Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua Chuyện người con gái Nam Xương

0
131
Rate this post

Đề bài: Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua Chuyện người con gái Nam Xương

bi kich cua nguoi phu nu trong xa hoi phong kien qua chuyen nguoi con gai nam xuong

Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua Chuyện người con gái Nam Xương
 

Bạn đang xem: Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua Chuyện người con gái Nam Xương

I. Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua Chuyện người con gái Nam Xương (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến

2. Thân bài

a. Bi kịch gia đình
– Vũ Nương vốn là một người phụ nữ có tính tình hiền dịu nết na lại thêm tư dung tốt đẹp. Nhưng nàng có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc với Trương Sinh.
– Vũ Nương vẫn một mực yêu thương chồng con và hiếu thảo với mẹ chồng…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua Chuyện người con gái Nam Xương tại đây.

II. Bài văn mẫu Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua Chuyện người con gái Nam Xương (Chuẩn)

“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Những câu thơ của Nguyễn Du như đang cất lên lời tiếc thương ai oán cho thân phận con người trong xã hội phong kiến, nhất là thân phận của những người phụ nữ. Họ mang trong mình tấm thân mỏng manh yếu ớt, vậy mà vẫn phải chịu đựng những bi kịch vô cùng đau đớn và oan nghiệt. Cuộc sống và số phận người phụ nữ trong xã hội xưa được Nguyễn Dữ khắc hoạ sinh động qua nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương”

Song hành cùng dòng chảy văn học Trung Đại, Nguyễn Dữ cùng đóng góp một tác phẩm nổi tiếng viết về người phụ nữ đó chính là “Chuyện người con gái Nam Xương”. Tác phẩm đã khắc họa thành công bối cảnh xã hội phong kiến tồi tàn, với những hủ tục lạc hậu, chà đạp lên khát vọng và hạnh phúc của người phụ nữ. Nhân vật chính trong tác phẩm là nàng Vũ Nương phải chịu rất nhiều bi kịch: Bi kịch gia đình và bi kịch của niềm khát khao hạnh phúc. Từ đó, tác giả Nguyễn Dữ muốn chuyển tải đến bạn đọc những thông điệp sâu sắc về con người và nhân sinh trong cuộc đời.

Vũ Thị Thiết (Vũ Nương) là người “tình tình thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp” vậy mà nàng đã sớm phải đối diện với bi kịch gia đình từ khi mới trở về nhà chồng. Ngay từ những câu văn mở đầu tác phẩm, Nguyễn Dữ đã cho người đọc thấy được sự chênh lệch về hoàn cảnh gia đình giữa Vũ Nương và Trương Sinh bằng chi tiết : Trương Sinh đem trăm lạng vàng đến cưới nàng về làm vợ. Điều đó cho thấy, ngay từ đầu, cuộc hôn nhân này đã không có bóng dáng của tình yêu mà chỉ là cuộc trao đổi hôn nhân mang tính vật chất, mua bán. Và Vũ Nương, nàng “vốn con kẻ khó” nên hoàn toàn phải chịu sự lép vế trong cuộc sống gia đình. Mặc dù vậy, khi về nhà chồng, Vũ Nương vẫn luôn hoàn thành tốt thiên chức của một người vợ “giữ gìn khuôn phép, không để vợ chồng thất hòa” và một người con dâu hết mực hiếu thảo với mẹ chồng. Cưới nhau chưa lâu thì Trương Sinh phải đi tòng quân, Vũ Nương rót chén rượu đầy mà tiễn chồng: “Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Câu nói ấy chưa đựng biết bao nhiêu tình yêu, tình thương và sự cầu mong cho chồng được trở về bình an đoàn tụ cùng với gia đình. Trong những năm tháng đằng đẵng chờ chồng, nàng vẫn ở nhà chăm lo chu đáo, thuốc thang cho mẹ chồng và chăm con nhỏ. Một mình nàng phải gánh vác cả công việc của một người đàn ông trong nhà.

Bi kịch bắt đầu từ khi Trương Sinh đi lính trở về và nghe được những lời nói ngây thơ của bé Đản: “Ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha trước kia chỉ nín thin thít”. Nỗi đau mất mẹ, lại thêm lời nói ngây thơ của con như khiến Trương mất đi bình tĩnh, máu ghen tuông và vũ phu trong hắn nổi lên. Mặc kệ những lời giải thích, thanh minh của Vũ Nương và bà con làng xóm, Trương vẫn một mực cho rằng vợ mình thất tiết. Đỉnh điểm của cơn giận dữ, Trương đánh đập và đuổi vợ mình ra khỏi nhà. Đến đây mới hiểu, bản chất của Trương Sinh là một kẻ vũ phu, tệ bạc mà bấy lâu nay Vũ Nương không hề hay biết. Nàng chấp nhận một cuộc hôn nhân bất công chỉ vì mong có một cuộc sống yên ổn: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất, có sự yên ổn được tựa bóng cây cao”. Đó là mong muốn giản dị nhất của một người phụ nữ. Vậy mà, Trương Sinh đã cướp đi hạnh phúc giản dị mà mong manh ấy của nàng. Vũ Nương đau lòng vì bị chính chồng mình ruồng rẫy, xem là thất tiết, nàng quyết định gieo mình xuống sông Hoàng Giang để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Ra bến sông, nàng ngửa mặt lên trời mà than: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh xin ngài chứng giám.” Bi kịch của Vũ Nương là bi kịch của một người vợ hết lòng vì gia đình, hy sinh tất cả vì chồng con để rồi cuối cùng nhận lại kết cục vô cùng bi thảm. Nàng phải trả giá cho những sai lầm không phải của mình. Điều đó chứng tỏ sự bất công, tồi tệ của một xã hội ngang tàn, thối nát đã không bảo vệ được con người.

Những tưởng bi kịch gia đình với người chồng tàn bạo vũ phu là tất cả, nhưng không, đằng sau vỏ bọc của bi kịch ấy còn một bi kịch khác còn đáng thương hơn đó chính là bi kịch của niềm khát khao hạnh phúc. Bi kịch ấy được khắc tác giả Nguyễn Dữ khéo léo khắc họa qua chi tiết “cái bóng”. Những tháng ngày đằng đẵng chờ chồng trong mòn mỏi, Vũ Nương đã chỉ cho bé Đản rằng cái bóng chính là cha của Đản. Cái bóng là hiện thân cho sự đợi chờ thủy chung và tình yêu tuyệt đối của một người vợ sắc son chờ chồng qua bao ngày đoạn tháng không biết mệt mỏi. Nàng vẫn luôn tin rằng, chỉ cần bản thân mình kiên định thì một ngày nào đó, cả gia đình nàng sẽ được đoàn tụ. Cái bóng còn làm vơi đi nỗi nhớ chồng của nàng và nỗi nhớ cha của bé Đản, khiến cho đứa bé cảm thấy an tâm khi trong nhà chỉ có hai mẹ con. Hình ảnh cái bóng vừa gần vừa xa, vừa hư vừa thực cũng như chính hạnh phúc mong manh của người phụ nữ. Hạnh phúc mà họ luôn cố gắng giữ gìn mong manh như cái bóng, vậy mà họ vẫn khát khao giữ lấy, khát khao một chút hy vọng nhỏ nhoi cho chính bản thân mình. Nàng đâu có cầu mong gì cao sang, chỉ mong hai chữ “bình yên là đủ”. Vậy mà cuối cùng, nàng cũng không thể có được thứ mà mình mong muốn, cái hạnh phúc nhân bản mà giản dị vô cùng.

Hai bi kịch của nhân vật Vũ Nương đan lồng vào nhau làm bật lên vẻ đẹp nhân cách của nàng. Tác giả muốn cho người đọc thấy rằng, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, người phụ nữ trong xã hội phong kiến vẫn luôn khát khao được sống và được yêu thương. Xã hội bất công, tàn bạo càng làm nổi bật lên vẻ đẹp phẩm chất và nhân cách cao quý của họ. Quả thật như dân gian xưa đã từng nói “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Tác giả Nguyễn Dữ đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Vũ Nương – một người phụ nữ tiêu biểu trong xã hội phong kiến bằng các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Quả thật, như lời Nguyễn Du xưa nay vẫn thường nói:

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

——————-HẾT———————

Các em vừa tham khảo nội dung bài Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua Chuyện người con gái Nam Xương, để có những cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống và thân phận nàng Vũ Nương cũng như bao người phụ nữ trong xã hội xưa, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích vẻ đẹp và bi kịch của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến được thể hiện qua văn bản Chuyện người con gái Nam xương, Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, Cảm nhận về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/bi-kich-cua-nguoi-phu-nu-trong-xa-hoi-phong-kien-qua-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp