Để tìm hiểu xem những biện pháp nghệ thuật, tu từ trong bài thơ Vội vàng – Xuân Diệu thì trước tiên cùng điểm lại một số nội dung em cần nhớ với bài thơ này nhé:
Một số nội dung cần ghi nhớvề Vội vàng của Xuân Diệu
– Xuân Diệu (1916 – 1985), quê cha ở Can Lộc – Hà Tĩnh, quê mẹ ở Tuy Phước- Bình Định. Ông là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới và là nhà thơ của tình yêu của mùa xuân và tuổi trẻ với giọng thơ sôi nổi đắm say và yêu đời thắm thiết. Xuân Diệu đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại trên nhiều lĩnh vực: Thơ ca, văn xuôi, tiểu luận phê bình, nghiên cứu văn học,
– Thơ Xuân Diệu thể hiện hai tâm trạng trái ngược nhau: Vừa rất yêu đời, rất thiết tha với cuộc sống; vừa hoài nghi, chán nản, cô đơn.
– Bài Vội vàng được in trong tập Thơ thơ. Đây là bài thơ thể hiện rõ tâm trạng của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.
Biện pháp nghệ thuật trong Vội vàng của Xuân Diệu
1. Nội dung ở khổ đầu tiên chính là ý tưởng táo bạo và lãng mạn của nhà thơ trước cuộc đời tươi đẹp:
Biện pháp tu từ và nghệ thuật trong 4 câu đầu bài Vội vàng
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Bạn đang xem: Biện pháp nghệ thuật, tu từ sử dụng trong bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu)
Cho hương đừng bay đi.”
Đây là hình ảnh Xuân Diệu đang lo âu trước sự phai tàn của cái đẹp,“sợ” sắc màu “nhạt mất”, “sợ” hương thơm “bay đi” bởi ông vô cùng trân trọng vẻ đẹp của cuộc sống.
* Điệp ngữ “Tôi muốn” xuất hiện hai lần với mục đích:
+ Thể hiện khao khát lưu giữ hương sắc cuộc đời đang nồng cháy và rạo rực trong tâm hồn thi sĩ.
+ Nó cũng khẳng định cái tôi trữ tình của nhà thơ, một cái tôi dám đứng lên bộc bạch ước muốn của bản thân, dù những ước muốn ấy hết sức phi lý và quá tầm với. Đây chính là một trong những cái “mới” của “Nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới”, nó trái ngược hoàn toàn với tính phi ngã của văn học trung đại.
* Những động từ “tắt nắng”, “buộc gió” cho thấy:
+ Khát khao đoạt quyền tạo hóa, ngăn lại dòng chảy của thời gian của Xuân Diệu không chỉ lãng mạn, mà còn ngông cuồng, táo bạo.
+ Những mong ước mãnh liệt của thi sĩ xuất phát từ tình yêu da diết với cuộc sống và cái tôi say mê trần thế.
* Giọng điệu trong bốn câu đầu bài mang âm điệu tình yêu tha thiết và mạnh mẽ. Cảm nhận sâu hơn, ta thấy trong lời thơ còn có cả sự tiếc nuối trong những chữ “đừng” đầy day dứt.
- Phân tích 4 câu đầu bài thơ Vội vàng
2. Nội dung trong khổ 2 bài Vội vàng
Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn 2 bài Vội vàng
2.1 Bức tranh thiên đường trần thế qua cảm nhận tuyệt vời của Xuân Diệu
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần.”
– Một ước muốn hết sức táo bạo mãnh liệt: muốn ngự trị thiên nhiên, tước đoạt quyền của tạo hóa: “Ước muốn ngăn thời gian chặn sự già nua tàn tạ để tận hưởng hết hương sắc của mùa xuân”.
– Điệp ngữ “này đây” lặp lại trong năm câu thơ liên tiếp đã bộc lộ dụng ý nghệ thuật của tác giả:
+ Âm hưởng thơ vui tươi như bản hòa ca rộn ràng.
+ Tác giả trầm trồ ngạc nhiên khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cuộc sống.
+ “Này đây” như lời giới thiệu, lời mở khi Xuân Diệu miêu tả về một loạt những hình ảnh thiên nhiên sinh động.
– Biện pháp liệt kê cùng trường từ vựng thiên nhiên với những từ “ong bướm”, “hoa”, “đồng nội”, “lá”, “cành tơ”, “yến anh”, “ánh sáng“,… giúp người đọc hình dung ra bày tay kì diệu của tạo hóa reo rắc trên mảnh đất trần thế những gì tinh tú và tươi tốt, trong lành, đẹp đẽ nhất.
-> Phải, thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu đang ở độ xuân sắc nhất. Chúng được đặt trong “tuần tháng mật” ngọt ngào và trọn vẹn, được thả trên những đồng cỏ mướt xanh, những chiếc lá tơ non mơn mởn, những chú chim hót bản tình ca da diết nhất. Mẹ thiên nhiên tạo ra cảnh vật, còn thơ Xuân Diệu tưới sức sống lên cảnh vật.
=> Bức tranh thiên nhiên căng tràn nhựa sống ấy được vẽ nên bởi màu sắc, ánh sáng, thậm chí cả hương thơm và thanh âm. Điều này cho thấy để miêu tả sự sống động của thiên đường trần thế mà Xuân Diệu ngợi ca và yêu mến, ông đã vận dụng tất cả giác quan, từ thị giác để nhìn hình thái xinh đẹp đến thính giác để lắng nghe nhịp điệu thiên nhiên,…
- Xem thêm: Phân tích 13 câu thơ đầu bài thơ Vội vàng
2.2. Tiếp theo nữa chính là tâm trạng chán nản hoải nghi bi oan trước thực tế
– Niềm vui phút chốc tan biến, nỗi lo âu xuất hiện:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”
– Dấu chấm giữa câu: cách ngắt câu giữa dòng, một tâm trạng trái ngược xuất hiện: Một của khao khát say mê, một của ai hoài, u uất. Cấu trúc câu đặc biệt này nhấn mạnh và tách biệt cảm xúc của nhà thơ. Ông càng sung sướng đón chào cái đẹp và niềm vui cuộc sống bao nhiêu thì càng nuối tiếc và mong muốn ghìm giữ nó bấy nhiêu.
– Nhà thơ cảm nhận được sự trôi chảy của thời gian, vạn vật sẽ thay đổi. Niềm vui tan nhanh như một giấc mộng hão huyền trước cái sự thật khắc nghiệt, phũ phàng, cái lạnh lùng nghiệt ngã của quy luật thời gian.
Xuân đương tới -> đương qua
Còn non -> sẽ già
Xuân hết -> tôi mất.
– Thi sĩ cảm nhận cái giới hạn của đời người trước cái vô biên, vĩnh hằng của đất trời, vũ trụ.
Còn trời đất – chẳng còn tôi.
Tuổi trẻ – chẳng hai lần thắm lại.
– Nghệ thuật :
+ Đối lập giữa còn – mất; con người – thiên nhiên; quy luật của đất trời – với quy luật của đời người,
+ Giọng thơ cũng trở nên buồn, ngao ngán, nặng nề u uất.
– Thiên nhiên vì thế nhuốm màu tang thương, ảm đạm – đối kháng với con người:Chia phôi, tiễn biệt, hờn, sợ phai tàn,
– Tác giả rơi vào tâm trạng tuyệt vọng:
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa.
=> Đó là tâm trạng trái ngược của một tâm hồn quá nhạy cảm và không có niềm tin, hi vọng trong cuộc sống. Đây cũng là tâm trạng chung của một lớp người đương thời.
Biện pháp tu từ trong khổ 3 bài Vội vàng
3. Nội dung khổ cuối của bài Vội vàng chính là lòng yêu cuộc sống đến đô cuồng si
3.1. Sống với tốc độ phi thường
– Để khắc điều đó, thi sĩ đề ra lối sống gấp gáp, vội vàng: Sống hưởng thụ cái vui trong hiện tại.
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm.
-> Sự hối hả, nhịp sống thôi thúc trong đoạn đầu tác phẩm “Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa” được nhắc lại ở đoạn cuối trong một dòng thơ đặc biệt tạo bởi hai câu, một câu cảm thán: “Mau đi thôi!” Câu thơ như tiếng gọi gấp rút đầy giục giã, đánh thức cảm nhận thời gian và cổ vũ tình yêu cuộc sống nơi người đọc.
3.2. Sống với cường độ sâu sắc, mãnh liệt
– Tình yêu cuồng nhiệt với cuộc sống với đời được thể hiện qua một loạt các động từ và tính từ mạnh: Ôm, riết, say, thâu, cắn; chếnh choáng, no nê, đã đầy, nhiều,
– Nhịp thơ dồn dập, sôi nổi hối hả, cuồng nhiệt.
– Biện pháp điệp: Ta muốn, và, cho…
=> Tác dụng: Nhịp thơ gấp gáp, sôi nổi; ý thơ nhấn mạnh khát vọng tận hưởng vẻ đẹp cuộc đời và sống đẹp từng giây từng phút.
– Biện pháp liệt kê: mây đưa, gió lượn, cánh bướm, tình yêu, non, nước, mây, cỏ…
=> Tác dụng: Gợi tả vẻ đẹp tươi, mơn mởn, sự đa dạng, phong phú của thiên nhiên, của cuộc đời khiến nhà thơ đắm say, ngây ngất…
Để hình dung rõ hơn tác dụng cụ thể của những biện pháp này các em có thể đọc tham khảo bài phân tích đoạn thơ cuối bài thơ Vội vàng
Dưới đây là một bài bình luận khác về đặc sắc của bài thơ Vội vàng mà các em có thể đọc tham khảo thêm:
Về đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Vội vàng
Năm 1941, Hoài Thanh và Hoài Chân viết về Xuân Diệu trong thi nhân Việt Nam: “Thơ Xuân Diệu còn là nguồn sống dạt dào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết”. Đó đúng là đặc sắc chủ yếu của thơ Xuân Diệu trước Cách Mạng tháng Tám.
Đặc sắc đó thể hiện rõ nhất ở bài Vội vàng.
Mở đầu bài thơ, Xuân Diệu diễn tả các ý muốn có vẻ kì lạ và ngông cuồng:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Đó là hương và mầm của mùa xuân. Những câu thơ tiếp theo là những câu tả mùa xuân. Trước Xuân Diệu chưa có nhà thơ nào tả mùa xuân như vậy. Ý nói, lời nói về cảnh sắc và âm thanh của mùa xuân. Chú ý vị trí và cách sử dụng các từ ngữ: của, này đây,…
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Có lẽ mới nhất là mấy câu thơ sau đây:
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Dễ thấy câu thứ ba trên đây là một câu thơ táo bạo trong sự so sánh của nó, một sự so sánh thiên về cảm giác. Song chính câu thơ thứ nhất và thứ hai trên đây mới đặc sắc. Nhà thơ ví mỗi buổi sớm mùa xuân thức dậy, mở mắt ra thì đó là “ánh sáng chớp hàng mi”, “thần Vui hằng gõ cửa”. Đó là những ý thơ vừa mới mẻ vừa tươi đẹp. Trong một bài thơ khác, Xuân Diệu có lặp lại hình tượng này khi nói đến tình yêu:
Tà áo mới cũng say mùi gió nước
Rặng mi dài xao động ánh dương vui.
(Xuân đầu)
Trong đoạn thơ trên, cảm hứng và tư tưởng chính của bài thơ tập trung ở câu thơ đặc biệt này:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Trước Xuân Diệu không lâu, Thế Lữ có bài thơ Khúc ca hoài xuân (Tiếc mùa xuân) mà khổ thơ đầu tả mùa hạ :
Tiếng ve ran trong bóng cây râm mát;
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời.
Gió nắng reo trên hồ sen rào rạt.
Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!
Xuân Diệu nói ngược, nói khác với bài thơ của Thế Lữ và nhà thơ giải thích :
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Xuân tàn, hạ tới, thu hết, đông sang, xưa nay thơ đã nói nhiều ý đó. Thế Lữ cũng chưa nói khác, dù lời thơ mới mẻ, phong phú, sôi động hơn. Song đến Xuân Diệu mới thấy được “phép biện chứng” của mùa xuân: cùng một lúc nhà thơ thấy xuân đương tới và xuân đương qua, xuân còn non và xuân sẽ già.
Cảm hứng về thời gian của Xuân Diệu mới mẻ đã đổi khác, “hiện đại” hơn.
Cảm hứng về thời gian đó dẫn đến cảm hứng về cuộc đòi. Nhiều nhà thơ trước đây đều đã thấy sự ngắn ngủi của đời người. Cái mới của Xuân Diệu là còn thấy sự ngắn ngủi của tuổi trẻ:
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian…
Từ đó, nhà thơ tiếc mùa xuân, tuổi trẻ ngay đang giữa mùa xuân, tuổi trẻ :
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
Tiếc mùa xuân, tiếc tuổi trẻ cũng là tiếc sự sống, tiếc cuộc sống. Đó tức cũng là lòng yêu đời, lòng ham sống. Xuân Diệu diễn tả rất sâu, rất hay, rất mãnh liệt và thiết tha tình cảm đó bằng những âm thanh, màu sắc, hình thể của mùa xuân:
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Đó là những câu thơ rất trẻ, rất đẹp, thể hiện cao độ tình yêu đời, ham sống của nhà thơ. Nhà thơ còn dùng hình tuợng: đất trời, năm tháng, núi sông để làm cho ý thơ thêm rộng lớn:
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Bước đi của thời gian tuy âm thầm mà mãnh liệt không gì ngăn được! Trước và sau Xuân Diệu, chưa ai diễn tả được cảm hứng này như Xuân Diệu. Cảm nhận về thời gian, về mùa xuân, về tuổi trẻ, về cuộc đời như trên dẫn nhà thơ đến một thái độ sống đặc biệt. Đó là sự “vội vàng”:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Lại những câu thơ vừa cực tả vẻ đẹp, sức sống của mùa xuân, vừa cực tả lòng yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt, say mê của nhà thơ. Để diễn tả những điều đó, nhà thơ dùng những từ ngữ, hình tượng thiên về cảm giác và hành động: ta muốn ôm, ta muốn riết, ta muốn say, ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều, cho chếnh choáng, cho đã đầy, cho no nê,… và cuối cùng: ta muốn cắn… Tuy vậy, cần thấy rằng nhà thơ rất biết giới hạn niềm say mê nồng nhiệt của mình, không để rơi vào sự rồ dại, thác loạn.
Đúng như lời Hoài Thanh nhận xét: “Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết”. Thơ Xuân Diệu sống động như chính sự sống. Qua thơ Xuân Diệu, ta cũng thấy rõ sức sống của tiếng nói Việt Nam, câu thơ Việt Nam, có thể diễn tả được mọi cung bậc của cuộc đời, mọi trạng thái tình cảm của con người, từ tĩnh lặng nhất đến sôi nổi nhất.
Đã có những lúc, đã có những người quá khắt khe với thơ Xuân Diệu, cho rằng những bài thơ như Vội vàng trên đây khuyến khích lối “sống vội”, “sống gấp”, cổ vũ cho thứ nhân sinh quan hưởng thụ, dẫn thanh niên vào con đường hư hỏng. Phải nói rằng, nếu cảm hiểu không đúng thì bài thơ cũng có chứa đựng nguy cơ đó. Nó là con dao sắc hai lưỡi, có thể giúp người mà cũng có thể hại người. Tuy nhiên, lại phải nói rằng, đây là một bài thơ ưu tú của một nhà thơ ưu tú; tác dụng tích cực của bài thơ là chính.
Thơ là tiếng nói trực tiếp của tình cảm, không thể đòi hỏi bài thơ phải là bài giảng về đạo đức. Song một bài thơ như bài Vội vàng không phải phi đạo đức mà có đạo đức. Nếu được cảm hiểu đúng đắn và sáng tạo, nó giúp cho con người biết yêu sự sống, yêu cuộc đời, yêu quý tuổi trẻ “chẳng hai lần thắm lại”. Với một ý thức và tình cảm như vậy, mọi con người có tâm hồn và tư tưởng lành mạnh sẽ biết tận hưởng hạnh phúc riêng chân chính của tuổi trẻ, của cuộc đời, đồng thời lại biết đem tuổi trẻ của mình xây dụng hạnh phúc chung tốt đẹp cho cuộc đời, cho mọi người, không lãng phí ngày xuân, tuổi trẻ một cách vô ích để rồi hối tiếc…
(Theo Trần Thanh Đạm, Làm văn (sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000), NXB Giáo dục)
Trên đây là tổng hợp biện pháp nghệ thuật, tu từ sử dụng trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, mong rằng nội dung này sẽ hữu ích với các em để ôn tập cuối học kì 2.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp