Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài Tây Tiến

0
133
Rate this post

Đề bài: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài Tây Tiến

cam hung lang man va tinh than bi trang trong bai tay tien

Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài Tây Tiến

Bạn đang xem: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài Tây Tiến

Bài làm:

Quang Dũng là một nghệ sĩ tài hoa luôn mang trong mình tình yêu sâu nặng với thiên nhiên và con người. Thật vậy, tài năng của ông được thể hiện rất rõ qua tác phẩm “Tây Tiến”. Đây là bài thơ được viết khi tác giả rời xa quân đoàn của mình và nhớ đến những người đồng đội đã từng gắn bó trong thời gian hoạt động cách mạng. “Tây Tiến” là khúc ca đầy xúc động với cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng về những người lính quả cảm sẵn sàng hy sinh vì dân tộc. Họ đã dành cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân để chiến đấu, để bảo vệ hòa bình cho đất nước.

Có ai không thấy nhớ khi phải rời xa những gương mặt mà mình từng rất thân thuộc, những tiếng nói, nụ cười đã bên mình trong những lúc khó khăn nhất. Thật vậy, từng dòng hồi ức cùng xúc cảm lại ùa về cuốn tác giả vào trong dòng sông kỉ niệm mà ông đã từng gắn bó. Nỗi nhớ nhung da diết ấy khiến người nghệ sĩ lạc vào dòng chảy của kỉ niệm để rồi ông lại mê man trong những kí ức mịt mờ.

Đó là khung cảnh rừng núi hùng vĩ, đẹp tươi mà cũng rất đỗi quen thuộc. Thế nhưng quặn lại trong lòng người nghệ sĩ ấy lúc này lại là hai chữ xa rồi, nỗi nhớ không rõ ràng mà trở nên chơi vơi. Sự mông lung, mờ mịt khiến con người không sao thoát ra khỏi chính mê cung kí ức do mình tạo ra để rồi bất lực chìm đắm vào trong dòng chảy đó. Lênh đênh giữa đại dương kí ức là thế nhưng ông vẫn cảm nhận được sự mỏi mệt của người lính trên đường hành quân của họ. Đó là những gian khổ, khó khăn tột cùng khi phải đối chọi với thiên nhiên hung dữ, rồi lại đến những hiểm họa không lường trước được của nơi rừng thiêng nước độc. Là thú dữ, là địa hình éo le “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”.

Người lính phải vượt qua ngàn gian khổ để tiếp tục cuộc hành trình của mình, thế nhưng dù mạnh mẽ, cứng cáp đến đâu thì họ vẫn chỉ là những con người nhỏ bé và cũng phải tuân theo quy luật của tự nhiên. Họ cũng có những lúc đau ốm, mỏi mệt. Hình ảnh người chiến sĩ bị đói rét, bị những cơn sốt hành hạ khiến ta động lòng rơi nước mắt, đau đớn là thế nhưng Quang Dũng lại tự tay vẽ lên một chân dung người lính thật phi phàm. Đó là cái vẻ dữ oai hùm bởi “đoàn quân không mọc tóc”, “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Người lính vốn phải chịu đựng những cơn sốt đau đớn đến quằn quại thế nhưng bằng ngòi bút tài hoa của mình Quang Dũng đã vẽ lên hình tượng người chiến sĩ bất khuất, oai phong lẫm liệt.

Chiến tranh luôn đi kèm theo những đau thương mất mát. Thật vậy, trên đường hành quân gian khổ đã có bao người phải kết thúc cuộc hành trình của mình mặc dù còn dang dở, sức chịu đựng của con người cũng chỉ đến một giới hạn nào đó và cũng có lúc không thể chịu đựng được nữa. Nhiều anh lính đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc, lấy tấm thân nhỏ bé ra đối chọi với thiên nhiên nhưng số phận lắt léo đã mang người chiến sĩ ấy đi đến một nơi nào đó xa, xa mãi. Anh đã trút hơi thở cuối cùng bên đồng đội, anh dâng hồn mình cho đất trời và cầu mong lời nguyện cầu của mình sẽ đến tai chúa trời. Anh gửi gắm tâm nguyện vào những người còn lại, đó là tương lai dân tộc, là trách nhiệm mà anh còn đang dang dở.

Sự ra đi của người lính không theo một nghi lễ thông thường nào cả mà dường như nó nâng lên đẳng cấp của vũ trụ. Người lính ra đi trong sự tiếc thương của đất trời, sông núi cũng tiếc thương cho sự ra đi của anh để rồi “Gầm lên khúc độc hành”. Anh đã về với đất mẹ và từ nơi xa đó dõi theo những đồng chí, đồng đội của mình, anh nguyện cầu cho tương lai tươi sáng của dân tộc, sẽ không còn đau thương, không mất mát đau đớn, không còn bất hạnh nào xảy đến với con người nhỏ bé nữa.

Người lính tưởng chừng như chai sạn vì súng đạn, sống nơi chiến trường khốc liệt nên khô cằn không biết yêu thương thế nhưng ẩn sâu trong các anh lại là một trái tim dạt dào tình yêu thương. Đó là tình yêu dành cho người con gái ở quê mà anh hứa đi rồi sẽ trở về. Là ánh mắt ngập tràn yêu thương gửi trao xuyên biên giới, tâm hồn người lính tràn đầy trách nhiệm vì dân vì nước nhưng cũng chừa chỗ cho tình yêu của đời mình.

Nét lãng mạn trong “Tây Tiến” cũng được thể hiện rõ qua hình ảnh về cuộc sống sinh hoạt của người dân miền núi. Là nét đẹp của “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” hay là hình ảnh “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Trong suốt cuộc hành trình gian khổ của người lính, luôn có sự giúp đỡ của những người dân miền núi, nhờ có họ mà đời sống tinh thần người lính trở nên phong phú hơn. Đó là hội đuốc hoa, là hình ảnh cô thiếu nữ thẹn thùng e ấp trong bộ váy xinh đẹp. Tất cả gắn bó với cuộc đời người lính, đó là những kỉ niệm khó quên và chẳng thể nào phải mờ đi được.

Cuộc đời người lính gian khổ, khó khăn trùng trùng điệp điệp là như thế nhưng họ vẫn không chùn bước. Ngày qua ngày, đôi bàn chân họ đạp trên đá sỏi, mặc cho sương mù giăng lối, mặc trời đất quay cuồng đảo điên thế nhưng trái tim người lính kia vẫn sáng ngời lí tưởng, trái tim nóng rực tình yêu quê hương đất nước. Ngày nay, đất nước đã bình yên, cuộc sống đã no đủ và không còn nhiều người phải sống trong cảnh khổ cực, đau đớn nữa. Thế nhưng, ở thế giới ngoài kia vẫn còn có những người cống hiến thầm lặng cho bình yên của đất nước, họ đem sức lực của mình để góp phần bảo vệ, phát triển đất nước giàu đẹp hơn.

Quang Dũng đã dựng lên một bức tượng đài bất hủ về hình ảnh người lính, đó là những con người dũng mãnh với trái tim sắt đá quyết bảo vệ độc lập dân tộc cho dù có phải hy sinh cả tính mạng. Tuy cuộc sống có nhiều ngang trái, khổ cực thế nhưng không gì có thể ngăn cản được tình yêu họ dành cho dân tộc, họ ra đi thực hiện nghĩa vụ to lớn, là gánh nặng của cả dân tộc, là mối lo nước nhà. Dù thời gian có qua đi nhưng huyền thoại về người lính thì vẫn sẽ còn mãi, là hình mẫu lí tưởng để thanh niên chúng ta thời nay noi theo.

———————HẾT————————-

Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các em bài văn mẫu Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài Tây Tiến, tìm hiểu về vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến, các em không nên bỏ qua: Phân tích 8 câu thơ đầu Tây Tiến, Bình giảng bài thơ Tây Tiến, Chất lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến, Phân tích khổ 3 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

 

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-hung-lang-man-va-tinh-than-bi-trang-trong-bai-tay-tien/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp