Cảm nghĩ về đoạn thơ Trao duyên

0
86
Rate this post

Đề bài: Anh/chị hãy trình bày cảm nghĩ về đoạn thơ Trao duyên, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.

cam nghi ve doan tho trao duyen

Cảm nghĩ về đoạn thơ Trao duyên
 

Bạn đang xem: Cảm nghĩ về đoạn thơ Trao duyên

I. Dàn ý Cảm nghĩ về đoạn thơ Trao duyên

1. Mở bài

– Giới thiệu chung về tác giả Nguyễn Du (những nét chính về con người, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, đặc điểm sáng tác,…)
– Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Truyện Kiều’ (nguồn gốc, những nét đặc sắc về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)
– Giới thiệu khái quát về đoạn thơ “Trao duyên”

2. Thân bài

a. Thúy Kiều giãi bày nỗi lòng và tìm cách thuyết phục để trao duyên cho Thúy Vân
– Hai câu thơ đầu:
+ “Cậy”: từ ngữ dùng để diễn tả thái độ van nài, năn nỉ, như phó thác tất cả vào người đối diện.
+ “Thưa”: thái độ kính cẩn, của người bề dưới nói với người bề trên, của người chịu ơn đối với người ban ơn.
→ Việc sử dụng hai từ ngữ này đã cho thấy tư thế, vị trí của Thúy Kiều đối với Thúy Vân, trong hoàn cảnh hiện tại, Kiều đang phải nhờ vả, phải mang ơn em gái.

– Thúy Kiều đưa ra những lí do để thuyết phục Thúy Vân, trao duyên cho em:
+ Thúy Kiều nói về hoàn cảnh của mình ở thời điểm hiện tại: Chuyện tình yêu của Thúy Kiều đang độ mặn mà, nồng thắm với biết bao ước thề, ấy vậy mà “giữa đường đứt gánh tương tư”Thúy Kiều đang đứng giữa sự lựa chọn giữa “hiếu” và “tình”
+ Thúy Kiều kể về tình yêu của mình với Kim Trọng: “khi ngày quạt ước”, “khi đêm chén thề”,…
+ Thúy Kiều đã đưa ra thêm những lí lẽ khác, thuyết phục Thúy Vân bằng tình cảm chị em, tình máu mủ:

– Kiều biết Vân vẫn còn trẻ, “ngày xuân còn dài” với biết bao yêu thương, hạnh phúc đang đón chờ nhưng vì tình chị em, tình máu mủ ruột thịt mà đồng ý thay mình bén duyên với Kim Trọng. T
– Sử dụng thành ngữ “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”, Kiều đã nói về cái chết của mình
→ Như vậy, với cách lập luận chặt chẽ, Thúy Kiều đã nhờ cậy, thuyết phục Thúy Vân thay mình nối duyên với Kim Trọng. Qua đó cho thấy diễn biến tâm trạng đầy phức tạp và sự sắc sảo, thông minh, giàu đức hi sinh và sự nghĩa tình của Thúy Kiều.

b. Thúy Kiều trao lại kỉ vật tình yêu và dặn dò em
– Kiều trao lại kỉ vật cho em:
+ “Chiếc thoa”, “bức tờ mây’, “phím đàn”, “mảnh hương nguyền” là “của tin”, là vật đính ước thề nguyền, là kỉ vật tình yêu, chúng trở thành “của chung” của Thúy Kiều, Kim Trọng và cả của Thúy Vân nữa.
+ “Duyên này” – là tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng.
→ Đau đớn, xót xa và đầy giằng xé khi trao kỉ vật cho em.

– Lời dặn dò em của Thúy Kiều:
+ Sử dụng hình ảnh, từ ngữ gợi liên tưởng đến cái chết như “hiu hiu gió”, “hồn”, “nát thân bồ liễu”, “dạ đài”, “người thác oan”,… đã cho thấy dự cảm của Thúy Kiều về tương lai của mình.
+ Thúy Kiều đã dặn dò Thúy Vân, phải đền ơn đáp nghĩa và rửa oan cho mình.

c. Thúy Kiều độc thoại nội tâm, hướng về Kim Trọng và tình yêu
– Hình thức đối thoại chuyển sang hình thức độc thoại, những câu thơ đã thể hiện một cách rõ nét tâm trạng của Thúy Kiều.
– Thúy Kiều ý thức sâu sắc về thực tại của mình với số phận nổi trôi, lỡ dở, lênh đênh: “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”, “hoa trôi lỡ làng”,…
– Tiếng gọi Kim Trọng với nỗi đau đến xé lòng của Kiều cùng cách thay đổi từ ngữ xưng hô thành “Kim lang” đã cho thấy sự nghẹn ngào, tức tưởi của Thúy Kiều.

3. Kết bài

Khái quát những nét đặc sắc về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của đoạn trích “Trao duyên” và nêu cảm nghĩ của bản thân.

II. Bài văn mẫu Cảm nghĩ về đoạn thơ Trao duyên

Nguyễn Du là nhà thơ, nhà văn, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của dân tộc, ông đã góp vào nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm xuất sắc viết bằng cả chữ Nôm và chữ Hán. “Truyện Kiều” là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Mỗi trích đoạn trong “Truyện Kiều” đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc và đoạn trích “Trao duyên” – trích từ câu 723 đến câu 756 là một trong số đó. Đoạn trích đã thể hiện bi kịch tình yêu của Thúy Kiều, đồng thời cũng cho thấy phẩm chất cao đẹp của nàng.

Mở đầu đoạn trích, tác giả đã cho người đọc cảm nhận được nỗi lòng của Thúy Kiều khi nàng tìm cách thuyết phục để trao duyên cho Thúy Vân – em gái của mình. “Trao duyên” trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là điều khó nói và Thúy Kiều cũng không ngoại lệ, để rồi nàng đã thật ý tứ và tế nhị tìm lí do để thuyết phục Thúy Vân. Hai câu thơ đầu tiên của đoạn trích đã gợi lên tư thế, dáng điệu của Thúy Kiều khi thuyết phục em.

Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Tác giả Nguyễn Du đã có cách sử dụng từ ngữ thật độc đáo và gợi lên thật nhiều ý nghĩa. “Cậy” là từ ngữ dùng để diễn tả thái độ van nài, năn nỉ, như phó thác tất cả vào người đối diện. “Thưa” là thái độ kính cẩn, của người bề dưới nói với người bề trên, của người chịu ơn đối với người ban ơn. Chính việc sử dụng hai từ ngữ này đã cho thấy tư thế, vị trí của Thúy Kiều đối với Thúy Vân. Kiều lạy, thưa Thúy Vân bởi lẽ hơn ai hết, Kiều hiểu trong hoàn cảnh hiện tại, Kiều đang phải nhờ vả, phải mang ơn em gái của mình khi nhờ em nối duyên với một người mà em gái cô chưa một lần gặp mặt, quen biết. Kiều lạy thưa em gái mình chính là lạy thưa một ân tình, một đức hi sinh cao cả. Hành động ấy của Kiều tưởng chừng như vô lí, trái với luân thường đạo lí nhưng trong hoàn cảnh của Kiều nó lại thật hợp lí bởi Thúy Vân đang ở vị trí của người ân nhân.

Thúy Kiều lạy, thưa Thúy Vân xong rồi nàng đã giãi bày nỗi niềm của mình với em và có lẽ đó cũng chính là những lí do để thuyết phục Thúy Vân, trao duyên cho em.

Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa gặp em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai

Sáu câu thơ, ngắn thôi, nhưng có lẽ cũng đủ để Thúy Kiều nói hết nỗi lòng, hoàn cảnh của mình ở thời điểm hiện tại. Chuyện tình yêu của Thúy Kiều đang độ mặn mà, nồng thắm với biết bao ước thề, ấy vậy mà “giữa đường đứt gánh tương tư”, tai họa ập đến, chuyện tình đẹp như mơ ấy dường như đã “đứt gành rồi”. Thúy Kiều đang đứng giữa sự lựa chọn giữa “hiếu” và “tình” – một sự lựa chọn không mấy dễ dàng. Giờ đây, Thúy Kiều không còn sự lựa chọn nào khác, nàng chỉ còn biết trông chờ vào Thúy Vân, nhờ em “chắp mối tơ thừa”. Hai chữ “mặc em” như đổ dồn tất cả lên vai Thúy Vân, như một lời khẩn cầu, một sự phó thác tha thiết từ tận đáy lòng của Kiều. Không chỉ giãi bày với em về cảnh ngộ của mình hiện tại, Thúy Kiều còn kể lại thật ngắn gọn nhưng cũng thật đầy đủ về chuyện tình của mình với chàng Kim – một mối tình với biết bao thề hẹn, bao ước thề nhưng giờ đây đã giang dở. Đồng thời, để tăng thêm phần thuyết phục, Thúy Kiều đã đưa ra thêm những lí lẽ khác, thuyết phục Thúy Vân bằng tình cảm chị em, tình máu mủ:

Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ, thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Kiều biết Vân vẫn còn trẻ, “ngày xuân còn dài” với biết bao yêu thương, hạnh phúc đang đón chờ nhưng vì tình chị em, tình máu mủ ruột thịt mà đồng ý thay mình bén duyên với Kim Trọng. Thêm vào đó, với việc sử dụng thành ngữ “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”, Kiều đã nói về cái chết của mình – một cái chết đầy mãn nguyện, thể hiện sự cảm kích của mình đối với Vân. Như vậy, với cách lập luận chặt chẽ, Thúy Kiều đã nhờ cậy, thuyết phục Thúy Vân thay mình nối duyên với Kim Trọng. Đồng thời, qua đó cho thấy diễn biến tâm trạng đầy phức tạp và sự sắc sảo, thông minh, giàu đức hi sinh và sự nghĩa tình của Thúy Kiều.

Sau khi thuyết phục Thúy Vân, Kiều đã trao lại kỉ vật tình yêu của mình với Kim Trọng cho em.

Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa

Đọc những câu thơ trên, ắt hẳn người đọc sẽ không thể nào không cảm thấy đau đớn, xót xa cho số phận, tình cảnh của Thúy Kiều. Có thể dễ dàng nhận thấy, “chiếc thoa”, “bức tờ mây’, “phím đàn”, “mảnh hương nguyền” là “của tin”, là vật đính ước thề nguyền, là kỉ vật tình yêu đã chứng kiến cho chuyện tình của Thúy Kiều và Kim Trọng. Ấy vậy mà giờ đây Thúy Kiều đành dứt lòng để trao lại cho em, chúng trở thành “của chung” của Thúy Kiều, Kim Trọng và cả của Thúy Vân nữa. Thứ duy nhất Kiều giữ lại cho mình đó chính là “duyên này” – là tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng. Đau đớn, xót xa và đầy giằng xé khi trao kỉ vật cho em, Thúy Kiều còn đau đớn hơn khi nghĩ đến tương lai của mình và để rồi nàng căn dặn em thật xúc động.

Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy soi tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin chén nước cho người thác oan.

Với hàng loạt các hình ảnh, từ ngữ gợi liên tưởng đến cái chết như “hiu hiu gió”, “hồn”, “nát thân bồ liễu”, “dạ đài”, “người thác oan”,… đã cho thấy dự cảm của Thúy Kiều về tương lai của mình. Đó là một tương lai đầy sóng gió và có lẽ bởi vậy, Kiều đã nghĩ tới cảnh mình bị chết oan, hồn không thể nào siêu thoát được vì vẫn còn vương vẫn mãi lời thề với Kim Trọng. Điều đó một lần nữa cho thấy nỗi đau đớn, tuyệt vọng của Thúy Kiều. Để rồi, sau đó Thúy Kiều đã dặn dò Thúy Vân, phải đền ơn đáp nghĩa và rửa oan cho mình. Như vậy, có thể thấy, Thúy Kiều trao kỉ vật cho em nhưng trong lòng nàng vẫn luôn đau đáu một nỗi đau đến tột cùng và càng đau, càng xót, Thúy Kiều càng nhớ thương Kim Trọng nhiều hơn.

Nghĩ đến tương lai với bao dự cảm không lành để rồi sau đó, Thúy Kiều lại trở về với thực tại xót xa để tự giãi bày lòng mình, hướng về tình yêu và nhớ về Kim Trọng.

Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.

Từ hình thức đối thoại chuyển sang hình thức độc thoại, những câu thơ đã thể hiện một cách rõ nét tâm trạng của Thúy Kiều. Hơn bất cứ lúc nào, Thúy Kiều ý thức sâu sắc về thực tại của mình với số phận nổi trôi, lỡ dở, lênh đênh. Điều đó thể hiện rõ nét qua việc sử dụng hàng loạt các từ ngữ, hình ảnh “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”, “hoa trôi lỡ làng”,… Thêm vào đó, đoạn thơ còn cho thấy nỗi đau đến xé lòng của Thúy Kiều và nỗi nhớ thương Kim Trọng khôn nguôi. Kiều tự nhận mình là kẻ phụ bạc, là người đã làm tan vỡ mối tình của Thúy Kiều và Kim Trọng. Đặc biệt, tiếng gọi Kim Trọng với nỗi đau đến xé lòng của Kiều cùng cách thay đổi từ ngữ xưng hô thành “Kim lang” đã cho thấy sự nghẹn ngào, tức tưởi của Thúy Kiều.

Tóm lại, đoạn trích “Trao duyên” bằng hình thức thơ độc đáo, ngôn ngữ vừa trang trọng, vừa giản dị, sử nhiều thành ngữ quen thuộc đã thể hiện một cách chân thực và rõ nét nỗi đau đớn, xót xa của Thúy Kiều khi trao duyên cho Thúy Vân. Đồng thời, qua đó thấy được bi kịch tình yêu của Thúy Kiều và hơn ai hết, Nguyễn Du cảm thấy đau đớn, xót xa về điều đó.

——————-HẾT———————

Trao duyên là đoạn trích thể hiện rõ nét tâm trạng đau khổ, xót xa cùng những dự cảm không lành của Thúy Kiều về những sóng gió trước mắt. Cùng với Cảm nghĩ về đoạn thơ Trao duyên, các em có thể tìm hiểu thêm: Thuyết minh về đoạn trích Trao duyên, Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua Trao duyên, Nỗi thương mình, Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Cảm nhận về đoạn Trao duyên, Phân tích 12 câu thơ đầu trong bài thơ Trao duyên.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nghi-ve-doan-tho-trao-duyen/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp