Đề bài: Em hãy Bình giảng về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Bình giảng về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều
Bạn đang xem: Bình giảng về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều
I. Dàn ý Bình giảng về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”
2. Thân bài
– Đoạn trích khắc họa sống động hình tượng nhân vật phản diện Mã Giám Sinh – một tên buôn người bịp bợm, xảo quyệt
+ Qua lời nói: Đối lập với danh xưng “viễn khách”, hắn ta lộ rõ sự gian dối khi ngay lập tức sơ hở rằng quê ở lâm thanh
+ Hình thức: Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao lộ rõ vẻ khoa trương kệch cỡm của một kẻ buôn người
+ Hành động, cử chỉ: Ngồi tót sỗ sàng cho thấy đây là một kẻ vô học, vô văn hóa. Hắn xem Kiều như một món hàng có thể cân đo đong đếm. Hắn “mua” nàng với giá chỉ ngoài bốn trăm…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Bình giảng về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều tại đây.
II. Bài văn mẫu Bình giảng về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (Chuẩn)
“Mã Giám Sinh mua Kiều” là một trong những trích đoạn đặc sắc trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Mặc dù không phải là nhân vật chính của bộ truyện nhưng hình tượng Mã Giám Sinh lại được tác giả khắc họa rất chân thực với tính cách đểu cáng, mưu mô, xảo quyệt mang đến sự thích thú cho người đọc. Từ đó, ta thấy được sự tài năng trong xây dựng nhân vật và chuyển tải nội dung của Nguyễn Du.
Mở đầu đoạn trích, Mã Giám Sinh hiện ra với bộ mặt ra vẻ thư sinh có học thức. Hắn đóng vai là một “viễn khách” đến để làm lễ “vấn danh” nhưng thực chất là đến để dạm hỏi, xem mặt Thúy Kiều. Nguyễn Du đã cố tình xây dựng nên những chi tiết khoa trương về nhân vật phản diện này để ngay sau đó, cho thấy được sự đối lập về bản chất và hình thức, bên trong và bên ngoài:
“Hỏi tên rằng: Mã Giám Sinh,
Hỏi quê rằng: huyện Lâm Thanh cũng gần”
Lời nói của hắn ngay lập tức đã tố cáo hắn là một tên bịp bợm, gian dối. Hắn vừa tự nhận mình là “viễn khách” từ phương xa đến vừa khẳng định mình quê ở huyện Lâm Thanh. Điều đó ngay lập tức đã lộ rõ bản chất của một tên đểu cáng.
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
Trước thầy sau tớ xôn xao
Nhà bồng đưa mối rước vào lầu trang
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”
Không chỉ lời nói mà chính cách ăn mặc, cử chỉ, điệu bộ của hắn cũng thật khoa trương và kệch cỡm. Mặc dù đã qua tuổi “tứ tuần” nhưng xem hắn vẫn bảnh bao và nhẵn nhụi biết bao. Tác giả Nguyễn Du đã tài tình khi miêu tả những chi tiết đặc sắc nhất của nhân vật, làm cho hình tượng Mã Giám Sinh hiện lên chân thật và sinh động. Nguyễn Du không áp đặt tính cách nhân vật vào câu thơ mà để cho người đọc tự cảm nhận qua những chi tiết về hình thức. Đặc biệt, ông dùng những từ ngữ vô cùng đắt giá để khắc họa thật đúng bản chất của nhân vật. Nếu Nguyễn Du lật tẩy Sở Khanh bằng từ “len” thì Mã Giám Sinh lại bị lộ rõ bộ mặt bởi từ “tót”. Điều đó cho thấy bản chất vô học, vô văn hóa, sỗ sàng của anh chàng giả danh trí thức.
“Đắn đo cân sắc, cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.”
Đến đây, Mã Giám Sinh chẳng cần tỏ vẻ thanh cao nữa mà lộ rõ bộ mặt của kẻ buôn người chính hiệu. Hắn “cân,đo” tài sắc của Thúy Kiều giống như đang cân đo một món hàng hóa nào đó. Và chưa vừa lòng, hắn lại tiếp tục “ép” nàng phải cầm kỳ thi họa cho hắn xem xét. Đọc đến đây, người đọc đã cảm thấy xót xa cho nàng Kiều khi nàng rơi vào tay một kẻ buôn người bỉ ổi. Chúng làm tất cả vì tiền vàng, vì lợi ích của chúng mà không màng đến sự sống, nhân cách của người phụ nữ.
“Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.
Mã Giám Sinh là một trong những hình tượng nhân vật phản diện nổi bật giúp Nguyễn Du tố cáo các thế lực chà đạp con người, mà tiêu biểu ở đây là thế lực đồng tiền. Cả cuộc đời Kiều, có lẽ, chưa bao giờ nàng nghĩ mình sẽ rơi vào hoàn cảnh éo le như vậy. Chỉ với “bốn trăm” lạng vàng, cuộc đời Kiều giờ đây đã bị trói buộc vào tay những kẻ buôn người, để cho chúng mặc sức sỉ nhục, chà đạp nàng. Chao ôi! Đó là một cái giá quá rẻ mạt cho một người con gái tài, sắc vẹn toàn hiếm có trong thiên hạ. Thật đúng với câu thơ của Nguyễn Du “Đau đớn thay phận đàn bà”.
Với việc xây dựng hình tượng Mã Giám Sinh, Nguyễn Du đã lật tẩy bản chất của thế lực buôn thịt bán người, thế lực đồng tiền đang hoành hành trong xã hội phong kiến. Từ đó phê phán xã hội mục ruỗng, thối nát, không đủ sức bảo vệ con người.
Trong khi tên Mã Giám Sinh còn đang hả hê vì mua được một món hàng hời thì nàng Kiều lại bước vào tình cảnh vô cùng éo le và đau khổ. Từ một tiểu thư khuê các, sống trong “êm đềm trướng rủ màn che”, được cha mẹ yêu thương, người yêu chăm sóc. Thế rồi như một cơn ác mộng, nàng bước vào một cánh cửa tăm tối mà không thấy lối ra. Đối với người con gái, việc bị đem ra để cân đo đong đếm như một món hàng quả thực là một sự sỉ nhục vô cùng lớn:
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng
Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai”
Thúy Kiều tự ví mình như cánh hoa trước bão giông vì “dợn gió, e sương”. Nàng vẫn chưa thoát khỏi bóng dáng của một cô tiểu thư đài các, yêu kiều và sợ sệt. Mỗi bước đi của nàng là bước đi cùng với những giọt lệ cay đắng, tủi hổ. Nàng vừa “tức” nỗi nhà lại vừa thương cho chính thân phận yếu ớt, mong manh của mình. Những từ ngữ “ngại ngùng, bóng thẹn, vén tóc, bắt tay, nét buồn như cúc, điệu gầy như mai” càng khắc đậm điều đó. Nàng không biết rồi cuộc đời sẽ đi về đâu. Nhưng trong chính cảm nhận rõ ràng nhất, nàng nhận thức được bản thân mình sẽ giống như cánh hoa mỏng manh sắp phải đối mặt với giông tố cuộc đời. Như những dự cảm của Nguyễn Du về cuộc đời nàng Kiều “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” nay đã vận vào số mệnh của nàng.
Số phận nghiệt ngã của nàng Kiều là minh chứng sống động nhất cho câu nói “tài hoa bạc mệnh”. Những con người lương thiện như nàng Kiều phải chịu khổ cực, oan khuất trong khi đó những kẻ bịp bợm, xảo trá như Mã Giám Sinh, Sở Khanh lại nhởn nhơ ngoài vòng lao lý. Đó là sự bất công trong xã hội mà Nguyễn Du muốn đề cập đến trong tác phẩm. Mỗi câu chữ của ông như là một lời kêu oan cho số phận của nhân vật, hay cũng chính là số phận con người trong xã hội phong kiến.
Với ngòi bút nghệ thuật độc đáo, các nét vẽ ước lệ tượng trưng cùng ngôn từ đắt giá, Nguyễn Du đã xây dựng nên hình tượng nhân vật phản diện Mã Giám Sinh vô cùng đặc sắc. Bởi vậy, nó để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả và đánh dấu tên tuổi của ông trong văn học Việt Nam.
—————-HẾT—————
Để có thêm những tài liệu hay cho bài học Mã Giám Sinh mua Kiều, các em có thể tìm đọc thêm: Suy nghĩ về thân phận Thúy Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du, Phân tích tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, Phân tích nghệ thuật miêu tả nhân vật Mã Giám Sinh, Phân tích nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn thơ Mã Giám Sinh mua Kiều.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp