Bài thu hoạch chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

0
155
Rate this post

Bài thu hoạch chuyên đề chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

Bài thu hoạch lớp bồi dưỡng chuyên đề giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đưa ra những nhận thức cơ bản về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho thế hệ trẻ. Mời các bạn tham khảo.

Những nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

Bài thu hoạch lớp Bồi dưỡng công tác Đảng

Bạn đang xem: Bài thu hoạch chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

Bài thu hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh đối tượng 4

UBND …………………………… CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRUNG TÂM BD CHÍNH TRỊ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

………………., ngày … tháng … năm 20…

BÀI THU HOẠCH

Lớp: Bồi dưỡng chuyên đề giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam khóa …/20…

Họ và tên: ………………….. Sinh ngày … tháng … năm …

Đơn vị công tác: ………………………………………………

ĐỀ THU HOẠCH

Qua nghiên cứu chuyên đề Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, anh (chị) có gì tâm đắc nhất?

Theo anh (chị) chúng ta phải làm gì để nâng cao hiệu quả giáo dục Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho thế hệ trẻ?

BÀI LÀM

Qua nghiên cứu chuyên đề Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tôi tâm đắc nhất nội dung yêu nước là phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, yêu quê hương và đồng bào Việt Nam.

Như ta đã biết các đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa yêu nước truyền thống của Việt Nam là: Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình, ghét chiến tranh; có lòng nhân ái cao cả; bất khuất chống giặc ngoại xâm quyết vì độc lập dân tộc; có sự cố kết cộng đồng dân tộc cao.

Có người cho rằng, những nét truyền thống ấy thì dân tộc nào mà chẳng có. Đúng thế. Nhưng để có được những đặc trưng truyền thống ấy như Việt Nam thì chẳng có dân tộc nào sánh được.

a) Về các đặc trưng “yêu hòa bình, ghét chiến tranh” và “lòng nhân ái cao cả”:

Ngay từ khi sử dân tộc ta mới chỉ lưu truyền bằng văn học miệng, dân tộc Việt Nam đã có truyền thuyết Thạch Sanh – Lý Thông.

Khi đất nước bị xâm lăng, vua giao cho Thạch Sanh đánh giặc giữ nước. Với sức mạnh chém chết trăn tinh, bắn rơi đại bàng, nhưng Thạch Sanh không dùng vũ khí đánh bại quân thù, mà dùng tiếng đàn nhân nghĩa bắt quân thù phải hàng phục. Khi quân thù thất bại, Thạch Sanh không để chúng đói ra về, mà ban cho chúng niêu cơm nhân nghĩa của dân tộc, khiến kẻ thù khiếp sợ vì ăn mãi không hết. Tấm lòng nhân nghĩa ấy của Việt Nam, không đụng đến thì thôi, hễ đụng đến thì sinh sôi nảy nở, kẻ thù làm sao ăn hết được.

Truyền thống ấy đã được chứng minh bởi cuộc kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo. Yêu hòa bình, ghét chiến tranh, thương dân trăm họ lầm than, “đầu vốn không có mưu lấy thiên hạ… Việc khởi nghĩa thực là bất đắc dĩ mà phải làm vậy thôi” , nên các ông “Cứu dân để dạ, chí háo hức chỉ muốn về Đông” , “Gắng làm điều nhân, gấp hơn cứu đuối” , phất cờ khởi nghĩa “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân cứu nước trước cần trừ bạo” .

Phương châm đánh giặc của các ông là “lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo” , “Ta mưu đánh vào lòng, không chiến mà cũng thắng” , “Đầu sỏ giặc đã hàng, mảy may không xâm phạm. Những kẻ tội lớn tội nhỏ đều tha hết” , “Phục thù báo oán, đó là thường tình của người ta. Không thích giết người, đó là bản tâm của kẻ nhân giả. Vả người ta đã hàng mà lại giết, thì không còn gì không lành hơn nữa. Để hả mối giận một sớm, mà mang tiếng giết hàng muôn đời, thì sao bằng để sống ức vạn người mà hết mối chiến tranh cho hậu thế, khiến sử xanh ghi chép, nghìn thửa lưu thơm, như thế chẳng là lớn sao!” ;

Nên khi thế ta như chẽ tre, các ông lại sáu lần lăn miệng hổ, quyết nghị hòa để dân hai nước khỏi vạ can qua: “Vì ngài tính kế ngày nay, không gì bằng cởi giáp nghỉ binh, ngồi nhàn mà nhận hàng, đó là thượng sách. Thế tuy là may cho bọn tôi cùng ngài, mà cũng là may lớn cho vạn dân thiên hạ vậy” ; “Như việc hòa hảo đã thành… Từ nay về sau, giá ngài bỏ cái lòng nghi hoặc, dốc lòng hòa hảo, thì dưới sẽ làm cho An Nam thoát khổ lầm than, trên sẽ khiến Trung Quốc khỏi nỗi nhọc mệt, thực là phúc cho thiên hạ lắm” ; “Nay cái kế hay hơn cả cho các ngài, chẳng gì bằng sớm bỏ giáp binh, ra ngoài thành cùng quân của Thái đô đốc lục tục kéo về, để trả lại cho ta cảnh thổ nước An Nam, khiến cho hai bên đều tiện, như thế lại chẳng hay ư? ; “Nay cái kế tốt cho các ngươi không gì bằng ra ở ngoài thành, cùng Thái đốc quân quyết định việc về, để cứu vớt mấy nghìn tính mệnh ở trong thành… Các người nếu biết kéo quân ra thành, cùng ta hòa hảo thân tình, thì ta coi các ngươi nghĩa như anh em ruột thịt, nào chỉ những bảo toàn tính mệnh vợ con mà thôi đâu?” ; “Nay kế hay của các ông chẳng gì bằng thuận theo sở ngộ, nghe theo mệnh trời, nhân thời cơ này dựng nên công nghiệp, khiến cho dân ta may được thoát khổ làm than, mà công trạng lớn lao của ông được rạng rỡ trong sử xanh” .

Khi đạt được nghị hòa, các ông đã cấp thuyền bè, lương thảo để giặc được lui binh an toàn, làm cho kẻ thù hết đổi kinh hoàng: “Tham chính Phương Chính, nội quan Mã Kỳ được cấp năm trăm chiếc thuyền đã vượt biển về mà còn hồn kinh phách lạc. Tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh, được cấp mấy ngàn ngựa, đã về nước mà còn ngực đập chân run. Chúng đã sợ chết tham sống mà thực muốn cầu hòa, Ta lấy toàn quân làm cốt mà cho dân được nghỉ” .
Đại nhân, đại nghĩa như vậy xưa nay chưa từng thấy. “Xã tắc do đó được yên, Non sông do đó đổi mới. Càn khôn đã bỉ mà lại thái, Nhật nguyệt đã mờ mà lại trong. Để mở nền thái bình muôn thuở, Để rửa nổi sỉ nhục ngàn thu” .

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã phát huy thành công truyền thống cực kỳ quý báu ấy của dân tộc. Vì kẻ thù man rợ cướp nước ta, giết hại dân ta, dùng bạo lực giành độc lập dân tộc tự do là việc làm bất khả kháng của Người.
Vạch trần, tố cáo tội ác của thực dân Pháp trước dư luận thế giới và ngay cả trong nhân dân lương thiện Pháp, nhằm thức tỉnh cao độ tinh thần quật cường của đồng bào mình, trong hai tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đây Công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương”, Người mô tả cảnh địa ngục trần gian tối tăm mà thực dân Pháp đang đày đọa dân ta. Tội ác ấy nào khác chi Nguyễn Trãi đã từng kết luận: “Tát cạn nước Đông hải không đủ rửa hết vết nhơ; Chặt hết trúc Nam sơn, chẳng đủ ghi hết tội ác” . Làm như vậy là vì Người tin vào sức mạnh của chính nghĩa và tiềm năng sức mạnh vô tận vô địch của nhân loại tiến bộ ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả cho sự nghiệp đánh bại chủ nghĩa thực dân của dân tộc ta.

Chính vậy mà trong cả hai cuộc chiến, Người luôn viết thư kêu gọi đối phương, ngồi vào bàn hội nghị hòa bình để giải quyết chiến tranh: Trong kết hợp sức mạnh quân sự, chính trị và ngoại giao, thì sức mạnh quân sự chỉ là đòn quyết định, sức mạnh chính trị và ngoại giao mới là chủ yếu. Trong kết hợp sức mạnh quân chính quy, quân địa phương và binh vận, thì sức mạnh binh vận mới là chủ yếu. Dù quân và dân ta đang chịu nhiều thiếu thốn về vật chất, Người vẫn ban chính sách đại khoan hồng, để hàng binh giặc được hưởng chính sách nhân đạo nhất. Người chỉ thị: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cho cẩn thận, nhưng phải đối đãi họ cho khoan hồng, phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập, tự do, chứ chúng ta không vì tư thù, tư oán; làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước” . Trong Chỉ thị thành lập “Đội Tuyên truyền giải phóng quân”, Người giải thích nhiệm vụ của quân đội ta “chính trị trọng hơn quân sự” . Dù đánh giặc bằng bất cứ phương pháp, biện pháp gì, ở đâu, lúc nào thì đường lối chiến tranh nhân dân của Người là lợi ích của dân phải trên hết.
Khi Bác sang Pháp do Chính phủ Pháp mời, tháng 5/1946, thực dân Pháp bội tín Hiệp định sơ bộ 6/3, lập nước Nam Kỳ tự trị, chia rẽ dân tộc ta, gây nguy cơ nội chiến. Bác viết thư kêu gọi đồng bào Nam Bộ nén giận, đề cao nhân nghĩa, mở lòng bao dung, lấy tình thân ái mà cảm hóa, nhằm có thể cải tà quy chính nhân tâm được đối với Nguyễn Văn Thinh. Quả nhiên, chỉ sau một tháng đã tiêu diệt được mầm họa này.

Thanh niên Việt Nam, thanh niên Pháp hay thanh niên Mỹ ngã xuống trên chiến trường, Người đều thương xót như nhau. Người đau tất cả nỗi các nỗi đau của những cha mẹ mất con, vợ mất chồng, người thân mất người thân,.. nên kiên định hòa bình, nhân nghĩa trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhân từ, nhân hậu, nhân ái, vì đại nghĩa, mà Người đã nổ lực bằng mọi giá, để kết thúc chiến tranh bằng các Hội nghị thương lượng hòa bình.

Và thật tuyệt vời, cả hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ của Việt Nam, đều đã kết thúc tại hai hội nghị hòa bình thế giới: Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 và Hội nghị Pa-ri 1973. Độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc được giữ vững, nhân dân được hoàn toàn tự do, tạo điều kiện tốt nhất cho toàn dân tộc chung sức chăm lo hạnh phúc của đồng bào.

b) Về các đặc trưng “bất khuất chống giặc ngoại xâm quyết vì độc lập dân tộc” và “cố kết cộng đồng cao”:

Cũng từ khi sử nước ta chưa thành văn viết, Việt Nam đã có truyền thuyết Thánh Gióng: Gióng lên ba, chưa tự và cơm ăn được. Thế nhưng, nghe giặc Ân đến xâm lược nước nhà, đã vươn vai trở thành Phù Đổng để đánh giặc giữ nước. Mẹ Gióng quá nghèo, không đủ sức nuôi Gióng ăn và rèn sắm vũ khí cho Gióng như Gióng yêu cầu. Toàn bộ dân làng đã cùng chung lưng đấu cật, nuôi Gióng ăn và rèn sắm vũ khí cho Gióng như Gióng yêu cầu. Ấy vậy mà khi xung trận, với ngựa sắt, giáp sắt, roi săt, Giống không thắng được giặc Ân. Gióng chỉ nghiêng mình nhổ bụi tre làng là đã xua tan được giặc Ân. Gióng đã thắng giặc Ân chính vì Gióng đã đại biểu cho tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm và cố kết cộng đồng dân tộc cao, quyết vì độc lập dân tộc.

Truyền thống đó cũng đã được chứng minh hùng hồn bởi cuộc kháng chiến chống quân Minh. Sở dĩ Lê Lợi và Nguyễn Trãi cùng dân tộc là nên được các chiến thắng oanh liệt: Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông; chính là vì các ông đã đoàn kết được toàn dân đánh giặc.

Các ông đã “Hòa rượi cùng uống, binh sĩ một dạ cha con” được với tất cả “những con đen đang bị nướng trên ngọn lửa hung tàn, những con đỏ đang bị vùi dưới hầm tai vạ” , “những manh lệ tứ phương” ; mà làm nên được những chiến công: “Trận Bồ Tất như sấm vang chớp giật, Trận Trà lân như trúc chẻ tro bay…Ninh kiều máu chảy thành sông, hôi tanh muôn dặm; Tốt động thây phơi đầy nội, thối để nghìn thu” , “Lãnh câu máu chảy thắm dòng, nước sông ấm ức; Đan xá thầy chồng thành núi, cỏ nội thắm hồng” ; bảo vệ thành công khí phách “nước Đại Việt ta, Thật là một nước văn hiến. Bờ cõi núi sông đã riêng, Phong tục Bắc Nam cũng khác. Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần, nối đời dựng nước, Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương” .

Trong thời đại ngày nay, 1919 ở “Bản yêu sách tám điểm”, ngay khi mới bước lên vũ đài chính trị, Hồ Chí Minh đã thống nhất hai nội dung, nước phải độc lập và dân phải tự do. Trong “Đường kách mệnh” và “Cương lĩnh đầu tiên của Đảng”, Người đã nâng mục tiêu cách mạng ấy của mình lên trình độ mới bằng sự thống nhất hai nội dung độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Và từ “Tuyên ngôn của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, đến các lời kêu gọi, nhất là kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã bổ sung thêm quyết tâm cao nhất của dân tộc trong gìn giữ độc lập dân tộc, với kiên định hai mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thay mặt cho toàn dân tộc, Người từng tuyên bố: “Tất cả các dân tộc sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ quyền được mưu cầu tự do sung sướng. Việt Nam đã là một quốc gia độc lập. Tất cả dân tộc Việt Nam, quyết đem tất cả tinh thần, tính mạng, lực lượng và của cải, để quyết giữ gìn độc lập dân tộc ấy”. “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Nam, Bắc là một nhà. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn, thì cũng phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài 5 năm, mười năm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác có thể bị tàn phá, thì chúng ta cũng phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Toàn bộ sự nghiệp cách mạng ấy, Hồ Chủ Tịch nhờ kế thừa và phát huy thành công truyền thống quý báu của dân tộc “sử ta dạy cho ta bài học: khi nào dân ta đoàn kết thì độc lập của nước ta được giữ vững, khi nào dân ta không đoàn kết thì độc lập của nước ta có nguy cơ bị xâm phạm”; Người đánh giá đúng, đề cao sức mạnh và phát huy tinh thần quật cường của “nhân dân ta có truyền thống nồng nàn yêu nước, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng thì triệu người như một xông lên phía trước, quyết giữ gìn và bảo vệ độc lập dân tộc”, mà luôn thực hiện đường lối cách mạng đại đoàn kết toàn dân, với nguyên tắc “tin dân, dựa vào dân”, khẳng định sức mạnh vô tận, vô địch của dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng qua”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”; Người đưa dân tộc Việt Nam lên ngang tầm thời đại với các chiến thắng rực rỡ: từ Cách mạng Tháng 8/1945, chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, đến Đại thắng mùa xuân 1975.

Vậy thì chúng ta phải làm gì để nâng cao hiệu quả giáo dục Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho thế hệ trẻ?

Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam được ông cha ta hun đúc bao đời này, đó là tình yêu quê hương làng xóm, là tình cảm gắn bó, cố kết với cộng đồng, là ý thức giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, là ý thức độc lập và niềm tự tôn dân tộc… Trên cơ sở cội nguồn ấy, đặt trong hoàn cảnh lịch sử mới hiện nay, lòng yêu nước của thanh niên đã phát triển theo những nội dung mới để phù hợp hơn và đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi đặt ra. Nếu như trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, lòng yêu nước của thanh niên thể hiện thành nỗi đau mất nước và cụ thể hóa bằng hành động xung phong ra chiến trường, không quản ngại hy sinh, gian khổ để giành độc lập, hòa bình, thì hôm nay lòng yêu nước của thanh niên chính là dũng cảm đối đầu với những thách thức lớn, tận dụng những cơ hội lớn để tiến công vào mặt trận khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vượt qua mọi khó khăn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đem tri thức phục vụ công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác thì ngày nay, lòng yêu nước đã chuyển từ động lực tinh thần chống ngoại xâm sang động lực tinh thần trong xây dựng đất nước, khắc phục nghèo nàn lạc hậu, coi sự thua kém các nước trên thế giới như nỗi nhục của người dân nô lệ ngày xưa.

Lòng yêu nước có thể khiến cho ta làm được nhiều hơn ta tưởng. Khi Nguyễn Bích Thủy cất lên tiếng ca tại cuộc thi Opéra châu á, chắc hẳn ở đó không chỉ biểu hiện tài năng mà còn chứa đựng lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước tha thiết của cô. Với mong muốn cháy bỏng được nhìn lá cờ Việt Nam tung bay trên cột cao trước mắt bạn bè quốc tế mà Kim Anh đã đem hết sức mình để giành huy chương vàng Karatedo trong Asiad 2002. Còn 3 chàng trai của Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh đã vượt qua các đối thủ “nặng ký” như Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore để chiến thắng trong cuộc thi sáng tạo Robot châu á đâu phải chỉ nhờ họ có trí tuệ tuyệt vời. Và có bao giờ ta tự hỏi, liệu có phải chỉ bằng sức khỏe và nghị lực mà Phan Thị Thu Thanh đã về nhất trong cuộc đua xe lăn dành cho người khuyết tật quốc tế. Lòng yêu nước đã thực sự trở thành động lực, thúc giục bao thanh niên ưu tú ngày đêm phấn đấu không ngừng để giành lấy vinh quang về cho nước nhà. Lòng tự hào với truyền thống cha ông, ý chí tự lực tự cường và ý thức tự tôn dân tộc cùng với ước mơ, khao khát cháy bỏng được góp sức mình đưa Việt Nam tiến lên ngang hàng với các cường quốc năm châu đã, đang và sẽ đưa thanh niên đi xa hơn nữa.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tiến công vào mặt trận kinh tế, làm giàu cho đất nước được xem như nhiệm vụ chính trị của thanh niên, đồng thời nó cũng là một biểu hiện của lòng yêu nước. Ngày hôm nay, trên khắp mọi miền tổ quốc đã xuất hiện hàng loạt gương thanh niên vượt khó vươn lên, nhanh nhạy nắm bắt “thời cuộc” để trở thành những ông chủ, bà chủ làm giàu cho mình, cho gia đình và góp phần làm cho “nước mạnh”. Những con người như Nguyễn Chiến Sang- anh thanh niên nhặt ve chai trở thành triệu phú, hay Nguyễn Văn Sỹ – làm giàu cho quê mình nhờ chiếc máy phát điện tự chế… đang là những hình ảnh lý tưởng cho thanh niên hướng tới, để củng cố thêm ý chí và quyết tâm – vì tương lai không xa của Việt Nam.

Trên thực tế, đã có không ít thanh niên nghĩ rằng phải làm một việc gì thật “to tát” cho Tổ quốc mới là yêu nước. Nhưng thực sự là lòng yêu nước không cần biểu hiện ra trong từng lời nói, câu chuyện hàng ngày mà nó lắng đọng trong những việc làm lặng lẽ âm thầm tưởng như hết sức bình thường. Có những tình nguyện đến công tác ở những miền rừng núi xa xôi nhất khi vừa mới tốt nghiệp ra trường. Có những thanh niên miệt mài bên chiếu chèo truyền thống trong khi giới trẻ đang ồn ào với “Pop”, “Rock”. Có những thanh niên ngày ngày dầm mưa dãi nắng, không quản ngại để dọn sạch phố phường… ở họ đều toát lên một tinh thần rất Việt Nam – cống hiến, hy sinh mà không cần ai ca ngợi, không đòi hỏi phải được đền đáp, ghi danh.

Bên cạnh đó là những thanh có nhận thức hết sức lệch lạc. Họ cũng biết hỏi rằng tại sao nước ta lại nghèo, lại thua kém nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng bản thân họ lại không biết phải làm gì và không làm gì để “cải thiện tình hình”. Họ ca tụng phương Tây, ca tụng chủ nghĩa tư bản và ngày một xa rời đạo đức, văn hóa truyền thống Việt Nam. Một số thanh niên đang chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, sống tự do, cá nhân, vô tổ chức. Đặt trong hoàn cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền phá hoại hòng làm phai nhạt lòng yêu nước của dân ta, đặc biệt là tầng lớp thanh niên – những con người được đào tạo dưới chế độ cộng sản để sử dụng như một lực lượng đánh lại chủ nghĩa cộng sản, thì những biểu hiện đó của một số thanh niên trở nên hết sức nghiêm trọng, trở thành nguy cơ đe dọa sự vững mạnh của đất nước ta.

Tuy nhiên lòng yêu nước được dân tộc Việt Nam nuôi dưỡng từ đời này qua đời khác, dù có biến đổi nhưng không bao giờ mất đi. Những thanh niên đó, đứng trước tiếng gọi của non sông và thời đại, sớm muộn cũng sẽ nhận thức được về vai trò và nghĩa vụ của mình, sẽ tìm được ra lối đi đúng đắn. Lúc ấy, lại chính lòng yêu nước sẽ nâng đỡ họ, đưa họ vượt qua những xấu xa, cám dỗ và làm được nhiều việc có ích cho bản thân, xã hội.Chính vì thế, đừng bao giờ nghi ngờ lòng yêu nước của thanh niên bởi “Không tin vào thanh niên, nghĩa là không tin vào tương lai. Sự thực, thanh niên là những người đáng tin cậy. Tội của người già chúng ta là không đi sâu tìm hiểu, nêu gương để mọi người theo”- nhà báo Hữu Thọ.

“Ở nước nào, người công dân chân chính cũng yêu đất nước của họ. Không phải chỉ người Việt Nam mới yêu nước, mới có người anh hùng, mới có truyền thống văn hoá tiêu biểu cho lòng yêu nước. Nhưng thực sự, dân tộc ta đã có một chủ nghĩa yêu nước Việt Nam”.

Bối cảnh lịch sử và tự nhiên của dân tộc ta đã hình thành nên chủ nghĩa yêu nước có đặc điểm khác với chủ nghĩa yêu nước của các dân tộc khác, ông nói. Nhìn vào lịch sử, cả Bách Việt rộng lớn bây giờ chỉ còn lại Lạc Việt trên tư cách một dân tộc. Trải qua nghìn năm đô hộ mà vẫn giữ được tự chủ, bản sắc dân tộc mình, không phải lịch sử dân tộc nào cũng có. Tuy nhiên, ngày nay, khái niệm xâm lược mới lắm, khác lắm, không giống như thời trước, thế hệ của các ông phải cầm súng bảo vệ đất nước.

“Bây giờ, khái niệm xâm lăng của phương Tây là biên giới mềm, là khái niệm xâm lăng văn hoá”

ví dụ: Người Pháp rất sợ nền văn hoá Gôloa mất đi. Niềm tự hào rượu vang sẽ bị Coca Cola xâm lược. Họ nói với tôi rằng, anh uống gì thì uống, ăn gì thì ăn, trừ Coca Cola.
Bằng câu chuyện này, nhà báo Hữu Thọ nhắn nhủ: Chủ nghĩa yêu nước trước hết là bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nền văn hóa dân tộc. “Chủ nghĩa thực dân không đồng hoá được ta bởi không tiêu diệt được nền văn hoá của dân tộc Việt Nam”.

Trước những băn khoăn đương đại về giới trẻ đang nguội nhạt lý tưởng, ông quả quyết: Phải tin vào thanh niên, phải tin vào giới trẻ. Họ đầy hoài bão, đầy lý tưởng. Có điều phải biết cách khơi gợi.

Đừng bao giờ nghi ngờ lòng yêu nước của thanh niên. Khi cần, họ sẵn sàng bảo vệ dân tộc.
Nhà văn Việt Hà : “Yêu nước là tình cảm tự nhiên của mỗi người, tự nhiên như sự hiếu nghĩa…”

“Không tin vào thanh niên, nghĩa là không tin vào tương lai. Sự thực, thanh niên là những người đáng tin cậy”.

Bí thư thứ nhất Tw Đoàn Võ Văn Thưởng quả quyết: Tư tưởng yêu nước luôn là tình cảm đặc biệt, chủ đạo trong nhân dân VN, không chỉ người lớn tuổi. Các thế hệ khác nhau. Đó là động lực thôi thúc, mách bảo con người ta hành động, làm những gì có thể vì đất nước, dân tộc này.
Cảm nhận được trăn trở của thế hệ đi trước, người đứng đầu Trung ương Đoàn khẳng định: Giờ đây không phải lòng yêu nước của thế hệ trẻ đang kém đi. Không giống như thời chiến, kẻ thù hiện hữu rất rõ. Giờ đây kẻ thù “mang gương mặt khả ái” đang len lỏi ở khắp nơi, trong tư duy, suy nghĩ, thói quen của mỗi người. Thật khó để nhận ra chúng. Ông dẫn chứng luôn: Năm 1999, cùng Tổng bí thư khi đó là tướng Lê Khả Phiêu tới công tác tại Thuận An (Huế), nhìn sắc áo xanh tình nguyện đang xả thân giúp đỡ đồng bào trong cơn lũ dữ. Ông và nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã khóc. “Chúng tôi khóc vì thấy thanh niên mình tốt quá. Như vậy mình mới thấy muốn sống thêm”.

“Lòng yêu nước” là một trong những giá trị truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Nó không giống với bất kỳ “lòng yêu nước” của dân tộc nào khác trên thế giới. Bởi trong mấy nghìn năm lịch sử, dân ta chỉ được sống trên dưới 300 năm trong hòa bình. Còn lại phải thường xuyên chống giặc ngoại xâm cướp nước. Gác bút cất nghiên, cầm súng ra trận, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc là cách thể hiện lòng yêu nước của bao thế hệ thanh niên trong thời kỳ chống thực dân đế quốc. “Cuộc đời đẹp nhất là trên chiến trường”.

Ngày nay, khi không còn tiếng súng tiếng bom nhưng các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách chống phá nước ta. Chúng chuyển từ đạn bom chết chóc đầu rơi máu đổ qua sử dụng những “viên đạn bọc đường” nhằm làm tha hóa cán bộ, tầng lớp nhân dân ta. Chúng chuyển từ chiến tranh vũ trang sang chiến tranh văn hóa. Clinton – cựu tổng thống nước Mỹ từng tuyên bố “không thắng được cộng sản cha nhưng chắc chắn sẽ đánh thắng cộng sản con”. Chúng dùng âm mưu “diễn biến hòa bình bạo loạn lật đổ” vốn đã thành công ở nhiều nước trên thế giới hòng dã tâm phá hoại nhà nước ta, cướp đi sự yên bình của đời sống nhân dân ta….

Trước những diễn biến tình hình phức tạp như vậy. Thế hệ thanh niên ngày nay cần phải có những nhận thức thật đúng đắn về bản thân, về thời cuộc và về các vấn đề trọng đại của dân tộc. Không được có quan điểm sùng Tây bái Mỹ, bỏ tư tưởng “nước Mỹ là thiên đường hạnh phúc”. Hãy nhìn vào mặt trái trong lòng xã hội các nước tư bản phương Tây, các nước đế quốc để xây dựng cho mình một niềm tin vững chắc vào tương lai của nước nhà.

Bởi vậy, ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự trong sạch, vững mạnh của đội ngũ thanh niên Việt Nam. Và trong tương lai, chắc chắn họ sẽ còn làm được nhiều hơn nữa. Lòng yêu nước truyền thống của cha ông sẽ được phát huy để dù là ở đâu hay bất cứ lúc nào, lòng yêu nước đó cũng sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy thanh niên Việt Nam đạt được những thành tích diệu kỳ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Có một nhà báo Cu ba đã nói rằng: “Tôi mơ ước sau một đêm ngủ khi thức dậy sẽ trở thành người Việt Nam”. Chúng ta đang có được niềm hạnh phúc tuyệt vời là những thanh niên của Việt Nam trong thời đại anh hùng, vì vậy hãy vun đắp, nuôi dưỡng để lòng yêu nước luôn thắp sáng trong tim và thúc đẩy ta sống sao cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/bai-thu-hoach-chu-nghia-yeu-nuoc-viet-nam/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp