Đề bài: Bức tranh thu và tâm trạng của Đỗ Phủ trong Thu hứng
Bài văn Phân tích bức tranh thu và tâm trạng của Đỗ Phủ trong Thu hứng
Bạn đang xem: Bức tranh thu và tâm trạng của Đỗ Phủ trong Thu hứng
Bài văn mẫu Bức tranh thu và tâm trạng của Đỗ Phủ trong Thu hứng
Đỗ Phủ tên chữ là Tử Mĩ, hiệu là Thiếu Lăng. Ông được mệnh danh là một trong những nhà thơ vĩ đại hiện thực của nền văn chương Trung Quốc, là danh nhân văn hóa thế giới nổi tiếng. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học nhưng lại không mấy có duyên với chuyện thi cử. Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng tới tâm hồn văn chương của ông. Ông đã để lại cho hậu thế hàng ngàn các bài thơ giá trị về nhiều nội dung sâu sắc và đa dạng. Đỗ Phủ sống trong thời kỳ đất nước chiến tranh nghèo khổ, giọng thơ của ông mang vẻ trầm uất, bi tráng, nghẹn ngào nhưng mang nhiều tinh thần nhân đạo.
Bên cạnh những bài thơ phản ánh sự kiện lịch sử tại thời điểm ông sống, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều bài thơ trữ tình mộc mạc, thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người cũng như thời cuộc. “Thu hứng” là một trong những bài thơ mang nội dung như vậy. Nằm trong chùm thơ tám bài sáng tác năm 766 của tác giả, “Thu hứng” được xem là bài thơ hay nhất về đề tài mùa thu mang đến cho độc giả bức tranh mùa thu Trung Quốc ảm đạm, lạnh lẽo và ẩn chứa trong đó là tâm trạng, nỗi lòng của nhà thơ trước cảnh đất nước hoang tàn, loạn lạc, nỗi nhớ quê hương da diết,…
Ở cặp câu đầu:
“Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa.”
Với hai câu đề, tác giả đã mở ra không gian mùa thu với những nét tiêu biểu. Qua cách miêu tả phong cảnh của mình, Đỗ Phủ giúp người đọc nhận ra ông đang đứng ở vị trí cao để phóng tầm mắt xuống cảnh vật bên dưới, tầm nhìn từ xa tới gần nên rất tinh tế. Nói đến “rừng phong” người ta nghĩ ngay tới hình ảnh lá phong màu đỏ úa. Cây cối tự nhiên bước sang thu lá cây cũng sẽ thay màu từ xanh sang vàng hoặc đỏ, nhưng đặc trưng nhất vẫn là cây phong. Một rừng phong lá đỏ thay nhau rụng, cảnh lá phong lìa cành cũng giống như sự chia tay, ly biệt. “Hạt móc sa” ở đây chính là chỉ những màn sương giăng mắc khắp nơi, phủ kín rừng phong làm quang cảnh trở nên lạnh lẽo và hiu hắt.
Nếu như ở bản phiên âm “Vu sơn, Vu giáp” là để chỉ núi Vu và hẻm Vu với với chiều dài bảy trăm dặm là một sự trùng điệp của những ngọn núi nối tiếp nhau, bên cạnh bờ sông thì bản dịch thơ đã được chuyển thành “ngàn non” để độc giả dễ hình dung nhưng lại làm mất đi tính cụ thể, sự hiểm trở và hùng vĩ của một dãy núi nổi tiếng xuất hiện trong thần thoại, thơ ca Trung Quốc.
“Tiêu âm” được cụ thể hóa bởi từ “hiu hắt” và từ “lòa” dường như đã làm nhẹ bớt đi ý nghĩa của bản phiên âm về sự ảm đạm, tối tăm. Sương mù bao phủ kín các dãy núi nên phía dưới là con sông dường như không thể đón nhận được ánh sáng mặt trời.
Hai câu thực:
“Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.”
Tác giả đứng ở vị trí thượng nguồn sông Trường Giang, một trong những con sông lớn nhất tại Trung Quốc, nhìn cảnh tượng nước trên thượng nguồn đổ xuống dữ dội đập vào những ghềnh đá tạo thành những đợt sóng lớn vọt lên lưng trời. Ở bản dịch thơ, tác giả dùng tính từ “rợn, thẳm” để diễn tả sự dữ dội của thiên nhiên. Tác giả đúng giữa cảnh núi non hùng vĩ, nước chảy xiết, cuồn cuộn, cảm giác choáng ngợp và con người quá nhỏ bé so với thiên nhiên.
Hình ảnh “mặt đất mây đùn” thức chất là một cách diễn tả đậm chất thơ ca của tác giả. Ở những ngọn núi cao, mây trời thường sà xuống phía dưới, bao trọn lấy ngọn núi, tác giả có cảm giác như mây cuồn cuộn được đùn lên từ mặt đất.
Sóng vọt lên cao, mây sà xuống đất chính là nghệ thuật đối lập mà tác giả sử dụng để hình tượng hóa cho hiện thực đảo lộn, nhiễu nhương. Nó không chỉ khắc họa sâu hơn cảnh thu mà còn một phần nói nên hoàn cảnh đất nước thời bấy giờ.
“Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.”
Ở hai luận, tác giả vẫn nói về cảnh thu với hình ảnh “khóm cúc”, chúng ta vẫn biết hoa cúc vốn nở vào mùa thu nhưng ẩn chứa trong đó là nỗi niềm của tác giả. Nhìn những khóm cúc nở rộ, tác giả bất giác nhớ quê hương, giờ nơi đất khách quê người, phiêu bạt, khổ cực đâu còn cơ hội ngắm cúc mùa thu ở quê hương như những năm trước đây nữa.
Nếu như hình ảnh cúc nở chỉ làm tác giả nhớ trong tâm tưởng thì hình ảnh con thuyền cô độc, lẻ loi với câu chữ cụ thể “Buộc chặt mối tình nhà” như lời thở than trong bất lực của tác giả. “Con thuyền” được xem là hình ảnh ẩn dụ cho số kiếp con người trong thời loạn lạc, lênh đênh vô định không biết đi về đâu.
“Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.”
Cả một bài thơ dài với nét buồn mang mác thì ở hai câu cuối, chúng ta thoáng nghe thấy âm thanh của “Chày vang” đó là tiếng chày đập vải bên bờ sông. Âm thanh sinh hoạt của con người, rất bình dị nhưng có sức sống. Tuy vậy, nó vẫn không đủ để xua tan đi cái lạnh lẽo của trời thu, của cảnh hoàng hôn ngày tàn.
Trời thu lạnh lẽo báo hiệu cho mùa đông sắp tới, nhắc nhở con người cần chuẩn bị cho mình những tấm áo mới để bảo vệ cơ thể vượt qua mùa đông lạnh giá. Âm thanh sinh hoạt thoáng vui đã bị những áng mây sà xuống bao phủ khiến tâm trạng thi sĩ không thể vui lên được.
“Thu hứng” là một bài thơ có kết cấu chặt chẽ và phục vụ cho chủ đề. Ở bài thơ này, tác giả cho chúng ta cái nhìn đa chiều từ xa tới gần, từ cao xuống thấp từng cảnh vật đặc trưng, tiêu biểu của mùa thu để ta thấy được cảnh thu tiêu điều, xơ xác, lạnh lẽo như chính hoàn cảnh đất nước phong kiến thời bấy giờ đang suy vong, hỗn loạn. Trước thiên nhiên, trước khó khăn của đất nước, tác giả bộc lộ lo âu, trăn trở về thời cuộc, nỗi nhớ quê hương da diết. Đỗ Phủ vẫn đau đáu một ngày ôm hy vọng được trở về quê cũ, sống những ngày vui vẻ, ấm êm. Mặc dù cảnh thu buồn hiu hắt, nhưng trong đó vẫn có yếu tố của sự sống, hoạt động của con người mà tác giả gửi vào bài thơ. Mặc dù phải sống trong cảnh nghèo khổ nhưng không gì có thể làm ảnh hưởng tới tâm hồn thi sĩ của ông.ư
——————–HẾT———————-
Khám phá bức tranh mùa thu cũng như tâm trạng nhà thơ Đỗ Phủ trong bài thơ Cảm xúc mùa thu (Thu hứng), bên cạnh bài văn mẫu trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài Cảm xúc mùa thu (Thu hứng), Bức tranh thu và tâm trạng của Đỗ Phủ trong Thu hứng, Cảm nhận bài thơ Thu Hứng, Phân tích bài Thu hứng của Đỗ Phủ để thấy cảnh và tình của tác phẩm, .
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp