Đề bài: Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy
Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy
Bạn đang xem: Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu
I. Dàn ý Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về Từ ấy và khổ thơ đầu bài thơ
2. Thân bài
– “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”
+ “Từ ấy” là một mốc thời gian Tố Hữu được giác ngộ cách mạng, trở thành người chiến sĩ cộng sản.
+ “Nắng hạ” là cái nắng rực rỡ, tươi sáng mà cũng chói chang nhất
+ Động từ “bừng” vừa diễn tả cảm giác đột ngột, bất ngờ vừa gợi ấn tượng về sự lan tỏa nhanh chóng của nắng hạ.
→ Cảm xúc vui sướng tột độ khi bắt gặp lí tưởng cộng sản…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nhận khổ thơ đầu bài Từ ấy tại đây.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy (Chuẩn)
1. Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy, mẫu số 1 (Chuẩn)
Tố Hữu là nhà thơ – chiến sĩ nổi tiếng của nền thơ ca cách mạng với những vần thơ trữ tình chính trị đằm thắm và thiết tha. Chất liệu thơ của Tố Hữu là những sự kiện chính trị, những bước ngoặt quan trọng của cuộc cách mạng, con đường thơ của ông có sự thống nhất hài hòa với con đường cách mạng. Tố Hữu được giác ngộ cách mạng từ rất sớm, ánh sáng cộng sản đã tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi trong tình cảm và nhận thức của nhà thơ. Toàn bộ những thay đổi ấy được nhà thơ ghi lại trong bài Từ ấy, đặc biệt, qua khổ thơ đầu ta có thể thấy được niềm hạnh phúc, hân hoan tột độ của người chiến sĩ trẻ khi được đứng trong hàng ngũ những người cộng sản.
Đứng trước cảnh nước mất nhà tan cùng bối cảnh khủng hoảng về đường lối cứu nước, Tố Hữu cũng như bao người trí thức khác từng băn khoăn đi tìm lẽ sống, từng cảm thấy “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/Chọn một dòng hay để nước trôi”. Có lẽ từng trải qua khủng hoảng, lạc lõng về tư tưởng và đường lối như vậy nên khi bắt gặp ánh sáng của Đảng, Tố Hữu thốt lên đầy vui sướng:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”
“Từ ấy” là một mốc thời gian vô cùng đặc biệt trong cuộc đời cách mạng của Tố Hữu. Đó là năm 1938, khi thời gian nhà thơ được giác ngộ cách mạng, được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, khi ấy nhà thơ vừa tròn 18 tuổi. Động từ “bừng” vừa diễn tả cảm giác đột ngột, bất ngờ vừa gợi ấn tượng về sự lan tỏa nhanh chóng của nắng hạ, đó cũng chính là cảm xúc vui sướng tột độ đã bao trùm thế giới của nhà thơ trong giây phút bắt gặp lí tưởng cộng sản.
“Nắng hạ” là cái nắng rực rỡ, tươi sáng mà cũng chói chang nhất. Cách liên tưởng thật lạ lùng nhưng cũng thật đặc biệt, sự bừng sáng của ánh sáng cộng sản trong nhận thức, tình cảm của nhà thơ cũng chói sáng, rạng rỡ như ánh nắng mùa hạ. Trong màn đêm đen tối của thời thế, nhà thơ đã tìm thấy ánh sáng của cuộc đời mình, đó là ánh sáng của lí tưởng, ánh sáng của chân lí duy nhất:
“Đời đen tối ta phải tìm ánh sáng
Ta đi tới chỉ một đường cách mạng”
Để khẳng định sự đúng đắn của lí tưởng cách mạng và tác động lớn lao của nó đến nhận thức và tình cảm của nhà thơ, Tố Hữu đã có sự liên tưởng thật đặc biệt “Mặt trời chân lí chói qua tim”. “Mặt trời” là hình ảnh của tự nhiên, là nguồn sáng ấm áp và rực rỡ mang đến sự sống cho con người. Từ hình ảnh của tự nhiên, nhà thơ đã khẳng định chân lí bất diệt của lí tưởng cộng sản đối với thế giới tâm hồn, tình cảm của nhà thơ. “Chói” là sự tác động mạnh mẽ, nhanh chóng, không chỉ tỏa sáng trong giây lát mà là nguồn sáng bất diệt, không gì có thể dập tắt nổi.
Nhận thức được lí tưởng đúng đắn, tìm thấy được con đường cách mạng đúng đắn, nhà thơ không khỏi vui sướng mà bộc lộ lòng mình:
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Niềm vui sướng, hân hoan của nhà thơ được thể hiện thông qua sự so sánh với “vườn hoa lá” tươi tốt, đậm hương và rộn rã tiếng chim. Câu thơ ngắn gọn nhưng lại bộc lộ trọn vẹn cảm xúc tươi mới, tràn ngập cảm xúc của nhà thơ. Đó là niềm vui tươi rộn rã khi tìm thấy lẽ sống của cuộc đời, là cái ngất ngây, say mê trước ánh sáng rực rỡ của cách mạng. Nhà thơ đã đưa vào bài thơ những hình ảnh quen thuộc, bình dị cùng những động từ mạnh và phép liên tưởng độc đáo để thể hiện cảm xúc của bản thân trước một sự kiện lớn lao.
Qua khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy, chúng ta bắt gặp một cái tôi dạt dào cảm xúc khi bắt gặp lí tưởng của cuộc đời. Niềm vui ấy, cảm xúc hân hoan, hạnh phúc ấy còn giúp chúng ta cảm nhận được một tinh thần say mê, một cái tôi đầy trách nhiệm với cuộc đời, với đất nước của người chiến sĩ trẻ Tố Hữu.
2. Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy, mẫu số 2 (Chuẩn)
Từ ấy được Tố Hữu viết vào năm 1938 là một tác phẩm hay và thành công, làm nên tên tuổi của ông trên văn đàn văn học cách mạng. Tác phẩm đã thể hiện được tình yêu cách mạng tha thiết niềm vui sướng mãnh liệt và trái tim nhiệt huyết của người chiến sĩ trẻ trong buổi đầu bắt gặp ánh sáng của Đảng. Khổ thơ đầu của Từ ấy đã mở ra những cảm xúc tinh khôi, rạo rực trong tâm hồn lính:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Là một chàng thanh niên trẻ vốn băn khoăn với cuộc đời, Tố Hữu cũng như bao tri thức trẻ thời ấy dẫu yêu nước nhưng chưa thể tìm ra cho mình một con đường đúng đắn. Một cái tôi mặc cảm, bế tắc khi chưa thể đủ dũng khí để cầm gươm giết giặc cứu quê hương:
“Đau những ngày xưa tôi nhớ tôi
Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời
Vẩn vơ theo cái vòng quanh quẩn
Muốn thoát than ôi, bước chẳng rời”
Và rồi, một niềm vui lớn cũng đã đến, phá vỡ trong “tôi” những hoài nghi, quẩn quanh vốn có, đó là giây phút tác giả bắt gặp lý tưởng Đảng. Bằng bút pháp tự sự kết hợp với biểu cảm, nhà thơ đã kể lại kỉ niệm đầy thiêng liêng không thể nào quên của đời mình . “Từ ấy”- là mốc thời gian đánh dấu sự kiện Tố Hữu được kết nạp vào đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938. Mốc thời gian ấy thật sự rất ý nghĩa bởi lúc ấy cả nhận thức và tình cảm của thi nhân dường như đều được soi sáng “trong tôi bừng nắng hạ”. Động từ “bừng” cho thấy cảm xúc mãnh liệt đang chực chờ trào dâng bên trong nhà thơ. Hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ” được đưa vào lời thơ đầy khéo léo để diễn tả nỗi hạnh phúc vui sướng của thi nhân khi gặp được ánh nắng của Đảng.
“Mặt trời chân lý chói qua tim”
Nếu mặt trời tự nhiên toả ánh sáng, hơi ấm, sức sống giúp vạn vật sinh trưởng và phát triển thì Đảng là ánh mặt trời soi sáng con đường giải phóng dân tộc, dẫn lối tâm hồn người thi sĩ. Ánh nắng của Đảng, mặt trời của Đảng là “chân lý”, là ánh nắng tinh khôi, chói chang và rực rỡ, là nguồn sáng vĩ đại và bất diệt làm bừng sáng cả trí tuệ và trái tim ông. Mặt trời chân lý ấy đã phát ra thứ ánh sáng diệu kỳ với những tư tưởng hết mực đúng đắn, cao đẹp, hợp đạo trời, ý người, báo hiệu những điều đẹp đẽ, tốt lành trong tương lai. Ánh sáng của mặt trời chân lý đã xua tan những mịt mù, tăm tối và cả những mặc cảm trước đây, một chân trời mới về nhận thức, tư tưởng, tình cảm được mở ra trong tâm hồn chàng thanh niên tuổi 18:
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Niềm hạnh phúc dường như đang trào dâng mãnh liệt, lời thơ cất lên như những nốt nhạc reo vui đầy sung sướng. Hình ảnh so sánh “hồn tôi”- “vườn hoa lá” đã diễn ra thế giới nội tâm đầy phấn khởi, tự hào và vui sướng của thi nhân. Một thế giới tâm hồn được mở ra tràn đầy sức sống với đủ hương sắc, thanh âm. Nắng hạ chiếu xuống vườn chiều làm khu vườn rộn rã, sinh động biết bao. Vườn hạ có sắc vàng của nắng, màu xanh của lá non, có cái rực rỡ của hoa lá; vườn hạ có hương dịu ngọt của vườn hoa lá; vườn hạ còn có tiếng chim hát ca rộn ràng.
Khu vườn mùa hạ cũng như tâm hồn “tôi” lúc này vậy, reo vui rộn rã, hào hứng đón nhận lý tưởng của Đảng, trái tim”tôi” như bật lên những thanh âm của hạnh phúc, của tình yêu và nhiệt huyết. Có cây, hoa lá đón nhận nắng trời trong niềm vui sướng, người chiến sĩ cũng vậy, đón nhận lý tưởng của Đảng trong hạnh phúc vô bờ. Còn gì đáng trân quý hơn khi một người đang trong cảnh bế tắc “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” lại được một lý tưởng cao đẹp sáng soi.
Khác với những nhà thơ cùng thời, Tố Hữu chọn cho mình một con đường thơ riêng, gắn với cách mạng. Bởi thế mà cái tôi trong thơ ông luôn gắn bó với cộng đồng, gắn với nhân dân. Khổ thơ không chỉ bộc lộ niềm vui của riêng nhà thơ khi bắt gặp ánh sáng của Đảng mà còn là tiếng lòng của muôn triệu nhân dân khi có Đảng dẫn dắt, sáng soi. Niềm vui ấy không chỉ của riêng “tôi” mà là niềm vui “chung” của dân tộc.
Khổ thơ tuy ngắn những tác giả đã diễn tả những cảm xúc đầy chân thực lay động người đọc. Từ ngữ được dùng chọn lọc, tinh tế, hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, kết hợp với các biện pháp nghệ thuật đặc sắc cùng giọng điệu sôi nổi đã tạo nên một khổ thơ đẹp như chính tâm hồn người thi sĩ.
3. Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy, mẫu số 3 (Chuẩn)
Tố Hữu là một trong những nhà thơ lớn của văn học Việt Nam. Trong suốt hơn 80 năm cuộc đời, ông đã dành phần lớn đời mình để cống hiến cho cách mạng và thơ. Ở Tố Hữu có “sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ, giữa lý tưởng trong trái tim và những câu thơ trên đầu bút”. Ông để lại cho kho tàng văn học nước nhà một di sản thơ đồ sộ, trong đó phải kể đến các tập thơ gắn với từng chặng đường cách mạng như Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa…Một trong những bài thơ tiêu biểu nhất thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ của Tố Hữu là bài thơ Từ ấy. Bài thơ được in trong tập thơ cùng tên đã ghi lại những cảm xúc hân hoan, vui sướng của nhà thơ khi tìm thấy lí tưởng của cuộc đời, khi được đứng trong hàng ngũ những người cộng sản.
Từ ấy được viết vào năm 1938 khi nhà thơ Tố Hữu bắt gặp ánh sáng của Đảng. Cảm xúc hân hoan, hạnh phúc vô bờ của nhà thơ khi được giác ngộ và trở thành người chiến sĩ cộng sản được thể hiện rõ nét qua khổ thơ đầu tiên:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý cháy qua tim”
“Từ ấy”- là mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng nhà thơ – thời điểm năm 1938 khi Tố Hữu được kết nạp vào Đảng. Đối với một chàng thanh niên trẻ mang trong mình trái tim yêu nước nhưng lại băn khoăn, cảm thấy lạc lõng “đứng giữa hai dòng nước” thì thời điểm “từ ấy” thực sự có vai trò vô cùng quan trọng, là bước ngoặt lớn làm thay đổi nhận thức, tình cảm, lẽ sống của nhà thơ.
“Trong tôi bừng nắng hạ” đã diễn tả đầy sinh động sự thay đổi trong nhận thức và tình cảm của nhà thơ khi được giác ngộ cách mạng. “Nắng hạ” cũng là hình ảnh ẩn dụ cho ánh sáng huy hoàng của Đảng, ánh sáng chân lý ấy làm “bừng” tỉnh nhận thức của chủ thể trữ tình “tôi”. Có thể nói nhà thơ đã rất tinh tế khi lựa chọn nắng hạ mà không phải là cái nắng buồn vương của một chiều thu nhè nhẹ, không phải là cái nắng nhàn nhạt, mơ màng của một sáng xuân trong lành để tái hiện lại giây phút bừng sáng trong tâm hồn mình. Trong niềm vui sướng dạt dào ấy, người thi sĩ cách mạng cất lên đầy tự hào, phấn khởi:
“Mặt trời chân lý chói qua tim”
Lý tưởng của Đảng cộng sản đã mang đến cho chàng thanh niên tuổi 18 nhiệt huyết lớn lao khôn cùng, lý tưởng ấy được ví như “mặt trời chân lý” vĩnh cửu và bất tử. Hình ảnh ẩn dụ thật đẹp, mặt trời thiên nhiên mang sự sống đến vạn vật, “mặt trời chân lý” mang ánh sáng cách mạng đến muôn người, đó là ánh sáng của lẽ sống, của độc lập, tự do trong tương lai mà nhân dân, đất nước đang từng ngày ngóng đợi. Động từ mạnh chói” kết hợp với hình ảnh gợi cảm xúc của sự sống mãnh liệt “tim” một lần nữa khẳng định tác động và sứ mệnh to lớn của Đảng cộng sản trong tâm hồn người chiến sĩ. Nó không phải là một mặt trời hữu hình, cụ thể mà có sức mạnh lớn lao xuyên thấu lý trí, cảm xúc, tâm hồn, trái tim những con người yêu nước.
Phút giây diệu kì bắt gặp lý tưởng Đảng đã xóa tan bao nhiêu nỗi băn khoăn, lắng lo của người lính trẻ. Nỗi xúc động, niềm vui sướng dâng trào, tâm hồn “tôi” lúc này như một vườn hoa đầy hương sắc:
“ Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất rộn hương và rộn tiếng chim”
Lối so sánh ngang bằng với từ so sánh “là” càng khẳng định niềm hạnh phúc tự nhiên mang tính chân lý trong lòng thi nhân. Những hình ảnh gần gũi “vườn”, “hoa lá’, “chim”,…diễn tả sự phong phú trong thế giới cảm xúc đồng thời mang đến cảm giác tự nhiên, chân thực. Vườn hạ có sắc xanh của lá, sắc hồng của hoa, sắc vàng của nắng, có hương thơm ngào ngạt của cỏ cây, có thanh âm “rộn” ràng của chim chóc cũng như tâm hồn “tôi” giờ đây đang rạo rực bởi những cảm xúc đầy sống động. Khu vườn khi có ánh mặt trời vạn vật được vui tươi, bừng tỉnh cũng như tâm hồn “tôi” từ khi có mặt trời của Đảng được giác ngộ, hồi sinh; nhân dân từ khi có ánh sáng của Đảng được ấm no, hạnh phúc.
Khổ thơ đầu Từ ấy đã tái hiện đầy sống động niềm vui sướng, rạo rực trong nhà thơ trước một sự kiện mang ý nghĩa bước ngoặt của cuộc đời mình. Với những vần thơ tươi sáng, sôi nổi của một tâm hồn nhiệt huyết sục sôi đã gieo vào lòng bao thế hệ mai sau lòng yêu nước, niềm tin vào lý tưởng Đảng cộng sản trong thời đại mới.
4. Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu, mẫu số 4 (Chuẩn)
Trong cuộc đời của mỗi một con người đều có những phút giây kì diệu và để lại những dấu ấn khó phai mờ. Đó có thể là thời gian tình yêu chợt đến trong thơ của Xuân Diệu: “Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi – Trong vườn thơm mát của hồn tôi”. Còn đối với nhà thơ Tố Hữu, đó là những giây phút ông bắt gặp ánh sáng của lí tưởng cách mạng qua bài thơ “Từ ấy”. Ngay từ khổ thơ đầu tiên, chúng ta có thể thấy được niềm vui sướng, say mê mãnh liệt của nhà thơ Tố Hữu khi bắt gặp lí tưởng cộng sản.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Khổ thơ trên được gợi mạch cảm xúc từ danh từ chỉ thời gian: “Từ ấy”. Đó chính là mốc son quan trọng trong cuộc đời nhà thơ, đánh dấu thời điểm diễn ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong thế giới nội tâm của chủ thể trữ tình – thời điểm giác ngộ lí tưởng cách mạng. Trước thời điểm “Từ ấy” (1938), Tố Hữu cũng giống như rất nhiều trí thức tiểu tư sản khác. Sống trong cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than, đói khổ, họ bi quan, băn khoăn đau khổ không lối thoát, không xác định được cho bản thân lí tưởng dứt khoát.
“Đâu những ngày xưa tôi nhớ tôi
Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời
Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn
Muốn thoát than ôi, bước chẳng rời.
(Trích “Nhớ đồng” – Tố Hữu)
“Từ ấy” ra đời đã đánh dấu sự thay đổi diệu kì trong tâm hồn của tác giả Tố Hữu. Khoảnh khắc ấy đã được ghi lại bằng những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng qua “khu vườn đầy nắng hạ”, có mặt trời, nắng chói, hoa lá, hương thơm, tiếng chim hót. Đặc biệt, nhà thơ đã sử dụng những động từ và tính từ mạnh như: bừng, chói, rất đậm, rộn để khắc hoa một khu vườn rực rỡ và tràn đầy nhựa sống. Tất cả các hình ảnh đó được đặt sau chữ “trong tôi” khiến khu vườn đó trở thành hình ảnh ẩn dụ cho thế giới nội tâm bên trong – cái “tôi” chủ thể trữ tình với những biến chuyển mạnh mẽ từ khi giác ngộ lí tưởng. Giây phút bắt gặp lí tưởng cộng sản, tâm hồn Tố Hữu trở thành một khu vườn tràn ngập ánh sáng và sức sống. Để làm nổi bật điều này, tác giả đã vận dụng thành công biện pháp tu từ ẩn dụ: “Mặt trời chân lí chói qua tim” để nói về lí tưởng cách mạng. Nếu mặt trời của thiên nhiên chiếu sáng cho muôn loài, là biểu tượng của ánh sáng và sự tái sinh thì chân lí cách mạng, lí tưởng cộng sản chính là “mặt trời” soi rọi, chiếu rọi lẽ sống của nhà thơ. Ngoài ra, Tố Hữu còn vận dụng thành công những từ ngữ cùng trường nghĩa: “bừng”, “chói”. “Bừng” thể hiện ánh sáng bất ngờ lan tỏa”, còn “chói” là ánh sáng chiếu rọi nhanh, mạnh, xuyên thấu để diễn tả niềm vui sướng tột cùng, cảm xúc hân hoan khi được giác ngộ lí tưởng cách mạng. Đặc biệt, câu thơ “Mặt trời chân lí chói qua tim” còn gợi mở một liên tưởng độc đáo về mối quan hệ giữa nhận thức và tình cảm. Nếu “chân lí” là biểu tượng của lí trí, sự giác ngộ thì hình ảnh trái tim thể hiện tình yêu, niềm say mê để ngầm khẳng định: chân lí cách mạng không chỉ soi sáng nhận thức mà còn là bừng tỉnh tâm hồn của con người. Đối với Tố Hữu, lí tưởng cộng sản đã trở thành tình yêu và niềm tin bất diệt.
Trong hai câu thơ cuối của khổ thơ đầu tiên, tác giả đã nhấn mạnh sự thay đổi trong tâm hồn. Hình ảnh so sánh “Hồn tôi là một vườn hoa lá” thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, đầy hương sắc. Đó là tâm hồn được chiếu rọi bởi ánh sáng mặt trời, có hoa lá xanh tươi, có tiếng chim hót líu lo, rộn ràng. Như vậy, thông qua nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, bút pháp trữ tình, lãng mạn, tác giả Tố Hữu đã tái hiện thành công niềm vui sướng, say mê của người thanh niên khi tìm thấy lí tưởng sống cùng những chuyển biến trong tâm hồn nhà thơ. Cảm xúc của Tố Hữu đã gợi nhắc đến những giây phút được sống trọn vẹn cùng lí tưởng cộng sản và ánh sáng của Đảng trong những câu thơ của nhà thơ Aragon:
“Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng
Trước như trẻ thơ tôi nào biết được
Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước
Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông
Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”
Như vậy, thông qua bốn câu thơ đầu tiên của bài thơ Tố Hữu, chúng ta có thể thấy được sự chuyển biến của cái tôi “trữ tình” khi bắt gặp lí tưởng cách mạng cùng phong cách thơ “trữ tình – chính trị” của Tố Hữu. Qua đó, có thể khẳng định rằng con đường thơ ca và con đường cách mạng của Tố Hữu như hòa làm một.
5. Cảm nhận khổ 1 bài thơ Từ ấy, mẫu số 5 (Chuẩn)
Tố Hữu là cây bút tiêu biểu của văn học Cách mạng Việt Nam. Thơ của ông là tiếng lòng của một tâm hồn nhạy cảm, dạt dào cảm xúc, một trái tim nhân hậu, trung thành với Đảng, với Tổ Quốc, với nhân dân và lý tưởng sống, chiến đấu cao đẹp. Điều này được thể hiện vô cùng sâu sắc qua bài thơ “Từ ấy”. Trong bài thơ, Tố Hữu đã gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả bởi niềm hân hoan, vui sướng được bước chân vào hàng ngũ của Đảng với lòng yêu nước, yêu cách mạng tha thiết, bộc lộ qua khổ thơ mở đầu:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Ra đời trong hoàn cảnh lịch sử quan trọng với bầu không khí máu lửa sục sôi của phong trào đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc, “Từ ấy” là tác phẩm tiêu biểu trích trong phần “máu lửa” của tập thơ cùng tên. Nó giống như trang nhật ký ghi lại toàn bộ tâm tư, cảm xúc của người thanh niên 18 tuổi được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Mở đầu khổ thơ, nhà thơ nhấn mạnh một dấu mốc vô cùng quan trọng trong cuộc đời cách mạng bản thân với tâm thế hân hoan, đầy phấn khởi:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”
Khổ thơ bắt đầu bằng trạng ngữ chỉ thời gian “từ ấy”. Nó không chỉ đánh dấu sự kiện quan trọng, thiêng liêng trong cuộc đời Tố Hữu mà còn được chọn làm nhan đề cho tác phẩm và cả tập thơ đầu tay của ông. Từ đó, chúng ta có thể cảm nhận được dấu mốc ấy có ý nghĩa lớn lao như thế nào với nhà thơ. “Từ ấy” chính là mốc son đầu tiên, mốc son chói lọi mở ra bước ngoặt huy hoàng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tố Hữu – bước ngoặt lớn lao thay đổi nhận thức, lẽ sống và khiến cho thanh niên tiểu tư sản trở thành một chiến sĩ cộng sản.
Thoát khỏi những quẩn quanh trong đớn đau mất nước, trong bất lực trước thời cuộc, nhà thơ đã may mắn tìm được lẽ sống cho mình, hào hứng và vui sướng vô hòa mình vào cuộc đấu tranh nhiều gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang của lịch sử. Trong niềm xúc động mạnh mẽ, Tố Hữu đã nhận ra vẻ đẹp lý tưởng thiêng liêng của Đảng. Tình cảm này được diễn tả bằng các hình ảnh ẩn dụ đặc sắc.
Trước tiên là hình ảnh “bừng nắng hạ”. Nắng hạ trong tự nhiên là ánh nắng mùa hè, không dịu dàng như mùa xuân, không yên ả như nắng mùa thu, càng không yếu ớt như nắng mùa đông. Nó rực rỡ và tràn đầy sức sống, mang đến cảm giác tràn trề sinh lực, vô cùng mạnh mẽ. Nó giống như niềm hạnh phúc, sung sướng mãnh liệt đang dâng trào trong huyết quản người thanh niên 18 tuổi khi được kết nạp Đảng.
Niềm vui sướng ấy đặc biệt được thể hiện sâu sắc hơn qua hình ảnh mới lạ đầy sáng tạo “Mặt trời chân lý”. Mặt trời của thiên nhiên tạo hóa tỏa ánh sáng duy trì sự sống, còn “mặt trời chân lý” ở đây là hình ảnh ẩn dụ, là nguồn lan tỏa ánh sáng rực rỡ, chói lọi của Đảng, của Cách mạng. Nó chính là chân lý đúng đắn, sánh ngang cùng với mặt trời, đang xuyên thấu mọi ngóc ngách trong tâm hồn của nhà thơ.
Cặp hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ” và “mặt trời chân lý” liên kết hài hòa với nhau, gợi mở một nguồn sáng tốt lành, giúp tác giả khẳng định lý tưởng cách mạng với sức mạnh thức tỉnh lý trí. Đồng thời, kết hợp cùng các động từ mạnh như “bừng”, “chói” vừa thể hiện nguồn sáng mạnh vừa thể hiện sức lan tỏa mãnh liệt chạm đến cả trái tim con người. Tìm thấy lý tưởng sống, chiến đấu, niềm vui sướng trong nhà thơ trào dâng vô cùng mãnh liệt:
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Hai câu thơ với bút pháp trữ tình đã trực tiếp diễn tả niềm hạnh phúc vô bờ đang chan chứa trong tâm hồn của thi sĩ. Hình ảnh so sánh “Hồn tôi là một vườn hoa lá” như mở rộng không gian để ý thơ lan tràn, làm cho hồn thơ trở nên tươi trẻ tràn đầy nhiệt huyết. Ánh sáng chói lọi của lý tưởng cách mạng đã tác động vào nhận thức và suy nghĩ của nhà thơ, tạo ra sự biến đổi sâu sắc.
Trước đó, người thanh niên trí thức luôn sống trong u buồn, ảm đạm giữa thời cuộc như khu vườn dần lụi tàn sức sống. Sau khi giác ngộ lý tưởng cách mạng, cả cuộc sống bên ngoài lẫn tâm hồn nhà thơ đều biến thành mảnh vườn ngập tràn hương sắc, thanh âm, dạt dào sức sống. Nhịp thơ sôi nổi kết hợp với việc sử dụng hai tính từ “đậm”, “rộn” và lối vắt dòng đặc sắc đã giúp nhà thơ diễn tả chân thực dòng cảm xúc dâng trào, niềm vui và niềm hạnh phúc trong buổi đầu gặp gỡ lý tưởng.
Có thể nói, khổ thơ mở đầu bài “Từ ấy” chỉ là 4 câu thơ ngắn gọn song tác giả đã cực kỳ thành công trong sử dụng nghệ thuật. Ngôn ngữ thơ tươi sáng, vui vẻ. Hình ảnh thơ sáng tạo, đẹp đẽ cùng những biện pháp tu từ đặc sắc, nghệ thuật bắc dòng khéo léo. Tố Hữu đã tái hiện một cách chân thực và mới mẻ niềm hạnh phúc, vui sướng khi được giác ngộ lý tưởng Cách mạng đồng thời ngợi ca lý tưởng cách mạng, ngợi ca Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh. Khổ thơ đã góp phần không nhỏ làm nên thành công của bài thơ và tên tuổi của Tố Hữu, đóng góp cho văn học cách mạng một thi phẩm giá trị.
Đoạn thơ khép lại nhưng mở ra những suy tư trăn trở của nhiều người đọc. Đoạn thơ đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc thấm thía hơn về lý tưởng cách mạng dân tộc. Nó gợi nhắc một thời khó khăn gian khổ đã qua, đồng thời nhắc nhở ta nên trân trọng, nâng niu những giá trị tốt đẹp, tin tưởng vào Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm.
———————–HẾT———————
Trên đây là bài Cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy, để hiểu rõ hơn nội dung tác phẩm và tư tưởng chủ đạo và tâm hồn của tác giả thơ ca cách mạng nổi tiếng trước dấu mốc quan trọng cuộc đời, các em có thể tham khảo thêm bài: Phân tích bài thơ Từ ấy, Niềm vui sướng, hân hoan của người chiến sĩ khi được giác ngộ cách mạng trong Từ ấy, Vẻ đẹp của giây phút bừng sáng lí tưởng cách mạng trong khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy, Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp