Cảm nhận của em về đoạn thơ: “Từ hồi… giật mình” trong bài Ánh trăng

0
61
Rate this post

Đề bài: Cảm nhận của em về đoạn thơ: “Từ hồi… giật mình” trong bài Ánh trăng

cam nhan cua em ve doan tho tu hoi giat minh trong bai anh trang

Cảm nhận của em về đoạn thơ: “Từ hồi… giật mình” trong bài Ánh trăng

Bạn đang xem: Cảm nhận của em về đoạn thơ: “Từ hồi… giật mình” trong bài Ánh trăng

Bài văn mẫu Cảm nhận của em về đoạn thơ: “Từ hồi… giật mình” trong bài Ánh trăng

Trăng có lẽ là hình ảnh thơ xuất hiện nhiều nhất, thường xuyên nhất trong các tác phẩm của các thi nhân xưa và nay. Trăng là hình ảnh bình dị mà quen thuộc, gần gũi, lãng mạn mà trữ tình. Hình ảnh vầng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử “Ai mua trăng tôi bán trăng cho” là tình yêu đôi lứa tha thiết, trong thơ Hồ Chí Minh “trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” là tình yêu thiên nhiên nồng nàn, … nhưng phải đến thơ Nguyễn Duy, người ta mới thấy một hình ảnh về trăng khác lạ nhất. Đó là hình ảnh ánh trăng với triết lý sâu sắc của cuộc đời mỗi người “uống nước nhớ nguồn”. Triết lý ấy thể hiện rất rõ qua ba khổ thơ cuối của bài thơ:

” Từ hồi về thành phố

đủ cho ta giật mình”

Nếu ai đã từng biết tới Nguyễn Duy thì hẳn không quên được những tác phẩm đặc sắc của ông như Đò Lèn, Tre Việt Nam, … Chúng đều là những tác phẩm thấm đẫm cái hồn của ca dao, tục ngữ, của những áng văn thơ dân gian Việt Nam. Bởi thơ ông không đi tìm những điều mới lạ như Xuân Diệu mà lại đi tìm lại, khai thác sâu thêm những cái nền nã, cái vốn có tình nghĩa lâu đời của người Việt. Chính thế, người ta mới được biết tới Ánh trăng. Một vầng trăng tri kỉ của con người, một vầng trăng tình nghĩa bao năm tháng và một vầng trăng thức tỉnh cái lương tâm ta. Tác phẩm là lời nói thức tỉnh mỗi con người chúng ta, đừng bao giờ vì những thứ hào nhoáng, mới mẻ mà quên đi quá khứ của mình.

Mở đầu những trang thơ, người ta thấy xuất hiện trong thơ Nguyễn Duy một vầng trăng sáng tỏa. Vầng trăng ấy chứa chan những kí ức của tuổi thơ, của những ngày gian khổ chiến tranh:

“Hồi nhỏ sống ở đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”

Vầng trăng ấy trong thơ Nguyễn Duy trải rộng ra trong không gian mênh mông của tuổi thơ. Tuổi thơ hồn nhiên bên những dòng sông và biển lớn và cả bên vầng trăng nữa. Rồi khi đi lính, vầng trăng lại dõi theo chân ông, trở thành người bạn đường hành quân, trong những lần đứng gác. Đó là vầng trăng tri kỉ của Nguyễn Duy, cũng là vầng trăng tri kỉ của con người, của chúng ta. Bởi mỗi chúng ta sống và lớn lên đều có những kí ức bên vầng trăng yêu quý ấy.

Thế nhưng, khi từ rừng, từ sông trở về đời thường, bước chân vào một hoàn cảnh sống mới mẻ, tâm hồn của người lính qua chiến tranh, của cậu bé hồn nhiên ngày nào dường như đã đổi khác. Chính Nguyễn Duy cũng nhận ra cái thay đổi ấy trong suy tư của mình:

“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”

Ông nhận ra rằng, từ khi bước chân đến một cuộc sống mới, một cuộc sống hòa bình như mong đợi, nơi có ánh điện chiếu sáng, có cửa gương hào nhoáng, đẹp đẽ, những điều đó khiến ông quen thuộc dần. Để rồi, một ngày ông phát hiện ra vầng trăng trôi lơ lửng qua mình chỉ như một người dưng qua đường vội vã, chẳng lưu lại chút tình nghĩa gì. Thời gian có lẽ là thứ vô tình nhất trên thế gian này. Nó cuốn phăng đi tất cả quá khứ, tuổi thơ, tất cả chỉ như một cơn lốc, cuốn ào đi trong nháy mắt, chẳng còn lại gì cả. Có chăng, chỉ còn chút tình cảm vấn vương còn lưu lại trong tâm trí những con người một thời đã sống bên nhau. Thế nhưng, con người – Nguyễn Duy lại chẳng kháng cự lại cái sự thay đổi trong tâm trí của mình. Ông cứ mặc nhiên coi sự thay đổi đó là tự nhiên, tất yếu. Ông quen với những hào nhoáng, xa hoa của phố thị “ánh điện, cửa gương”. Và trong chính cái xa hoa ấy, người lính đã quên đi những năm tháng “chiến tranh ở rừng”, quên đi “hồi nhỏ sống ở đồng”, quên đi vầng trăng tri kỉ năm nào của mình ngày xưa. Đối với ông, giờ đây, vầng trăng ấy – người tri kỉ ấy đi qua có chăng chỉ là một người dưng qua ngõ, không quen, không biết mà thôi. Có một phép nhân hóa Nguyễn Duy đã dùng ở đây, vầng trăng kia chính là con người, là một người bạn thân thuộc của ông. Đọc câu thơ mà chúng ta không khỏi rưng rưng, vầng trăng tình nghĩa, tri kỉ ngày xưa sao lại chỉ “như một người dưng qua đường”? Phải chăng, những ồn ào nơi phố thị, những xô bồ nơi đây, những lo toan vật chất tầm thường đã cuốn đi, kéo con người ra khỏi những giá trị tinh thần vô giá, những kí ức tuổi thơ, những kỉ niệm ngày lính? Hay phải chăng là cái vô tâm vốn có của con người lấn át lý trí họ, khiến họ là kẻ phản bội, quay lưng lại với quá khứ của chính mình? Con người khi được sống trong đầy đủ, xa hoa của vật chất, lại thường hay quên đi những giá trị tinh thần, những giá trị cốt lõi, nền tảng của cuộc sống.

Thế nhưng, một tình huống thật bất ngờ đã xảy đến với người lính, buộc ông phải đối mặt với vầng trăng – với người bạn năm nào của mình:

“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”

Giữa cái xa hoa đầy đủ vật chất kia, người lính đã quen được bao bọc trong ánh điện sáng chói, đột nhiên hôm nay, ông phải đối diện với một sự kiện bất ngờ, một thực tại tối tăm. Bởi dòng sông cuộc đời cứ uốn lượn chảy mãi nhưng sẽ có lúc nó sẽ bắt gặp một biến cố thật bất ngờ. “Thình lình, đột ngột” giữa trong cái thành thị lộng lẫy ánh đèn ấy, “phòng buyn-đinh tối om”. Người lính già “vội bật tung cửa sổ”, vội vã làm một hành động quen thuộc khi xưa để chợt nhận ra:

“đột ngột vầng trăng tròn”

Một vầng trăng tròn vành vạnh đang lơ lửng trên không trung ngắm nhìn xuống người bạn xưa của mình. “Đột ngột” – một sự thể thật bất ngờ, ngạc nhiên đến cực độ xảy ra trước mắt ông. Dường như người lính không hề tưởng tượng trước được rằng, vầng trăng tròn kia vẫn luôn ở đó, trước mắt ông, tồn tại trong cuộc sống của ông.

Còn vầng trăng sáng ngoài kia, dường như chẳng biết người lính ấy đã lãng quên mất mình để rồi nó luôn ở đó chờ đợi người bạn tri kỉ của mình. “Người bạn” vầng trăng ấy không hề một câu oán trách, thở than rằng người lính đã bỏ rơi nó mà chỉ khoan dung, vị tha, dịu dàng ngắm nhìn người bạn đã lâu không gặp gỡ. Có chăng, nó đã tha thứ, đã khoan dung trước lỗi lầm của người xưa, để đón họ trở về, sẵn sàng bao dung, đón nhận lòng thành tâm sám hối của một con người.

Cuộc đời mỗi người là một dòng chảy bất tận. Bất cứ ở đâu, hoặc vì bất cứ điều gì cũng có thể làm ta bất chợt rơi vào hoàn cảnh tối tăm, mịt mù. Chẳng có ai hay bất cứ điều gì có thể sống mãi một cuộc đời yên ổn cả. Thế nhưng, sau mỗi thử thách bất ngờ ấy, ta mới nhận ra điều gì thực sự là quan trọng, là cái gắn bó với ta suốt đời. Và chắc chắn rằng, nó sẽ chẳng phải là những thứ hào nhoáng, xa hoa “ánh điện, của gương” kia mà nó là thứ ánh sáng vĩnh cửu, trường tồn “vầng trăng”.

Đến lúc này đây, những tâm tình, những cảm xúc từ lâu đã bị quên lãng, đã bị những “ánh điện” thành thị cuốn đi chợt ùa về trong lòng người lính. Ông chợt nhận ra, tuổi thơ đang ùa về, những kí ức về những năm tháng chiến tranh gian khổ cùng vầng trăng cũng ùa về thật nhanh trong ông, hiện lên trong ánh trăng vàng. Cảm xúc dồn nén bật ra thành từng giọt nước mắt “rưng rưng” trên khuôn mặt con người:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng”

Ngẩng mặt mình lên đối diện với vầng trăng, đối diện với “khuôn mặt” người bạn tri kỉ của mình, người lính mới chợt nhận ra: bao lâu nay, ông đã lãng quên những gì tình nghĩa nhất, tri kỉ nhất. Tác giả đã tinh tế khi đặt ở đây hình ảnh nhân hóa “mặt” trăng . Vầng trăng cũng là một con người, cũng có khuôn mặt, đôi mắt và đôi mắt, khuôn mặt ấy đang nhìn thẳng, đối diện vào người bạn của mình. Đối diện với khuôn mặt người xưa, Nguyễn Duy không khỏi “rưng rưng” dòng lệ. Bao kỉ niệm tuổi thơ bên cánh đồng, bên dòng sông, cửa bể, rồi những kí ức về cuộc sống ở rừng, tất cả như một cuốn phim chầm chậm đang ùa về, bao trùm lấy con người ông. Vầng trăng ấy đã gợi lại cho ông tất cả, nhắc nhở ông về quá khứ ngày xưa, quá khứ mà ông đã tạm lãng quên khi sống trong thành thị hào hoa này. Và giọt nước mắt ấy của người lính dường như đã khiến ông có được chút thanh thản, làm tâm hồn ông được sống lại thêm một lần nữa.

Vẻ đẹp trong tâm hồn con người, cái “tính bản thiện” luôn luôn tồn tại lặng lẽ trong mỗi chúng ta. Chẳng qua, sự lương thiện, vẻ đẹp ấy đang bị những thứ hào nhoáng che khuất tạm thời. Nó đang chờ đợi một ngày con người bừng tỉnh, thức giấc, đánh thức những vẻ đẹp còn giấu kín bên trong. Những lời thơ mộc mạc, chân thành của Nguyễn Duy thật đã cho ta những cảm xúc chân thật nhất, đi vào lòng người tự nhiên nhất.

Đến tận giờ đây, con người mới được vầng trăng thức tỉnh hoàn toàn:

“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”.

Khổ thơ cuối thật hàm súc biết bao. Vầng trăng tròn trên cao cứ im lặng chiếu rọi tâm hồn của người bạn của mình. Vầng trăng mà Nguyễn Duy miêu tả “tròn vành vạnh” như cái vẻ đẹp tròn đầy, viên mãn, không bao giờ suy suyển dù trải qua bao năm tháng thăng trầm. Ánh trăng ấy cứ ngắm nhìn người bạn, chỉ vậy thôi cũng khiến cho người lính “giật mình”. Đó là cái giật mình của sự bừng tỉnh, giật mình tự hỏi tại sao mình có thể quên lãng những ngày tháng đó? Ánh trăng như tấm gương chiếu rọi con người, để con người qua đó mà thức tỉnh lương tri của mình, để con người nhận ra rằng, họ có thể quên đi bất cứ điều gì nhưng không được quên đi quá khứ, quên đi những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, quên đi những năm tháng máu lửa và xương máu của dân tộc ta đã đổ xuống để có được tự do hôm nay.

Bằng lời thơ được viết như một câu chuyện kể, Nguyễn Duy đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện về sự thức tỉnh lương tri của một người lính già qua hình ảnh vầng trăng – người bạn tri kỉ. Những ngôn từ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng, không hề bay bổng, nó đã giúp ghim sâu vào tâm trí người đọc một hình ảnh vầng trăng tròn vành vạnh mang đầy nghĩa tình, sống với con người ta trải qua bao năm tháng. Qua đó, nhà thơ muốn gửi gắm những điều quý giá rằng: con người phải luôn trân trọng quá khứ, trân trọng những gì đã có ngày hôm qua, không được phép quên lãng đi những giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc.

Thể thơ thất ngôn, cách viết thơ liền mạch, không viết hoa đầu dòng cùng những hình ảnh nhân hóa, so sánh ấn tượng đã giúp Nguyễn Duy sáng tác ra một tác phẩm thật giàu ý nghĩa. Bài thơ là lời nhắc nhở thức tỉnh mỗi chúng ta, nếu có lỡ quên đi những gì quý giá, hãy thức tỉnh, tìm lại chứng, giữ gìn chúng, đừng để những hào nhoáng xung quanh lấp đầy, che khuất chúng. Và mỗi chúng ta đừng bao giờ quên đi đạo lý sâu sắc của đời người: “uống nước nhớ nguồn”.

—————–HẾT——————-

Để củng cố kiến thức về tác phẩm, bên cạnh bài văn mẫu trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận khổ cuối bài thơ Ánh trăng, Phân tích tính đa nghĩa của nhan đề Ánh trăng, Suy nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, Bình giảng bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-cua-em-ve-doan-tho-tu-hoi-giat-minh-trong-bai-anh-trang/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp