Cảm nhận bài thơ Lầu Hoàng hạc của Thôi Hiệu để thấy được bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp cùng nỗi buồn của tác giả trước một huyền thoại bất tử thời xa xưa và tiếc nuối một thời vàng son của nơi đây, đồng thời hiểu rõ giá trị nghệ thuật và ảnh hưởng to lớn của bài thơ này đối với Đường thi.
Cùng tham khảo bài hướng dẫn dưới đây của để hiểu rõ hơn về tác phẩm và cách làm bài cảm nhận về bài thơ này em nhé!
Bạn đang xem: Cảm nhận bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu
Đề bài: Cảm nhận bài Hoàng Hạc lâu (Lầu Hoàng Hạc) của Thôi Hiệu.
Dàn ý cảm nhận bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu
1. Mở bài:
– Thôi Hiệu (704 – 754) quê ở Biện Châu, phủ Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ông đỗ tiến sĩ năm 723, sau đó làm quan đến chức Tư huân viên ngoại lang.
– Ông sáng tác rất nhiều thơ với những đề tài khác nhau, nổi tiếng nhất là bài Hoàng Hạc lâu (Lầu Hoàng Hạc) được truyền tụng rộng rãi qua hàng ngàn năm. Tâm trạng u hoài trước thời thế của tác giả được thể hiện bằng một bài thơ Đường luật với nghệ thuật tài tình hiếm có.
2. Thân bài:
* Hai câu đề:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
(Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.)
– Nhắc lại huyền thoại về nguồn gốc của lầu Hoàng Hạc từ xa xưa, thời tiễn còn ở lẫn với người.
– Trải qua bao tang thương dâu bể, giờ đây lầu Hoàng Hạc đứng chơ vơ, cô quạnh bên bãi vắng sông trôi khiến thi nhân chạnh lòng nhớ cổ thương kim.
* Hai câu thực:
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
(Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên xải không du du.)
– Hình ảnh hạc vàng gắn liền với khung cảnh thần tiên. Hạc vàng bay mất không bao giờ quay trở lại mang theo tất cả những gì là huyền ảo nhất, thơ mộng nhất của lầu Hoàng Hạc.
– Chỉ còn mây trắng vẫn bay giống như ngàn năm trước. Khung cảnh được miêu tả bằng cảm xúc ngậm ngùi, nuối tiếc của nhà thơ. Nhà thơ chìm đắm trong tâm trạng hoài cổ, giữa không gian tịch mịch cô liêu.
* Hai câu luận:
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
(Tinh xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.)
– Thiên nhiên đẹp như một bức tranh sơn thủy với đường nét, màu sắc hài hoà: nắng chiếu trên hàng cây trên bến Hán Dương; màu xanh mướt của thảm cỏ non trên bãi xa Anh Vũ.
– Nghệ thuật miêu tả tinh tế, điêu luyện, chỉ vài nét phác họa mà thể hiện được thần thái của cảnh vật (thi trung hữu họa).
* Hai câu kết:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.)
– Nhịp thơ ngắn 2-2-1-1 trong nguyên tác chữ Hán và nhịp 2-2-2 trong câu thơ dịch của Tản Đà tạo nên âm hưởng trầm buồn, đặc tả tâm trạng thương nhớ quê hương da diết của Thôi Hiệu.
– Hình ảnh Trên sông khói sóng là tác nhân gợi nỗi nhớ đau đáu khôn nguôi trong lòng nhà thơ. Khung cảnh chập chờn, mông lung của cảnh vật rất phù hợp với tâm trạng ấy (xúc cảnh sinh tình).
– Cái hay của hai câu kết tụ lại ở từ sầu là nhãn tự, thần tự của bài thơ.
3. Kết bài:
– Viết về lầu Hoàng Hạc có tới hàng ngàn bài thơ khác nhau của hàng ngàn thi sĩ từ xưa tới nay nhưng bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu vẫn xuất sắc nhất.
– Giai thoại kể về “Thi tiên” Lí Bạch đến thăm lầu Hoàng Hạc, cảm hứng nổi lên định làm thơ ngâm vịnh nhưng khi nhìn thấy bài thơ của Thôi Hiệu để trên vách lầu thì gác bút không dám viết nữa là cách khẳng định giá trị bất hủ của Hoàng Hạc lâu và vị trí đỉnh cao của tên tuổi Thôi Hiệu.
>> Tham khảo: Dàn ý phân tích bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu
Bài văn mẫu cảm nhận bài Hoàng Hạc lâu
Bài văn mẫu 1
Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu là một bài thơ vịnh cảnh tuyệt tác. Theo Tân Văn Phong đời Nguyên kể lại trong sách Đường Tài tử truyện (Truyện tài tử đời Đường) rằng Lý Bạch lên lầu Hạc vàng định làm thơ, nhưng thấy bài thơ Thôi Hiệu đã quá hay nên không làm nữa mà nói rằng: “Nhân tiền hữu cảnh đạo bất đắc. Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”. (Cảnh bày trước mắt phổ không được, Thôi Hiệu làm thơ tả hết rồi).
Câu chuyện này là truyền thuyết hay hư cấu của người sau, cũng chưa chắc là có thực. Nhưng trong thơ Lý Bạch đã có hai bài chịu ảnh hưởng của bài thơ này. Đó là bài Anh vũ châu (bãi Vẹt) và bài “Đăng Kim lăng Phượng Hoàng đài” (Lên lầu Phượng Hoàng ở Kim lăng). Từ đó ta biết giá trị nghệ thuật và ảnh hưởng to lớn của bài thơ này. Nghiêm Vũ, đời Nam Tống, đã nói trong sách “Thương lang thi thoại” là ”Đường nhân thất ngôn luật thi, đương dĩ Thôi Hiệu Hoàng hạc lâu cư đệ nhất” (Thơ luật bảy chữ đời Đường, phải xếp bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu là hàng thứ nhất). Từ đó bài Hoàng hạc lâu càng trở nên nổi tiếng. Lầu Hạc dựng trên mỏm đá Hạc vàng bên sông Trường Giang nên gọi là lầu Hạc vàng.
Sách Hoàn Vũ ký ghi là lầu Hạc vàng. Sách Tế hai Chí ghi là Vương Tử An thành tiên đã cưỡi hạc vàng từ trên lầu mà hạ bút, mượn truyền thuyết mà làm thơ. Chuyện ngày xưa tiên cưỡi hạc vàng bay đi là chuyện vu vơ. Nhưng rồi hạc vàng ra đi không còn trở lại để lầu Hạc vàng trống trải bên sông, làm cho câu chuyện lại thành không. Hạc vàng bay đi rồi, năm năm trông lên trời chỉ thấy mây trắng trôi, gây cho ta một nỗi cảm khoái, từ chuyện tiên hạc trên trời nghĩ đến chuyện trên đời. Đó là một nỗi nhớ cảm khoái mà những ai trên lầu trông cảnh mây trời sông nước đời đời vẫn có, đã được ngọn bút tài tình của nhà thơ làm cho hiện rõ, để sống mãi với đời.
Người xưa cho rằng: “Văn dĩ khí vi chủ” (thơ lấy hơi làm chính). Đọc bốn câu đầu ta thấy như nhà thơ phóng bút một hơi mà thành. Mạch thơ cuồn cuộn như nước chảy mây tuôn, cuốn hút người đọc một cách tự nhiên. Lặp chữ, trùng ý là điều tối kỵ trong thơ cũ, thế mà nhà thơ đã ba lần dùng lại hai chữ hạc vàng, nhưng mạch thơ dồn dập tự nhiên, làm cho người đọc một hơi đọc hết không cảm thấy sự trùng lặp gượng ép nào. Thơ luật bảy chữ có luật niêm văn chặt chẽ. Nhưng như Tào Tuyết Cần đã mượn lời Lâm Đại Ngọc trong Hồng lâu mộng mà nói: “Nhược thị quả hữu liều kỳ cú, liên bằng trắc hư thực bất đối đô sử đắc đích”. (Nếu quả như có câu thơ lạ, thì không cần bằng trắc, hư thực, không đối cũng đều được). Bốn câu đầu của bài thơ quả là đã bất chấp niêm luật và đối của thơ luật. Nhà thơ đã theo nguyên tắc làm thơ trước hết lập ý và không để việc gò chữ mà hại đến ý, cho nên đã viết nên những câu thơ lạ hết sức tài tình ít thấy trong thơ luật. Sách Đường thi biệt tài của Thẩm Đức Tiềm đã xác nhận “ỷ đắc tượng tiên thần hành ngữ ngoại, tung bút tả khứ toại thiên cổ chi kỳ). (Dựng ý trước hình ẩn thần ngoài chữ, phóng bút mà viết nên những câu lạ nghìn đời).
Bốn câu đầu, nhà thơ đã phá vỡ khuôn khổ cũ thơ luật một cách tài tình, nhưng cứ thế mà phá vỡ tiếp thì bài thơ không còn là thơ luật nữa, mà trở lại là một bài thơ bảy chữ cổ. Nhưng nhà thơ đã kịp thời quay lại với khuôn khổ, để bài thơ không trở lại thể thơ cổ và vẫn là một bài thơ luật mới mẻ và kỳ lạ hết sức tài tình. Bốn câu cuối giữ đúng luật bằng trắc và đối. Nhưng nhìn vào bài thơ ta thấy như bài thơ được chia làm hai nửa, mỗi nửa một thể thống nhất để bài thơ trở thành luật. Nhà thơ đã giữ đúng cấu trúc của bài thơ luật. Bây giờ chúng ta hãy đi sâu vào cấu trúc của bài thơ để hiểu rõ nội dung của bài thơ và nghệ thuật chuyển ý của nhà thơ.
Hai câu đầu là hai câu mở đề (Khai, khởi đề):
Hạc vàng, người xưa đã cưỡi đi
Lầu Hạc vàng trơ lại đất này.
Nhà thơ bắt đầu tả lầu Hạc vàng bằng một truyền thuyết, vừa nói về cội nguồn xa xưa của lầu với một sắc thái huyền thoại thần tiên thiêng liêng và sức sống của lầu đã bền bỉ chịu đựng và chiến thắng mọi sự hủy hoại của thời gian mà tồn tại đến bây giờ nhưng với một thực trạng đáng buồn, trống trải cô quạnh.
Hai câu ba tư là hai câu thừa, cũng gọi là thực, đi vào mô tả hoặc giải thích đầu đề. Dương Tải đời Nguyên trong sách Thi pháp gia số đã nêu ra một yêu cầu cho hai câu thừa là: “Thủ liên yếu tiếp phá đề (thủ liên) yếu như ly long chi châu, bão nhi bất thoát”. Hai vế này phải tiếp theo ngay hai vế phá đề (hai vế đầu) như rồng đen ngậm ngọc, ngậm chặt không rời. Nhà thơ đã chuyển hai câu ba, tư theo đúng yêu cầu đó, tả những điều trông thấy trên lầu mà không xa rời khung cảnh và không khí của truyền thuyết.
Một đi, Hạc vàng không trở lại,
Ngàn năm mây trắng vẫn bay bay.
Từ truyền thuyết hư vô trở lại với tòa lầu trống trơ, từ tòa lầu trống trơ nhìn lên trời thẳm, nhìn lên hư vô, cánh hạc vàng vẫn là truyền thuyết xa xưa không còn thấy được, nên lại trở về với thực tại, với những vầng mây trắng vẫn nằm trôi hờ hững: Cây in sông tạnh Hán Dương đó / Cỏ mịn bãi thơm Anh Vũ đây.
Hai câu năm, sáu là hai câu chuyển, cũng có lúc là luận, nhưng ở đây là chuyển tiếp ý thơ, Dương Tải liên tiếp yêu cầu “Dữ tiền liên chi ỷ tương lai yếu biến hóa, như tật lôi, phá sơn, quan giả kinh ngạc” (Phải khác ý với hai vế trên, phải biến hóa, như tiếng sét phá núi làm cho người đọc phải ngạc nhiên). Nhà thơ đột nhiên kéo ta từ cõi mơ tưởng mông lung về với cõi thực, với những sông bãi, cỏ cây, phục sẵn một ý ngầm khơi gợi nỗi nhớ. Mấy chữ “Phương thảo thê thê” là lấy từ bài Chiêu ẩn sĩ trong sở từ “Vương tôn du hê bất quy, xuân thảo sinh hề thê thê”. (Chàng đi chơi chừ không về, cỏ xuân mọc chừ mượt mà).
Hai câu cuối là câu hợp, thuận theo ý thơ trên mà đưa bài thơ vào kết cục.
Ngày hết, quê nhà đâu ấy nhỉ,
Trên sông khói sóng não người thay
Cảnh hoàng hôn vốn gợi nỗi nhớ nhà, lại thêm khói sóng mịt mờ dào dạt trên sông làm ai mà chẳng não lòng. Rõ ràng nghệ thuật điêu luyện tài tình đã đưa nhà thơ đến thành công viết nên bài thơ tuyệt tác bậc nhất một thời chói lọi thơ luật Đường, sống mãi với thời gian.
>> Tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu
Bài văn mẫu 2
Nhà thơ Thôi Hiệu là một người có tính lãng mạn trữ tình, thơ ông thường toát lên phong cách phóng khoáng, dứt khoát tao nhã, thể hiện phong cách riêng. Thôi Hiệu có nhiều bài thơ hay để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng người đọc. Trong đó, bài thơ Hoàng Hạc lâu là bài thơ tiêu biểu thể hiện cho phong cách và tên tuổi của Thôi Hiệu. Bài thơ cũng là đỉnh cao của nghệ thuật thơ Đường.
Trong bài thơ tác giả Thôi Hiệu thể hiện bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, nỗi buồn của tác giả khi đứng trước lầu Hoàng Hạc gợi nhớ cho tác giả nhớ tới một huyền thoại bất tử thời xa xưa. Nó gợi lên trong lòng tác giả những suy nghĩ tiếc nuối một thời vàng son của nơi đây.
Lầu Hoàng Hạc là một nơi gắn liền với di tích lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc về huyền thoại Phí Văn Vi khi bà hóa thành tiên. Trước một bức tranh thiên nhiên cảnh đẹp nhân gian hiếm thấy tác giả đã gợi nhớ về khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ xưa kia.
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
(Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.)
Trong những câu thơ này ta thấy hình ảnh lầu Hoàng Hạc đứng một mình bơ vơ lạc lõng trước không gian mênh mông bao la, không một bóng người xuất hiện. Chính sự đơn độc đó là cho tác giả cảm giác được nỗi buồn hiu hắt, man mác trong lòng.
Hình ảnh lầu Hoàng Hạc vẫn đứng sừng sững trong một không gian bao la, ngút ngàn trải qua hàng trăm năm lịch sử, thể hiện cho sức sống trường tồn theo thời gian của nó. Thể hiện sự hiu quạnh bên bãi sông vắng lặng khiến lòng người chạnh thương nhớ thời xưa.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tỉa, không du du.
(Hạc vàng một khi đã bay đi, không trở lại nữa,
Mây trắng nghìn năm lởn vởn hoài.)
Hình ảnh chim Hạc gắn liền với những khung cảnh thần tiên, vua chúa thời xưa. Hạc vàng giờ bay mất lên trời không biết khi nào mới có dịp trở lại nơi xưa khiến cho mọi việc trở nên huyền ảo, hư hư thực thực vừa thơ mộng, vừa thần tiên là xót xa lòng người.
Mọi thứ hiện lên trong trí nhớ, tiềm thức của tác giả thể hiện sự ngậm ngùi thương tiếc của nhà thơ Thôi Hiệu. Nhà thơ đắm chìm hoài cổ trong không gian tĩnh mịch, tưởng nhớ về nơi xưa. Một nơi đã từng là lầu son gác tía. Nhưng hiện tại chỉ còn là nỗi hoang vu, trống trải, thể hiện sự cô đơn lạnh lẽo của nơi này, khiến cho tác giả cảm thấy có chút xót xa cay đắng, ngậm ngùi trước hoàn cảnh thực tại của nơi đây. Hạc vàng đã bay đi lên trời thành tiên chỉ còn trơ lại lầu Hoàng Hạc bơ vơ, cô đơn lạnh lẽo.
Thông qua những câu thơ tác giả Thôi Hiệu muốn thể hiện triết lý nhân sinh sâu sắc, đó chính là sự còn mất của thời gian. Có những điều tưởng không còn đã lâu nhưng vẫn tồn tại trong lòng người mãi mãi. Có những thứ còn lại những không thể như xưa, vì thời gian không trở lại bao giờ, những gì đã đi qua không bao giờ lấy lại được nữa.
Tác giả Thôi Hiệu đã vô cùng tinh tế khi vẽ lên một bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, phong cảnh hoang sơ nhưng sơn thủy hữu tình thể hiện sự quan sát tinh tế, phong cách, độc đáo của tác giả.
Trong những câu thơ tiếp theo tác giả Thôi Hiệu thể hiện tình cảm nhớ quê hương da diết, sâu sắc. Hình ảnh trên sông với những lớp khói hư thực càng làm cho tâm hồn tác giả cảm giác như buồn hơn, mênh mang hơn, da diết nhớ:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.)
Trong mỗi câu thơ nỗi nhớ quê hương gợi lên tha thiết cùng với tâm tâm trạng cô đơn, lạc lõng trước cảnh núi non hùng vĩ làm cho bài thơ càng trở nên da diết, gây day dứt trong lòng người đọc, về một bức tranh thiên nhiên đẹp nhưng vô cùng buồn ảm đạm.
Bài thơ “Hoàng Hạc lâu” thể hiện những giá trị to lớn của mình trong nền thi ca nước nhà. Nó đã phác họa bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp nhưng cũng ảm đạm buồn làm ám ảnh người đọc. Thể hiện tâm trạng nhớ nhà nhớ quê hương sâu sắc của tác giả Thôi Hiệu khi phải xa xứ.
>>> Chi tiết soạn bài Hoàng Hạc lâu, hướng dẫn đọc hiểu tác phẩm
——————
Trên đây là hướng dẫn làm bài cảm nhận bài thơ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu bao gồm dàn ý chi tiết và những bài văn mẫu chọn lọc hay nhất. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích phục vụ việc học tập của các em. Ngoài ra, các em hãy truy cập để tham khảo những bài văn mẫu 10 phong phú khác mà chúng tôi đã sưu tầm và tổng hợp nhé. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp