Đề bài: Cảm nghĩ về biển đảo Tổ quốc và người chiến sỹ hải quân
Cảm nghĩ về biển đảo Tổ quốc và người chiến sỹ hải quân
Bạn đang xem: Cảm nghĩ về biển đảo Tổ quốc và người chiến sỹ hải quân
I. Dàn ý Cảm nghĩ về biển đảo Tổ quốc và người chiến sỹ hải quân
1. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề: Biển đảo quê hương và người chiến sĩ hải quân.
2. Thân bài
a. Biển đảo quê hương:
– Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ không có nghĩa là chỉ giữ gìn vùng đất mà còn là bảo toàn cả vùng trời và vùng biển cả bao la.
– Biển đảo quê hương ta chính là nguồn gấm vóc quý giá của dân tộc, thứ mà ông cha ta biết bao thế hệ đã bảo vệ và gìn giữ bằng máu xương, chính vì vậy đến ngày hôm nay khi đã được sống trong một điều kiện nhiều thuận lợi, chúng ta lại càng phải biết trân quý và bảo vệ.
– Nước ta có một lãnh thổ, lãnh hải có nhiều điều kiện vô cùng tuyệt vời, đóng vai trò quan trọng trong quân sự – chính trị – kinh tế, mà không phải quốc gia nào cũng có được.
– Với đặc điểm địa hình lãnh thổ có đường bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam dài 3260km, 28/63 tỉnh thành có biển, điều đó dẫn đến một điều tất yếu rằng một phần lớn kinh tế và đời sống nhân dân Việt Nam là nhờ mẹ biển cả nuôi nấng.
– Biển cả đã trở thành một con đường giao lưu văn hóa mới giữa các quốc gia dân tộc rất khác nhau, mở ra một cánh cửa mới cho sự kết nối giữa các lục địa khác nhau, mở rộng thêm sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.
– Đối với những người dân miền biển, biển cả không chỉ đơn thuần là một nơi để họ kiếm kế sinh nhai, mà biển cả đã trở thành một người mẹ rất mực kính trọng, lúc nghiêm khắc giận dữ với những cơn bão táp cuồng nộ như để răn dạy những đứa con còn thơ dại, lúc lại rất bao dung, hào phóng cho con tôm cá đầy ghe, cho con một cuộc sống ấm no, sung túc.
– Ngày nay biển cả không chỉ làm mỗi nhiệm vụ cho chúng ta nguồn hải sản dồi dào, mà hơn thế nữa nó còn đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của đất nước với bằng việc con người khai thác bờ biển phục vụ hoạt động du lịch, ngoài khơi xa con người tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí trên các thềm lục địa.
* Tiểu kết:
– Mỗi con người chúng ta cần phải thấu hiểu sự quan trọng của biển đảo trong việc duy trì, giữ gìn và bảo vệ chủ quyền của đất nước.
– Cần ý thức được rằng mọi mối nguy hại đối với vùng biển của quốc gia đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống yên bình và tốt đẹp của mỗi chúng ta bao gồm sự ô nhiễm môi trường biển và sự đe dọa chủ quyền trên biển của các thế lực thù địch.
b. Người chiến sĩ hải quân:
– Ngày hôm nay chúng ta phải công tâm hơn khi dành thêm nhiều tình yêu thương và lòng trân trọng đặc biệt đối với những chiến sĩ đang ngày đêm canh gác nơi đảo xa, chiến đấu ngay cả trong thời bình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.
– Họ chiến đấu không chỉ là với sóng dữ, bão giật liên miên mà còn là với những thế lực thù địch luôn mang trong mình âm mưu bành trướng trên vùng biển của nước ta một cách trắng trợn.
– Nhắc lại lịch sử chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển của nước ta (trận chiến Gạc Ma 14/3/1988). Là sự nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo của đất nước, giặc dữ không làm gì được ta trên đất liền, thì chúng lại ngấp nghé vùng biển cả. Và nhiệm vụ của người lính hải quân lại càng trở nên trọng yếu và nặng nề.
– Sự hy sinh to lớn của người chiến sĩ hải quân:
+ Chấp nhận rời bỏ quê hương êm ấm, vòng tay mẹ già, người vợ mới cưới, những đứa em thơ để lên đường đi làm nhiệm vụ thiêng liêng.
+ Cuộc sống khó khăn muôn bề, ngày đêm hứng chịu sóng, gió đại dương, liên tục đối diện nhiều hiểm nguy từ những trận bão rung giật nhà giàn, từ những đợt lượn phướn, xâm phạm bằng tàu của kẻ thù.
+ Luôn phải chuẩn bị cho mình một tinh thần thép, một sự hy sinh vì Tổ quốc có thể ập đến bất cứ lúc nào, thậm chí đó là những cái chết đớn đau, thảm thiết, thân thể mãi làm bạn với biển khơi.
+ Không được hưởng niềm vui ấm êm bên cạnh gia, vài năm với được nghỉ phép một lần, nhưng sự sum họp ngắn ngủi ấy làm sao bù đắp được cho họ và gia đình những ngày tháng cách biệt trùng trùng.
3. Kết bài:
Nêu cảm nhận.
II. Bài văn mẫu Cảm nghĩ về biển đảo Tổ quốc và người chiến sỹ hải quân
“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa
Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua
Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền…”
Được sinh ra và lớn lên giữa buổi đất nước đã bình yên sau gần một thế kỷ tranh đấu, trải qua hai cuộc kháng chiến anh hùng đầy máu và lửa của dân tộc, tôi không khỏi cảm thấy bản thân mình thật hạnh phúc và may mắn biết bao. Rồi lại nghĩ về những con người đã ngã xuống đã hy sinh cho Tổ quốc được độc lập tự do, họ đều là những con người đáng kính đáng ngưỡng mộ, mà mỗi chúng ta ngày hôm nay được hít thở bầu không khí của tự do của hòa bình đều phải ghi nhớ muôn đời. Lãnh thổ Việt Nam ta, chủ quyền đất nước ta là một khái niệm rộng lớn bao gồm vùng đất, vùng trời và vùng biển, trong đó biển đảo, phần máu thịt thiêng liêng không bao giờ có thể tách khỏi hai từ đất nước, trong thời buổi ngày hôm nay chúng ta lại càng phải thêm phần trân quý và dành cho nó một tình yêu xứng đáng hơn cả. Và nhắc đến vùng biển đảo, món quà vô giá mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho dân tộc ta từ bao đời nay với biết bao sản vật, nguồn lợi nuôi sống nhân dân ta ngàn đời, chúng ta lại càng không thể quên những con người đã dành cả tuổi thanh xuân để canh giữ, bảo vệ một phần của Tổ quốc, tiên phong đối đầu với từng cơn sóng dữ, từng ngọn gió mang nặng mùi muối biển. Có thể nói rằng chủ đề biển đảo quê hương và người chiến sĩ hải quân từ bao thế hệ vẫn đem đến cho người ta nhiều xúc cảm yêu thương và trân trọng vô cùng.
Sinh ra và lớn lên khi Tổ quốc đã độc lập, chúng tôi vẫn thường nghe tiếng cha ông vọng về, kể lại cho con cháu nghe về lịch sử chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm của dân tộc thông qua những trang sách sử, thấm nhuần câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đặc biệt khi nghe đến hai từ “chủ quyền” dân tộc, dường như mở ra cho tôi một chân trời mới rằng, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ không có nghĩa là chỉ giữ gìn vùng đất mà còn là bảo toàn cả vùng trời và vùng biển cả bao la. Trong thời buổi hiện nay, tuy đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, thế nhưng chúng ta vẫn luôn phải ngày đêm đấu tranh quyết liệt các thế lực thù địch đang chống phá trên nhiều phương diện. Đặc biệt tại biển Đông, nơi nước ta có chủ quyền, hiện nay cũng liên tục xảy ra nhiều tranh chấp, với sự bành trướng mạnh mẽ của các quốc gia có âm mưu độc chiếm vùng biển có ý nghĩa chiến lược trong quân sự – chính trị – kinh tế này. Đảng và nhà nước ta lại càng phải mạnh mẽ và kiên quyết trong việc bảo vệ vùng biển của quốc gia, không một giây phút nào ngơi nghỉ hay buông lỏng cảnh giác. Biển đảo quê hương ta chính là nguồn gấm vóc quý giá của dân tộc, thứ mà ông cha ta biết bao thế hệ đã bảo vệ và gìn giữ bằng máu xương, chính vì vậy đến ngày hôm nay khi đã được sống trong một điều kiện nhiều thuận lợi, chúng ta lại càng phải biết trân quý và bảo vệ. Phải nói rằng, Tổ quốc ta tuy diện tích nhỏ hẹp, thế nhưng cũng may mắn rằng nhờ mẹ thiên nhiên ưu ái, nhờ cha ông hết lòng tranh đấu, bảo vệ, nước ta đã có được một lãnh thổ, lãnh hải có nhiều điều kiện vô cùng tuyệt vời, đóng vai trò quan trọng trong quân sự – chính trị – kinh tế, mà không phải quốc gia nào cũng có được. Chương trình Địa lý lớp 12 đã bao quát vùng biển của nước ta với một số ý chính như sau: “Lãnh thổ Việt Nam là một khối thống nhất và toàn vẹn bao gồm vùng đất, vùng biển và vùng trời. Nước ta có đường bờ biển dài 3260 km, cong hình chữ S, chạy từ thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) ở phía Bắc đến thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) ở phía Tây Nam… Nước ta có hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là các đảo ven bờ và có hai quần đảo ở ngoài khơi xa trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa). Theo quan niệm mới về chủ quyền quốc gia thì vùng biển Việt Nam có diện tích khoảng 1 triệu km2 ở biển Đông. Biển Đông đối với nước ta là một hướng chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước. Các đảo và quần đảo tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo, thềm lục địa. Việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các đảo và quần đảo có ý nghĩa là cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo”. Đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò của biển đảo với sự phát triển bền vững của đất nước, khi từ ngàn đời nay nhân dân ta đã sống và gắn bó chặt chẽ với biển khơi. Với đặc điểm địa hình lãnh thổ có đường bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam dài 3260km, 28/63 tỉnh thành có biển, điều đó dẫn đến một điều tất yếu rằng một phần lớn kinh tế và đời sống nhân dân Việt Nam là nhờ mẹ biển cả nuôi nấng. Hơn thế nữa, khi con người đã bắt đầu biết đến các cuộc khám phá, di cư bằng tàu bè từ khoảng 500 năm trước, thì biển cả đã trở thành một con đường giao lưu văn hóa mới giữa các quốc gia dân tộc rất khác nhau, mở ra một cánh cửa mới cho sự kết nối giữa các lục địa khác nhau, mở rộng thêm sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Đối với những người dân miền biển, quanh năm quen mùi muối biển, mùi gió khơi xa thì biển cả không chỉ đơn thuần là một nơi để họ kiếm kế sinh nhai, mà biển cả đã trở thành một người mẹ rất mực kính trọng, lúc nghiêm khắc giận dữ với những cơn bão táp cuồng nộ như để răn dạy những đứa con còn thơ dại, lúc lại rất bao dung, hào phóng cho con tôm cá đầy ghe, cho con một cuộc sống ấm no, sung túc. Trong lòng ngư dân biển cả đã trở thành nhà, họ dành cho biển một tình yêu giống như người nông dân yêu mảnh ruộng, như nhà văn yêu cây bút, một thứ tình yêu trân trọng và tôn thờ. Ngày nay biển cả không chỉ làm mỗi nhiệm vụ cho chúng ta nguồn hải sản dồi dào, mà hơn thế nữa nó còn đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của đất nước với bằng việc con người khai thác bờ biển phục vụ hoạt động du lịch, ngoài khơi xa con người tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí trên các thềm lục địa. Nguồn dầu mỏ và khí đốt dưới sâu đáy biển đã trở thành trợ lực lớn mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam ta, kéo theo đó là sự phát triển về các mặt chính trị, quân sự,… Nhưng có lẽ rằng chỉ có một mình người ngư dân, hay những tổ chức có ràng buộc lợi ích tại biển hiểu và yêu thương vùng biển của Tổ quốc thì quả thực là chưa đủ, ta cần một tình yêu đến từ toàn thể dân tộc Việt Nam. Mỗi con người chúng ta cần phải thấu hiểu sự quan trọng của biển đảo trong việc duy trì, giữ gìn và bảo vệ chủ quyền của đất nước. Cần ý thức được rằng mọi mối nguy hại đối với vùng biển của quốc gia đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống yên bình và tốt đẹp của mỗi chúng ta. Những nguy hại ấy có thể kẻ đến tiêu biểu như sự ô nhiễm môi trường biển do các hoạt động sản xuất, công nghiệp, sinh hoạt, hoạt động du lịch đã xả một lượng lớn các loại chất thải nguy hại ra môi trường biển làm ô nhiễm nghiêm trọng vùng biển ven bờ, khiến các loài sinh vật biển nhiễm độc, đẩy chúng ra xa ngoài khơi, cuối cùng dẫn đến hậu quả là nguồn hải sản khan hiếm, ngư dân thường xuyên phải đánh bắt xa bờ, gặp nhiều khó khăn hơn hẳn. Như vậy sự phát triển và vô ý thức của ngành này đã vô tình trở thành con dao chống lại một ngành khác, kìm hãm sự phát triển kinh tế đồng đều của đất nước. Vấn đề nguy hại thứ hai, đồng thời cũng là vấn đề nóng của đất nước trong hàng chục năm trở lại đây chính là sự đe dọa chủ quyền biển đảo một cách trắng trợn từ nước láng giềng. Đây được xem là vấn đề nhức nhối và cần có một biện pháp thương lượng khôn khéo để bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như mối quan hệ bang giao hữu hảo giữa các quốc gia. Đòi hỏi Đảng và nhà nước ta dành nhiều tâm sức, cùng với sự đồng lòng quân dân trong quá trình đấu tranh đầy khó khăn này.
Nhắc tới biển đảo và quên đi người chiến sĩ hải quân quả thực đó là một điều thiếu sót vô cùng lớn. Có lẽ rằng thế hệ chúng ta đã quen những bài học, những câu chuyện kể về người lính chiến trên đất liền với biết bao gian khó vất vả thời chống Pháp, chống Mỹ hào hùng, đầy máu và nước mắt. Thì ngày hôm nay chúng ta phải công tâm hơn khi giành thêm nhiều tình yêu thương và lòng trân trọng đặc biệt đối với những chiến sĩ đang ngày đêm canh gác nơi đảo xa, chiến đấu ngay cả trong thời bình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Họ chiến đấu không chỉ là với sóng dữ, bão giật liên miên mà còn là với những thế lực thù địch luôn mang trong mình âm mưu bành trướng trên vùng biển của nước ta một cách trắng trợn. Hẳn chúng ta đã nghe và vẫn còn nhớ ngày 14/3/1988 lịch sử tại đảo đá Gạc Ma, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hy sinh anh dũng trên vùng biển của quê hương để bảo vệ từng hòn đá, hòn sỏi của dân tộc. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, một cuộc chiến mà chưa cần đánh họ đã biết rằng bản thân mình lần này “một đi không trở lại”, thế nhưng trong lịch sử dân tộc người lính Việt Nam chưa từng lùi bước dù chỉ một lần. Trong tâm hồn những con người bất khuất ấy luôn vững vàng một suy nghĩ dù là đất liền hay biển đảo cũng đều là máu thịt quê hương, họ quyết hy sinh máu thịt của mình để bảo vệ từng tấc đất, từng hạt muối của dân tộc, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù độc ác và phi nghĩa. Trận chiến Gạc Ma dù đã đi qua 32 năm, thế nhưng nỗi đau về sự hy sinh và mất mát của những người con anh hùng vẫn còn mãi in dấu trong tấm lòng những đồng chí, đồng đội, thân nhân của họ và tất cả những người dân Việt Nam. Đồng thời đó cũng là sự nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo của đất nước, giặc dữ không làm gì được ta trên đất liền, thì chúng lại ngấp nghé vùng biển cả. Và nhiệm vụ của người lính hải quân lại càng trở nên trọng yếu và nặng nề. Hãy nhớ rằng, khi chúng ta yên giấc say nồng, thì ngày đêm vẫn có những con người đứng nơi đầu sóng ngọn gió, căng mắt nhìn về vùng biển xa xăm, dõi theo từng biến động của biển cả. Vì Tổ quốc, vì nhân dân người lính hải quân đã hy sinh quá nhiều, đó là những hy sinh chúng ta sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng nổi. Một người lính chấp nhận rời bỏ quê hương êm ấm, vòng tay mẹ già, người vợ mới cưới, những đứa em thơ để lên đường đi làm nhiệm vụ thiêng liêng ấy là bảo vệ biển cả. Ở nơi đảo xa ấy, cuộc sống khó khăn muôn bề, ngày đêm hứng chịu sóng, gió đại dương, màu da ai nấy cũng nhuộm màu nâu, nồng đượm hơi thở của khơi xa. Cuộc sống luôn căng thẳng khi phải liên tục đối diện nhiều hiểm nguy từ những trận bão rung giật nhà giàn, từ những đợt lượn phướn, xâm phạm bằng tàu của kẻ thù. Người chiến sĩ miền biển luôn phải chuẩn bị cho mình một tinh thần thép, một sự hy sinh vì Tổ quốc có thể ập đến bất cứ lúc nào, thậm chí đó là những cái chết đớn đau, thảm thiết, thân thể mãi làm bạn với biển khơi. Tuy vậy họ có sợ hãi không? Không? Đã làm người lính, họ không được phép sợ hãi hay run rẩy trước kẻ thù, tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc luôn nồng cháy trong tim đã cho họ một tinh thần quả cảm và kiên cường hơn tất cả mọi kẻ thù bất nghĩa. Thế nhưng sau bao nhiêu những hy sinh chịu đựng ấy họ đã nhận lại được những gì? Một lời ca tụng tán dương, một vài tấm bằng khen hay mức lương hưu chục triệu nhiều người mơ ước? Không, bấy nhiêu ấy làm sao có thể bù đắp cho quãng đời người lính. Tôi đã từng nghe ở đâu đó một câu rằng “Không có hạnh phúc nào cho người lính”, lúc ấy tôi đã nghĩ rằng có lẽ câu nói ấy là để dành cho những người lính trong thời chiến, nhưng bây giờ tôi mới thấm thía rằng, ngay cả trong thời bình, người lính vẫn chưa từng có hạnh phúc cho riêng mình. Đơn giản vì họ không được phép ích kỷ, thế nên cuộc đời họ lắm lúc cay đắng. Đặc biệt là với người lính hải quân, cả một đời gắn bó với biển cả, vài năm với được nghỉ phép một lần, nhưng sự sum họp ngắn ngủi ấy làm sao bù đắp được cho họ và gia đình những ngày tháng cách biệt trùng trùng. Cha mẹ già mỏi mắt trông con, đến khi họ nhắm mắt mà đứa con ngoài khơi xa cũng không thể kịp về gặp lần cuối, người vợ trẻ dành hết thanh xuân để chờ chồng, nếu có con họ lại vò võ nuôi con một mình, có lẽ so với góa bụa họ chỉ hơn được một nỗi ấy là niềm tin về người chồng đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Rồi những đứa trẻ sinh ra nhưng số lần gặp cha chỉ đếm trên đầu ngón tay, thiếu thốn những cái ôm ấp bế bồng, thiếu thốn tình cảm của cha, thiệt thòi biết bao nhiêu. Rồi nói về người lính hải quân, họ chịu nhiều gian khổ, cuộc sống nơi biển đảo, vừa thiếu thốn vật chất cũng lại thiếu hụt cả về tinh thần. Mà đôi lúc trái tim thép của họ cũng nhiều buồn tủi, chua xót. Có lần tôi đọc câu chuyện của một người chiến sĩ hải quân, anh đã đến gần chục năm không về thăm nhà, mà luôn xin ở lại trực Tết, người ta vẫn luôn thấy lạ lùng, nhưng có ai thấu hiểu được nỗi đau của một người lính công tác xa mà người vợ ở nhà lại không thể giữ được lòng chung thủy. Bỗng chốc anh chẳng còn nhà, biết về đâu, thì thôi đành ở lại với anh em. Và còn biết bao câu chuyện lỡ dở tình duyên khác nữa của người lính, đặc biệt là người chiến sĩ hải quân, tôi bỗng thấy càng thương và trân trọng họ nhiều hơn nữa.
Biển đảo chính là máu thịt không thể tách rời của quê hương, mất đi một phần chính là nỗi đau đớn của toàn dân tộc. Thế nên thế hệ trẻ chúng ta cần phải có ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc trên mọi phương diện, ra sức thi đua học tập thật tốt để góp phần kiến thiết đất nước mai sau. Làm sao cho xứng đáng với những con người vẫn ngày đêm canh giữ nơi đảo xa, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của dân tộc, cho chúng ta một cuộc sống yên bình tốt đẹp. Những nỗi vất vả, hy sinh và nỗi đau của người lính xứng đáng nhận được sự thấu hiểu, trân trọng và yêu thương của chúng ta hơn bao giờ hết.
Biển đảo là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong xã hội hiện nay đồng thời đây cũng là chủ đề thường được đưa vào các đề thi. Để củng cố thêm kiến thức về biển đảo cũng như nâng cao kĩ năng viết bài nghị luận, bên cạnh bài Cảm nghĩ về biển đảo Tổ quốc và người chiến sỹ hải quân, các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận xã hội về chủ quyền biển đảo, Nghị luận xã hội Rừng vàng biển bạc, Nghị luận xã hội về biển Đông, Nghị luận xã hội về môi trường biển qua hiện tượng cá chết hàng loạt.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp