Cảm nhận về bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh

0
85
Rate this post

Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh

cam nhan ve bai tho ngam trang cua ho chi minh

Cảm nhận về bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh
 

Bạn đang xem: Cảm nhận về bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh

I. Dàn ý Cảm nhận về bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu về tác phẩm “ngắm trăng”
– Nằm trong tập thơ “Nhật ký trong tù”.

2. Thân bài

* Hoàn cảnh sáng tác bài thơ:
+ Trong những năm 1942 -1943 khi Bác Hồ bị bắt giam tại nhà tù Tưởng Giới Thạch.
+ Là một trong hai mươi bài thơ thuộc tập “Nhật ký trong tù”.

* Nội dung bài thơ:

+ Ghi lại bức tranh hiện thực trong tù của Người…(Còn tiếp)

>> Xem Dàn ý Cảm nhận về bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh đầy đủ tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh (Chuẩn)

Trăng – một đề tài vô cùng quen thuộc trong thi ca, đề tài ấy luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các thi nhân. Chúng ta không quên Lý Bạch với “Ngẩng đầu ngắm trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương”, rồi một Hàn Mặc Tử với “Ai mua trăng tôi bán trăng cho?” Tất cả họ đều mang một nỗi niềm sâu sắc, một tình yêu mãnh liệt với trăng. Hồ Chí Minh của chúng ta cũng vậy. Trăng với Người là tri kỉ, là chiến hữu suốt mỗi chặng đường. Và trong thời gian bị bắt giam ở nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Người đã viết nên tác phẩm “Ngắm trăng” – một trong những tác phẩm viết về trăng hay nhất của Người.

Bài thơ “Vọng nguyệt – Ngắm trăng” nằm trong tập “Nhật kí trong tù”, được Người viết vào giai đoạn 1942 – 1943, khi đang bị cầm tù trong nhà lao Tưởng Giới Thạch. Tập thơ ấy không chỉ ghi lại những gian khổ Người trải qua mà còn ghi lại cả hình ảnh một thi nhân với tấm lòng yêu thiên nhiên đầy mãnh liệt nữa. Và “Vọng nguyệt – Ngắm trăng” chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Nó vừa là bức tranh hiện thực chốn lao tù, vừa là tình yêu thiên nhiên, vừa chứa đựng tinh thần lạc quan, yêu đời của Bác ở trong đó:

“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia”

Dịch thơ:

(Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ)

Mở đầu bài thơ, mở ra trước mắt oộc giả là một không gian thật chật hẹp, nhỏ bé, hơn nữa lại vô cùng thiếu thốn:

“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà”

Dịch thơ:

(Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ)

Xưa nay, thi nhân ngắm trăng bao giờ cũng ngắm trăng trong không gian thoáng đãng, rộng rãi, không chỉ thế, bên cạnh còn có cả rượu cả hoa để thưởng cùng. Như Lý Bạch trong bài thơ “Nguyệt hạ độc chước kì” đã viết thế này:

“Trong đám hoa với một bình rượu
Uống một mình không có ai làm bạn
Nâng ly mời với trăng sáng”

Không gian ngắm trăng của Lý Bạch vừa cao rộng, thoải mái, đẹp đẽ, vừa thi vị biết bao, có rượu, có hoa, lại có vầng trăng làm bạn tâm tình cùng. Vậy mà Hồ Chí Minh thì hoàn toàn đối ngược, một không gian chật hẹp trong ngục tù, lại chẳng “tửu”, chẳng “hoa”, thật là quá thiếu thốn. “Ngục trung” đọc lên ta thấy được hoàn cảnh tù đày kìm kẹp Người, không cho Người có được tự do. Hơn thế, điệp từ “vô” được lặp lại liên tiếp trong cùng một câu thơ, phải chăng để nhấn mạnh sự thiếu thốn mọi bề, chỉ có xiềng xích, gông cùm là sẵn có?

Cứ tưởng trong hoàn cảnh ấy sẽ chẳng có tâm trí mà ngắm trọn vầng trăng đẹp đẽ ngoài kia, ấy vậy mà trước ánh trăng đang chiếu rọi bên ngoài kia, Người vẫn thật xúc động mà nói lên hoàn cảnh của mình. Hoàn cảnh ngắm trăng của Người thật đặc biệt, thế nhưng điều đó chẳng làm tâm hồn Người khỏi xúc động trước vẻ đẹp của vầng trăng vĩnh cửu kia. Tâm hồn nhạy cảm của một thi nhân trong Bác đang bị rung động thật mạnh bởi cái đẹp của vầng trăng kia. Người bối rối, xúc động, không biết nên làm sao “nại nhược hà”. Vầng trăng tròn lơ lửng giữa không trung, tự do giữa bầu trời cao rộng. Điều đó dường như đã làm dấy lên một niềm khao khát tự do thật mạnh mẽ trong Người, thôi thúc được thoát ra, được hòa mình vào cùng thiên nhiên ấy.

Trong hoàn cảnh thiếu thốn ấy, nghịch cảnh ấy, tâm hồn Bác đã vượt ra khỏi chốn lao tù chật hẹp để bay lên làm bạn cùng vầng trăng trên cao. Trong những giờ phút nguy nan, căng thẳng nhất của cuộc đời, Bác vẫn để cho tâm hồn mình tìm về với thiên nhiên, tìm về với những chốn bình yên nhất của cuộc sống. Đó chắc hẳn cũng là một phương thức để tạo ra sự thư thái Người dùng để cân bằng lại cuộc sống vốn nhiều lo toan của mình. Cuộc sống trong ngục từ khốn khó là thế, thân xác bị tù đày là vậy, nhưng những lời thơ của Bác vẫn bay bổng trong không gian, “vượt lao tù” đến với thế giới rộng lớn, tự tại ngoài kia.

Bằng tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, cái nhìn đầy tinh tế, Hồ Chí Minh đã vẽ lên cho chúng ta thấy một không gian thật cao rộng của bầu trời với ánh trăng sáng đang chiếu rọi ngoài kia. Ngắm trăng với Bác không chỉ là một thú chơi tao nhã mà còn là biểu hiện của một tâm hồn thiết tha yêu thiên nhiên, yêu trăng như bạn hiền. Người ở trong ngục mà vẫn ung dung ngồi ngắm trăng thì quả thật tâm hồn ấy, ý chí ấy thật lạc quan, thật mạnh mẽ biết bao.

Bước sang hai câu thơ sau, vẫn với cái phong thái ung dung như một nhà hiền triết, Người tả lại việc ngắm trăng của mình thật chân thực đến khó tin:

“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia”

Dịch thơ:

(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ)

Phải nói, từ cổ chí kim đến nay, chẳng có mấy ai lại có một hoàn cảnh ngắm trăng kì lạ như Bác. Đang bị giam trong ngục tù, vậy mà tâm trí vẫn chỉ hướng theo ánh trăng sáng tỏ bầu trời kia, ung dung trước những khó khăn đang gặp phải trước mắt. Đọc hai câu thơ cuối, người đọc nhận ra ba nhân vật trung tâm của bức tranh tả cảnh của Hồ Chí Minh: người, trăng và cái song sắt của nhà tù.

Trong nguyên tác của Người, Người đã khéo léo lồng vào trong từng câu chữ dụng ý của mình. Người để hình ảnh con người xuất hiện trước tiên, đến song sắt rồi đến ánh trăng, đến câu kết thì lại đảo ngược lại. Hai người bạn tri kỉ của nhau nhưng lại cách nhau một cái song sắt nhà tù. Ngoài kia là ánh trăng rực rỡ đang mời gọi người thi nhân, vậy mà thi nhân chỉ có thể lặng im đứng ngắm nhìn. Thế nhưng ngẫm lại mới thấy cái nhìn lặng im ấy thật tha thiết, nồng nàn biết bao.

Với một phép nhân hóa tài tình, Hồ Chí Minh đã biến vầng trăng kia trở thành một con người thực thụ. Con người “trăng” ấy cũng đang đối diện ngắm lại thi nhân của chúng ta. Ở đây cái đẹp, chủ thể trong câu thơ đã bị đảo ngược lại. Thi nhân giờ đây mới là chủ thể, là cái đẹp đang tỏa sáng trong ngục tù khiến vầng trăng phải ngước nhìn. Câu thơ này, Hồ Chí Minh đặc biệt sử dụng từ “tòng – nhòm” để gợi tả lên cái nhìn của vầng trăng. Cái nhìn ấy có vẻ như còn đang nghi ngại, xót xa cho hoàn cảnh của người thi nhân trong ngục.

Hai câu thơ cuối, chúng ta thấy hòa quyện trong đó chất lãng mạn cùng với chất hiện thực và cả chất chiến sĩ hòa quyện cùng thì nhân. Một thi nhân, một chiến sĩ Cách mạng ở lao tù mà vẫn điềm tĩnh ngắm nhìn vầng trăng qua khe cửa sổ, đó là biểu hiện của một tâm hồn lạc quan, một ý chí mạnh mẽ trước cuộc đời. Mở đầu bằng “ngục trung” nhưng kết lại lại là “thi gia”, ở đây chẳng có một tù nhân trong ngục nào cả. Vậy mới thấy tuy thân xác Bác có rơi vào tăm tối, nơi lao tù chật hẹp thì tâm hồn Người vẫn tự do yêu đời, yêu thiên nhiên, bay bổng cùng thiên nhiên.

Bài thơ khép lại nhưng đọng lại trong chúng ta vẫn là hình ảnh đẹp đẽ vô cùng của người tù Cách mạng Hồ Chí Minh. Dù trong chốn ngục tù tối tăm, Người vẫn luôn có cách để ánh sáng chiếu rọi vào đó, để khẳng định một tâm hồn tràn ngập tình yêu cuộc đời, thiên nhiên.

Hồ Chí Minh qua “Vọng Nguyệt” đã cho chúng ta một bài học về nhân sinh trong cuộc sống. Đó là dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn lạc quan, yêu đời, vượt lên trên hoàn cảnh. Ngay trong ngục tù, Người vẫn có thể ngắm trăng, thưởng trăng, tâm hồn ấy thật lạc quan biết mấy. Đó là tâm hồn tràn ngập tự do, tràn ngập tình yêu đời, lạc quan về cuộc sống, vượt mọi hoàn cảnh để tìm đến với tự do, đúng như tinh thần mà tiêu để của tập thơ “Nhật kí trong tù” đề cập đến:

“Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao”.

—————-HẾT—————

Bài thơ Ngắm trăng được Bác sáng tác trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, trong song sắt của nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác đã hướng tâm hồn, tình yêu của mình đến vầng trăng của thiên nhiên. Tìm hiểu về những đặc sắc về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh, Phân tích bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng) của Hồ Chí Minh, Phân tích vẻ đẹp của bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh, Hình ảnh Bác Hồ hiện lên qua bài thơ Ngắm trăng.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-bai-tho-ngam-trang-cua-ho-chi-minh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp