Bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII

0
116
Rate this post

Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã chính thức kết thúc vào sáng ngày 11/10/2017. Mời các bạn cùng theo dõi toàn văn bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết dưới đây:

Hội nghị Trung ương 6 khóa XII

Toàn văn bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII

Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Các đồng chí Uỷ viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ và thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các báo cáo và đề án. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Để kết thúc Hội nghị, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị.

Bạn đang xem: Bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII

1- Về kinh tế – xã hội năm 2017 – 2018

Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cho rằng, trong 9 tháng đầu năm 2017, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước; quý III tăng 7,46%, nâng mức tăng trưởng bình quân 3 quý lên 6,41%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương về tài chính – ngân sách nhà nước được tăng cường. Thị trường tiền tệ ổn định; dự trữ ngoại hối đạt 45 tỉ đô la, tăng thêm 6 tỉ đô la so với cuối năm 2016. Thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc, vượt mốc 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Xuất khẩu đạt 154 tỉ đô la, tăng 19,8% so với cùng kỳ. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chuyển biến rõ rệt; có gần 94 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 15,4% về số lượng doanh nghiệp và 43,5% về vốn so với cùng kỳ. Sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,77%; khu vực nông nghiệp phục hồi rõ nét với mức tăng trưởng gần 3%, gấp hơn 4 lần năm 2016; khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008; khách du lịch quốc tế đạt 9,45 triệu lượt người, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ; tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, nhất là khi thiên tai, bão lũ xảy ra. Dự báo, đến cuối năm 2017, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt là, đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; khắc phục những tồn tại, yếu kém vốn có của nền kinh tế, xử lý các dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…

Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao. Nợ xấu ngân hàng còn lớn; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu chưa căn bản và triệt để. Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhất là vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA còn chậm. Nhiều dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát. Trật tự an toàn, tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm trên nhiều lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn. Quản lý báo chí, thông tin truyền thông, nhất là các mạng xã hội còn nhiều bất cập. Trong những tháng cuối năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như đã đề ra, cần dồn sức giải ngân thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; huy động nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất công nghiệp, nhất là dầu khí và than.

Năm 2018, cần tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Tạo chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển văn hoá, thực hành dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Để có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh; khắc phục tình trạng chậm phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, chậm cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục cơ cấu lại thu – chi ngân sách nhà nước, kiểm soát bội chi và bảo đảm nợ công trong ngưỡng an toàn. Xử lý căn bản và triệt để hơn các công trình, dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

2- Về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, trong đó ngành Y tế và các ngành có liên quan là lực lượng nòng cốt. Nhà nước cần phát huy vai trò chủ đạo của các bệnh viện và cơ sở y tế công lập trong việc tổ chức cung cấp dịch vụ y tế, bảo đảm các dịch vụ cơ bản cho đông đảo nhân dân, đồng thời khuyến khích cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. Tập trung ưu tiên đầu tư từ ngân sách và có cơ chế, chính sách phù hợp huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để phát triển y tế và các dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Không ngừng phấn đấu nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; bảo đảm mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ; bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia và hưởng thụ bảo hiểm y tế và các dịch vụ có liên quan.

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/bai-phat-bieu-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-6-khoa-xii/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp