Bình giảng đoạn thơ trong bài Tiếng hát con tàu (Đề bài 2)

0
84
Rate this post

Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Bạn đang xem: Bình giảng đoạn thơ trong bài Tiếng hát con tàu (Đề bài 2)

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”.

Bài phân tích đoạn thơ Tiếng hát con tàu chi tiết nhất

Trên hành trình của một hồn thơ đi từ “thung lũng đau thương” ra “cánh đồng vui”, từ “chân trời của một người” đến với “chân trời của tất cả”, hơn ai hết, Chế Lan Viên hiểu được vai trò lớn lao của Đảng và Nhân dân, những người mà nhà thơ cho rằng đã “thay đổi đời tôi, thay đổi thơ tôi”. Niềm hạnh phúc rưng rưng của một nhà thơ đã nhận ra giá trị đích thực của cuộc đời mình khi trở về với nhân dân đã được nhà thơ diễn đạt một cách chân thành và xúc động qua những câu thơ:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”

(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

     Tiếng hát con tàu là bài thơ được sáng tác từ một sự kiện kinh tế – xã hội: cuộc vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới vào năm 1960. Tuy nhiên, bài thơ không chỉ dừng lại với ý nghĩa tuyên truyền cho một đường lối, chính sách của Đảng. Với tư cách là một nhà thơ, từ thực tế đời sống với những yêu cầu, đòi hỏi mới đối với người nghệ sĩ, nhà thơ đã thể hiện được khát vọng trở về với đất nước và nhân dân – cội nguồn của mọi cảm hứng sáng tạo. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của nhà thơ khi được trở về với nhân dân:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa”

     Trong hoài niệm của nhà thơ về Tây Bắc, nhân dân không phải là một khái niệm trừu tượng mà được hiện diện qua những cuộc đời, những số phận cụ thể. Đó là người anh du kích với “chiếc áo nâu suốt một đời vá rách. Đêm cuối cùng anh gửi lại cho con”, là thằng em liên lạc: “Mười năm tròn không mất một phong thư”, là bà mế “lửa hồng soi tóc bạc. Năm con đau mế thức một mùa dài”… Họ là những người có cuộc đời nghèo khó nhưng đã hi sinh trọn đời cho Cách mạng, được nhà thơ nhắc đến bằng tất cả lòng biết ơn chân thành nhất. Từ những con người, những cuộc đời cụ thể ấy, mạch cảm xúc thơ lại hướng đến suy tưởng, khái quát:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”

     Đoạn thơ gây ấn tượng cho người đọc trước hết bởi lối xưng hô nhằm tạo ra quan hệ ruột thịt: “Con gặp lại nhân nhân”. Cách xưng hô giản dị mà chân thành, ấm áp đã cụ thể hóa một lần nữa mối quan hệ giữa nhà thơ và nhân dân. Đây là một nhận thức mới mẻ thể hiện hành trình của một quá trình nhận thức; từ cái tôi chật hẹp của chính mình, người nghệ sĩ đã hòa nhập với cuộc sống rộng lớn của nhân dân. Đây cũng là nhận thức của Xuân Diệu khi ý thức về chỗ đứng, về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ với nhân dân:

“Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi

Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu

Tôi sống với muôn người chiến đấu

Của triệu người yêu dấu gian lao”

(Những đêm hành quân)

     Vì vậy, lối xưng hô ân tình ấy sở dĩ gây được xúc động trong lòng người đọc cũng chính là bởi nhà thơ đã nói được tấm lòng của cả một thế hệ mà có lần Chế Lan Viên đã trách cứ với chính mình vì “lỡ nhịp” với cuộc sống của nhân dân:

Có thể nào quên cả một thời thơ ấy

Tổ quốc trong lòng mà có cũng như không

Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy

Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng

(Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi)

     Trong niềm xúc động chân thành ấy, nhà thơ đã diễn đạt ý nghĩa của cuộc trở về với nhân dân bằng lối so sánh đầy bất ngờ, sáng tạo. Đây là một lối so sánh, liên tưởng trùng điệp. Chỉ có bốn câu thơ mà xuất hiện đến năm lần biện pháp so sánh. Cảm giác như niềm hạnh phúc được trở về với nhân dân: bỗng nở xòe như những cánh hoa rực rỡ và ấm áp sắc màu. Lối so sánh phức này là một đặc trưng thể hiện phong cách nghệ thuật thơ Chế Lan Viên. Trong bốn câu thơ đề từ, nhà thơ đã so sánh Lòng ta, Tâm hồn ta với hai hình ảnh: con tàu và Tây Bắc. Đến phần sau của bài thơ, khi nói về nỗi nhớ, về tình yêu, những câu thơ ấy lại một lần nữa khoe sắc qua lối liên tưởng:

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

     Việc xây dựng hình tượng thơ qua lối so sánh phức có ý nghĩa rất lớn về thể hiện niềm xúc động rưng rưng của nhà thơ, đồng thời tạo được sự liên tưởng nhiều chiều với những quan hệ ngang dọc trong trí tưởng tượng của người đọc.

     Những biện pháp so sánh ở đây lại được xây dựng từ những hình ảnh rất bình dị, quen thuộc, đặc biệt với người dân miền núi: nai, suối, cũ, cỏ, chim én, mùa xuân, chiếc nôi. Điều này cũng ghi nhận nỗ lực của nhà thơ trên con đường từ bỏ những hình ảnh xa lạ, ma quái ở những tập thơ trước Cách mạng để trở về với thế giới bình dị, mang trong đó hơi thở cuộc sống của nhân dân. Nếu trước đây, người đọc luôn bắt gặp những hình ảnh cầu kì, thậm chí điên loạn: bóng ma Hời, những sông vắng lê mình trong bóng tối… thì đến bài thơ, đoạn thơ này là những hình ảnh đầy ắp vẻ đẹp của hiện thực đời sống.

     Cái hay trong đoạn thơ còn là cách sắp xếp những hình ảnh so sánh của nhà thơ. Đó là lối so sánh tăng dần theo cấp độ. Ba vế so sánh đầu hướng về tự nhiên, về ngoại vật. Nhưng đến hai vế so sánh còn lại lại hướng về con người và nhu cầu tồn tại của con người: trẻ thơ đói lòng – gặp sữa; nôi ngừng – cánh tay đưa. Chính cách sắp xếp ấy có ý nghĩa rất lớn trong việc thể hiện niềm biết ơn chân thành và sâu sắc của nhà thơ khi được về với Nhân dân.

     Không những thế, lối so sánh trong khổ thơ còn mang đậm tính triết lí: Mỗi sự vật chỉ có thể có ý nghĩa khi đặt trong mối quan hệ máu thịt với các sự vật khác. Nai và suối cũ – đó là hai yếu tố không thể tách rời, trong đó, suối cũ đã trở thành môi trường sống cùa loài nai. Tháng Giêng, tháng Hai là thời điểm bắt đầu của một năm. Thời điểm ấy thích hợp nhất cho sự phát triển của cỏ cây, hoa lá. Mùa xuân và những cánh chim én; trẻ thơ và nhu cầu gặp sữa… đều là những hình ảnh luôn được đặt trong những mối quan hệ chi phối lẫn nhau. Mượn những hình ảnh trong đời sống tự nhiên và xã hội, mượn những quy luật ấy để nhà thơ nói đến một mối quan hệ lớn hơn: nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi phản ánh đời sống. Hiện thực đời sống là điểm xuất phát đồng thời cũng là cái đích cuối cùng mà mỗi tác phẩm văn học phải hướng tới. Nếu đánh rơi mất đời sống, thơ ca sẽ chết khô trên trang giấy. Nhưng để phản ánh được hiện thực đời sống, người nghệ sĩ phải gắn bó cuộc đời mình với nhân dân, phải cùng nhịp đập với hàng triệu trái tim của nhân dân, có lẽ, không nhà thơ nào lại diễn đạt chân lí của quá trình sáng tạo ấy hay và sâu sắc như Chế Lan Viên.

     Đây là một trong những đoạn thơ khá hay trong bài thơ. Với lối xây dựng hình ảnh mới lại, với lối so sánh giản dị nhưng sâu sắc. Chế Lan Viên đã hướng người đọc đến một quy luật có tính phổ quát: trở về với nhân dân là con đường tất yếu. Nó phù hợp với quy luật của tự nhiên cũng như phù hợp với đạo lí tình cảm con người. Bởi vì chỉ có con đường ấy mới mở ra được những chân trời lớn cho người nghệ sĩ. Đi trên con đường ấy, Chế Lan Viên đã thực sự thành công, trở thành tiếng thơ hào hùng, tiếng kèn xung trận trong những năm chống Mĩ sau này.

Một số bài văn hay bình giảng đoạn thơ thứ 5 trong Tiếng hát con tàu

Bài số 1:

     Năm 1960, tập thơ “Ánh sáng và phù sa” ra đời, một bước tiến mới về tư tưởng và nghệ thuật của Chế Lan Viên. Bài thơ “Tiếng hát con tàu” nói lên tình yêu Tây Bắc và khát vọng lên đường đi đến mọi chân trời mơ ước để hiến dâng và sáng tạo. Bài thơ gồm có 3 phần: 1. Tiếng gọi lên đường; 2. Nỗi nhớ Tây Bắc; 3. Khúc hát lên đường.

     Đây là khổ thơ thứ 5 trích trong phần 2 bài “Tiếng hát con tàu” nói lên niềm hạnh phúc to lớn được gặp lại nhân dân:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”.

     Tư tưởng gặp lại nhân dân là một tư tưởng đẹp. Tư tưởng ấy được cụ thể hóa, hình tượng hóa bằng năm hình ảnh ẩn dụ so sánh vừa mới lạ, vừa giàu chất thơ. Câu thơ “Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ” là một so sánh độc đáo. Mùa đông tàn tạ, đàn nai đi kiếm ăn ở rừng xa. Nay mùa xuân đến, đàn nai trở về “suối cũ” – mảnh đất đã bao đời gắn bó thân thiết yêu thương. “Nai về suối cũ” là sự thể hiện tình nghĩa thủy chung ở đời như “con gặp lại nhân dân” được sống trong lòng nhân dân. Một chữ “con” dùng rất tinh tế, đã thể hiện một tình cảm chân thành, ấm áp. Đọc lên, ai cũng cảm thấy có mình trong đó.

     Câu thơ “Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa” mở ra trong lòng ta bao liên tưởng đẹp. Ba tháng mùa đông, cỏ cây tàn tạ xơ xác úa vàng. Giêng hai đem hơi ấm mùa xuân cho vạn vật; cỏ trở nên xanh mướt, tốt tươi. Mùa xuân là mùa của sắc cỏ. “Phương thảo liên thiên bích” (Cổ thi); “Cỏ non xanh tận chân trời” (Truyện Kiều). Mùa xuân cũng là mùa của chim én: “Ngày xuân con én đưa thoi” (Nguyễn Du). Én gặp mùa xuân để kết đàn, sinh sôi nảy nở… Chữ “đón” (cỏ đón giêng hai), chữ “gặp” (chim én gặp mùa) diễn tả niềm hạnh phúc được hổi sinh, phát triển, trở nên tươi đẹp. Lấy thế giới cỏ cây, chim muông để nói về niềm vui sướng hạnh phúc khi “con gặp lại nhân dân” là một cách nói thấm thìa, đậm đà. Cánh én và sắc cỏ mùa xuân trong thơ Chế Lan Viên lúc nào cũng đẹp và đáng yêu:

“Tháng giêng, hai xanh mượt cỏ đồi

Tháng giêng, hai vút trời bay cánh én”

(Ý nghĩ mùa xuân)

     Còn gì vui sướng hơn, hạnh phúc hơn khi “Đứa trẻ đói lòng gặp sữa” khi “Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”? Dòng sữa ngọt ngào cũng là tình thương của mẹ nuôi dưỡng trẻ thơ. Cánh tay của mẹ, của bà… nhẹ đưa khi đã nâng giấc ngủ bé thơ. Giấc ngủ êm đềm trong lời ru tiếng hát, trong tình yêu thương. Mẹ và bà…. đã đến với em thơ trong sự khát khao, mong đợi. Và đó cũng là niềm vui hạnh phúc được sống trong tình yêu thương như khi “con gặp lai nhân dân”.

     Ý tưởng con gặp lại nhân dân được thể hiện một cách phong phủ, đa dạng. Gặp lại nhân dân là được sống trong hạnh phúc, trong tình nghĩa thủy chung. Là được tiếp thêm sức sống, sức mạnh mà trở nên tươi tốt, sinh sôi, phát triển. Là được sống trong tình thương san sẻ, vỗ về, được thỏa nỗi chờ mong.

     Đoạn thơ trên thể hiện rõ bút pháp nghệ thuật của Chế Lan Viên: giàu tính triết lí và vẻ đẹp trí tuệ. Triết lí mà không khô khan, vì nhà thơ đã sáng tạo nên nhiều hình ảnh đẹp, mới lạ và ngôn ngữ sắc sảo. Ý tưởng đẹp, hồn thơ đẹp cứ quyện lấy lòng ta.

     Tư tưởng yêu nước và “thân dân” được thể hiện cảm động đó đây trong thơ ca dân tộc từ mấy trăm năm trước. Nhưng sau cách mạng tháng Tám, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, tư tưởng vĩ đại ấy đã được một số nhà thơ như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… nói lên một cách chân thành, thấm thía và sâu sắc hơn:

“Con chim biết nhớ đàn nhớ tổ,

Ta nhớ người đau khổ nuôi ta

Ơn người như mẹ như cha

Lòng dân yêu Đảng như là yêu con”…

(Tố Hữu)

“Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi

Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu

Tôi sống với cuộc đời chiến đấu

Của triệu người yêu dấu gian lao”

(Xuân Diệu)

     Đoạn thơ trên đây của Chế Lan Viên là một tiếng lòng được nâng lên thành một triết lí đẹp: Hạnh phúc khi được gặp lại nhân dân. Bốn câu thơ, câu nào cũng có hình ảnh đẹp, mới lạ biểu lộ một cá tính sáng tạo sắc sảo, tài hoa. Qua đó, ta mới thấm thía như một nhà thơ lớn phương Tây đã nói: “Câu thơ đẹp phải là câu nói được tình cảm đẹp”.

Bài số 2:

     Chế Lan Viên là một trong những cây bút trong phong trào thơ mới. Trước cách mạng, thơ Chế Lan Viên mang một nỗi buồn ghê rợn, u uất. Nhưng sau cách mạng, tâm hồn thơ ấy lại nảy nở, rạo rực niềm vui và khát vọng. Điều đó đã được thể hiện rõ nét trong bài thơ Tiếng hát con tàu, đặc biệt là trong khổ thơ:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa.

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.”

     Với những hình ảnh thơ chọn lọc, các biện pháp tu từ, đoạn thơ đã diễn tả chân thành sự trở về của tác giả hòa mình với cuộc sống của nhân dân, với Đảng và cách mạng.

     Nhà thơ đã liên tiếp sử dụng nghệ thuật so sánh trong bài thơ như tiếng hò reo tươi vui, xúc động tưởng như đã kìm nén trong lòng bấy lâu. Chế Lan Viên – một chàng trai trẻ trở về với nhân dân mang theo cả biển trời thương nhớ. Chính nhân dân đã đem lại cho nhà thơ sự sống, khiến anh hạnh phúc đến thế. Niềm hạnh phúc ấy đã được nhà thơ Chế Lan Viên thể hiện bằng những hình ảnh giàu sức khởi lớn “nai về suối cũ”, “cỏ đón giêng hai”, “chim én gặp mùa”, “trẻ thơ đói lòng gặp sữa”, “nôi ngừng gặp cánh tay đưa”.

     Tâm hồn của nhà thơ được nuôi dưỡng bằng chính nguồn sữa ngọt ngào của nhân dân. Cách so sánh với các hình ảnh thiên nhiên sinh động như nhấn mạnh sự trở về với cội nguồn để phát triển mạnh mẽ.

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ,

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa”

     Còn gì tốt hơn khi nai được trở về suối cũ. Còn gì hơn khi cỏ lại được đón tháng giêng tháng hai với những cơn mưa phùn đầu xuân để trỗi dậy mạnh mẽ, vươn lên tươi tốt sau một mùa đông lạnh giá. Và còn gì đẹp hơn khi đàn chim én bay đi về phương Nam tránh rét nay lại được đón một mùa xuân ấm áp tuyệt vời.

     Sự trở về càng đẹp hơn khi tác giả mượn những hình ảnh rất đỗi thân thương của mỗi con người khi còn là một đứa trẻ ngây thơ:

“Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”

     Đối với mỗi đứa trẻ được sinh ra, từ thuở lọt lòng đã được nuỗi dưỡng bằng dòng sữa mát trong của mẹ. Bởi thế mỗi khi đói lòng, khát sữa mà được gặp một bầu sữa mẹ thì còn gì tuyệt vời hơn. Còn gì hơn khi nằm trong nôi, nghe tiếng ầu ơ lời ru của bà của mẹ mà chiếc nôi ngững bỗng lại được đung đưa. Mọi việc diễn ra đều đúng thời điểm. Nó cũng giống như hoàn cảnh của nhà thơ lúc này vậy. Sự trở về với nhân dân, với cách mạng giống như được trở về sống trong tình cảm bao dung, hiền từ và vĩ đại của người mẹ hiền. Cũng từ đó anh nhận ra chân lý sống đời mình, đầy niềm tin mãnh liệt và khát khao cống hiến.

     Không chỉ với biện pháp tu từ so sánh được sử dụng triệt để với các hình ảnh đáng yêu chân thành, mà nhịp thơ cũng nhịp nhàng, giọng thơ vui tươi sôi nổi cũng làm nên thành công cho đoạn thơ cũng như toàn bài thơ. Giọng thơ sôi nổi khiến người đọc cảm nhận như một làn sóng mạnh mẽ, một làn sóng vui tươi ngập tràn như tiếng lòng của nhà thơ.

     Trước cách mạng, thơ Chế Lan Viên buồn rầu, ủ rũ với những tập thơ như “Điêu tàn”. Nhưng từ khi được ánh sáng cách mạng chiếu sáng, tâm hồn nhà thơ nảy nở trở lại, vui mừng, hồ hởi như một đứa trẻ gặp lại cội nguồn yêu thương. Cùng chung một tâm hồn khát khao, vui tươi mãnh liệt ấy, Tố Hữu cũng đã từng viết:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

     Gấp trang sách lại mà những hình ảnh thơ Chế Lan Viên vẫn như một dòng suối chảy dạt dào. Đó là niềm vui sướng vô bờ bến của nhà thơ khi gặp lại vòng tay yêu thương của nhân dân, của Đảng và cách mạng. Khổ thơ với những hình ảnh so sánh đặc sắc cùng tình cảm chân thành đã mang lại thành công lớn cho toàn bài thơ, để lại những dư vang tốt đẹp trong trái ti biết bao độc giả.

Sưu tầm tham khảo những bài văn mẫu hay nhất phân tích, bình giảng về đoạn thơ: Con gặp lại nhân dân … bỗng gặp cánh tay đưa trong bài Tiếng hát con tàu.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/binh-giang-doan-tho-trong-bai-tieng-hat-con-tau-de-bai-2/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp