“Nhà em thách cưới 1 nhà khoai lang” là bài ca dao hài hước cho thấy tiếng cười tự trào của người lao động trong cảnh nghèo vô cùng đáng yêu và đáng trân trọng. Các em hãy tham khảo hướng dẫn làm bài nêu cảm nghĩ về lời thách cưới của cô gái trong bài ca dao này nhé.
Bạn đang xem: Cảm nghĩ về lời thách cưới của cô gái: Nhà em thách cưới 1 nhà khoai lang
Đề bài: Nêu cảm nghĩ về lời thách cưới của cô gái: “Nhà em thách cưới một nhà khoai lang”. Từ đó cho biết tiếng cười tự trào của người lao động trong cảnh nghèo đáng yêu và đáng trân trọng ở chỗ nào?
—————-
Ý nghĩa của lời thách cưới
+ Lời thách cưới của cô gái “Nhà em thách cưới một nhà khoai lang”. Thách cưới cũng “to” – cả “một nhà”, nhưng vật thách cưới lại dân dã, nghèo khó. Vẫn giữ được vị thế nhà gái vừa hợp với hoàn cảnh. Sự tương phản trong lời thách cưới khiến tiếng cười bật ra, nhưng trong tiếng cười ấy, ẩn trong cái sự đùa vui vẻ ấy là nỗi ngậm ngùi của yên với phận nghèo. Điều này gợi cho ta lòng thương cảm và cảm phục vì tinh thần giữ phẩm giá, biết mình, không chạy theo thói thường. Đó cũng là cách ứng xử “an bần lạc đạo” rất được đề cao trong lối sống xưa. Ta cũng trân trọng sự thông minh, hóm hỉnh trong cách nói hài hước của cô.
+ Tiếng cười tự trào của người lao động rất đáng yêu và đáng đề cao. Bởi tập hợp ờ đây một tinh thần lạc quan, sự thông minh, sắc sảo, hóm hỉnh.
Dàn ý cảm nghĩ về lời thách cưới của cô gái
1. Mở bài:
– Người nông dân xưa kia tuy sống cơ cực về vật chất nhưng vẫn có cuộc sống tinh thần phong phú.
– Các yếu tố lạc quan, hài hước làm vơi đi nỗi lo toan cơm áo…
– Tiếng cười trào lộng thông minh, hóm hỉnh thường xuất hiện trong ca dao, ví dụ như bài nói về chuyện dẫn cưới và thách cưới của người nghèo ở nông thôn.
2. Thân bài:
* Lời thách cưới khác thường của cô gái:
– Cô gái nói với người yêu: Nhà em thách cưới một nhà khoai lang, để đáp lại lời giãi bày về chuyện định dẫn cưới bằng những lễ vật to tát, hoặc kì lạ khác thường của chàng trai (voi, trâu, chuột).
– Cái độc đáo chính là ở sự không giống ai:
Người ta thách lợn thách gà,
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang.
– Từ thách vốn có nghĩa là yêu cầu, đòi hỏi quá cao về mặt lễ vật. Ở trường hợp này, nó mâu thuẫn với thứ lễ vật quá tầm thường (khoai lang). Có nhiều chăng là ở số lượng quá lớn (một nhà), khiến chàng trai lâm vào tình thế ngạc nhiên và khó xử.
– Để gỡ bí cho người mình yêu, cô gái giải thích cặn kẽ về cách sử dụng số khoai lang thách cưới đó. (Mời làng, mời họ, cho trẻ con ăn, củ nào hư thì cho lợn, cho gà).
* Cảm nghĩ của bản thân trước lời “thách cưới” lạ lùng đó:
– Nó chứng minh rằng cô gái thực sự yêu thương, muốn tiến đến hôn nhân với chàng trai. Tình yêu của cô gái chân thành, trong sáng, không vụ lợi.
– Cô gái thực sự thông minh, hóm hỉnh và đảm đang, tháo vát.
– Cô gái giữ vai trò chủ động trong việc sắp xếp cuộc hôn nhân của mình.
3. Kết bài:
– Cô gái trân trọng người lao động và sản phẩm do mồ hôi nước mắt của người lao động làm ra. Đó là điều đáng quý.
– Cốt lõi của lời thách cưới “khác thường” trên chính là thái độ vui vẻ chấp nhận gia cảnh nghèo khó của người yêu.
– Nghệ thuật trào lộng gây ra tiếng cười vui vẻ và thông cảm cho người trong cuộc.
>> Tham khảo: Phân tích những bài ca dao hài hước
Bài văn mẫu cảm nghĩ về lời thách cưới của cô gái: Nhà em thách cưới một nhà khoai lang
Người nông dân xưa gần như suốt đời cơ cực, bần hàn về vật chất, nhưng đời sống tinh thần thì vô cùng phong phú. Các yếu tố lạc quan, hài hước phần nào làm vơi bớt nỗi lo toan cơm áo hằng ngày. Vào những dịp vui vẻ như lễ. Tết, cưới hỏi… thì dân chúng trong làng, trong xóm cùng nhau chia sẻ.
Chúng ta có thể cảm nhận được tiếng cười lạc quan trong ca dao qua nghệ thuật trào lộng thông minh, hóm hỉnh của người bình dân. Điển hình là bài ca dao sau đây:
– Cưới nàng anh toan dẫn voi,
Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn.
Dẫn trâu, sợ họ máu hàn,
Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân.
Miễn là có thú bốn chân,
Dẫn con chuột béo mời dân, mời làng.
– Chàng dẫn thế em lấy làm sang,
Nỡ nào em lại phá ngang như là…
Người ta thách lớn thách gà,
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang:
Củ to thì để mời làng,
Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi.
Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi,
Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà.
Bao nhiêu củ rím, củ hà,
Để cho con lợn, con gà nó ăn.
Có thể coi bài ca dao trên là lời hát đối đáp giữa nam và nữ, mượn hình thức trào lộng, hài hước để thể hiện nội dung trữ tình. Nói khác đi, đây là một cách tỏ tình khá độc đáo và đặc sắc.
Chàng trai bàn đến chuyện cưới xin, như thế tức là cô gái đã chấp thuận hôn nhân – mục đích cuối cùng của tình yêu. Hôn nhân là việc hệ trọng của đời người, vậy mà ta hãy thử xem chàng trai bàn bạc bằng giọng điệu như thế nào ? Những lễ vật dẫn cưới toàn là những thứ to tát khác thường. Lúc đầu, chàng định dẫn voi cho thiên hạ phải nể sợ, vì từ trước đến nay, chưa ai làm thế cả ; nhưng lại chợt nghĩ ra voi là thứ quốc cấm, nên thôi. Không có voi thì dẫn trâu vậy. Vẫn oai hơn người, vì nhà giàu cũng chỉ nộp lễ vật cho bên đằng gái bằng gà, bằng lợn. Nhưng lại sợ họ hàng nhà em toàn máu hàn, ăn thịt trâu vào đau bụng thì anh mang tiếng. Thật là khó nghĩ! Không nộp thủ bốn chân thì áy náy, chẳng yên lòng được. Thôi thì : Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng(?!) Bất ngờ và ngộ nghĩnh vô cùng, bởi chuột cũng là thú bốn chân!
Lúc đầu, anh toan dẫn voi, sau đó định dẫn trâu, cuối cùng dừng lại ở việc: Dẫn con chuột béo. Chắc hẳn con chuột này phải to khủng khiếp mới đủ làm tiệc đãi cả làng! Ngẫm kĩ, ẩn chứa đằng sau câu nói hài hước, khoa trương đó là một sự thật phũ phàng: gia cảnh chàng trai quá nghèo, chẳng có gì để mà cưới vợ.
Cách nói của anh chàng giống hệt như cách nói khoác ở một số địa phương ở Phú Thọ, Hải Phòng, hay như kiểu của bác Ba Phi Nam Bộ. Nói cho vui, nói để gây nên những tràng cười giòn giã, cho quên đi trong phút chốc cải thân phận nghèo hèn của mình.
Còn cô gái khi nghe người yêu bàn thế thì có thái độ ra sao ? Thông minh, sắc sảo, cô lấy ngay cái độc đáo chưa từng có trong tục dẫn cưới để đối đáp lại:
Người ta thách lợn thách gà,
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang.
Từ thách nghe mới ghê gớm làm sao! Thách có nghĩa là đòi hỏi quá cao về mặt lễ vật. Thường thì nhà giàu gả con gái mới thách cưới. Về sau, nghĩa của từ này dần dần mang tính phổ thông, dân gian. Điều đáng lưu ý là trong bài ca dao trên, cô gái thay mặt cha mẹ mà thách cưới (Cũng hiếm gặp cô gái nào chủ động và mạnh dạn đến thế!). Xem thử cô thách những gì? Chỉ có một thứ rất bình thường, nếu không nói là tầm thường: khoai lang, nhưng số lượng thì rất nhiều: một nhà (1) Khoai lang là thức ăn quen thuộc của người nghèo và họ có thể tự trồng được, chẳng khó khăn gì. Ta thử hình dung sự lúng túng, băn khoăn của chàng trai trước lời thách cưới cũng thuộc loại chưa từng thấy của người yêu. Hình như cô gái đoán ra điều ấy nên cô giải thích cặn kẽ, cụ thể luôn:
Củ to thì để mời làng,
Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi.
Đúng rồi! Đám cưới thì đương nhiên phải mời các vị chức sắc trong làng cùng họ hàng nội ngoại, bà con thôn xóm. Như thế là hợp lẽ. Còn đám trẻ, cũng phải cho chúng ăn cỗ cưới với chức
Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi,
Để cho lũ trẻ ăn chơi giữ nhà.
Thế cũng chưa hết được một nhà khoai lang. Chàng đừng lo, hãy nghe em nói tiếp:
Bao nhiêu cũ rím, củ hà,
Để cho con lợn, con gà nó ăn…
Tính toán đâu ra đấy đến thế thì chàng chỉ có nước… chịu nàng! Ôi chao! Cưới được người vợ tháo vát, đảm đang như nàng thì dẫu có dẫn voi, dẫn trâu thật cũng chưa xứng đáng!
Nói là nói vậy, chứ cốt lõi của lời thách cưới kì lạ trên chính là thái độ vui vẻ chấp nhận gia cảnh nghèo khó của người yêu. Nhà anh chẳng có gì, nhà em cũng vậy, nhưng ông bà ta đã chẳng từng khẳng định:
Đã yêu quán cũng như nhà,
Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói xây.
Hay:
Yêu nhau chẳng lọ chiếu giường,
Dẫu rằng tàu lá che sương cũng tình.
Rõ ràng, cô gái trân trọng người lao động, trân trọng những gì người lao động làm ra bằng mồ hôi nước mắt, bằng một nắng hai sương. Và trên hết là tình yêu trong sáng, bất vụ lợi. Đáng quý biết chừng nào.
>> Xem thêm: Soạn bài Ca dao hài hước
************
Trên đây là hướng dẫn làm bài nêu cảm nghĩ về lời thách cưới của cô gái: Nhà em thách cưới 1 nhà khoai lang bao gồm dàn ý chi tiết và bài văn mẫu chọn lọc hay nhất. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích phục vụ việc học tập của các em. Ngoài ra, các em hãy truy cập để tham khảo những bài văn mẫu lớp 10 phong phú khác mà chúng tôi đã sưu tầm và tổng hợp nhé. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp