Bài thu hoạch lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng 3

0
156
Rate this post

Bài thu hoạch chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng 3

Bài thu hoạch lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng 3 gồm 11 chuyên đề với đề tài: Một số giải pháp xây dựng môi trường tâm lí – xã hội trong giáo dục trẻ ở trường mầm non. mời các bạn tham khảo và làm bài thu hoạch giáo viên hạng III hiệu quả nhất.

MỘT VÀI GIẢI PHÁP XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG TÂM LÝ – XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC TRẺ Ở TRƯỜNG MẦM NON

MỤC LỤC

Tiêu đề

Bạn đang xem: Bài thu hoạch lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng 3

Trang

I. Đặt vấn đề

03

II. Nội dung

05

1. Cơ sở lí luận

05

2. Thực trạng

06

3. Giải pháp

08

Giải pháp 1: Xây dựng môi trường tâm lý xã hội mang tính chất môi trường gia đình

08

Giải pháp 2: Xây dựng hệ thống nội quy, quy tắc giao tiếp,

ứng xử

14

Giải pháp 3: Xây dựng các mối quan hệ tích cực, thân thiện

18

Giải pháp 4: Xây dựng các hành vi tích cực

21

Giải pháp 5: Phối hợp, tổ chức, huy động cộng đồng

22

III. Kết luận

25

Tài liệu tham khảo

27

pháp 4: Xây dựng các hành vi tích cực

21
Giải pháp 5: Phối hợp, tổ chức, huy động cộng đồng
22
III. Kết luận
25
Tài liệu tham khảo
27

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Trong lĩnh vực giáo dục nói chung và lĩnh vực giáo dục mầm non nói riêng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt các nhiệm vụ của viên chức giảng dạy và chăm sóc trẻ, đáp ứng các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên mầm non. Đồng thời nhằm bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh ngề nghiệp giáo viên mầm non hạng III và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III. Với những lý do trên, trong dịp hè năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương đã phối hợp với Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên cho các cấp học trên địa bàn tỉnh. Tôi đã mạnh dạng đăng ký tham gia lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên mầm non hạng III.

Qua quá trình học tập, nghiên cứu cùng với sự hướng dẫn, truyền đạt của các thầy, cô giáo phụ trách giảng dạy Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên mầm non tôi đã nắm bắt được nội dung của từng chuyên đề

Chuyên đề 1: Tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước

Chuyên đề 2: Luật trẻ em và hệ thống quản lí giáo dục

Chuyên đề 3: Kĩ năng làm việc nhóm

Chuyên đề 4: Kĩ năng quản lí thời gian

Chuyên đề 5: Phát triển chương trình giáo dục mầm non của khối lớp

Chuyên đề 6: Xây dựng môi trường tâm lí – xã hội trong giáo dục trẻ ở trường mầm non

Chuyên đề 7: Đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non

Chuyên đề 8: Sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục mầm non

Chuyên đề 9: Kĩ năng hướng dẫn, tư vấn phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên

Chuyên đề 10: Tổ chức, huy động cộng đồng tham gia giáo dục trẻ mầm non

Chuyên đề 11: Đạo đức của giáo viên mầm non trong xử lý tình huống sư phạm ở trường mầm non

Trong các chuyên đề trên đều là những kiến thức bổ ích phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ của bản thân mỗi giáo viên. Một trong các chuyên đề giúp tôi hiểu sâu hơn và có thể áp dụng hiệu quả hơn trong hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ của bản thân đó là chuyên đề “Xây dựng môi trường tâm lí – xã hội trong giáo dục trẻ ở trường mầm non”. Đây cũng là một trong những chuyên đề mà các đơn vị trường học trên địa bàn huyện tôi đã triển khai và đang thực hiện.

Hiện nay ngành giáo dục đang từng bước chuyển đổi từ chương trình giáo dục đến hình thức và phương pháp giáo dục để đạt hiệu quả cao nhất. Để đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi ngành giáo dục phải “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo thông qua việc quản lí, phát triển đúng định hướng và hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” – chỉ thị số 40/CT/TW ngày 15/06/2004 của Ban bí thư.

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã và đang đầu tư kinh phí xây dựng các phòng học, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho các trường mầm non được hoạt động tích cực đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy và phát động các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Điển hình là công văn số 9761/BGDĐT-GDMN ngày 20/10/2008, hướng dẫn và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” bậc học mầm non; chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” với mong muốn động viên, khuyến khích thầy cô giáo, cán bộ quản lí, toàn thể học sinh cùng các lực lượng ngoài xã hội tích cực, chủ động tham gia xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, hình thành và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo ở trẻ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ được phát triển toàn diện về mọi mặt.

Tuy nhiên trên thực tế việc xây dựng môi trường thân thiện – môi trường tâm lý – xã hội cho trẻ ở trường mầm non chưa thực sự được chú trọng. Trong thời gian vừa qua ngành giáo dục luôn phải đối mặt với các vấn nạn về bạo hành trẻ (kể cả thể chất lẫn tinh thần, “khủng bố” trẻ bằng lời nói…), đánh trẻ, xâm hại trẻ em xảy ra với môi trường giáo dục làm phụ huynh phải đặt câu hỏi “nơi nào là an toàn cho con trẻ”, trẻ vẫn chưa thật sự ‘thích” đến trường mầm non. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng môi trường vật chất chúng ta cần hết sức quan tâm đến việc xây dựng môi trường tâm lý – xã hội trong trường mầm non để trẻ thực sự cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

II. NỘI DUNG:

1. Cơ sở lí luận:

Có thể nói, việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non là thực sự cần thiết và quan trọng. Nó được ví như người giáo viên thứ hai trong công tác tổ chức, hướng dẫn trẻ hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. Thông qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.

Môi trường giáo dục trong nhà trường là tập hợp các yếu tố về vật chất và tâm lý – xã hội có tác động trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng quá trình dạy học và giáo dục nhằm hình thành và phát triển nhân cách cho người học. Môi trường tâm lý – xã hội được tạo dựng trên cơ sở bầu không khí sư phạm trong nhà trường, mối quan hệ của người dạy với người học, mối quan hệ của người học với nhau. Môi trường tâm lý – xã hội trong nhà trường ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhận thức, tình cảm và hành vi của người học cũng như ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của quá trình giáo dục. Như vậy, môi trường tâm lý – xã hội trong trường mầm non là môi trường được tạo dựng trên cơ sở bầu không khí sư phạm trong nhà trường, mối quan hệ tác động qua lại giữa người lớn với trẻ (giáo viên mầm non, cán bộ công nhân viên trong trường, phụ huynh, khách), người lớn với người lớn, trẻ với trẻ.

Trẻ em lứa tuổi mầm non đang trong giai đoạn đầu tiên của sự hình thành và phát triển nhân cách. Sự phát triển của trẻ được quyết định bởi một tổ hợp các điều kiện: đặc điểm phát triển cơ thể của trẻ, điều kiện sống, mối quan hệ của trẻ với môi trường xung quanh, mức độ tích cực hoạt động của bản thân trẻ. Trẻ chỉ có thể lĩnh hội kinh nghiệm xã hội nhờ sự tiếp xúc với người lớn. Việc tạo nên bầu không khí tâm lý – xã hội dựa trên các giá trị trong xây dựng môi trường nhà trường là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy hiệu quả giáo dục vì nó đáp ứng các nhu cầu quan trọng của trẻ. Theo đó, môi trường nhà trường cần được thiết lập trên nền tảng các giá trị. Kết quả nghiên cứu của UNESCO trong chương trình giáo dục giá trị sống toàn cầu trẻ em cần được sống trong môi trường mà trẻ cảm thấy: được an toàn, được có giá trị, được yêu thương, được hiểu và được tôn trọng.

2. Thực trạng:

Tôi là một giáo viên của trường Mầm non Tân Lập trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trường tôi nằm ở điểm trường nông thôn nhưng cơ bản cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường cũng đã cố gắng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và đạt danh hiệu trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục mức độ 3 vào năm 2021.

Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường năm học 2021 – 2021 có 22/24 người nữ. Trong đó:

– Cán bộ quản lý: 03 người

– Giáo viên: 12 người

– Nhân viên: 09 người

– Tổng số lớp: 06 lớp (2 lá, 2 chồi, 1 mầm, 1 nhóm trẻ)

– Tổng số trẻ: 69/163 trẻ nữ (bán trú 100%)

Trong năm học vừa qua, nhà trường đã phát động cho toàn giáo viên tham gia xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, xây dựng trường học an toàn, thân thiện… Bản thân tôi cũng đã tích cực tham gia các phong trào. Tuy nhiên, tôi chỉ mới nắm bắt được những nội dung cơ bản nên khi bắt tay vào thực hiện thì còn rất lúng túng và kết quả đạt được chưa cao. Vì là một giáo viên tâm huyết với nghề nên kết quả đó làm tôi rất trăn trở và tự đặt câu hỏi cho mình: xây dựng môi trường thân thiện, môi trường tâm lý – xã hội là xây dựng thế nào? Phải áp dụng những giải pháp gì? Thực hiện bằng cách nào và bắt đầu từ đâu?… Sau khi tham gia lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III tôi “bắt gặp” được chuyên đề “xây dựng môi trường tâm lý – xã hội trong trong giáo dục trẻ ở trường mầm non” với sự truyền đạt, hướng dẫn, chia sẻ của Tiến sĩ Phạm Phước Mạnh – giảng viên khoa tâm lý trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tôi đã có thể xác định được “hướng đi” cho mình trong việc xây dựng môi trường tâm lý – xã hội trong trường mầm non đạt hiệu quả và tôi sẽ áp dụng vào thực tế khi năm học mới 2021 – 2021 bắt đầu.

Căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, của bản thân và kết quả họat động của những năm vừa qua tôi cũng đã xác định được một số thuận lợi và khó khăn khi thực hiện chuyên đề này.

* Thuận lợi:

– Được sự chỉ đạo, quan tâm, hỗ trợ tư vấn của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Ban giám hiệu nhà trường.

– Được sự quan tâm của phụ huynh học sinh, của cộng đồng.

– Bản thân tôi là một giáo viên chủ động, tích cực trong việc tìm tòi, học hỏi và đã được tham gia bồi dưỡng chuyên đề “xây dựng môi trường tâm lý – xã hội trong giáo dục trẻ ở trường mầm non”.

* Khó khăn:

– Giáo viên chưa có nhiều kỹ năng trong việc xây dựng môi trường tâm lý – xã hội trong trường mầm non.

– Kỹ năng giao tiếp ứng xử của bản thân giáo viên chưa khéo léo, nhanh nhạy khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

– Chưa nhận được sự hợp tác, phối hợp của một vài phụ huynh và thành viên trong nhà trường trong việc xây dựng môi trường tâm lý – xã hội trong trường mầm non.

3. Giải pháp:

Xuất phát từ những lý do và thực trạng nêu trên và thông qua việc tham gia lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trong thời gian vừa qua tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường tâm lý – xã hội trong trường mầm non nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Tôi đã nghiên cứu, sưu tầm và đưa ra những giải pháp xây dựng môi trường tâm lý – xã hội trong trường mầm non như sau:

Giải pháp 1: Xây dựng môi trường tâm lý – xã hội mang tính chất của môi trường gia đình

Trước khi đến trường mầm non, trẻ em được sống trong môi trường gia đình, được chăm sóc, dạy dỗ bằng tình cảm yêu thương ruột thịt. Điều này không có được ở trường mầm non. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ của trường mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhằm giúp trẻ em hình thành những yếu tố ban đầu của nhân cách và chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một (Điều lệ trường mầm non), phát huy hết những tiềm năng đang nảy nở ở trẻ thì nhà trường cần xây dựng môi trường tâm lý – xã hội mang tính chất của môi trường gia đình. Đó là:

– Môi trường an toàn: Môi trường tâm lý – xã hội trong trường mầm non cần đảm bảo trẻ được chăm sóc, giáo dục bằng tình cảm thương yêu. Khi được sự quan tâm chăm sóc của tất cả các thành viên trong nhà trường, đặc biệt là cô giáo sẽ tạo ra ở trẻ sự an toàn cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhờ đó trẻ mới cảm thấy yên tâm, mới vui tươi hồn nhiên, mới mạnh dạng thăm dò, thử nghiệm, khám phá thế giới xung quanh. Hoạt động trong môi trường tâm lý – xã hội nhà trường mang đặc trưng văn hóa gia đình, trẻ em được người lớn chăm sóc, giáo dục bằng tình cảm thương yêu, được thỏa mãn đầy đủ và kịp thời, hợp lí mọi nhu cầu để phát triển. Đây là điều kiện tiên quyết để trẻ trưởng thành.

Ví dụ: Khi trẻ lần đầu tiên bước chân vào trường mầm non “ngày đầu tiên đi học” nhất là trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ và mầm trẻ sẽ rất là bỡ ngỡ, lo lắng và đa số trẻ sẽ khóc vì có thể nói đây là lần đầu tiên trẻ rời xa gia đình, rời xa “môi trường an toàn” vốn có. Nếu cô giáo không quan tâm, vỗ về trẻ sẽ cảm thấy không an toàn và sẽ quấy khóc nhiều hơn. Trẻ cần được cô giáo quan tâm, vỗ về, chăm sóc, trò chuyện dần dần trẻ sẽ quen với môi trường mới và không còn quấy khóc nữa. Vì lúc đó trẻ đã cảm nhận được ở trường cũng được an toàn như ở gia đình.

– Môi trường phong phú: Trường mầm non có nhiều thành viên như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên, trẻ em, phụ huynh của trẻ tạo ra các mối quan hệ phong phú, đa dạng giữa nhiều người ở những độ tuổi và thế hệ khác nhau. Trong môi trường phong phú các mối quan hệ này, trẻ có nhiều cơ hội để giao tiếp, học hỏi, mở rộng khiến thức cũng như rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết (sự tự tin, sự tò mò, khả năng sáng tạo, kỹ năng hợp tác, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giữ an toàn cá nhân)

Ví dụ: Khi bước vào môi trường phong phú các mối quan hệ như trường mầm non trẻ sẽ nhìn thấy, nghe thấy và học được các quy tắc ứng xử như thế nào cho phù hơp. Khi thấy cô giáo nói chuyện với ba mẹ mình trẻ sẽ nhận ra quy tắc trong giao tiếp như kính trọng, vui tươi, cởi mở. Trẻ nắm được cách giao tiếp với người lớn là phải kính trọng, lễ phép hoặc là khi chơi với bạn phải biết đoàn kết, không tranh giành hay tự ý lấy đồ của bạn, biết nói lời cám ơn và xin lỗi khi cần thiết…

Để phù hợp với đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ mầm non là nhận thức cảm tính, trường mầm non luôn sẵn có đồ dùng đồ chơi, phương tiện trực quan như tranh ảnh, mô hình, băng hình. Đặc biệt các đồ dùng sinh hoạt như ca cốc, bát thìa, bàn ghế, cây trồng, vật nuôi… đều được giáo viên sử dụng trong quá trình chăm sóc, giáo dục giúp trẻ mở rộng vốn hiểu biết về tên gọi, đặc điểm, công dụng/ích lợi, cách sử dụng/cách chăm sóc chúng. Đồng thời hình thành ở trẻ thái độ đúng đắn cũng như các thói quen tốt, các hành vi tích cực trong ứng xử với môi trường sống như biết giữ gìn đồ dùng đồ chơi, biết chăm sóc, bảo vệ vật nuôi, cây trồng…

Ví dụ: Hiện nay chúng ta đang thực hiện chuyên đề “lấy trẻ làm trung tâm” trong mọi hoạt động, tích cực cho trẻ hoạt động trải nghiệm khám phá chứ không “nhốt” trẻ trong lớp với bốn bức tường vì lý do “trẻ ra sân khó quản”. Trẻ con rất thích khám phá xung quanh, đặc biệt là những điều mới lạ. Ví dụ khi cho trẻ trải nghiệm về các giác quan chúng ta sẽ cho trẻ được tri giác qua tranh ảnh, vật thật… trẻ được tận mắt nhìn thấy, được dùng mũi để ngửi, dùng tai để nghe, dùng tay để sờ, được dùng miệng để nếm, được cảm nhận sẽ kích thích tất cả các giác quan giúp cho nhận thức của trẻ được mở rộng. Bên cạnh đó giáo viên luôn nhắc nhở, giáo dục trẻ các hành vi tích cực như thu dọn sau khi chơi xong, nhặt rác bỏ vào thùng rác, không nghịch phá đồ vật, con vật nguy hiểm…

+ Môi trường mà người lớn chăm sóc, giáo dục trẻ bằng giao tiếp trực tiếp và thường xuyên: Ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi tình huống của cuộc sống, người lớn đều có thể bảo ban, dạy dỗ trẻ. Việc nuôi và dạy trẻ trong môi trường tâm lý – xã hội nhà trường cần được kết hợp một cách khéo léo và tự nhiên.

Ví dụ: Trong giờ tổ chức cho trẻ ăn giáo viên có thể trò chuyện, bảo ban, hướng dẫn trẻ các kỹ năng cần thiết như kỹ năng tự phục vụ (biết lấy chén, lấy muỗng, biết lấy ghế ngồi vào bàn, rửa tay, lau mặt trước và sau khi ăn xong…), kỹ năng giao tiếp, ứng xử (biết mời cô và các bạn khi ăn, biết cám ơn khi cô chia cơm, biết xin lỗi khi lỡ làm đổ cơm của bạn, không lấy đồ ăn của bạn…). Trong tổ chức giờ ngủ, giáo viên có thể cho trẻ nghe những điệu hát, vần thơ hay để trẻ có thể cảm nhận được tinh hoa văn hóa một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Hay trong tổ chức hoạt động dạo chơi ngoài trời khi có bạn lỡ trượt chân vấp ngã tận dụng tình huống đó cô giáo dục trẻ biết giúp đỡ bạn, không trêu ghẹo bạn và xem bạn có bị trầy xướt gì không. Qua đó cô giáo có thể nói cho trẻ biết khi bị trầy xướt thì nên làm thế nào….

+ Môi trường tự do: Trong môi trường tâm lý – xã hội ở nhà trường, tất cả trẻ em đều được tự do hoạt động, được tạo cơ hội để phát triển tối ưu những tiềm năng sẵn có. Mỗi đứa trẻ là một con người riêng biệt, có đặc điểm riêng về thể chất và tâm lý, mỗi trẻ có cách tiếp nhận kinh nghiệm theo cách riêng, tốc độ riêng của mình. Những nét riêng này cần được tôn trọng và khuyến khích để trẻ phát triển một cách độc lập và chủ động.

Môi trường tâm lý – xã hội này tạo điều kiện cho trẻ tự do hoạt động do chính mình và vì chính mình. Khi trẻ hoạt động, người lớn khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm, khám phá cuộc sống, tìm hiểu, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Do đó, mỗi trẻ đều được phát huy khả năng riêng của mình và hình thành ở trẻ ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm với bản thân, với những người xung quanh, với môi trường mà trẻ đang sống.

Tuy nhiên trên thực tế thì chúng ta vẫn còn “ngại” thay đổi, vẫn còn áp đặt trẻ và dạy theo những thứ chúng ta sẵn có chứ chưa thực sự dạy theo những gì trẻ hứng thú. Ngay trong quá trình tổ chức hoạt động chúng ta vẫn áp đặt câu trả lời, ý tưởng của trẻ. Ví dụ: khi dạy trẻ tìm hiểu về con mèo chúng ta vẫn thường áp đặt trẻ phải trả lời con mèo sống trong gia đình, đẻ con, có 4 chân, kêu meo meo, thích ăn cá và bắt chuột… chứ chúng ta chưa quan tâm đến mong muốn của trẻ “tại sao con mèo thích bắt chuột? Tại sao nó ngủ ngày? Tại sao nó đi rất êm?… Hoặc khi trẻ ra sân hoạt động giáo viên thường cấm đoán không cho trẻ chạy nhảy, la hét. Hay khi trẻ phát hiện có tổ kiến, con sâu thì chúng xúm xít lại mà không theo ý của cô giáo thì lúc đó cô giáo sẽ đến bắt trẻ phải di chuyển đến chỗ khác theo ý cô mà không quan tâm đến nhu cầu của trẻ là đang muốn tìm hiểu vể con sâu hay tổ kiến đó.

+ Môi trường có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau: Trong môi trường tâm lý – xã hội lành mạnh, người lớn nói chung, cô giáo và bạn bè đều tôn trọng sự lự chọn hoạt động của trẻ, luôn đặt niềm tin nơi trẻ, tin rằng trẻ có khả năng hoàn thành và hoàn thành tốt những hoạt động mà trẻ được tự do lựa chọn. Niềm tin của người lớn, của bạn bè là động lực mạnh mẽ thúc đẩy trẻ hoàn thành nhiệm vụ theo cách tốt nhất có thể với khả năng của trẻ.

Ví dụ: Trong năm học vừa rồi lớp tôi có một bé thừa cân và đang chuẩn bị chạm mức béo phì. Để hạn chế sự tăng cân cho bé tôi đã chủ động phối hợp với gia đình thay đổi một chút trong chế độ ăn và tập luyện cho bé. Tôi thường cho bé ăn nhiều rau hơn các bạn khác, cắt chế độ sữa ở nhà chỉ uống một cốc sữa vào sau bữa ăn sáng tại trường, tôi thường tạo cơ hội cho bé tham gia giúp cô thu dọn bàn ghế, tăng cường vận động hơn các bạn trong các hoạt động. Tuy nhiên trong hai tháng đầu bé vẫn lên cân nhưng với lòng tin bé sẽ giảm được với sự kiên trì của mình thì đến tháng thứ tư bé đã không tăng cân nữa, đến cuối năm thì chiều cao tăng nhưng cân nặng vẫn giữ mức thế là bé không còn nằm trong kênh sức khỏe cần phải theo dõi. Hay trong giờ tập thể dục thì có một vài bé rất nhút nhát không dám tham gia vận động cùng các bạn khi thực hiện một số bài tập như trườn, trèo nhưng với lòng tin của mình đặt vào trẻ tôi đã giúp trẻ mạnh dạng, tự tin tham gia vào hoạt động cùng các bạn.

+ Môi trường khuyến khích trẻ tích cực, chủ động trong họat động: Với đồ dùng đồ chơi phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc được bố trí trên những chiếc giá vừa tầm với trẻ. Với thái độ cởi mở, vui tươi, với hành vi, cử chỉ nhẹ nhàng, ánh mắt trìu mến của cô giáo, sự cổ vũ của bạn bè, trẻ thực sự được sống trong môi trường an toàn, phong phú. Điều này làm nảy sinh ở trẻ những xúc cảm tích cực và lòng khao khát được tìm tòi, khám phá, trải nghiệm.

Ví dụ: Khi cho trẻ tìm hiểu về nghề xây dựng mà giáo viên chuẩn bị nhiều đồ dùng đồ chơi liên quan đến nghề như cái bay, gạch, cát, xi măng, đồ bảo hộ, tranh ảnh các công trình, video cách trộn hồ, cách xây gạch… sẽ giúp trẻ dễ dàng tiếp thu hơn nghề xây dựng là nghề như thế nào, cần có những đồ dùng gì, tạo ra những sản phẩm ra sao… chứ không chỉ đơn thuần ta chỉ cung cấp cho trẻ cái bay và gạch xây dựng mà trẻ có thể hiểu hết về nghề xây dựng.

Giáo viên phải cho trẻ tiếp xúc với đồ dùng đồ chơi chứ không phải làm để trưng bày.

Ví dụ: Khi giáo viên tổ chức hoạt động cho trẻ in, vẽ hoa quả bằng rau củ không chỉ chuẩn bị màu nước, rau củ mà giáo viên nên chuẩn bị thêm màu lông, màu sáp, giấy màu… để trẻ có thể tiếp xúc và sử dụng nhiều loại màu khác nhau để tạo nên bức tranh. Và trong quá trình trẻ thực hiện giáo viên thường xuyên khơi gợi, động viên, khích lệ trẻ thì trẻ sẽ tạo ra được những sản phẩm có tính mới lạ, độc đáo hơn.

Để có thể xây dựng môi trường nhà trường nhân văn và thân thiện, giáo viên cần có một số kỹ năng như: biết lắng nghe trẻ, có lời nói và cử chỉ thể hiện sự quan tâm, tôn trọng trẻ, biết chia sẻ và thấu hiểu những vấn đề trẻ đang gặp phải trong học tập và cuộc sống, công bằng với trẻ, không phân biệt đối xử, tạo điều kiện để trẻ bộc lộ bản thân, biết cách khích lệ và động viên trẻ để trẻ thích nghi với môi trường lớp học, vượt qua những trở ngại…

Giải pháp 2: Xây dựng hệ thống nội quy, quy tắc giao tiếp, ứng xử trong trường mầm non

Để xây dựng được môi trường tâm lý – xã hội mang tính chất của môi trường gia đình, môi trường tâm lý – xã hội lành mạnh, an toàn, thân thiện trong trường mầm non thì chúng ta cũng cần phải xây dựng một hệ thống nội quy, quy tắc ứng xử, các mối quan hệ và hành vi tích cực trong trường mầm non.

Việc xây hệ thống nội quy, quy tắc ứng xử phải dựa trên tinh thần cộng tác, có những nội quy, quy tắc chung và riêng phù hợp cho từng đối tượng nhưng phải dựa vào các yếu tố như sau:

– Tôn trọng nhân cách đối tượng giao tiếp: nghĩa là phải coi đối tượng giao tiếp là một cá nhân, một con người, một chủ thể với đầy đủ các quyền vui chơi, học tập, lao động… với những đặc trưng tâm lý riêng biệt, họ có quyền bình đẳng với mọi người trong các mối quan hệ xã hội. Trong xã hội, vị thế có khác nhau nhưng nhân cách là bình đẳng. Nhu cầu được tôn trọng là nhu cầu đặc trưng của con người. Tôn trọng nhân cách sẽ giúp họ cởi mở, tự tin trong giao tiếp. Tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình.

Ví dụ: Trong lớp học của chúng ta có những đứa trẻ gia đình có điều kiện nên lúc nào cũng tinh tươm, sạch sẽ còn có những đứa trẻ gia đình khó khăn hơn một chút, nhìn vẻ ngoài có yếu ớt hơn không vì thế mà ta cứ quấn quýt bên đứa trẻ tinh tươm kia mà quên đứa trẻ có gia cảnh khó khăn. Chính những đứa trẻ yếu ớt, khó khăn đó mới là đối tượng mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn chứ không phải bỏ mặc.

– Thiện ý trong giao tiếp: Trong các mối quan hệ xã hội đặc biệt là trường mầm non rất cần sự thiện ý. Thiện ý trong giao tiếp nghĩa là luôn nghĩ tốt, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng giao tiếp. Cung cách ứng xử thể hiện cái tâm của con người, người có tâm nhân hậu dễ thông cảm, chia sẻ với bất hạnh, rủi ro, vui với thành công của người khác, mong muốn người khác tiến bộ, thành đạt. Cái tâm nhân hậu giúp chủ thể thiết lập được các mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh và ngược lại người có tâm không nhân hậu thường ích kỉ, thiếu tôn trọng người khác, không biết cảm thông, chia sẻ, hay đố kỵ với thành công của người khác.

– Vô tư trong giao tiếp: nghĩa là trong giao tiếp chủ thể không bao giờ được lợi dụng đối tượng giao tiếp cả về vật chất và tinh thần. Đây là điều kiện để xây dựng, duy trì các mối quan hệ lâu dài, tốt đẹp với những người xung quanh.

– Đồng cảm trong giao tiếp: nghĩa là chủ thể giao tiếp biết đặt mình vào vị trí của đối tượng giao tiếp, vào hoàn cảnh, vào lứa tuổi để cảm thông, chia sẻ niềm vui, nổi buồn của họ. Suy nghĩ, thái độ, hành động của mỗi người là khác nhau. Nếu ta cứ khăng khăng bắt người khác phải theo mình khó tránh khỏi những bất bình. Đồng cảm giúp đối tượng giao tiếp cởi mở hơn và tạo được niềm tin, tạo ra sự gần gũi, thân mật, tạo ra cảm giác an toàn và hứng thú khi giao tiếp với nhau.

Ví dụ: Trong lớp có một vài phụ huynh thường đưa con đi học rất sớm hoặc đón rất muộn nhưng không vì thế mà ta cáu gắt, khó khăn với trẻ với phụ huynh mà phải biết tìm hiểu lý do và thông cảm cho họ như vậy mới tạo dựng được mối quan hệ tốt và tạo được cảm giác an toàn cho trẻ.

Ở đơn vị tôi cũng đã xây dựng những bảng nội quy cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh của trường tuy nhiên còn mang tính chất chung chung chưa được cụ thể hóa như trong giải pháp đã nêu. Nhà trường xây dựng một bảng nội quy dành chung cho phụ huynh và trẻ chỉ đơn thuần là quy định giờ giấc đón – trả trẻ, đồng phục, tư trang của trẻ khi vào trường, đối tượng phụ huynh được đón trẻ chứ chưa xây dựng nội quy, quy tắc ứng xử, giao tiếp. Sau khi được tìm hiểu chuyên đề, với cương vị là một giáo viên – một tổ trưởng chuyên môn căn cứ vào Quy định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/04/2008 quy định về đạo đức nhà giáo; căn cứ quyết định số 03/2007/QĐ-BNV quy tắc ứng xử của cán bộ công chức viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương; căn cứ vào Điều lệ trường mầm non tôi cũng đã mạnh dạng xây dựng được bảng nội quy, quy tắc giao tiếp, ứng xử với từng đối tượng trong trường mầm non và tôi sẽ tham mưu Ban giám hiệu bổ sung, chỉnh sửa và áp dụng trong năm học mới như sau:

– Nội quy, quy tắc giao tiếp, ứng xử của giáo viên với trẻ mầm non:

+ Yêu thương trẻ như con em của mình.

+ Giao tiếp, ứng xử thành tâm, thiện ý. Biết lắng nghe và cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Không phân biệt đối xử, công bằng với trẻ. Giúp đỡ, quan tâm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

+ Thỏa mãn hợp lý các nhu cầu cơ bản của trẻ (nhu cầu an toàn, tự khẳng định, vui chơi, giao tiếp, nhu cầu tình cảm…). Mềm mỏng nhưng kiên quyết đưa trẻ vào nề nếp nhà trường.

+ Tôn trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ (trẻ nói ngọng, nói lắp, thể trạng yếu…)

+ Hành vi, cử chỉ dịu hiền, nhẹ nhàng, thái độ vui tươi, cởi mở.

+ Kết hợp giữa nuôi và dạy trong chăm sóc, giáo dục trẻ.

+ Nhớ và gọi tên trẻ.

+ Cẩn trọng khi đánh giá trẻ.

+ Gương mẫu trong lời nói và hành động để trẻ noi theo. Luôn đặt tình thương và trách nhiệm lên hàng đầu.

– Nội quy, quy tắc giao tiếp, ứng xử của giáo viên với cấp trên/cấp dưới:

Ø Đối cới cấp trên

+ Chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh, nhiệm vụ được phân công.

+ Trung thực, thẳng thắn trong báo cáo. Đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến với cấp trên.

+ Khi gặp cấp trên phải chào hỏi nghiêm túc, thân mật, lịch sự.

Ø Đối với cấp dưới

+ Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực nhiện nhiệm vụ được giao.

+ Gương mẫu cho cấp dưới học tập, noi theo. Nắm được tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của cấp dưới, chân thành, chia sẻ, động viên khi gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống và công việc.

+ Tôn trọng, cởi mở. Không hách dịch, của quyền…

– Nội quy, quy tắc giao tiếp, ứng xử của giáo viên với đồng nghiệp:

+ Tôn trọng, chân thành, bảo vệ uy tín, danh dự của đồng nghiệp. Không đố kỵ, bè phái gây mất đoàn kết.

+ Thấu hiểu, chia sẻ khó khăn, coi đồng nghiệp như người thân trong gia đình.

+ Góp ý chân thành, thẳng thắn. Không nói tục trong hội họp, sinh hoạt.

+ Hợp tác, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

– Nội quy, quy tắc giao tiếp, ứng xử của giáo viên với nhân viên trong nhà trường:

+ Xưng hô đúng mực, thể hiện nhân cách văn hóa, lịch sự và thân mật.

+ Hợp tác, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ. Không bè phái gây mất đoàn kết.

+ Cảm thông, chia sẻ khó khăn trong công việc và cuộc sống.

+ Tôn trọng cuộc sống riêng và tính cách của mỗi người.

– Nội quy, quy tắc giao tiếp, ứng xử của giáo viên với phụ huynh của trẻ và khách đến trường:

+ Văn minh, lịch sự khi giao tiếp. Luôn thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói khiêm tốn, vui vẻ, bình tĩnh trong mọi tình huống. Không to tiếng, hách dịch, không nói tục hay có thái độ cọc cằn… gây căng thẳng, bức xúc cho phụ huynh, người đến giao dịch.

+ Công tâm, tận tụy khi thi hành công vụ. Không thông đồng, tiếp tay làm trái quy định để vụ lợi.

+ Giải quyết công việc phải nhanh chóng, chính xác.

+ Thấu hiểu, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn chu đáo cho phụ huynh và khách đến trường.

+ Tôn trọng, lắng nghe tiếp thu ý kiến đóng góp của phụ huynh, của khách.

Giải pháp 3: Xây dựng các mối quan hệ tích cực, thân thiện trong trường mầm non

Bên cạnh việc xây dựng một hệ thống nội quy, quy tắc ứng xử trong giao tiếp thì chúng ta cần xây dựng các mối quan hệ tích cực, thân thiện trong trường mầm non. Trước tiên cần xây dựng mối quan hệ tích cực, thân thiện giữa các thành viên trong trường mầm non với nhau. Bởi vì tâm lý trẻ lúc này là trẻ hay “bắt chước” nếu ta xây dựng được mối quan hệ tích cực này thì sẽ dễ dàng xây dựng được mối quan hệ tích cực, thân thiện giữa trẻ với trẻ, với giáo viên và thành viên khác trong trường mầm non.

Cũng giống như việc xây dựng nội quy, quy tắc giao tiếp, ứng xử thì việc xây dựng các mối quan hệ tích cực cũng được biểu hiện ở các yếu tố như đã phân tích ở giải pháp 2 đó là:

– Tôn trọng nhân cách của đối tượng giao tiếp: có thái độ niềm nở, trân trọng khi tiếp xúc, biết lắng nghe ý kiến của đối tượng giao tiếp, giao tiếp có văn hóa, trang phục phù hợp.

– Thiện ý trong giao tiếp: tin tưởng, chân thành, công bằng trong nhận xét, đánh giá. Luôn nghĩ tốt về đối tượng.

– Vô tư trong giao tiếp: không suy tính thiệt hơn, nặng nhẹ. Không ghen tỵ với thành công của người khác.

– Đồng cảm trong giao tiếp: Biết sống với niềm vui, nỗi buồn, biết đặt mình vào vị trí của người khác.

Mối quan hệ tích cực, thân thiện của người lớn là cơ sở để hình thành ở trẻ những mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè hiện tại và các mối quan hệ xã hội trong tương lai. Cô giáo cần tạo ra môi trường tâm lý – xã hội tích cực, thân thiện để trẻ:

– Chơi, hợp tác, thân thiện, nhường nhịn với tất cả các bạn kể cả bạn khuyết tật, khó khăn…

– Chủ động kết bạn, biết đề nghị mượn đồ chơi, cùng chơi, cùng thực hiện nhiệm vụ với bạn.

– Kính trọng, lễ phép với người lớn (chào hỏi, thưa gửi, xin phép…).

– Thể hiện sự biết ơn bằng lời nói và hành động.

– Giúp đỡ người lớn, bạn bè.

– Cảm nhận cảm xúc của người khác, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ bằng lời nói, cử chỉ, hành động với bạn, với cô, với người thân…

– Biết lắng nghe, biết trình bày ý kiến…

Trong trường mầm non, giáo viên là người giữ vị trí trực tiếp, vai trò chủ đạo trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ, xây dựng được mối quan hệ tích cực, thân thiện giữa giáo viên mầm non với trẻ sẽ đảm bảo trẻ phát triển toàn diện cũng như đảm bảo hiệu quả của hoạt động giao tiếp sư phạm. Mối quan hệ tích cực, thân thiện giữa giáo viên mầm non với trẻ được biểu hiện trong các phương thức giao tiếp, ứng xử. Có nhiều phương thức tiếp cận với trẻ như: phương thức áp đặt từ phía người lớn, phương thức kết hợp giữa giáo dục và hoạt động tích cực của trẻ, phương thức tự lựa chọn những định hướng giá trị xã hội mà cá nhân cho là có ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của họ. Từ vị trí xã hội quy định cho cô giáo mầm non và để xây dựng các mối quan hệ tích cực, thân thiện với trẻ, giáo viên mầm non cần thực hiện hai phương thức giao tiếp, ứng xử đó là:

– Phương thức giao tiếp, ứng xử của cô giáo như mẹ hiền: Cô giáo không phải là người mẹ sinh ra trẻ nhưng là người mẹ xã hội của trẻ, giao tiếp ứng xử với trẻ bằng phương thức mẹ – con. Trẻ hoạt động và ở trường với cô 10 – 11 giờ mỗi ngày. Do đó, những thông tin, hiểu biết, nhận thức về con người, sự vật, hiện tượng chủ yếu do cô xây dựng cho trẻ. Cô giáo là người thay thế mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ. Mối quan hệ thể hiện ở cách xưng hô cô – con vừa nhắc nhở cô giáo bổn phận làm mẹ, tận tụy, không ngại khó khăn chăm sóc cho những đứa con của mình và trẻ phải biết nghe lời cô daỵ, chơi theo sự chỉ dẫn của cô. Sự chăm sóc của cô sao cho vừa có tình thương, vừa có công bằng để không cháu nào bị thiệt thòi, thiếu sự quan tâm của cô. Cô cần khích lệ, động viên thành tích của trẻ giúp trẻ tự tin và tạo điều kiện để trẻ tiếp xúc trực tiếp với cô.

– Phương thức giao tiếp ứng xử của cô là cô giáo: là nhiệm vụ của cô được quy định trong Điều lệ trường mầm non, là mục tiêu của giáo dục mầm non. Cô phải giúp trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần: nhận thức, ngôn ngữ, thẫm mỹ, tình cảm – kỹ năng xã hội, thể lực.

Để đảm bảo đúng mục tiêu của ngành học, hai phương thức này luôn gắn bó nhau, lồng vào nhau tạo ra sự mềm mại trong giao tiếp ứng xử. Thiếu phương thức này hoặc phương thức kia sẽ tạo ra sự khiếm khuyết trong nhân cách của trẻ. Cô giáo mầm non là người quyết định chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Để phát triển toàn diện nhân cách trẻ theo mục tiêu của giáo dục mầm non, cô giáo không chỉ là hình mẫu nhân cách để trẻ nhập tâm, bắt chước và học tập mà còn phải tạo ra môi trường tâm lý – xã hội các mối quan hệ tích cực, thân thiện.

Giải pháp 4: Xây dựng hành vi tích cực trong trường mầm non

Hành vi giao tiếp ở trường mầm non phải là những hành vi văn hóa. Hành vi giao tiếp có văn hóa là biểu hiện trình độ văn hóa giao tiếp của con người, nó thể hiện các nét tính chất và kỹ năng đặc trưng như: tôn trọng con người, có thiện chí, quan tâm chú ý đến người khác, nhân hậu độ lượng, lịch sự và cư xử khéo léo khi giao tiếp, không định kiến, biết lắng nghe.

Trường mầm non cần xây dựng hành vi tích cực giữa các thành viên trong trường mầm non với trẻ, giữa các thành viên trong trường mầm non với nhau, giữa trẻ với trẻ, trẻ với giáo viên, trẻ với các thành viên khác trong trường mầm non. Hành vi tích cực trong trường mầm non có ý nghĩa rất to lớn, nó giúp trẻ giao tiếp nhẹ nhàng, dễ chịu, lịch sự giúp các thành viên trong gia đình và xã hội xích lại gần nhau hơn. Hành vi giao tiếp thể hiện ở hai phương thức chính, đó là:

– Hành vi giao tiếp bằng phương tiện ngôn ngữ:

Ngôn ngữ nói phải chuẩn từ phát âm, sử dụng từ ngữ, sử dụng câu, diễn đạt mạch lạc.

Ngôn ngữ nói phải truyền cảm (tạo cảm xúc tích cực)

Ngôn ngữ nói phải đảm bảo có văn hóa, tránh sử dụng những từ ngữ có thể gây tổn thương cho đối tượng giao tiếp.

– Hành vi giao tiếp bằng phương tiện phi ngôn ngữ:

Các phương tiện phi ngôn ngữ cần được sử dụng phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp nhằm hỗ trợ cho phương tiện ngôn ngữ và nâng cao hiệu quả của hoạt động giao tiếp.

Giao tiếp bằng lời nói, ánh mắt, nét mặt… nhưng đối với trẻ mầm non thì giao tiếp bằng xúc giác (sờ, vuốt ve, ôm ấp…) có vai trò cực kỳ quan trọng, có hiệu quả hơn là đứng xa ra lệnh hoặc giải thích bằng ngôn ngữ. Giao tiếp bằng xúc giác tạo cho trẻ sự thoải mái, dễ chịu, tin tưởng… tuyệt đối không thực hiện các hành vi như: ấn, dúi, kéo, lôi, đẩy… trong chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non.

Ví dụ: Trong giờ hoạt động ngoài trời trẻ 4 – 5 tuổi, khi kết thức tiết học cô giáo ra hiệu lệnh cho trẻ về lớp. Trên đường về thì có một nhóm còn la cà không chịu về, khi đến cửa lớp mà vẫn thấy nhóm kia chưa di chuyển cô giáo vội ngoáy lại la to “Này, mấy người kia đi vô lớp ngay” nhóm trẻ “Dạ’ nhưng vẫn loay hoay không chịu vào. Cô lại tiếp “sao chưa về, nhanh lên”…. Qua tình huống đó ta thấy hành vi ứng xử như cô giáo vậy là chưa phù hợp. Chưa phù hợp ngay trong cách xưng hô (gọi trẻ là “những người kia”) và cách xử lý tình huống. Trong tình huống này cô giáo cần tìm hiểu lý do vì sao nhóm trẻ chưa về để có cách xử trí cho phù hợp đảm bảo “lấy trẻ làm trung tâm”.

Giải pháp 5: Phối hợp, tổ chức, huy động cộng đồng tham gia xây dựng môi trường tâm lý – xã hội trong trường mầm non

Giáo dục là một hoạt động mang tính xã hội cao. Muốn thực hiện được mục tiêu giáo dục toàn diện cần phải coi trọng giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Chỉ riêng giáo dục nhà trường thì không thể làm tốt công tác giáo dục toàn diện. Trách nhiệm của từng môi trường trong công tác phối hợp chăm sóc và giáo dục trẻ được quy định rõ tại Điều 93, 94, 97 Chương VI trong Luật Giáo dục năm 2005.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã tiếp tục khẳng định “Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội”

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục tháng 06/1957, Bác Hồ căn dặn “Phải nhất thiết liên hệ mật thiết với gia đình học sinh. Bởi vì giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trng nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”

Cộng đồng là toàn thể những người sống thành một xã hội nói chung có những điểm giống nhau gắn bó thành một khối. Huy động cộng đồng tham gia vào xây dựng môi trường tâm lý – xã hội trong trường mầm non nói riêng và chăm sóc giáo dục trẻ mầm non nói chung là quá trình kêu gọi các tổ chức, cá nhân những người sống trong cộng đồng cùng tham gia vào công việc chăm sóc, giáo dục trẻ.

Các tổ chức cộng động có thể tham gia chăm sóc, giáo dục trẻ gồm: Hội cha mẹ học sinh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Hội khuyến học, Y tế, Đoàn thanh niên… Cha mẹ và các tổ chức cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cùng tham gia chăm sóc, giáo dục trẻ:

– Hỗ trợ, giám sát, chia sẻ với cơ sở giáo dục mầm non trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Ví dụ: đóng góp các khoản thu cho nhà trường, ủng hộ nguyên vật liệu cho nhà trường làm đồ dùng đồ chơi phục vụ cho trẻ…

– Góp sức để thực hiện các hoạt động chung nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Ví dụ: Cá nhân dựa trên thế mạnh của mình để đóng góp cho nhà trường. Thợ may – may lại trang phục múa bị tuột chỉ của trẻ; Thợ hồ – xây dựng giúp nhà trường những công trình nhỏ; Vật liệu xây dựng – ủng hộ nhà trường nguyên vật liệu để xây bồn hoa, vườn rau (công trình nhỏ)…

– Khi tham gia chăm sóc, giáo dục trẻ cộng đồng có cơ hội được nâng cao hiểu biết về sự phát triển của trẻ, hoạt động giáo dục trẻ của nhà trường, được trực tiếp đóng góp công sức của mình để hỗ trợ nhà trường trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Ví dụ: Đại diện Hội phụ huynh tham gia xây dựng nội quy, quy tắc giao tiếp ứng xử của phụ huynh, giáo viên trong nhà trường, tham gia xây dựng các hành vi tích cực, quyên góp, ủng hộ cây xanh, hoa kiểng xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp…

Phối hợp trong quản lý học sinh, tạo điều kiện tốt nhất để các em học tập, rèn luyện; phối hợp trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để học sinh rèn đức, luyện tài, đấu tranh chống lại những cái xấu, cái độc hại xâm nhập từ bên ngoài. Xây dựng môi trường văn hóa trong cac phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Xã nông thôn mới”… Phối hợp trong công tác xã hội hóa giáo dục, thực hiện phương châm “Toàn xã hội cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo” tăng cường phát huy vai trò các đoàn thể, hội khuyến học, hội cựu giáo chức, hội cha mẹ học sinh…

Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội là một nguyên tắc cơ bản nếu muốn có sự thành công. Sự phối hợp chắt chẽ đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hoạt động giáo dục cùng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp, đồng tâm tạo sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách của trẻ, tránh sự tách rời, mâu thuẫn. Sự phối hợp giữa nhà trường và cộng đồng diễn ra dưới nhiều hình thức, vấn đề là các lực lượng giáo dục phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tạo ra những mối quan hệ phối hợp vì mục tiêu giáo dục đào tạo thế hệ trẻ thành những người công dân hữu ích cho đất nước.

III. KẾT LUẬN:

Trường mầm non là môi trường thuận lợi để hình thành các kỹ năng xã hội cho trẻ bởi đây là môi trường giao tiếp thân thiện, hòa đồng, ấm cúng, cởi mở giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với mọi người xung quanh. Quan hệ giữa cô và trẻ, người lớn với trẻ phải thể hiện tình cảm yêu thương, thái độ tôn trọng, tin tưởng, tạo cơ hội cho trẻ bộc lộ những suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của mình. Đồng thời phải tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp và thể hiện sự quan tâm của mình đối với mọi người, mọi vật xung quanh. Mọi cử chỉ, lời nói, việc làm của cô giáo và người lớn phải luôn mẫu mực để trẻ noi theo. Mối quan hệ của trẻ là mối quan hệ bạn bè cùng học cùng chơi, đoan kết, hợp tác, chia sẻ, đồng cảm, học hỏi lẫn nhau.

Môi trường nhà trường thân thiện, trong đó các mối quan hệ của giáo viên với trẻ, trẻ với trẻ được dựa trên nền tảng các giá trị như: tin tưởng, cởi mở, tôn trọng, đồng cảm, chia sẻ, không bạo lực, không có sự kỳ thị sẽ giúp trẻ có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình. Trẻ em không còn thái độ ngượng ngùng, khép mình, xấu hổ, mất tự tin, bất an, chán nản vì sự đe dọa, trừng phạt, phán xét. Một môi trường tâm lý – xã hội trong giáo dục, lấy người học làm trung tâm, mà trong đó các mối quan hệ dựa trên lòng tin cậy và tôn trọng sẽ khơi dậy động cơ tốt đẹp, sự sáng tạo, tích cực và sự tập trung cao độ, tinh thần trách nhiệm với hoạt động học tập của trẻ. Ngoài ra, môi trường tâm lý – xã hội thân thiện còn phát triển ở trẻ năng lực tự đánh giá một cách tích cực và trẻ biết tự điều chỉnh hành vi của mình trong quá trình hoạt động để hài hòa với các thành viên trong lớp.

Môi trường tâm lý – xã hội ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhận thức, thái độ, tình cảm và hành vi của trẻ cũng như hiệu quả chăm sóc giáo dục trẻ của trường mầm non. Môi trường mà người lớn luôn tôn trọng, thể hiện sự quan tâm và khích lệ, có sự tin tưởng vào trẻ, có sự khách quan và công bằng trong đối xử với trẻ, xây dựng được một tập thể đoàn kết, gắn bó, vui vẻ, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau thì trẻ sẽ có nhiều cơ hội hoạt động và phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ. Với mội trường tâm lý – xã hội lành mạnh, an toàn, thân thiện nhà trường nói chung và giáo viên nói riêng có điều kiện thuận lợi để chăm sóc và giáo dục trẻ đạt hiệu quả kể cả về thể chất và tâm lý.

Giáo dục mầm non mang tính chất của giáo dục gia đình, mang nặng yếu tố cảm xúc. Giáo viên mầm non được ví như người mẹ hiền thứ hai của trẻ. Do đó, cần xây dựng môi trường tâm lý – xã hội trong trường mầm non gần gũi, ấm cúng, thân thiện, tạo cho trẻ sự an toàn, thoải mái, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm, khám phá. Làm sao để trẻ luôn cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Trên đây là một vài điều tôi đã tiếp thu được qua chuyên đề 6 “xây dựng môi trường tâm lý – xã hội trong giáo dục trẻ ở trường mầm non” sau khi tham gia lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh giáo viên mầm non hạng III. Kính mong hội đồng xem xét góp ý giúp đỡ thêm để bản thân tôi ngày càng vững hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ của mình.

Tôi xin chân thành cám ơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Công Hoàn, Giao tiếp và ứng xử của cô giáo với trẻ em, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1995.

2. Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương.

3. Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 07/04/2008 ban hành Điều lệ trường mầm non.

4. Quy định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/04/2008, quy định về đạo đức nhà giáo.

5. Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, năm 2021.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/bai-thu-hoach-lop-boi-duong-theo-tieu-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-mam-non-hang-3/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp