Các đề văn về bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương có đáp án chi tiết

0
76
Rate this post

Với các đề văn về bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương mà đã sưu tầm và tổng hợp dưới đây, chúng tôi hy vọng các em sẽ học tập và ôn luyện thật tốt để nắm được nội dung, nghệ thuật cũng như toàn bộ kiến thức của tác phẩm Viếng lăng Bác, qua đó chuẩn bị tốt cho những bài thi sắp tới.

Đề 1

Có ý kiến cho rằng: Khổ thơ thứ nhất của bài thơ “Viếng lăng Bác” là những cảm xúc bồi hồi xao xuyến của nhà thơ khi đến thăm lăng Bác”.

Bạn đang xem: Các đề văn về bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương có đáp án chi tiết

Hãy viết đoạn văn (10 – 12 câu) Tổng – phân – hợp để làm sáng tỏ ý kiến trên. Đoạn văn có sử dụng khởi ngữ và thành phần biệt lập (gạch chân và chú thích)?

Hướng dẫn làm bài

Khổ thơ thứ nhất của bài thơ “Viếng lăng Bác” là những cảm xúc bồi hồi xao xuyến của nhà thơ khi đến thăm lăng Bác. Mở đầu khổ thơ là một lời thông báo ngắn gọn, giản dị nhưng chứa đựng biết bao điều sâu xa. Cách xưng hô gần gũi, thân mật của tác giả khiến tình cảm trở nên ấm áp mà vẫn rất mực thành kính, thiêng liêng. Với biện pháp nói giảm, nói tránh, tác giả dùng từ “thăm” thay cho từ “viếng” đã khẳng định Bác vẫn còn mãi trong lòng dân tộc. Hình ảnh ẩn dụ “hàng trê” biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên cường, bất khuất của con người, dân tộc Việt Nam. Dường như niềm xúc động và tự hào về đất nước, dân tộc đã được nhà thơ bộc lộ trực tiếp qua từ cảm thán “Ôi”. Còn hàng tre, đó là đại diện cho những con người ở mọi miền trên đất nước về đây sum vầy bên Bác, trò chuyện và bảo vệ giấc ngủ cho Người. Chỉ với một khổ thơ ngắn, Viễn Phương đã thể hiện những cảm xúc chân thành, thiêng liêng đối với Bác kính yêu.

>> Xem thêmPhân tích hai khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác

Đề 2

Trong bài thơ “Viếng lăng Bác”, Viễn Phương viết:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Hình ảnh “mặt trời” nào là ẩn dụ? Hãy phân tích ý nghĩa hình ảnh ẩn dụ đó trong việc thể hiện lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với Bác của tác giả?

Hướng dẫn làm bài

Hình ảnh “mặt trời trong lăng” là ẩn dụ. Đây là hình ảnh sáng tạo, độc đáo – hình ảnh Bác Hồ. Giống như “mặt trời” , Bác Hồ cũng là nguồn sáng, nguồn sức mạnh. “Mặt trời” – Bác Hồ soi đường dẫn lối cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. “Mặt trời” – Bác Hồ tỏa hơi ấm tình thương bao là trong lòng mỗi con người Việt Nam. Cách ví đó vừa ca ngợi sự vĩ đại, công lao trời biển của Người vừa bộ lộ niềm tự hào của Viễn Phương nói riêng và toàn dân tộc nói chung.

Đề 3

Cho khổ thơ:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên 

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim

1. Người ta thường nói nghe thấy âm thanh nhưng ở đây Viễn Phương lại viết “Nghe nhói ở trong tim”. Em hãy lí giải điều tưởng chừng vô lí này?

2. Viết đoạn văn theo phương thức quy nạp để phân tích khổ thơ trên?

Hướng dẫn làm bài

1. Câu thơ “Mà sao nghe nhói ở trong tim” là một cách viết lạ, tưởng chừng như vô lí nhưng lại có lí khi bộc lộ tâm trạng đau xót và tiếc nuối không nguôi trước sự ra đi của Bác. Sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, Viễn Phương đã thể hiện cảm xúc đau xót tới đỉnh điểm. “Nhói” là từ ngữ biểu cảm trực tiếp, biểu hiện nỗi đau đột ngột, quặn thắt. Cách viết ấy đã bộc lộ nỗi đau mất mát ở tận trong đáy sâu tâm hồn nhà thơ – nỗi đau uất nghẹn tột cùng không thể nói nên lời.

2. Vào trong lăng, khung cảnh và không khí như ngưng kết cả thời gian, không gian. Đứng trước Bác, nhà thơ cảm nhận Người đang ngủ trong giấc ngủ bình yên, trang nghiêm cùng ánh sáng trong trẻo, dịu nhẹ của vầng trăng. Tâm trạng xúc động của nhà thơ được biểu hiện bằng hình ảnh ẩn dụ “ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi”. Trời xanh – hình ảnh thiên nhiên mà chúng ta hằng ngày vẫn đang chiêm ngưỡng, nó tồn tại mãi mãi và vĩnh hằng. Nhà thơ muốn nói rằng: Bác vẫn còn mãi với đất nước, dân tộc. Dù tin như thế nhưng mấy chục triệu trái tim nhân dân Việt Nam vẫn đau xót và tiếc nuối khôn nguôi trước sự ra đi của Bác. “Nhói” là từ ngữ biểu cảm trực tiếp, biểu hiện nỗi đau đột ngột, quặn thắt. Cách viết ấy đã bộc lộ nỗi đau mất mát ở tận trong đáy sâu tâm hồn nhà thơ – nỗi đau uất nghẹn tột cùng không thể nói nên lời. Cặp quan hệ “vẫn – mà” diễn tả cảm giác mâu thuẫn, cảm xúc ở trong tim mâu thuẫn với nhận biết “trời xanh là mãi mãi”. Khổ thơ khép lại nhưng những tình cảm, những cảm xúc chân thành của nhà thơ trào dâng mạnh mẽ – đó là một tấm lòng chân thành, đáng yêu.

>> Tham khảo: Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽ của nhà thơ Viễn Phương

Đề 4

Viết đoạn văn ngắn khoảng 10 câu theo phương thức diễn dịch để làm rõ cảm xúc lưu luyến, bịn rịn của tác giả đối với Bác khi rời lăng.

Hướng dẫn làm bài

Khổ thơ cuối trong bài thơ là cảm xúc lưu luyến bịn rịn của tác giả đối với Bác khi rời xa lăng. Nghĩ đến ngày mai về miền Nam, xa Bác, xa Hà Nội, tình cảm của nhà thơ không kìm nén được mà bộc lộ ra ngoài: “Mai về miền Nam thương trào nước măt”. Câu thơ như một lời giã biệt, diễn tả tình cảm sâu lắng – một cảm xúc thật mãnh liệt, luyến tiếc, bịn rịn không muốn xa nơi Bác nghỉ. Mặc dù lưu luyến, muốn ở mãi bên Bác nhưng Viễn Phương cũng biết rằng đến lúc phải trở về miền Nam. Và nhà thơ chỉ có thể gửi tấm lòng mình bằng cách muốn hóa thân , hòa nhập vào những cảnh vật quanh lăng Bác để được ở mãi bên Người. Điệp ngữ “muốn làm” cùng các hình ảnh đẹp của thiên nhiên: “con chim”, “đóa hoa”, “cây tre” đã thể hiện ước muốn tha thiết, mãnh liệt của tác giả. Nhà thơ ao ước hóa thân thành con chim nhỏ cất tiếng hót làm vui lăng Bác, thành đóa hoa đem hương sắc điểm tô cho vường hoa quanh lăng Bác. Đặc biệt, ước nguyện làm cây tre để nhập vào hàng tre bát ngát canh giữ giấc ngủ thiên thu của Người, “Cây tre trung hiếu” là hình ảnh ẩn dụ thể hiện lòng kính yêu, sự trung thành vô hạn với Bác, nguyện mãi mãi đi theo con đường cánh mạng mà Người đã đưa đường chỉ lối. Đó là lời hứa thủy chung của riêng nhà thơ và cũng là ý nguyện chung của đồng bào miền Nam, của mỗi chúng ta với Bác.

Tài liệu để làm bài:

Lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc qua 2 khổ thơ cuối Viếng lăng Bác

Cảm xúc lưu luyến, bịn rịn đối với Bác khi rời lăng của nhà thơ Viễn Phương

Đề 5

Ở hai khổ đầu bài thơ “Viếng lăng Bác”, nhà thơ Viễn Phương viết:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

Trình bày cảm nhận của em về hai khổ thơ trên, từ đó hãy nêu suy nghĩ của mình về Bác Hồ kính yêu .

Hướng dẫn làm bài

a. Giới thiệu vấn đề nghị luận:

+ Viễn Phương một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng Miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.

+ Bài thơ Viếng lăng Bác được viết năm 1976, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khánh thành, tác giả ra miền Bắc thăm lăng Bác Hồ.

+ Đoạn thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào khi tác giả vào viếng lăng Bác.

b. Cảm nhận của em về hai khổ thơ:

* Về nội dung:

– Cảm xúc của nhà thơ khi đến viếng lăng Bác (Khổ đầu):

+ “Con ở Miền Nam ra thăm lăng Bác”: lời giới thiệu, lời thông báo đầy xúc động. Cách xưng hô (con- Bác) thân thương, kính trọng thành kính thiêng liêng như tình cảm cha con ruột thịt.

+ Hình ảnh “hàng tre bát ngát”, “hàng tre xanh xanh Việt Nam”, “bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”: gợi nhà thơ liên tưởng đến sức sống của dân tộc và tình cảm của nhân dân đối với Bác.

– Sự tôn kính của nhà thơ đối với Bác khi đứng trước lăng (Khổ hai):

+ “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng. Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: Mặt trời của vũ trụ , mặt trời của con người – Bác Hồ. Chỉ sự tôn kính của nhà thơ và của nhân dân dành cho Bác.

+ “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ. Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Hình ảnh thực (dòng người) và hình ảnh ẩn dụ (tràng hoa) sóng đôi: Lòng thành kính của nhân dân đối với Bác.

– Nhận xét: Hai đoạn thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và mọi người đối với Bác Hồ khi viếng lăng Bác.

* Nghệ thuật:

– Giọng thơ vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, vừa tự hào thể hiện đúng tâm trạng xúc động khi vào viếng lăng Bác.

– Hình ảnh trong đoạn thơ có nhiều sáng tạo, kết hợp giữa hình ảnh thực, hình ảnh ẩn dụ biểu tượng làm cho câu thơ vừa gần gũi, vừa sâu sắc, có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm cao.

c. Nêu suy nghĩ của bản thân về Bác Hồ kính yêu:

Học sinh có thể suy nghĩ theo nhiều cách khác nhau nhưng tất cả những vấn đề trong bài viết phải được trình bày liền mạch và có tính liên kết, sau đây là một số gợi ý:

– Suy nghĩ về con người Hồ Chí Minh.

– Suy nghĩ về lối sống giản dị và thanh cao của Bác.

– Suy nghĩ về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

d. Khái quát và khẳng định lại vấn đề.

Đề 6

Trong bài thơ “Viếng lăng Bác” Viễn Phương viết : “Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.

Dựa trên hiện tượng chuyển nghĩa của từ, từ “mùa xuân” có thể thay thế cho từ nào? Theo phương thức chuyển nghĩa nào? Việc thay thế từ trên có tác dụng diễn đạt như thế nào?

Hướng dẫn làm bài

– Mỗi một năm xuân đến, con người lại thêm một tuổi. Cho nên “79 mùa xuân” cũng được hiểu là 79 tuổi, 79 năm trong một đời người.

– Nếu để từ “tuổi” thì chỉ nói được Bác Hồ  đã sống 79 năm, thọ 79 tuổi, câu thơ chỉ thuần tuý chỉ tuổi tác.

– Còn dùng từ “Xuân” có nghĩa là: cả cuộc đời Bác là 79 năm cống hiến cho nhân dân, 79 năm dành cho đất nước để đất nước có sắc xuân. Thêm nữa, kết “tràng hoa dâng 79 mùa xuân” gợi thêm sắc xuân bên lăng Bác. Và từ “mùa xuân” như làm cho xúc cảm của câu thơ, âm điệu câu thơ thêm mượt mà, sâu lắng, thiết tha. Câu thơ hay, ý thơ trở nên đa nghĩa  và  sâu sắc hơn nhiều -> chuyển nghĩa theo phưong thức ẩn dụ.

Tham khảo thêmCảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác

Đề 7

Đọc kĩ 2 đoạn văn bản sau đây:

Đoạn 1:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt 

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác 

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây 

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này 

Đoạn 2:

Ta làm con chim hót 

Ta làm một cành hoa 

Ta nhập vào hòa ca 

Một nốt trầm xao xuyến 

1: Hãy cho biết: Mỗi đoạn thơ nằm trong bài thơ nào? Ai là tác giả?

2: Tại sao các nhà thơ lại ước nguyện được làm: “con chim hót”, “cành hoa”, “đóa hoa tỏa hương”, “cây tre trung hiếu”, “nốt trầm xao xuyến”? Em hãy nêu ngắn gọn cách hiểu của em về nét đặc sắc của ít nhất một trong các hình ảnh ấy?

3: So sánh các cụm từ “Muốn làm” với “Ta làm” được các nhà thơ lặp lại trong 2 đoạn thơ, em hãy cho biết đây có phải là hình thức liên kết câu (phép lặp từ ngữ) trong văn bản không? Vì sao?

4: Từ cách hiểu về thành phần biệt lập cảm thán, em hãy đặt một câu văn có sử dụng thành phần này để bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc-hiểu 2 đoạn thơ trên.

5: Tình cảm của 2 tác giả gửi gắm vào 2 bài thơ trên đã khơi gợi nơi người đọc về một khát vọng được sống có ích, góp phần làm đẹp cho đời. Em hãy viết bài văn nghị luận ngắn (từ 25 đến 30 dòng) nêu suy nghĩ của em về lẽ sống của tuổi trẻ Việt Nam ngày nay đối với đất nước.

Hướng dẫn làm bài

1: Hãy cho biết: Mỗi đoạn thơ nằm trong bài thơ nào? Ai là tác giả?

Đoạn 1: Viếng lăng Bác- Viễn Phương

Đoạn 2: Mùa xuân nho nhỏ- Thanh Hải

2: Tại sao các nhà thơ lại ước nguyện được làm: “con chim hót”, “cành hoa”, “đóa hoa tỏa hương”, “cây tre trung hiếu”, “nốt trầm xao xuyến”? Em hãy nêu ngắn gọn cách hiểu của em về nét đặc sắc của ít nhất một trong các hình ảnh ấy?

– Nguyện ước của các tác giả về lẽ sống cống hiến, mong ước được hóa thân vào những hình ảnh nhỏ bé ấy mà dâng hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất một cách khiêm nhường, tự nguyện…

– Ý nghĩa sâu xa của các hình ảnh thơ được sáng tạo bằng nghệ thuật ẩn dụ đặc sắc… (HS có thể chọn 1 hoặc nhiều hình ảnh để nêu ngắn gọn cách hiểu, miễn đúng)

3: So sánh các cụm từ “Muốn làm” với “Ta làm” được các nhà thơ lặp lại trong 2 đoạn thơ, em hãy cho biết đây có phải là hình thức liên kết câu (phép lặp từ ngữ) trong văn bản không? Vì sao?

Đây không phải là hình thức liên kết câu (phép lặp từ ngữ) trong văn bản.

Vì đây chỉ là biện pháp tu từ điệp ngữ trong 1 khổ thơ.

4: Từ cách hiểu về thành phần biệt lập cảm thán, em hãy đặt một câu văn có sử dụng thành phần này để bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc-hiểu 2 đoạn thơ trên: (HS có thể chọn một từ cảm thán, cách ngăn với câu bằng dấu phẩy. Vị trí trước hoặc sau TP chính của câu)

VD: Chao ôi, các nhà thơ có ước mơ thật tuyệt vời!

Hai khổ thơ chứa đựng ước nguyện chân thành, tuyệt quá!

Ôi, thơ hay quá!

5: Tình cảm của 2 tác giả gửi gắm vào 2 bài thơ trên đã khơi gợi nơi người đọc về một khát vọng được sống có ích, góp phần làm đẹp cho đời. Em hãy viết bài văn nghị luận ngắn (từ 25 đến 30 dòng) nêu suy nghĩ của em về lẽ sống của tuổi trẻ Việt Nam ngày nay đối với đất nước.

HS có thể tạo một VB NLXH gồm 1 số ý cơ bản:

– Giải thích về lẽ sống cống hiến (Mỗi con người đều mong muốn được sống có ích cho xã hội, do đó, ngay từ khi tuổi còn trẻ, phải xây đắp ước mơ từ việc học tập, rèn luyện để sống có mục đích, có lý tưởng…)

– Lý tưởng và lẽ sống của tuổi trẻ VN là chứa đựng tình yêu đối với cuộc đời, và khát vọng được hiến dâng những gì tốt đẹp nhất của mình để chung tay xây đắp quê hương…Niềm hạnh phúc khi sống có ích, góp phần làm đẹp cuộc đời từ những việc nhỏ (Nêu biểu hiện, ý nghĩa…)

– Phê phán những người lười biếng, sống buông thả, không hoài bão, ước mơ hoặc thiếu ý chí, tự ti, ích kỉ, ăn bám gia đình, xã hội…

– Rút ra bài học nhận thức để có hướng phấn đấu, rèn luyện của tuổi trẻ VN (trở thành người có ích cho gia đình và xã hội…)

Đề 9

Viết đoạn văn khoảng 8 câu phân tích hình ảnh hàng tre trong khổ thơ đầu bài thơ Viếng lăng Bác, trong đoạn có câu văn dùng phần phụ chú (gạch chân chỉ rõ phần phụ chú đó).

Hướng dẫn làm bài

Đoạn văn có các ý sau:

– Hàng tre bát ngát trong sương là hình ảnh thực, hết sức thân thuộc của làng quê – hàng tre bên lăng Bác.

– Hàng tre xanh xanh Việt Nam….. là ẩn dụ, biểu tượng của dân tộc với sức sống bền bỉ, kiên cường.

– Hình ảnh ẩn dụ cũng gợi liên tưởng đến hình ảnh cả dân tộc bên Bác: đoàn kết, kiên cường, thực hiện lí tưởng của Bác, của dân tộc.

Đề 10

Mở đầu bài “Viếng lăng Bác”, Viễn Phương viết 3 câu đầu khổ 1:

“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.

Ôi! Hàng tre, xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

và cuối bài, nhà thơ bày tỏ nguyện ước: “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.

Theo em hình ảnh nào là hình ảnh ẩn dụ. Em cảm nhận được từ các hình ảnh ẩn dụ đó có ý nghĩa sâu xa như thế nào về tình cảm thiêng liêng cao đẹp của nhân dân với Bác Hồ kính yêu. Viết một đoạn văn làm rõ điều đó và trong đoạn có sử dụng 1 câu có thành phần phụ chú (gạch chân chỉ rõ)

Hướng dẫn làm bài

– Phân tích hình ảnh ẩn dụ: “ôi hàng tre xanh xanh VN. Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”.

– Cây tre là biểu tượng của dân tộc VN.

+ Xanh xanh: thể hiện sức sống dẻo dai, bền bỉ. Câu thơ thể hiện h ình ảnh quê hương, đất nước VN. HÌnh ảnh những con người quây quần, bảo vệ cho giấc ngủ của Người.

– Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này: Hình ảnh ẩn dụ “cây tre trung hiếu” là tình cảm của VP cũng như của nhân dân Miền Nam tha thiết muốn ở mãi bên người.

Hình ảnh giản dị chính là nỗi xúc động của toàn thể nhân dân miền nam trung hiếu: trung với Đảng, hiếu với dân. Đó vừa là một lời ước nguyện, vừa là một lời hứa thiêng liêng: DT VN mãi mãi trung thành với con đường CM mà Bác đã đặt ra.

Đoạn văn mẫu:

Hình ảnh hàng tre bên lăng Bác là một hình ảnh rất đẹp và độc đáo. Trước hết hàng tre gợi nhớ xóm làng thân thuộc với luỹ tre xanh bao bọc ở mỗi làng quê Việt Nam. Mặt khác, cây tre từng được coi là biểu tượng của con người Việt Nam với các đức tính cần cù, nhũn nhặn, hiên ngang, bền bỉ, đoàn kết. Hàng tre xanh xanh, màu xanh tượng trưng cho sức sống của Việt Nam. Cây tre được nhân hoá như những con người, như những người chiến sĩ đứng thẳng hàng vừa làm hàng rào danh dự, vừa canh giữ cho giấc ngủ bình yên mãi mãi của Người. Mặc cho bão táp, mưa sa, cây tre vẫn đứng thẳng hàng. Đến khổ thơ cuối, cây tre trở thành cây tre trung hiếu, thể hiện tấm lòng mãi mãi trung thành với sự nghiệp, với tư tưởng của Bác.

*********

Với các đề văn về bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương  kèm hướng dẫn làm bài chi tiết, hy vọng đã có thể đem đến cho các em một nguồn tài liệu hữu ích qua đó giúp em rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức Ngữ văn. Chúc các em luôn học tốt nhé!

Tham khảo các đề văn về bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương thường gặp trong đề thi mà thcs-thptlongphu đã tổng hợp. Các đề tham khảo có đáp án chi tiết phục vụ việc học tập và ôn thi của các em.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cac-de-van-ve-bai-vieng-lang-bac-cua-vien-phuong-co-dap-an-chi-tiet/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp