Đề bài: Bàn luận về ý kiến của Ban-dắc: Lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hoá
Bạn đang xem: Bàn luận về ý kiến của Ban-dắc: Lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hoá
I. Dàn ý Bàn luận về ý kiến của Ban-dắc: Lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hoá
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề nghị luận: Lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hoá
2. Thân bài
a. Giải thích vấn đề nghị luận
– Giải thích các khái niệm: “Lịch sự”, “khiêm tốn”
– Giải thích nội dung ý nghĩa quan điểm
b. Bàn luận vấn đề nghị luận
– Lịch sự và khiêm tốn là một trong những đức tính quý báu và cần thiết, thể hiện rõ chuẩn mực đạo đức cũng như nét đẹp văn hóa trong mối quan hệ giữa người với người.
– Lịch sự trong giao tiếp là nguyên tắc cơ bản để thiết lập các mối quan hệ xã hội
– Lịch sự và giúp con người nhận được thái độ tôn trọng của người khác, tạo nên sự gần gũi, thân thiện trong giao tiếp.
– Đức tính khiêm tốn giúp con người nhận thức đúng về năng lực của bản thân.
– Sự khiêm tốn sẽ tạo động lực cho con người nâng cao tinh thần học hỏi và hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực.
– Khiêm tốn không đồng nghĩa với hành vi tự hạ thấp giá trị bản thân và tự ti, mặc cảm mà là việc nhận thức đúng năng lực của bản thân để phát huy ưu điểm và sửa chữa sai lầm cùng những khiếm khuyết.
c. Lật lại vấn đề
Trong xã hội vẫn còn tồn tại thái độ giao tiếp tiêu cực làm tổn hại các giá trị văn hóa trong mối quan hệ của con người trong xã hội:
– Những người ngang nhiên cư xử vô văn hóa, bất lịch sự và khiếm nhã, xúc phạm và làm tổn hại đến danh dự của người khác.
– Những người kiêu căng, tự phụ, đề cao bản thân và coi thường người khác.
d. Bài học nhận thức và hành động
– Luôn tuân thủ hai nguyên tắc “lịch sự” và “khiêm tốn” trong mọi tình huống giao tiếp.
– Lên án, phê phán những người kiêu căng hợm hĩnh và cư xử thiếu văn hóa.
3. Kết bài
Khẳng định vấn đề nghị luận. Liên hệ bản thân.
II. Bài văn mẫu Bàn luận về ý kiến của Ban-dắc: Lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hoá
Bên cạnh tài năng trí tuệ, phẩm chất đạo đức là một trong những tiêu chí quan trọng để khẳng định giá trị của con người. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: “Lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hoá”. Câu nói trên đã thể hiện quan điểm của người viết về thước đo, chuẩn mực để đánh giá nét đẹp văn hóa trong giao tiếp ứng xử của con người qua hai phương diện phẩm chất là “lịch sự” và “khiêm tốn”.
Như chúng ta đã biết, “lịch sự” và “khiêm tốn” là hai đức tính đáng quý, tốt đẹp của con người. “Lịch sự” là nét đẹp văn hóa thể hiện rõ trong giao tiếp thông qua lời nói, hành động, cách cư xử nhã nhặn và tôn trọng người khác; còn “khiêm tốn” là sự ý thức, đánh giá bản thân với thái độ đúng mực, không đề cao bản thân, không kiêu căng, tự phụ và không coi thường người khác. Như vậy, câu nói trên đã khẳng định ý nghĩa của đức tính lịch sự và khiêm tốn trong việc tạo lập nét đẹp trong giao tiếp ứng xử của con người.
Lịch sự và khiêm tốn là một trong những đức tính quý báu và cần thiết, thể hiện rõ chuẩn mực đạo đức cũng như nét đẹp văn hóa trong mối quan hệ giữa người với người. Chúng ta cần lịch sự trong giao tiếp vì nguyên tắc cơ bản để thiết lập các mối quan hệ xã hội là sự tôn trọng lẫn nhau, thể hiện qua cách cư xử chừng mực, nhã nhặn, không xúc phạm người khác. Khi thực hiện được điều này, chúng ta sẽ nhận được thái độ tôn trọng của người khác. Ông cha ta đã từng nói: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” để thể hiện bài học ý nghĩa về phép lịch sự. Đồng thời, con người cũng cần rèn luyện đức tính khiêm tốn để nhận thức đúng về năng lực của bản thân, bởi vốn hiểu biết của con người luôn là sự hữu hạn trong đại dương bao la kiến thức. Bàn về vai trò ý nghĩa của sự khiêm tốn, Walter Scott từng nói: “Một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một linh hồn khiêm nhường, đó là ba người dẫn đường tốt nhất qua thời gian và cõi vĩnh hằng”. Nếu như phép lịch sự giúp chúng ta thiết lập các mối quan hệ một cách thân thiện, gần gũi thì sự khiêm tốn sẽ tạo động lực cho con người nâng cao tinh thần học hỏi và hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực. Tuy nhiên, khiêm nhường không đồng nghĩa với hành vi tự hạ thấp giá trị bản thân và tự ti, mặc cảm mà là việc nhận thức đúng năng lực của bản thân để phát huy ưu điểm và sửa chữa sai lầm cùng những khiếm khuyết.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn còn tồn tại rất nhiều người vi phạm các nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp. Đó là những con người ngang nhiên cư xử vô văn hóa, bất lịch sự và khiếm nhã, thậm chí là sẵn sàng xúc phạm và làm tổn hại đến danh dự cũng như bôi nhọ giá trị nhân phẩm của người khác. Đó là những người kiêu căng, tự phụ, đề cao bản thân và coi thường người khác. Đây chính là thái độ tiêu cực gây ảnh hưởng xấu và làm tổn hại các giá trị văn hóa trong mối quan hệ của con người trong xã hội.
Như vậy, chúng ta cần nhận thức rõ vai trò ý nghĩa quan trọng của phép lịch sự và sự khiêm tốn trong việc tạo dựng các mối quan hệ xã hội, từ đó luôn tuân thủ hai nguyên tắc này trong mọi tình huống giao tiếp. Đồng thời, cần lên án, phê phán những người kiêu căng hợm hĩnh và cư xử thiếu văn hóa.
Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định câu nói: “Lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hoá” đã thể hiện một bài học có ý nghĩa giáo dục về những chuẩn mực để hình thành nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần rèn luyện hai đức tính trên thông qua thái độ nhã nhặn, luôn tôn trọng bố mẹ, thầy cô và bạn bè để hoàn thiện và phát triển bản thân.
Trong bài văn mẫu trên đây, các em đã cùng tìm hiểu và bàn luận về vai trò của đức tính lịch sự và khiêm tốn, cùng với bài Bàn luận về ý kiến của Ban-dắc: Lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hoá, các em có thể tham khảo thêm: Hãy bàn luận câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước…, Bàn luận về câu nói: Một điều nhịn chín điều lành, Bàn luận về câu nói: Tuổi trẻ cần có thói quen đẹp, đó là đọc sách…, Bàn luận về lí tưởng sống của thanh niên hiện nay
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp