dứt áo ra đi:

Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

Hành trang đã sẵn sàng, lời từ biệt đã nói xong, Từ Hải dứt áo ra đi. Ở đây, ta thấy được sự dứt khoát và quyết tâm lên đường của Từ Hải. Hình ảnh cuối cùng, Nguyễn Du xây dựng bằng nghệ thuật ẩn dụ, mượn hình ảnh “chim bằng” trong văn chương cổ điển đại diện cho tự do và công lý, khiến Từ Hải mang vẻ đẹp của một người anh hùng có lí tưởng cao đẹp, phi thường mang tầm vóc vũ trụ .

Đó cũng là động lực, niềm tin giúp Kiều vượt khó khăn. Từ Hải là đại diện cho khát vọng tự do, công lý, đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du: ước mơ giải phóng con người khỏi xã hội bất công. Bằng bút pháp lãng mạn, Nguyễn Du đã xây dựng hình tượng Từ Hải với khát vọng và lý tưởng của bậc anh hùng mang vẻ đẹp phi thường. Với ngôn ngữ tinh tế, chắt lọc, Nguyễn Du đã xây dựng hình mẫu lý tưởng, nhân vật mang khí chất và bản lĩnh đẹp đẽ trong tác phẩm Truyện Kiều.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 14

Chia sẻ bài văn mẫu phân tích nhân vật Từ Hải Facebook dưới đây sẽ giúp các em học sinh có thêm cho mình tư liệu tham khảo phong phú hơn.

Đoạn trích Chí khí anh hùng đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp, lí tưởng của người anh hùng “đầu đội trời, chân đạp đất” Từ Hải. Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng cùng những miêu tả tinh tế, đại thi hào Nguyễn Du đã mang đến cho người đọc những ấn tượng sâu sắc về nhân vật qua đoạn trích “Chí khí anh hùng”.

Trước đó, khi được tập trung miêu tả trong đoạn trích “Chí khí anh hùng” , Nguyễn Du đã cho gợi mở cho người đọc những ấn tượng đầu tiên về Từ Hải với vẻ đẹp nổi bật về ngoại hình:

“Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm thước rộng thân mười thước cao”

Không chỉ nổi bật về khí chất bên ngoài, Từ Hải còn mang những nét đẹp về phẩm chất của một người anh hùng trong thiên hạ. Đầu tiên, có thể ấy ở chàng là một người có hoài bão, khát vọng cao đẹp:

“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”
.

Mở đầu đoạn trích tác giả gợi ra hoàn cảnh lên đường của Từ Hải. Giữa lúc cuộc sống phu thê đang ấm êm, thời gian Từ và Kiều bên nhau cũng vừa tròn nửa năm thì chàng quyết định dứt áo ra đi vì “động lòng bốn phương”. Người ta thường bảo “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”, khi đang sống trong sự vui vầy, người ta cũng sẽ khó lòng mà dứt bỏ hạnh phúc riêng tư theo tiếng gọi của lý tưởng. Nhưng với Từ Hải thì khác, sâu trong trái tim là một khát khao lập công cháy bỏng.

Những khát vọng âm ỉ cháy trong Từ bấy lâu nay quyết định thực hiện trong phút chốc, đây có lẽ là cơ hội, thời điểm tốt nhất để Từ thực hiện chí hướng của mình. Quyết là làm, Từ Hải lên đường không chút ngần ngại hay chút do dự nào. Thái độ dứt khoát cùng hình ảnh “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” cho thấy hành động đầy tự tin, ngạo nghễ với cặp mắt hướng về phía trước, nhìn về chiến thắng của người anh hùng.

Giữa không gian vũ trụ rộng lớn được gợi ra bằng các cụm danh từ như “bốn phương” , “trời bể”, Từ Hải một mình một ngựa lên đường, làm chủ không gian, đất trời tuy rộng lớn nhưng con người không hề nhỏ bé mà trái lại vô cùng ngạo nghễ với tư thể đầy bản lĩnh , tự tin.

Qua cuộc đối thoại với Thúy Kiều, Từ Hải càng thể hiện phẩm chất của một đấng nam nhi, không chỉ là một anh hùng trong thiên hạ mà còn là một đấng phu quân mẫu mực, hết lòng với người đầu ấp tay kề. Trước những mong cầu được đi cùng mình của Kiều, Hải đã khéo léo từ chối, giãi bày để Kiều bớt đi phần nào băn khoăn, lo lắng:

“Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình.”

“Tâm phúc tương đi”- lời khẳng định chắc chắn về tình cảm phu thê mặn nồng, tri kỉ. Sau đó, Từ mong Kiều có thể mạnh mẽ, rũ bỏ được những mong muốn của phận nữ nhi thường tình để cùng chàng nuôi chí lớn. Những lời giãi bày của Từ Hải vừa chân tình, thấu hiểu lại vừa thể hiện được quyết tâm gây dựng nghiệp lớn nơi chàng. Là một người nhìn xa trông rộng, hơn ai hết Hải đã dự định trước những khó khăn mà mình phải đối mặt, vì vậy mà chàng không muốn Kiều theo. Sợ nàng sẽ nhọc lòng lo lắng:

Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận biết là đi đâu”

Cảm nhận được sự bối rối và ánh mắt đầy lắng lo của Kiều, Từ Hải tiếp tục trấn an nàng bằng những hứa hẹn đầy tự tin:

Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”

Đằng sau những lời nói ấy là một quyết tâm cao để dành được chiến thắng ngày trở về. Những hình ảnh vinh quy như “mười vạn tinh binh”, “bóng tinh rợp đất’, “tiếng chiêng rợp đường” đã vẽ nên một khung cảnh hào hùng, vinh quang trong chiến trận. Đó cũng là lúc Từ Hải “rước nàng nghi gia”, thỏa khát vọng phi thường, lập nên sự nghiệp vẻ vang muôn đời, mãn nguyện để cùng Kiều hưởng hạnh phúc ấm êm. Chí lớn của Từ Hải khiến ta liên tưởng đến những câu thơ năm nào của Nguyễn công Trứ:

Chí làm trai Nam – Bắc – Tây -Đông
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

Hai câu thơ cuối đoạn trích một lần nữa khắc họa hình ảnh ra đi đầy đẹp đẽ của người anh hùng:

“Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”

Những động từ mạnh “quyết”, “dứt”, cùng hành động “ra đi” càng thể hiện rõ sự kiên quyết, mạnh mẽ của Từ. Lời nói đi đôi với hành động, chàng như cánh chim bằng cưỡi gió vượt mây, vươn ra biển lớn để chinh phục tầm cao của khát vọng, lý tưởng, hoài bão ấp ủ một đời.

Bằng thể thơ lục bát quen thuộc, cùng việc kết hợp các biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, bút pháp ước lệ tượng trưng, Nguyễn Du đã khắc họa thành công vẻ đẹp nhân vật Từ Hải. Qua đó, gửi gắm ước mơ cao đẹp, đầy tính nhân văn về một xã hội công bằng, công lý với nhân tài, anh kiệt.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 15

Tham khảo bài văn phân tích nhân vật Từ Hải trong 12 câu đầu Chí khí anh hùng dưới đây để đi sâu phân tích những tầng ý nghĩa xoay quanh nhân vật.

Đoạn trích “Chí khí anh hùng” trích trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã dành những lời thơ của mình để nói về Từ Hải – người anh hùng lí tưởng có những phẩm chất cao đẹp, phi thường. Điều đó được thể hiện rất rõ qua 12 câu thơ đầu:

Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa, lên đường thẳng rong.
Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Qua bốn câu thơ đầu của đoạn trích đã thể hiện khát vọng lên đường vì sự nghiệp của Từ Hải:

“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”.

Trong lúc tình yêu và hạnh phúc vợ chồng đang nồng đượm, yên ấm, Từ Hải quyết chí ra đi, rời xa người vợ tài sắc để thực hiện lí tưởng nam nhi của mình. Nam nhi trong xã hội xưa muốn được công nhận thì phải có công danh, sự nghiệp, có được những công trạng lớn lao. Chẳng vậy mà Nguyễn Công Trứ từng viết:

“Chí làm trai nam bắc tây đông,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”.

Từ Hải là một đấng nam nhi muốn “vẫy vùng” nên đã “động lòng bốn phương”. Chàng là người có ý chí lập công danh, sự nghiệp lớn. Động từ “thoắt” vừa thể hiện một trạng thái nhanh chóng vừa thể hiện sự dứt khoát, kiên quyết của Từ Hải. Tác giả Nguyễn Du đã đặt người anh hùng vào tình thế khó xử khi một bên là hạnh phúc vợ chồng chốn khuê phòng như một cám dỗ còn một bên là không gian rộng lớn thỏa sức thể hiện tráng trí bốn phương.

Không làm bạn đọc thất vọng, bậc trượng phu ấy đã lựa chọn con đường theo đuổi hoài bão, lí tưởng cuộc đời mình. Nguyễn Du đã thể hiện sự trân trọng nhân vật Từ Hải khi gọi chàng là “trượng phu” – người nam nhi có chí lớn, là bậc anh hùng trong thiên hạ. Dù cuộc sống vợ chồng còn nhiều lưu luyến, vẻ đẹp khiến “hoa ghen”, “liễu hờn” của người vợ Thúy Kiều còn níu bước chân người anh hùng nhưng Từ Hải vẫn quyết lên đường chinh chiến để thực hiện khát vọng “vẫy vùng trong bốn bể” mà không một chút do dự, phân vân.

Một con người “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” như Từ Hải muốn thỏa sức tung hoành khắp thiên hạ cũng là điều dễ hiểu. Hình ảnh Từ Hải ra đi một mạch cùng thanh gươm trên yên ngựa trong cõi “trời bể mênh mang” thật oai phong, lẫm liệt. Những hạnh phúc cá nhân riêng tư không thể làm chùn bước chân của người anh hùng. Từ Hải “không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng, mà là người của trời đất, của bốn phương” (Hoài Thanh). Chàng đối diện với trời đất, vũ trụ bằng một tâm thế đầy chủ động.

Cuộc chia ly nào cũng gắn với nỗi buồn, những giọt nước mắt và cuộc chia ly của Thúy Kiều – Kim Trọng cũng không ngoại lệ:

“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Nho giáo đã quy định người phụ nữ phải tuân theo luật “tam tòng”: ở nhà theo cha, xuất giá theo chồng, chồng chết theo con. Thúy Kiều đã khéo léo nhắc đến luật lệ của đạo Nho để xin đi theo chồng. Trong lúc “hương lửa đương nồng”, nàng không muốn phải chịu cảnh xa cách, chia lìa với Từ Hải – một người chồng nhưng đồng thời cũng là một người ân nhân cứu mạng Kiều thoát khỏi chốn lầu xanh.

Nàng muốn được theo chồng, muốn nâng khăn sửa túi và cùng chồng sẻ chia những khó khăn trong cuộc đời. Mong muốn ấy vô cùng chính đáng bởi lẽ nữ nhi lấy chồng thì phải theo chồng. Dù phải chịu những vất vả, gian nan thì Kiều cũng nguyện một lòng ở bên Từ Hải. Nhưng với nghĩa khí của một bậc quân tử, Từ Hải đã đáp lại rằng:

“Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Hai người đã hiểu rõ lòng dạ của nhau đến mức sâu sắc vậy tại sao Kiều vẫn “chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”. Đó là lời trách cứ Thúy Kiều tuy là tri âm tri kỉ mà tại sao lại không thấu hiểu cho hành động của Từ Hải. Đồng thời đó cũng là lời động viên, khuyên nhủ Thúy Kiều vượt qua những trắc trở trước mắt để hướng về tương lai tốt đẹp sau này và mong muốn nàng đừng quá lo lắng cho mình. Từ Hải thuyết phục, hứa hẹn với Thúy Kiều bằng tình cảm chân thành, sâu nặng.

Từ Hải ra đi lập sự nghiệp, công danh đến khi trở thành một con người xuất chúng, phi thường và nắm giữ trong tay “mười vạn tinh binh”thì chàng sẽ quay trở về rước Kiều “nghi gia” bằng những hình thức lễ nghi trang trọng. Vợ chồng đoàn tụ trong âm thanh rộn rã của “tiếng chiêng dậy đất” và khung cảnh ngập tràn bóng cờ trên các con đường.

Qua 12 câu thơ đầu bài Chí khí anh hùng nhân vật Từ Hải đã được Nguyễn Du miêu tả với tấm lòng quý mến ngợi ca về chí khí anh hùng và khát vọng sự nghiệp phi thường. Từ Hải là một nhân vật anh hùng lí tưởng tuyệt đẹp trong “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 16

Nguyễn Du là tác giả tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. Ông đã để lại cho nền văn học nước nhà một khối lượng tác phẩm vô cùng lớn cả văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến Truyện Kiều. Đọc Truyện Kiều nói chung và trích đoạn Chí khí anh hùng nói riêng, người đọc hẳn sẽ không thể nào quên được chàng trai “đầu đội trời, chân đạp đất” Từ Hải- người anh hùng với chí khí bốn phương và khát khao lập nên nghiệp lớn. Có thể nói, Từ Hải đã trở thành một nhân vật mà ở đó tác giả gửi gắm ước mơ về công lý, công bằng trong xã hội lúc bấy giờ.

” Nửa năm hương lửa động lòng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”

Sau nửa năm kể từ ngày cứu Thúy Kiều ra khỏi chốn lầu xanh, Kiều và Từ Hải chung sống với nhau, tình cảm rất mực gắn bó thắm thiết “hương lửa đương nồng”. Những tưởng hạnh phúc gia đình ấm êm có thể níu giữ đôi chân Từ Hải. Nhưng không, trái tim và chí hướng của người anh hùng đã “động lòng bốn phương”, Từ Hải ước mơ lập nên nghiệp lớn, nuôi chí vùng vẫy bốn phương. Tính từ “thoắt” kết hợp với cụm động từ “động lòng bốn phương” cho thấy sự mau lẹ, dứt khoát trong hành động và ý nghĩ của nhân vật. Chí anh hùng đã thôi thúc Từ Hải ra đi:

“Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm, yên ngựa lên đường thẳng rong”

Không gian rộng lớn “trời bể mênh mang” của vũ trụ càng làm nổi bật khát vọng, ý chí lên đường lập công danh của bậc “trượng phu”. Hình ảnh người anh hùng cùng ngựa và gươm lên đường thật đẹp, đó là những bước đi trong một tâm thế đấy quyết tâm, trong một tư thế đầy ngạo nghễ, thong dong, không chút vướng bận, do dự.

“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Thấu hiểu hoài bão cũng như khát vọng lên đường của Từ Hải nên Thúy Kiều không chỉ ủng hộ quyết định của chàng mà còn bày tỏ mong muốn được đi theo để được đỡ đần, san sẻ những khó khăn với chàng. Để được Từ Hải chấp thuận, Kiều rằng “phận gái chữ tòng”- đã là vợ thì phải theo chồng, hẳn là rất thuận tình thuận lý. Hai chữ “một lòng” được Kiều nhắc đến như khẳng định cho sự ủng hộ mà Kiều dành cho Từ trên con đường lập công danh, sự nghiệp cũng là lời quyết tâm được song hành cùng Từ trên con đường lập nghiệp. Hẳn phải là một người vợ thấu hiểu lắm Kiều mới cảm thông, ủng hộ một lòng khát vọng của người đầu ấp tay kề với mình như vậy. Trước lời đề nghị thấu tình đạt lý của Kiều, Từ Hải đã vội vàng từ chối:

“Từ rằng tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”

Thoạt nghe, ngỡ đó là một lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng đằng sau đó là một lời động viên dành cho người tri kỉ. Từ Hải biết là Kiều vốn rất hiểu chí nguyện và khát vọng của chàng: “tâm phúc tương tri”, vì vậy mong nàng hãy vượt lên những tình cảm thông thường vốn có của nữ nhi để xứng đáng trở thành tri kỉ của người trượng phu. Nói rồi Từ Hải lại quyết lời:

“Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất, bóng cây rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Đó là những lời hứa đầy quả quyết chất chứa một niềm tin mãnh liệt của Từ Hải vào một chiến thắng lừng danh ngày trở về. Ra đi bằng quyết tâm, trở về bằng chiến thắng với cờ hoa rợp đường, tiếng chiêng reo vui trong niềm vui hội ngộ. Đó cũng là lúc Từ Hải trở thành một bậc quân tử “phi thường” trong thiên hạ với những chiến công hiển hách, mang lại hòa bình, ấm no cho nhân dân, khi ấy sẽ đường đường “rước nàng nghi gia”, cùng nàng trọn niềm vui chiến thắng. Lời Từ thật mạnh mẽ, trong lời nói là cả một niềm tin mãnh liệt ở một tương lai huy hoàng, lừng lẫy, trong từng câu nói, ta thấy được sự tự tin, bản lĩnh can trường của bậc trượng phu, quân tử.

“Bằng nay bốn bể không nhà.
Theo càng thêm bận, biết là đi đâu
Đành rằng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì”

Để thuyết phục Kiều hơn nữa, Từ Hải đã khéo léo tâm sự cùng nàng những khó khăn trên chặng đường phía trước “bốn bể không nhà”. Bậc trượng phu sợ rằng nếu Kiều theo sẽ thêm lo toan, gánh nặng, chàng cũng không muốn Kiều phải chịu nhiều bận tâm, khổ cực nữa. Hải khuyên Kiều hãy “đành lòng” chờ đợi, đợi “một năm sau” chàng sẽ trở về, cùng nàng vui hạnh phúc sum vầy. Hẳn rằng khi nghe được lời hứa trở về trong chiến thắng cùng mốc thời gian cụ thể “một năm” của Từ Hải, Kiều cũng sẽ phần nào an tâm mà thuận lòng để chàng ra đi.

“Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”

Khát vọng lớn lao thôi thúc Từ Hải lên đường. Hành động “quyết lời”, “dứt áo”ra đi vô cùng mạnh mẽ, dứt khoát, không chút buồn vương, vướng bận của Từ Hải đã cho thấy một ý chí và quyết tâm mãnh liệt của chàng. Giữa không gian rộng lớn của vũ trụ, Từ Hải một mình một ngựa lên đường, nhắm thẳng mục tiêu mà tới. Hình ảnh lên đường của chàng tựa như cánh chim bằng cất cánh, cưỡi gió, vượt mây chinh phục khát vọng, lập nên vinh quang trong sự nghiệp.

Đoạn trích tuy ngắn gọn mà để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai về vẻ đẹp tâm hồn và khát vọng của Từ Hải. Ở Từ, chàng không chỉ là một phu tử hết lòng với người tri âm, một chàng trai thấu hiểu lẽ đời mà con là một bậc trượng phu có lý tưởng anh hùng, hành động phi thường trong thiên hạ. Vẻ đẹp của Từ Hải cũng là vẻ đẹp của một con người đại diện cho ước mơ, khát vọng của nhân dân, của một thời đại trong lịch sử.

Bằng thể thơ lục bát quen thuộc kết hợp cùng bút pháp lý tưởng hóa, sử dụng các điển tích, điển cố cùng ngôn từ được chọn lọc, trau chuốt, Nguyễn Du đã khắc họa nên hình ảnh một Từ Hải đầy phi thường và đáng ngưỡng mộ. Đó là một nhân vật với lý tưởng vì nhân dân tuyệt đẹp, thật xứng đáng với những lời mà Nguyễn Công Trứ từng viết:

” Chí làm trai Nam, Bắc, Đông Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 17

Ngòi bút Nguyễn Du tài tình khi khắc họa những nhân vật trong Truyện Kiều luôn chân thật, sống động, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Nhân vật vừa có nét chung, vừa có nét riêng nổi bật, đặc biệt là về tâm lý, tính cách. Chỉ cần một lời thơ cô đọng, tác giả đã làm lộ ngay thần thái của nhân vật. Đoạn Chí khí anh hùng- Từ Hải ra đi lập sự nghiệp, giã từ Thúy Kiều – đã thể hiện sắc nét nghệ thuật miêu tả nhân vật đó của Nguyễn Du.

Từ Hải đa tình, nhưng trước hết Từ Hải là một tráng sĩ, một người có chí khí mạnh mẽ. Chỉ là mục đích cao để hướng tới, khí là nghị lực để đạt tới mục đích. Ở con người Từ Hải, nỗi khát khao được vẫy vùng giữa trời cao đất rộng như đã trở thành một sức mạnh của thiên nhiên, không gì có thể kiềm chế nổi. Từ Hải đang sống trong cảnh nồng nàn hương lửa, chợt động lòng bốn phương. Thế là toàn bộ tâm trí hướng về trời bể mênh mang và lập tức ở vào tư thế một mình với thanh gươm yên ngựa sẵn sàng lên đường. Động lòng bốn phương là “động bụng nghĩ đến bốn phương” (Tản Đà). Nói cụ thể hơn là thấy trong lòng cái chí tung hoành ở bốn phương đang thúc giục, kêu gọi. Chỉ hai câu đầu, ta thấy Từ Hải không phải là con người tầm thường, mà có tâm chí của bậc hào kiệt Không gian trong câu 3, 4 (trời bể mênh mang, lên đường thẳng rong) thể hiện chí khí anh hùng của Từ Hải: lên đường, một mình một ngựa, một thanh gươm!

Lời Từ Hải nói trong lúc tiễn biệt thể hiện rõ tính cách của nhân vật anh hùng này. Từ Hải là con người của sự nghiệp phi thường, không thể đắm mình mãi chốn khuê phòng. Đang ở trong cảnh hạnh phúc ngọt ngào, Từ Hải thoắt đã động lòng bốn phương, tiếng gọi của sự nghiệp đã thức tỉnh chàng. Giờ đây sự nghiệp đối với chàng là trên hết. Đối với Từ Hải, sự nghiệp chẳng những là ý nghĩa của sự sống, mà còn là điều kiện để thực hiện những ước ao mà người tri kỷ gửi gắm, trông cậy ở chàng. Do vậy nên không chút bịn rịn, không có những lời than vãn lúc chia biệt. Thêm nữa, trong lời trách người tri kỷ chưa thoát khỏi thường tình nhi nữ, còn bao hàm cái ý khuyên Kiều hãy vượt lên tình cảm thông thường để làm vợ của một anh hùng. Cho nên sau này trong nỗi nhớ thương của Kiều (Cánh hồng bay bổng tuyệt vời – Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm) không chỉ có sự mong chờ người yêu xa cách, mà còn mong chờ cả sự nghiệp của Từ Hải.

Con người rất tự chủ và tự tin. Trước đây, ngay trong cảnh trần ai, Từ Hải ngang nhiên xem mình là anh hùng, tất cả sự nghiệp sau này như đã nắm chắc trong tay. Giờ đây xuất phát chỉ với thanh gươm yên ngựa, Từ Hải đã khẳng định, muộn thì cũng không quá một năm, sẽ nhất định trở về với cả một cơ đồ to lớn.

Từ Hải là nhân vật được Nguyễn Du tái tạo theo khuynh hướng lí tưởng hóa. Trong đoạn trích này, qua từ ngữ, hình ảnh nghệ thuật miêu tả của tác giả, Từ Hải hiện ra với tính cách của con người phi thường.

Trượng phu là người đàn ông có chí khí lớn. Chữ thoắt nói những quyết định dứt khoát của Từ Hải. Bốn chữ động lòng bốn phương nói lên được cái ý Từ Hải “không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương” (Hoài Thanh). Chữ dứt áo trong câu Quyết lời dứt áo ra đi thể hiện được phong cách con người phi thường lúc chia biệt: người ở nắm áo, nhưng người đi cứ dứt áo ra đi.

Mặt khác, Từ Hải là con người phi thường, nên lúc ra đi cũng không thể ra đi như mọi người. Hơn nữa, hình ảnh Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi cho thấy chí lớn của một bậc hào kiệt. Từ Hải ra đi chỉ với thanh gươm yên ngựa, nhưng vẫn cả quyết ngày trở về sẽ có mười vạn tinh binh. Làm thế nào mà có được như thế, Từ Hải không nói, nhưng Kiều thì tin và người đọc cũng không thấy phải băn khoăn.

Nguyễn Du đã thành công trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, nghệ thuật miêu tả theo khuynh hướng lí tưởng hóa để biến Từ Hải thành một hình tượng lý tưởng, phi thường với những nét thật cụ thể, sinh động.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 18

Chí khí anh hùng được trích từ phần thứ hai Gia biến và lưu lạc trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đây là phần do Nguyễn Du sáng tạo ra không có trong nguyên tác chữ Hán. Đoạn trích đã vẽ lên chân dung người anh hùng Từ Hải vô cùng đẹp đẽ, đồng thời gửi gắm những thông điệp ý nghĩa qua nhân vật này.

Văn bản nói về cuộc chia tay giữa Thúy Kiều và Từ Hải sau nửa năm chung sống mặn nồng. Từ Hải lên đường thể hiện quyết tâm mưu đồ việc lớn của người anh hùng có hùng tâm tráng trí cao cả, lớn lao. Trước đoạn trích này, ngay từ khi Từ Hải xuất hiện, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy hình ảnh người anh hùng ngay từ vẻ đẹp ngoại hình:

Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm thước rộng thân mười thước cao
Hay vẻ đẹp ở phương diện tài năng:
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.

Để làm bật vẻ đẹp đó, bốn câu thơ đầu đã vẽ lên hình ảnh người anh hùng với khát khao, hoài bão lớn lao, cao đẹp:

“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”.

Giữa lúc cuộc sống của Từ Hải và Thúy Kiều đang ở độ đằm thắm, mặn nồng nhất thì Từ Hải quyết định dứt áo lên đường thực hiện nguyện vọng lớn lao. Theo lẽ thường, những người đàn ông sẽ khó có đủ quyết tâm để rời bỏ hạnh phúc riêng tư. Còn Từ Hải lại là một người hoàn toàn khác, mặc dù đang trong giai đoạn hạnh phúc nhất, nhưng sâu thẳm trong trái tim Từ Hải khát khao, hoài bão, nguyện vọng đó vẫn luôn âm ỉ cháy bỏng, chỉ chờ thời cơ thích hợp để thực hiện. Thái độ lên đường của Từ Hải hết sức dứt khoát, hành động “thoắt” cho thấy sự thay đổi nhanh chóng trong con người Từ Hải.

Chỉ cần nghĩ đến những khát khao, hoài bão lớn của đời người là chàng đã muốn lên đường ngay lập tức. Tư thế lên đường “trông vời” đó là cái nhìn thẳng về phía trước, thể hiện một thái độ tự tin, mạnh mẽ của con người có bản lĩnh kiên định, vững vàng. Các từ ngữ Nguyễn Du miêu tả quyết tâm của Từ Hải hết sức đắt giá: “trượng phu”, “động lòng bốn phương”, “trời bể mênh mông” cho thấy một không gian hoạt động rộng lớn, đó là không gian thiên nhiên, vũ trụ để Từ Hải thỏa sức vẫy vùng, thể hiện hùng tâm, tráng trí của mình.

Qua bốn câu thơ đầu Nguyễn Du đã khắc họa hình ảnh của một người anh hùng lí tưởng, phi thường, có ước mơ, có hoài bão cao cả, có chí lớn ôm trọn của trời đất. Nguyễn Du đã rất khéo léo khi xây dựng hình ảnh người anh hùng Từ Hải qua không gian rộng lớn, qua tư thế, hành động mạnh mẽ, dứt khoát. Qua cuộc đối thoại với Thúy Kiều vẻ đẹp của người anh hùng Từ Hải càng được thể hiện rõ nét hơn. Trước hết những lời đối thoại của Từ Hải đã cho thấy tình cảm chàng dành cho Thúy Kiều, chàng ý thức được sự lo lắng, băn khoăn, hiểu được ý định xin được đi theo của nàng Kiều nên đã nói chuyện với nàng để giải tỏa nỗi băn khoăn ấy. Chàng còn khẳng định tình cảm tri ân tri kỷ giữa hai người, rồi trách móc nàng Kiều vẫn chưa thoát khỏi chuyện nữ nhi thường tình:

Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình.

Từ Hải một người có ý chí, quyết tâm, ôm mộng lớn bao trùm thiên hạ bởi vậy vợ chàng, tri âm tri kỷ của chàng cũng phải là người phụ nữ mạnh mẽ, hiểu chuyện, không nên có những thái độ giống như những người phụ nữ bình thường khác. Ngoài ra, để làm Thúy Kiều yên tâm, chàng còn khẳng định, đưa ra lời hứa hẹn:

Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp trời
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Câu thơ là lời khẳng định tình cảm sâu sắc Từ Hải dành cho Thúy Kiều, đó làm tấm lòng trân trọng, luôn lo lắng cho Thúy Kiều của Từ Hải. Đồng thời Từ Hải cũng phân tích để Thúy Kiều hiểu được việc nàng muốn đi theo là không phù hợp: Bằng nay bốn bể không nhà/ Theo càng thêm bận biết là đi đâu. Để rồi một lần nữa Từ hứa hẹn chắc chắn một năm sau sẽ trở về đón nàng trong vinh quang. Đằng sau những lời nói của Từ Hải ta còn thấy được khát vọng lớn lao của người anh hùng: muốn có một đội quân tinh nhuệ, hùng hậu, đủ sức làm rung chuyển thiên hạ. Bày tỏ mục đích ra đi vì sự nghiệp lớn của mình là để khẳng định bản lĩnh nam nhi. Khát vọng lớn lao của người anh hùng Từ Hải thể hiện qua thái độ dứt khoát, kiên quyết dẹp bỏ tình riêng hết lòng vì sự nghiệp lớn.

Khát vọng lớn lao của Từ Hải còn được thể hiện ở lời khẳng định chỉ trong vòng một năm ngắn ngủi sẽ hoàn thành sự nghiệp lớn để trở về. Đối với một người nam nhi làm sự nghiệp lớn, gây dựng cơ đồ chỉ trong một năm quả là quá ngắn ngủi. Qua lớn khẳng định đó cho thấy sự bản lĩnh, tự tin của Từ Hải vào tài năng của mình. Thông qua lời đối thoại với Thúy Kiều đã khắc họa rõ nét, chân thực những khát vọng lớn lao, cao cả, mạnh mẽ và cả tình yêu tha thiết Từ Hải dành cho Thúy Kiều.

Hai câu thơ cuối thể hiện quyết tâm của Từ Hải: Quyết lời dứt áo ra đi/ Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi. Các từ quyết, dứt, ra đi cho thấy hành động mạnh mẽ, dứt khoát, kiên quyết của Từ Hải. Hình ảnh cánh chim bằng cưỡi gió bay cao, bay xa ngoài biển lớn được Nguyễn Du sử dụng để nói lên lý tưởng, khát vọng, hoài bão cao đẹp của người anh hùng.

Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, Nguyễn Du đã khắc họa thành công người anh hùng Từ Hải mang trong mình khát khao lớn lao, được vùng vẫy trong bốn biển. Đồng thời hình ảnh Từ Hải cũng gửi gắm niềm tin về công lý, về sự nghiệp của Nguyễn Du.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 19

Qua ngòi bút của Nguyễn Du, Từ Hải xuất hiện trong tác phẩm, trước hết là một anh hùng cái thế, đầu đội trời chân đạp đất. Khi cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, là vì việc nghĩa, là vì trọng Kiều như một tri kỷ. Nhưng khi kết duyên cùng Kiều, Từ thực sự là một người đa tình. Song dẫu đa tình, Từ không quên mình là một tráng sĩ. Trong xã hội phong kiến, đã làm thân nam nhi phải có chí vẫy vùng giữa đất trời cao rộng. Từ Hải là một bậc anh hùng có chí lớn và có nghị lực để đạt được mục đích cao đẹp của bản thân. Chính vì thế, tuy khi đang sống với Kiều những ngày tháng thực sự êm đềm, hạnh phúc nhưng Từ không quên chí hướng của bản thân. Đương nồng nàn hạnh phúc, chợt “động lòng bốn phương”, thế là toàn bộ tâm trí hướng về “trời bể mênh mang”, với “thanh gươm yên ngựa” lên đường đi thẳng.Không gian trong hai câu thứ ba và thứ tư (trời bể mênh mang, con đường thẳng) đã thể hiện rõ chí khí anh hùng của Từ Hải.

Tác giả dựng lên hình ảnh “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” rồi mới để cho Từ Hải và Thuý Kiều nói lời tiễn biệt. Liệu có gì phi logic không ? Không, vì hai chữ “thẳng rong” có người giải thích là “vội lời”, chứ không phải lên đường đi thẳng rồi mới nói thì vô lý. Vậy có thể hình dung, Từ Hải lên yên ngựa rồi mới nói những lời chia biệt với Thuý Kiều. Và, có thể khẳng định cuộc chia biệt này khác hẳn hai lần trước khi Kiều từ biệt Kim Trọng và Thúc Sinh. Kiều tiễn biệt Kim Trọng là tiễn biệt người yêu về quê hộ tang chú, có sự nhớ nhung của một người đang yêu mối tình đầu say đắm mà phải xa cách. Khi chia tay Thúc Sinh để chàng về quê xin phép Hoạn Thư cho Kiều được làm vợ lẽ, hy vọng gặp lại rất mong manh vì cả hai đều biết tính Hoạn Thư, do đó gặp lại được là rất khó khăn. Chia tay Từ Hải là chia tay người anh hùng để chàng thỏa chí vẫy vùng bốn biển. Do vậy, tính chất ba cuộc chia biệt là khác hẳn nhau. Lời Từ Hải nói với Kiều lúc chia tay thể hiện rõ nét tính cách nhân vật. Thứ nhất, Từ Hải là người có chí khí phi thường. Khi chia tay, thấy Kiều nói:

Nàng rằng : “Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Từ Hải đã đáp lại rằng :
Từ rằng : “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”.

Trong lời đáp ấy bao hàm lời dặn dò và niềm tin mà Từ Hải gửi gắm nơi Thuý Kiều. Chàng vừa mong Kiều hiểu mình, đã là tri kỉ thì chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, vừa động viên, tin tưởng Kiều sẽ vượt qua sự bịn rịn của một nữ nhi thường tình để làm vợ một người anh hùng. Chàng muốn lập công, có được sự nghiệp vẻ vang rồi đón Kiều về nhà chồng trong danh dự:

Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”.

Quả là lời chia biệt của một người anh hùng có chí lớn, không bịn rịn một cách yếu đuối như Thúc Sinh khi chia tay Kiều. Sự nghiệp anh hùng đối với Từ Hải là ý nghĩa của sự sống. Thêm nữa, chàng nghĩ có làm được như vậy mới xứng đáng với sự gửi gắm niềm tin, với sự trông cậy của người đẹp. Thứ hai, Từ Hải là người rất tự tin trong cuộc sống:

Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!

Từ ý nghĩ, đến dáng vẻ, hành động và lời nói của Từ Hải trong lúc chia biệt đều thể hiện Từ là người rất tự tin trong cuộc sống. Chàng tin rằng chỉ trong khoảng một năm chàng sẽ lập công trở về với cả một cơ đồ lớn.Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn từ Hán Việt và ngôn ngữ bình dân, dùng nhiều hình ảnh ước lệ và sử dụng điển cố, điển tích. Đặc biệt, nhân vật Từ Hải được Nguyễn Du tái tạo theo khuynh hướng lí tưởng hoá. Mọi ngôn từ, hình ảnh và cách miêu tả, Nguyễn Du đều sử dụng rất phù hợp với khuynh hướng này.

Về từ ngữ, tác giả dùng từ trượng phu, đây là lần duy nhất tác giả dùng từ này và chỉ dùng cho nhân vật Từ Hải. Trượng phu nghĩa là người đàn ông có chí khí lớn. Thứ hai là từ thoắt trong cặp câu:

Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Nếu là người không có chí khí, không có bản lĩnh thì trong lúc hạnh phúc vợ chồng đang nồng ấm, người ta dễ quên những việc khác. Nhưng Từ Hải thì khác, ngay khi đang hạnh phúc, chàng “thoắt” nhớ đến mục đích, chí hướng của đời mình. Tất nhiên chí khí đó phù hợp bản chất của Từ, thêm nữa, Từ nghĩ thực hiện được chí lớn thì xứng đáng với niềm tin yêu và trân trọng mà Thuý Kiều dành cho mình. Cụm từ động lòng bốn phương theo Tản Đà là “động bụng nghĩ đến bốn phương” cho thấy Từ Hải “không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương” (Hoài Thanh). Hai chữ dứt áo trong Quyết lời dứt áo ra đi thể hiện được phong cách mạnh mẽ, phi thường của đấng trượng phu trong lúc chia biệt.

Về hình ảnh, “Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi” là một hình ảnh so sánh thật đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Tác giả muốn ví Từ Hải như chim bằng cưỡi gió bay cao, bay xa ngoài biển lớn. Không chỉ thế, trong câu thơ còn diễn tả được tâm trạng của con người khi được thỏa chí tung hoành “diễn tả một cách khoái trá giây lát con người phi thường rời khỏi nơi tiễn biệt”. Nói thế không có nghĩa là Từ Hải không buồn khi xa Thuý Kiều mà chỉ khẳng định rõ hơn chí khí của nhân vật. Hình ảnh : “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” cho thấy chàng lên ngựa rồi mới nói lời tiễn biệt, điều đó diễn tả được cái cốt cách phi thường của chàng, của một đấng trượng phu trong xã hội phong kiến.

Về lời miêu tả và ngôn ngữ đối thoại cũng có những nét đặc biệt. Kiều biết Từ Hải ra đi trong tình cảnh “bốn bể không nhà” nhưng vẫn nguyện đi theo. Chữ “tòng” không chỉ giản đơn như trong sách vở của Nho giáo rằng phận nữ nhi phải “xuất giá tòng phu” mà còn bao hàm ý thức sẻ chia nhiệm vụ, đồng lòng tiếp sức cho Từ khi Từ gặp khó khăn trong cuộc sống. Từ Hải nói rằng sao Kiều chưa thoát khỏi thói nữ nhi thường tình không có ý chê Kiều nặng nề mà chỉ là mong mỏi Kiều cứng rắn hơn để làm vợ một người anh hùng. Từ nói ngày về sẽ có 10 vạn tinh binh, Kiều tin tưởng Từ Hải. Điều đó càng chứng tỏ hai người quả là tâm đầu ý hợp, tri kỷ, tri âm.

Đoạn trích ngợi ca chí khí anh hùng của nhân vật Từ Hải, một lý trí phi thường của bậc trượng phu và khẳng định lại một lần nữa tình cảm của Thuý Kiều và Từ Hải là tình tri kỷ, tri âm chứ không chỉ đơn thuần là tình nghĩa vợ chồng.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 20

Người anh hùng Từ Hải là một sáng tạo đặc sắc của Nguyễn Du về phương diện cảm hứng sáng tạo và nghệ thuật miêu tả. Qua đoạn trích Chí khí anh hùng trích từ Truyện Kiều, có thể nhận thấy nhiều nét mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng như ý nghĩa của hình tượng nhân vật này.

Chí khí anh hùng là đoạn do Nguyễn Du sáng tạo ra trong văn bản Truyện Kiều, không có trong Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân). Trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Từ Hải được tả rất trần trụi, có nét tướng cướp, lại từng thi hỏng, đi buôn… Những chi tiết này đều được Nguyễn Du lược bỏ, thay vào đó, nhà thơ xây dựng một hình tượng anh hùng tuyệt đẹp.

Người anh hùng là nhân vật lí tưởng truyền thống của văn học trung đại. Nhưng đó không phải là hình tượng thường xuyên xuất hiện trong các sáng tác của Nguyễn Du. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ xây dựng duy nhất một hình tượng anh hùng, đó là Từ Hải. Từ Hải là nhân vật yêu thích của Nguyễn Du. Nguyễn Du xây dựng hình tượng người anh hùng theo quan niệm của mình và bằng quan niệm của mình. Từ Hải là sự hợp nhất của hai hình tượng: hình tượng có tính ước lệ và hình tượng con người vũ trụ. Đó là nét mới mẻ trong cách xây dựng hình tượng người anh hùng của Nguyễn Du so với các nghệ sĩ trước đó.

Trước Nguyễn Du, văn học Lý Trần đã xây dựng khá nhiều hình tượng người anh hùng. Đó là những ai? Là hai vị Thánh quân trong Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, là nhân vật trữ tình trong Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải, là hình tượng nhân vật trữ tình trong Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão… Thời Lê, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng đã xây dựng hình tượng người anh hùng Lê Lợi. Hầu hết các hình tượng anh hùng này đều có sự đan xen giữa hình tượng chân thực và hình tượng con người vũ trụ. Họ hiện lên vừa có nét chân thực:

Đoạt sóc Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan

(Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù)

vừa có nét phi thường:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

(Múa giáo non sông trải mấy thâu).

Xây dựng hình tượng nhân vật Từ Hải trong Chí khí anh hùng, Nguyễn Du kết hợp miêu tả vừa ước lệ, vừa tạo ấn tượng về tầm vóc vũ trụ. Hai phương diện ước lệ và cảm hứng vũ trụ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau:

Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Lòng bốn phương là khái niệm có nội hàm diễn tả con người vũ trụ. Bốn phương ở đây chỉ nam, bắc, đông, tây, có nghĩa là thiên hạ, thế giới. Nhưng theo Kinh Lễ, xưa sinh con trai, người ta làm cái cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng, bắn tên ra bốn phương, tượng trưng cho mong muốn sau này người con trai làm nên sự nghiệp lớn. Như vậy, lòng bốn phương không chỉ có nội hàm diễn tả con người vũ trụ mà còn là hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho chí nguyện lạp công danh, sự nghiệp.

Các hình tượng trông vời trời bể mênh mang, bốn bể, chim bằng, gió mây cũng tương tự như vậy. Chúng vừa là ước lệ, lại vừa tạo nên ấn tượng về tầm vóc vũ trụ của Từ Hải. Sự đan kết hai nội hàm ý nghĩa trước- hết khắc hoạ hình tượng nhân vật lớn lao, kì vĩ, phi thường. Chính sự kết hợp đó khiến hình tượng người anh hùng trong sáng tác của Nguyễn Du trở thành lý tưởng. Và vì lý tưởng nên không thể sử dụng bút pháp tả thực để miêu tả được. Cũng vì lý tưởng nên hình tượng nhân vật người anh hùng Tả Hải mãi mãi chỉ là mơ ước của nhà thơ. Nguyễn Du mơ ước có được một người anh hùng như thế, để thực thi khát vọng công lí cho những thân phận bất hạnh như Thúy Kiều.

Nét mới mẻ thứ hai trong xây dựng hình tượng người anh hùng Từ Hải trong Chí khí anh hùng là nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ nhân vật. Nguyễn Du để hai nhân vật đối thoại với nhau và người mở lời là Thuý Kiều:

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Mặc dù rất yêu và trân trọng nàng nhưng Từ Hải đã đáp lại bằng những lời lẽ dứt khoát mà hợp tình hợp lý:

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?…

Từ Hải không quyến luyến, bịn rịn tình yêu mà quên lí tưởng cao cả. Trong lời nói của Từ, hình ảnh mười vạn tinh binh và bóng cờ, tiếng chiêng gợi nên ‘khát vọng lớn lao, tầm vóc vũ trụ của người anh hùng xưa. Chàng còn khẳng định quyết tâm và sự tất yếu thành công qua cách ước lượng thời gian: Chầy chăng là một năm sau vội gì! Nguyễn Du không cần miêu tả dài dòng, chỉ bằng mấy câu nói, nhân vật của ông đã hiện lên trọn vẹn với khí phách anh hùng.

Đọc Chí khí anh hùng, có thể thấy khi miêu tả những suy nghĩ, hành động của nhân vật, tác giả luôn lựa chọn những động từ gợi tả sự nhanh gọn, dứt khoát, kiên quyết: thoắt, thẳng rong, dứt áo ra đi. Những từ ngữ này đã góp phần khắc họa tính cách anh hùng của nhân vật Từ Hải.

Như vậy, có thể thấy, trong Chí khí anh hùng, khi xây dựng nhân vật người anh hùng của mình, Nguyễn Du đã có nhiều sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật miêu tả. Nhờ đó, hình tượng nhân vật Từ Hải đã đi vào lòng mỗi người đọc với những ấn tượng đặc biệt, không thể lẫn với các hình tượng người anh hùng khác. Chính lòng yêu mến và tài năng nghệ thuật đã giúp Nguyễn Du có được thành công lớn khi xây dựng hình tượng nhân vật Từ Hải trong đoạn trích này.

Phân tích nhân vật Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng – Mẫu 21

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du Thúy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn, nhưng lại phải chịu kiếp bạc mệnh, suốt quãng đường 15 năm sóng gió của mình nàng đã phải trải qua rất nhiều cuộc chia tay cả về tình thân lẫn tình yêu. Thế nhưng khác với các cuộc chia tay đầy đớn đau, ly biệt như cuộc chia tay Kim Trọng đầy xót xa, day dứt khi mối tình đầu vừa chớm nở, hay cuộc chia tay Thúc Sinh, tiễn chàng về nhà thăm vợ cả sau một năm chung sống hạnh phúc với đầy những dự cảm không lành. Thì cuộc chia tay với Từ Hải, lại là cuộc chia tay tiễn người anh hùng đi gây dựng sự nghiệp lớn lao, để người thỏa chí làm trai trong xã hội phong kiến. Sở dĩ người biên soạn đặt tên đoạn trích là Chí khí anh hùng là để khắc họa dáng vẻ cái thế, uy phong của người anh hùng Từ Hải thông qua cuộc chia tay giữa Thúy Kiều và nhân vật này.

Sau khi trốn thoát khỏi nhà Hoạn Thư, Thúy Kiều gặp và được sư Giác Duyên giúp đỡ, cho nương nhờ tại nhà Bạc Bà, ở đây Bạc Bà vì thấy Thúy Kiều có nhan sắc nên đã khuyên nàng gả cho cháu mình là Bạc Hạnh. Rồi Bạc Hạnh lại bán Kiều vào lầu xanh, từ đây nàng lại tiếp tục với thân phận người kỹ nữ, sống những ngày tháng tủi nhục buôn phấn bán hương. Rồi Từ Hải xuất hiện, trai anh hùng gái thuyền quyên hai người nhanh chóng phải lòng nhau, Từ Hải đã chuộc nàng mang về lầu riêng chung sống, tại đây Thúy Kiều đã có những ngày tháng vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng mới chỉ được nửa năm thì Từ Hải đã “động lòng bốn phương”, không cam chịu cuộc sống an nhàn bên cạnh nàng Kiều tài sắc mà muốn từ biệt Thúy Kiều để lên đường đi chinh chiến, gây dựng sự nghiệp lớn lao, thỏa chí nam nhi. Chí khí anh hùng nằm từ câu 2213-2230 của Truyện Kiều, là đoạn trích tái hiện lại cảnh chia tay của Từ Hải – Thúy Kiều từ đó làm nổi bật lên chí khí, vẻ đẹp tâm hồn với lý tưởng về món nợ công danh của người anh hùng Từ Hải.

Chí khí anh hùng của Từ Hải được thể hiện trước hết là ở thời điểm Từ Hải quyết tâm dứt áo ra đi để lập nên sự nghiệp “Nửa năm hương lửa đương nồng”. Đây là giai đoạn mà cuộc sống hôn nhân đang độ ngọt ngào, thắm thiết nhất, đặc biệt là đối với đôi trai tài gái sắc, sớm đã phải lòng nhau từ cái nhìn đầu tiên thì đó lại càng là khoảng thời gian gắn bó và tươi đẹp vô cùng. Một cuộc sống như vậy nếu đối với những người bình thường ắt hẳn họ sẽ cảm thấy bằng lòng, thế nhưng Từ Hải lại khác, “côn quyền hơn sức”, “lược thao gồm tài” thế nên chàng không thể bằng lòng với hạnh phúc giản đơn, tầm thường. Cho nên chàng đã quyết tâm dứt áo ra đi, gạt bỏ tình riêng để, lập nên chí lớn của người làm trai. Thứ hai nữa chí khí của Từ Hải còn thể hiện ở hành động ra đi rất dứt khoát và mạnh mẽ “Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”.

“Lòng bốn phương” có thể được hiểu là chí lớn lập công danh sự nghiệp của kẻ làm trai trong xã hội phong kiến. Hai từ “động lòng” thể hiện rằng vốn dĩ cái chí lập nghiệp đã ấp ủ trong lòng Từ Hải từ rất lâu rồi, cho đến hôm nay sau hơn nửa năm chung sống êm đềm, hưởng thụ hạnh phúc với Thúy Kiều thì cái chí lớn ấy đã được đánh thức, được khơi dậy mạnh mẽ, khiến người gạt bỏ tình riêng để thực hiện hoài bão. Bên cạnh đó từ “thoắt” còn diễn tả sự nhanh chóng khi quyết tâm ra đi tìm lập công danh, sự nghiệp còn dang dở, đồng thời còn thể hiện sự thay đổi một cách mau chóng vị thế của Từ Hải từ chỗ là người chồng trong gia đình, thành người anh hùng mang tráng chí bốn phương.

Hai từ “trượng phu” cho thấy sự trân trọng hết mực của Nguyễn Du đối với Từ Hải, đồng thời cũng thể hiện mơ ước của tác giả về một nhân vật hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp phi thường, có thể đứng lên thực hiện công lý trong xã hội, giành lại công bằng cho những con người khốn khổ, ví như Từ Hải giúp Kiều báo ân báo oán. Nếu như hai câu thơ đầu tiên thể hiện quyết lên ra đi thực hiện tráng chí bốn phương thì hành động ra đi mạnh mẽ, quyết liệt của Từ Hải lại được thể hiện rất rõ ở những câu thơ “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” và “Quyết lời dứt áo ra đi”. Tác giả lựa chọn sử dụng một loạt những từ ngữ “thẳng rong” tức là đi liền một mạch, “quyết lời”, “dứt áo” thể hiện hành động nhanh chóng, mạnh mẽ, dứt khoát, không chút lưu luyến, bịn rịn. Từ đó thấy được khí phách mạnh mẽ của bậc đại trượng phu.

Tiếp theo, chí khí anh hùng của Từ Hải không chỉ thể hiện ở quyết tâm, ở hành động ra đi dứt khoát mà còn thể hiện rất rõ qua đoạn đối thoại với Thúy Kiều. Kiều vốn là một người phụ nữ thông minh, là tri kỷ nên rất thấu hiểu Từ Hải, vì vậy khi thấy trượng phu của mình nhanh chóng quyết định lên đường làm nghiệp lớn, bản thân nàng không hề có ý ngăn cản, mà chỉ muốn được làm tròn bổn phận của một người vợ “phận gái chữ tòng”, muốn xin đi theo Từ Hải cho tiện bề chăm sóc. Thế nhưng Từ Hải đã đáp lại lời nàng rằng:

“Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình
Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng rợp đất bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia
Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận biết là đi đâu
Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì”

Ở hai câu thơ đầu “Từ rằng: Tâm phúc tương tri/Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình” vốn là lời trách, nhưng đồng thời cũng là lời động viên Thúy Kiều rằng hãy cố gắng vượt ra khỏi cái suy nghĩ của bậc nữ nhi thường tình để trở thành phu nhân của một bậc anh hùng cái thế, có công danh sự nghiệp hiển hách, để xứng đáng là “tâm phúc tương tri của Từ Hải”. Từ đó thể hiện ý thức của Từ Hải về sự hơn đời, hơn người của bản thân mình. Sau lời trách, lời động viên ngầm của Từ Hải là lời ước hẹn của Từ Hải với Thúy Kiều. Cách dùng số từ số nhiều “mười vạn”, động từ “dậy đất”, “rợp đường” để vẽ ra một viễn cảnh rất huy hoàng, cùng với khoảng thời gian “chầy chăng là một năm sau”, thể hiện sự thành công nhanh chóng, lẫy lừng của Từ Hải, trống dong cờ mở trở về rước Thúy Kiều nghi gia, nghi thất , sum họp vợ chồng trong vinh hiển.

Lời ước hẹn này vừa thể hiện sự động viên của Từ Hải dành cho Từ Hải về việc chắc chắn sẽ có một thành quả tốt đẹp ở phía trước, đồng thời cũng cho thấy sự tự tin của Từ Hải và ý thức về tài năng xuất chúng, hơn người của bản thân mình. Bên cạnh đó Từ Hải cũng có những lời an ủi, lo lắng, giải thích cho Thúy Kiều “Bằng nay bốn bể không nhà/Theo càng thêm bận biết là đi đâu” để Thúy Kiều an lòng ở lại. Đồng thời ở hai câu thơ này ta còn lờ mờ nhận ra đằng sau nó là sự cô đơn, lạc lõng của Từ Hải trong giây phút bắt đầu gây dựng công danh sự nghiệp, khi có biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ trước mắt đang chờ, mà theo như Lỗ Tấn nói là “Người anh hùng múa kích trên sa mạc”.

Cuối cùng chí khí anh hùng của Từ Hải còn được thể hiện ở không gian lớn rộng được thể hiện trong các hình ảnh “bốn phương”, “trời bể mênh mang”, “bốn bể”, “gió mây” , “dặm khơi”, hình ảnh cánh chim “bằng”. Đây đều là những hình ảnh gợi ra bối cảnh không gian khoáng đạt rộng lớn, góp phần nâng tầm vóc của người anh hùng mang hùng tâm tráng chí Từ Hải lên sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ. Bên cạnh đó còn thể hiện chí lớn của người anh hùng khao khát được vẫy vùng, tùng hoành trong bốn bể. Câu thơ “gió mây bằng đã đến kì dặm khơi” tập trung, tổng hợp khái quát lại hình ảnh của người anh hùng Từ Hải trong giây phút lên đường để thực hiện chí lớn.

Đoạn trích Chí khí anh hùng tập trung khắc họa hình tượng nhân vật Từ Hải, với hai điểm chính là phẩm chất, chí khí phi thường và khát vọng làm nên sự nghiệp lớn của nhân vật, đồng thời gửi gắm ước mơ về tự do và công lý trong bối cảnh từ túng của xã hội cũ. Về nghệ thuật, tác giả đã xây dựng Từ Hải thành một hình tượng có tính ước lệ qua việc sử dụng các từ ngữ hình ảnh, qua các hành động cử chỉ vốn đã trở thành kinh điển khi nói về hình tượng người anh hùng. Không chỉ vậy, Từ Hải còn mang hình tượng con người của vũ trụ gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả.

 

 Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-nhan-vat-tu-hai-trong-doan-trich-chi-khi-anh-hung-lop10/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp