Cảm nhận bốn câu thơ đầu bài thơ Tương tư – Nguyễn Bính

0
74
Rate this post

Tương tư nằm trong một thi tứ bao trùm Thơ mới: tình yêu nam nữ – thứ tình yêu hiện đại trăm hình muôn trạng của văn học lãng mạn giai đoạn 1930 — 1945… cái tình say đắm, cái tình thoảng qua; cái tình gần gũi, cái tình xa xôi…, cái tình trong giây phút, cái tình thiên thu. Để có thể viết được những dòng cảm nhận, trước hết các bạn hãy xem qua bài văn phân tích bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính để hiểu hết được nội dung cũng như ý văn mà tác giả muốn gửi gắm trong bài thơ.

Đề bài

Cảm nhận bốn câu thơ đầu bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Bạn đang xem: Cảm nhận bốn câu thơ đầu bài thơ Tương tư – Nguyễn Bính

———

Top 3 bài văn mẫu nêu cảm nhận bốn câu thơ đầu bài thơ Tương tư

Bài văn mẫu 1

Bài văn cảm nhận 4 câu thơ đầu bài thơ Tương tư – Nguyễn Bính

Nguyễn Bính vốn đã sớm nổi tiếng với dòng văn thơ mang tính chất giản dị chân quê,những câu thơ được dệt nên bởi những chất liệu mộc mạc nhất. Ấy vậy mà trải qua bao nhiêu giai đoạn ,những bài thơ của Nguyễn Bính vẫn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. “ tương tư” là một trong số những bài thơ hay viết về tình yêu đôi lứa, thấm đượm những tình cảm vừa trong sáng lại vừa chân thực.

Những vấn thơ của Nguyễn Bính không giống thơ hiện đại là mấy mà nó lại giống như những câu ca dao không biết từ khi nào đi vào lòng người một cách dễ dàng như vậy. Lấy cách ví von của người xưa,tương tư lại trở thành một hiện tượng, dám nói trực tiếp lên tình cảm của đôi lứa. Những câu thơ lục bát như những lời hát rồi lại đáp lại của những cặp đôi có tình ý với nhau. Đó là những cảnh của những cô gái chàng trai thầm thương trộm nhớ nhau, đứng ở bên đình tát nước rồi nói ví von cho nhau nghe:

“Hôm qua tát nước bên đình 

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen 

Em được thì cho anh xin 

Hay là em để làm tin trong nhà”

Những câu thơ ấy, sao mà nhẹ nhàng đằm thắm đến thế, như tiếng ru dịu ngọt của tình yêu dẫn dắt những tình cảm từ thuở ban đầu đi sâu vào tâm hồn người đọc. Để khiến người đọc thấy chính bóng dáng của mình ở trong đấy vậy. Rồi những câu thơ khác cũng không kém phần ý tứ sâu xa

 “ Hỡi cô tát nước bên đàng 

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”

Tát nước dưới ánh trăng làm tan ánh trăng tròn trịa cũng đúng, nhưng chính điều đó mới là cái cớ để làm quen nhau. Chỉ những thứ nhỏ nhặt khó hiểu thế nhưng lại khiến các cặp đôi đi đến với nhau quả thật là lạ. Chính vậy mà cái bệnh mà người ta khó chữa nhất là bệnh ở tâm, là bệnh tương tư, bệnh này chỉ có thuốc tình yêu mới chữa nổi. Thế nên mới có bài Tương tư của Nguyễn Bính

Trong bài thơ, những đặc điểm dân gian khiến tứ thơ của Nguyễn Bính, tìm được sự đồng cảm và tiếp đón nồng nhiệt của đông đảo độc giả. Tương tư với thể thơ lục bát ngàn xưa dịu ngọt giàu tính nhạc, vần phong phú, lối đan chữ (chín nhớ mười mong), kiểu suy tưởng vật thể hóa (Lá xanh nay đã thành cây lá vàng), và những từ có vùng mờ ngữ nghĩa dẫn thi tứ lan tỏa man mác. Cũng trong bài thơ, những hình ảnh như : thôn Đoài, thôn Đông, bến nước, đầu đình, giàn trầu, hàng cau… ở những bài thơ khác của Nguyễn Bính, cũng tràn ngập các hình ảnh gần gũi, chân quê từ nhà ra ngõ,bến nước hữu tình,con bướm trắng, bướm vàng vẽ vòng trên các vườn hoa cải vàng, vườn chanh, vườn cam, vườn bưởi ngào ngạt hương bay, ven đê là ruộng dâu, bãi cháy, bãi đất, vườn chè, bên ao bèo, bên giếng khơi, giậu mồng tơi xanh rờn…

Chữ “tôi” xuất hiện trong bài thơ của Nguyễn Bính thật đáng yêu. Thôn Đoài với thôn Đông là nơi nhà “Nàng” và nhà “Tôi” đang ở,cũng là cách nói cụ thể hóa, hai thôn chính là hai cầu nối cho nàng và tôi gần nhau hơn. Sử dụng hoán dụ – nhân hoá kết hợp với thành ngữ và nghệ thuật phân hợp số từ – vị ngữ “chín, mười, nhớ mong = chín nhớ mười mong” góp phần làm cho tứ thơ trở nên bình dị mà hồn nhiên, đằm thắm. “chín nhớ mười mong một người” giống như tâm trạng “ bổi hổi bồi hồi” hay tâm trạng của cô gái trong bài ca dao “ khăn thương nhớ ai,không chỉ đầy ắp, da diết trong lòng chàng trai đa tình mà còn tràn ngập cả xóm thôn, cả thôn Đông lẫn thôn Đoài. Vì yêu cho nên tương tư đã thành “bệnh”, thật đáng thương,… cũng như bệnh nắng mưa của trời vậy. Cách so sánh “bệnh giời” với bệnh tương tư “của tôi yêu nàng”, tác giả Nguyễn Bính đã diễn tả hồn nhiên, thú vị về nỗi buồn tương tư trong tình yêu là lẽ tự nhiên, là tất yếu. Gần thì thương, xa thì nhớ,đấy là những cảm xúc thường thấy của tình yêu

Những câu nói tiếp theo, việc vận dụng lối nói ước lệ ẩn dụ trong ca dao (bến, đò) trong thơ văn truyền thống (hoa khuê các, bướm giang hồ) thể hiện một nỗi ước mong, khao khát về tình yêu hạnh phúc của lứa đôi rất thiết tha. Để từ đây, tác giả bộc lộ những khát khao trọn vẹn và được đáp trả trong tình yêu đó. Cái tôi trữ tình của chàng trai đa tình, nỗi buồn tương tư, nỗi khát khao ước mong về hạnh phúc “của tôi yêu nàng”, trở thành “cái chung” của nhiều chàng trai, cô gái khác. Tương tư không chỉ là cảm xúc của nhân vật trữ tình “ tôi” trong tương tư mà bài thơ còn nói hộ bao nhiêu người khác. Chính vì thế, cho tới nay, mỗi khi muốn bày tỏ tình ý với người khác,người ta hay nói bóng gió bâng quơ một câu như ý nhắn nhủ với người họ yêu rằng họ cũng đang tương tư vì một ai đó

“nắng mưa là bệnh của trời 

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” 

Những vần thơ của bài thơ Tương Tư vừa có phần thơ mộng lại vô cùng lãng mạn,không có gì có thể thay đổi cảm xúc lâng lâng nhớ nhung đó,dù có trải qua bao nhiêu thời gian đi chăng nữa. Tương tư có những nỗi buồn,có hờn giận trách móc nhưng những cảm xúc đó lại trở thành một đặc sản của tình yêu tạo nên sự đáng yêu và khát khao trọn vẹn trong tình yêu của lứa đôi,đặc biệt là những mối tình đơn phương.

Có thể bạn quan tâm bài văn

  • Cảm nhận vẻ đẹp dân gian được thể hiện trong bài thơ Tương tư.
  • Bài văn mẫu cảm nhận về bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Bài văn mẫu 2

Cảm nhận bốn câu thơ đầu bài Tương tư của nhà thơ Nguyễn Bính

Nguyễn Bính là thi sĩ của đồng quê, như nhà văn Tô Hoài từng nhận xét: “Chỉ có quê hương mới tạo ra được từng chữ, từng câu Nguyễn Bính. Trên chặng đường ngót nửa thế kỉ đề thơ, mỗi khi những gắn bó mồ hôi nước mắt kia đằm lên, ngây ngất, day dứt không thể yên, khi ấy xuất hiện những bài thơ tình yêu tuyệt vời của Nguyễn Bính”. Để bàn luận đến phong cách thơ bình dị, mộc mạc, đậm chất thôn quê của Nguyễn Bính, chúng ta không thể nào không nhắc đến Tương tư.

Cũng như các nhà thơ lãng mạn đương thời, Nguyễn Bính say mê với đề tài tình yêu. Nhưng cách biểu hiện thì theo một lối riêng của chính ông. Trong khi các nhà thơ lãng mạn hướng về phương Tây, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây, thì Nguyễn Bính hướng về nghệ thuật dân tộc, chịu ảnh hưởng của thơ ca dân gian. Với Tương tư, Nguyễn Bính bắt đầu chủ đề tình yêu bằng một nỗi nhớ:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ mười mong một người”

Trong cuộc sống hàng ngày, tương tư là chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương, thầm kín của người con người với đối tượng mà mình có cảm tình hoặc yêu thích. Vậy mới nói, tình yêu nào cũng bắt đầu bằng nỗi nhớ, và tình yêu trong Tương tư cũng vậy. Cũng là nhớ, nhưng là “chín nhớ mười mong”, là nhớ thương khắc khoải. Cái nỗi nhớ da diết tưởng chừng như không đong đếm được được nhà thơ gói gọn trong bốn chữ “chín nhớ mười mong” nhưng lại càng khiến cho nỗi nhớ như trải rộng thêm ra, đầy thêm lên.

Nỗi nhớ ấy chính là tương tư, chính là biểu hiện của tình yêu! Đến hai câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã khẳng định đó chính là tình yêu! Vì yêu nên mới “chín nhớ mười mong”, vì yêu nên mới tương tư, chờ đợi:

“Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Đến đây, nỗi nhớ đã được chỉ đích danh. Đó là nỗi nhớ của tình yêu, nỗi nhớ của một người con trai dành cho một người con gái. Người con trai đang yêu này là con người có gốc rễ sâu xa với làng mạc quê hương. Vì thế, đến cả cái chất yêu, cái chất nhớ cũng đượm tình quê, hồn quê bình dị mà chân thật. Thơ của thi sĩ lãng mạn mà như của dân dã, nỗi nhớ mộc mạc mà lại đằm thắm, tâm tư. Nguyễn Bính thích lối cụ thể hóa cái trừu tượng của ca dao, cụ thể ra thành chữ số (yêu nhau tam tứ núi cũng trèo), nhưng lại có cấu trúc điêu luyện của thơ:

“Một người chín nhớ mười mong Một người”

“Một người” đứng ở hai đầu câu thơ, tạo ra một khoảng cách, diễn tả sự xa cách, nhớ mong như vậy quả là hay, quả là độc đáo! Tâm trạng của người tình đơn phương cũng được mở ra với trời đất. Rằng trời cao kia cứ nắng cứ mưa, còn “tôi” đây dù nắng dù mưa vẫn một nỗi lòng yêu thương, nhớ nhung “nàng”.

Có lẽ đây chính là hai câu thơ được nhiều người nhớ nhất, nhiều người nhắc tới nhất của Tương tư – Nguyễn Bính. Bởi nó không chỉ là tâm trạng của chàng trai thôn quê trong riêng Tương tư mà còn là nỗi niềm chung của biết bao chàng trai đang yêu khác, câu thơ như nói thay tâm tư của họ.

Chỉ với bốn câu thơ thôi, phần nào người đọc đã cảm nhận được cái tình mộc mạc mà trong trẻo trong thơ của Nguyễn Bính. Yêu đấy, thương đấy, nhiều lắm đấy nhưng nhẹ nhàng, e ấp đậm chất quê

Xem thêm bài văn mẫu bình giảng bài thơ Tương tư để thấy được cái khác trong cách diễn tả câu từ dùng trong tình yêu đôi lứa mà nhà thơ Nguyễn Bính sử dụng.

Bài văn mẫu 3

Văn mẫu 11 nêu cảm nhận 4 câu thơ đầu bài Tương tư

Thơ Nguyễn Bính mang màu sắc dân gian, khơi gợi cho ta ít nhiều về hồn xưa đất nước, quy tụ trong những câu thơ mộc mạc, giản dị mà thấm đẫm nghĩa tình.

Tương tư là thi phẩm tiêu biểu cho hồn thơ bình dị của Nguyễn Bính. Bài thơ là xúc cảm nhớ nhung, tha thiết của chàng trai chân quê với nhiều cung bậc phong phú, đẹp đẽ, thắm đượm màu sắc dân gian, hồn quê ấm áp. Màu sắc dân gian đã tạo bầu không khí thôn quê cho thi phẩm nhưng đồng thời cũng là nét đặc trưng cho phong cách thơ của Nguyễn Bính.

Một tác phẩm mang đậm màu sắc dân gian là tác phẩm mang tình cảm truyền thống cũng như phương thức thể hiện thường được bắt gặp ở ca dao, dân ca. Ca dao dân ca là chuỗi ngọc trong sáng vô ngần của người lao động bình dân. Nó thấm đẫm cách cảm, cách nghĩ của người lao động

Bài thơ tương tư trước hết là một sản phẩm của nền Thơ mới. Khi tung phá bức màn ước lệ để nhìn thẳng vào cái tôi cá nhân của mình, Thơ mới thoát ra như một tiếng ca chân thật, phong phú, mặc sức phô bày không hề giấu giếm. Nhiều nhà thơ chọn viết về đề tài tình yêu như Nguyễn Bính luôn hướng ngòi bút vào chiều sâu thẳm, huyền bí của cõi thơ này. Thế nhưng, Nguyễn Bính đã có một hướng đi khác. Nói rằng ông có một hướng đi khác lạ thật là không phải bởi ông chưa từng rời đi. Nói ông đã có những sáng tạo vượt bậc cũng không phải bởi ông chưa từng phá vỡ thi pháp vốn có trong ca dao. Thơ ông không phải là cái tình thoảng qua, cũng chẳng phải là tình thiên thu. Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính nằm ngay trong đời sống dân tộc được phản ánh sâu sắc trong ca dao trong mấy nghìn năm qua. Thơ ông chứa đựng cái hồn bình dị của dân tộc.

Mở đầu bài thơ, là lời tâm tình của chàng trai:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông 

Một người chín nhớ mười mong một người 

Gió mưa là bệnh của trời 

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. 

Một nỗi niềm nhung nhớ, tương tư ấy vậy mà lắm cung bậc đẹp đẽ. Giọng kể tâm tình vừa tự nhiên lại vừa hết sức kín đáo. Rõ ràng là chuyện tôi yêu nàng ấy vậy mà cứ vòng vo không nói nên lời. Đó chính là cái tình trong sáng, thánh thiện mà ta thường bắt gặp trong ca dao dân ca:

“Hôm qua tát nước đầu đình 

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen 

Em nhận thì cho anh xin”. 

(Ca dao)

Nào phải là chuyên quên chiếc áo mà đó chính là cái cớ để gặp gỡ, để chuyện trò, thổ lộ tâm tình. hay một cách tỏ tình khác đẹp đẽ, tinh tế hơn:

“Hỡi cô tát nước bên đàng 

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?” 

(Ca dao)

Hình ảnh chàng trai ẩn mình trong biểu tượng “thôn Đoài”. Tình cảm cũng được che giấu tế nhị: “ngồi nhớ”, không hề vồ vập hay lộ liễu. Người xưa là thế, nhẹ nhàng, kín đáo mà đắm say, nồng nhiệt: “chín nhớ mười mong”.

Đọc thơ Nguyễn Bính thấy nhẹ nhàng và thanh lọc tâm hồn. Khung cảnh làng quê bình dị và mộc mạc được thể hiện trong Tương tư cùng với tình yêu đôi lứa dung dị, đậm chất tình quê.

———-

Trên đây là top 3 bài văn mẫu cảm nhận bốn câu thơ đầu bài Tương tư – Nguyễn Bính mà biên soạn. Hy vọng với những chia sẻ trên đây phần nào sẽ giúp các em trong việc viết bài và học bài môn văn mẫu 11.

[Văn mẫu 11] Cảm nhận bốn câu thơ đầu bài thơ Tương tư, top 3 bài văn mẫu nêu cảm nhận 4 câu thơ đầu trong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-bon-cau-tho-dau-bai-tho-tuong-tu-nguyen-binh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp