Đề bài: Bình giảng bài Mới ra tù, tập leo núi (Tân xuất ngục, học đăng sơn)
Bài văn mẫu Bình giảng bài Mới ra tù, tập leo núi (Tân xuất ngục, học đăng sơn)
Bài mẫu: Bình giảng bài Mới ra tù, tập leo núi (Tân xuất ngục, học đăng sơn)
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ, người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam ta, cả cuộc đời người sống và đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà, mà nền tảng sâu sắc là lòng yêu nước thương dân sâu sắc của Người. Trong suốt những năm tháng đấu tranh ấy đã có bao lần Người rơi vào cảnh ngục tù, thế nhưng tinh thần cách mạng cùng tâm hồn lạc quan yêu đời đã giúp Người chưa một phút giây nào chùn bước, thậm chí nó còn là tiền đề cho những tác phẩm văn học xuất sắc. Tiêu biểu nhất đó là tập thơ Nhật ký trong tù, ngoài ra còn có một bài thơ có ý nghĩa quan trọng đánh dấu thời điểm Bác được thả tự do là Mới ra tù, tập leo núi (Tân xuất ngục, học đăng sơn), một bài thơ với nhiều ý vị sâu xa.
Bạn đang xem: Bình giảng bài Mới ra tù, tập leo núi (Tân xuất ngục, học đăng sơn)
Tháng 9-1943, sau một quãng thời gian dài liên tục đấu tranh đòi tự do từ chính quyền Tưởng Giới Thạch, cuối cùng Hồ Chí Minh đã thành công bước đầu lấy lại tự do, tuy nhiên vẫn còn bị giam lỏng ở Liễu Châu, Trung Quốc. Sau khi được thả tự do, sức khỏe Bác rất yếu, chân bước không vững, đó là hậu quả của cuộc sống đày ải chốn lao tù khi trước. Nhớ đến các đồng bào và chiến sĩ đang ngày đêm mong nhớ tin mình, Bác chỉ mong muốn sao cho bản thân nhanh chóng hồi phục sức khỏe, để trở về đoàn tụ và tiếp tục sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Để được vậy trong những ngày tháng cuối cùng ở đất khách Bác đã ra sức rèn luyện thân thể bằng những bài tập thể dục như leo núi, chạy bộ, luyện võ,… và Mới ra tù, tập leo núiđã ra đời trong một buổi sớm Bác tập leo núi như vậy.
Quả thực nếu không nói đến hoàn cảnh ra đời, ta những tưởng đây chỉ là một bài thơ bình thường do một người bình thường ngẫu hứng viết khi leo núi và nhớ đến vài người bạn thuở xưa cũ, chỉ khi chiêm nghiệm sâu sắc cả hoàn cảnh sáng tác ta mới thấm thía tầm ý nghĩa lớn lao cùng tấm lòng cao cả của tác giả, vị lãnh tụ kính mến của dân tộc. Những vần thơ tuy giản dị nhưng ẩn chứ trong đó là nỗi niềm nhớ quê hương, lòng yêu thương tổ quốc cùng dân tộc tha thiết, chỉ mong đợi được đến ngày về, tâm hồn của một thi nhân và người chiến sĩ cách mạng cùng hòa quyện tạo nên những vần thơ thật sâu sắc chứ không đơn giản là những trở ngại khó khăn trong cuộc leo núi.
Hai câu đầu như sau:
“Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân
Giang tâm như kính tịnh vô trần”
Dịch nghĩa:
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng bụi không mờ.”
Câu đầu tả cảnh mây núi đang ôm ấp che mờ nhau, khung cảnh thật lãng mạn nên thơ, thực tế lúc này tác giả đã hoàn thành công việc leo núi và đang dừng chân tại một đỉnh núi nào đó để nghỉ mệt đồng thời ngắm cảnh. Đập vào mắt tác giả trước hết là cảnh từng dải mây trắng xóa đang vây quanh ngọn núi lớn dưới chân mình, sâu hơn nữa là một dòng sông quanh co lượn dưới chân núi, mặt sông phẳng lặng, nước trong xanh phản chiếu cả bầu trời sáng. Chỉ hai câu thơ ngắn gọn như thế, ta đã như tưởng thấy một vị khách ngao du đang chắp tay sau lưng mà ngắm trời mây nước, vừa ung dung tự tại, lại có thêm một phần phóng khoáng của thi nhân trên đỉnh Tây Phong lĩnh. Lời thơ nhẹ nhàng, ý tứ cùng âm điệu thật khoan thai, thoải mái, như cơn gió nhè nhẹ thổi qua mang theo chút hương vị sương sớm. Cách sử dụng điệp từ “ủng” và lặp lại cấu trúc làm cho hình ảnh nhân hóa càng thêm sinh động gần gũi, cũng khiến người ta dễ hình dung ra phong cảnh non nước hữu tình, vừa hùng tráng lại cũng chẳng kém phần thơ mộng, dễ vì thế mà thi nhân xuất khẩu thành thơ hay chăng? Câu thơ đầu tiên dễ khiến người ta say bởi sự hài hòa âm điệu, sự quấn quýt, say sưa ngỡ tưởng những người đang yêu thương, như sự giao thoa đầy kỳ diệu giữa trời và đất, núi cố vươn cao thật cao để được mây dang đôi tay rộng dài ấm áp bao bọc. Sự hòa quyện tuyệt vời giữa khoảng trời bao la ấy bỗng lại được tác giả chấm bút vẽ thêm vào một dòng sông trong xanh để phản chiếu lấy cái cảnh say sưa trên đỉnh núi thật nhẹ nhàng và đầy ý vị.
“Giang tâm như kính tịnh vô trần”
Dòng sông ấy không chỉ là phản chiếu cảnh mây núi đùm bọc mà còn phản chiếu lấy tâm tư người thi sĩ, một tâm hồn cao đẹp chẳng nhuốm lấy một hạt bụi trần, chính vì vậy dù dòng sông kia có tỏ rõ đến đâu, tác giả cũng sẵn sàng ngẩng cao đầu mà tự hào hạnh phúc về những gian khó bản thân đã vượt qua bao tháng năm qua. Đồng thời cũng là một niềm vui mừng khôn xiết mà tác gỉa chẳng thể thốt thành lời, nên gửi gắm vào hình ảnh sông núi như một niềm an ủi nho nhỏ, động viên bản thân tiếp tục với con đường gian nan phía trước. Thiên nhiên thật xinh đẹp và bao la biết bao, khác hẳn nơi tối tăm lạnh lẽo “phi con người kia”.
Hai câu thơ tiếp theo, niềm vui sướng của tác giả được thể hiện thật rõ nét và cũng là tâm trạng với bao nhiêu tâm sự chất chồng.
“Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh
Dao vọng Nam tiên ức cố nhân”
Dịch:
“Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa”
Thi nhân dạo bước ngắm cảnh nơi đất khách, nhưng tấm lòng cứ “bồi hồi” mong nhớ về quên hương, ở nơi ấy có bạn bè, chiến hữu cùng những đồng bào mà tác giả ngày đêm thương nhớ. Cảnh một người đơn bóng lẻ chiếc “độc bộ” trên đỉnh núi mà khi trông xuống thấy mây núi đang giao hòa, giữa thiên nhiên rộng lớn ấy, con người bỗng trở nên cô độc, lạc lõng, nỗi nhớ lại càng thêm sâu sắc. Câu thơ “Dao vọng Nam tiên ức cố nhân” mang một màu sắc cổ kính, mang lại cảm giác tĩnh tại, có chút trầm buồn khiến nỗi mong nhớ về trời Nam xa xôi như vương vấn, quanh quẩn xung quanh cả không gian thiên nhiên vốn rộng lớn bao la. Điều ấy góp phần làm nổi bật tình cảm và tâm sự của thi nhân, nhấn mạnh ý nghĩa toàn bài thơ.
Mới ra tù, tập leo núi là bài thơ hay, nó mang một ý nghĩa trọng đại với sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch, là dấu mốc kết thúc chặng đường gian nan đày ải, là tiền đề cho những trang mới trong cuộc đời cách mạng của Bác. Nỗi nhớ mong trong bài thơ đồng thời cũng là lòng khao khát về với Tổ Quốc thân yêu để chuẩn bị bị cho một sự kiện vĩ đại của lịch sự dân tộc – Cách mạng tháng tám thành công, dưới sự chờ đón của những chiến hữu, bạn bè, những con người cùng chung lý tưởng cách mạng.
Xem thêm các bài viết cùng chủ để trên Taimienphi.vn
– Phân tích bài thơ Mới ra tù, tập leo núi (Tân xuất ngục, học đăng sơn)
– Phân tích và chứng minh chất thép trong tập thơ Nhật kí trong tù
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp