Cảm nghĩ của em về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

0
114
Rate this post

Đề bài: Cảm nghĩ của em về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

cam nghi cua em ve truyen thuyet an duong vuong va mi chau trong thuy

Bạn đang xem: Cảm nghĩ của em về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

Cảm nghĩ của em về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

1. Cảm nghĩ của em về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, mẫu 1:

Truyền thuyết là một thể loại truyện dân gian nhằm ghi chép những sự kiện, nhân vật liên quan đến lịch sử. Chúng ta biết đến một số truyền thuyết như “Sơn Tinh,Thủy Tinh” , “Thánh Gióng”, “Con Rồng cháu Tiên”… Đến với truyền thuyết “An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy”, chúng ta sẽ thấy được một tinh thần chống giặc ngoại xâm của cha ông ta ngày xưa, bên cạnh đó là bài học đắt giá về tinh thần luôn luôn cảnh giác với kẻ thù bên ngoài. Chúng ta cũng thấy được cách xử lí, hành xử đúng đắn giữa các mối quan hệ trong xã hội từ gia đình đến tình yêu cá nhân.

Trước tiên, ta thấy được công lao to lớn của An Dương Vương trong việc xây dựng Loa Thành và chế ra nỏ thần để giữ thành, giữ nước. Thục Phán đã cho xây thành ở đất Việt Thường nhưng khó khăn chồng chất khi đắp đến đâu thì lở tới đấy. Nhưng ông không nản chí, với tấm lòng của một vị vua muốn giữ nước ông quyết định lập đàn trai giới, cầu các vị thần linh. Tấm lòng của ông đã thấu cả trời xanh nên đã có một cụ già xuất hiện đúng ngày bảy tháng ba. Cụ già này chính là nhân vật thần kì do nhân dân sáng tạo ra nhằm đề cao tinh thần xây thành giữ nước của vua Thục Phán là rất đúng đắn. Ông xây thành ắt sẽ được giúp đỡ. Quả đúng như lời cụ già đã nói, Rùa Vàng xuất hiện tự xưng là sứ Thanh Giang thông tỏ mọi việc. Rùa Vàng đã giúp cho An Dương Vương xây dựng Loa Thành. Thành là một công trình vô cùng đồ sộ và kiên cố “Thành rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc”. Điều này cho thấy rằng, An Dương Vương đã có ý thức rất lớn phòng trừ trước nguy cơ bị giặc xâm lược. Sau khi xây thành xong, vua còn nhờ Rùa Vàng nói bí quyết để giữ thành, giữ nước. Nhờ chiếc vuốt của Rùa Vàng mà chế ra được nỏ thần gọi là “Linh quang Kim Quy thần cơ”. Có thành trì kiên cố, có nỏ thần – một vũ khí tấn công mà Rùa Vàng đã nói “Giữ vật này làm lẫy nỏ. Khi có giặc, mang ra bắn thì sẽ không lo gì nữa” mà vua An Dương Vương đã đánh đuổi quân Triệu Đà. Nỏ thần bắn một phát chết hàng vạn tên khiến giặc thua phải khiếp sợ và xin cầu hòa. Nhưng có thực là An Dương Vương giữ nước bằng thực lực của bản thân không khi nhờ Rùa Vàng mà An Dương Vương xây dựng được thành, cũng nhờ Rùa Vàng mới chế được nỏ thần. Chính việc chiến thắng quá dễ dàng trước quân giặc đã khiến cho ông chủ quan khinh thường giặc và cuối cùng để dẫn hậu quả về sau này.

Bi kịch sau này chính là nước mất, nhà tan. Chính Triệu Đà là quân sang xâm lược nước ta, và chúng bị đánh thua ắt hẳn sẽ rất thù hằn mà nhằm cơ hội tấn công lại. Vậy mà, khi Triệu Đà cầu hôn, nhà vua đã gả con gái Mị Châu cho con trai Đà là Trọng Thủy. Lại còn để Trọng Thủy ở rể chẳng khác nào rước giặc vào nhà. An Dương Vương đã mất sự cảnh giác và tạo cơ hội cho tên gián điệp kia biết được bí mật của vũ khí chống lại giặc. Trọng Thủy đã dùng lời lẽ ngọt ngào để Mị Châu tin tưởng, nhằm lấy nỏ thần đưa cho hắn. Nàng đâu biết rằng chính hành động đó đã làm mất nước, mất gia đình, mất cả tình yêu của mình. Đã chiếm được nỏ thần, Triệu Đà bèn xâm lược lại nhưng An Dương Vương rất chủ quan, ỷ lại có nỏ thần. Quân giặc sang xâm lược mà vua còn thản nhiên đánh cờ nói: “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Sự chủ quan, mất cảnh giác và ỷ lại vào vũ khí của thần đã khiến cho bi kịch nước mất nhà tan là tất yếu. Đó chính là bài học đắt giá cho thái độ mất cảnh giác trước kẻ thù xâm lược. Đến lúc vua bỏ chạy cùng con gái ra bờ biển Rùa Vàng đã hiện lên thét lớn: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc”. Câu nói của Rùa Vàng chính là lời kết tội của nhân dân trước hành động của Mị Nương. Hành động đó tuy chỉ là hành động vô tình vì sự tin tưởng người chồng nhưng nhà vua đã tự tay chém đứa con gái của mình. Thật đau đớn biết bao!

Truyện còn hiện lên một bi kịch của tình yêu giữa Mị Châu -Trọng Thủy. Bi kịch tình yêu ấy cũng gắn liền bi kịch của đất nước. Mị Châu chỉ là cô công chúa trong sáng, ngây thơ, nghe lời vua cha mà lấy Trọng Thủy. Trọng Thủy vốn dĩ có yêu thương gì Mị Châu, hắn đến nước Âu Lạc chỉ để làm gián điệp và tìm cách cướp lấy nỏ thần. Mị Châu luôn giữ là một người vợ yêu chồng, thủy chung và cả sự yêu đuối của người con gái trước sự dỗ dành ngon ngọt của tên gián điệp. Khi lấy được nỏ thần, trước khi về nước, trong lời nói của Trọng Thủy có nói rõ âm mưu nhưng Mị Châu đã không nghĩ đến mà chỉ cho rằng thể hiện lòng thủy chung của tình yêu vợ chồng. Biết mình có tội Mị Châu chấp nhận cái chết, nàng chỉ cầu mong được giải oan qua hình tượng: máu – châu ngọc. Mị châu vừa có một tình yêu chân thật và vừa có trách nhiệm với đất nước. Nàng không cố tình để đất nước mình rơi vào tay kẻ thù. Còn với Trọng Thủy, mặc dù sau có nhảy xuống dưới tử tự khi thấy hình bóng của Mị Châu nhưng nó chỉ thể hiện sự hối lỗi với Mị Châu.

Truyền thuyết “An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy” đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc. Nhân dân ta vừa ca ngợi công lao của An Dương Vương trong việc dựng thành bảo vệ đất nước nhưng cũng phê phán ông đã quá chủ quan để cuối cùng đất nước lại rơi vào tay giặc. Truyện cũng có một bi kịch của tình yêu giữa Mị Châu – Trọng Thủy để cho chúng ta một bài học về sự cảnh giác bởi kẻ thù có khi ngay ở bên cạnh ta.

 

2. Cảm nghĩ về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, mẫu 2:

Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một câu chuyện dã sử hư cấu, nhằm giả thích cho việc An Dường Vương vì sao làm mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà phương Bắc. Tuy câu chuyện chỉ nói rất ngắn gọn về ba nhân vật chính, nhưng tinh ý ta có thể nhận ra đây là một câu chuyện đầy bi kịch, đó là bi kịch về tình cha con, bi  kịch về tình yêu vợ chồng, cuối cùng là bi kịch nước mất, nhà tan. Mà cả ba nhân vật chính đều có kết cục bi thảm, phần là để đền tội, phần âu cũng là sự giải thoát khỏi số phận và những sai lầm đã mắc phải.

Trước hết, ta nói về An Dương Vương, ông là một người tài giỏi, mưu lược, lại anh dũng, có tấm lòng yêu nước thương dân. Chính vì thế nên đã được vua Hùng thứ 18 truyền lại ngôi vua. Trong 50 năm trị vì, quốc thái dân an, ông là một vị vua tốt, nên được sự giúp đỡ của sứ Thanh Giang là Rùa Vàng, ban cho điềm lành, ban cho nỏ thần. Nhưng có lẽ đây cũng là sự khởi đầu của việc mất nước sau này, bởi Rùa Vàng đã từng nói một câu: “Vận nước suy thịnh, xã tắc an nguy đều do mệnh trời, con người có thể tu đức mà kéo dài thời vận”. Âý là lời khuyên răn đầy sâu xa mà sứ Thanh Giang dành cho nhà vua. Tuy nhiên An Dương Vương, lại quên mất, chỉ biết đến nỏ thần kỳ diệu, đánh đuổi muôn giặc thù. Từ đó nhà vua trở nên chủ quan, không có cái lòng mưu tính, ngờ vực của một quân vương, dễ dàng gả con gái yêu của mình cho con trai kẻ thù cũ, thậm chí còn cho ở rể. Thật sự chưa có cái dại nào hơn thế, nghĩ sâu xa hơn có lẽ cậy có nỏ thần nhà vua cũng chẳng chăm rèn luyện quân đội, để thế nước trở nên suy kiệt. Chẳng vậy mà quân Triệu Đà mới tiến đánh một trận, nhà vua đã phải bỏ chạy thoát thân về phía nam, lúc này đây điềm lành hay nỏ thần cũng thành vô nghĩa, bởi vốn dĩ đất nước đã đến hồi kết. Chi tiết nhà vua chém chết Mị Châu, có lẽ một phần là để bắt kẻ có tội đền nợ nước, phần là do nỗi xấu hổ vì để mất nước mình nên đành trút hết tức giận lên đứa con gái khờ dại của mình. Sau đó nhà vua theo Rùa Vàng về biển Đông, có nhiều thuyết khác cho rằng nhà vua cũng đã trầm mình xuống biển để đền nợ nước, chứ không phải là cầu cứu Rùa Vàng. Thiết nghĩ chi tiết này phù hợp hơn cả, bởi thật sự nhà vua có trách nhiệm rất lớn trong việc làm mất nước.

Còn về Mị Châu, nàng bị xem là tội đồ, là nguyên nhân chính dẫn tới bi kịch mất nước. Quả thực đúng vậy, nếu như nàng không cả tin, cho Trọng Thủy mượn nỏ thần, để Trọng Thủy đánh cắp thì có lẽ cũng không thành cớ sự như vậy. Sai lầm lớn nhất của của Mị Châu là nàng chỉ làm đúng vai trò của người vợ tốt, hết lòng tin tưởng chồng, yêu thương chồng, nhưng nàng lại quên mất nàng còn là một công chúa, trên vai nàng còn có trách nhiệm với dân tộc, với đất nước. Một người phụ nữ thường sống trong cảnh lầu son gác tía, nên ngây thơ, không trải đời, đứng trước bi kịch mất nước, bị cha toan giết, bị chồng phản bội, rơi vào cảnh mất nước nhà tan. Chắc phải đau đớn và hối hận lắm, nếu không bị cha giết có lẽ nàng cũng tự quyên sinh để rửa mối nhục thù. Chi tiết ngọc trai giếng nước, âu cũng là niềm an ủi cho vong hồn, cho tấm lòng trong sáng, oan khuất của Mị Châu, người con gái vừa đáng thương lại cũng đáng trách.

Cuối cùng là nhân vật Trọng Thủy, truyện không đề cập nhiều về hắn, nhưng Trọng Thủy quả là người không từ thủ đoạn, sẵn sàng kết hôn vì mục đích chính trị, ăn cắp nỏ thần. Hành động của Trọng Thủy đối với nước hắn đó là hy sinh vì việc lớn, đối với với nhân dân Âu Lạc, đối với Mị Châu là sự vô sỉ, tàn nhẫn cùng cực, không đáng mặt đấng nam nhi. Thử hỏi có hay ho gì khi đi lừa một người phụ nữ yếu đuối, lại tin yêu mình hết mực? Chi tiết cuối truyện, Trọng Thủy tự tử ở giếng Mị Châu thường tắm, đó là biểu hiện của sự ân hận, của sự hổ thẹn khôn nguôi về những chuyện trái lương tâm mà hắn làm, hắn phải đền tội. Có người thắc mắc, Trọng Thủy có tình cảm với Mị Châu hay không, câu trả lời chắc là có, nhưng so với người con gái ấy, hắn lại càng yêu quyền lực hơn cả. Khi Mị Châu chết, Trọng Thủy có hối hận cũng muộn, hắn mãi mãi bị ám ảnh bởi hình bóng Mị Châu, chỉ cái chết mới làm hắn được giải thoát khỏi đau khổ ấy. Trọng Thủy chết, nước giếng đem rửa ngọc trai mò ở biển nơi Mị Châu chết, thì ngọc sáng và đẹp hơn. Đây là một chi tiết thể hiện việc Trọng Thủy đang ngàn năm phải rửa nỗi oan khuất cho Mị Châu.

Truyền thuyết đem lại cho người đọc một câu chuyện lịch sử, lại xen vào những chi tiết hư cấu nhằm tăng sức hấp dẫn cho truyện, đồng thời là lời giải thích cho những bi kịch xảy ra. Các nhân vật trong truyện đều có chỗ đáng trách lại cũng có chỗ đáng thương, âu thì đây cũng là số mệnh cả. Bài học rút ra từ câu chuyện này là lời cảnh tỉnh đến từng người, trong lối ứng xử với người thân, gia đình, chồng vợ, trách nhiệm với đất nước. Chúng ta phải biết cân nhắc đến những lợi hại trong hành vi của mình, bởi mỗi một thay đổi đều đem đến những kết cục khác nhau. Người ta thường cảm thán nếu như An Dương Vương không cậy vào nỏ thần, không gả Mị Châu cho Trọng Thủy, nếu như Mị Châu không cả tin cho Trọng Thủy xem nỏ,… Thế nhưng nếu như mãi chỉ là nếu như, bởi sai một li đi một dặm, không bao giờ còn có thể cứu vãn được nữa.

————————HẾT—————————–

An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy được biết đến là một truyền thuyết nổi tiếng của Việt Nam, ngoài bài làm văn Cảm nghĩ của em về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, các bạn học sinh và thầy cô cũng có thể tham khảo thêm những bài làm văn mẫu khác như Hãy tưởng tượng mình là Mị Châu, kể lại câu chuyện Nỏ thần và Trọng Thuỷ, Sau khi xuống thuỷ cung, Trọng Thuỷ đã gặp lại Mị Châu. Kể lại diễn biến câu chuyện đó, cảm nhận truyện Mị Châu Trọng Thủy, Em hiểu gì về các chi tiết xoay quanh nhân vật Mị Châu hay cả những nội dung phần Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy các bạn cùng học tập.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nghi-cua-em-ve-truyen-thuyet-an-duong-vuong-va-mi-chau-trong-thuy/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp