Đề bài: Cảm nhận tâm trạng của nhân vật Tràng liên hệ với tâm trạng Chí Phèo
Cảm nhận tâm trạng của nhân vật Tràng liên hệ với tâm trạng Chí Phèo
Bạn đang xem: Cảm nhận tâm trạng của nhân vật Tràng liên hệ với tâm trạng Chí Phèo
I. Dàn ý Cảm nhận tâm trạng của nhân vật Tràng liên hệ với tâm trạng Chí Phèo
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần phân tích.
2. Thân bài
a. Diễn biến tâm trạng của Tràng trước bước ngoặt cuộc đời:
* Hoàn cảnh:
– Là người nông dân cùng khổ, không ruộng đất, nghèo đói phải chấp nhận tha hương cầu thực, là dân ngụ cư, trải qua một sự kiện khủng khiếp nhất trong lịch sử dân tộc ấy là nạn đói năm 1945.
– Trong hoàn cảnh đó, Tràng vẫn nỗ lực từng ngày để kiếm sống bằng cách đẩy xe bò thuê. Trong một lần tình cờ Tràng đã “nhặt” được vợ.
* Tràng và mối duyên với thị:
– Xuất phát từ sự hào phóng và rộng lượng của nhân vật này, Tràng đã đãi người đàn bà xơ xác, tàn tạ chỉ còn da bọc xương ngay trước mắt một bữa 4 bát bánh đúc vì thương hại, vì tấm lòng giữa con người với nhau.
– Sau lại nửa đùa nửa thật rằng “Này có theo tớ về thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. => Thị thành vợ Tràng.
=> Tình cảm ban đầu của Tràng với thị không phải là tình yêu, mà nó là sự đồng cảm giữa con người với nhau, xuất phát từ tấm lòng nhân hậu của chàng trai nghèo khó.
– Sau khi đã nên duyên vợ chồng, dường như trong lòng Tràng đã đổi khác trở nên cẩn thận, tinh tế và biết quan tâm chăm sóc người khác, anh thấy mình có trách nhiệm phải chăm lo, bảo vệ cho thị, để thị đỡ tủi hổ.
+ Tràng đã dẫn thị vào chợ tỉnh mua cho thị cái thúng con và mấy thứ đồ lặt vặt, lại dẫn thi đi ăn một bữa thật no coi như là mừng đám cưới, đồng thời mua thê 2 hào dầu thứ vốn được coi là hoang phí lúc bấy giờ để về thắp sáng nhà cửa cho có không khí tân hôn.
+ Tình cảm với thị cũng dần chuyển hóa từ tình cảm thương hại sang tình yêu, tình thân từ lúc nào không hay.
+ Trong lòng Tràng lúc này có những niềm tin, niềm hy vọng sống và khao khát hạnh phúc thật mãnh liệt.
– Sau đêm tân hôn ta thấy sự thay đổi trong tâm hồn Tràng càng được biểu hiện rõ ràng.
+ “cảnh tượng thật đơn giản bình thường, nhưng đối với hắn thật thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”.
+ Anh thấy bừng lên”một nguồn vui sướng đột ngột tràn ngập trong lòng”.
+ Suy nghĩ nội tâm đầy trách nhiệm của một người chồng người chủ gia đình.
+ Trong bữa cơm mừng dâu mới, việc thị nhắc đến chuyện người ta cướp kho thóc ở Thái Nguyên, Bắc Giang dường như đã gợi ra trong lòng Tràng những chuyển biến mới.
=> Việc xây dựng gia đình không chỉ đem đến cho Tràng niềm tin, niềm hy vọng và cuộc sống mà còn cả sức mạnh tinh thần, sự liều lĩnh dám hướng tới một con đường mới tươi sáng hơn khi hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới xuất hiện trong suy nghĩ của nhân vật này. => Có thể thấy rằng diễn biến tâm trạng của Tràng rất ổn định và luôn diễn tiến theo một xu hướng tích cực, mở ra một tương lai tươi sáng đầy hy vọng, vượt qua mọi khó khăn trắc trở kinh hoàng trong lịch sử.
b. Tâm trạng của Chí Phèo:
* Hoàn cảnh:
– Chí Phèo sinh ra đã là kẻ bất hạnh, bị cha mẹ bỏ rơi, năm hai mươi tuổi bị đẩy vào một bi kịch khác. Bị Bá Kiến ghen tuông đổ vạ tống cổ vào tù đến tận 7, 8 năm.
=> Trở thành một kẻ lưu manh với ngoại hình gớm ghiếc, đồng thời cướp hết cả tuổi trẻ và sức lực của nhân vật này.
– Trở thành con quỷ của làng Vũ Đại khi làm tay sai chuyên đâm thuê chém mướn cho Bá Kiến, trở thành con vật “lạ” cô độc và lẻ loi giữa cuộc đời, không nhận được quyền giao tiếp như một con người thực thụ.
* Bước ngoặt cuộc đời của Chí:
– Tình yêu với Thị Nở và bát cháo hành của Thị Nở đã khiến hắn cảm động, làm sống lại những mong ước của hắn về một gia đình nhỏ êm ấm.
– Hắn có niềm tin rằng thị sẽ dẫn hắn về lại thế giới loài người, sẽ cho hắn một cuộc sống khác, không rượu chè, không đâm thuê chém mướn, không còn là con quỷ dữ của làng Vũ Đại nữa.
– Câu nói cay nghiệt của bà cô Thị Nở đã giết chết tất cả những hy vọng trong hắn
=> Chí Phèo rơi vào tuyệt vọng và bế tắc hoàn toàn khi ý thức được rằng xã hội nào đã không còn đường lùi cho hắn nữa, hắn không thể trở về nữa rồi.
– Hắn căm hận tột cùng cái kẻ đã đẩy mình vào con đường bất lương và chọn cách giải quyết tất cả một cách tiêu cực khi giết Bá Kiến rồi tự tử.
=> Tâm trạng và cuộc đời của Chí Phèo là một dạng đồ hình sin đày gập ghềnh và trắc trở, con người ấy đã có những lúc đạt đến tột cùng của hy vọng và khao khát hạnh phúc, nhưng rồi cuối cùng phải chịu cái kết tang thương khi bị đạp rơi xuống hố sâu của tuyệt vọng rồi kết thúc cuộc đời trong đau đớn.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận tâm trạng của nhân vật Tràng liên hệ với tâm trạng Chí Phèo
Nam Cao và Kim Lân là hai ngòi bút nổi tiếng và thành công nhất khi viết về đề tài người nông dân trong xã hội cũ, với những nỗi khốn khổ và bất công cùng cực diễn ra trong nhiều số phận con người những năm trước cách mạng. Trong đó nếu như Nam Cao viết về những bi kịch và kết thúc đau thương tiêu biểu là cuộc đời của Chí Phèo, thì Kim Lân lại có cái nhìn tươi sáng và dịu dàng hơn hẳn, ông không quá chú trọng vào vấn đề phản ánh hiện thực mà thay vào đó ông chú tâm đi tìm những vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân trong xã hội cũ, đồng thời gửi gắm reo rắc hy vọng ngay cả trong những hoàn cảnh khốn nạn nhất của xã hội, điều đó có thể nhìn thấy rõ trong tác phẩm Vợ nhặt với nhân vật Tràng. Tuy nhiên dù viết theo xu hướng nào, thì ở cả hai tác phẩm, diễn biến tâm trạng của Chí Phèo và Tràng đều rất đáng chú ý, thể hiện được tài năng riêng của mỗi tác giả.
Ở Vợ nhặt, nhân vật Tràng cũng dính số kiếp của một người nông dân cùng khổ, không ruộng đất, nghèo đói phải chấp nhận tha hương cầu thực, làm dân ngụ cư xứ người chịu nhiều những xa lánh, áp lực. Đặc biệt cuộc đời anh còn phải trải qua một sự kiện khủng khiếp nhất trong lịch sử dân tộc ấy là nạn đói năm 1945, khiến hơn hai triệu đồng bào ta chết đói, và mẹ con Tràng sống những ngày tháng khó nhọc trong những ám ảnh về cảnh người chết như ngả rạ, những người đói dò dẫm như những bóng ma đang chậm rãi tiến về nghĩa địa, mùi tử thi nồng nặc, tiếng quạ kêu thê lương,… Thế nhưng trong hoàn cảnh đó, Tràng vẫn nỗ lực từng ngày để kiếm sống bằng cách đẩy xe bò thuê. Và có lẽ chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ của một chàng trai xấu xí, nghèo khó và tồ tệch đã khiến Tràng có được một mối duyên kỳ lạ – Tràng nhặt được vợ. Nói đến sự tích nhặt được vợ của Tràng, trước tiên phải đến sự hào phóng vào rộng lượng của nhân vật này. Tràng và thị biết nhau khi Tràng vô tư hò lên mấy câu cho đỡ mệt rằng “Muốn ăn cơm trắng mấy giò, lại đây mà đẩy xe bò cùng anh”, những tưởng chỉ đùa cho vui vậy mà thị lại đẩy xe cho Tràng thật. Rồi lần thứ hai khi gặp lại, thị đã lập tức sấn đến, cong cớn, sưng sỉa tức giận mắng nhiếc Tràng “Điêu người thế mà điêu!”, cốt để đòi lại cái miếng ăn mà Tràng đã chót hứa. Thế rồi Tràng đã đãi người đàn bà xơ xác, tàn tạ chị còn da bọc xương ngay trước mắt một bữa 4 bát bánh đúc một cách hào phóng rộng lượng, đồng thời không thoát khỏi cái tính hay đùa cợt của mình Tràng lại nửa đùa nửa thật rằng “”Này có theo tớ về thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Ai ngờ thị thế là lại đồng ý theo Tràng thật, từ đó một mối duyên vợ chồng đến từ hai câu đùa, 4 bát bánh đúc đã thành một cách đơn giản và dễ dàng. Có thể nhận thấy rằng, tình cảm ban đầu của Tràng với thị không phải là tình yêu, mà nó là sự đồng cảm giữa con người với nhau, xuất phát từ tấm lòng nhân hậu của chàng trai nghèo khó. Thế nhưng sau khi đã nên duyên vợ chồng, dường như trong lòng Tràng đã đổi khác, từ một con người vô tư thích đùa, Tràng bỗng trở nên cẩn thận, tinh tế và biết quan tâm chăm sóc người khác, anh thấy mình có trách nhiệm phải chăm lo, bảo vệ cho thị, để thị đỡ tủi hổ. Chính vì thế nên Tràng đã dẫn thị vào chợ tỉnh mua cho thị cái thúng con và mấy thứ đồ lặt vặt, lại dẫn thi đi ăn một bữa thật no coi như là mừng đám cưới, đồng thời mua thêm 2 hào dầu thứ vốn được coi là hoang phí lúc bấy giờ để về thắp sáng nhà cửa cho có không khí tân hôn. Ngay lúc ấy người ta thấy Tràng dường như đã lột xác trưởng thành, trở thành người đàn ông của gia đình, ý thức được trách nhiệm với vợ con và tình cảm với thị cũng dần chuyển hóa từ tình cảm thương hại sang tình yêu, tình thân từ lúc nào không hay. Trong lòng Tràng lúc này có những niềm tin, niềm hy vọng sống và khao khát hạnh phúc thật mãnh liệt, nó mạnh mẽ đến mức “trong một lúc Tràng như quên hết những cảnh sống ê chề tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt”. Lòng Tràng đang tràn ngập những xúc cảm vui sướng để chờ đón những tháng ngày mới mẻ khi nhà có thêm người, một cuộc sống êm đềm, vợ chồng thuận hòa dường như đang hiện ra trước mắt, vượt lên trên tất cả những đói khổ, cùng cực ngoài kia. Sau đêm tân hôn ta thấy sự thay đổi trong tâm hồn Tràng càng được biểu hiện rõ ràng, “cảnh tượng thật đơn giản bình thường, nhưng đối với hắn thật thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”. Anh thấy bừng lên”một nguồn vui sướng đột ngột tràn ngập trong lòng”. Đặc biệt nhất là những suy nghĩ nội tâm đầy trách nhiệm của một người chồng người chủ gia đình khi mà “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người. Hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”, và ngay khi ý thức thức được điều ấy Tràng đã ngay lập tức có những hành động rất thực tế “hắn chạy xăm xăm ra giữa sân. Hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa căn nhà”. Hơn thế nữa, trong bữa cơm mừng dâu mới, việc thị nhắc đến chuyện người ta cướp kho thóc ở Thái Nguyên, Bắc Giang dường như đã gợi ra trong lòng Tràng những chuyển biến mới, Tràng cảm thấy tiếc nuối khi một dạo trước nhìn thấy người ta kéo nhau đi cướp kho thóc, mà mình lại bỏ qua. Có lẽ rằng, từ giờ trở đi nếu thấy chuyện ấy một lần nữa Tràng sẽ hòa vào đám người kia chăng, hoặc có thể trở thành một trong những người dẫn đầu cho phong trào ấy cũng nên. Việc xây dựng gia đình không chỉ đem đến cho Tràng niềm tin, niềm hy vọng và cuộc sống mà còn cả sức mạnh tinh thần, sự liều lĩnh dám hướng tới một con đường mới tươi sáng hơn khi hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới xuất hiện trong suy nghĩ của nhân vật này. Có thể thấy rằng diễn biến tâm trạng của Tràng rất ổn định và luôn diễn tiến theo một xu hướng tích cực, mở ra một tương lai tươi sáng đầy hy vọng, vượt qua mọi khó khăn trắc trở kinh hoàng trong lịch sử.
Trái lại đối với nhân vật Chí Phèo, tâm trạng của nhân vật này có nhiều mâu thuẫn, đồng thời hoàn cảnh của Chí Phèo cũng xuất hiện quá nhiều bi kịch, khiến nhân vật dường như không còn cách giải thoát cũng như không còn một tia sáng hy vọng nào về cuộc đời phía trước. Chí Phèo sinh ra đã là kẻ bất hạnh, bị cha mẹ bỏ rơi, rồi bị truyền tay hết người này đến người khác nuôi, khi đã yên ổn sống khỏe mạnh đến tuổi hai mươi, với những ước mơ khao khát đẹp đẽ về một gia đình nhỏ chồng cày thuê, vợ dệt vải, tậu đất, nuôi heo, thì anh lại bị đẩy vào một bi kịch khác. Chí Phèo lọt vào mắt người vợ ba trắc nết của Bá Kiến, rồi bị tên này ghen tuông đổ vạ tống cổ vào tù đến tận 7, 8 năm. Cái nhà tù thực dân ấy đã biến một chàng trai hiền lành thằng một kẻ lưu manh với ngoại hình gớm ghiếc, đồng thời cướp hết cả tuổi trẻ và sức lực của nhân vật này. Chí Phèo sau ra tù đã quên mất hết những mộng ước ban đầu, hắn không còn muốn làm lại cuộc đời mà thay vào đó là sa đọa trong rượu chè, rạch mặt ăn vạ để đổi lấy tiền uống rượu, sau cùng trở thành con quỷ của làng Vũ Đại khi làm tay sai chuyên đâm thuê chém mướn cho Bá Kiến. Ngày càng trượt dài trên con đường tội lỗi, chấp nhận bán rẻ linh hồn để kiếm mấy đồng lẻ, tiếp diễn những cơn say triền miên đến hàng 15 năm trời. Người ta đâm ra ghê sợ hắn, xa lánh hắn, không ai muốn nói chuyện với Chí Phèo, hắn trở thành con vật “lạ” cô độc và lẻ loi giữa cuộc đời, không nhận được quyền giao tiếp như một con người thực thụ. Điều ấy khiến hắn đau khổ và càng thêm căm hận, bế tắc. Bước ngoặt cuộc đời của Chí đến từ một nhân vật tên là Thị Nở, một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, họ đã phải duyên phải phận, gặp nhau, ăn nằm với nhau và yêu nhau. Buổi sáng sau đêm định mệnh, Chí Phèo lần đầu tiên tỉnh táo sau gần hai mươi năm đen tối của cuộc đời, hắn nghe được những âm thanh của sự sống, tiếng hót, tiếng người ta nói chuyện với nhau và cả ánh nắng sớm lọt qua căn lều rách. Điều ấy khiến Chí Phèo tỉnh ngộ, hắn đã bước sang ngưỡng bên kia của cuộc đời, thân thể hắn đã tàn tạ lắm rồi, hắn không sợ cái chết nhưng hắn sợ cái cô đơn đằng đẵng trong chặng đường sắp tới. Bát cháo hành của Thị Nở và sự quan tâm chăm sóc từ một người đàn bà mà lần đầu tiên Chí Phèo nhận được đã khiến hắn cảm động, làm sống lại những mong ước của hắn về một gia đình nhỏ êm ấm. Hắn thấy yêu Thị Nở, hắn có niềm tin rằng thị sẽ dẫn hắn về lại thế giới loài người, sẽ cho hắn một cuộc sống khác, không rượu chè, không đâm thuê chém mướn, không còn là con quỷ dữ của làng Vũ Đại nữa. Thế nhưng thật đớn đau làm sao, khi một lần nữa bi kịch bị từ chối quyền làm người lại đổ ập lên đầu Chí, một câu nói cay nghiệt của bà cô Thị Nở đã giết chết tất cả những hy vọng trong hắn “Đàn ông đã chết hết hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ”. Câu nói ấy đã khiến Chí Phèo rơi vào tuyệt vọng và bế tắc hoàn toàn khi ý thức được rằng xã hội nào đã không còn đường lùi cho hắn nữa, hắn không thể trở về nữa rồi. Hắn căm hận tột cùng cái kẻ đã đẩy mình vào con đường bất lương và chọn cách giải quyết tất cả một cách tiêu cực khi giết Bá Kiến rồi tự tử. Câu nói mà Chí Phèo nói với Bá Kiến khiến người ta không khỏi xót xa và sợ hãi về cái xã hội khốn nạn khi ấy “Không được! Ai cho tao lương thiện!”. Có thể nhận định rằng, tâm trạng và cuộc đời của Chí Phèo là một dạng đồ hình sin đày gập ghềnh và trắc trở, con người ấy đã có những lúc đạt đến tột cùng của hy vọng và khao khát hạnh phúc, nhưng rồi cuối cùng phải chịu cái kết tang thương khi bị đạp rơi xuống hố sâu của tuyệt vọng rồi kết thúc cuộc đời trong đau đớn.
So với Chí Phèo nhân vật Tràng có một cái kết tốt đẹp và viên mãn hơn, bởi lẽ tác giả đã mở ra cho nhân vật của mình những con đường sáng, đồng thời mục đích chính là làm nổi bật những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý vượt lên trên mọi hoàn cảnh. Trái lại đối với Chí Phèo, Nam Cao muốn khắc sâu hiện thực xã hội thế nên cái kết bi kịch của nhân vật là một điều tất yếu. Trong đó điểm chung đáng chú ý của hai tác phẩm mà ta cần nhớ ấy là vẻ đẹp của sức sống tiềm tàng, niềm tin, niềm hy vọng sống, khát khao hạnh phúc, tình yêu mãnh liệt trong cuộc đời của cả hai nhân vật.
Bài Cảm nhận tâm trạng của nhân vật Tràng liên hệ với tâm trạng Chí Phèo trên đây là những cảm nhận về diễn biến tâm trạng của Tràng liên hệ với Chí Phèo, qua đó bộc lộ được những vẻ đẹp trong tâm hồn của nhân vật. Để tìm hiểu thêm về 2 tác phẩm, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận về ý nghĩa của những câu nói trong Chí Phèo và Vợ nhặt, Cảm nhận âm thanh sự sống trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ, Cảm nhận về hình ảnh bát cháo hành trong truyện Chí Phèo và hình ảnh bát cháo cám trong Vợ nhặt, Phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp