Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân

0
124
Rate this post

Đề bài: Em hãy trình bày Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

cam nhan ve buc tranh thien nhien trong canh ngay xuan

Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân
 

Bạn đang xem: Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân

I. Dàn ý Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về bức tranh thiên nhiên trong “Cảnh ngày xuân”: Đoạn trích” Cảnh ngày xuân” là một bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, đẹp đẽ và có hồn nhất trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

2. Thân bài

– Vẻ đẹp ngày xuân trong trẻo và bình yên đến lạ thường trong buổi bình minh:
+ Cánh én đưa thoi trên bầu trời cao rộng
+ Ánh sáng hồng ấm áp , rực rỡ của mùa xuân
+ Cỏ non xanh mướt kéo dài tận chân trời
+ Hoa lê trắng tinh khiết điểm xuyết giữa nền xanh của lá…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân (Chuẩn)

Nguyễn Du là đại thi hào của văn học dân tộc Việt Nam. Kiệt tác ” Truyện Kiều” được xem là quốc hồn, quốc túy của dân tộc ta qua bao thời đại. Trong tác phẩm, ta không chỉ được sống với từng cảm xúc, từng dòng tâm trạng của nhân vật mà còn được thưởng thức những bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ qua bút pháp miêu tả tinh tế và độc đáo của tác giả. Đoạn trích” Cảnh ngày xuân” là một bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, đẹp đẽ và có hồn nhất trong tác phẩm.

“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”

Vẻ đẹp ngày xuân trong trẻo và bình yên đến lạ thường, trên bầu trời xanh trong có cánh én đưa thoi. Dù mùa xuân đã bước sang tháng ba, tháng cuối cùng của mùa xinh đẹp nhất trong năm nhưng ánh sáng ngày xuân vẫn còn mang đầy sức sống. Thời gian vẫn vô tình trôi nhanh, nhưng mùa xuân vẫn mang đến cho vạn vật nét đẹp rạng rỡ, ấm áp tròn đầy nhất, tươi sáng nhất. Dường như, trước mắt ta là hình ảnh cánh én đang tung tăng, bay lượn giữa một bầu không gian đầy thơ mộng, yên bình, cánh én mang sức xuân bay về muôn nẻo.

” Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Khoảng không là bầu trời cao rộng, xanh trong, dưới đất là những áng cỏ xanh rờn nối đuôi nhau ” tận chân trời”. Những thảm cỏ thật đẹp, thật mênh mông, vô tận. Xuân đến cho cây cỏ xanh tươi, mang vẻ mơn mởn, hấp dẫn quyến rũ nhất. Khoảng không dường như rộng hơn, xa hơn và đẹp hơn. Phải chăng đó cũng là tình yêu của tác giả dành cho xuân, cũng mênh mang, dịu dàng, đằm thắm.

Giữa màu xanh của cỏ ấy, điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng tạo nên sự hài hoà khó tả. Màu trắng của hoa lê trên cành giữa sắc xanh của lá, của cỏ cây gợi sự nhẹ nhàng, trong ngần khiến bức tranh mùa xuân đẹp đẽ, thân thương đến lạ. Xuân lúc này đây vừa căng tràn nhựa sống vừa có nét gì đó nhu mì, nhẹ nhàng, gợi cảm. Thiên nhiên trong bức tranh mùa xuân khoáng đạt, tinh khôi, thanh nhẹ bởi vẻ đẹp kiều diễm của hoa lê hoà trong nàng cỏ xanh mơn cùng cánh én êm đềm chao liệng. Tất cả đất trời, vạn vật đều thật trong trẻo, vui tươi, sức sống tràn đầy, viên mãn và dường như tâm hồn con người lúc này cũng vậy, đang háo hức, phấn chấn và mơ mộng, tin yêu.

Trong buổi chiều tà, khi hội đạp thanh, lễ tảo mộ đã vãn, thiên nhiên giờ đây lại mang nét buồn man mác, khiến lòng người không khỏi trĩu ưu tư.

” Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dang tay ra về
Dập dìu theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”

Trong vãn cảnh, thiên nhiên nhuốm màu tâm trạng của lòng người, chút tiếc nuối, nâng niu nhưng nét xuân gợi nỗi bâng khuâng, xao xuyến. Ánh mặt trời dần buông xuống cũng là lúc mà không gian dường như hẹp hơn, tất cả như trở nên bé nhỏ hơn rất nhiều. Thiên nhiên vẫn yên bình nhưng không sôi nổi, dạt dào nữa mà tĩnh lặng hơn, nhẹ nhàng hơn. Dòng nước uốn quanh, nhỏ bé, chảy chầm chậm theo nhịp trôi thời gian, từng bước chân dường như chậm hơn, buồn hơn giữa phong cảnh “thanh thanh” trong ánh sáng nhạt màu. Cảnh có người, có sông, có nước, có cỏ cây và ánh sáng, một bức hoạ với những nét vẽ uyển chuyển, nhẹ nhàng được hiện ra trong cảnh chiều tà. Cảnh đang mang nỗi gì đó thê lương, lòng bịn rịn nuối tiếc của người về .

Các từ láy “tà tà”, “thanh thanh”, “nao nao” góp phần rất lớn vào việc đặc tả bức tranh xuân nhỏ bé buổi chiều xuống. Không khí hội xuân đang tắt dần như báo trước một điều gì đó trong tương lai gần sắp xảy ra của cuộc đời Kiều vậy.

Bằng việc sử dụng những hình ảnh quen thuộc, bình dị, ngôn ngữ miêu tả sống động, kết hợp hài hoà những tính từ láy với các danh từ, miêu tả cảnh vật theo trình tự thời gian, bức tranh xuân hiện ra đẹp đẽ và để lại nhiều xúc cảm. Qua đó, ta thấy được một tâm hồn yêu thiên nhiên thiết tha, một trái tim nhạy cảm và cảm quan tinh tế trước cảnh vật tác giả mới viết nên những vần thơ tuyệt vời như thế.

—————HẾT————–

Bên cạnh bài Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân, để thấy hết được cái hay, nét độc đáo trong đoạn trích Cảnh ngày xuân các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận bốn câu thơ đầu trong đoạn trích Cảnh ngày xuân, Bức tranh xuân trong Cảnh ngày xuân và Mùa xuân nho nhỏ, Phân tích sáu câu thơ cuối trong đoạn trích Cảnh ngày xuân, Bức tranh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-buc-tranh-thien-nhien-trong-canh-ngay-xuan/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp