Đề bài: Trình bày Cảm nhận bài thơ Nói với con của Y Phương
Cảm nhận bài thơ Nói với con của Y Phương
Bạn đang xem: Cảm nhận bài thơ Nói với con của Y Phương
I. Dàn ý Cảm nhận bài thơ Nói với con của Y Phương
1. Mở bài
Giới thiệu về bài thơ Nói với con
2. Thân bài
– Những bước chân đầu tiên của con trong đời đã có bóng hình ba mẹ
– Mỗi bước con đi được bà khích lệ động viên, mỗi bước con đi cũng là niềm vui sướng của cả ba và mẹ
– Hồn quê trong Nói với con chính là rừng, là con đường quê, là người đồng mình chân chất mà giàu nghị lực:
+ Con đường cho những tấm lòng đầy nhân hậu yêu thương
+ Những “người đồng mình” giàu nghị lực, biết vươn lên, luôn mạnh mẽ trước những nhọc nhằn, gian khổ.
+ Tầm vóc của những người đồng mình không hề “nhỏ bé”, họ luôn vững lòng phấn đấu, ghi dấu ấn trên quê hương, tạo nên phong tục quê hương, dựng xây ” kê cao” quê hương mình.
– Ý nguyện và niềm mong ước của cha gửi đến con:
+ Mong con sống ngay thẳng, sống hiên ngang giữa quê hương mình
+ Mong con hãy sống “như sông”, “như suối”, vượt thác ghềnh cheo leo không quản ngại, luôn tin tưởng vào ý chí của bản thân, vượt mọi cực nhọc, gian nan để đạt được thành công, vươn tới thành công
+ Hãy nuôi dưỡng những phẩm chất, cốt cách con người quê hương để hoàn thiện mình.
3. Kết bài
Cảm nghĩ về bài thơ
II. Bài văn mẫu Cảm nhận bài thơ Nói với con của Y Phương
Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, nơi mỗi người trưởng thành và lớn lên, là nơi vỗ về yêu thương. Bởi vậy mà biết bao thi phẩm viết về quê hương luôn khiến người đọc xúc động. Nói với con của nhà thơ Y Phương là một bài thơ như thế. Bằng những hình ảnh bình dị, chất thơ mộc mạc nhưng tràn đầy cảm xúc, tác giả đã cho ra đời một thi phẩm cảm động về tình cảm gia đình, tình cảm cha con.
Nói đến quê hương là nói đến bao điều ý nghĩa, và điều ý nghĩa nhất chính là nơi đó có gia đình mình. Nơi mà vòng tay yêu thương của những người cha, người mẹ luôn dang rộng để quan tâm ta, chăm sóc ta. Thấu hiểu được những tình cảm cao đẹp ấy mà mở đầu bài thơ, Y phương dành những lời thơ đẹp nhất để viết về họ:
” Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”
Từ những bước chân đầu tiên của con trong đời đã có bóng hình ba mẹ. Ngày còn bé thơ con được ba mẹ dìu dắt, tập đi, tập nói. Mỗi bước con đi được bà khích lệ động viên, mỗi bước con đi cũng là niềm vui sướng của cả ba và mẹ. Trong vòng tay mẹ cha, con có thể yên tâm tự bước đi trên đôi chân mình. “Tiếng nói”, ” tiếng cười” đầy rộn rã trong gia đình hạnh phúc chính là niềm tin yêu, sự an tâm tuyệt đối để con có thể lớn lên mỗi ngày. Bốn câu thơ như một lời tự sự ấy chứa đựng cả một tấm lòng bao la của những người làm cha làm mẹ đối với đứa con thơ.
Nếu gia đình là điểm tựa cho con thì quê hương là nơi chắp cánh ước mơ, nuôi dưỡng tâm hồn con. Nếu như trong thơ Nguyễn Bính, hồn quê là cánh đồng, là giậu mồng tơi trước sàn, là cây cầu tre nhỏ, trong thơ Tế Hanh hồn quê là vị mặn mòi của biển cả quê hương và những lao động ngày đêm chài lưới thì hồn quê trong Nói với con chính là rừng, là con đường quê, là những con người chân chất mà giàu nghị lực.
“Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”
Quê hương có rừng với bạt ngàn cây xanh, rừng còn tô điểm cho vẻ đẹp quê hương bởi những bông hoa đủ sắc hương. Con đường quen thuộc chứa đựng những tấm lòng yêu thương, gắn bó. Rừng già che chở, bao bọc cho quê hương, điểm tô cho quê hương bằng những vẻ đẹp giản dị, tươi sáng, con đường cho những tấm lòng đầy nhân hậu yêu thương, những vật thể tưởng chừng như vô tri vô giác lại góp sức mình làm đẹp cho quê hương, lại có những tình cảm, cống hiến lớn lao đến thế.
Cha nói với con như một lời tâm sự nhưng cũng là một niềm tự hào, niềm mong ước gửi gắm vào con, mong con dù là ai, dù ở nơi đâu cũng có thể cống hiến sức mình dựng xây quê hương giàu đẹp.
Không chỉ con đường, không chỉ rừng xanh, con người quê hương mình cũng thực rất đỗi đáng quý:
“Người đồng mình yêu lắm con ơi.
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát.”
Vẻ đẹp và sự đáng yêu của con người xứ sở đến từ một tinh thần vui vẻ, yêu đời, yêu cuộc sống. Họ yêu những điều bình dị nơi nguồn cội mình. Cuộc sống dẫu có khắc nghiệt, những người đồng mình luôn lạc quan, kiên cường, tin yêu vào cuộc sống.
” Người đồng mình” đâu chỉ kiên cường, giàu yêu thương, họ còn là những con người giàu nghị lực, biết vươn lên, luôn mạnh mẽ trước những nhọc nhằn, gian khổ:
” Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”.
Những tính từ “cao” , “xa” được đặt ở đầu câu càng nhấn mạnh được sự vượt khó trong tinh thần, khoáng đạt trong cách sống của nhân dân quê hương. Nỗi buồn không sá, chí lớn vẫn vững lòng, dạ vẫn son sắt, họ không bao giờ lùi bước, kiên định nuôi dưỡng chí lớn đời mình. Bởi thế mà cha ” thương” những người đồng mình nhiều hơn, khâm phục họ nhiều hơn:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì là phong tục”
Những người con quê hương vẫn nối tiếp truyền thống, phong tục cội nguồn mình mà lớn lên, mà dựng xây. “Người đồng mình “chân chất “thô sơ da thịt”, cuộc sống không nhung gấm lụa là, không bạc vàng giàu có nhưng họ sống bằng sức lao động của đôi tay mình, dù có chai sạn, có lầm than. Tầm vóc của những người đồng mình không hề ” nhỏ bé”, họ luôn vững lòng phấn đấu, ghi dấu ấn trên quê hương, tạo nên phong tục quê hương, dựng xây ” kê cao” quê hương mình.
Sau cùng, người cha muốn nhắn nhủ, gửi đến con những lời khuyên chân thành, gói trong đó cả ước nguyện của cha về con sau này:
“Dẫu làm sao thì chả vẫn muốn
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Ý nguyện của cha một đời là mong con sống ngay thẳng, sống hiên ngang giữa quê hương mình. Có nghèo khó, có mệt lòng cũng đừng buông lời chê bai, nản chí. Cha mong con hãy sống “như sông”, ” như suối”, vượt thác ghềnh cheo leo không quản ngại, luôn tin tưởng vào ý chí của bản thân, vượt mọi cực nhọc, gian nan để đạt được thành công, vươn tới thành công. Hãy nuôi dưỡng những phẩm chất, cốt cách con người quê hương để hoàn thiện mình.
ài thơ đầy thiết tha, dung dị ấy đã cho ta thấy tình cảm của người cha dành cho con thật lớn lao và trao cho con niềm tin yêu đầy đẹp đẽ. Và hơn thế nữa là những niềm mong mỏi và hy vọng nơi cha gửi gắm trong con. Tình thương của cha thật đáng trân trọng, đáng quý và đáng ngưỡng mộ biết bao. Trọn một đời cha vẫn luôn dành cho con những điều tuyệt vời và khuyên lơn đáng trân quý nhất.
——————–HẾT———————-
Nói với con là lời tâm sự chân thành, tha thiết đồng thời cũng là tình yêu, niềm hi vọng của người cha muốn gửi gắm nơi đứa con nhỏ của mình. Bên cạnh bải Cảm nhận bài thơ Nói với con của Y Phương, các em có thể tìm hiểu thêm những biểu hiện của tình phụ tử thiêng liêng qua bài: Phân tích bài thơ Nói với con, Phân tích khổ 2 của bài thơ Nói với con, Bình giảng đoạn hai bài Nói với con, Cảm nhận của em về khổ đầu trong bài thơ Nói Với con.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp