Cảm nhận bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

0
98
Rate this post

Đề bài: Cảm nhận bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

cam nhan bai tho tuong tu cua nguyen binh

Cảm nhận bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Bạn đang xem: Cảm nhận bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

I. Dàn ý Cảm nhận bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

2. Thân bài:

a. Bốn câu thơ đầu “Thôn Đoài…yêu nàng”: Nỗi nhớ nhung, tương tư của chàng trai:
– Dùng cách nói xa xôi, lấy hai thôn nơi chàng trai và cô gái sinh sinh sống để ẩn dụ cho nỗi nhớ mong của mình, sau đó bộc lộ tình cảm chân thành bằng cụm từ “chín nhớ mười mong”.
– Lối nói “Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”, mang đến cho người đọc một cảm giác dễ chịu, đáng yêu, với lời tỏ tình rất đỗi chân thành, lại pha chút hóm hỉnh.
+ Ví tương tư là “bệnh” của tình yêu, cũng ngầm chỉ rằng bệnh của chàng trai thuốc chữa chính là tình yêu của cô gái thôn Đông.
+ Lời tỏ tình, bộc bạch ý vị, dễ thương mang đậm chất dân dã có phong vị rất riêng, một sự lãng mạn nơi đồng quê, phản ánh một phần đời sống tình cảm của những người dân nơi thôn xóm xưa cũ.

b. Tám câu thơ tiếp “Hai thôn…xa xôi”: Sự hờn trách của chàng trai:
– Trách cô gái khi rõ ràng hai thôn gần sát cạnh nhau nhưng cô gái ấy chưa một lần ghé thăm, để mình chìm đắm trong nỗi tương tư, đợi chờ “ngày qua ngày lại qua ngày”, khốn khổ vì nhớ mong, hy vọng từng ngày, thậm chí là từ mùa hạ sang mùa thu “lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”.
=> Là lời thở than, nhân đó bộc bạch cả nỗi lòng mong đợi, cả tình yêu vượt qua thời gian mà vẫn không hề thay đổi, vẫn một lòng trông đợi cô gái của mình.
– Hờn trách “Bảo rằng cách trở đò giang/Không sang là chẳng đường sang đã đành/Nhưng đây cách một đầu đình/Có xa xôi mấy cho tình xa xôi”, chỉ một đầu đình thôi nhưng nhà gái cũng chẳng một lần có ý định sang, khiến chàng trai càng thêm buồn bã, bức bối không thôi.
=> Băn khoăn về tình cảm của cô gái “Có xa xôi mấy cho tình xa xôi”, phải chăng thực tế là lòng xa cách thế nên có cách một đầu đình, hay ở cùng làng thì cũng tựa như xa ngàn dặm.

– Sự đặc biệt của quy luật tâm lý trong thơ:
+ Theo lẽ thường ngàn năm vẫn là người con trai chủ động đi tìm và theo đuổi người con gái nhưng trong Tương tư của Nguyễn Bính ta lại thấy một hình ảnh một chàng trai bị động hết nhớ thương, rồi lại đâm ra hờn dỗi, trách móc người con gái không sang tìm mình.
=> Tác giả đang muốn giãi bày nỗi niềm tương tư, nê cần đặt chàng trai vào vị thế bị động mới có thể bộc lộ được hết những cung bậc cảm xúc trong một mối tình đơn phương.
+ Sự hờn trách không phải là những cảm xúc tiêu cực, mà có thể xem là những diễn biến tâm lý thường thấy khi con người ta yêu, sự hờn trách chính là một hình thức để diễn tả nỗi nhớ thương mong ngóng, niềm hy vọng nhận được sự an ủi, vỗ về từ đối phương.

c. Bốn câu thơ tiếp “Tương tư…gặp nhau”:
– Trực tiếp bộc lộ tình cảm của mình, nỗi tương tư đơn phương đã kéo dài biết bao nhiêu ngày đêm không một lời hồi đáp.
– Than thở “Biết hỏi ai, hỏi ai người biết cho”, thể hiện niềm mong mỏi rằng cô gái ấy sẽ thấu hiểu được tấm lòng của mình.
– Những mong ước xa xôi “Bao giờ bến mới gặp đò?/Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?”, rằng một ngày nào đó ta với nàng được gặp nhau, sát cánh như bến với đò, tương ngộ như những mối tình lãng mạn của lãng khách giang hồ cùng tiểu thư khuê các.

d. Bốn câu thơ cuối:
– Ước vọng xa xôi của chàng trai khi có sự xuất hiện rất ý vị của hình ảnh trầu và cau. Trong phong tục tập quán của Việt Nam, trầu và cau là biểu trưng cho sự gắn kết đôi lứa, là thức không thể thiếu trong các tục lệ cưới treo từ bao đời.
– Hình ảnh nhà nàng có giàn giầu nhà anh có hàng cau, tức là ước vọng về một ngày nên duyên vợ chồng với cô gái của chàng trai.

3. Kết bài:

Cảm nghĩ chung

II. Bài văn mẫu Cảm nhận bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Nguyễn Bính là một trong ba đỉnh cao của thơ Mới giai đoạn năm 1932-1941, nếu như người ta ấn tượng với một Xuân Diệu nồng nàn, cháy bỏng với những vần thơ tình táo bạo điên cuồng, Hàn Mặc Tử với những vần thơ điên hòa quyện giữa hai trường phái đối lập là trong sáng thơ mộng với sự ghê rợn ám ảnh, thì đến Nguyễn Bính người ta lại nhìn thấy một nhà thơ bình bình chân chất, mà giống như nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận định Nguyễn Bính là một nhà thơ với những vần thơ thật “quê mùa” và gần gũi. Bản thân Nguyễn Bính có thể không có những giai đoạn nổi bật với những tác phẩm vụt sáng như những nhà thơ mới khác, thế nhưng khi nhắc đến thơ Mới người ta vẫn phải trân trọng dành cho ông một vị trí cao quý, bởi lẽ thơ hiện đại nhưng vẫn mang vác được cái hồn quê chân chất với lối nói quê và giọng điệu quê kết hợp thì có lẽ xưa nay hiếm và chỉ ở Nguyễn Bính mới có được. Một trong những bài thơ tiêu biểu và nổi tiếng nhất của Nguyễn Bính phải kể đến Tương tư, một bài thơ với giọng thơ lục bát dân tộc, hồn nhiên, trong sáng, tình yêu đôi lứa ý nhị, duyên dáng đậm chất dân quê.

Tương tư dường như là một cung bậc cảm xúc tất yếu mà mỗi một con người khi mới bước vào đường yêu đều phải nếm trải, sự nhớ nhung bâng khuâng da diết, những câu hỏi băn khoăn về tình cảm của đối phương cứ luôn quẩn quanh trong tâm trí, khiến con người thường rơi vào trạng thái lửng lơ, xao nhãng. Đặc biệt tương tư vẫn được dùng để miêu tả trạng thái tình cảm đơn phương của con người, khi tình yêu bị ngăn cách bởi không gian, thời gian, thậm chí là sự dửng dưng, tỏ như không biết của đối phương, khiến kẻ tương tư được lắm phen khốn khổ, nhưng không thể dứt bỏ được thứ tình cảm kỳ lạ này. Chính vì vậy trong nỗi tương tư người ta thường thấy không chỉ có sự hiện diện của những nỗi nhớ thương, những khao khát được gặp mặt, những băn khoăn trăn trở, mà đôi lúc nó còn được gài cắm cả những lời trách móc, ghen tuông bóng gió. Tuy nhiên tất cả đều xuất phát từ một tình yêu mới chớm một tình yêu đầy hy vọng thành thử nghe vào người ta vẫn luôn thấy thật đáng yêu, dễ thấu hiểu và thông cảm biết mấy. Nguyễn Bính không phải là một nhà thơ chuyên viết thơ tình giống như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, thế nhưng thơ tình của ông cũng không hề thua kém, đặc biệt ở Tương tư ta thấy được một hồn quê rất đậm đặc từ những hình ảnh, cách ví von, hay cả lối thơ lục bát quen thuộc.

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Trong 4 câu thơ đầu tiên nỗi nhớ nhung, tương tư của chàng trai đã được bộc lộ một cách rất ý vị và đáng yêu. Ban đầu chàng trai dùng cách nói xa xôi, lấy hai thôn nơi chàng trai và cô gái sinh sinh sống để ẩn dụ cho nỗi nhớ mong của mình, sau đó bộc lộ tình cảm chân thành bằng cụm từ “chín nhớ mười mong”. Đặc biệt tình cảm ấy còn trở nên sâu sắc, khiến chàng trai có vẻ như bất chấp tất cả, không còn muốn quan tâm đến những thứ ở xung quanh, dẫu trời có mưa có gió thì cũng không thể ngăn cản được tình yêu của chàng trai. Đó là thứ tình yêu bắt đầu có sự thách thức, sẵn sàng vượt qua cả những biến đổi của tự nhiên, vũ trụ bao la. Đặc biệt hơn nữa lối nói “Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”, mang đến cho người đọc một cảm giác dễ chịu, đáng yêu, với lời tỏ tình rất đỗi chân thành, lại pha chút hóm hỉnh khi ví tương tư là “bệnh” của tình yêu, cũng ngầm chỉ rằng bệnh của chàng trai thuốc chữa chính là tình yêu của cô gái thôn Đông. Lời tỏ tình, bộc bạch ý vị, dễ thương mang đậm chất dân dã không làm bài thơ trở nên lạc hậu, quê mùa mà trái lại còn mang đến những phong vị rất riêng, một sự lãng mạn nơi đồng quê, phản ánh một phần đời sống tình cảm của những người dân nơi thôn xóm xưa cũ.

Như đã nói ở trên tương tư không chỉ là cảm giác nhớ thương, bồi hồi mà đôi lúc còn xen cả sự giận hờn, ghen tuông bóng gió, xa gần, điều này đã được Nguyễn Bính thể hiện rất rõ trong những câu thơ tiếp:

“Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy cho tình xa xôi…”

Đầu tiên chàng trai trách cô gái khi rõ ràng hai thôn gần sát cạnh nhau nhưng cô gái ấy chưa một lần ghé thăm, để mình chìm đắm trong nỗi tương tư, đợi chờ “ngày qua ngày lại qua ngày”, khốn khổ vì nhớ mong, hy vọng từng ngày, thậm chí là từ mùa hạ sang mùa thu “lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”. Rõ ràng ở đây chàng trai không chỉ hờn trách cô gái không sang thăm mà còn là lời thở than, nhân đó bộc bạch cả nỗi lòng mong đợi, cả tình yêu vượt qua thời gian mà vẫn không hề thay đổi, vẫn một lòng trông đợi cô gái của mình. Không chỉ vậy, khoảng cách không gian địa lý còn được nhấn mạnh thêm một lần nữa trong những câu hờn trách mát mẻ “Bảo rằng cách trở đò giang/Không sang là chẳng đường sang đã đành/Nhưng đây cách một đầu đình/Có xa xôi mấy cho tình xa xôi”, chỉ một đầu đình thôi nhưng nhà gái cũng chẳng một lần có ý định sang, khiến chàng trai càng thêm buồn bã, bức bối không thôi. Đồng thời chàng trai cũng dần trở nên băn khoăn về tình cảm của cô gái “Có xa xôi mấy cho tình xa xôi”, hai người rõ ở gần nhau, thế nhưng chẳng một lần gặp mặt, phải chăng thực tế là lòng xa cách thế nên có cách một đầu đình, hay ở cùng làng thì cũng tựa như xa ngàn dặm. Đọc đến đây có lẽ sẽ có nhiều độc giả thắc mắc rằng, không phải theo lẽ thường ngàn năm vẫn là người con trai chủ động đi tìm và theo đuổi người con gái hay sao, thế mà trong Tương tư của Nguyễn Bính ta lại thấy một hình ảnh ngược lại, một chàng trai bị động hết nhớ thương, rồi lại đâm ra hờn dỗi, trách móc người con gái không sang tìm mình. Thế nhưng đặt vào hoạt cảnh thơ văn, tác giả đang muốn giãi bày nỗi niềm tương tư, thành thử không cần quá câu nệ những lẽ thông thường, mà cần đặt chàng trai vào vị thế bị động mới có thể bộc lộ được hết những cung bậc cảm xúc trong một mối tình đơn phương, cũng như nội tâm của họ, khiến độc giả hiểu một cách khách quan hơn. Thứ hai nói về sự hờn trách, thực tế đây không phải là những cảm xúc tiêu cực, mà có thể xem là những diễn biến tâm lý thường thấy khi con người ta yêu, sự hờn trách chính là một hình thức để diễn tả nỗi nhớ thương mong ngóng, niềm hy vọng nhận được sự an ủi, vỗ về từ đối phương. Đặc biệt là khi tình yêu của mình đong đầy, nhưng người kia lại cố ý hờ hững, vô tâm thì đôi lúc làm một chút gì đó để gây chú ý cũng là lẽ thường thấy trong tình yêu.

“Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?”

Sau những lời hờn dỗi chàng trai lại tiếp tục trực tiếp bộc lộ tình cảm của mình, nỗi tương tư đơn phương đã kéo dài biết bao nhiêu ngày đêm không một lời hồi đáp. Cùng với lời than thở “Biết hỏi ai, hỏi ai người biết cho”, thể hiện niềm mong mỏi rằng cô gái ấy sẽ thấu hiểu được tấm lòng của mình, để chấm dứt những chuỗi ngày tương tư, sầu khổ này. Đi kèm với sự ý vị mơ hồ ấy là những mong ước xa xôi “Bao giờ bến mới gặp đò?/Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?”, rằng một ngày nào đó ta với nàng được gặp nhau, sát cánh như bến với đò, tương ngộ như những mối tình lãng mạn của lãng khách giang hồ cùng tiểu thư khuê các. Đó là một cách ví von rất đỗi bay bổng, có phần sến súa, nhưng lại thực tình rất đúng trong tâm trạng của những chàng trai quê, gắn bó với xóm làng cùng với những câu chuyện kể tình yêu hiệp khách lãng mạn.

“Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

Trong bốn câu thơ cuối ta thấy rất rõ về một ước vọng xa xôi của chàng trai khi có sự xuất hiện rất ý vị của hình ảnh trầu và cau. Trong phong tục tập quán của Việt Nam, trầu và cau là biểu trưng cho sự gắn kết đôi lứa, là thức không thể thiếu trong các tục lệ cưới treo từ bao đời. Hình ảnh nhà nàng có giàn giầu nhà anh có hàng cau, tức là ước vọng về một ngày nên duyên vợ chồng với cô gái của chàng trai. Đó là một hình ảnh ẩn dụ vừa sâu sắc, đáng yêu lại cũng thể hiện rất rõ những nét đẹp truyền thống thôn quê, đặc trưng cho thơ của Nguyễn Bính. Ở hai câu thơ cuối một lần nữa chàng trai lại tỏ tình bóng gió “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông”, đồng thời cũng có lời hỏi ngỏ xem cô gái rốt cuộc đã để ai vào trong lòng chưa, có hay chăng một chút tình ý với mình rằng “Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”, thể hiện nỗi niềm mong ước xa xôi, bất định về việc được nên duyên trầu cau với cô gái thôn Đông.

Tương tư của Nguyễn Bính là một bài thơ tình “quê mùa” dễ đi vào lòng người đọc bởi lối viết mong đậm phong vị dân gian, sắc thái làng quê, lối nói dân dã quen thuộc, tình cảm trong thơ lại đánh trúng vào nỗi lòng của nhiều những con người đang yêu với những cung bậc cảm xúc thực tế. Xuyên suốt bài thơ ta luôn thấy những cảm xúc trong sáng, giản dị, thể hiện được cái hồn quê chân chất thông qua cách nhà thơ sử dụng câu chữ và cả thể thơ lục bát truyền thống. Tình yêu trong thơ cũng trở nên thật gần gũi, dễ hiểu, không quá chú trọng vào việc giấu ý thơ, chính vì vậy Tương tư đã đi vào đời sống một cách dễ dàng, thậm chí từng trở thành câu cửa miệng của nhiều người mà đôi lúc người ta cứ ngỡ đó là một bài ca dao lâu đời.

Bài viết là những phân tích, cảm nhận về Tương tư của Nguyễn Bính để tìm hiểu thêm về tác phẩm mời các em tham khảo các bài viết sau đây Soạn bài Tương tư , Diễn biến tâm trạng của chàng trai trong bài Tương tư, Phân tích bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính, Phân tích khổ thơ đầu bài Tương tư.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-bai-tho-tuong-tu-cua-nguyen-binh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp